1972
Năm ấy giặc Mỹ ném bom định hủy diệt các con đường tiếp viện từ Bắc vào Nam. Tôi được cử đến một đơn vị Thanh niên xung phong công tác. Tôi đạp xe suốt một đêm để về đoạn đường nổi tiếng là ác liệt chạy dọc theo dãy Trường Sơn. Sáng sớm, tôi đến bến đò. Con sông đang mùa cạn. Lòng sông đầy sỏi. Tôi vục tay xuống nước rửa mặt. Nước sông mát lạnh làm tôi tỉnh cả người. Một tay vịn xe, một tay tôi rút lược chải tóc. Tôi biết: đơn vị thanh niên mà tôi sắp đến gồm toàn con trai, con gái thủ đô. Leo lên cái dốc bên cạnh một công xưởng sản xuất tà vẹt gỗ, tôi đạp xe độ nửa giờ thì thấy rú Ngước đã ở trước mặt.
Đó là hòn rú cao nhất trong dãy đồi trùng điệp chạy dài lẫn vào màu xanh của rừng núi phía Tây. Con đường đỏ uốn lượn, lên xuống giữa những quả đồi. Đến đây, nó bị rú Ngước chặn ngang. Không biết từ bao giờ, người ta đã bạt đi một góc núi, lấy lối cho con đường vắt qua. Đường trở nên hẹp. Một bên là vách núi dựng đứng, người đi qua, ngước lên mỏi cổ. Một bên là vực. Nước mưa dồn xuống, tạo thành một con lạch nhỏ. Đứng trên nhìn, mặt nước lấp lánh sau những bụi hoa dại.
Đến gần rú Ngước, tôi xuống xe. Những hố bom mới lấp đất đá còn lổn nhổn. Đằng kia, mấy cô gái đang hè nhau vần một tảng đá khá to rơi chắn giữa đường. Các cô làm việc lặng lẽ. Nhưng cứ xem những lằn áo căng ra trên bả vai, ở bắp chân thì biết chị em đang cố gắng lắm. Tìm chỗ để xe xong, tôi bước đến:
- Xê tám ba tư đây, phải không các cô?
Các cô nhìn tôi, không ai trả lời. Rồi các cô lại nhìn nhau. Một cô, dáng chừng là chỉ huy, đứng thẳng người, xoa hai tay hỏi lại:
- Anh hỏi để làm gì?
Tôi nghĩ thầm: đúng rồi đây. Vừa lúc ấy, có tiếng máy bay. Cô gái khoát tay, ra lệnh:
- Xuống hầm.
Mọi người tản ra. Không hiểu sao, tôi lại chạy theo cô gái ấy. Có lẽ đó là một phản ứng tự nhiên của người ở xa vừa đến, chưa quen thung thổ, bám lấy người chỉ huy mặt trận. Cô gái không chạy ra mà lại chạy vào phía chân rú. Chúng tôi đứng lại trên miệng chiếc hố một. Cô gái nhìn tôi. Rồi cô chỉ tay ngược lại phía sau:
- Anh xuống kia. ở đấy có nhiều hầm.
Tôi nhìn theo tay cô, hơi ngượng, khó xử. Với sự nhạy cảm và lịch sự vốn có của người Hà Nội, cô đổi giọng:
- Em phải ở đây. Còn đếm bom.
Tôi đã lấy lại bình tĩnh, gượng cười:
- Cô cứ làm nhiệm vụ. Tôi giúp cô.
Cô gái nói ngay:
- Thế thì anh xuống hầm đi.
Tôi rút tấm vải màn nhuộm xanh trong xắc-cốt ra quàng lên vai áo vốn đã được nhuộm xanh, và đùa:
- Ai lại đi tranh hầm của cô, cô xuống đi thôi.
Tiếng máy bay to lên rất nhanh, rít veo. Chúng đang lao thẳng đến.
Cô gái giật tay tôi:
- Xuống đi anh!
Cái hầm một chứa hai người. Trống ngực tôi đập thình thịch. Tôi cố sức nép chặt vào vách hầm. Thật tình mà nói, tôi không sợ máy bay Mỹ. Tốp máy bay sà thấp, vút qua, tiếng rít như xé. Cô gái nói:
- Bọn "vũ trang tuần thám" đấy thôi.
Cô chống tay trên miệng hầm, nhảy lên mặt đất, còn dặn:
- Anh hẵng cứ thong thả.
Tôi ngước mắt nhìn. Cô gái đi dép cao su. Chiếc quần đen ngắn ống để lộ những mắt cá nhỏ và cổ chân trăng trắng; nó không kịp sờn gấu, có lẽ vì sức lớn nhanh như thổi của cô. Chiếc áo màu cỏ, kiểu bộ đội, rộng xúng xính, không che lấp được vóc người to xương và các bắp thịt bắt đầu nở nang. Hai bím tóc ngắn, cuộn tròn lại sau đôi tai nhỏ, như hai quả đào. Dưới chiếc cằm lẹm đẫm mồ hôi, thoáng thấy những đốm trắng vệt cám. Trong cô như một búp măng tròn đang gặp mưa, đội đất mọc vượt lên. Sau lưng cô là vách rú Ngước. Cát vàng, sỏi đá quện chặt với nhau, nom vách núi như được đúc bằng bê-tông. Thế mà những bụi hoa dại vẫn mọc được, đâm cành, xanh thẫm. Bầu trời buổi sáng sớm không một gợn mây. Cô gái nói:
- Nó đi rồi.
Cô quay xuống dốc gọi to:
- Làm thôi các cậu ơi!

*

Khi tôi hỏi đến Hà, các anh trong ban chỉ huy Xê tám ba tư liền bảo: "Một cô A trưởng loại cứng đấy! Tiến bộ nhanh lắm! Ngày cô nhập ngũ mới buồn cười chứ. Trong khai sinh, cô ta chưa đầy mười lăm tuổi. Nhưng cô đến gặp bọn này khăng khăng là "em mười bảy tuổi". Nhìn tướng cô, đã to khỏe, đúng là mười bảy thật. Nhưng nhìn giấy tờ, rõ ràng là chưa đến mười lăm. Không được! Thôi cô chịu khó về nhà, chờ vài năm nữa. Cô dỗi: "Vài năm nữa thì các anh đánh hết cả Mỹ rồi, còn đâu đến phần em! Không cho, em cũng cứ đi!". Thế là ở đây ăn vạ! Ăn thì được thôi, nhưng đi thì không được. Trước hôm bọn này xuất quân một ngày, phải cho một cô A trưởng và một cô đội viên nữa "áp giải" Hà đến tận nhà cô ta. Bố cô đi đánh giặc xa. Nhà còn hai mẹ con. Bà mẹ thấy cô ít tuổi, chưa muốn cho đi. Chị em cầm tay Hà, đặt vào tận tay mẹ. "Mẹ ạ, đây là Hà. Còn đây là tất cả giấy tờ khai sinh, đơn tình nguyện. Chúng con xin gửi lại mẹ.". Bà mẹ ôm Hà vào lòng, vuốt tóc con: "Thôi vài năm nữa lớn rồi đi con". Chị em chào mẹ, bước ra. Thế là Hà òa lên khóc. A trưởng và cô đội viên cũng nước mắt nước mũi dứt áo ra đi! Cái hôm chúng tôi ra ga, lên đường, bỗng thấy mẹ Hà đến hỏi con. Hà trốn ở đâu? Điểm mặt mấy trăm quân đều không thấy. Lo quá! Đành nhờ công an tìm giúp. Nhưng cũng không thấy Hà đâu. Tàu sắp chuyển bánh. Mẹ Hà hai chân không yên, như người đứng trên đống lửa. Chúng tôi cùng mẹ đi lùng khắp hết các toa, từ đầu đến cuối đoàn tàu. Không hề thấy bóng Hà. Chúng tôi cầm tay mẹ. "Thôi mẹ ở lại. Có đồng chí công an đây. Cô ấy không trốn theo chúng con đâu". Còi tàu giục tu. tu. Tàu bắt đầu chuyển bánh. Bỗng từ buồng xép của một toa tàu, cánh cửa bật lên. Hà nhoài cả người ra, đưa tay vẫy mẹ: "Mẹ ơi! Mẹ ở lại, con đi đánh Mỹ, mẹ ơi!" Rồi miệng nở cười mà nước mắt cô rơi. Đến Ngã Tư Vọng, tàu đỗ lại. Đồng chí công an khi nãy đã lên mô tô đuổi theo tàu, đứng chờ sẵn ở sân ga. Đồng chí mời Hà xuống. Chúng tôi cũng đến dỗ cô. Chị em xúm lại cầm tay, dìu Hà xuống tàu. Hà khóc nức nở. Cô nói: "Thằng Mỹ cướp nước. Các anh không cho em đi giữ nước! Các anh ơi!" Cô vùng tay thật mạnh. Các cô gái ào xuống, vừa khóc vừa dìu Hà trở lên toa: "Thôi thôi, chúng em nhất định không cho ai bắt Hà ở lại cả!" Đồng chí công an đứng sững sờ. Chúng tôi chẳng dám hé răng, sợ mở miệng ra thì lại khóc nấc lên như một đứa trẻ. Đến khi tàu chuyển bánh, Hà nhoài người ra ngoài cửa sổ, quệt nước mắt, vừa cười vừa đưa tay vẫy anh công an: "Đồng chí về nói hộ mẹ em là em đi đánh Mỹ. Mẹ đừng buồn, bao giờ hết giặc, em lại về!"
Buổi trưa ấy, cơm xong, tôi đến tìm Hà hỏi chuyện. Ba bốn cô ở với nhau một nhà, ba lô đồ đạc bày biện rất gọn. Hà đương trùm chăn ngủ. Chị em kể chuyện:
- Nói về tuổi, A trưởng của chúng em bé nhất tiểu đội. Nhưng nói về tinh thần và cung cách đánh Mỹ thì không chê được. Lại rất ham học. Lúc đầu, chúng em vào con đường chiến lược. Dừng quân lại, anh chỉ huy chỉ tay ra trước mặt bảo: "Doanh trại chúng ta đây". Thế nào? Nhìn quanh: Toàn rừng xanh, và một con đường đất đỏ. Cái Hà nó hỏi: "Thế Mỹ đâu?". Các anh chỉ những hố bom nham nhở chung quanh. Nó hiểu ra, dãy lên: "Thôi cho em về. Em đi bộ đội cơ!". Con bé, người ta học nhiệm vụ mấy ngày trước, nó đến sau, có học đâu. Nhưng đến đêm, thấy những chiếc xe kéo pháo rùng rùng lăn bánh qua những hố bom mới lấp, ra mặt trận, thì nó không đòi về nữa. Lúc đầu, khổ ghê! Mưa rừng, sên vắt, ban ngày cũng tối mù mù. Mỗi A lĩnh về một rá cơm và một gói muối. Về sau, muối cũng chỉ có ít, không để riêng ăn như mọi khi được, cái Hà bảo: "Cứ cho tuốt vào rá, xốc xốc lên, trộn lẫn với cơm. Hạt muối cũng phải cắn làm mười hai miếng. Thế mới đánh được Mỹ!" Nhưng mà chẳng có đứa nào kêu cả, anh ạ! Chúng em phạt rừng, chém tre, đẵn gỗ, cắt tranh, làm lán trại. Chưa đầy một tháng, đã có nhà, có bếp, có giường ngủ, có bàn ăn, có câu lạc bộ. Mỗi A nữ chúng em có riêng một nhà tắm. Buổi tối, cái Hà cứ véo von ngâm thơ: "Bàn tay ta làm nên tất cả. Với sức người tre lá cũng thành. phên!" Cả tiểu đội cười ầm. Phên thì xoàng quá! Thành giường, cũng không được. Thành lán nghe chối ta. Đành hát câu thơ cũ: "Với sức người sỏi đá cũng thành cơm". Cái Hà không chịu. "Cơm bây giờ có Nhà nước lo, mỗi tháng ta cứ đánh thông hăm mấy cân gạo! à, thế này: Với sức người sỏi đá cũng thành rau! úi giời ui, tớ thèm rau chết được các cậu ạ!" Thế là lại làm rau. Rồi quần áo đến, chăn màn đến, thịt cá đến. Quần áo chăn màn chưa đủ khắp, thịt ướp, cá khô nhưng chúng em đã sướng rồi. Cái Hà bảo: "Còn chiến tranh, còn phải hy sinh cứu nước!". Lúc ấy, nó đã được cử làm A trưởng rồi. Nó nói như sách ấy. Chúng em yêu nó và nghe theo. Vì nó nói thế nào, nó làm thế ấy. Bây giờ, anh biết làm cách nào gọi nó dậy không?
Tôi cười, lắc đầu:
- Thôi, để cho cô ấy ngủ.
- Nó thì lúc nào cũng ngủ được, mà lúc nào cũng thức được. Hà ơi! Dậy!
Hà kéo chăn xuống, mở mắt ra. Cô nhoẻn cười. Đôi má tròn căng đầy lên:
- Cái gì đấy hở?
- Anh Thanh đang dạy bài tính lấp hố bom thật nhanh đây này!
- Thế à?
Hà tung chăn ngồi dậy, mắt ráo hoảnh. Cô lục tìm quyển sổ bìa cứng, khổ bằng bàn tay, dày cộp, rồi cầm bút sang ngồi bên bàn cạnh tôi:
- Tính thế nào, hở anh?
Các cô gái cười ầm lên. Hà ngơ ngác hỏi:
- Gì thế các cậu?
Cô nhảy sang giường với cái túi nhỏ treo trên vách, lấy gương soi. Trong gương, một cô gái xinh đẹp, mắt sáng, má ửng hồng, đang làm duyên với Hà. Mặt mũi cô vẫn trắng mịn không có vết nhọ nào, chỉ có mấy sợi tóc rũ lòa xòa trên má. Hà sửa lại mái tóc, cất gương. Tôi với tay cầm quyển sổ. Hà bảo:
- ấy, anh lật phía kia.
- Bên này thì sao?
- Bên này: Cấm!
Một cô mách:
- Bên này nó ghi nhật ký đấy anh ạ.
Tôi mỉm cười, nhìn Hà. Tôi rất muốn xem những trang tâm tình ấy. Nhưng, để tỏ mình biết tôn trọng cô gái, tôi lật quyển sổ lại. Từng trang, từng trang, quyển sổ ghi những bước đường công tác và chiến đấu của cô. những công thức, những hình vẽ, những con số, những chú thích ngắn gọn. Sơ đồ xe cải tiến, cách lấy đường ngắm bắn máy bay, cách lên ta-luy đường, cách rải đá.
Tôi nghĩ: cô này hiểu được tầm quan trọng của kỹ thuật đây. Còn tâm tính thế nào? Tôi ngước mắt lên hỏi:
- Cô cho phép tôi xem phía sau một tí thôi nhé.
Hà ngần ngừ:
- Nhưng anh không được cười, không được chê, không được bàn với ai.
Tôi gật đầu ngay:
- Xin cam đoan!
Hà mặc cả:
- Xong anh phải dạy em công thức tính hố bom.
- Đồng ý.
Hà để yên cho tôi xem phía sau quyển sổ. Trang đầu, chữ viết nghiêng, nắn nót: "Miền Nam trong trái tim tôi "Hồ Chí Minh". Theo đúng lời cam kết, tôi không nói câu nào, giở sang trang: "Ta muốn lướt cơn gió mạnh cưỡi đầu sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch quân thù ra ngoài bờ cõi, chứ không muốn cúi đầu cong lưng làm tì thiếp cho người." Dưới đề Bà Triệu. Tôi nghĩ: Con gái mười mấy tuổi đầu, làm tiểu đội trưởng, mà chí đã. Bất giác, tôi mỉm cười.
Hà ngồi theo dõi nét mặt tôi. Đến đây, Hà đứng dậy, giật lấy quyển sổ:
- Thôi, anh trả em đây. Anh lại cười rồi.
Tôi phân trần:
- Nào tôi có cười đâu.
- Không, anh nói dối. Em chẳng cho anh xem nữa.
Cô mang luôn quyển sổ đem cất. Các cô khác hỏi:
- Kìa, thế không học à?
Hà đứng lại, quay đầu nhìn tôi, quyển sổ cầm nơi tay. Tôi cười, có ý xin lỗi. Chị em dỗ:
- Thôi, đừng có dỗi. Lại đây.
Hà, nét mặt ngây thơ như một đứa trẻ, lại mang sổ đến. Các cô gái khác cũng xúm quanh. Tôi chỉ vào một hình vẽ lạ trong sổ của Hà:
- Cái gì đây? Cái cuốc sao lại thế này?
Các cô cười rúc rích. Một cô bảo:
- Cuốc chim đấy anh ạ. Hôm ấy chúng em cuốc đường, sửa lại một đoạn bị bom đánh nứt nẻ cả. Đá rắn lắm cơ, rắn như sắt ấy. Mà đất đỏ đóng chặt như xi măng! Đứa nào đứa nấy bỏng rộp cả tay. Cái Hà mới nghĩ cách rèn lại cuốc. Nó vẽ vào đây. Đây, bao nhiêu là kiểu cuốc! Nhưng mà lò rèn chúng em toàn những thợ bậc dê-rô cả, gõ kì cạch nhì nhằng chữa dụng cụ xoàng thôi, đánh sao được cuốc. Cái Hà nó bỏ cả một ngày nghỉ, đeo ba lô, vác hẳn một lưỡi cuốc đi bộ, qua sông, tìm đến một xưởng cơ khí sơ tán ở vùng ấy, nì nèo các anh công nhân dạy và đánh cho một lưỡi cuốc, như đi vòi kẹo. Nó kể lể hết mọi cái khó trên mặt đường. Rồi mở ba lô ra cho các anh xem một chứng từ: tức là một mảng đường có đủ đá xanh và đất đỏ, to như cái bánh chưng tết! Các anh lắc đầu, phục lăn nó! Rồi liền bàn nhau đánh cho nó lưỡi cuốc theo kiểu này. Đây. Nướng mấy đỏ, đánh cách nào, nó ghi ở đây. Đến tận đêm hôm ấy, nó mới mò về, quần thì rách gấu, miệng thì cười toét. Thế là các bạn nam xúm lại cứ theo kiểu nó chỉ cho mà rèn. Rèn một lô cuốc mang ra, trị được cái đường "ác liệt" ấy. Ban chỉ huy khen. Cấp trên gửi giấy khen. Hôm lên nhận giấy, nó bắt tay xong rồi nói tỉnh bơ: "Em chỉ có hăng hái thôi. Còn cuốc được đường là do các anh công nhân dạy. Đề nghị cấp cho các anh ấy một cái giấy khen nữa. Không thì em mang cái giấy này sang cho các anh!" Ban chỉ huy đồng ý, vừa cười vừa gật đầu lia lịa. Không nó mang sang thật đấy!
Vừa lúc đó, bỗng có tiếng máy bay gào rít ào ào. Tiếp theo là một tràng súng máy và những tiếng nổ của bom, phía rú Ngước. Hà giật mình kêu lên:
- Chết rồi! Khéo trúng mặt đường!
Cô vớ lấy chiếc mũ, chụp lên đầu, rồi xách súng biến đi.
Hà đoán không sai: mấy quả bom Mỹ đã rơi trúng mặt đường. Một quả đào hố sâu và rộng như cái giếng làng! Nhìn thấy cái hố ấy, tôi lo lắm; lấp nó phải mất vài trăm công là ít. Thiếu người đã đành, nhưng còn thời gian? Để đường tắc vài đêm thì gay go lắm! Nhưng điều lo ngại nhất của tôi vẫn chưa phải là cái hố bom ấy. Mà là chỗ đất bị bom sạt xuống ở rú Ngước, lấp mất cả đường. Chỗ này mới mất nhiều công đây và có thể còn mất xương máu. Một bên là vách rú dựng đứng, một bên là vực có đường thủy đang khai thông. Không chỗ ẩn nấp, không chỗ thoát đất. Gay go quá!
Buổi chiều, chúng tôi ăn cơm sớm. Vừa ăn, tôi vừa bàn cách thông đường với các đồng chí trong ban chỉ huy. Anh Xê trưởng nói:
- Chúng tôi định cho quân xúc đất ở rú Ngước chuyển về lấp hố bom tấn, anh ạ. Như vậy, đỡ tốn khá nhiều công.
Tôi vừa nhai cơm vừa ậm ừ. ý kiến của anh Xê trưởng hay đấy. Nhưng tôi còn phân vân, vì một lẽ; chỉ tính sơ qua, Xê tám ba tư phải làm việc này mất ít nhất ba hôm, lại dồn hết người vào chỗ nguy hiểm. Tôi biết: đường hỏng, thế nào nó cũng rình suốt để đánh xe tắc ở hai đầu và đánh người sửa chữa ở giữa. Tôi được Ty cử lên đây với một nhiệm vụ rất rõ ràng: Giúp Xê tám ba tư mở thông rú Ngước, không được để tắc đường đêm nào. Hôm qua, khi tôi ra đi, đồng chí Ty trưởng còn vỗ vai: "Trên nhận định nó sắp cắt đường 17B ở rú Ngước. Vì vậy mới cử cậu lên chốt ở đấy". Phải có biện pháp kỹ thuật tốt mới có hiệu quả lớn. Tôi nghĩ vậy. Nhưng sáng kiến có phải lúc nào muốn là có ngay được đâu? Hừ, giá có ai nghiên cứu qui luật phát sinh và phát triển của những sáng kiến thì hay nhỉ?
Vừa lúc ấy, Hà ở đâu chạy vào. Mặt cô đỏ ửng, hơi thở gấp. Có lẽ cô xúc động lắm. Một hạt cơm trắng còn dính dưới cằm cô! Xê trưởng hỏi:
- Cơm chưa?
- Đang ăn.
- Để phần cho ai đấy?
- Đâu?
Hà cười ngượng nghịu đưa tay lên chùi mép. Hạt cơm vẫn còn đấy, dưới cằm cô. Chúng tôi cười. Hà càng ngượng, đỏ mặt quay đi, giơ tay áo quệt ngang hai má. Y như một cô bé mười tuổi vậy! Cô bước ra, định chạy đi. Xê trưởng gọi giật:
- Này, có việc gì đấy?
Hà ngập ngừng ở cửa:
- Em định.
Xê trưởng cười:
- Thôi sạch rồi! Vào đây. Có việc gì thì vào đây đã. Lại sắp dỗi đấy phỏng?
Hà quay lại, nhoẻn cười. Cô đến, rút dép ngồi xuống đất, bên cạnh chúng tôi:
- Em vừa nghĩ ra một cách cho xe vượt hố bom. Rất nhanh!
Tôi đặt bát xuống:
- Cách thế nào?
Hà tròn mắt, giơ một ngón tay lên:
- Cầu cạn! Cầu cạn, anh ạ! Cho xe thông được đêm nay. Sau, lấp đất dần.
Gần mười năm làm kỹ thuật cầu đường, tôi đánh giá ngay sáng kiến ấy: Tuyệt! Tuyệt thật! Cô bé này giỏi quá!
Như sợ chúng tôi chưa hiểu, Hà nói, giọng đứt quãng, sôi nổi:
- Hố bom nó. như cái bát này (Hà cầm cái bát sắt của tôi, đặt cạch một cái xuống mâm ghép bằng thanh gỗ, trước mặt). Bây giờ ta chỉ cần thả hai tấm gỗ lớn ngang miệng hố là ô tô có thể lăn bánh qua được. (Cô giật luôn đôi đũa tôi đang cầm trên tay, gác ngang miệng bát). Đây, thế này. Rất nhanh!
- Nhưng mà ván nào chịu cho nổi?
- Thế nên em mới đi tìm anh Thanh, anh tính toán cho.
Xê trưởng đứng dậy lấy thêm bát đũa và nói:
- Được rồi. Ta sẽ bàn. Này, nhưng mà có đói thì bát đũa đây, xới cơm ăn đi, đừng giật bát của anh ấy.
Hà ngượng, đỏ mặt lên. Nhưng cô không từ chối bát cơm. Xê trưởng chan canh rau rừng cho cô, bỏ vào một ít mì chính nữa:
- Đây, thưởng sáng kiến.
Không hiểu sao tôi lại hỏi Hà một câu:
- Tại sao cô lại nghĩ ra được cái cầu cạn?
Hà đưa bát cho anh Xê trưởng xới tiếp:
- Em đi lĩnh cơm, trong thấy những cây gỗ to chúng em nhặt về định dựng nhà ăn. Thế là nghĩ.
Hay thật! Lúc nãy, theo các anh đi lĩnh cơm, tôi cũng đã trông thấy những cây gỗ ấy. Thế mà tôi chẳng nghĩ gì cả! Bây giờ thì. ừ. Rất nhiều cây gỗ phi ba mươi, dài trên ba mét. Miệng hố bom tôi đã đo là. ừ. được, được lắm. Nếu cần, chống thêm gỗ từ đáy hố lên. hoặc ghép mấy cây lại với nhau. Được! Tốt lắm!
- Thế tại sao cô trông thấy mấy cây gỗ, lại nghĩ đến cầu cạn?
- Em.. em. chẳng biết nữa. Từ khi trông thấy cái hố bom. em cứ nghĩ. nghĩ mãi. Và rồi em trông thấy mấy cây gỗ.
ừ. mình hỏi vớ vẩn thật.
Sau khi nghe ý kiến của tôi, Xê trưởng nói:
- Được đấy! Nhưng cái mặt cầu cạn giải quyết thế nào? Nó phải phẳng chứ, gỗ tròn thì.
Hà nói:
- Hay ta vạt gỗ đi, cho phẳng.
- Không được, tốn công, lại làm yếu gỗ.
Tôi nhìn Hà. Tự nhiên tôi nhớ đến quyển sổ. "Miền Nam ở trong trái tim tôi." Hà cũng nhìn tôi. ánh mắt cô sáng long lanh. Hai búi tóc như hai quả đào sau vành tai động đậy. "Em trông thấy mấy cây gỗ!" Thôi, phải rồi! Sáng nay khi qua sông Phố tôi cũng trông thấy một công trường sản xuất tà vẹt gỗ! Một ý nghĩ thoáng qua trong óc tôi như một tia lửa điện. Tôi hiểu làm sao để có được sáng kiến rồi. Tôi nói:
- Tôi sẽ đi xin, hoặc mượn một số tà vẹt ngoài sông Phố thôi, không cần nhiều. Ta ghép độ bốn cây gỗ to, đóng tà vẹt lên làm mặt cầu. Chỉ cần hai tấm như vậy là vừa đủ ô tô lăn bánh.
Hà reo lên:
- Phải! Phải rồi!
Anh Xê trưởng còn ngần ngại:
- Nhưng công đi vác về? Đường xa.
Tôi nghĩ rất nhanh, dường như không phải cố gắng gì:
- Tôi sẽ nhờ anh em lái xe. Trong lúc chờ thông đường, họ giúp ta một chuyến.
Anh Xê trưởng vỗ vai tôi:
- Phải đấy! Hướng suy nghĩ của anh là đúng. Bây giờ, tôi đi tổ chức thực hiện những cái ta đã bàn. Nhưng chúng ta vẫn còn cái đống đất ở rú Ngước đấy, anh Thanh ạ.
Nhìn dáng đi quả quyết và tất tả của anh, tôi chợt nghĩ: tìm ra sáng kiến và tìm cách biến nó thành sự thật, hai việc, việc nào khó hơn?

*

Chiều xuống, chiếc máy bay trinh sát vẫn lượn lờ quanh rú Ngước. Nó đang rình đoàn quân chữa đường.
Hà và tôi đứng dưới chiếc hố một ở chân rú Ngước. Không phải tình cờ mà Xê tám ba tư giao cho tiểu đội Hà chốt ở điểm này. Và nhiều lần, cô A trưởng đã tỏ ra xứng đáng với lòng tin của toàn đội. Nhưng lần này thì sao? Tấm vải ngụy trang màu đất núi che kín chúng tôi. Mái tóc của Hà, bên cạnh má tôi, thoáng lên một mùi thơm của nắng gió Trường Sơn. Đôi mắt Hà vẫn đăm đăm nhìn đống đất đổ xuống chắn gần hết con đường dưới chân rú Ngước. Hà như một chiến sĩ trinh sát đang ở tiền tiêu của mặt trận. Trên vách núi, những bụi hoa dại vẫn mọc, cành và lá nổi lên những nét rắn rỏi. Có điều là chúng đã bị phủ một lớp bụi đỏ, trong như những khóm cây bằng bột. Hà quay lại bảo tôi:
- Dọn chỗ ấy mất bao nhiêu công, hở anh?
- Khoảng hai trăm công.
Hà chỉ tay lên trời:
- Nhưng điều đáng ngại hơn là cái thằng kia. Bây giờ cho quân ra, nó gọi ép đến ngay.
Tôi gật đầu:
- Đúng. Phải nghĩ cách cho ít người vào mà năng suất cao.
- Phải chi dưới kia không có đường thủy, ta chuyển đất ra đổ ào xuống thì nhanh biết mấy, anh Thanh nhỉ!
- ừ.
- à này, anh tính xem: từ bờ vực này sang bờ lạch bên kia bao nhiêu mét?
Tôi tìm mấy vật chuẩn, ước lượng, nhẩm trong óc một lúc, rồi đáp:
- Hai mét tám.
Hà bỗng nắm lấy cánh tay tôi:
- Thế này anh nhé: Trồng mỗi cọc ở bờ vực, buộc vào đó một cây tre ba mét; gốc tre đeo vật nặng, ngọn tre móc sát đất. Ta quay ngọn tre sang bờ lạch bên kia, có người ở dưới đỡ sọt đất, đổ đi. Được không?
Hà nhìn tôi, chờ câu trả lời. Tôi thấy rõ ngực cô đang phập phồng vì niềm vui sướng mới. Đôi môi nhỏ hé cười để lộ hàm răng trắng muốt, đều đặn. Đôi mắt ánh lên một ngọn lửa từ bên trong, rực rỡ lạ lùng. Hai cánh mũi hếch hơi động đậy và đôi má hồng rung động lớp lông tơ. Tôi cảm thấy đôi mắt mình nong nóng.
Hà lắc vai tôi:
- Thế nào, anh?
- Xin lỗi Hà. Cho tôi một phút.
Sau đấy, tôi đáp, giọng bình tĩnh:
- Được đấy. Nhưng mà.
- Nhưng mà sao?
Hà lại nhìn tôi. Tôi chợt nghĩ: đôi mắt này lúc nào cũng đầy dấu hỏi và lúc nào cũng đầy những câu trả lời thông minh, táo bạo. Tôi kéo tấm vải ngụy trang che cho Hà, nói đùa:
- Nhưng mà em đừng tung ngụy trang ra, thằng O.V.10 kia nó trông thấy mái tóc em là nó sà xuống ngay.
Hà xì tôi:
- Nói chuyện với anh chán lắm!
Tôi bật cười:
- Nhưng mà anh lại lo về mặt khối lượng.
- Sao?
- Cách ấy cũng được, nhưng mỗi lần một sọt thì.
Hà hiểu. Cô cắn môi nhìn đống đất. Chợt cô quay lại:
- Thì ta tổ chức dây chuyền, rút ngắn thời gian, anh ạ. Làm nhiều đòn bẩy. Nhiều sọt đất, không để đòn bẩy chờ.
Tôi ngần ngại:
- Nhưng cũng mất nhiều người ra mặt đường.
Hà cúi xuống, đôi mắt chớp chớp:
- Biết làm sao được, hở anh?
Chiều tắt. Thằng V.O.10 chừng đã đói bụng, chuồn về. Chúng tôi lên mặt đường, đi quanh đống đất, Hà gỡ một bụi hoa trên vách rú bị đất phủ đè lên. Mấy bông hoa tím bật dậy, cánh và nhụy vẫn còn nguyên. Hà ngắt mấy bông, thổi bụi. Cô đi lại bờ vực, thả những bông hoa xuống. Cánh hoa xoay tít, rơi nhẹ như một chiếc dù con đang múa. Trong một phút, Hà như quên hết. Hà trở lại là một cô bé trong trò chơi lý thú của mình. Tôi đứng nhìn Hà cho đến khi cô quay lại nhìn tôi, nở một nụ cười rất ngây thơ. Tôi giục:
- Thôi ta về. Hẵng cứ chuẩn bị tre pheo, làm phương án của cô.
Hà vẫn còn tiếc rẻ. Cô đi lại phía sau đống đất:
- Ước gì có máy ủi, anh Thanh nhỉ!
Cô xòe hai bàn tay, áp cùi tay vào nhau, làm hiệu đẩy mạnh đống đất ra phía trước. Mà không chỉ có hai bàn tay, cả người cô, gương mặt, cái mũi hếch, đến hai quả đào sau tai như bật lên, đầy sức sống. Nhất là đôi mắt, với ánh lửa rực rỡ bên trong. Ngọn lửa ấy như bắt sang người tôi, làm cho đầu óc tôi lóe sáng. Tôi nói nhanh:
- Hà này, ta lấy một tấm ván to, buộc cáp ở hai đầu cho ô tô đến kéo!
Hà đứng sững một giây, bỗng cô xô cả người về phía trước, hai tay nắm chặt cánh tay tôi, lắc mạnh:
- Em thích anh quá!
Cô bỏ tôi ra, đứng ngắm tôi. Và cười.
Tôi hoàn toàn hiểu Hà; cô đang yêu rú Ngước, nơi thấm đầy mồ hôi và máu của đồng đội cô; cô đang yêu con đường ra trận, con đường máu thịt của cô.

*

Tiếng máy bay gầm rít trên rú Ngước. Từng chập, có những tiếng nổ lục bục trên không. Hàng chục chiếc đèn dù bật lên. Cả vùng đồi núi tràn trụa một thứ ánh sáng quái gở. Thấy rõ từng viên sỏi, từng cái gai của một bụi mây dại. Phía sau những vật ấy, là bóng đen, màu đen đặc. Trên đường, không một bóng người động đậy. Chị em trong tiểu đội Hà đứng áp lưng vào vách rú. ánh sáng soi rõ từng sợi tóc lóng lánh bên vành tai Hà. Trên kia nhìn xuống, mấy thằng ăn cướp chắc yên trí đây chỉ là cái rú. Hố bom còn đó, đống đất còn kia. Yên trí! Lúc đầu, cứ cách nửa giờ, chúng lại đến thả pháo sáng, kiểm soát một lần. Gần nửa đêm, chúng đến thưa hơn. Có lẽ chúng tính toán; nửa đêm rồi mà hố bom và đống đất hãy còn, nhất định đêm nay rú Ngước tắc; để bom và máy bay đi đánh chỗ khác, bao nhiêu là chỗ, khắp cả đất nước này kia mà. Đánh thế nào cho "hữu hiệu"! Thế mới là Mỹ chứ! Chẳng biết có đúng như vậy không nhưng những đợt pháo sáng cách nhau thưa dần, bốn lăm phút, rồi một giờ. Mọi việc sửa soạn đã xong, tôi bảo Hà:
- Các cô ở đây. Tôi điều "máy ủi" lên nhé.
Tôi chạy xuống phía dưới. ở quãng hố bom, anh Xê trưởng đã chỉ huy lao xong hai vệt cầu cạn. Mỗi tấm cầu nặng hàng tấn, từ chỗ ở đưa ra đây, rồi gác qua hố bom mà vẫn giữ được bí mật, bất ngờ. Đó chẳng phải chuyện chơi. Nhưng bây giờ, việc ấy đã xong. Tôi xem xét lại chiếc cầu khắp lượt lần cuối, và quả quyết; có thể cho xe nặng qua được!
Tôi đến một chiếc Zin ba cầu, có cuộn dây cáp to trước mũi, bám vào cửa xe leo lên bệ đứng và nói:
- Ta lên thôi đồng chí!
Đèn gầm bật sáng. Và chiếc xe nổ máy lăn bánh. Đồng chí lái xe mà tôi mới quen cách đây vài giờ, đã trở thành một người bạn thân, sẵn sàng ủng hộ chúng tôi. Điều đó dễ hiểu: đây là mặt trận. Mà ở mặt trận thì mọi người đều biết mình phải làm gì.
Chiếc xe lăn bánh qua cầu cạn. Gỗ ván kêu rắc rắc. Nghe tiếng kêu, tôi nghĩ: chắc lắm. Mặt cầu nằm êm, không bị "cuốn" theo bánh xe. Anh chị em Xê tám ba tư quả là có bàn tay của người thợ. Tôi nghĩ đến Hà.
Chiếc xe đã đến chân rú. Chúng tôi tháo cáp, móc vào hai đầu và ở giữa tấm ván. Tấm ván đã được cắm vào đống đất theo đường rãnh mà chị em Hà vừa dùng xẻng mở ra. Sau lưng ván, đã đóng những khúc gỗ điều khiển, như những cái chuôi cày.
Tôi ra hiệu. Chiếc xe bắt đầu giật lùi, kéo theo nó tấm ván và đất đá phía trước. Hai đường cáp căng ra, thẳng băng. Trong đêm tối, tiếng Hà lanh lảnh:
- Nâng lên!
- Hạ xuống!
- Thôi! Cứ dàn đất ra khắp mặt đường là được. Không phải đi đâu xa.
Những động tác ấy cứ lặp đi lặp lại. Đống đất vơi rất nhanh. Hà cười khúc khích:
- Máy ủi của anh Thanh khá lắm!
Tôi nói:
- Của chúng ta chứ!
Quá nửa đêm, đường qua rú Ngước đã mở. Anh Xê trưởng nhìn đồng hồ, nói:
- Chờ chúng nó đến treo đèn kết hoa, rồi ta cắt băng!
Chúng tôi cùng cười. Nghe rõ chuỗi cười của Hà trong như nước suối.
Y như rằng chúng nó lại đến thả pháo sáng, hàng chục ngọn đèn giăng giăng hai bên đường, trên rú Ngước.
Khi những chiếc đèn cù cuối cùng vừa tắt, nền trời còn in những vệt khói trắng run rẩy thì anh Xê trưởng phất cờ, ra lệnh: thông xe.
Tiếng máy nổ rì rầm. Tiếng còi pin pin. Đèn gầm nhấp nháy. Lá ngụy trang rung xào xạc. Cả con đường đất đỏ, cả vùng rừng núi miền Tây như chộn rộn, bon bon lăn theo bánh của đoàn xe. Một anh lái thò đầu ra cửa:
- Các đồng chí ở lại mạnh khỏe. Cảm ơn!
Hà đáp thật to:
- Cám ơn các anh!
Từng chiếc; từng chiếc xe bò qua rú Ngước, khuất sau con đường vòng. Anh Xê trưởng trao lá cờ đỏ cho Hà:
- Cứ bốn lăm phút thì cho qua một đợt, hiểu chưa?
- Em hiểu.
Một tay Hà nắm chặt dây súng đeo trên vai, tay kia cô cầm lá cờ đỏ, chỉ hướng tiến lên.
ánh đèn gầm của những chiếc xe đi qua, hắt lên người cô một thứ ánh sáng đẹp lạ. Tôi liếc nhìn Hà: tóc quả đào, mũi hếch. Nhất là đôi mắt Hà, trong đêm cũng phát ra một ánh sáng rực rỡ lạ lùng. Bất giác tôi muốn chạy đến, nắm chặt lấy bàn tay Hà. nhưng tôi không dám. Tôi sợ mình không có một tình yêu trong suốt.
Như tình yêu đất nước của cô!