Những buổi sáng như thế này trời đất như đeo đá. Khô và nóng. Chưa mở mắt nắng đã liếm sạch những giọt sương hiếm quý trên các mặt lá, mặt cỏ. Những ngọn cây ngủ không có giấc mơ, thở nặng nề, không thèm vươn vai cử động. Tất cả đều lười biếng. Những lối sỏi và những phiến ngói cũ kỹ cùng những bờ rào thấp lẫn trong cỏ kia, đã già nua cùng thời với cư xá này, đang họp nhau lại thành một cụm kiến trúc lạc lõng ngay giữa thành phố. Tất cả đều thở mệt nhọc. Thời tiết ngoài kia với thời tiết trong An như cùng trên một phong vũ biểu: nặng nề, biếng nhác. Ðó là một buổi sáng Chủ Nhật, An nằm ngồi uể oải nhìn ra ngoài cửa sổ, không thiết cả tới việc chải đầu hay dọn dẹp lại giường. Chị Kim đã rúc vào phòng tắm từ sớm, than phiền nước chảy yếu quá không còn lên nổi tới vòi sen. Chị trở về phòng thoải mái với một chiếc khăn quấn ngang người và ngồi gỡ tóc thật lâu trước gương. - Sáng nay mi không đi đâu, hở An? -... - Mệt hả? - Cái đầu em hay choáng váng. - Ðừng nằm nữa. - Chị sửa cho em chiếc xe đạp đi chị Kim. - Phải nói với ba, chiếc xe ấy muốn đi được phải sửa lại toàn bộ. - Ba thì chẳng muốn em đi xe đạp. - Ðúng vậy, mi chạy xe ẩu lắm. Với lại gần trường cần gì. - Nhưng em cũng phải có bạn bè chứ. Chị Kim im lặng và bắt đầu ủi quần áo. Có lẽ chị sửa soạn đi đâu. - Chị đi đâu vậy, chị Kim? - Có chút việc. An nghe trong câu trả lời có sự giấu giếm. Chờ chị sửa soạn đóng bộ vào là An có thể đoán được phần nào chị đi đâu. Dạo này, chị hay chú ý tới sửa soạn, và sửa soạn hơi lâu. Khác hẳn với thời còn sinh viên, chỉ gọn gàng mái tóc là đủ. Việc chọn giày khôgn bao giờ có. Bây giờ chăm chút từng tí. Lông mi, lông mày, kem lót, phấn thoa, môi son, môi bóng. Giày dép chục đôi, thử tới thử lui có khi ra tới cửa còn trở vào đổi kiểu này kiểu khác. Rắc rối thật, con gái. Nếu xem cắm một bông hoa vào bình chưng có lẽ người ta cũng không đến nỗi tỉa tước, nắn nót vuốt ve lâu như thế. Một chiếc áo dài màu trắng sữa với những khối màu đỏ chen với chấm và sọc đen cắt góc rất “mô đen,” dáng người thon thả, chị Kim mặc áo dài thật hợp. - Lịch sự mi để đâu rồi An? Chị Kim kéo lại mép áo. An vẫn thản nhiên nhìn chị. Chị mình dạo này có vẻ thoải mái tự nhiên hơn những năm trước. Mà chị em với nhau có gì phải dè dặt với nhau như thế nhỉ? - Sao chị không sắm một lố “mi ni,” dạo này thiên hạ thịnh “mi ni” lắm cơ mà. - Mi có vẻ rành nhỉ? - Em nghe chị Hà nói vậy. - Hà nào? - Chị Hà ở cùng cư xá mình, vẫn hay đợi em đi học đó. - Cái nhà ấy mới dọn về đây được hơn một năm mà phất mau quá. Lên lầu lên xe nhanh như trúng số. Nghe đâu cái con nhỏ đó quậy lắm phải không? - Em đâu rõ. - Ðang đi học mà đã bày đặt cặp tùm lum. - Chị ấy gần hết cấp ba rồi. - Ba bốn gì cũng vậy. Hễ yêu cái này thì thôi yêu cái kia. Còn đi học thì chỉ nên biết sách vở. - Chị hơi khắt khe quá đấy, chị Kim ạ. - Chẳng quá đâu. Ta nói thật, ham vui sớm chỉ thiệt thân con gái. An im lặng. Ở đây An thấy chị và mình có một khoảng cách. Cũng như chị hay nói: Các cô bây giờ bạo quá, hơn cả xi nê. Chị quên, thời của xi nê đã chào thua để thời của video lấn lướt. An không bênh chị Hà. An khôgn biết chị Hà nhiều. Nhưng chị Hà trắng và có nét, đẹp và sống động. Nhất là giọng Hà Nội của chị, do re mi fa sol la si bảy nốt âm nhạc cũng không diễn tả hết cung bậc dễ thương, rất dễ thương mà ai cũng muốn nghe từ cái đàn là cặp môi mọng của chị. - Chị Kim ơi, An vội gọi chị khi chị đã bước xuống thang, nơi chị làm việc có thể gọi điện thoại tới được không? - Có, nhưng chỉ ngoài giờ thôi. Chi vậy? An tính xin chị số điện thoại để có dịp “làm quà” cho anh Thức và cũng để “nhắc nhở” tới một số điện thoại mà chị đã biết. An không muốn mất anh Thức như vậy An phải giữ được chị Kim. Ðộ này chị Kim kín lắm, bạn bè của chị đố bao giờ chị hé ra cho thấy... gót giày, nói chi tới mặt mũi. Nghe mẹ nói, hình như dạo này có đám bạn học cũ của chị hay rủ rê nhau sinh hoạt và cũng hình như, chị đang có một dấu chấm hỏi rớt vào đâu đó trong đám cố tri ấy. An nói với mẹ: - Anh Thức cũng được đấy mẹ? Mẹ bảo: - Con trai chúng nó lúc nào cũng “đom đóm lập lòe, bươm bướm chập chờn,” chẳng biết chúng ngả đâu, nghiêng đâu. Khi nào rã cánh mới biết chúng sa xuống đám nào. Biết đâu mà tin, biết đâu mà đợi. Mẹ nói, hết bàn. An lục chạn kiếm cái gì có thể bỏ vô miệng được rồi vào phòng tắm xối nước ào ào. Mặc mẹ phản đối: Khi không được khỏe trong người phải kiêng nước. Nước là chất xúc tác dễ làm con người trong lên và làm trôi được cả những bực bội, khó chịu nơi thân xác, An nghĩ thế. Cô bé nhắm chừng mẹ không còn ở bếp, để nguyên vậy và chạy thẳng lên lầu, quấn người bằng một chiếc mền to xù, ngồi thù lù như một con thú lông giữa giường. Ðó là buổi sáng Chủ Nhật. An bỗng thèm một ly sữa đậu nành và một miếng bánh bông lan thơm vàng mềm tơi ra ngập miệng. An đang sấp người với những trang báo vụn vặt bỗng nghe có tiếng huýt gió từ dưới cửa sổ vọng lên. Ló đầu ra An thấy Quân đang đứng ngửa cổ lên với cặp vợt dài cầm nhăm nhăm: - Chơi cầu lông không, An? An lắc đầu: - Không. - An đang làm gì vậy? - Không. - Xuống đây chơi được không? - Không. - Sao cái gì cũng không hết vậy. Quân vô chơi được không? - Ðừng. Ðợi An một chút. An “xoọc” vội quần áo rồi nhào xuống. Quân là em của chị Hà, “cậu bé” bằng hay hơn An một vài tuổi gì đó. Ham thể thao, anh chàng mê cả tốc độ. Khi nghe có tiếng rú ga, nhìn ra thì y như rằng chàng đang biểu diễn xe gắn máy trong đường hẹp cư xá để được chú ý và nghe các ông bà già xỉa xói cho vui. - Xe đâu rồi? An hỏi, hai người đang đứng trước bờ rào bằng hoa dâm bụt cắt thấp. Quân bẽn lẽn: - Bị phạt một lần, ông già cấm rồi. - Cho đáng. Chị Hà có nhà không? - Chắc có đấy. Mẹ An đâu? - Có lẽ đi chợ. - Mình vào được không. - Thôi đứng đây đi. Nhưng nghĩ rằng mẹ không thích cảnh bên bờ rào chuyện trò, An lách đám cây chui ra. - An muốn qua chơi với chị Hà một chút. Ở chung một ku, đi học chung một đường nhưng chỉ biết vậy, chị Hà và An cũng chưa bao giờ tới nhà nhau. Nhân thể vừa rồi chị khoe nhà mới mua máy đánh trứng làm bánh, An muốn tới để xem thử. - Chị Hà mới đi khỏi, Quân vào nhà rồi trở ra sân báo cho An biết, chị Hà có bạn trai nào vừa mới tới chở đi chơi. An có chuyện gì cần không? - Cũng chả cần thiết lắm. An nhìn lên cây mận trắng ở giữa sân để tìm một điểm... nóng. Những cành thấp đã trụi, chỉ còn vài chùm nhí nhưng lại ở rất cao. - Hái được không, Quân? - Chát lắm. - Kệ. - Ðể bao giờ lớn tặng An nguyên rổ? - Chẳng thèm. Lười hái thì thôi. Dễ chọc tự ái nhau. Quân leo lên và bức xuống hai bà chùm liền. Chẳng ngon lành gì, nhưng có cái gì nhai trong miệng cũng đỡ buồn. Vừa nhai vừa nhả, An ngồi xuống một cái ghế thấp và kêu lên: - Ghế gì mà dốc như cầu tuột nhà trẻ thế này? - À, ghế tập tạ của mình đấy. - Quân tập tạ nữa à. Thể dục thể thao khiếp nhỉ? - Sao lại khiếp nhỉ? - Nói thật đấy, An nhìn thấy mấy ông vai u thịt bắp cử tạ trên ti vi sợ đến phát khiếp lên được. An cố tình bắt chước giọng nói của một vai kịch nào đó, khinh khỉnh, tỉnh bơ. Quân cười: - Mình chỉ tập cho khỏe thôi: - Khỏe thì thiếu gì thứ chơi, bóng này bóng nọ hay bơi lội chẳng hạn. - Mình cũng tính ghi danh ở một hồ bơi đấy. - Ðâu vậy? - Ở tuốt Thị Nghè cơ. - Xa thế. - Bộ An cũng thích bơi hở? - Nghe tụi nó bảo bơi lội cũng tốt lắm. Anh chỉ sợ... - Sợ đen hở? - Không. An sợ phải... giao thiệp với bác sĩ tai mũi họng. - Làm gì đến nỗi. Cứ để bao giờ có khóa mới mình sẽ ghi danh cho An luôn thể. - Hy vọng từ đây đến đó An không thay đổi ý kiến. An ném trái mận non về phía Quân, cười. “Cậu bé” coi bộ cũng còn lắm điều ngây ngô. Rất nhanh, An liên tưởng tới lúc hắn cúi rạp người trên xe và rú máy phóng như bay. Một cách đối kháng nào đó ngộ nghĩnh, giữa hai tâm trạng ở một con người. Có phải mỗi đứa trẻ lớn lên đều như thế, ngay cả mình theo cách nghĩ của An, có những khao khát chưa rõ nét về tuổi trẻ. Lúc chưa định hình được thì mình vẫn được coi như một trẻ con với những mảnh rất trẻ con. Một trẻ con đã lớn, ở một số đứa như An chẳng hạn, theo nhận xét của bố mẹ, không phải ít điều phiền phức kèm theo. Về tới nhà, nghe có tiếng động phía sau bếp, An đi vòng cổng trước. - Ðâu về vậy nhỏ? - Con ra ngoài mua mấy viên thuốc. Hết buổi sáng Chủ Nhật. An xoài ngươì trên giường và nghe trong mình như có sóng nhồi. Và cô thèm được vùng vẫy trong nước.