Phần 5

Hải ngồi cạnh em gái, lấy chân gạt mấy thứ lặt vặt vào gầm giường. Loan rít nốt mẩu thuốc, dúi xuống cái gạt tàn, môi cong tớn lên:
- Anh về cứ bảo ông bà già là em đang bận ôn thi. Ở đây rách lắm, về đi.
Hải nhìn em gái chằm chằm, tự dưng hắn thấy cổ họng khô cứng.
- Hay mày về cùng anh? Nhà mình cũng đâu đến nỗi.
Loan phá lên cười, tóc rũ ra như con bệnh tâm thần. Cô sỗ sàng vỗ vai ông anh, nói leo lẻo:
- Anh sẽ giầu có đấy. Đừng làm mất lòng ông già. Em biết ông có gì để dành rồi, nhưng mà em cần quái gì.
- Mày định thế này mãi sao?
Hải hỏi nhẹ, hắn cúi mặt giấu xúc động. Loan lại châm thuốc, rít liền mấy hơi, tròn mồm thả ra hàng đống khói hình chữ o.
- Sẽ khác chứ, nhưng phải từ từ. Mặt Loan lại thoắt mơ màng: -Anh có biết điếm là gì không?
Hải lắc đầu, hắn kinh ngạc thật sự.
- Tự dưng em muốn làm điếm kinh khủng. Làm điếm sẽ có tiền, mà đỡ vất vả.
- Đừng có điên!
Hải gắt lên, đứng dậy định bỏ về thì Tiến quắt tênh tếch lao vào. Thấy Hải, Tiến quắt dừng phắt lại, răng nghiến trèo trẹo:
- Vào đây làm gì?
Loan nhổm hẳn người dậy, ngáp rõ to, thủng thẳng nói với anh trai:
- Cứ thế nhé, anh đừng có kể gì cả. Với lại từ nay chẳng cần đến nữa đâu, bao giờ cần em sẽ tự về.
Hải vểnh tai bước ra, khi cầm lấy ghi đông xe đạp, hắn day mặt lại phía Tiến quắt:
- Cái thớ mày, tao liếm một cái là hết, đừng có hỗn.
Tiến quắt đực người nhìn theo dáng băm bổ của Hải lao đi, gã hỏi gay gắt:
- Anh thật hay rởm đấy?
Loan gật đầu.
Đến bữa ăn. Tiến quắt lại quặc Loan một chập nữa, rồi lầu bầu giọng kim:
- Tôi không muốn cái thói cốc mò cò xơi đâu đấy nhá.
Loan dằn bát cơm xuống, mặt đỏ văng:
- Không tin hả. Xì, đồ dái ngựa chết, anh định dọa con này hử. Không xong đâu. Ngay đêm nay tôi sẽ ra khỏi đây.
Tiến quắt hốt hoảng làm lành, gã quờ vai Loan vuốt ve, con mắt hấp ha hấp háy, giọng nịnh nọt:
- Đừng có động cỡn lên nữa em, anh là anh đùa một tý cho nó vui thôi. Gớm, đanh đá quá, lỡm ạ. Hì, tý nữa bọn mình sẽ đi xem.
Nửa đêm, Tiến quắt thấy Loan giở mình, khóc rưng rức.

*

Hải về đến nhà, đêm đã khuya. Vừa đến cổng, hắn thấy trước sân nhà mình đèn sáng choang, rất nhiều người lố nhố đứng ở đấy. Hải vứt xe lao vào, đám người im lặng nhường chỗ cho hắn đi. Trên thềm nhà, Hải nom rõ Quý cụt đang vung chân vung tay chửi bới ỏm tỏi. Cạnh Quý cụt, lão Liêm mặt tái mét cứ lắp ba lắp bắp phân bua gì đó.
- Được, không lôi hôi gì hết, tôi sẽ đợi ở đây cho đến khi thằng chó ấy về. Mẹ chúng mày chứ, ông thì ông giết như ngoé cả lũ. Dám cướp vợ người ta.
Quý cụt quay sang đã thấy Hải đứng bên, mặt sắt lại dữ tợn.
- Ai cướp vợ mày?
Hải lạnh lùng gạt tay bà Liêm, sấn lại chỗ Quý cụt.
- A à… Nó đây. Thằng ranh con vắt mũi chưa sạch. Quý cụt vừa lùi vừa thủ thế, vừa chỉ cánh tay độc nhất vào mặt Hải: -Mày còn già mồm hử. Tao đã nghe người ta kể hết rồi. Cả con khốn nạn ấy cũng thú nhận nữa. Còn chối hay không thì bảo.
Quý cụt rút đánh xoạt con lê AK giắt sau lưng ra. Đám đông rú lên. Lão Liêm nhảy choi choi hô hét gì đó rồi cầm bừa chiếc xẻng dựng bên cạnh.
- Tao thi tao nuốt sống mày…
Hải không đẻ cho Quý cụt nói hết câu, nhanh như chớp hắn tung chân đá mạnh. Con lê AK trên tay Quý cụt văng lên cao, xoay mấy vòng rồi rớt xuống sân. Có tiếng trẻ con thét lên rồi tiếng đàn ông giận dữ:
- Tổ sư chúng nó chết con ông rồi.
Quý cụt luống cuống, bị ăn bốn năm cú đấm như trời giáng của Hải, ngã xoài ra, lăn từ bậc thềm xuống sân. Hải lao theo hắn không nhìn thấy, nghe thấy gì hết ngoài Quý cụt. Hắn đấm đá túi bụi. Lão Liêm đứng ngoài hò hét:
- Đánh chết mẹ nó đi. Thằng ôn vật. Mày vừa mới ra tù mà dám vác mặt đến nhà ông hử. Cho nó mấy cú nữa…
Quý cụt vung dậy được, ôm đầu xé đam người lao ra cổng.
Hải ngồi thở dốc, mồ hôi đầm người. Bà Liêm xua hang xóm về rồi đóng cửa. Bà rên rỉ như đau đẻ. Cụ Trường ôm cột nhà, nhìn lên trời luôn miệng kêu: “gay đấy, gay thật đấy”. Lão Liêm hồ hởi đi quanh Hải, nhìn con trai thán phục ra mặt:
- Mày thế mà giỏi. Ơ, té ra võ nghệ nó là thế. Cần phải học nữa con ạ. Rồi còn phải đối phó với thằng cụt chó má kia nhiều.
Hải ngồi thừ ra. Bà Liêm lừ chồng:
- Thôi, ông câm cái mõm thối hoăng ấy đi. Tưởng vui lắm đấy phỏng. Con Loan thế nào?
Bà hỏi con. Hải nheo mắt, quai hàm chạy lên chạy xuống. Lão Liêm sốt ruột, giở mặt quát như sấm:
- Câm à? Nó thế nào rồi? Sao mấy tháng nay không thấy vác mặt về.
Hải vụt đứng dậy, nói chẳng kém gì bố:
- Đi mà hỏi nó!
Hình như chỉ đợi có thế lão Liêm chồm lên rỉa rối vào mặt con trai:
- Thằng bất nhân bất nghĩa. Đồ quạ thối. Chỉ có mỗi việc cỏn con băng cái dái trẻ mà cũng không xong, lúc nào cung mặt nặng mày nhẹ. Khốn nạn, ham chơi thì không ai bằng. Tao chưa hỏi mày về cái vụ vừa nãy đâu nhá. Nhục cả gia đình. Thằng động cỡn…
Suốt đêm đó cho đến những đêm sau, người ta nghe thấy tiếng quát tháo, tiếng đấm đá huỳnh huỵch và tiếng đàn bà khóc rống lên từ phía nhà vợ chồng Quý cụt.
Ngày 21, sông Linh Nham cạn sạch. Ao nhà bà Liêm tự dưng đầy ắp nước, trong ao có con cá trê đỏ to bằng bụng chân, mắt mù, đuôi dài như chiếc khăn phu la.

*

Đầu ông sắp lan man, sắp trôi di đâu đó bằng những ý nghĩ. Cảm giác cũ kỹ cựa quậy. Gã đánh xe gầm gừ trong cổ.
Lọc cọc. Lọc cọc. Lọc cọc.
- Tao đồ rằng nắng màu xanh. Thanh niên gầy cất giọng khô mốc, ngả đời ra sau vẻ phớt đời.
- Bao giờ nó cũng tím.
- Kiến thức chỉ có những kẻ không học hành!
Người gầy gò phản đối, giọng chì chiết. Ông nheo mắt nhìn mấy củ sắn dưới chân lăn từ bên này sang bên kia như con lắc. Thanh niên to thấp dập ngón trỏ xuống thành xe, mồm lẩm nhẩm hát. Bạn anh ta bĩu môi khinh bỉ.
- Phần lớn bọn trẻ đều hát, bài hát của chúng mới đểu cáng làm sao. Thanh niên gầy không chịu nổi vẻ thờ ơ tẻ nhạt. Anh ta lục xục móc thuốc. Khói lại bay lãng đãng: -Tao nhớ một bài hát, có lẽ nhớ suốt đời.
- Có đời đâu mà nhớ! Lần đầu tiên, ông thấy gã đánh xe can thiệp vào chuyện giữa hai thanh niên.
- Thế nào? Không để ý đến gã đánh xe, thanh niên to, thấp sốt ruột hỏi bạn.
- Từ từ đã. Không thể quên được, quên là một tội lỗi mày ạ!
- Hát đi! Người to thấp như chuẩn bị nổi cáu.
Im lặng.
Tiếng roi của gã đánh xe vút chéo. Người gầy gò lim dim mắt trong khi bạn anh ta nhổ nước bọt vào hoàng hôn. Ông nhăn mặt cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Làn khói trắng của con tàu vẫn vùn vụt song song bên cạnh. Tất cả không ai bảo ai, đều nhổm người dỏng tai. Gã đánh xe lầm rầm hát. Giọng gã khô cong. Ông trông thấy con trâu nhỏ rớt cười thiểu não.
Tráng sĩ lên ba râu dài chấm ngực
Phi con ngựa trắng bạch màu than
Cầm thanh gươm sáng loáng đời han rỉ
Chặt cây cổ thụ mới mọc mầm…
Ông cắn môi. Hai người thanh niên nhìn gã đánh xe như chiêm ngưỡng. Mặt họ lộ rõ vẻ thỏa mãn. Không hề nhúc nhích, gã đánh xe vẫn nhai đi nhai lại điệp khúc đó, nửa hát nửa đọc.
- Chặt cây cổ thụ mới mọc mầm…
Tay ông mân mê chiếc thìa nhôm. Màu xanh ùa về reo à à trước mắt ông. Gã đánh xe lại huơ cây roi tre.
…trắng bạch màu than
Cầm thanh gươm sáng loáng đời han rỉ.
Giọng rin rít như sắt cưa đá. Mùi khét lẹt. Mắt ông lờ đờ. Ông tiếp tục trôi. Trôi mãi.
… Khi từ giã lão Biền và bố, ông khoác bộ quần áo xanh lùng thùng, cứng ngắc. Sau sáu tháng huấn luyện, người ta điều ông sang trung đoàn trinh sát. Rồi chiếc xe bịt thùng chở cả trung đội ông lao về phía có tiếng súng. Ông được cử làm tiểu đội trưởng. Một bữa liên hoan xềnh xoàng và trung đoàn trưởng vỗ vai sáu người lính non choẹt:
- Nhiệm vụ các cậu khá nặng nề. Phải chặn chúng ở cánh rừng đó. Không được dùng súng. Cấm! Chỉ được phép tấn công bằng dao và võ thuật. Hà hà, chúc may mắn.
Thế là ông đi đầu với lủng củng bi đông, lương khô và con lê AK sắc lẹm. Bọn ông sửa lại một phần địa đạo cũ làm chỗ ở, cách cánh rừng một đoạn ngắn. Cứ nhập nhoạng, tất cả lại giắt lê AK, một đoạn dây, một chiếc khăn mặt rồi băng vào rừng. Đây là điểm gặp gỡ của hai bên. Đối phương tùng sang những bóng người lầm lũi, xanh thẫm. Cho đến bây giờ ông thể quên được ấn tượng khủng khiếp đó. Gần như có một giao ước ngầm, không bên nào dùng súng cả. Hai bên gặp nhau giữa rừng, nơi có tảng đá hình chữ Nhân khổng lồ. Hôm thì bọn ông bị phát hiện trước, hôm thì bên kia. Tất cả đã diễn ra như một trò đùa, một trận đánh giả của lũ trẻ vô công rồi nghề. Những cái bóng âm thầm nhẩy xổ vào nhau. Dưới ánh trăng lỗ chỗ, ánh thép lượn vòng loang loáng. Ông vụt nhớ đến thời gian mất âm của làng. Ở đây cũng vậy. Ông không vắng mặt tối nào. Ông dự từ đầu đến cuối, đến lúc cả cái tiểu đội sáu người biến mất và thay vào đó là những khuôn mặt mới tinh, ngơ ngác. Ông đã chai lì cảm giác khi xung trận. Những thế võ thuần thục đến mức ngay hồi còn huấn luyện, ông cũng không tưởng tượng nổi mình sẽ được như thế. Ông vào trận bằng giác quan sáu, bằng cái hừng hực của gã trai đang độ sung sức và đang ôm hận một mối tình tuyệt vọng. Nghe gió ông đã biết đường lê của đối phương nhằm vào đâu. Và đường lê của ông gần như chính xác tuyệt đối. Nạn nhân không kịp kêu, không được phép kêu. Mũi lê chạm điểm, cùi tay ông đã chặn ngang chiếc mồm vừa há ra kinh ngạc. Điều duy nhất khiến ông bận tâm là mùi hương. Đêm nào ông cũng ngửi thấy mùi hương thơm lịm của dì Lãm.
Nó, cái mùi hương ấy quyện chặt người ông gây cảm giác châng lâng khó tả. Chính nhờ nó, sau này ông đã thoát khỏi nguy hiểm. Trận đọ sức bao giờ cũng kết thúc bằng sự rút lui tự nguyện của một trong hai bên.
Rút lui âm thầm kèm theo xác đồng đội. Ông được tuyên dương hai lần vì bắt sống tù binh. Tiếc rằng cả hai đều quá trẻ. Ban ngày khu rừng im ắng, lầm lụi. Sáng nào ông cũng dậy thật sớm để ngắm nó. Những làn sương trắng xanh, mỏng tang dâng lên từ chân rừng, loãng dần, bốc qua ngọn cây lẫn với bầu trời chưa có ánh sáng. Đôi lúc, khi nghĩ về Xoan, ông lại thấy buồn. Nỗi buồn không giấu giếm. Nó được khơi nguồn từ nơi thẳm sâu của con người. Dòng máu ông được nuôi dưỡng, bồi đắp bởi tất cả những gì mà một con người bình thường nhất đều có thể có được. Nhưng ngày mai? Ngày kia và dằng dặc sau đó nữa? Quay về làng ư? Ông lắc đầu quầy quậy, thầm hứa với mình rằng sẽ dứt khoát rũ bỏ. Mặc dù như thế là tệ bạc, mặc dù nơi ấy còn có bố ông, có nấm mộ của mẹ ông, của dì Lãm và trăm ngàn những dằng díu gia tộc khác nữa. Nhưng ông cũng thừa biết rằng mình chẳng có một nghề nào để làm việc cả. Vây quanh ông là sự mù mịt, hoang mang. Để dìm ý nghĩ đó, chỉ còn cách lao vào những trận đánh. Rồi đánh nhau cũng trở nên tẻ nhạt cho đến khi ông tìm được cái cớ để bám vào đấy mà sống. Ông có một cái đích trong những cuộc xung đột đẫm máu. Bên đối phương có một tên khá to, võ thuật của hắn không đến nỗi nào. Ông đã chạm trán hắn hai lần. Cho đến khi hắn tặng ông một vết dao khá sâu nơi bả vai trái, ông quyết định trả miếng lại. Mỗi khi nghe tiếng rít nhẹ, khàn khàn của hắn, ông bước vào rừng với tâm trạng kiêu ngạo. Ông đánh nhanh gọn, không thèm để ý đến xung quanh. Khi rút về, nằm vật xuống tấm ni lông, người ông lại bải hoải, trống rỗng. Những lúc ấy ông thầm nghĩ đến bố và em gái. Ông đau đớn tưởng tượng lại cảnh chia tay. Tiểu đội ông có một người cùng làng, đấy là thằng Chí. Chí to cao hơn ông, ít nói và táo tợn. Nhà Chí ở cạnh nhà bà giáo, cách gia đình ông một đoạn ngắn. Chí ít tâm sự, không hé răng một lời nói gì về làng, mặc dù ông biết nó nhớ nhà đến phát cuồng. Tính nó ông biết từ hồi còn cởi truồng chơi với nhau. Nó học hết cấp hai thì ở nhà. Duy nhất có một lần sau trận đánh về Chí mò đến chỗ nhà ông nằm, lay vai ông thì thào:
- Mày nhớ làng không?
Ông bật dậy gườm gườm:
- Ngủ đi!
Nó nhìn ông lạnh ngắt rồi quay về chỗ. Hình như lúc ấy nó muốn nói gì đó. Ông ân hận, nhưng không đủ thời gian. Tự nhiên Chí giở chứng, kêu đau đầu và không đi. Ông biết nó giả vờ. Vốn dĩ nó là thằng khỏe như trâu, không có biểu hiện đau đầu sổ mũi bao giờ. Ông dựng nó dậy, nó lại ngả xuống. Ông ra lệnh, nó im lặng quay mặt vào vách hầm.
- Thằng hèn! Ông rít lên.
- Tao ốm!
- Không phải!
Ông túm ngực Chí, ông sợ nó bị kiểm điểm. Ông không muốn có một thằng bạn cùng làng sợ chết. Chí vùng dậy nhìn chằm chằm vào mắt ông. Cái nhìn của nó như phanh phui toàn bộ những gì sâu kín nhất mà chính ông còn láng máng. Ông thoáng ngạc nhiên. Hành động cương quyết của ông đối với Chí, ngoài tình bạn chân thành ra, còn có gì nữa. Cái gì nữa làm động cơ thúc đẩy những câu nói dằn dữ ông dành cho nó. Chí nói, giọng run run:
- Đêm nay tao không thích. Mai tao đi.
Ông cười gằn:
- Tao không ngờ mày lại chó thế.
- Câm! Chí gầm lên bất ngờ: -Tao chán, tao nhớ nhà… Nó ngập ngừng nhìn ra khu rừng nhập dần trong sương bạc: -Tao linh cảm có điều không lành sẽ đến với mình. Tao mơ thấy cây si…
- Khỉ, vứt cha cái linh cảm của mày đi. Cây si, cây si. Ông bĩu môi: -Cây si cái con cặc!
Ông giắt lê vào người hùng hổ bước ra khỏi cửa hầm. “Tao khinh mày!”. Ông quay lại đai thêm một câu. Chí không trả lời, nó úp mặt vào tay, bả vai rung lên. Bọn ông đến gần mép rừng thì Chí đuổi theo. Ông thở phào nhẹ nhõm. Chí gầm mặt không nói câu nào, nó cố tình đi cách mọi người một quãng. Đêm chạm vào lá, tỏa xuống cỏ. Ông vẫn giữ vị trí đi đầu. Rón rén, thận trọng. Khắp người ông ngứa ngáy, tai căng lên. Chỉ có tiếng gió và lũ dế i ỉ gáy. Im lặng mơ hồ. Ông khịt mũi, khẽ chau mày. Đêm nay mùi hương thơm xuất hiện sớm hơn mọi lần. Chẳng biết lành hay dữ? Gáy ông giần giật. Tảng đá hình chữ Nhân hiện ra lờ mờ.
- á a…
Tiếng thét đột ngột phía bên trái khiến ông bốc lên khỏi mặt đất. Ông quay ngoắt người. Một tiếng đổ nặng nề. Khu rừng rung ào ào rồi thoắt cái lại chìm vào im lặng. Ông bàng hoàng. Tiếng thét đầu tiên trong khu rừng. Luật chơi bị phá vỡ. Mọi giác quan ông bung ra. Mùi hương thơm ngọt rót đầy người khiến ông châng lâng châng lâng. Ông đứng thẳng người rồi thụp xuống, lăn sang bên. Ba bóng người nhẩy bổ vào chỗ ông vừa đứng. Những đường lê sáng lóa hình cầu vồng. Ông chạm phải vật gì ấm nóng. Bên ta! Ai vậy? Tay ông thành thạo lần khắp thân hình bất hạnh đó. Một vũng nhớp nhúa đọng giữa ngực. Ông rờ lên phía trên, tay chạm phải bộ râu quai nón. Ông hét lên một tiếng vỡ rừng và nhẩy vụt ra giữa khoảng trống. Những chiếc bóng chồm đến. Ông vung lê, vừa đánh vừa kêu. Kêu bằng giọng khàn khàn. Kêu như chưa bao giờ được kêu. Toàn bộ sinh lực ông trào vọt, cuồn cuộn và loang loáng trắng. Ông đánh bằng bản năng. Ông lảo đảo nhào từ bên này sang bên kia, mắt ông nhắm nghiền, quai hàm đau nhức nhối. Trước khi khu rừng chìm vào sự tĩnh lặng vô bờ, một tiếng rít khàn sát trán ông và thân hình đồ sộ của hắn ập xuống, kéo theo cả ông. “Món nợ đã được thanh toán sòng phẳng!”. Ông nghĩ thầm, tay vuốt nhẹ vết sẹo nơi bả vai trái. Bọn ông lầm lũi khiêng Chí về. Ông đi sau, vừa đi vừa khóc rống lên như bị chọc tiết. Ánh trăng giàn giụa tràn xuống mép rừng. Ông vượt lên mọi người và quay đầu lại. Lúc ấy ông mới thực sự bị nghiền nát bởi nỗi đau đớn. Nhìn khuôn mặt non choẹt của những người khiêng Chí, ông kịp phát hiện ra rằng bạn bè cũ của tiểu đội ông đã mất hết. Vậy mà ông không hề biết. Ông không hề quan tâm đến từng người. Với ông, tiểu đội luôn có sáu người là đủ. Ông vấp ngã liên tục. Sau lễ truy điệu Chí, ông thẫn thờ lên nóc hầm ngồi. Lần đầu tiên ông quyết định nghỉ một đêm, lấy cớ là chờ người bổ sung. Ông lần ra năm ngôi mộ, vuốt ve từng chiếc một như thủ thỉ trò chuyện. Ông ngồi ở đấy đến khuya, mắt chăm chăm vào khối đen thẫm trước mặt. Khu rừng như chiếc quan tài đen lập lờ giữa màn sương run rẩy huyền bí. Xung quanh im ắng. Gió chạy tít trên những tầng trời. Ông ngửa mặt. Sao chi chít. Những vì sao như chực khóc, chực biến mất vào khoảng mênh mông vô tận. Thốt nhiên ông rùng mình. Ai đó đang lặng lẽ nhìn ông từ trên cao. Cái nhìn xoáy buốt, xuyên qua người ông như lục lọi tận ý nghĩ sâu thẳm nhất. Ông lắc đầu quầy quậy. Ông lừ mắt, nhắm mắt. Cái nhìn vẫn lục tung ông lên. Không chịu nổi, ông rút phắt con lê huơ trên đầu:
- Cút đi!
Ông gào to, nhẩy vọt về hầm, trùm chăn kín đầu. Ông chập chờn mê thấy cây si đang nghiêng ngả trôi. Lần đầu tiên ông đã khóc trong mơ.
Khi giải ngũ, ông ở nhà ba ngày chịu tang bố, sau đó mang toàn bộ đồ đạc của Chí đến giao cho gia đình nó. Ông ngạc nhiên thấy mẹ Chí đón nhận với thái độ hờ hững.
- Có lẽ cháu nhầm! Bà nói, đặt tay lên trán: - Nó đã mang về từ lâu rồi! Nó về nằm dưới gốc cây si như bố nó ngày xưa.
- Có vết gì không bác? Ông hỏi ngô nghê.
- Không lành lặn cả. Da nó trắng hồng, phải cái râu lâu ngày không cạo, trông dữ quá!
Mẹ Chí nhìn lên bàn thờ nghi ngút hương. Ông vội vã lao về. Chính xác hơn là lao ra nghĩa địa, nơi bố ông yên nghỉ vĩnh viễn. Bố đi khi ông đang hậm hực quấy đảo khu rừng. “Mọi người đã về!”. Ông cay đắng nghĩ. “Còn mình lại đi”. Ông rời khỏi làng ngày hôm sau, không ngoái lại.
Ông buồn bã bẻ lại cổ áo. Trước mặt, người thanh niên gầy bẻ ngón tay lục cục. Gã đánh xe vẫn lải nhải điệp khúc cáu bẩn của mình. Rồi như choàng tỉnh, gã im bặt trở lại vẻ lầm lì ban đầu.
- Kìa, một con cò! Người thanh niên gầy háo hức chỉ.
Bạn anh ta nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, xoa xoa:
- Đấy là chiếc diều của lũ đốn mạt!
- Trắng nhỉ?
- Ở chỗ tao nhiều bộ xương còn trắng hơn.
- Tởm! Người gầy nhăn mặt vẻ nghĩ ngợi. Lần đầu tiên, ông thấy anh ta suy nghĩ. Lát sau, anh ta ngẩng lên hỏi bạn: - Mày chết bao giờ chưa?
Người to thấp gãi gãi móng chân thò ra ở mõm giầy, gật đầu:
- Rồi!
- Có đúng là nó trống rỗng không?
- Đúng! Đúng! Ờ, trống rỗng, trống rỗng là không có gì chứ gì?
Người gầy gật gù xác nhận. Thấy vậy, bạn anh ta reo lên:
- Không có gì, tức là dựng được tất cả!
- Hay!
Gã đánh xe buột miệng khen, làm người to thấp phổng mũi. Anh ta nhìn gã vẻ biết ơn. Ông nhếch môi quay đi. Hoàng hôn rề rà trải dài, trải dài và se lạnh.
- Có một người đọc toàn giấy trắng.
Gã đánh xe nói lấp lửng. Ông hốt hoảng nhìn gã. Tấm lưng gã cựa quậy.
- Giấy trắng! Người thanh niên gầy trề môi:
- Tôi còn biết có những người cả đời mê chơi gió!
- Phần lớn đều nhảm nhí. Cả cái con tàu chết tiệt kia nữa! Người cao gầy cay độc nói, mặt anh ta lộ rõ vẻ ám chỉ.
Mấy vạt lau hiện ra rồi trôi qua chậm chạp. Mùi chè chét đặc lại bao bọc ông. Ông chun mũi thở mạnh như đẩy tất cả không khí trong người ra ngoài. Chiếc xe trồi lên, sụt xuống. Lại trồi lên, sụt xuống. Người ông hẫng đột ngột.
Ông rơi vào miệng vực khổng lồ, đen ngòm. Ông vật vờ hàng tháng trời trong trạng thái vô nghĩa. Nằm giữa mẹ con thằng Tĩnh, ông không ngủ được, đầu óc rối tung. Sau này nghĩ lại, ông thấy mình phần nào đó yếu đuối. Ông không tin vào bất cứ một hy vọng gì. Họ hàng thân thích không còn ai, đứa em gái duy nhất lại chửa hoang, nó sống bê tha trụy lạc. Ông nhớ đến Xoan, ông bám lấy điều đó làm hy vọng sống duy nhất. Rồi hình ảnh Xoan cũng bị chìm lấp bởi quãng thời gian trống trải. Ông điên lên, chỉ muốn tìm đến nơi nào đó vắng người. Đôi lúc ông nẩy ra ý định táo bạo là trở lại cánh rừng ma quỷ kia để chui vào đó mà sống. Mặc dù cuộc chiến ở đấy chưa dứt nhưng ông sẽ đến với một danh nghĩa một kẻ không phản đối hay ủng hộ bên nào. Ông sẽ tự lập và hoàn toàn tách biệt với cái thế giới đẫm máu ấy. Nhưng rồi miếng cơm manh áo lại cuốn ông đi ngả khác. Ban ngày vợ chồng ông kéo xe cải tiến thuê, đêm về ông lại trằn trọc với những kỷ niệm, những câu hỏi đang ngùn ngụt trong đầu. Những lúc như vậy ông cố gắng gạt bỏ chúng, chỉ giữ lại hình ảnh lão Biền để vuốt ve cho nguôi ngoai cơn nhớ.
Lão Biền là bạn ông từ thuở nhỏ. Lão sống độc thân trong túp lều giữa ngã ba của làng. Quanh năm suốt tháng, lão kiếm sống bằng nghề cắt tóc thuê. Vóc lão đậm chắc như cột lim ngâm nước. Ngày trẻ lão xuýt nữa lấy dì Lãm. Nhưng chẳng hiểu sao hai người lại vùng vằng bỏ nhau. Nghe nói hình như dì Lãm không đồng ý vì chê lão bẩn thỉu, tục tĩu. Mẹ ông bảo, ngày cưới dì Lãm lão giở trò phá đám, cứ cởi truồng chạy trước đoàn người đưa dâu, vừa chạy vừa đái. Dì Lãm coi lão như con bệnh. Không bao giờ dì cho phép ai nhắc đến tên lão trước mặt dì. Thỉnh thoảng lão Biền lại sang nhà ông chơi, nói huyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới đất, uống liền một lúc năm sáu chén nước rồi về. Có lần ông thấy lão ủ rũ ngồi nói chuyện với bố mẹ mình. Khi lão về, mẹ ông chép miệng:
-Rõ khổ, người với chả ngợm, có bộ toong đơ lại mất. Giờ thì lấy gì mà làm ăn!
Lão bị ai lấy trộm mấy bộ toong đơ Trung Quốc. Hôm sau, ông thấy lão cắt tóc cho khách hàng bằng chiếc kéo mà mẹ ông hay dùng khâu vá. Mỗi lần ông từ thị trấn về, lão Biền lại huơ chiếc kéo thành một vòng điêu luyện, chép miệng:
- Chú mày về đấy hử? Khá chứ!
Ông chỉ cười đáp lại. Cắt tóc ở chỗ lão từ lúc bé ông đâm quen. Mặc dù ở thị trấn có nhiều thợ cắt tóc giỏi nhưng ông chỉ về để lão cắt cho. Quàng chiếc khăn vàng úa cáu bẩn quanh cổ ông, lão nháy mắt:
- Sắp lấy vợ chưa? Lấy đi để biết thế nào là đời người chú mày ạ.
- Cháu ấy à, còn lâu.
Ông mắm môi tránh cười. Ông mắc cái tật hễ nhìn vào gương là cười ngặt nghẽo. Có bận lão Biền chệch kéo, sỉa vào cuống tai ông một vết khá sâu.
- Cún con, đừng vờ vịt. Mai kia đến lúc động cỡn lại không cuống lên đấy. Lấy mẹ nó con cái Xoan làng mình đây này. Nó cũng kháu đáo để. À mà nó cũng học với cậu kia mà? Thôi, xong đứt đi!
- Cháu không thích.
Ông đỏ mặt nói ngượng. Lão Biền cười hềnh hệch:
- Ngu bỏ mẹ. Đi vào cái hang của con ấy là nhất trần đời. Ngoài ra hang nào cũng đáng sợ cả. Chú mày không biết chứ, ngày xưa tao cũng ghê lắm. Mò mẫm ra trò. Đủ các loại hang. Ngày ít ra cũng dăm bận.
Tính lão thế. Cả làng xô đến hàng lão vì cắt tóc thì ít mà hóng chuyện lại nhiều. Họ nghiện những câu nói tục tĩu của lão. Nghe đủ thứ chuyện trong làng với từng chi tiết một. Lão Biền kể cũng khôn. Lão chỉ cung cấp chuyện hàng xóm cho những ai đến cắt tóc, mà lão nói rất khẽ, đủ cho người đang phải cắt tóc nghe được. Dạo bà giáo đẻ lần thứ ba, hàng lão Biền xúm đông xúm đỏ người. Lão cứ việc chậm rãi hớt tóc từng người một với những câu nói thủng thẳng lập lờ. Kỳ nghỉ, ông về tới đầu dốc, thấy lão ngồi duỗi chân dưới gốc cây. Đắng cay. Chiếc gương gá tạm lên thân cây. Quán của lão bị cháy không hiểu nguyên do từ đâu. Lão xin bố mẹ ông cho ở nhờ sau chái nhà. Cũng đợt ấy mẹ ông thổ huyết, mất. Bà mắc bệnh lao hàng chục năm nay.