Hàn Mặc Tử và những nàng thơ huyền bí

 
Ngọc Sương ngày trẻ.
Cô gái mang tên Thương Thương là một nàng thơ huyền diệu bởi Hàn Mặc Tử không chỉ đơn thuần làm thơ về cô như những hình bóng giai nhân khác. Trong tâm tưởng ông, Thương Thương không phải là người của cõi trần.
Trong bài Tiêu sầu, chàng đưa mình bay lên tận cung trăng để gặp "Hằng Nga Thương Thương", còn trong vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ và Cẩm châu duyên, Thương Thương trở thành tiên nữ. Chính vì vậy, một số tài liệu cho rằng Thương Thương không phải là người có thật mà chỉ là cái tên mượn. Trần Thị Huyền Trang, cháu nhà thơ Quách Tấn viết trong Hàn Mặc Tử - hương thơm và mật đắng: "Thương Thương không phải là một nhân vật có thật. Tất cả mọi chuyện đều do Trần Thanh Địch sắp đặt ra".
Trần Thanh Địch là một trong hai người bạn thân nhất của Hàn Mặc Tử. Thương Thương là Trần Thị Thương Thương, con của ông Trần Thanh Đạt, anh trai hai nhà văn Trần Thanh Mại và Trần Thanh Địch. Hàn Mặc Tử cũng là bạn của Trần Tái Phùng, anh ruột Thương Thương.
Ông Địch cho biết, vào năm 1936, khi Hàn Mặc Tử ra Huế lần cuối cùng để tặng tập Gái quê cho bạn bè, Thương Thương chỉ mới 12 tuổi, nên Hàn Mặc Tử chẳng hề chú ý. Đến năm 1939, trải qua nhiều biến cố đau buồn trong cuộc đời, người anh cả dạy chàng làm thơ năm nào qua đời, Hoàng Cúc theo gia đình về quê, Mộng Cầm bỏ đi lấy chồng, bệnh tình ngày một nặng hơn, Hàn Mặc Tử đã sống ẩn mình, chỉ biết làm thơ. Làm được bài nào, chàng chép lại để gửi ra Huế cho Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng đọc.
Lúc này, tiếng tăm của Mặc Tử nổi như cồn. Thơ chàng làm ra được học sinh trung học chép tay chuyền nhau đọc thuộc lòng, đặc biệt là những nữ sinh. Trần Thị Thương Thương bấy giờ đang học trường Trung học Đồng Khánh, cũng bắt đầu say mê thơ Hàn Mặc Tử.
Trần Thanh Địch kể, một hôm ông đang ngồi viết thư cho Hàn Mặc Tử thì Thương Thương đến gần, nói cho mình gửi lời thăm. Trần Thanh Địch khuyên Thương Thương viết một bức thư ngắn gửi kèm cho lịch sự. Thương Thương nghe lời chú, viết bức thư xã giao, nói đại ý đã đọc thơ của chàng nhiều và rất thích, nay gửi lời chúc chàng mau bình phục để sáng tác.
Nhận được thư Thương Thương, Mặc Tử hồi âm ngay. Nhà thơ nói rất vui và sẽ gửi thơ tặng Thương Thương. Sau đó chỉ vài hôm, Thương Thương nhận được thơ chàng gửi tặng. Mặc Tử cũng đặt cho Thương Thương biệt danh Người lụa bến sông Hương.
Trong hai vở kịch Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội, tên tuổi của Thương Thương và Hàn Mặc Tử được nêu đích danh.
"Em là Trần Thương Thương
Anh là Hàn Mặc Tử
Không phải cách âm dương
Còn có khi hội ngộ".
Thương Thương lập tức nổi tiếng theo. Giới học sinh ở Huế xôn xao. Trong một thời gian ngắn, chuyện đến tai ông Trần Thanh Đạt, thân sinh của Thương Thương. Gia đình Thương Thương là gia đình quan lại, ông nội Thương Thương làm Thừa biện Bộ Binh, ông ngoại làm Thượng thư Bộ Lễ. Ông Trần Thanh Đạt khi đó đang làm Tham tri Bộ Quốc gia giáo dục, ba năm sau được thăng Thượng thư Bộ Quốc gia giáo dục. Trong một gia đình như vậy, việc Thương Thương trở thành một người nổi tiếng kiểu đó khó được chấp nhận. Ông Trần Thanh Đạt gọi anh Thương Thương là Trần Tái Phùng đến, yêu cầu tìm cách làm nguội dư luận. Trần Tái Phùng bèn viết thư gửi Hàn Mặc Tử, đề nghị chàng thôi sử dụng hình ảnh của Thương Thương trong sáng tác. Tử nhận được thư và lập tức làm theo đề nghị của bạn. Từ đó, Quần tiên hội mãi mãi bị bỏ dở dang.
Thương Thương là một nàng thơ đúng nghĩa của Hàn Mặc Tử. Không gặp mặt, không nghe tiếng. Chỉ là những tưởng tượng. Thế nhưng những sáng tác của chàng về nàng thật diệu kỳ.
Hàn Mặc Tử là một người đa sầu đa cảm. Gặp ai cũng đem lòng thương nhớ. Vì thế có rất nhiều hình bóng giai nhân đã đi vào thơ chàng. Ngoài Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương là người phụ nữ thứ tư ảnh hưởng sâu sắc tới thơ Hàn Mặc Tử. Trong từng giai đoạn còn có những người phụ nữ khác để lại dấu ấn trong thơ chàng. Đầu tiên là Ngọc Sương, chị ruột của Bích Khê, bạn Hàn Mặc Tử, dì ruột của Mộng Cầm. Khi Mộng Cầm đi lấy chồng, Bích Khê thấy bạn buồn quá bèn tặng tấm hình của hai chị em cho Hàn Mặc Tử và giới thiệu đôi chút về Ngọc Sương. Do đó mà Ngọc Sương cũng đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên Ngọc Sương không hề có mối giao lưu nào với Hàn Mặc Tử dù qua thư từ. Mãi đến khi Bích Khê mất vào năm 1946, Ngọc Sương soạn lại di cảo của em mới biết rõ một số bài thơ Hàn Mặc Tử viết về mình.
Một người nữa là Thanh Huy, tên thật là Võ Thị Thu Huy, chị vợ nhà văn Trần Thanh Địch, khi đó đang sinh sống ở Phan Thiết. Cũng như Ngọc Sương, Thanh Huy chỉ làm quen qua thư chứ chưa gặp mặt Hàn Mặc Tử. Đó là lúc Tử đã phát bệnh nặng. Thanh Huy cũng đang tập tành làm thơ, được Bích Khê khuyên nên viết thư động viên Hàn Mặc Tử. Khi Tử đang chán nản buồn phiền, có bức thư bỏ trong phong bì màu xanh của Thanh Huy gửi đến. Lập tức nhà thơ sáng tác bài Bức thư xanh:
"Thanh Huy hỡi nàng chưa là châu báu
Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ
Duyên làm sao cho Trí đến dại khờ
Mắt mờ lệ ở sau hàng chữ gấm
Ta đã nuốt và hình như đã cắn
Cả lời thơ cho vãi máu nàng ra".
Bài thơ viết một cách dữ dội, Thanh Huy đọc và thôi không liên lạc với Tử nữa vì khiếp đảm.
Mỹ Thiện cũng là một nàng thơ để lại dấu ấn mạnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Nàng người gốc Huế, ở cạnh nhà Hàn Mặc Tử tại thành phố Quy Nhơn. Nàng sống với cha và bà mẹ kế xấp xỉ tuổi nàng. Mỹ Thiện rất giỏi âm nhạc dân tộc, nổi tiếng là một cây đàn tỳ bà tài hoa, đặc biệt có thể chơi đủ năm cây đàn tranh, nhị, nguyệt, bầu, tỳ bà. Những đêm khuya, nàng thường dạo đàn tranh réo rắt. Hàn Mặc Tử chưa một lần gặp mặt Mỹ Thiện nhưng chàng bị ám ảnh bởi tiếng đàn. Ở thành phố Quy Nhơn dạo ấy, không chỉ riêng Hàn Mặc Tử mà nhiều chàng trai khác cũng mơ tưởng đến người ngọc. Khi bệnh tình càng nặng, tiếng đàn Mỹ Thiện càng làm cho chàng khó ngủ.
Mỹ Thiện không thoát khỏi hồng nhan bạc phận. Sống với người mẹ kế, nàng thường xuyên chịu đựng những ganh ghét. Và nàng đã kết thúc đời mình bằng những viên thuốc ngủ. Cái chết của Mỹ Thiện đánh tan mọi ngờ vực của những người ác ý và bà mẹ kế là nàng đã hoang thai. Các bác sĩ đã công bố nàng vẫn là cô gái trinh tiết. Cái chết ấy đã khiến Hàn Mặc Tử đau buồn, tiếc thương, và bài thơ Cô gái đồng trinh ra đời tức khắc:
"Đêm qua trăng vướng trên cành trúc
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề âu yếm ở đầu môi
Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc/
Cả một mùa xuân đã hiện hình".
Hình bóng Mỹ Thiện từ đó còn trở lại nhiều lần trong thơ chàng. Nguyễn Bá Tín em chàng kể lại: "Cô gái đồng trinh từ đó trở thành một hiện tượng kỳ lạ, một nàng thơ dẫn dắt anh vào những nhớ thương bàng bạc bâng quơ, hoặc hòa nhập vào những lời thơ quằn quại xót xa mà cuộc đời nàng đã đi qua ngắn ngủi".
(Theo Thanh Niên)