Khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa bắn đích ba phát, Tô Yến Tuyết lòng mừng khấp khởi vội bước lại nấp sau tấm bình phong để nghe ngóng. Mãi đến lúc Thiếu Hoa dự tiệc xong, từ tạ ra về nàng mới chạy đi tìm Mạnh Lệ Quân thuật lại đầu đuôi sự việc. Mạnh Lệ Quân nghe qua chỉ ngồi lặng thinh hồi lâu rồi thở dài nói: - Quả thật phần số của tôi không ra gì, chẳng biết cuộc lương duyên này biết bao giờ mới thành. Tô Yến Tuyết nói: - Chính lão gia cũng sợ Lưu Khuê Bích oán hận gây chuyện lôi thôi nên đã bảo công tử Thiếu Hoa nên gấp rút làm lễ cưới, hễ cưới xong thì chắc bình yên vô sự. Nói rồi Tô Yến Tuyết trở về phòng thuật lại chuyện ấy cho Tô Đại Nương nghe và tỏ ý khen Thiếu Hoa, chê Lưu Khuê Bích. Tô Đại Nương nói: - Mẹ nghe con nói đến cuộc nhơn duyên của tiểu thơ, mẹ lại nghĩ đến phận con, thật mẹ buồn quá, vì mẹ chỉ có một mình con mong kén đặng rể hiền mới hả dạ, nhưng khổ nỗi mẹ đây chỉ là một mụ vú thì dù con có tài mạo cho lắm, người sang trọng cũng chẳng thèm đến cầu thân. Nay Lưu Khuê Bích phải lòng con quả là may mắn cho con, sao con lại chê bai? Tô Yến Tuyết cười gằn nói: - Con thiết nghĩ kẻ nào ưng Lưu Khuê Bích tức thì mất kiếp hồng nhan, thà bỏ đến chùa tu còn hơn. Tô Đại Nương nghe nàng nói, mỉm cười rồi tắt đèn đi ngủ, chẳng dè Tô Yến Tuyết cùng Thiếu Hoa vốn có tiền duyên túc đế nên khi tắt đèn rồi nàng cảm thấy nao nao trong dạ không sao nhắm mắt được. Nàng tương tư về tài mạo của Thiếu Hoa, con tim nàng rung động đến độ tột cùng. Mãi đến nửa đêm nàng mơ màng thấy mình bước ra khỏi phòng đi dạo chơi ngoài huê viên, xảy gặp Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Sau khi chào hỏi nhau, nàng đánh bạo hỏi: - Công tử đi đâu đấy? Thiếu Hoa đáp: - Tôi có việc đi ngang qua đây, trông thấy vườn hoa tươi đẹp quá nên vào đây thưởng thức. Nói đến đây, Thiếu Hoa liếc nhìn nàng bằng đôi mắt đầy tình tứ rồi tiếp: - Khi mai tôi thấy cô nương đứng trên lầu xem bắn, trộm liếc dung nhan tôi đem lòng yêu mến, chẳng hay cô nương cùng Mạnh Tiểu thơ bà con thân thuộc như thế nào xin cho tôi biết. Tô Yến Tuyết liền nói rõ họ tên cùng tiểu sử của mình cho Thiếu Hoa nghe. Thiếu Hoa cười nói: - Xin lỗi cô nương, nếu cô nương chưa kết duyên với ai thì khi tôi kết duyên với Mạnh Tiểu thơ rồi, sẽ cưới cô nương về làm thứ nhất cho chị em được sum hiệp một nhà, chẳng biết cô nương nghĩ sao? Tô Yến Tuyết lấy làm thích chí đáp ngay: - Nếu được công tử đoái thương, tôi nguyện đợi chờ. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại nói: - Cô nương đã như vậy thì sẵn đêm nay trăng sáng xin hãy chỉ trăng mà thề, tôi mới chắc nàng hết dạ thương tôi. Thiếu Hoa nói rồi bước tới nắm tay Tô Yến Tuyết tỏ vẻ âu yếm. Yến Tuyết mắc cỡ quá giựt tay lại và nói: - Công tử hãy thề trước đi, rồi tôi sẽ thề sau. Thiếu Hoa liền quì xuống nhìn trăng long trọng thề: - Tôi là Hoàng Phủ Thiếu Hoa được Tô Tiểu thơ yêu mến nguyện sẽ cùng nhau kết tóc se duyên, nếu ngày sau tôi phụ lời nguyền thì phải chết về nghiệp đao kiếm. Thiếu Hoa thề xong, Tô Yến Tuyết cũng quì xuống tuyên thệ: - Tôi Tô Yến Tuyết suốt đời nguyện sống chung cùng Hoàng Phủ Công tử, nếu tôi phụ ước sẽ bị trời tru đất diệt. Dứt lời, Thiếu Hoa vội vàng đỡ nàng dậy nói: - Miễn tiểu thơ một lòng chung thủy với tôi thì thôi cần gì phải thể thốt nặng lời? Rồi chàng nắm tay nàng khẩn khiết: - Nay nhơn trăng thanh gió mát lại thêm vắng vẻ xin mời nàng vào đây để hai ta được thỏa lòng hoài vọng. Vừa nói Thiếu Hoa vừa kéo Tô Yến Tuyết vào nhà. Tô Yến Tuyết nghiêm sắc mặt bảo: - Xin công tử chớ nghĩ lầm mà đánh giá tôi quá thấp hèn như vậy, sở dĩ tôi yêu công tử là vì tài mạo của công tử có một không hai trên đời, chớ thật ra tôi không phải là hạng con gái lăng loàn trắc nết như người khác đâu! Hoàng Phủ Thiếu Hoa tỏ vẻ hối hận nhưng lại năn nỉ: - Hai ta đã ước nguyện cùng nhau kết tóc lâu dài thì việc gì phải tiếc tình với nhau? Tô Yến Tuyết lòng đã muốn xiêu nhưng sực nhớ đến danh tiết của phận gái, lòng nàng phân vân như đứng trước ngã ba đường, không biết nên đối xử với chàng sao cho phải. Đang khi bối rối, bỗng Mạnh Sĩ Nguyên từ trong nhà bước ra, nàng thất kinh vội tìm đường chạy trốn rủi vấp chân ngã quị xuống đất, giật mình thức dậy mới biết là điềm chiêm bao. Qua giấc chiêm bao sống trong lý tưởng, nàng ngồi nhổm dậy vặn đèn sáng lên chống cằm suy nghĩ: “Cứ theo điềm chiêm bao này thì chắc chắn ta cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa có tiền duyên rồi. Nhưng sao Mạnh Lão gia lại nỡ phá tan cuộc ái ân của ta đang nồng đượm?” Càng luyến tiếc giấc mộng lành bao nhiêu, nàng cảm thấy yêu Thiếu Hoa bấy nhiêu. Nàng nhất quyết ở vậy chờ Thiếu Hoa, dù cho đời nàng có chìm nổi thế nào cũng không thay lòng đổi dạ. Nói về Lưu Khuê Bích, khi chàng tức giận bỏ về, thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho Cố Phu nhân nghe và nói: - Nếu con chẳng cưới đặng Mạnh Lệ Quân làm vợ thì con thề suốt đời không lấy ai hết. Cố Phu nhơn nghe Khuê Bích nói vậy, đoán biết chàng ta quá giận nên nói sàm, bà cười nói: - Con đừng nói vậy, chừng nào ngoài chợ hết bánh đa, trong dân gian mới hết con gái, huống chi trên đời này thiếu chi người tài mạo hơn Mạnh Lệ Quân? Thôi để mẹ đi tìm chỗ khác xứng đáng cho con. Lưu Bích nghe mẹ nói lòng càng tức giận hơn nữa, liền bỏ vào phòng nằm thiêm thiếp. Chàng Khuê Bích vốn lòng gai dạ độc liền nghĩ ngay một kế, từ đó chàng giấu giếm mối hận sâu tận đáy lòng, ngoài mặt luôn luôn cười cười nói nói, ngày nào cũng đến rủ Hoàng Phủ Thiếu Hoa đến võ trường tập bắn, thái độ càng thân thiện hơn trước để thừa cơ hãm hại. Hoàng Phủ Thiếu Hoa tánh tình ngay thật, thấy Khuê Bích không thù hằn mình nên lòng mừng khấp khởi, thật lòng giao du với Khuê Bích không chút nghi ngờ. Khi Hoàng Phủ Kính tin cho Tần Thừa Ân hay rồi, hai người chọn ngày mười tám tháng năm năm đó đem đồ sính lễ sang nhà họ Mạnh. Mạnh Sĩ Nguyên nhận lễ vật xong, sai con Vinh Lang bưng ra U Hương trao cho Mạnh Lệ Quân. Nàng trông thấy đồ sính lễ trong lòng cũng rộn lên nhưng lại nghĩ không biết duyên nợ của mình có được vuông tròn hay không, nên lòng đầy lo ngại. Sau khi Lưu Khuê Bích giả dạng thân mật với Thiếu Hoa ít lâu, chàng thấy Thiếu Hoa với mình không chút nghi ngờ nên định ra độc thủ. Khuê Bích nghĩ thầm: “Khi ta giết chết Thiếu Hoa rồi, thế nào Mạnh Lệ Quân cũng cải giá, nhưng nếu nàng có bền lòng chặt dạ ở vậy thủ tiết, ta sẽ nhờ Lưu Hoàng hậu tâu lên Thánh thượng yêu cầu người ngự bút tứ hôn cho ta, thì nàng con gái họ Mạnh kia dù cứng đầu đến đâu cũng phải tân theo”. Nghĩ đến đây, Khuê Bích cảm thấy sung sướng vô cùng, chàng bảo gia tướng sửa soạn cung tên cho sẵn sàng rồi tung mình lên ngựa sang rủ Thiếu Hoa đến võ trường tập bắn như thường lệ. Sau cuộc tập bắn tại võ trường, Khuê Bích lại rủ Thiếu Hoa đến tửu lầu uống rượu, đoạn đưa Thiếu Hoa về đến tận nhà mới chia tay. Hôm sau Khuê Bích lại đến rủ Thiếu Hoa đi săn đến chiều tối mới về. Liên tiếp trong mấy ngày, Lưu Khuê Bích tỏ ra rất mật thiết với Thiếu Hoa khiến Thiếu Hoa có chút gì ngờ vực trong lòng cũng phải dẹp bỏ ngay. Qua đến ngày thứ ba, Khuê Bích sai gia tướng cầm bức thơ sang mời Thiếu Hoa đi chơi thuyền để uống rượu và xem phong cảnh tại Côn Minh trì; nhưng Hoàng Phủ Thiếu Hoa nhận được thơ vội đem đến cho Hoàng Phủ Kính xem chứ không dám tự tiện, vì chàng là con nhà gia giáo, lẽ đâu đi chơi xa lại không cho cha mẹ biết. Lời Bình: - Xét ra Tô Yến Tuyết cũng là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, nếu nàng không đẹp sao Lưu Khuê Bích vừa thoáng thấy đã mê mẩn tâm thần đến nỗi bủn rủn tay chân trương cung bắn không được nữa, nhưng nếu Khuê Bích biết rõ nàng là con của một người vú thì chưa chắc gì Khuê Bích muốn. Vì vậy Tô Đại Nương một kẻ già đời thấy rõ quyền thế, địavị nó làm cho tăng giá trị con người, bằng ngược lại, những kẻ không có địa vị trong tay sẽ bị người đời khinh khi không coi ra gì cả. Ba ta muốn con mình có được một người chồng như Khuê Bích đã là hạnh phúc lắm rồi, nhưng Tô Yến Tuyết lại đạp lên cả xã hội quyền thế, nàng không thấy mình con một mụ vú là mất giá trị; nàng chỉ quan niệm giá trị con người ở chỗ tài mạo mà thôi, vì vậy nàng có quyền yêu người lý tưởng của nàng, còn việc người ta có thích nàng hay không, nàng không cần biết đến. - Lưu Khuê Bích đang giận dữ Hoàng Phủ Thiếu Hoa, thế mà bỗng dưng lại quá thân thiện với Thiếu Hoa mà Thiếu Hoa không một chút nghi ngờ thì quả là ngây ngô hết cỡ. Phàm ở đời việc gì bỗng nhiên có một hiện tượng khác tất nhiên phải có nguyên nhân. Đến nỗi Hoàng Phủ Kính đã lăn lộn nhiều trên đường đời mà cũng không thấy được hành động xảo trá của Lưu Khuê Bích, thật đáng chê.