ĐẠO SƯ TỪ TRẦN Sau khi từ Gantok về, tôi rút lui sống trong phòng riêng của Tomo Géché tại Ya-Gah Tscho-Ling một thời gian. Thời gian như ngưng lại trong căn phòng nhỏ này. Kể từ ngày tôi được gặp vị thầy đến bây giờ, không có gì thay đổi. Chỗ ngồi của ông, trên đó chiếc áo choàng dài được xếp cẩn thận, nhìn như ông vừa mới bước chân đi và trên bàn nhỏ trước chỗ ngồi là một bình trà bằng ngọc xanh nhật được để trên một đĩa bạc và bên cạnh là các pháp khí quen thuộc như kim cương chử, chuông và bình bát. Chiếc đèn dầu bạc nằm trước bàn thờ có khắc hoa văn với tượng vàng Dolma cháy với một ngọn lửa đều đặn mà Katschenla, dù tuổi đã cao, vẫn chăm chút lo lắng với sự tươi vui không thay đổi. Đối với ông thì bậc dạo sư luôn luôn hiện diện và mỗi ngày ông sửa chỗ ngồi, phủi bụi chiếc áo choàng tế lễ và xếp lại đúng chỗ, rót trà trước khi uống chén trà của mình, lau chùi và châm thêm cho chén nước, bình dầu, thắp nhang, tụng niệm kinh tán thán và qui y rồi ngồi thiền định yên lặng trước bàn thờ với tranh tượng khác nhau. Ông làm như thế đúng theo trách nhiệm của một đời sống tôn giáo và của một đệ tử hết lòng vì thầy. Được phụng sự thầy, đối với ông là dạng cao nhất của “phụng sự thượng đế”, vì điều này đồng nghĩa với phụng sự Phật. Không một hạt bụi nào bán trên bàn thờ đã được trang trí khắc họa và dát vàng. Sàn nhà bóng như một tấm gương và các bức họa thanka cũng như khung tranh quí giá không hề mất một chút màu. Các tấm thảm dệt bằng tay trên kệ hoặc treo tường, chiếc khăn nâu đậm căng dưới trần phòng và bức tranh lụa vẽ bầu trời trên chỗ ngồi của bậc đạo sư và bàn thờ chính cho một cảm giác tôi đang ở trong lều của một bậc trưởng lão người Nomade hay chúa tể xa xưa ở vùng Trung Á chứ không phải trong thế giới và thời đại ngày nay. Căn phòng này mang hơi thở truyền thống của hàng ngàn năm, tăng cường thêm bằng nhân cách của một người với sự hiện diện sinh động của người đó. Tôi có một cảm giác tương tự như lúc gặp ông lần cuối tại Sarnath(32), khi vườn xoài của trú xứ thiêng liêng này biến thành khu vực cắm lều của người Tây Tạng và vô số đèn dầu sáng trong đêm dưới các tàng cây để cúng dường Tomo Géché Rimpotsché và đoàn đệ tử. Ông ở trong một căn lều lớn ở giữa vườn xoài, dưới ánh sáng mờ nhạt của đèn dầu và lửa trại mà đám khói như tấm màng mỏng lơ lửng giữa cây cối và lều, lúc đó thì khu vườn đối với tôi đã trở thành một ốc đảo nằm xa giữa lòng châu Á, trong đó đoàn người ngựa hành hương sau một chuyến du hành nhọc nhằn có được chỗ nghỉ ngơi. Thực tế thì đó là một chặng cuối của chuyến du hành đời giác ngộ của vị đạo sư - sự từ giã những thánh địa đánh dấu chuyến du hành trên trái đất này của Đức Phật. Đó là chuyến hành hương cuối cùng của Tomo Géché Rimpotsché đi Ấn Độ trong mùa đông 1935-1936 với nhiều học trò theo. Khắp nơi, ông được đón tiếp nồng hậu, mặc dù ông xa lánh mọi sự tôn sùng cá nhân và các buổi tổ chức công cộng. Trên đường ông về tại Yi-Gah-Tscho-Ling và Tây Tạng, qua Calcutta, báo chí tại đó đưa tin: “Một vị lạt ma nổi tiếng, được xem như đứng hàng thứ tư sau Đại lai lạt ma, hiện đang ở Calcutta. Vị Géché Rimpotsché cao quí hiện trên đường về Tây Tạng, sau khi đã chấm dứt chuyến hành hương đến các thánh địa Phật giáo tại Bắc Ấn. Người ta cho rằng Ngài có nhiều thần thông. Phần lớn thời gian của Ngài dành để học tập kinh điển, giáo hóa học trò và thiền định. Ngài tránh đám đông, không bao giờ ra khỏi phòng và không bao giờ ngủ. Ngài được một đoàn gồm bốn mươi vị lạt ma hộ tống. Các vị đó thăm Sarnath, Gaya và Rajgir. Tại Sarnath các vị sống trong lều”. Thông tin cho rằng Tomo Géché không bao giờ ngủ dựa trên thực tế là ông - như đã nói - không bao giờ nằm ngủ, mà luôn giữ thế ngồi thiền định suốt đêm, thế nên dù có ngủ ông cũng không mất sự điều khiển thân mình. Vì vậy ngay cả giấc ngủ, theo phép tu thiền định cao nhất, cũng chỉ là sự tiếp tục của một diệu pháp, nhưng ở trong một bình diện ý thức khác. Hiển nhiên là không ai nghi ngờ Tomo Géché có trình độ tâm thức vượt hẳn so với người thường không tu tập, nhưng chắc ông sẽ không nhận từ “thần thông” và nhất là chống lại cách phổ biến như thế trong quần chúng. Khi giới ký giả vì tò mò đã tìm cách hỏi ông về các năng lực siêu nhiên và các lễ nghi huyền bí của Phật giáo Tây Tạng, ông chấm dứt câu chuyện và nói thêm những điều đó không có lợi ích gì cho việc hiểu giáo lý căn bản của Đức Phật. Thế nên giới ký giả đành ghi chép những chuyện xảy ra bên lề của chuyến hành hương. Họ biết thêm rằng Sardar Bahadur Ladenla là trưởng đoàn. Ông là người phục vụ cho Đại lai lạt ma thứ 13 với nhiều cương vị khác nhau và được Ngài trao tặng hàm của một tướng lãnh. Họ còn viết thêm là Tomo Géché và Ladenla đã nạm vàng cho bức tượng Phật ở Sarnath và vị tiểu vương xứ Bhutan đã gửi theo tặng một tấm vải bạc cho bức tượng. Tôi tìm thấy các mẫu báo này trong nhật ký và bá tước Veltheim-Ostrau, người được diện kiến Tomo Géché Rimpotsché tại Calcutta ngày 2.2.1936. Vì quá nhiều người đến viếng, ông không nói chuyện được với vị lạt ma. “Giữa đám đông người đến rồi đi, lạt ma như cái trục của sự tĩnh lặng. Ông ngồi trên một tấm thảm, mỉm cười yên lặng. Vị này gây nên một ấn tượng vô cùng cao quí, già dặn tri thức, như người đã đạt đến tình trạng giải thoát”. Và thực là như vậy; vì đây là giai đoạn cuối cùng của đời Tomo Géché và nhất là sự chủ động bước qua một cuộc sống mới đã xảy ra trong năm sau, điều đó nói lên ý nghĩa chữ “giải thoát” ở trên, đó là sự chiến thắng thần chết. Katschenla kể cho tôi nghe điều gì đã xảy ra trong những ngày cuối đời của vị đạo sư; và về sau trong một chuyến thăm tại Dungkar, tu viện của Tomo Géché tại thung lũng Tomo miền Nam Tây Tạng, tôi nghe thêm chi tiết về cái chết của ông từ chính các tu sĩ có mặt lúc đó. Vị thầy biết đến lúc đã phải rời bỏ tấm thân nay đã trở thành gánh nặng. “Nhưng”, ông nói, “không có lý do để buồn phiền. Ta không rời các con, chẳng bỏ làm chuyện đạo pháp. Nhưng thay vì kéo lê tấm thân già này, ta sẽ trở về thân mới. Ta hứa với các con sẽ trở lại. khoảng ba bốn năm nữa các con có thể tìm thấy ta”. Không bao lâu sau khi nói những lời này ông rút vào phòng thiền quán và không cho ai được quấy rầy, mặc dù vẫn ở trong phòng thường ngày của mình. Ông đi vào tình trạng nhập định sâu xa liên tục mấy ngày liền. Sau mười ngày trôi qua và thấy ông vẫn bất động trên bồ đoàn, các tu sĩ chuyên lo lắng cho ông bắt đầu thấy ấy náy. Một vị cầm một tấm gương đưa trước mặt ông. Khi thấy gương không bị mờ, người ta biết hơi thở ông đã dứt. Vị đạo sư đã từ bỏ thân mình ra đi trong lúc thiền định và chủ động bước qua ngưỡng cửa sinh tử - hay đúng hơn: ngưỡng cửa của đời này và đời sau. HÓA THÂN (33) Sự tạo dựng một hình ảnh sáng tạo, chứa mầm mống của ý niệm cao đẹp nhất, đó là ý nghĩa đích thực của từ “Magie”, đó chính là lực tạo tác, nó có thể sinh thành hay chuyển hóa sắc thể. Vì thế một ý niệm chỉ có tác dụng khi nó phải được xuất hiện bằng một biểu tượng, biểu tượng đó không chỉ là một dấu hiệu thông thường ẩn dụ văn thơ, mà là một biểu tượng có giá trị nhất định, sinh động, cơ bản, đủ khả năng gây cảm thọ trực kiến nội tâm và chứng nghiệm. Đó là lý do tại sao Phật giáo Tây Tạng lại quan tâm nhiều đến linh ảnh và trực kiến về các biểu tượng của Phật quả - các biểu tượng đó cũng nhiều như các tính chất của một vị giác ngộ - và sự quán chiếu các hình tượng thờ cúng, man-da-la (linh phù), thần chú và các thứ tương tự. Tất cả những thứ này không phải là ngoại vật để họ tôn thờ mà chủ yếu là phương tiện để quán chiếu, qua đó mà hành giả trở thành đồng nhất với ý niệm của mình, bằng cách tự chuyển hóa mình trở thành chính niệm, biến mình thành hiện thân của ý niệm. Tại Tây Tạng, người ta biết đến một phép tu dành cho những người biết giáo lý Bardo Thodol (nói về thân trung ấm, tức là dạng ý thức giữa sống và chết hay giữa chết và sự tái sinh). Mục đích của phép này là đi thẳng và trung tâm của tự tính chúng ta, đó là chỗ mà ý thức rút về khi cái chết của thân thể trờ tới, nơi ý thức chứng nghiệm sự chuyển đổi từ đời nay qua đời sau. Nơi đây không phải chỗ để soi xét lại quá khứ hay nhìn trước tương lai mà là nhận thức và tri kiến trọn vẹn những mầm mống đang hiện tiền của các khả năng sắp xảy ra. Ai nhận tức được tự tính đích thực của chúng, người đó sẽ làm chủ những năng lượng tàng ẩn trong chúng và trong phút giây của sự chết có thể lèo lái chúng, để khi chúng được giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thân cũ, chủ dộng tiếp nối sức mạnh của chúng để đưa vào một thân mới. Quá trình này được Tây Tạng gọi là “chuyển thức” (hphoba). Đó là một hành động di chuyển ý thức, nó có thể xảy ra giữa hai cá nhân đã phát triển toàn vẹn hay sự chiếu rọi ý thức của một người lên một mầm sống vừa tượng hình trong lòng mẹ. Một sự tác động trực tiếp của ý thức lên ý thức hay sự tập hợp tinh lực tâm linh dồn lên một sinh cơ nhạy cảm, sẵn sàng cảm nhận mà bản thân nó chưa biết hoạt động chỉ thụ động nằm chờ; ngày nay dựa trên kiến thức của kỹ thuật radio, mối liên hệ giữa máy phát và máy nhận ta có thể hiểu được. Nếu người bình thường hay chịu cái chết bất chợt và bị nó áp đảo thì những kẻ đã kiểm soát được thân tâm đủ khả năng tự rút ra khỏi thân thể mình, không phải chịu cái đau đớn vật vã chống lại cái chết và ngay lúc đó cũng vẫn không mất sự làm chủ về thân mình. Điều này được chứng tỏ trong cái chết của Tomo Géché với bằng cớ là thân ông vẫn bất động trong thế ngồi thiền định sau khi chết lâu cũng thế. Không ai biết rõ cái chết đến từ lúc nào. Có thể nhiều ngày đã trôi qua khi người ta đưa tấm gương trước mặt ông. Cả tuần sau thân ông vẫn yên thế, như H.E. Richardson, vị đặc mệnh người Anh tại Tây Tạng dã xác nhận. Vài tuần sau khi nghe Tomo Géché chết, ông đi qua lũng, nơi có tu viện Dungkar Gompa. Và vì đã quen vị Rimpotsché lúc còn sống, ông dừng chân, đi ngựa lên tu viện nằm trên một đỉnh đá cheo leo giữa thung lũng phì nhiêu. Vị sư trưởng chào ông trân trọng và Richardson chưa kịp nói lời chia buồn thì vị vấy nói Rimpotsché vui mừng được tiếp ông. Hoàn toàn ngạc nhiên và nghĩ mình nghe tin sai, khách liền theo chủ vào phòng Rimpotsché. Ông ngạc nhiên xiết bao khi vào phòng thấy Tomo Géché ngồi yên trên chỗ thường lệ. Nhưng ông biết ngay đây chỉ là cái xác ngồi trước mặt mình. vị sư trưởng thì hầu như nghĩ khác, vì ông hành động y như vị Rimpotsché còn hiện tiền. Ông giới thiệu khách vào và mời ngồi. Rồi ông nói - hầu như như lặp lại tiếng nói của Rimpotsché - “Vị Ripotsché chào mừng ông và hỏi ông đi đường ra sao, có khỏe mạnh không?” - Với cách này mà câu chuyện diễn ra thực sự giữa Rimpotsché và Richardson, trong lúc đó thì trà vẫn được dâng lên và tất cả mọi sự đều bình thường, đến nỗi người khách không tin vào giác quan của mình nữa. Thật là một chuyện kỳ lạ và nếu Li Gotami và tôi nghe chính Richardson nói, mà sau đó vài năm chúng tôi gặp lại ông tại Gyantse thì chúng tôi ắt hẳn phải nghi ngờ. Dĩ nhiên không phải vị sư trưởng cố ý đóng kịch làm trung gian để tiếp xúc với thần thức Tomo Géché, ông làm trong niềm tin tưởng rằng vị đạo sư đang hiện tiền. Bao lâu mà tấm thân thiêng liêng đã từng chứa thần thức của ông duy trì - thì bấy lâu vị sư trưởng còn đối xử một cách đầy kính trọng như thời vị đạo sư còn sống. Đối với người phương Tây, thật khó mà hiểu tâm tư của một người Tây Tạng ngoan đạo và lại càng khó hiểu thái độ của những kẻ mà cái sống và chết không phải là hai thái cực mà chỉ là hai mặt của một thực tại độc nhất. Từ thế đứng này, ta có thể hiểu được người Tây Tạng ít sợ chết hơn phần lớn người khác. Khía cạnh cúng tế thần chết của tôn giáo thời tiền sử cũng như di hưởng của nó trong truyền thống và lễ nghi của Phật giáo Tây Tạng - trong đó biểu tượng của cái chết như sọ người, bộ xương, thây ma và mọi dạng của nát rữa, sự hoại diệt… được ý thức - không phải phương tiện để xa lánh và quay lưng với cuộc sống mà là cách để chế ngự các thế lực đen tối chúng diễn tả mặt trái của đời sống. Thân của lạt ma nổi tiếng (như Đại lai lạt ma và Ban thiền lạt ma) không được thiêu đốt hay hủy diệt mà được thờ như xá lợi, trong các đàn thờ dát vàng bạc mà ta gọi là Tschorten, được giữ lại cho hậu thế. Một đàn thờ như thế được dành cho Tomo Géché và sự trang hoàng tuyệt đẹp của đàn không phải chỉ là biểu tượng của sự chứng thực cao tột của ông mà còn nói lên tình yêu thương và sự tôn quí của người Tây Tạng dành cho ông. Khi nghe ông mất, hàng ngàn người xa gần đều đến Dungkar Gompa để tỏ lòng tôn kính lần cuối và mang theo phẩm vật như vàng bạc và đá quý để xây đàn. Ngay cả những người nghèo khổ cũng nhất định góp phần mình vào đó: nhiều người dâng tặng bông tai có gắn đá xanh, nhẫn hay vòng đeo tay, kẻ khác dâng vật trang sức bằng san hô hay vật dụng bằng bạc. Họ không tiếc gì công của để xây dựng một cái đàn xứng đáng, để đời sau còn nhắc nhở đến vị đạo sư vĩ đại, để con cháu được hưởng sự hiện diện tâm linh của ông. Lòng thiết tha và dâng cúng của tín đồ thật không sao kể xiết. Vì tặng phẩm quá nhiều, ở dạng bảo vật, tiền bạc và đồ trang hoàng nên người ta phải làm một cái đàn bằng bạc cao hai tầng, khắc họa mọi hình tướng, dát vàng bạc, và đầy những thứ đá quý, san hô. Các thợ bạc khéo nhất được triệu đến để hoàn thành một công trình mỹ thuật và hoàn hảo. Phần dưới của đàn đủ lớn để tạo ra một không gian, nơi đó đặt xác ướp của Géché cùng với mọi pháp khí để trên bàn thờ trước thân ông, như lúc còn sống. Còn đàn thì được để trong một tòa nhà lớn xây lên chỉ dành cho ông mà các vách tường xung quanh đều được tô vẽ bằng hình tượng Phật, Bồ-tát và các vị hộ pháp đầy uy lực cũng như một số thánh nhân khác, trong số đó có hình tượng của tám mươi bốn vị thành tựu giả (Siddha) Trước khi thân ông được chính thức đưa vào an nghỉ trong đàn(34) thì một bức tượng gần bằng người thật với thân người và nét mặt giống ông được hoàn thành bởi các nghệ nhân truyền thống. Trong mỗi đền do Tomo Géché dựng lên và cai quản đều nhận được một bức tượng đúc lại từ đó và thờ bên cạnh tượng Di Lặc. Tượng Tomo Géché được trình bày với ấn giáo hóa, tay mặt đưa lên cao bàn tay ngửa ra ngoài, như ấn vô úy của Phật Bất Không Thành Tựu, nhưng khác ở chỗ là ngón tay cái và tay trỏ chạm nhau làm thành vòng tròn, ám chỉ sự giáo hóa của pháp phi thời gian, từ đó mà sinh ra tri kiến vô úy. SỰ TÁI SINH Tomo Géché Rimpotsché hứa sẽ trở lại với tu viện và học trò, trong vòng thời gian đã định, và ông giữ lời hứa. Thế nhưng không bao giờ tôi ngờ sự tái sinh của ông rơi vào đúng ngôi nhà mà tôi là khách khi lần đầu đến Tây Tạng, đúng ngôi nhà mà tôi lại đến khi đi thăm vị ẩn tu ở Latschen: nhà của Entsche Kasi. Từ chính miệng của Entsche Kasi tôi được nghe chi tiết về sự tái sinh của Tomo Géché Rimpotsché cũng như sự tìm kiếm và thừa nhận, với sự hỗ trợ qua cuộc đại vấn linh tại Netschung gần Lhasa. Đối với tôi, Entsche Kasi là một người thành thật và sùng đạo sâu sắc, nên tôi có thể bảo đảm cho những gì ông kể lại, vói sự có mặt của Li Gotami. Mặc dù rất hãnh diện là cha của một vị tái sinh, nhưng những gì ông kể đầy sự đau buồn vì sau khi sinh không bao lâu thì vợ ông mất; và vài năm sau, sau khi rõ rằng đứa bé này không ai khác hơn là Tomo Géché thì ông phải đưa đứa con trai độc nhất này cho người khác. Chỉ vì bằng cớ lớn lao của việc này và cũng vì không muốn ngăn trở tương lai của đứa bé, chỉ muốn “trở lại tu viện”, ông dành phải nhượng bộ và cho phép trẻ về tại Dungkar cùng đi với các tu sĩ từ đó gửi đến. Vị tiểu vương Sikkim cũng khuyên ông không nên can thiệp vào tương lai cậu bé mà dã được cuộc đại vấn linh tại Netschung thừa nhận và được chính những gì cậu nói cũng như toàn bộ hành động đã cho thấy. Chính cậu nói mình không phải là người Sakkim mà là người Tây Tạng và khi cha cậu gọi tên là “pu-tschung” (bé con) thì cậu phản đối nói tên mình là jigme (vô úy). Đây đúng thật là tên mà cuộc vấn linh đã nhắc đến. Tomo Géché sẽ tái sinh. Việc một cuộc đại vấn linh chính thức được triệu tập chứng tỏ tầm quan trọng phải tìm ra hóa thân của Tomo Géché. Xem ra một cuộc vấn linh nhỏ tại Dungkar không đủ sức cho câu trả lời; vì thế nên tăng lữ tại Lhasa thấy khỏi hỏi thêm tại Netschung. Cuộc vấn linh tại đây không những chỉ cho thấy phương hướng phải tìm trẻ nơi đâu mà còn mô tả khá rõ trẻ sinh ở thành phố nào và cảnh vật gần đó ra sao. Nhờ những chi tiết đó mà không có nơi nào khác ngoài Gangtok là đúng. Các thông tin khác cho biết thêm đứa trẻ sinh năm nào, tuổi tác của cha mẹ; thậm chí mô tả ngôi nhà họ sống cũng như cây cối mọc trong vườn. Hai cây ăn trái mọc trước nhà được nhắc tới như một dấu hiệu đặc biệt. Một phái đoàn gồm các tu sĩ già dặn đáng tin cậy được cử đến Gangtok và nhờ những thông tin đó mà họ tìm ra đứa trẻ lúc đó đã lên bốn. Khi các tu sĩ vừa bước vào vườn, tới gần nhà thì cậu bé đã gọi lớn “Ba ơi, người của con đã tới tìm con rồi, để đưa về tu viện”. Và cậu chạy lại đoàn người, nhảy nhót vui mừng - mà người cha thì đau khổ không muốn mất con. Thế nhưng cậu bé van nài cha xin đi và khi các tu sĩ đưa ra các pháp khí khác nhau như hạt, kim cương chử, tách trà, bình bát gỗ để ăn uống, trống nhỏ và các vật dụng khác nhau của tu sĩ thì cậu không chút chần chừ lựa ra những thứ của cậu trong đời trước, cũng như cương quyết từ chối các vật khác không phải của mình mà người ta cố ý trộn lại với nhau để kiểm chứng cậu. Mặc dù nhiều thứ “giả” đẹp hơn nhiều nhưng cậu không để nhầm lẫn. Người cha đã thấy tất cả mọi minh chứng này và nhớ lại nhiều dấu hiệu của sự thông minh khác thường cũng như những điều khó hiểu của con mình, cuối cùng đã chấp thuận, mắc dù đau xót, cho cậu trở về tu viện Tây Tạng, cùng với đoàn tu sĩ. Trên đường về Dungkar Gompa, đoàn gặp Amtschi, người thầy thuốc Tây Tạng dã chăm sóc Tomo Géché trong những năm cuối cùng của ông. Cậu bé nhận ra ông và gọi: Ô, Amtschi, ông không nhận ra tôi sao? Ông không nhớ đã săn sóc tôi khi tôi bị bệnh trong thân trước sao?”. Tại Dungkar, cậu cũng nhận ra vài vị sư già và - điều rất đặc biệt - con chó nhỏ ngày trước cứ theo chân ông trong những năm cuối đã nhận ra cậu ngay và hết sức vui mừng được gặp chủ. Như vậy là Tomo Géché đã giữ lời hứa và mọi người xa gần lại đổ về Dungkar Gompa để bày tỏ niềm kính trọng với vị đạo sư và xin phước lành. Ai gặp cậu bé cũng bị ấn tượng bởi thái độ vững vàng và cao quý của cậu, lúc cậu ngồi trên tòa trong chính điện, hướng dẫn lễ nghi và tụng niệm trong các dịp cũng như tiếp khách hành hương và ban phép cho họ - trong lúc ở mọi phương diện khác thì cậu cũng hồn nhiên như mọi đứa trẻ cùng tuổi khác. Thế nhưng trong hành động lễ nghi tôn giáo thì cậu có khuôn mặt của một người đàn ông đầy minh triết già dặn, xuyên qua những nét trong sáng ngây thơ của trẻ con. Và không bao lâu sau người ta rõ cậu không hề quên những kiến thức của mình tập hợp trong đời trước. Sự giáo dục chỉ là ôn lại, đưa những gì đã biết vào trong trí nhớ. Cậu học nhanh đến nỗi mà các thầy giáo không biết dạy thêm gì nữa. Vì lý do này mà lúc lên bảy cậu được đưa về Sera, một trong những đại học tôn giáo gần Lhasa để học công trình cao cấp và lấy bằng tiến sĩ (Géché). Tất cả những điều này đối với đầu óc phê phán của phương Tây hẳn khó tin và tôi cũng phải thừa nhận rằng khó tin ngay đối với tôi nếu chưa từng gặp nhiều trường hợp tương tự đã làm tôi thấy rằng, ý niệm tái sinh không phải chỉ là một lý thuyết hay lòng tin vô căn cứ. Những trường hợp đó cũng là bằng cớ cho thấy ta có thể nhớ lại nhiều chi tiết và thành tựu trong đời quá khứ. Nhà khoa học, người chỉ tin nơi thuyết di truyền, xem ra không bao giờ hỏi, thực tế di truyền là cái gì. Đó chính là nguyên lý của sự bảo toàn và liên tục của những tính chất, nguyên lý do đúc kết lại trong khả năng nhớ và chủ động bày tỏ ý muốn và quyết định hướng đi của mình, dưới sự chỉ đạo của ý thức và kinh nghiệm. Vì thế, di truyền chỉ là một tên khác của ký cơ sở, đó là nguyên lý giữ được tính bảo toàn, sự thăng bằng, nó là lực chống lại sự hoại diệt, cái bấp bênh. Liệu ta gọi tên “ký ức” là một tính chất của tâm, của vật hay là một nguyên lý sinh vật, điều đó không quan trọng gì, vì “vật chất”, hay “sinh vật” hay “tâm thức” chỉ là những tầng mức khác nhau mà nơi đó cái lực duy nhất này tác dụng và biểu hiện. Điều quan trọng là nó cũng là lực sinh ra và giữ một hình tướng, nó là khâu nối kết giữa quá khứ và tương lai, nó hiện ra ngoài thông qua cách chứng nghiệm cái hiện tại và ý thức về sự hữu hiện của mình. Tính đồng thời giữa bảo toàn và sáng tạo được bảo đảm bừng một quá trình của sự chuyển hóa liên tục, trong đó những yếu tố chủ yếu hay nguyên lý về sắc thể cũng được bảo toàn, nó như một hạt nhân, từ đó mà các dạng hình mới mẻ cứ hiển hiện, vừa tuân thủ qui luật nội tại của mình, vừa chịu ảnh hưởng của bên ngoài. Ngay cả khi ta xét tính di truyền sinh học, vì cha mẹ cho con cái “chất liệu” để thành thân mới, thì thân này cũng không có khả năng cản năng lực của ý thức nọ. Điều này càng được thấy rõ hơn khi năng lực ý thức đó cần phải ăn khớp với tính chất di truyền của cha mẹ và trong nhiều trường hợp đặc biệt nó tổng hòa với nhau để sinh ra một đơn vị mới (như trong phút giây tượng hình). Ý thức là một dòng chảy sinh động, không chịu để mình ép mình trong bình chứa chật hẹp của một cái ngã, vì tự tính của nó là vận động, là tuôn chảy; và sự tuôn chảy đồng nghĩa với sự liên tục và sự quy định, đó là mói liên hệ giữa hai trạng thái hay hai cực. Không có tính đối cực này thì không thể có đời sống, cảm thọ - và không có sự liên tục thì cũng chẳng có mối liên hệ. Hai cực này càng xa nhau, càng rộng mở thì dòng chảy càng mạnh mẽ cũng như sức tạo nên dòng. Ý thức cao tột là sản phẩm của những kinh nghiệm rất khác nhau, của biên độ dao động rất lớn giữa tính vũ trụ và tính cá thể. Thế nhưng ý thức thông thường hay chỉ được hạn chế trong vòng vây nhỏ bé của ước mơ và mục đích có tính thời gian, thế nên dòng chảy to lớn kia bị kiềm hãm, bị chuyển hướng và năng lượng của nó bị phí phạm với hậu quả là ánh sáng nhận thức toát ra từ đó bị mờ đục. Thế nên khi cá thể đánh mất mói liên hệ đầy ý thức với trung tâm vạn năng của nó và lấy tính cách giới hạn của mình làm trung tâm, bằng cách bám chặt sự hiện hữu nhất thời này, thì điều đó sẽ sinh ra một ảo giác về một tự ngã độc lập, không thay đổi, cái đó sẽ đi ngược dòng của đời sống và ý thức to lớn hơn và dẫn đến sự trì trệ tâm linh. Phương thuốc chữa căn bệnh này không phải là sự đè nén cái cá thể (nếu thế là qua thái cực kia) mà là tri kiến nhận biết rằng, cái cá thể không phải là cái ngã (nói theo nghĩa trên) và rằng sự biến đổi là một điều kiện tự nhiên và cần thiết của mọi cuộc sống, nó không hề tùy tiện hay vô nghĩa, mà dựa trên một qui luật nội tại và có tính bao trùm, chính qui luật đó bồ đề sự liên tục và tính ổn định nội tại của vận động. Cá thể không những là phần cần thiết và bổ túc của cái toàn thể mà chính là tiêu điểm, nơi đó cái toàn thể được chứng thực. Sự tiêu diệt cá thể, tức là phủ nhận giá trị của nó, một cách triết học hay đạo lý, chỉ dẫn đến một tình trạng vô phân biệt và hủy diệt, tình trạng tuy có thể giải thoát được cái khổ, nhưng chỉ là sự tự phủ nhận vì nó tước đoạt khả năng phát triển cá thể sắp tới: đó là sự chứng nghiệm của giác ngộ hoàn toàn, của sự trở về nhất thể, của Phật quả mà trong đó cái toàn thể trong tự tính của ta sẽ được chứng nghiệm. Khi nói “trở về với cái toàn thể, như giọt nước trong biển cả” mà không chứng thực cái toàn thể, thì chẳng khác gì cách nói văn vẻ về sự hoại diệt hoàn toàn và tránh nế vấn đề của tính cá thể đặt cho ta. tại sao cái toàn thể lại srn sinh ra đời sống và ý thức cá thể, nếu những điềun ày không tương thích với tự tính sâu kín của cái toàn thể hay không chứa cái “thức tự nhiên”? Cũng vẫn câu hỏi dó nếu ta nhìn vũ trụ bằng con mắt của nhà khoa học, xem nó như đối tượng khách quan toàn những năng lực vật lý, hay với con mắt của người theo đạo Phật, xem nó là hiện thân hay sự chiếu rọi của năng lực tâm thức, nó phải được chứng nghiệm một cách chủ quan là a-lại-da thức. Chỉ riêng sự hiện hữu cá thể của chúng ta, đủ cho thấy nó phải có chỗ đứng đầy ý nghĩa trong vũ trụ chứ không phải là một tình cờ đáng tiếc hay một sự nhầm lẫn, một ảo giác cần phải bỏ qua một bên - nếu nói thế người ta sẽ hỏi ảo giác của “ai”? U KHANTI: NHÀ TIÊN TRI TRÊN NÚI MANDALAY Lúc hành hương tại Myanmar năm 1929, tôi lưu lại một thời gian nơi Mandaya cùng với Thượng tọa Nyanatiloka Mahathera, vị trưởng môn của tu viện Polagsduwa ở Dodanduwa tại Sri-Lanka, nơi tôi nhập môn tu hành. Sau khi tôi đến Rangoon khoảng hai tuần thì Nyanatiloka Thera cũng đến, để cúng thầy của ông là U Kumara Mahathera, người vừa mất một thời gian ngắn trước đó trong một tu viện nhỏ tại Kyundaw Kyaung. Nyanatiloka Thera là người trở thành tỉ kheo cách đó 26 năm trong chính tu viện này. Thân của thầy ông được đặt trong một quan tài bằng gỗ tếch, được bảo vệ bởi hình long vương chạm gỗ tinh vi. Quan tài chứa đầy mật để giữ cho thân người chết được lâu cho đến lúc cử hành tang lễ thiêu xác. Theo truyền thống của Myanmar thì thời gian chuẩn bị này có thể kéo dài hơn một năm, và vì chúng tôi không thể đợi lâu như thế nên Nyanmar. Sau hai tuần trên một thương thuyền (như một khu bán hàng trên biển) đi về phía Bắc và giữa đường có ghé thăm vùng Pagan cổ với hàng ngày đền thờ và chùa chiền, chúng tôi dừng chân ở Mandalay, từ đó đi thăm các thánh tích tôn giáo và lịch sử. Thánh tích lớn nhất tại Mandalay là một ngọn núi đá, núi vọt lên cao từ bình nguyên gần đô thị. Núi này đầy những đền đài, chùa tháp, đàn tế và các tòa nhà khác, chúng được nối với nhau bằng lối đi, bậc thang có mái che, kéo dài từ chân đến ngọn. Khi ta đến gần chân núi, nổi bật nhất là hai cụm gồm hàng trăm ngôi chùa bé (kể chung khoảng một nghìn rưỡi ngôi chùa), nằm quanh một ngôi chùa trung tâm. Nguồn gốc của công trình kiến tạo to lớn này là thời gian vua Mindon Min, trị vì Myanmar từ 1835 đến 1878. Cảm kích từ một giấc mơ, ông bỏ kinh đô cũ Amarapura, xây dựng Mandalay với những cung điện xinh đẹp và các công trình tôn giáo. Là một Phật tử thuần thành, ông muốn đi theo con đường của vị vua trước, người cho khắc giáo pháp của Phật lên bảng vàng được cất giữ trong một ngôi đền đồ sộ. Thế nhưng điều này sinh lòng ham muốn nơi người Trung Hoa, họ xâm chiếm xứ này và lấy theo các bảng đó. Vì thế vua Mindon Min mới cho khắc họa kinh sách lên bảng đá, chúng không khêu gợi lòng tham của ai, của quân lính ngoại xâm lẫn kẻ cướp thông thường, nhờ thế mà giữ được giáo pháp của Phật cho các đời sau. Kinh sách đó cũng phải đến được với tất cả mọi người, không những chỉ cho học giả hay tu sĩ. Vì thế mỗi bảng đá được dựng trong một khám thờ riêng biệt, mở cửa, với dạng một chùa bé, trong đó tín đồ có thể đọc từng phần của kinh sách, không những bằng tiếng Pali mà cả bản dịch ra tiếng Myanmar. Thế nên nhà vua cho xây chùa Kuthodawu với 799 ngôi chùa bé xung quanh, mỗi ngôi được kiến trúc hết sức tỉ mĩ, trong đó có một bia đá hai mặt, ghi lại các bài kinh thiêng liêng của đại tạng. Lẽ ra phải có thêm một cụm toàn những chùa như thế được xây lên để ghi lại các bộ luận, nhưng nhà vua đã từ trần trước khi bắt tay vào việc. Người kế vị là vua Thibaw chỉ quan tâm đến một cuộc sống vương giả và hầu cận với nam nữ. Cuối cùng ông bị người Anh loại bỏ, họ chiếm nước ông làm thuộc địa sau một cuộc chiến ngắn. Công trình của vua Mindon Min bị rơi vào quên lãng và các đền tháp thiêng liêng cũng trở thành hoang phế. Chỉ một số ít người hành hương mới dám đến đây một nơi không còn an toàn vì giặc cướp. Nhưng một ngày nọ, có một người hành hương cô độc lên núi, mang đầy đạo tâm. Ông lấy làm tiếc trước cảnh hoang tàn của các thánh địa - mà theo lòng tin của người Myanmar thì Đức Phật đã từng đến đây - và quyết tâm lấy đời mình ra để phụng sự núi này và sẽ không rời núi trước khi núi lấy lại danh tiếng như cũ. Mặc dù người hành hương này không có gì hơn ngoài bình bát và chiếc áo đỏ đậm của một nhà tu khổ hạnh, ông có một niềm tin vô hạn nơi sức mạnh của tâm linh và không chút lo lắng rằng lấy đâu phương tiện để thực hiện mục đích của mình. Ông kiếm một chỗ ngồi trên đỉnh núi, dưới một thánh thất đổ nát và bắt đầu thiền định, không cần biết đến sự an toàn hay ăn ngủ của mình. Không ai cướp bóc được gì của ông vì ông không có gì để lấy. Ngược lại những người hành hương khác, khi thấy ông thiền định, họ lại chu cấp thực phẩm cho ông. Khi không ai đến (thực tế là ít người dám đến) thì ông nhịn đói; khi có thức ăn thì ông ăn. Thế mà dần dần càng có nhiều người thêm can đảm leo lên núi, khi họ nghe có một vị độc cư sống trên núi, trong một đền thờ hoang phế. Sự hiện diện của ông hầu như làm cho chốn hoang tàn này thiêng liêng trở lại và không bao lâu sau người ta bắt đầu sửa các đàn cũ, dựng đàn mới, kể cả các nơi lưu trú cho khách hành hương được thiền định và nghỉ ngơi. Vì thế qua thời gian, các đền đài, chùa chiền, tượng tháp, nhà cửa và các lối đi có mái che được xây dựng. Công trình càng phì nhiêu thì phương tiện vào các tu sĩ độc cư càng lớn, họ thấy vật đó không phải là của mình, thế nhưng hầu như tất cả của cải thế gian đã tụ lại cho ông. Sau khi lấy lại danh tiếng cho thánh địa của núi Mandalay, ông cũng chưa hài lòng mà bắt đầu một công trình lớn hơn nhiều, đó là công trình dang dỡ của vua Mindon Min, ông muốn ghi lại các bộ luận lên đá trong một cụm chùa thứ hai lớn hơn nữa. Sau khi U Khanti, người ẩn tu tại núi Mandalay, mà bây giờ trở thành Maha-Hathi, nhà đại tiên tri (rishi), đã thành tựu công trình đó, ông tự nhủ như thế cũng chưa đủ khi khắc họa kinh sách trên tảng đá để trường tồn với thời gian và dành cho những ai đến viếng chùa đều được đọc, mà còn cần phải phổ biến kinh sách của Phật ra cho cả thế giới, bằng cách in lại toàn bộ đại tạng và các bộ luận quan trọng. Đây là một công trình đồ sộ mà không nhà in nào, nhà xuất bản nào đám chịu phí tổn và thi hành. Thế nhưng điều này cũng không làm nhà đại tiên tri ngán sợ. Sức mạnh của ông hầu như vô tận. Trong vòng một thời gian ngắn đáng ngạc nhiên, ông xây nên một cơ sở in ấn ngay dưới chân núi với phương tiện hiện đại và tìm được một nhóm người hợp tác. Lúc này Nyântiloka Thera và tôi tới núi Mandalay thì phần lớn kinh sách đã được in xong và phổ biến rộng rãi dưới dạng sách đóng gáy chắc chắn, đàng hoàng. Ngay tại Sri-Lanka là nơi sản xuất kinh sách khá tốt, nhiều bản kinh Pali quan trọng, nhất là các bản của A-tì đạt-ma (Abhidhamma - Thắng luận) cũng không có được. Khi nghe đến công trình tốt đẹp của Ukhanti, chúng tôi không khỏi mong được làm quen với ông và một sáng nọ, chúng tôi tìm đường đến thăm ông tại núi Mandalay. Vì ở ngoài thành và khá xa ngọn núi thiêng đó, chúng tôi buộc phải đi xe ngựa. Khi chúng tôi đến nơi, người ta báo sáng sớm nay ông đã rời núi, đến một nơi cách đó khoảng 20, 25 dặm để hướng dẫn công cuộc trùng tu một di tích cổ Phật giáo. Chúng tôi hết sức thất vọng, không biết bao giờ mới được trở lại đây vì có một chương trình làm việc đầy ngập, mỗi ngày đầy những thăm viếng, thảo luận, diễn giảng, tiếp khách. Chúng tôi chần chừ lên xe và lúc xe chưa kịp quay đầu thì một chiếc ô tô chạy lại, ngược chiều với chúng tôi và đậu trước hành lang để mái che dẫn lên núi. Một dáng người cao lớn, mặc áo choàng đỏ bước ra khỏi xe. Nơi người đó toát ra một ấn tượng sâu đậm với một trong dáng đi ung dung quí phái, với phẩm cách tự nhiên của một nhà vua. Chúng tôi biết ngay người này phải là nhà đại tiên tri. Chúng tôi liền dừng xe ngựa, nhảy xuống đi đến cửa và được nồng hậu cho hay rằng U Khanti đã bất ngờ trở lui và chúng tôi được dịp gặp ông. Chúng tôi được đưa vào một đại sảnh và được nhà tiên tri tiếp đón với một số tỷ kheo và cộng sự của ông. Một lần nữa chúng tôi lại thấy nhân cách của ông vượt hẳn những người xung quanh, và mặc dù ông là thành viên của tăng già (Thượng tọa bộ) nhưng được các vị đó kính trọng, - các người được xem là giữ gìn ngôn từ của Đức Phật -, ông được các vị đó xem tôn quí hơn trong hàng ngũ giáo hội. Ông cười thân thiện thăm hỏi và cuối đầu lễ độ trước Nyanatiloka, - vị thượng tọa của giáo hội - và mời chúng tôi ngồi, cho mang trà và bánh vào. Có lúc ông phải trả lời vài câu hỏi của thư ký, họ mang các giấy tờ cho ông hoặc nghe các chỉ thị của ông. Những điều này xảy ra một cách nhẹ nhàng thoải mái nên ông vẫn quan tâm đến chúng tôi, vì thế câu chuyện cũng không bị đứt đoạn. Ông tỏ vẻ đặc biệt quan tâm về việc Tổng hội Phật giáo thế giới vừa được thành lập mà Chủ tịch chính là Nyanatiloka, còn tôi làm tổng thư ký. Khi nói về kế hoạch của chúng tôi, biến “di tích Dodan-duwa” thành một trong tâm quốc tế cho văn hóa Phật giáo và sự cần thiết phải đưa kinh sách Phật giáo tới với con người thì tôi định nhắc tới quan tâm đặc biệt của mình về bộ luận A-tì-đạt-ma và cũng khó tìm ra kinh sách đó. Người đó biến đi trong một căn nhà bên cạnh mà sau tôi biết đó là nhà in và đóng sách. Chỉ vài phút sau ông trở lại với một chồng sách trên tay. “Đây là quà cho các vị”, nhà tiên tri cười nói với chúng tôi và cho người hầu đặt sách trước mặt. Làm sao chúng tôi mô tả được sự kinh ngạc của mình? Đó chính là các cuốn mà chúng tôi thiếu trong tủ sách: một bộ luận hoànchỉnh của A-tì đạt-ma. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng và không nói nên lời về khả năng của ông đọc được ý nghĩ thầm kín của mình và về lòng tốt của ông khi tặng món quà quý báu này. Khi thấy niềm vui này, ông sẵn sàng tặng thêm các bộ sách khác có trong nhà in, với gáy da, chữ mạ vàng. Thế nhưng số lượng sách quá lớn đến nỗi chúng tôi không chất lên xe ngựa nổi nên ngày hôm sau phải chất lên một chiếc xe khác. Dựa trên báo chí nói về hoàn toàn của chúng tôi tại Mandalay thì trị giá những sách mà chúng tôi nhận được từ vị đại tiên tri này lên đến 700 ru-pi mà ngày nay trị giá của chúng không dưới 3000 ru-phi Ấn Độ. Thật là một món quà vương giả, không làm sao chúng tôi nói hết sự xúc động của mình. Sau khi từ biệt ông, chúng tôi được một vài tỉ kheo hộ tống qua vô số đàn trường và đền thờ của ngọn núi thiêng này để có một ý niệm về cái vĩ đại của công trình mới đây và nó cũng chỉ mới là một phần nhỏ công sức của con người lạ lùng này. Trong câu chuyện với các tỉ kheo thì một vị mới cho hay là sáng nay thật ra vị ẩn tu đã rời núi để đến xem xét một công trình đang tu sửa. Thế nhưng đang kiểm tra công việc thì ông bỗng dưng nói phải về lại ngay Mandalay vì có khách phương xa đến thăm. Và không chút chần chừ ông nhảy lên xe, bảo tài xế chạy về càng nhanh càng tốt. Và hầu như thấy hết trước mọi việc, ông đến chân núi Mandalay, thì chúng tôi vừa định quay về. Bây giờ chúng tôi rõ cuộc gặp gỡ này không hề là sự tình cờ và khi nghe chúng tôi thú thật mình ngạc nhiên xiết bao khi vị tiên tri đọc được ý nghĩ của mình về các tập sách thì vị tỉ kheo nọ mới nói với giọng run run: “Các vị không biết ngài là ai sao? Ngài là tái sinh của vua Mindon Min”. Tôi phải thú nhận là không có chút nghi nghờ gì về sự thật của câu nói này, vì nó chỉ xác nhận lại cảm giác của mình khi thấy điệu sang trọng của nhà tiên tri khi gặp ông lần dầu. Cách xuất hiện của ông có một cái gì vương tước, làm nảy sinh lòng kính trọng. Thái độ, hoạt động và nhân cách của ông đối với tôi là minh chứng lớn nhất cho một mối liên hệ chủ động với một tiền kiếp đáng kính, hơn mọi chứng minh có tính chất “bằng cớ” khác. Cuộc đời và hoạt động của ông cho thấy rõ rệt rằng ông có một năng lực phi thường về tâm linh. Sự nhớ lại tiền kiếp và mục đích của đời sống cũ đã làm cho ông một sức mạnh, sức mạnh này đã làm cho đời sống mới thêm ý nghĩa. Sự hiểu biết quá khứ của mình đối với ông không là gánh nặng vô bổ mà là động cơ mạnh mẽ để hành động, nó răng cường thêm tinh thần trách nhiệm về một công trình dang dở của đời sống cũ để lại. đó như sự hoàn thành ý nguyện của một vị Bồ-tát, người giữ được sự liên tục của ý thức siêu việt lên sống chết, dựa trên một mục đích dài hơn đời một con người(35). Mục đích cao cả của t a là tinh tấn vươn lên tự thắng mình và đạt đích tối thượng là sự giác ngộ hoàn toàn, dó là điều làm ta bất tử - chứ không phải là đời sống của một linh hồn đơn lẻ bất biến, mà cái đơn điệu của nó loại ta ra khỏi sự sống và tăng trưởng, không cho tâm hồn tham dự vào cuộc sống phiêu lưu bất tận, giam giữ ta trong tù ngục của giới hạn chính mình. MAUNG TUN KIAING Sớm hơn dự định, tôi đến với một trong hợp khác về nhớ lại tiền kiếp, một trong hợp đặc biệt vì ở đây có nhiều cách để kiểm chứng sự thật - mặc dù bản thân tôi không mấy quan tâm. Sự tái sinh có thể chứng minh được hay không? Ý niệm tái sinh đối với tôi tự nhiên và đáng tin hơn mọi lý luận, nó cho đời sống cá nhân một ý nghĩa sâu xa hơn va nó ăn khớp vào với quá trình tiến hóa của sinh vật, như những phát hiện của sinh vật tâm lý học cho thấy. Tại Maymyo, trong cung điện mùa hè của chính phủ Myanmar hồi đó ở các tiểu bang miền Bắc, nơi mà Nyanatiloka và tôi tránh cái nóng của xứ Mandalay chúng tôi nghe đến một cậu bé tên là Maung Tun Kyaing, cậu nhớ mọi chuyện của tiền kiếp, đến nỗi thống đốc Myanmar, Sir Henry Butler mời cậu về nơi ở của mình tại Maymyo để biết cho rõ về hiện tượng lạ này. Cậu gây một ấn tượng tốt đẹp lên vị thống đốc và tất cả những ai có mặt trong buổi phỏng vấn đáng nhớ này đều thừa nhận là tất cả đều khuyên cậu nên truyền khắp nơi thông điệp tốt đẹp này, kể cả đi thăm viếng các trại tù để mang lại ánh sáng và hy vọng cho những ai phải sống trong cảnh tối tăm. Kể từ lúc đó cậu đi từ nơi này qua nơi khác và hàng nghìn người ham thích lắng nghe những lời cậu nói. Lúc đó thì không ai biết cậu ở đây và tôi thì đã quyết định đi ngược lên miền bắc, qua bắc Myanmar để đến Trung Quốc (Vân Nam), nên tôi từ giã Nyanatiloka khả kính, trở lại Mandalay và đi bằng tàu thủy chạy bằng hơi nước ngược lên Bhamo, nơi mà các đoàn người ngựa phát xuất đi Vân Nam. Trong một tu viện nhỏ gần một ngôi chùa tôi tìm được chỗ nghỉ và nơi đó tôi căng chiếc giường dã chiến, ngủ trong chính điện. Sau khi ở trên boong tàu đầy người, chúng tôi sống như trong một đại gia đình thì bây giờ có cảm giác thật kỳ lạ; bỗng nhiên ở một mình trong một căn phòng tối và rộng, trong đó có ba tượng Phật bằng đá trắng với miệng cười như nhau nhìn xuống tôi. Trước khi đi ngủ tôi hỏi thăm giờ giấc vì đồng hồ đã đứng do lên giây. Thế nhưng không một nhà sư nào biết nói tiếng Anh và xem ra trong điện chẳng có cái đồng hồ nào, nên không ai giúp tôi được. Sáng hôm sau khi tôi ngủ dậy và thấy xung quanh toàn những người, tôi không biết mình đã ngủ bao lâu. Vài người trong số đó mang theo thau đựng nước, khi tôi chưa hiểu gì cả thì họ đã đi nhanh đến tượng Phật và tạt mạnh vào tượng. Tưởng chừng như điện đang có đám cháy. Tôi không hiểu họ hành động kỳ lạ như thế với mục đích gì và cũng đang lo mình sẽ cùng chung số phận bị tạt nước như Phật. Nhưng may thay họ biến mất, không chút gì để ý đến tôi. Về sau tôi mới biết đó là ngày “lễ nước”, theo lệ thì họ “tắm Phật” và ngoài đường người ta xịt nước lẫn nhau - chỉ những người mang áo vàng mới được tha. Xem ra nhờ chiếc áo vàng mà tôi đỡ phải nước lạnh. Thế nhưng tôi tự nhủ cần chuẩn bị những bất ngờ xảy ra. Điều bất ngờ quả nhiên đến với tôi: một người thợ đồng hồ, ông bảo đến để sửa đồng hồ cho tôi. Ông bảo phải đi từ phố đến cái đền xa xôi nay vì được nghe là chiếc đồng hồ tôi bị hư. Khi tôi bảo đó chỉ là sự hiểu lầm và chiếc đồng hồ chạy bình thường thì ông cười vui vẻ và cho hay không tiếc công đi vì nhờ đó mà ông có dịp làm quen với tôi. Tôi cũng nói với ông là tôi rất thích đã tìm ra người nói được tiếng Anh. Qua tuần trà, chúng tôi nói chuyện vui vẻ, trong câu chuyện tôi có nhắc đến Maung Tun Kyaing và bày tỏ hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp được cậu. “Không có gì dễ hơn”, người thợ đồng hồ nói, “Maung Tun Kyaing hiện đang ở Bhamo và hôm nay sẽ nói chuyện trong một tu viện, không xa đây bao nhiêu”. “Thật là trùng hợp hy hữu’, tôi kêu lên, “hành trình của tôi hôm nay dẫn tôi đến đây mà không hề biết Maung Tun Kyaing hiện đang ở vùng này. Hầu như tôi chỉ mong ước là đủ để thành sự thực”. “Chắc rồi”, ông nói, “đó là sức mạnh của sự mong ước chính đáng, sức mạnh đó sẽ đưa ta đến đúng chỗ. Không có gì quá trình xuất hiện trong đời một cách tình cờ cả. Tôi nghĩ rằng sự gặp gỡ của chúng ta, dù do hiểu lầm, cũng không phải tình cờ mà là một khâu cần thiết để thành tựu mong ước của ông”. “Ông có lý”, tôi thừa nhận, “và tôi hết sức cám ơn ông đã đến đây và báo cho tôi tin này”.