Tìm mãi, tôi vẫn không thấy phần ghi chép giai đoạn nửa cuối năm 1971. Nhớ lại, lúc ấy sổ ghi bị hết, tôi xin một tập giấy để viết Nhật ký. Rồi trong một trận tập kích của địch, cái túi đồ của tôi, trong đó có tập Nhật ký, bị thất lạc. Rất tiếc, trong đó chứa đựng bao nhiêu chất liệu quý, nhất là phần ghi lại cảm xúc của tôi khi nghe tin Lê Viết Vượng, Nguyễn Mỹ hy sinh. Đành để trống giai đoạn này. Vẫn may là còn lại khá đầy đủ những gì tôi đã thu lượm bấy lâu nay. Đọc kỹ lại, nhất là các thư từ, tôi thấy rõ rằng hồi ấy cả mấy thế hệ đều đi vào cuộc chiến với lý tưởng rõ ràng, với ý thức dân tộc sâu sắc, với niềm tin ở chiến thắng và với tình cảm chân thành, nồng hậu. Những người như tôi hồi ấy chưa có gia đình riêng, đi B nhẹ tênh, cũng như những đồng chí cán bộ tập kết sống độc thân trở lại miền Nam, hoặc những người từ đồng bằng thoát ly lên căn cứ, đều được gọi là Bê trọc, không để lại cho người thân một chút quyền lợi nào. Mà ngay cả những Bê thường, có nghĩa là những người có gia đình, đi B được để lại phần lương ít ỏi cho gia đình, thì lại phải chịu đựng nỗi day dứt lớn hơn lớp trẻ chúng tôi bởi trách nhiệm của người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, người chủ gia đình. Vậy mà tất cả đều hăm hở lên đường đóng góp sức mình cho cách mạng. Trong số đồng chí mà tôi quen biết suốt gần 7 năm kháng chiến ấy, một số đã hy sinh, một số ít do tuổi cao, sức yếu phải ra hậu phương chữa bệnh, số còn lại đã đi đến cùng cuộc kháng chiến. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức gặp mặt truyền thống, ai cũng nhớ đến những ngày ấy với niềm tự hào và với tình cảm hết sức đằm thắm.Gần đây, tôi đã trở lại chiến trường xưa, thăm lại bà con, bạn bè. Riêng việc lên Núi Bà (vùng ven Quy Nhơn), không hiểu sao, mãi mà các anh ở Sở Văn hóa - Thông tin không bố trí đưa tôi lên được. Có anh đùa với tôi: “Trở lại nơi xưa, để tìm người cũ sao? Nơi xưa còn đó, người cũ đã già rồi!”. Đúng vậy, những cô gái mà tôi quen thời chinh chiến giờ đã luống tuổi rồi thật, nhưng tôi đâu có tìm họ vì cái lãng mạn tuổi xuân, mà để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm kháng chiến sâu nặng tình người, cái đó không lúc nào già đi cả.Tôi trở lại Hoài Châu, thăm lại gia đình Má Phùng cùng hai con của Má là các chị Thi, Vinh. Hồi đó, nhà Má Phùng nằm ở rìa núi - vùng ranh. Không xẩm tối nào không có cán bộ, bộ đội từ trên núi xuống ghé nhà ăn uống. Cứ vậy, ngày này qua tháng khác, ngày nào cũng một hai mâm cơm gia đình sắp sẵn nuôi bộ đội, cán bộ. Tôi cũng ăn ở đó nhiều bữa cơm, và đã được các chị canh chừng cho trong khi ăn, đề phòng lũ địch tập kích. Bao nhiêu miệng ăn, biết mấy núi đã lở rồi? Bây giờ, Má Phùng đã là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Má hỏi chúng tôi đi vô bằng gì. Biết chúng tôi đi bằng máy bay, Má bảo: “Tao lo cho lũ bay quá, máy bay rớt thì làm sao?”.Chúng tôi cười, mà lòng ứa lệ. Các chị Vinh, Thi nay còn khỏe mạnh, làm ăn cũng khá, gia thất đề huề. Các chị lại tíu tít kêu con cháu leo dừa lấy trái cho chúng tôi uống nước. Thứ nước trong vắt, mát ngọt, đậm đà ấy lúc nào cũng tràn đầy, bởi vì nó có nguồn từ thẳm sâu trong lòng Tổ quốc ta, Nhân dân ta.Hà Nội, mùa xuân năm 1999 Phạm Việt Long