Hai ba ngày trôi qua. Bây giờ gặp nhau ngoài đường, cô Thômxơn không chào hoặc mỉm cười với họ một cách thật mỉa mai nữa, mà làm bộ như không thấy, mũi hếch lên trời, môi bĩu, mặt nhăn nhó, bực phẫn. Chủ nhà cho ông Mácphâylơ hay rằng cô ta ráng kiếm chỗ khác để ở mà không ra. Đêm đến, cô lại quay cho hết loại đĩa của mình, nhưng rõ ràng rằng là cái vui đó giả tạo. Điệu giật giật thê thảm vang lên như một hành khúc tuyệt vọng vậy. Đêm chủ nhật, khi ả bắt đầu cho máy chạy thì ông Đavítxơn nhắn chủ nhà bảo ả ngưng lại tức thì vì hôm đó là ngày của Chúa. Người ta gỡ dĩa ra. Căn nhà lại tịch mịch trở lại, chỉ còn nghe tiếng mưa lộp độp đều đều trên mái tôn. Hôm sau chủ nhà kể lại với ông Mácphâylơ: - Tôi ngờ rằng cô ta hoang mang. Cô ta không rõ thâm ý của ông Đavítxơn ra sao và đâm hoảng. Cũng buổi sáng hôm đó, Mácphâylơ đã gặp cô Thômxơn, ngạc nhiên vì vẻ mặt cô ả trước kia vênh váo bây giờ đã thay đổi hẳn. Y như một con vật bị tróc nã. Hơn liếc mắt nhìn bác sĩ: - Chắc ông cũng không ngờ rằng ông Đavítxơn đương nghĩ một mưu sâu nào chứ? - Không. Tôi không biết chút gì hết. Câu hỏi đó làm cho Mácphâylơ ngạc nhiên. Chính ông ta cũng có cảm tưởng rằng Đavítxơn, hoạt động gì bí mật, như dệt một cái lưới chung quanh cô ả, kiên nhẫn, tỉ mỉ dệt, để đợi một cơ hội đến, siết chặt lại. Hơn tiếp tục: - Ông ấy có nhờ tôi bảo cô ta rằng bất kỳ giờ nào, nếu cần điều gì thì cứ cho hay, ông ấy sẽ tới liền. - Cô ta trả lời ra sao? - Không đáp gì cả. Tôi không đứng lại lâu, nhắn xong thì ra liền. Cô ta có vẻ như muốn khóc. Bác sĩ nói: - Cảnh cô độc đó chắc làm cho cô ta chịu không nổi. Với lại, ai mà chịu nổi những trận mưa này -giọng ông bực tức khi thốt ra câu đó- Mưa hoài mưa hủy, không chịu ngừng sao, ở cái địa ngục này! - Mùa này thì ngày nào cũng mưa. Mưa tới gần tám thước mỗi năm. Tại địa thế như vậy. Ông thấy không, cái vịnh này thu hút hết cả mưa ở Thái Bình Dương vào đây. Bác sĩ rủa: - Cái vịnh mắc dịch! Quậy quọ ông ta gãi mấy nốt muỗi đốt. Sau cơn mưa, mặt trời chói lọi thì không khí nóng bức, ẩm thấp, ngạt thở y như ở trong một cái nhà kính để trồng cây. Người ta có cảm giác lạ lùng rằng cái gì cũng phát triển mạnh mẽ một cách man rợ. Thổ dân mà ai cũng nhận là bẩm tính vui vẻ, ngây thơ mà lúc đó cũng có vẻ hung ác. Coi những mớ tóc nhuộm, những hình xâm trên mình họ, ta thấy sợ, và nghe tiếng họ lơn tơn, chân không ở sau lưng ta, ta bất giác quay lại, hoảng hốt tưởng đâu con dao dài họ thủ trong tay sắp cắm phập vào giữa hai bả vai của ta. Sau cặp mắt mở rộng ra kia, có những ý tưởng hắc ám gì đây? Họ làm cho ta nhớ tới hình những người Ai Cập cổ đại ở trên tường các đền đài, mà chung quanh là cái không khí sợ của cái dĩ vãng thăm thẳm. Ông Đavítxơn đi đi về về. Ông ta bận việc lắm, nhưng ông bà Mácphâylơ không biết làm gì. Hơn kể chuyện với bác sĩ rằng ông Đavítxơn ngày nào cũng lên thăm thống đốc. Một lần, ông ta ám chỉ những cuộc thăm viếng đó: - Ông thống đốc có vẻ là người cương quyết mà xét cho kỹ thì mới thấy ông ấy nhu nhược. Mácphâylơ mỉa mai: - Nghĩa là không làm theo ý của ông đưa ra chứ gì? Nhà truyền giáo không mỉm cười: - Tôi yêu cầu ông ấy làm tròn bổn phận. Cần gì phải lý luận về bổn phận nữa? Chỉ cho người ta thấy cũng đủ rồi. - Nhưng về điểm đó, ý kiến có thể mỗi người một khác. - Nếu chân một người bị chứng hoại thư, mà người ta do dự không chịu cưa đi, thì ông có bực mình không? - Bệnh hoại thư là một sự kiện. - Thế còn cái ác không phải là một sự kiện à? Nhưng rồi người ta cũng thấy ngay công việc làm của ông Đavítxơn. Họ mới ăn cơm trưa xong, còn ngồi ở bàn, chưa về phòng riêng, mặc dầu hai bà và viên bác sĩ cần phải nghỉ trưa vì tròi quá nóng nực. Đavítxơn không co thói bạc nhược đó. Thình lình cửa mở ra và cô Thômxơn vô. Nhìn quanh một lượt rồi cô ta tiến lại phía Đavítxơn. - Đồ chó ghẻ, đi hớt lẻo cái gì với ông thống đốc đấy hở? Cô ta lắp bắp vì giận quá, muốn hóa điên. Yên lặng một chút, rồi vị cố đạo kéo ghế: - Thì nói đi, đồ chó hoang! Cô ta xổ ra một hơi những lời chửi kịch liệt và tục tĩu. Đavítxơn nghiêm nghị nhìn cô ta một cách chăm chú. - Lời chửi của cô không làm động lòng tôi đâu, cô Thômxơn, nhưng cô phải nhớ rằng còn có hai bà này nữa. Cô ả tức quá, thút thít. Mặt cô ta nổi gân lên, tím lại, như nghẹt thở. Bác sĩ hỏi: - Có chuyện gì vậy? - Một thằng tướng lại bảo tôi rằng chuyến tàu sau thì phải dông khỏi đây. Mắt Đavítxơn sáng lên, nhưng vẻ mặt vẫn thản nhiên. - Cô có thể tin rằng trong trường hợp như vậy, thống đốc cho phép cô ở lại đây sao? Cô ả gào lên: - Là tại ông. Tôi biết rồi, ông đừng chối. Tại ông hết. - Tôi chối làm cái gì? Đúng vậy, tôi đã nói cho ông thống đốc hiểu rằng chỉ có mỗi một hành động hợp với bổn phận của ông ấy. - Ông không thể để yên cho tôi được ư? Tôi có làm hại gì ông đâu? - Nếu cô không làm hại gì tôi thì không khi nào tôi lại thưa cô. - Vậy thì ông tưởng rằng tôi ham ở lại cái nơi khốn nạn, chợ không ra chợ, quê không ra quên này ư? Tôi đâu phải là dân rừng rú. - Vậy thì cô phần nàn về cái gì? Cô ả hét lên một tiếng rồi chạy ra. Im lặng một lúc, rồi Đavítxơn nói: - Hay tin ông thống đốc đã hoạt động, tôi thấy nhẹ người. Ông ta nhu nhược, do dự. Lấy lẽ rằng cô ta chỉ ở đây có nửa tháng rồi đi Apia, thuộc về địa phận của Anh, ông ta bảo chuyện đó không liên can gì đến ông ta hết. Thình lình ông đứng lên, đi đi lại lại trong phòng. - Thấy những nhà cầm quyền trốn tránh trách nhiệm, tôi nghĩ mà gớm! Nghe họ nói thì ta tưởng rằng cái ác, một khi giấu kín nó đi, thì không còn là cái ác nữa. Xã hội mà có người như con đó, đủ là cái nhục rồi, đem nó tặng cho một đảo khác, đâu phải là một giải pháp? Sau cùng tôi phải dùng một cách quyết liệt. Mày ông cau lại, cằm nhô ra, vẻ cương quyết. - Cách quyết liệt là làm sao? - Hội truyền giáo của chúng tôi không phải là không có uy quyền trong giới Oasinhtơn. Tôi cho ông thống đốc hiểu rằng nếu có lời kêu nài về sự cai trị của ổng thì không có lợi gì cho ổng hết. Yên lặng một lúc, bác sĩ hỏi: - Bao giờ cô ta phải đi? - Thứ ba tuần tới có một chuyến tàu ở Xitnây ghé qua đây rồi đi Xan Phrănxixcô. Nó phải đi chuyến đó. Tính ra còn năm ngày nữa. Hôm sau Mácphâylơ ở nhà thương về không biết làm gì -Buổi sáng nào ông cũng đến đó- tới cầu thang thì chủ nhà gọi giật ông lại: - Xin lỗi bác sĩ, cô Thômxơn đau. Mời ông vô coi mạch giùm cho cô ấy. - Được. Hơn dắt ông ta vô phòng cô Thômxơn. Bận chiếc áo dài trắng, đội chiếc nón lớn có hoa, cô ta ngồi trong một chiếc ghế, uể oải, mắt đăm đăm. Mácphâylơ nhận thấy làn da vàng úa, bèo nhèo sau lớp phấn, vẻ mắt kém tinh thần, chán nản - Tôi hay tin cô khó ở. - Thực ra tôi không đau gì cả. Tôi nói vậy để muốn gặp ông. Người ta bắt tôi phải cuốn gói xuống chiếc tàu Phrixcô tuần tới. Cô ta nhìn bác sĩ, mắt có vẻ sợ sệt. Bàn tay cô ta mở ra, nắm lại như bị bệnh thần kinh. Chủ tiệm đứng ở cửa, nghe. Bác sĩ nói: - Tôi có hay tin đó. Cô ả nuốt nước bọt. - Lúc này mà phải về Phrixcô thì không tiện cho tôi. Chiều hôm qua tôi lại thăm ông thống đốc nhưng người ta không cho tôi vô. Thầy thư ký bảo tôi phải theo lệnh là xuống tàu. Vì tôi cần gặp mặt ông thống đốc, nên tôi đứng đợi trước tư dinh của ông, rồi khi ông ở trong bước ra, tôi níu ông lại. Thấy rõ rằng ông ấy không muốn nói chuyện với tôi, nhưng tôi nhất định không buông ông ra và cuối cùng ông bảo nếu Cha Đavítxơn bằng lòng thì ông ấy cũng không ngăn cản gì cả, sẽ để cho tôi ở lại đây, đợi chuyến tàu đi Xitnây Cô ta ngừng rồi lo lắng nhìn bác sĩ. Bác sĩ nói: - Tôi không biết có thể giúp cô được việc gì. - Đây! Tôi nghĩ rằng có lẽ ông sẵn lòng nói giúp tôi với ông ấy. Nếu ông ấy để cho tôi ở lại đây, thì tôi thề rằng sẽ không làm gì bậy bạ. Tôi sẽ không ra khỏi nhà này, nếu ông ấy muốn. Chỉ nửa tháng thôi mà. - Để tôi hỏi ông ấy xem. Hơn nói: - Ông ấy sẽ từ chối. Ông ấy muốn cô cuốn gói vào thứ ba tuần tới. Cô nên chịu vậy đi. - Ông nói giùm với ông ấy rằng ở Xitnây, tôi kiếm được việc làm được, công việc lương thiện. Tôi xin như vậy đâu phải là quá. - Tôi sẽ gắng sức. - Ông trả lời ngay cho tôi hay nhé? Tôi phải quyết định không được cách này thì xoay cách khác. Mácphâylơ không ưa cái lối vận động đó, và có lẽ do bản tính, ông dùng một cách gián tiếp. Ông kể lại câu chuyện cho bà vợ, bảo bà nói với bà Đavítxơn. Thái độ của ông Đavítxơn có vẻ độc tài quá, cho cô ả đó ở lại Pagô-Pagô nửa tháng có hại gì đâu chứ? Mácphâylơ không ngờ kết quả trái hẳn ý mình. Nhà truyền giáo gặp ông, nói thẳng ngay: - Nhà tôi bảo rằng con Thômxơn đó đã kể lể gì với ông. Bị tấn công trực tiếp như vậy, bác sĩ phản kháng lại theo lối của những người nhút nhát bị kẻ khác dồn vào góc tường. Ông ta nổi giận, mặt đỏ gay. - Cô ta đã hứa sẽ không làm gì bậy trong khi ở đây, thì đi Xitnây hay đi Xan Phrănxixcô cũng vậy chứ khác gì? Sao mà ngược đãi người ta một cách tàn nhẫn vậy? Đavítxơn ngó bác sĩ trừng trừng: - Tại sao nó không muốn trở về Xan Phrănxixcô? - Tôi không hỏi nên không biết. Theo tôi, đèn nhà ai nấy tỏ. Lời đáp đó có vẻ thiếu lịch sự. - Ông thống đốc ra lệnh hễ có chiếc tàu nào rời bến là trục xuất nó liền. Đó là bổn phận của ông ấy, tôi không muốn can thiệp vào đó. Nó ở đây là một cái nguy hiểm cho thành phố này. - Đích thị là áp chế. Hai bà ngó bác sĩ, lại lo ngại sự xung đột. Nhưng thái độ của Đavítxơn làm cho họ vừng lòng; ông ta mỉm cười, ngọt ngào. - Bác sĩ, tôi rất tiếc rằng ông đã tỏ ra nghiêm khắc với tôi như vậy. Xin ông tin rằng nghĩ tới kẻ không khổ đó, lòng tôi như thắt lại, tôi chỉ ráng làm tròn bổn phận của tôi thôi. Bác sĩ không đáp. Bực tức, ông ta nhìn ra cửa sổ. Lần này trời mới tạnh. Bên kia vịnh, những chòi lá của thổ dân nép trong bụi cây. Ông ta bảo: - Được lúc hết mưa, tôi đi chơi đây. Đavítxơn âu sầu cười gượng, nói thêm: Bác sĩ đừng giận vì tôi không làm vừa lóng bác sĩ được nhé. Tôi mến bác sĩ lắm, bác sĩ trách tôi, tôi buồn lắm đấy. Mácphâylơ đáp liền: - Ông có đủ lòng tự ái để có thể vui vẻ nghe lời chỉ trích của tôi mà. Đavítxơn cười: - Đập nhau rồi đó. Thấy lời vô lễ của mình chẳng có kết quả gì, Mácphâylơ hơi ngượng, xuống cầu thang. Cô Thômxơn đứng rình ở bên cửa hé mở. - Sao, ông đã nói giúp cho chưa? Lúng túng, ông không dám ngó thẳng cô ta, đáp: - Nói rồi, ông ấy không nghe. Tôi buồn cho cô. Cô ả khóc, mặt tái đi, vẻ sợ sệt. Thấy vậy Mácphâylơ thương hại, nảy ra một ý: - Chưa tuyệt vọng hẳn. Người ta đối đãi với cô như vậy là một sự nhục nhã. Tôi lại nói thẳng với ông thống đốc. - Ngay bây giờ? Mácphâylơ gật đầu. Mặt cô ả tươi lên. - Vậy thì quý hóa quá. Nếu ông xin giùm thì chắc chắn tôi được ở lại và suốt thời gian ở lại, tôi sẽ không làm gì bậy bạ nữa. Mácphâylơ không hiểu cái gì thúc đẩy mình can thiệp với thông đốc giùm cô ả. Ông thản nhiên nói chuyện với cô Thômxơn nhưng Đavítxơn đã làm cho ông nổi giận. Cơn giận của ông bao giờ cũng âm ỉ trong lòng. Ông lại thăm ông thống đốc tại tư dinh. Thống đốc là một sĩ quan trong thủy quân, cao lớn, đẹp trai, râu mép đen, cắt thành hình bàn chải, bận quân phục trắng rất đàng hoàng. - Tôi lại thăm ông về một thiếu phụ ở chung nhà trọ với tôi. Tên cô ta là Thômxơn. Thống đốc mỉm cười: - Tôi bắt đầu ngán việc đó rồi. Tôi đã cho cô ta hay là thứ ba tuần tới phải xuống tàu, không cách nào khác. - Tôi muốn xin ông cho phép cô ta ở lại đây đợi chuyến tàu ở Xan Phrănxixcô lại, như vậy cô ta có thể đi Xitnây. Tôi đảm bảo cho hạnh kiểm cô ta. Viên thống đốc vẫn mỉm cười nhưng mắt ông chớp chớp rồi vẻ mặt hóa nghiêm trang. - Tôi muốn giúp bác sĩ lắm, nhưng lệnh đã ra thì phải giữ. Mácphâylơ ráng trình bày trường hợp một cách hợp lý nhất, nhưng bây giờ thì nụ cười đã tắt hẳn trên môi viên thống đốc. Ông này buồn bực nghe, cặp mắt xa xăm; Mácphâylơ cảm thấy rằng có gắng sức cũng vô ích. - Làm cho một người đàn bà nào phải buồn khổ tôi cũng ân hận lắm; nhưng trường hợp này không thể làm khác được, thứ ba cô ấy phải xuống tàu. - Có cái gì mà cần phải như vậy? - Xin lỗi bác sĩ, tôi chỉ trình bày lý do với cấp trên của tôi thôi. Mácphâylơ xoi bói nhận xét ông ta. Đavítxơn đã chẳng có lần nói bóng bẩy về vài cách dọa dẫm nào đó ư? Thái độ viên thống đốc có vẻ lúng túng lạ. Mácphâylơ tức giận, lớn tiếng: - Đavítxơn là một tên mật thám đê tiện! - Giữa chúng mình với nhau, bác sĩ, tôi có thể nói rằng tôi không có thiện cảm với ông ta lắm, nhưng tôi phải nhận rằng ông ta có lý khi ông chỉ cho tôi rằng một người đàn bà như cô Thômxơn ở một nơi mà lính tráng trà trộn với thổ dân như nơi này là một điều tai hại. Nói xong, đứng dậy; bác sĩ cũng phải đứng dậy theo. - Xin lỗi ông, tôi có hẹn. Ông cho tôi gởi lời chào bà nhà. Mácphâylơ gầm mặt mà đi. Ông ta biết rằng cô Thômxơn đợi mình. Không muốn thú thật sự thất bại của mình, ông ta đi cửa sau, lẻn lên cầu thang như giấu diếm một cái gì.