Bữa trưa hôm ấy ở nhà ông Fridrikson, chú tôi ăn một cách ngấu nghiến và ngon lành, vì những ngày bị nhịn đói ở trên thuyền đã biến dạ dày tôi thành cái thùng không đáy. Được ông chủ nhà rất mến khách nên chúng tôi cũng thấy tự nhiên như ngồi ăn ở nhà mình vậy. Chú tôi và ông Fridrikson nói chuyện với nhau bằng tiếng địa phương, có chêm tiếng Đức và tiếng Latinh để tôi cũng có thể hiểu được. Là những nhà bác học nên cuộc nói chuyện của hai người chỉ xoay quanh những vấn đề khoa học. Nhưng giáo sư Lidenbrock giữ ý quá đáng, đôi mắt ông luôn ra lệnh cho tôi phải tuyệt đối giữ bí mật về những dự định của chúng tôi. Ông Fridrikson hỏi chú tôi về kết quả khảo cứu ở thư viện. Chú tôi kêu lên: - Trời ơi, thư viện của các ngài là thư viện gì mà tôi thấy các giá sách hầu như trống rỗng, có sách chăng đi nữa cũng chẳng quyển nào được chọn bộ. - Ông nói sao? – ông Fridrikson đáp – Thư viện của chúng tôi có hơn tám ngàn quyển sách, trong đó có rất nhiều quyển sách quý hiếm, những tác phẩm bằng tiếng bắc Âu cổ và toàn bộ những sách mới xuất bản mà Copenhagen hàng năm cung cấp cho chúng tôi. - Thưa ngài Fridrikson, ngài lấy đâu ra hơn sáu ngàn quyển sách ấy? Theo tôi… - À! Sách của tôi chạy rong khắp đảo, ở chỗ chúng tôi không có người nào không biết đọc sách. Chúng tôi nghĩ nên để sách mòn đi dưới mắt người đọc hơn là sách bị mối mọt. Do vậy, những quyển sách ấy được chuyển từ tay người này sang tay người khác và thường chỉ quay về với giá sách sau một hai năm vắng mặt. Chú tôi hơi bực mình nói: - Chờ đến khi sách được quay trở về thư viện thì những bạn đọc nước ngoài… - Xin lỗi ngài, những người nước ngoài đã có thư viện của họ ở nước họ! Điều quan trọng nhất phải là cho người dân của chúng tôi học tập. Tôi xin lưu ý với ngài là trong máu mọi người Iceland đều pha lẫn tính hiếu học. Năm 1816, chúng tôi có thành lập một hội văn học, đến nay vẫn còn hoạt động tốt. Hội vinh dự có được nhiều nhà bác học nước ngoài tham gia và xuất bản được khá nhiều sách có giá trị. Chúng tôi sẽ rất vinh hạnh nếu được ngài chiếu cố làm cộng tác viên của hội văn học chúng tôi. Chú tôi vốn là hội viên của hàng trăm hội khoa học, nên rất vui vẻ nhận lời khiến ông Fridrikson rất xúc động. - Thưa ngài Lidenbrock, - ông nói tiếp – bây giờ ngài vui lòng chỉ cho tôi biết những quyển sách nào ngài muốn tìm trong thư viện của chúng tôi. Sau ít phút suy nghĩ, chú tôi nói: - Tôi muốn biết trong những tác phẩm cổ hiện có trong thư viện có quyển nào của Arne Saknussemm không? - Arne Saknussemm! – vị giáo sư sinh vật ở Reykjavik đáp – Ý ngài muốn đề cập đến nhà bác học Iceland của thế kỷ XVI, nhà sinh vật học, nhà hóa học, đồng thời là nhà thám hiểm vĩ đại ấy à? - Đúng vậy! - Một người lừng danh nhất trong những người lừng danh? - Thưa ngài Fridrikson, tôi thấy ngài biết tường tận về con người vĩ đại ấy quá! Ngợp trong niềm vui sướng khi được nghe nói như vậy về Saknussemm, giáo sư Lidenbrock đăm đăm nhìn ông Fridrikson, rồi hỏi: - Thế còn những tác phẩm của ông ấy trong thư viện của ngài thì sao? - Đáng tiếc chúng tôi không có tác phẩm nào của con người nổi tiếng ấy. - Sao? Ngay cả ở Iceland mà cũng không có sao? - Ở Iceland cũng như bất cứ đâu, không nơi nào có cả! - Tại sao như vậy? - Năm 1573, ông Arne Saknussemm bị hành hình vì tội dị giáo. Những tên đao phủ đã đốt sạch những tác phẩm của ông ở Copenhagen. - Tuyệt vời! Hết sức tuyệt vời! – chú tôi kêu lên trước sự căm phẫn của ông Fridrikson. - Ngài vừa nói gì ạ? – vị giáo sư sinh vật học người Iceland hơi cau mày hỏi. - Phải rồi! Tất cả đều được giải thích, đều gắn bó chặt chẽ và sáng sủa rõ ràng. Bây giờ ta mới hiểu tại sao sách của Arne Saknussemm lại bị liệt vào mục sách cấm, tại sao ông ta bắt buộc phải giấu kín những điều bí mật trong bản mật mã khó hiểu ấy. - Điều bí mật gì thưa ngài? – ông Fridrikson vội hỏi. - Một điều bí mật mà… - chú tôi ấp úng trả lời. - Phải chăng ngài đang có một tư liệu đặc biệt nào? - Không!... Tôi đặt giả thiết vậy thôi! - Thưa ngài Lidenbrock, - thấy chú tôi lúng túng, ông Fridrikson không muốn gạn hỏi nên nói tiếp – tôi mong rằng ngài sẽ không muốn chia tay với chúng tôi một khi chưa khảo sát những khoáng vật phong phú của hòn đảo này. - Chắc chắn là như vậy. Nhưng có lẽ tôi đến hơi muộn vì có nhiều nhà bác học đã đi qua đây. - Đúng vậy. Quan sát của những nhà khoa học gần đây đã làm khối lượng kiến thức về Iceland gia tăng đáng kể. Nhưng theo tôi thì cũng còn nhiều chuyện phải làm lắm! - Ngài nghĩ như vậy sao? – chú tôi hỏi với vẻ ngây thơ, cố giấu một tia sáng đang lóe lên trong mắt. - Đúng vậy. Còn biết bao núi non, băng hà và núi lửa ít biết đến cần phải khảo cứu. Mà thưa ngài, chẳng cần đi đâu xa, ngài hãy trông cái đỉnh núi cao ở chân trời kia, đó là ngọn Sneffels! - Chà! Ngọn Sneffels à? - Đúng vậy, đó là một trong những ngọn núi lửa kì lạ nhât mà người ta ít khi lên thăm miệng của nó. - Đó là một ngọn núi lửa đã tắt rồi à? - Đúng vậy, vó đã ngưng hoạt động từ năm trăm năm nay rồi. Chú tôi vội đan chéo chân lại để khỏi phải nhảy cẫng lên, rồi trả lời: - Thưa ngài Fridrikson, vậy tôi muốn bắt đầu khảo sát địa chất từ ngọn Sefel… Fessel… à… thưa ngài, ngọn gì nhỉ? - Sneffels. – ông Fridrikson đáp. Đoạn này hai người nói với nhau bằng tiếng Latinh nên tôi hiểu cả, nhưng vẫn giữ vẻ nghiêm trang mỗi khi thấy chú tôi nhịn không để niềm vui đang tràn trề trong lòng ông trào ra ngoài. Chú tôi làm bộ ngây thơ không biết gì, nói với ông Fridrikson: - Phải, ý kiến của ngài khiến tôi quyết định thử leo lên ngọn Sneffels xem nào, và cũng có khi tôi nghiên cứu luôn cả miệng phun lửa của nó nữa. - Rất tiếc tô bận nhiều việc quá, nếu không tôi cũng tham gia với ngài cho vui. - Xin đa tạ ngài! – chú tôi vội ngắt lời – Chúng tôi không muốn quấy rầy ai cả. Tự đáy lòng chúng tôi xin cảm ơn ngài. Sự có mặt của một nhà bác học như ngài đây rất có ích, nhưng nhiệm vụ của một nhà địa chất học như chúng tôi… Tôi thầm mong ông chủ nhà với tâm hồn Iceland trong trắng, không hiểu những lời của chú tôi. - Thưa ngài, - ông Fridrikson nói – tôi rất tán thành việc ngài tiến hành khảo sát bắt đầu từ ngọn núi lửa Sneffels này. Tôi tin chắc rằng ngài sẽ thu được nhiều thắng lợi. Nhưng ngài định đến bán đảo Sneffels bằng cách nào? - Có lẽ bằng đường biển, vượt qua vịnh Faxa. Đó chính là con đường ngắn nhất. - Nhưng đường đó không thể đi được! - Tại sao? - Tại vì hiện nay ở Reykjavik chẳng còn một chiếc xuồng nào ở bến cả. - Cái gì? - Phải đi đường bộ men theo bờ biển. Đi như vậy sẽ xa và lâu hơn, nhưng lại thú vị hơn, thưa ngài. - Được, tôi sẽ tìm một người dẫn đường. - Vừa đúng lúc tôi có một người sẵn sàng phục vụ ngài. - Một người thông minh và đáng tin cậy chứ ạ? - Phải, một người dân rất tháo vát ở bán đảo, làm nghề săn vịt biển Bắc Âu. Ngài chắc chắn sẽ hài lòng, anh nói rất sõi tiếng Đan Mạch. - Chừng nào tôi có thể gặp được anh chàng thợ săn ấy? - Ngày mai, nếu ngài muốn. - Ngay hôm nay không được sao? - Vì ngày mai anh ta mới có mặt ở nhà. - Thôi được thì ngày mai vậy! – chú tôi thở dài nói. Cuộc nói chuyện quan trọng trong bữa ăn ấy kết thúc. Giáo sư Lidenbrock nồng nhiệt cảm ơn vị giáo sư sinh vật người Iceland. Ông rất vui khi biết được nhiều thông tin quan trọng về Arne Saknussemm và từ ngày mai sẽ có một người dẫn đường phục vụ ông. Chiều tối hôm ấy, sau khi đi dạo một đoạn trên bờ biển Reykjavik, tôi liền trở về nhà leo lên giường và đánh một giấc ngon lành cho đến sáng. Và tôi bị đánh thức khi nghe tiếng giáo sư Lidenbrock nói thao thao ở phòng bên. Tôi nhổm dậy đi sang, và thấy chú tôi đang nói chuyện với một người có thân hình cao lớn, đẹp và rất gọn gàng. Anh chàng cao lớn này chắc phải khỏe lắm. Đầu anh to, vẻ mặt hồn nhiên, ấn sâu một cặp mắt xanh mơ mộng và thông minh với mái tóc hung rủ xuống đôi vai lực sĩ. Anh đi đứng uyển chuyển nhưng ít cử động hai cánh tay, hình như anh ta không thích dùng ngôn ngữ ra hiệu bằng tay lắm. Tất cả ở anh toát lên một tính khí bình tĩnh, không lãnh đạm mà thanh thản. Tôi có cảm giác anh không đòi hỏi gì ở người khác mà chỉ muốn làm việc theo ý thích của mình. Trong cuộc sống quan niệm này của anh thật trong sáng. Trong khi giáo sư khoa chân múa tay thì anh đứng lặng yên, tay khoanh trước ngực và hà tiện từng động tác, mái tóc dài của anh chỉ khẽ đung đưa khi anh lắc hay gật, biểu hiện sự không tán thành hoặc đồng ý. Ông Fridrikson cho tôi biết con người trầm tĩnh này chỉ là một thợ săn vịt biển Bắc Âu, một giống chim mà lông tơ của nó đem lại một nguồn lợi to lớn cho đảo. Người ta mất rất ít công sức để thu hoạch thứ lông tơ này về làm chăn. Anh ta tên là Hans Bjelke. Hans sẽ là người dẫn đường tương lai của chúng tôi. Tác phong của anh ta hoàn toàn đối nghịch với tác phong của chú tôi. Nhưng hai người lại dễ dàng hiểu ý nhau. Cả hai chẳng ai nghĩ đến giá cả. Người này sẵn sàng nhận cái người kia trả mình, người kia sẵn sàng trả số tiền người này đòi hỏi. Chưa từng có cuộc trả giá nào lại ngã ngũ nhanh như thế. Theo thỏa thuận, Hans nhận đưa chúng tôi đến làng Stapi ngay dưới chân ngọn núi lửa Sneffels. Từ Reykjavik đến đó khoảng hai mươi dặm, giáo sư Lidenbrock tính phải đi mất hai ngày. Nhưng khi giáo sư biết một dặm Đan Mạch tương đương với hai mươi bốn ngàn bộ, ông đành tính toán lại và ước đoán phải mất bảy hoặc tám ngày đường. Chúng tôi quyết định mua bốn con ngựa, tôi và chú tôi cưỡi hai con, còn hai con dùng trở hành trang. Còn Hans sẽ đi bộ theo thói quen. Anh nắm rất vững vùng duyên hải này và hứa sẽ dẫn chúng tôi đi theo con đường ngắn nhất. Việc Hans nhận làm người dẫn đường không phải chỉ đến làng Stapi là thôi mà còn tiếp tục trong suốt thời gian cần thiết cho hành trình của chúng tôi với tiền công là ba risdal mỗi tuần. Số tiền này phải được thanh toán cho người dẫn đường vào chiều thứ bảy hàng tuần, đó là điều kiện không thể thiếu được trong hợp đồng. Ngày khởi hành được ấn định là ngày 16 tháng 6. Chú tôi muốn đưa trước cho Hans một số tiền nhưng anh ta từ chối bằng một từ gọn lỏn: “Efter”. - Để sau đã! – giáo sư giải thích cho tôi nghe – Anh chàng này đúng là một con người tốt. Nhưng anh ta không lường trước được vai trò tuyệt vời của mình trong chuyến đi này đâu. - Thưa chú, Hans sẽ theo chúng ta tới… - Tới trung tâm trái đất, Axel ạ! Còn bốn mươi tám giờ nữa mới tới giờ lên đường. Tôi tận dụng thời gian chờ đợi ấy vào việc chuẩn bị. Tôi tính toán thu xếp hành lang sao cho tiện lợi nhất, dụng cụ một bên, vũ khí một bên, đồ dùng đóng gói, thức ăn bọc kín. Tất cả chia thành bốn nhóm. Dụng cụ gồm một nhiệt kế, một áp kế khí nén, một đồng hồ chính xác, hai địa bàn, một kính đêm và ba máy phát điện Ruhmknoff gọn nhẹ dễ mang theo. Vũ khí gồm hai khẩu súng trường, hai khẩu súng ngắn và một lượng thuốc nổ có sức công phá lớn. Đồ dùng gồm cuốc chim, cuốc bàn, thang dây, gậy bịt sắt, nêm sắt, búa, rìu, đinh móc, thừng có mấu. Tất cả thành một kiện lớn. Cuối cùng là thức ăn dự phòng gồm thịt cô đặc và lương khô đủ dùng trong sáu tháng. Thức uống chỉ có rượu, còn nước hoàn toàn thiếu vì chúng tôi hi vọng sẽ gặp được nhiều ngồn nước ngầm. Ngoài ra tôi còn chuẩn bị một túi cấp cứu đựng thuốc men và dụng cụ cấp cứu. Chú tôi cẩn thận xem lại dự trữ thuốc lá, thuốc súng, bùi nhui và một cái thắt lưng vàng bạc và giấy tờ. Trong đống đồ dùng ấy ông còn bổ sung thêm sáu đôi giày tốt không thấm nước. Giáo sư Lidenbrock xoa hai tay vào nhau, nói với tôi: - Với những trang bị cỡ này thì chẳng có lý do gì mà không đi đến nơi được. Chiều hôm ấy, chúng tôi được mời tới dùng bữa với nam tước Trampe cùng với ông thống đốc Reykjavik và tiến sĩ Hyaltalin vốn là người rất nổi tiếng ở đây. Trong số khách mời bữa ấy, chúng tôi không thấy có mặt giáo sư Fridrikson. Mãi đến sau tôi mới biết được giữa ông thống đốc và vị giáo sư sinh vật có sự bất đồng ý kiến về một vấn đề chính trị. Suốt bữa ăn, vì thiếu giáo sư Fridrikson thành ra tôi chẳng hiểu được chữ nào trong buổi nói chuyện của họ, chỉ thấy rằng chú tôi nói thao thao bất tuyệt từ đầu đến cuối. Hôm sau, ngày 15 tháng 6, mọi công việc đều đã được chuẩn bị xong. Giáo sư Fridrikson tặng chú tôi một tấm bản đồ Iceland do Hội văn học Iceland in ấn, nó hoàn chỉnh và hơn hẳn tấm bản đồ của Handerson. Đối với một nhà khoáng vật học như chú tôi thì đây quả là một tài liệu vô cùng quý giá. Suốt buổi tối ngày cuối cùng trước khi lên đường ấy, chúng tôi ngồi trò chuyện thân mật với giáo sư Fridrikson. Sau đó chúng tôi lên giường đi ngủ, riêng tôi cứ thao thức mãi không sao chợp mắt được. Năm giờ sáng, tôi thức giấc vì tiếng hí của bốn con ngựa đứng dậm chân dưới cửa sổ, tôi nhanh nhẹn mặc quần áo và xuống dưới đường. Ở đó, Hans đang chất những kiện hành lý cuối cùng của chúng tôi lên lưng ngựa. Anh lặng lẽ làm việc, hết sức khéo léo và hình như bỏ ngoài tai những ý kiến của chú tôi đang lăng xăng bên cạnh. Đến sáu giờ, mọi việc đã xong xuôi. Giáo sư Fridrikson bắt tay chúng tôi, còn chú tôi thì hết lời cảm ơn ông ấy về sự đón tiếp ân cần và những giúp đỡ quý báu của ông đối với chúng tôi. Chúng tôi siết chặt tay ông, chào tạm biệt rồi lên yên ngựa. Để tiễn biệt, giáo sư Fridrikson đọc một câu thơ bằng tiếng Latinh chúc chúng tôi lên đường bình an.