Cây bàng mồ côi và câu chuyện tháng 12Tháng 12 về rồi. Kỳ thi học sinh giỏi đã qua rất nhanh. Học sinh bắt đầu vùi đầu vào kỳ thi học kỳ một sắp đến. Hàng bàng trong sân trường, có cây đã vươn những nhánh cây trụi lá, gầy guộc, khẳng khiu in dáng trên nền trời. Mùa đông không về trên mảnh đất phương Nam, nhưng ở đây, trong ngôi trường nhỏ này, người ta có thể hình dung được không khí của nó với mấy cây bàng trụi lá. Tôi biết cô Hoài rất yêu mùa đông, sống trong lòng phương Nam nắng ấm mà lòng cứ nao nao hoài vọng về phương Bắc. Cô từng có người yêu là người Hà Nội. Mối tình ấy, cô vẫn gọi âm thầm trong trái tim mình là mối tình sông Hồng. Tôi về trường được ít lâu, cô Hoài trở nên thân thiết với tôi đến lạ lùng. Tôi cũng không hiểu được nguyên nhân nữa. Chỉ biết, cô hay kể cho tôi nghe về mảnh đất Hà Nội. Cô gọi đó là Hà Nội của cô. Gần gũi cô, tự nhiên tôi thấy yêu Hà Nội. Không phải chỉ vì Hà Nội là thủ đô của cả nước mà dường như, sâu thẳm đâu đó, còn điều gì nữa mà tôi không thể gọi thành tên. Trong trường, cô Hoài chẳng bao giờ có ý kiến gì. Mười tám cũng ừ mà mười tư cũng gật. Đó là ý do vì sao tôi chẳng để ý đến cô, nếu như không có một ngày… …- Các em nhìn đây nè, đây là một chuỗi hoa bàng. Cô vừa hái cách đây hai phút. Các em nhìn xem có gì đặc biệt không? Tôi ngồi bên băng ghế hành lang lớp học để đợi tiết sau dạy, chợt giật mình nghe tiếng giảng bài của cô Hoài. Bà này giảng văn mà sao đem cây cỏ vô lớp chi vậy? Lại còn giảng về hoa chuỗi với hoa đơn nữa. Trí tò mò buộc tôi tiếp tục nghe lén bài giảng, mặc dù vẫn biết như vậy là không lịch sự lắm. Người ta có mời mình dự giờ đâu. - Các em lật sách giáo khoa trang…ra! Dòng thứ…đó, thấy không? Ừ, đúng rồi, đọc câu đó lên nhé?. “Từng loạt hoa bàng rụng rất khẽ xuống vai Liên…” Ừ, câu đó đó, các em thấy không? Thạch Lam thực sự rất tinh tế mới có thể viết được câu văn như vậy. Hoa bàng nhỏ xíu thế này, khi những bông hoa trên cuống của chuỗi hoa già đi, nó sẽ rụng, từng bông hoa. Rồi nhiều bông hoa trên các chuỗi khác nhau cùng rơi nhẹ trong gió, tạo nên những loạt hoa bàng rơi. Mỗi bông hoa rất nhỏ, nên khi rơi, rất khẽ khàng. Phải rất tinh tế mới có thể đón nhận và ghi lại được cảm giác dịu êm và tràn ngập cảm xúc trong thinh lặng này!Tôi lặng người đi trong giây phút. Tôi từng đọc truyện ngắn này rất nhiều lần. Chỉ thấy nó để lại một dư vị man mác buồn. Tôi chú ý và xót thương cho Liên và An, những đứa bé như trái cây chín sớm giữa cuộc đời, chứ hoàn toàn không chú ý chi tiết mà cô Hoài đã nêu. Nghe cô Hoài giảng bài, tôi bất chợt nhìn hàng bàng bên ngoài. Có cây trụi lá hết, có cây lại đang xanh lá. Thời tiết phương Nam cũng vậy, cũng đỏng đảnh và trái tính như thế. Tôi nhìn bức tường đặt giữa trường. Không có một cây bàng nào được trồng kế bức tượng cả. Giá mà có, tôi tin bức tượng sẽ trở nên đẹp hơn, có hồn hơn. Có gì đẹp hơn việc ngồi bên dưới gốc bàng, lắng nghe lòng mình trở nên tinh khôi, cảm nhận được từng loạt hoa bàng rơi rất khẽ xuống vai mình trong một buổi tối trong veo. … Sau lần ấy, tôi nhìn cô Hoài khác nhiều. Cái dáng vẻ thụ động, im lặng trong mọi chuyến đấu đá không làm tôi xem thường nữa. Một người có những phát hiện tinh tế như thế trong văn chương và chấp nhận dạy học trò theo kiểu riêng như thế chắc chắn không thể là một người sống kiểu ba phải. Có điều, tôi cũng thật sự không hiểu vì sao cô cứ im lặng trước mọi chuyện, có khi quá quắt của hiệu trưởng. Tôi ngưỡng mộ sự tinh tế của cô nhưng không muốn sống như cô. Sự thật phải được lên tiếng và được bảo vệ. Dù bất cứ giá nào. Mặc dù vậy, tôi vẫn dần dần thân thiết với cô Hoài. Có một vài giáo viên không hiểu, cứ thắc mắc vì sao hai tính cách trái ngược như tôi và cô Hoài có thể dung hòa được.Cô thường hay kể cho tôi nghe về những buổi chiều Hà Nội. Khi cô kể, tôi thấy ánh mắt cô rực sáng một nỗi buồn rất lạ. Nó như ánh hồi quang về quá khứ. Một quá khứ vừa tự hào lại vừa đau đớn. Nó như là cái không gian ngày xưa trong những ca khúc của Carpenter vậy. Cái ngày hôm qua thật đẹp nhưng đã là ngày hôm qua. Dù vậy, nó vẫn sống mãi trong lòng người trong mọi phút giây của một cuộc đời. Chiều nay, cô rủ tôi đến nhà chơi. Đó là một căn nhà nhỏ, bằng gỗ, được trang trí rất tinh tế và mang vẻ ấm cúng đặc biệt. Giàn hoa tigôn rủ sắc hồng lên màu nâu đen của mái nhà đủ sức làm lay động mọi tâm hồn có chút xíu lãng mạn. Trong nhà cô, cái gì cũng xinh xắn và duyên dáng đến kỳ lạ. Chúng giống như cô vậy. Một người không thể gọi là đẹp nhưng duyên dáng đến mức gần như mọi người đều bị cô hớp hồn mỗi khi cô nói chuyện. Không biết cô có sức mạnh gì mà hầu như ai cũng thích nói chuyện với cô. Tôi không nằm ngoài điều đó. Tuy nhiên, tôi không muốn thừa nhận tôi bị cô chinh phục. Tôi vốn không thích type người mười tám cũng ừ mười tư cũng gật mà. Cô mời tôi ăn táo rồi nói như nói với chính mình: - Hạ Anh có thể nghĩ mình ba phải. Nhưng thực sự không phải vậy. Làm sao mà mình không biết việc hiệu trưởng làm sai chứ, thậm chí, chuyện bè phái để cô lập thầy Trí nữa, mình cũng biết chứ. Tuy nhiên, mình nghĩ, nói cũng chẳng có lợi gì. Hiệu trưởng có thể gây khó dễ cho giáo viên, tất nhiên là vậy. Thậm chí, ổng cũng có thể đánh giá chuyên môn yếu kém. Nhưng vị giám khảo thực sự không phải là ổng mà là học sinh kìa. Mà cũng không phải là học sinh của thì hiện tại với những nhận xét nông nổi, là học sinh của thì tương lai, khi tụi nó đi học đại học, ra đời, tụi nó sẽ biết cách nhìn nhận. Cô Hoài cười cười nhìn tôi rồi thong thả nói tiếp, vẫn như nói với chính mình. - Giáo dục không phải chuyện một ngày một bữa. Nó cũng như chân lý vậy, không phải người ta thấy ngay đúng sai mà có khi còn chờ thời gian nữa. Lời cô Hoài văng vẳng bên tai, nghe xa xăm thế nào. Tôi nhớ, lúc tôi đi học, có cô giáo dạy văn học phương Tây tên Thúy. Không phải đứa sinh viên nào cũng khoái cô dạy. Tụi nó còn nói sau lưng là cô lười biếng khi để sinh viên làm tiểu luận, rồi thảo luận với nhau, cô chỉ nhìn rồi cười và cho điểm. Đôi khi, tặng thêm một nhận xét chết người nào đó khiến cả lớp cười rộ lên còn đương sự thì đỏ bừng mặt, nhất là những đứa không chịu đọc, chỉ dựa vào tóm tắt của các sách chuyên đề. Hồi đó, tôi thích cô Thúy lắm. Vì thích cô nên mới ráng học bằng cách đọc những tiểu thuyết của nước Anh và Mỹ bằng nguyên tác, cũng phát hiện nhiều điều thú vị. Một trong những phát hiện đó là kể cả một số dịch giả tên tuổi, có học hàm học vị vẫn dịch bậy, dịch ẩu như thường. Khi tôi nói với cô về phát hiện đó, cô chỉ cười cười. Rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì đến tôi: “Chúng ta không tạo ra chân lý, chỉ chạm đến nó mà thôi”. Cô có sự yêu mến tôi một cách đặc biệt, nhưng tụi bạn không ghen tỵ. Vì điểm số của tôi cũng không hơn tụi nó lắm. Cô Thúy có thói quen cho học sinh điểm lớn. Chỉ duy nhất là không có điểm mười. Cô nói cô không thích sự hoàn hảo, vì đã hoàn hảo rồi thì con người ta sẽ không cố gắng nữa. Cái lớp học đại học đông như tổ kiến vàng ngày đó bây giờ tan tác khắp nơi. Nhưng thỉnh thoảng hai ba con kiến đi lạc, lơ láo gặp nhau ở đâu đó, thế nào cũng nhắc cô Thúy. Hình như đứa nào cũng ít nhiều bị cô ảnh hưởng. Tụi bạn bè nói tôi bị ảnh hưởng cái tính khùng khùng của cô. Không biết có đúng không. Mà, cũng kỳ thật, thừa kế gì không nhận, lại đi nhận cái tính khùng ấy. Lần đó, cô kể chuyện, không biết thiệt hay giỡn mà cả lớp cười bò lăn bò càng. “Các em biết không, hồi trước, gia đình cô bị đánh tư sản, người ta mời những người chưa có giác ngộ cách mạng đến học tập. Trong gian phòng khách sạch bóng, ghế salon thoang thoảng nước hoa, ông cán bộ mặc quần áo bà ba, cổ đeo khăn rằn, quần thì xăn lên tới đùi, để lộ chân lông lá, còn dính sình. Ông cán bộ ngồi chồm hổm trên ghế salon, giảng bài mỹ học Mác - Lênin, cô thấy chướng mắt không sao tả được, bèn lên tiếng: “Thưa ông cán bộ, ông giảng về chân thiện mỹ tôi không thấy chân thiện đâu hết, tôi chỉ thấy chân ông lông lá mà thôi”. Tôi vẫn hay nhớ lại câu chuyện này mỗi lúc đứng trước một thực tế trớ trêu nào đó của cuộc sống. Cô Thúy và cô Hoài rất khác nhau, nhưng có lẽ, họ có chung một điểm giống là không quan tâm đến dư luận. Họ sống theo cách của họ, có thể lập dị và không dễ được chấp nhận. Nhất là trong môi trường giáo dục đòi hỏi sự mô phạm kiểu công thức. Cô Hoài không bùng nổ ở phương diện con người nhưng cô bùng nổ trong phương pháp dạy. Liệu pháp sốc của cô có thể làm cho học sinh rớt tốt nghiệp vì không có đủ kiến thức thuộc lòng nhưng lại làm tụi nó sáng tạo khi ra đời. Cô Thúy bùng nổ cả phương diện con người và phương pháp giảng dạy. Chính vì vậy, họ chẳng bao giờ là giáo viên giỏi theo đánh giá của trường và sở. Tôi nhìn giàn hoa tigôn trong nắng chiều. Không biết sao, tôi thích nắng chiều như vậy. Nhìn kỹ sẽ thấy màu vàng nhạt nhòa như sợi tơ chùng giăng trong không gian. Tôi vốn không phải là người lãng mạn lắm, trong tôi luôn ẩn chứa một sự phức hợp kỳ lạ. Tôi không biết mình tốt hay xấu nữa. Nghiêng bên này một chút, nghiêng bên kia một chút, nhiều lúc tôi chông chênh. Sự nhận thức về tốt xấu, thiện ác có vẻ dễ ngụy biện, nhất là khi, người ta lại rất dễ có xu hướng là trạng sư bênh vực chính mình. Cô Hoài mang đến cho tôi một cuộc sống khác. Cuộc sống có những điều thú vị riêng tư trong mỗi giờ lên lớp, cuộc sống làm người ta ngủ gục trong giờ họp và chuyện đấu đá nhưng luôn sôi nổi trong những giờ dạy. Tôi không biết mình có nên bắt chước cô Hoài không. Rồi tôi quyết định là không. Tôi là tôi, dù hay dù dở. Vả lại, tôi không thích sống giống cô Hoài. Có đôi khi, làm ngơ trước cái xấu cũng là xấu. Tôi nghĩ vậy và tin vậy. Khi tôi vẫn còn nhớ là cô Hoài cũng đã đưa tay biểu quyết loại thầy Trí khỏi danh sách giáo viên dạy giỏi. Dù vẫn tự thuyết phục mình rằng cô Hoài không phải cố tình vậy, nhưng tôi vẫn thấy khó chịu trong lòng, có cái gì vương vướng khi giao tiếp với cô Hoài. Giống như khi tôi ngồi nhìn bức tượng ngoài trời vậy. Lớp bụi phía sau đóng ngày càng dày, chẳng ai buồn quét.