Chúng tôi vào Mặt trận Tây Nguyên, mang bí danh: "Đoàn A.75". Theo quy định, khi giao dịch, thông tin liên lạc và thảo luận với nhau trong chiến dịch này, đồng chí Võ Nguyên Giáp mang bí danh Chiến, còn tôi mang bí danh Tuấn. Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày giáp Tết, tôi lại chuẩn bị một ít quà nhỏ và thư chúc mừng năm mới gửi đến các gia đình cơ sở cách mạng đã giúp đỡ tôi trong những năm hoạt động bí mật trước đây. Lần này tôi cũng chuẩn bị sẵn quà và thư chúc Tết như thế để khi tôi lên đường rồi, người nhà gửi đi như thường lệ. Tôi ký sẵn các bức điện mừng nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Liên Xô và Cộng hoà dân chủ Đức tháng 2, và Quân đội Mông Cổ tháng 3 năm 1975 để đúng ngày gửi đi. Sáng ngày 5-2-1975, tức là ngày 25 Tết âm lịch, chúng tôi sang sân bay Gia Lâm để đáp máy bay vào Đồng Hới. Ra tiễn chúng tôi chỉ có các đồng chí Thiếu tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân. Đúng 10 giờ rưỡi sáng, chiếc máy bay AN 24 cất cánh. Hà Nội rợp hoa chuẩn bị đón xuân. Hà Nội, trái tim của cả nước, nơi phát ra quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Hà Nội anh hùng và mến yêu hôm nay đẹp vô cùng. Trên máy bay chúng tôi nhớ đến lời dặn của các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, nghĩ đến trách nhiệm lớn lao của Đảng giao phó và đến cách đánh sắp tới của ta ở Tây Nguyên như đồng chí Lê Duẩn đã dặn: "Nên suy nghĩ nhiều và có cách đánh đúng". Đi vào chiến dịch này, ở đâu cũng thế, từ cán bộ lãnh đạo đến từng chiến sĩ, ai cũng lạc quan và sôi nổi khí thế lập công. Chúng tôi nóng ruột muốn tới chiến trường ngay trong ngày để hoàn chỉnh cách đánh đang ấp ủ và chăm chú theo dõi từng hành động của địch. Theo tin tình báo của ta, trong hai ngày 9 và 10-12-1974, trong "Dinh Độc lập", Thiệu họp với bọn tư lệnh các quân đoàn, quân khu nguỵ để phán đoán hoạt động của ta trong năm 1975. Bọn chúng nhận định: - Trong năm 1975, ta có thể đánh với quy mô lớn hơn năm 1974 nhưng không như năm 1968 và không bằng năm 1972. Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Ta chỉ có thể đánh loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa. Yêu cầu chủ yếu của ta năm 1975 là giành 2 triệu dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng vùng giải phóng ở miền núi. Mục đích của ta là giành thắng lợi để thúc ép chúng thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam. Chúng cho rằng đầu năm 1975, phương hướng tiến công của ta là đánh Quân khu 3, chủ yếu là Tây Ninh, nhằm lấy Tây Ninh làm thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Về thời gian tiến công, địch phán đoán ta sẽ đánh trước hoặc sau Tết cho đến tháng 6-1975, tới lúc đó là mùa mưa thì dừng lại nghỉ. Do nhận định về ta như thế, Thiệu ra lệnh cho bọn tướng nguỵ ráo riết đánh ta trước để phá vỡ kế hoạch chuẩn bị của ta. Trần Thiện Khiêm, thủ tướng nguỵ, họp với các trưởng quân khu, trưởng tiểu khu để mở chiến dịch "bình định cấp tốc lập tức", trong 3 tháng, kể từ ngày 1-1-1975, để "ngăn chặn Chiến dịch Đông Xuân của Việt cộng". Do nhận định như vậy, chúng không thay đổi thế bố trí chiến lược mạnh hai đầu (Quân khu 1 và Quân khu 3) và chúng cũng chưa có sự tăng cường lực lượng gì lớn ở Quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên. Đầu năm 1975, chúng có 1.351.000 quân, trong đó có 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 quân "phòng vệ dân sự" có vũ trang, gồm 13 sư đoàn chủ lực, 18 liên đoàn biệt động quân. Chúng bố trí lực lượng như sau: Ở Quân khu 1, chúng để 5 sư đoàn chủ lực (trong đó có 2 sư đoàn tổng dự bị) và 4 liên đoàn biệt động quân, 21 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo gồm 418 khẩu, 5 thiết đoàn và 6 chi đội xe tăng, thiết giáp gồm 449 xe, 1 sư đoàn không quân trong đó có 96 máy bay chiến đấu. Phần lớn lực lượng quân chủ lực địch giữ Huế và Đà Nẵng. Ở Quân khu 2, chúng để 2 sư đoàn chủ lực và 7 liên đoàn biệt động quân, 14 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo gồm 382 khẩu, 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng, thiết giáp gồm 477 xe, 2 sư đoàn không quân, trong đó có 138 máy bay chiến đấu. Phần lớn quân chủ lực địch rải ra giữ Tây Nguyên, đồng bằng và ven biển. Ở Quân khu 3, chúng để 3 sư đoàn chủ lực và 7 liên đoàn biệt động quân, 14 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo gồm 376 khẩu, 7 thiết đoàn và 15 chi đội xe tăng, thiết giáp gồm 655 xe, 2 sư đoàn không quân, trong đó có hơn 250 máy bay chiến đấu. Toàn bộ quân chủ lực địch triển khai theo hình vòng cung từ tây bắc, bắc và đông bắc bảo vệ thành phố Sài Gòn từ xa trên dưới 50km. Ở Quân khu 4, chúng để 3 sư đoàn chủ lực, 18 liên đoàn bảo an, 15 tiểu đoàn và 55 đại đội pháo gồm 380 khẩu, 5 thiết đoàn và 17 chi đữi thiết giáp gồm 493 xe, 1 sư đoàn không quân, trong đó có 72 máy bay chiến đấu, 580 tàu, xuồng các loại. Quân chủ lực địch giữ khu vực Cẩn Thơ, Chương Thiện, đường số 4 và tuyến biên giới. Thế địch đã suy yếu, chúng lại phạm sai lầm lớn về chiến lược trong việc đánh giá ta, dẫn tới những kế hoạch bố trí lực lượng sai và chủ trương tác chiến sai, báo hiệu một thất bại lớn đang đến với chúng. Máy bay đỗ xuống Đồng Hới, đồng chí Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cùng một đoàn xe của Bộ Tư lệnh 559 từ Quảng Trị ra, đã chờ đón chúng tôi ở sân bay. Chúng tôi lên xe vào Quảng Trị. Đường qua Lệ Thuỷ, Hồ Xá gồ ghề do nhiều năm địch đánh phá dữ dội cho nên xe chạy xóc nhiều, nhưng đây cũng là một trong những đoạn đường kiên cường, anh hùng trên đất nước ta góp phần vào việc chi viện cho miền Nam đánh thắng. Tới sông Bến Hải, chúng tôi xuống thuyền gắn máy chạy ngược sông. Trời nắng nhưng mát một cách lạ lùng. Xế chiều, chúng tôi đổ bộ lên một bến phía nam sông để đi vào Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559, ở phía tây Gio Linh. Bộ đội 559, như tên gọi của nó, ra đời tháng 5-1959, thuộc Tổng cục Hậu cần. Bộ đội 559 cũng như ngành Hậu cần của quân đội ta là lịch sử của một quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển, là sự thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, quan điểm bạo lực cách mạng, sự nhìn xa thấy trước để phục vụ chiến đấu. Tất cả những gì mà bộ đội 559 đã làm đều là những kỳ công. Đồng chí Trần Đăng Ninh, uỷ viên Trung ương Đảng, một chiến sĩ cách mạng kiên cường đã hai lần vượt khỏi nhà tù của thực dân Pháp, là người có công lớn xây dựng ngành Hậu cần của quân đội ta từ những năm 1950 trở đi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nếu đồng chí còn sống thì sẽ rất mừng được thấy lực lượng hậu cần hùng mạnh của quân đội ta hôm nay mà ngày trước đồng chí từng mong ước. Lúc này hơn 10.000 xe tải lên mặt đường, bao gồm một số xe của các quân khu, các địa phương và của Bộ Giao thông vận tải điều tới tăng cường. Như một người nội trợ đảm đang, ngành Hậu cần vừa phục vụ kế hoạch hàng năm của quân đội, vừa tần tảo, chắt chiu dự trữ lực lượng từng ngày, từng tháng trên toàn chiến trường miền Nam để chờ thời cơ lớn đến, vừa làm nhiệm vụ đối với bộ đội trong nước, vừa làm nghĩa vụ quốc tế đối với các nước anh em. Và một điều hết sức phấn khởi là thấy các chiến sĩ ta đi vào chiến dịch bằng cơ giới, ngoài mặt trận ăn uống no đủ, ngay đến lương khô của ta như loại A72 cũng khá là ngon. Cũng từ chiến dịch này, các chiến sĩ ngoài mặt trận đã nhận được một số súng lớn và đạn lớn do công nhân quốc phòng của ta sản xuất trong nước bắt đầu từ năm 1973. Đây cũng là bước đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật trong ngành công nghiệp quốc phòng. Càng đi ra mặt trận, càng thấy sức mạnh to lớn của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hậu phương là một trong những nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Nhân dân anh hùng của hậu phương anh hùng, chịu đựng hy sinh và gian khổ làm tất cả mọi việc, gửi ra mọi thứ cần thiết để phục vụ tiền tuyến, kể cả những người chồng, những người con yêu quý nhất của mình. Khi đến Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559, chúng tôi đã thấy đồng chí Lê Ngọc Hiền vừa từ Tây Nguyên đi xe hơi ra theo như đã hẹn. Trong căn nhà mái tranh, đêm xuống từ lâu, nhưng chúng tôi chưa ngủ được vì những suy nghĩ về chiến dịch sắp đến. Làm thế nào để thực hiện bằng được quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phồng miền Nam. Giành thắng lợi ở Tây Nguyên, đặc biệt đánh Buôn Ma Thuột bằng cách nào? đánh như thế nào để địch phải sụp đổ nhanh chóng? Tôi nhớ đến kiểu đánh truyền thống của dân tộc ta, kiểu đánh độc đáo của quân đội ta hơn 30 năm qua. Kiểu đánh quen thuộc của tôi cũng lại trở lại trong óc. Bất ngờ và bất ngờ đối với địch, đánh như sét giáng, đập nát ngay đầu não chỉ huy của chúng. Nhưng thực tế có cho phép không? Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm làm việc. Đồng chí Lê Ngọc Hiền báo cáo tình hình Mặt trận Tây Nguyên và dự kiến kế hoạch tác chiến. Các đồng chí Đinh Đức Thiện và Đồng Sĩ Nguyên báo cáo tình hình chuẩn bị của Hậu cẩn, cho biết đã đưa vào mặt trận đầy đủ mọi thứ phục vụ chiến đấu, đề nghị đã đánh là đánh lớn, cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe để chở quân, cũng có đủ. Điều đó làm chúng tôi rất yên tâm. Đối với Hậu cần, đánh to, đánh thắng lớn, thắng nhanh thì càng giảm bớt mức tiếp tế mà lại còn lấy được những phương tiện vật chất, kỹ thuật của địch để bổ sung cho ta. Ngay hôm sau, đồng chí Đinh Đức Thiện quay lại Quảng Bình đôn đốc việc dồn kho đạn ở đây ra mặt trận bổ sung cho Tây Nguyên, chỉ đạo việc lấy loại đạn nào trước, loại đạn nào sau, còn chúng tôi tiếp tục đi vào phía trong. Biển số xe chúng tôi được sơn lại, thêm chữ TS và con số 50, có nghĩa là xe được quyền ưu tiên số 1 của bộ đội Trường Sơn. Đồng chí Đại tá Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh 559, được phân công đi cùng với đoàn, phòng những trắc trở dọc đường để bảo đảm cho chúng tôi sớm vào tới Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên. Trên đường chiến lược, các chiến sĩ ta tấp nập làm đường, chữa đường. Các cô thanh niên xung phong vừa lao động vừa hát, vừa cười nói ríu rít, vẫy theo xe: - Thủ trưởng ơi, gần Tết rồi mà chúng em chưa nhận được thư nhà. Chúng tôi tặng các cô mấy trăm chiếc cặp tóc để chia nhau làm quà. Từng đoàn xe lớn sau khi chở đạn vào mặt trận quay ra Bắc, chạy rầm rập trên đường. Anh em lái xe với tay ra ngoài buồng lái: - Thủ trưởng ơi, 30 Tết rồi mà anh em không còn một điếu thuốc hút. Chúng tôi tặng anh em lái xe một số thuốc lá để làm quà Tết. Giữa đường, chúng tôi gặp Sư đoàn 316 đang hành quân. Lần đầu tiên toàn Sư đoàn hành quân bằng cơ giới ra mặt trận trên 500 chiếc xe lớn. Sư đoàn được lệnh từ khi lên đường đến lúc nổ súng, tuyệt đối không được mở máy thông tin liên lạc để giữ bí mật. Ta bắt được điện của địch đang gọi nhau kêu mất hút Sư đoàn 316, không biết Sư đoàn này đang di chuyển đi đâu. Chiến sĩ ta ngồi trên xe sung sức, khỏe mạnh, tươi vui, vẫy mũ, vẫy tay, reo hát trong tiếng gầm của xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo tầm xa, kéo pháo cao xạ, xe tải các loại nối đuôi nhau thành dãy dài vô tận như một dòng thác lớn chảy ra tiền tuyến.