Cặp song sinh
Bốn năm trước, lão Phú mua căn nhà sát vách nhà tôi. Ngay từ những ngày đầu tiên dọn tới nơi ở mới, lão đã tỏ ra qúy con gái tôi ra mặt, một điều xưng chú, hai điều gọi con với con Thủy. Thành thử con bé Thu, cháu ngoại tôi, cũng được thơm lây. Những buổi chiều mát mẻ, nhiều lần thấy bé Thu ngất ngưởng trên vai lão Phú cười ngặt nghẽo ngoài đầu hẻm, tôi vui lắm. Tình cảm là thứ dễ lây, tôi sinh lòng cảm mến người hàng xóm của mình một cách khá tự nhiên. Rồi ngày tháng trôi qua, tôi và lão trở thành đôi bạn thân từ lúc nào cũng không ai rõ nữa... Lão Phú là người ý tứ. Chẳng biết bằng cách nào, lão biết tường tận lịch làm việc của tôi. Những lúc tôi dừng viết, lão thường ghé qua chơi trong chốc lát. “ Để ông còn viết chớ!”, lão hay nói thế mỗi khi tôi lịch sự bảo lão nán lại chuyện vãn thêm dăm ba phút nữa. Trong một lần đàm đạo về nghề viết với tôi, vào lúc hứng khởi nhất, lão triết lí: - Ông ạ, tôi nghĩ hễ cứ có nghề có nghiệp tử tế thì chẳng bao giờ sợ chết đói! Nhưng nếu như người ta nắm thêm được một số bí quyết lắt léo của nghề, sự giàu coi như đã ở trong tầm tay. Tuy nhiên, theo tôi, quy luật trên không phải bao giờ, ở đâu, với ai cũng đúng đâu nhé! Bởi trên đời còn có hàng núi công việc không thể xếp vào danh mục nghề nghiệp nào nhưng lại có khả năng đem lại danh lợi khá bất ngờ! Tôi chưa kịp hỏi thêm, lão Phú đã lấy mình ra làm thí dụ: - Ví như nghề làm chủ tịch hội phụ huynh học sinh trong trường học của tôi chẳng hạn. Một nghề độc nhất vô nhị và cũng rất tử tế đấy ông ạ. Không có chuyên môn, non kém trong kĩ năng hành nghề, coi như biết trước sẽ thất bại. Thực tế khiến tôi nghiệm ra rằng, việc này chỉ thích hợp với những ai hội đủ các phẩm chất kiên trì, bình tĩnh, khôn khéo, có thể hơi láu cá một chút mà được việc cũng tốt! Thấy tôi chăm chú lắng nghe, lão bỗng chuyển làn, gợi ý: - Hay là ông đồng ý để tôi giới thiệu ông nhé. Nên coi đây là một trong những cách nuôi ngòi bút để mà sống và viết thôi. Vả lại, biết đâu khi nhập cuộc, ông chẳng có thêm nhiều nguyên mẫu để nặn ra những nhân vật mới? Tôi chưa biết công việc mà lão định giới thiệu cho tôi là việc gì, nhưng vẫn cười lấy lòng: - Tôi tiếng là kẻ cầm bút, nhưng ông biết đấy, các chân dung tôi dựng lên đều chỉ là những cái bóng cả thôi. Tôi quen hiểu người qua trí tưởng tượng của mình, còn những ngõ ngách thật của đời thường tôi lại quá dốt. Liệu mù mờ như thế có thích hợp với việc mà ông giới thiệu cho không? Lão Phú nheo mắt: - Ông quá khiêm tốn đấy! Ông hơn hẳn tôi ở chỗ có những cái vốn mà tôi không có. Như sự nổi tiếng. Lại có tới hai qúy tử đang theo trung học. Chưa đem cái vốn ra dùng, sao dám nói mình là kẻ mù mờ? Có lẽ nghe lão Phú nói, lúc ấy mặt tôi hơi dại đi một chút thì phải. Vẻ lúng túng của tôi khiến lão bật cười thành tiếng. Chẳng biết vì thương hại hay cảm thông, lão xòe tay ra trước mặt tôi, giải thích: - Chí ít ông cũng có đủ điều kiện để làm phó chủ tịch hội phụ huynh trường Tân Trí. Liệu có mấy ai có tới hai đứa con cùng học một cấp như ông? Liệu có mấy ai quan tâm, lo lắng đến việc dạy và học ở trường này nhiều bằng ông? Với tiêu chuẩn này, chắc chắn các phụ huynh học sinh sẽ bầu ông vào ban chấp hành. - Còn nhà trường? - Nhà trường rất cần những người có uy tín như ông. Là nhà văn, ông chỉ cần khua tay nói vài lời vàng ngọc cũng đã bằng người ta bỏ công sức ra vận động cả tháng ròng đấy! - Nhưng tôi sẽ phải nói về những cái gì, và nói với ai? - Ôi ông bạn ơi! Tôi ngỡ ông thừa trí tưởng tượng để nghĩ ra những cái cần phải nói chớ? Như kêu gọi mọi người đóng góp hỗ trợ quỹ giáo dục. Gặp gỡ phụ huynh trong các cuộc họp. Vận động các cơ quan kinh tế đóng trên địa bàn quận. Giải trình với Sở Giáo dục khi họ thanh tra các khoản qũy của hội... Tôi lắc đầu: - Như vậy thì phải lấy mình ra làm gương. Mà tôi thì.. Lão Phú như đi guốc vào bụng tôi: - Ông lo phải đi đầu trong việc đóng các khoản tiền phải không? Này, tôi nói cho mà hay, nếu ông làm chủ tịch hội phụ huynh học sinh, ông sẽ chẳng phải đóng một khoản tiền nào hết. Con ông được miễn giảm học phí. Ông có phần trăm, có quyền ăn quyền nói. Lại có thêm cả cơ hội để mở rộng quan hệ xã hội nữa. - Nếu chỉ có vậy thì tôi làm được! Lão Phú cười: - Có thế mới xứng mặt nhà văn chứ! Thôi nhé, tôi xin phép ông tôi về. Coi như ông đã nhận lời tham gia vào ban chấp hành hội rồi đấy nhé. À, mạn phép ông, tôi đã thay ông đi họp phụ huynh cho cháu Thu nhà ta rồi đấy. Con mẹ Thủy kêu là nó bận qúa! Mà ông thì có rảnh bút lúc nào đâu! Cứ có người nhớn đến ngồi vào chỗ ghi tên cháu trên mặt bàn là được rồi, cô giáo cũng chẳng bắt bẻ ai là ông nội ông ngoại, bố mẹ đẻ hay bố mẹ nuôi... Lão Phú nói là làm. Tại buổi họp đầu năm, theo gợi ý của lão, thầy chủ nhiệm lớp 11A 25 giới thiệu tôi là một nhà văn đại tài, có uy tín rất lớn trong nước và quốc tế, nếu tôi nhận lời làm đại diện phụ huynh thì quả là một đóng góp lớn cho lớp. Thầy lại hỏi, ai đồng ý đề cử tôi vào chức danh đó thì giơ tay biểu quyết. Một trăm phần trăm người dự họp, có người là bố mẹ, có người là ông bà của học sinh trong lớp, đ