Chiều hôm sau tôi lại đi thăm cô Barkley. Nàng không có ở ngoài vườn. Tôi bèn đi về phía cửa hông của bệnh viện nơi có nhiều xe đậu. Tôi gặp bà y tá trưởng, bà ta bảo là cô Barkley đang bận. - Đang chiến tranh mà, chắc ông hiểu. Tôi đáp là rất thông cảm. - Ông là người Mỹ ở trong quân đội Ý phải không? – Bà hỏi. - Thưa bà vâng. - Việc xảy ra như thế nào mà ông tham gia quân đội Ý? Sao ông không nhập ngũ ở bên Mỹ? - Tôi cũng không biết nữa – tôi đáp – Bây giờ còn tiến hành được không? - Tôi e là không được. Vì sao ông gia nhập quân đội Ý? - Vì tôi ở Ý, nói tiếng Ý. - Ừ, tôi đang học tiếng Ý đấy, tiếng ấy rất hay. - Có người bảo là chỉ cần học trong hai tuần lễ thì phải. - Ờ, tôi không học xong trong hai tuần đâu. Tôi đã học nhiều tháng rồi. Nếu muốn, ông có thể đến thăm cô ấy sau bảy giờ. Giờ đó cô ấy sẽ rảnh, nhưng nhớ đừng dẫn theo cả một lô bạn Ý nhé. - Ngay cả vì cái thứ ngôn ngữ đẹp của Ý cũng không được hay sao? - Không. Cũng chả cần đến bộ đồng phục đẹp của họ nữa. - Thôi, chào bà. - Chào Trung uý. Tôi vẫy tay, chào bằng tiếng Ý rồi đi ra. Thật khó chào người ngoại quốc như dân Ý mà vẫn không thấy khó chịu. Cách chào của người Ý có vẻ không bao giờ thông dụng ở ngoại quốc. Ngày hôm đó trời nóng nóng bức. Tôi đi ngược theo dòng sông đến đầu cầu ở Plava. Cuộc tấn công sẽ bắt đầu ngay tại đấy. Năm rồi người ta không thể nào tiến xa được vì chỉ có con đường độc đạo dẫn từ đèo đến cầu nổi, con đường đó lại ở dưới họng súng máy và họng trọng pháo trong khoảng gần một dặm. Từ năm trước con đường này không đủ rộng để có thể dùng vào mọi việc chuyên chở cần thiết cho cuộc tấn công; bọn Áo rất có thể mở một cuộc tàn sát ở đây. Nhưng dân Ý đã vượt qua được và tràn ra ở con đường nhỏ phía đằng xa, chiếm một khoảng độ một dặm rưỡi cách xa nơi bọn Áo đóng trên sông. Nhưng chỗ này là một vị trí hiểm yếu nên bọn Áo quyết chẳng để mất. Tôi cho rằng đó chỉ là một sự nhân nhượng lẫn nhau vì bọn Áo hãy còn đóng giữa phía đầu cầu chạy dài xuống mé sông. Hầm trú ẩn của bọn chúng ở phía trên sườn đồi chỉ cách ranh giới Ý vài thước. Trước kia, ở đấy có một thành phố nhỏ nhưng bây giờ chỉ là một đống gạch vụn đổ nát. Chỉ còn sót lại những mảnh vụn của nhà ga xe lửa và của cây cầu bị phá vỡ mà người ta không thể sửa chữa hoặc dùng được nữa, vì nó đứng chơ vơ lộ liễu trước hoả lực của địch. Tôi xuống theo con đường hẹp đến tận mé sông. Tôi để xe ở trạm cứu thương dưới chân đồi. Tôi đi qua chiếc cầu nổi được núi che khuất rồi đi xuyên qua đường hầm ở dưới thành phố bị tiêu huỷ, rồi lại lượn quanh theo sườn đồi. Mọi người đều ở trong hầm. Các giàn hoả tiễn dựng đứng để khi cần thì có thể bắn đi, gọi pháo binh tiếp viện hoặc là để ra hiệu lệnh nếu một khi đường dây điện thoại bị cắt đứt. Tất cả chỉ có yên tĩnh, nóng và bụi bặm. Tôi nhìn sang biên giới Áo qua đường dây điện thoại chẳng thấy ma nào cả. Tôi dùng rượu với một viên đại uý tôi quen trong hầm rồi băng qua cầu đi trở về. Một con đường mới rộng sắp được hoàn thành. Con đường ấy sẽ ăn thông lên rồi uốn khúc lượn xuống phía cầu; khi con đường xong, cuộc tấn công sẽ bắt đầu. Con đường chạy xuống, băng qua khu rừng với những khúc quanh hiểm hóc. Theo kế hoạch thì mọi thứ sẽ đưa xuống con đường mới còn những xe bò, xe Hồng thập tự chở đầy bệnh nhân trở về theo con đường hẹp cũ. Trạm cứu thương ở sát bờ sông phía bên bọn Áo, dưới triền đồi và những người tải thương sẽ khiêng họ trở lại qua cầu nổi. Khi cuộc tấn công xảy ra thì mọi việc sẽ tiến hành như thế. Tôi thấy ở đoạn bằng phẳng của con đường mới có một chỗ ngoặt khoảng một kilômét sẽ bị bọn Áo bắn phá dữ dội. Như thế sẽ vô cùng hỗn độn. Tuy nhiên tôi đã tìm được một nơi có thể làm chỗ ẩn núp cho các chiếc xe tải thương sau khi đã đi qua được khu vực nguy hiểm này và có thể chờ các thương binh được chuyển qua cầu nổi. Tôi thích sẽ được lái xe trên con đường này, nhưng nó chưa được hoàn thành. Con đường trông rộng rãi, chắc chắn dốc vừa phải và những chỗ quành ngoạn mục trông rất kín đáo mà từ nơi đó ta có thể nhìn thấy địch qua những rặng cây và rừng bên sườn núi không nguy hiểm một chút nào, vì xe chúng tôi có phanh thép hơn nữa khi xuống dốc xe chẳng chở gì. Tôi lái xe cho chạy trở lên con đường hẹp. Hai ngườCi lính gác chặn xe tôi lại. Một quả đạn trái phá vừa rơi trên con đường này và trong khi chờ đợi, ba quả nữa thi nhau rơi xuống đấy. Đó là những quả trọng pháo bảy mươi bảy ly. Chúng xẻ không khí bay đến, tiếp theo là một tiếng nổ chát chúa, sáng rực và khói phủ ngang con đường. Hai người lính vẫy hiệu cho chúng tôi đi. Đi ngang qua chỗ những quả trọng pháo rơi khi nãy, tôi cho xe tránh ổ gà. Tôi ngửi thấy mùi thuốc nổ nồng nặc, mùi đá, đất sét và mùi đá lửa mới bị vỡ. Tôi cho xe chạy trở lại Gorizia, đến biệt thự của chúng tôi, và như đã nói, tôi đến thăm nàng Barkley lúc đó còn đang bận việc. Tôi ăn vội buổi chiều rồi quay đến toà biệt thự bệnh viện của người Anh. Bệnh viện thật to và đẹp, chung quanh trồng nhiều cây cối rất xinh. Cô Barkley đang ngồi trên chiếc ghế dài ngoài vườn với cô Ferguson. Thấy tôi, họ tỏ vẻ vui mừng; ngồi một lát cô Ferguson cáo lỗi xin phép đi. Cô bảo: - Thôi anh chị ngồi chơi, không có tôi, anh chị dễ nói chuyện hơn. - Helen, đừng đi mà – Barkley khẩn khoản. - Thật ra mình cũng muốn ở lại, nhưng mình bận viết một vài bức thư. - Chào cô – tôi nói. - Chào ông Henry. - Đừng viết gì khiến kiểm duyệt phải ngạc nhiên nhé. - Đừng lo. Tôi chỉ viết về cảnh đẹp nơi chúng ta đang ở và lòng dũng cảm của người Ý. - Viết như thế sẽ chóng được huân chương đấy. - Rất hay. Thôi chào Catherine. - Lát nữa mình sẽ gặp lại nhau – Barkley đáp. Cô Ferguson băng mình vào bóng đêm. - Cô ấy trông dễ thương nhỉ - tôi nói. - Vâng, chị ấy dễ thương lắm. Chị ấy là một nữ y tá. - Thế cô, cô không phải là y tá à? - Ồ không, tôi là “phụ nữ tình nguyện.” Chúng tôi làm việc vất vả nhưng chẳng ai tin chúng tôi cả. - Sao thế? - Khi không có việc gì thì họ không tin chúng tôi, còn khi có nhiều việc thì họ mới tin chúng tôi. - Việc ấy khác với việc của y tá như thế nào? - Y tá giống như một bác sĩ. Nghề này phải học một thời gian lâu. Còn “phụ nữ tình nguyện” chỉ học một phần của y tá mà thôi. - À ra thế! - Người Ý không muốn có phụ nữ ở gần mặt trận. Vì thế chúng tôi sống theo một chế độ đặc biệt. Chúng tôi không ra ngoài bao giờ. Không được ra ngoài. - Tuy vậy tôi vẫn có thể đến đây chứ? - Ờ dĩ nhiên, chúng tôi đâu phải là những kẻ bị giam trong nhà tu kín đâu. - Thôi, chúng ta hãy dẹp chuyện chiến tranh qua một bên đi. - Khó lắm, biết dẹp nó ở đâu bây giờ? - Nhưng dù sao chúng ta cũng nên dẹp nó qua một bên là hơn. - Đồng ý. Chúng tôi nhìn nhau trong bóng đêm. Tôi thấy nàng rất đẹp, tôi cầm lấy tay nàng. Nàng để yên cho tôi nắm. Tôi nắm lấy bàn tay nàng và choàng tay qua người nàng. - Đừng – nàng bảo. Nhưng tôi vẫn để yên tay ở chỗ cũ. - Sao lại đừng? - Không có gì cả. - Nào, cô cho phép tôi nhé – Tôi nghiêng mình tới trước để hôn nàng trong bóng đêm, tức thì nhận được cái tát nảy lửa. Nàng đã tát thẳng vào mặt tôi. Nàng đánh vào mũi, vào mắt tôi và phản ứng tự nhiên là nước mắt chảy ra. - Tôi rất lấy làm tiếc – Nàng nói – Tôi cảm thấy như thế có lợi cho tôi hơn… - Cô hành động như thế rất phải. - Tôi rất buồn khi làm như vậy. Thực ra tôi không thể chịu nổi cái cảnh giải trí buổi tối như thế đôi với một nữ y tá. Tôi không cố ý tát ông, tôi làm ông đau phải không? Nàng nhìn tôi trong bóng tối. Tôi tức giận, tuy nhiên tôi bình tĩnh vì tôi đoán trước những gì vừa xảy ra dễ như đoán nước cờ. - Không, cô làm như thế là phải lắm. Tôi rất mến cô. - Tội nghiệp. - Như cô biết, từ trước đến giờ tôi sống một cuộc đời kỳ cục, và lại không nói tiếng Anh với ai cả. Rồi vì thấy cô quá đẹp. Tôi đã bảo là tôi rất lấy làm tiếc vì hành động vừa qua. Chúng ta rất hợp nhau. - Vâng – nàng đáp – Và chúng ta đã dẹp chiến tranh sang một bên rồi đấy. Nàng cười to lên. Lần đầu tiên tôi nghe nàng cười to. Tôi ngắm khuôn mặt nàng. - Ông thật dễ mến. - Ờ, không đâu. - Thật mà. Trông anh thật đáng yêu. Nếu không mắc mớ gì em rất sung sướng được hôn anh. Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng và choàng tay qua người nàng như khi nãy rồi hôn nàng. Tôi hôn nàng đắm đuối, xiết chặt người nàng và cố mở đôi môi nàng ra. Tôi vẫn còn giận và khi tôi ôm nàng trong tay, nàng bỗng rùng mình. Tôi xiết chặt người nàng vào lòng và nghe tiếng tim đập nhanh. Đôi môi nàng hé mở, đầu nàng ngả lên tay tôi rồi bỗng nhiên nàng nức nở khóc bên vai tôi. - Anh yêu quý, hãy hứa với em là anh sẽ tử tế với em, anh nhé. Thật kỳ quặc! Tôi thầm nghĩ. Tôi khẽ vuốt tóc nàng và vỗ nhẹ lên vai nàng, an ủi. Nàng vẫn còn khóc. - Hứa với em anh nhé – Nàng ngước mắt nhìn tôi – Vì chúng ta sắp bước vào một cuộc sống kỳ lạ. Một lát sau tôi tiễn nàng về đến tận cổng biệt thự, nàng trở vào còn tôi thì về nhà. Khi về đến nhà, tôi lên gác vào phòng. Rinaldi đang nằm dài trên giường. Cậu ta nhìn tôi. - Chuyện cô Barkley và anh tiến đến đâu rồi? - Chúng tôi là bạn với nhau cơ mà. - Trông cậu như một con chó trong cơn động cỡn. Tôi không hiểu bèn hỏi lại: - Cái gì? Cậu ta giải thích cho tôi rõ: - Cậu đang có cái vẻ thích thú của một con chó khi… - Thôi, nếu không tí nữa cậu sẽ làm tớ mất lòng – Cậu ta cười to lên. - Chào anh, tôi đi ngủ đây. - Thôi, chào em bé. Tôi lấy chiếc gối lật đổ ngọn nến và ngủ trong bóng tối. Rinaldi lượm cây nến thắp lên và tiếp tục đọc sách.