Con đường rộn rập nhất buổi sáng sớm, buổi trưa và buổi tối là những lúc bọn thợ đi làm hoặc ở sở về. Những ngày mùa đông, chưa tới chín giờ, con đường đã vắng tanh, đèn điện không có, chỉ lưa thưa vài ngọn đèn dầu đỏ lừ. Về mùa hạ, bọn thợ cởi trần bắc chõng nằm thành hàng đầy cả con đường, xe tay qua lại rất khó. Gần ngay đầu phố, một khu bãi cỏ rộng bỏ không. Suốt ngày lúc nào cũng có người trong phố ngồi đại tiện, ngổn ngang, ngay giữa trời. Mùi hôi thối nồng nặc bốc vào khắp mọi nhà. Gian nhà bà lý Vọng thuê chỉ kê vừa lọt được hai chiếc giường. Hai cửa. Một cửa đi ra phố, một cửa xuống bếp. ánh mặt giời ít khi vào được trong gian nhà đó. Tôi chưa gặp một người chủ trọ nào tằn tiện như cái bà này. Mỗi người một tháng phải trả sáu đồng tiền cơm, mà bữa nào cũng chỉ vẻn vẹn một miếng cá khô nướng và một đĩa muối vừng đen. Bà ta cũng không nom gì đến việc bếp, đi suốt ngày. Vì bà còn kèm thêm cái nghề bán hàng của các người phu tầu ăn cắp được, như vải, giày, mũ. Mỗi đồng bạc bà được năm xu hoa hồng. Bao giờ kiếm được tiền bà ta ăn nhiều, uống nhiều, rượu rồi phì phèo điếu thuốc lá thở tuôn ra hai lỗ mũi. ở với bà ta được mấy ngày tôi gửi thư về cho ông tôi biết. ông tôi nghĩ rằng tôi đã bịa đặt ra điều đó để tìm cách đi ở chỗ khác. ông tôi nhất định bắt tôi cứ ở lại đó. Chúng tôi ở trọ tất cả có ba người. Cái khổ nhất của chúng tôi là phải làm đủ mọi việc cho bà lý Vọng. Bà ta lấy cớ rằng: Đã gửi cho con bà ta trông nom, bà ta có quyền sai bảo. Quét nhà, chẻ củi, đun bếp, bà ta đều bắt làm cả. Lại một cái khổ nữa là mỗi lần con bà ta phải chép phạt, chúng tôi phải viết hộ. Quần áo con bà ta thay ra chúng tôi phải giặt. Trong ba đứa, tôi bướng bỉnh nhất. Tôi không chịu làm việc nào. Tôi cãi lại bà ta nhiều lần: -Tôi ở trọ mất tiền, không ai sai hạch được tôi. Bà ta mách với con bà ta. Bao nhiêu việc con bà bắt tôi làm cả. Mỗi lần tôi từ chối là một trận đòn. Không còn có ai bênh vực, tôi chỉ biết ngồi khóc. Lại thêm một trận đòn. Hắn vừa đánh vừa hét lên: -Tao đánh cho mày nín mới thôi... Tôi cũng đành phải khuất phục và làm đủ mọi việc như một đứa đầy tớ nhỏ. Gian nhà lá đầy những muỗi kêu vang. ở một góc buồng, một ngọn đèn “phẫn” lớn treo trên một chiếc bàn đầy sách vở, con bà chủ trọ ngồi học. ở góc bàn bên này, nằm dài trên một chiếc phản, ba chúng tôi xúm quanh một ngọn đèn hoa kỳ. Tôi cứ yên lặng, nghĩ lan man, hoặc khóc thầm. Hai đứa kia chăm chỉ học thành tiếng. Bà chủ trọ ngồi dựa lưng vào một góc cột, mờ xóa trong bóng tối. Thỉnh thoảng không có tiếng học, tiếng muỗi lại nghe rõ mồn một, pha với tiếng ngáp kéo dài của bà chủ. Con bà ta lại giục chúng tôi: -Học đi không thì lại rừ xương cả bây giờ. Một hôm buổi tối đã khuya, cũng cái cảnh trên đây diễn lại, con bà chủ cũng giục chúng tôi bằng cái câu trên đây. Nhưng tôi vẫn khinh thường những lời đó. Tôi không chịu học một chữ. Mặc cho những đứa khác học. Tôi vơ vẩn nhìn ra ngoài. Qua một cái lỗ vách thủng tôi ngắm một cái cửa hàng nước tù mù, dưới ngọn đèn dầu tây. Một người mẹ bẩn thỉu xúc cháo cho một đứa con ỏng bụng ăn. Đứa trẻ ăn no rồi mẹ ru ngủ, đặt nó xuống một manh chiếu ở đầu ghế. Thỉnh thoảng lại soi cái đèn sát mặt đứa bé phát những con muỗi đậu trên trán nó. Đứa bé vẫn ngủ yên; mặt nó dưới ánh sáng mờ trông vàng ệch, phát khiếp người. Người mẹ ngồi nhìn cái cửa hàng không có lấy một người khách, rồi cũng thành buồn ngủ, cứ gật đầu luôn. Tôi ngắm nghía đứa bé, nó giở mình, người nó nhích quá ra đầu ghế. Tôi lo nó sẽ bị ngã. Một lúc nó lại cựa thêm một cái. Đầu nó lại lệch thêm ra một tí. Tôi không rời mắt khỏi đứa trẻ. Muỗi đốt đau quá, nó co hai chân giãy, thế là ngã đánh huỵch xuống đất. Tôi ngồi bên này giật mình đánh thót và vô tình kêu lên: “Ngã rồi”. Mọi tiếng học đều im hẳn. Mọi người ngơ ngác nhìn tôi chòng chọc. Tôi cúi gầm mặt. Còn bà chủ hỏi tôi: -Cái gì mà thằng Dần kêu lên thế? Tôi yên lặng. -Cái gì mà đang học lại kêu ngã rồi mà hỏi lại không thèm trả lời? Tôi muốn nói nhưng thấy khó quá, nên lại ngồi yên; hắn đứng dậy đánh tôi liền một lúc tới hai chục chiếc thước kẻ cạnh đồng. Tôi khóc rưng rức. Hết cơn khóc tôi lại tò mò nhìn sang cái cửa hàng. Ngọn đèn đã tắt. Chiếc phên tre đã che kín cửa hàng nước... Tôi thấy cái trận đòn ấy oan ức quá, tôi không còn nén được nỗi uất ức. Sáng sớm hôm sau tôi dậy thực sớm, bỏ buổi học, trốn lánh về nhà. Tôi nói lại cái tàn ác của con bà lý Vọng cho ông tôi biết. Tôi vạch áo cho ông tôi xem những vết đòn còn tím bầm trên người. ông tôi bảo: -Có dễ cái thằng này nó sợ cháu mình học chóng rồi hơn cả nó cho nên nó không bảo ban gì chỉ đánh với chửi... Bà tôi ra vẻ không bằng lòng ông tôi! -Chứ lại gì! Người ta lại muốn cho cháu mình học giỏi, thi đỗ để rồi mà đè đầu người ta à. ông tôi đưa tôi xuống Hải Phòng, nói với bà lý Vọng xin lại sách vở và quần áo. Bà ta cố giữ lại, ông tôi nhất định đưa tôi đi. Bà ta khen tôi để lấy lòng: -Nó mà đi thì tôi tiếc... Thằng cháu học cũng khá. Tấn tới lắm... Nó học cả ngày... Thì ông tính cả ngày chỉ có ăn với học thôi mà. Mặc lòng, ông tôi đã hiểu những cái giả dối ấy, ông tôi nhất định đưa tôi đi. Bước chân ra khỏi cái nhà trọ ấy là một cuộc thoát lá lớn cho tôi. ông tôi đưa tôi đến một chỗ trọ khác. ông chủ mới này làm cai cho một xưởng thợ, có quen ông tôi. ông ta ở với hai người vợ và ba đứa con. ông ta chắn riêng cho tôi khoảng nhà con con kê vừa đủ một chiếc bàn và một chiếc giường nhỏ của chính ông chủ bà chủ cho mượn. Tôi ở đây cũng được dễ chịu. Cơm ăn chung với ông chủ bà chủ. Vợ chồng ông chủ và các con đều nể nang tôi. Bà chủ nhà hiếm hoi, được mỗi đứa con giai. Bà ta ra vẻ sung sướng, chỉ cả ngày vạch quần con ra khoe với tôi: -Đây này, cậu khóa xem đây này... Quý lắm... Tôi nhìn rồi chỉ cười. Tôi chẳng còn băn khoăn lo ngại về nỗi ăn ở. Chỉ còn nghĩ đến học để vào thi. Thêm vào cái chương trình ấy là tối tối ra nơi hò hẹn để gặp cô tình nhân. Tôi học cũng chẳng đến nỗi kém, xuất sắc về pháp văn nên tôi có hy vọng sẽ qua được kỳ thi đó. Người trông mong về tôi nhất chính là ông tôi. Nhưng thực tội nghiệp! Chưa được biết kết quả về sự học của tôi, ông tôi qua đời. Tôi vừa đặt chân tới cổng, cậu tôi đã kêu lên: -Thằng Dần nó đã về kia rồi. Sắp sửa cả ra thôi. Mọi vật đã sẵn sàng cả, chỉ còn chờ tôi về để được nhìn mặt ông tôi lần cuối cùng rồi sẽ chôn cất. Tôi đã biết gian buồng ông tôi vẫn nằm. Tôi đi thẳng tới đó. ông tôi nằm trên giường, quần áo đã thay rồi, mặt phủ một miếng vải màn mỏng trắng. Bên đầu giường bà tôi ngồi sệp dựa lưng một góc cột. Vừa trông thấy tôi, bà tôi khóc òa lên: -ông ơi là ông ơi, cháu ông đã về đây sao ông nỡ bỏ đứa cháu côi mà đi. Từ nay ai săn sóc nó. Bà tôi chưa khóc hết câu, tôi cũng nấc lên khóc theo. Tôi quỳ hẳn xuống đất chống hai tay vào cạnh giường kêu lên: -ông ơi, ông ở lại với cháu. Cháu bồ côi... ông thương lấy cháu. Cùng một lúc đó, bao nhiêu tiếng khóc cất lên. Một người lên tiếng nói to: -Thôi nín, nín cả đi cho người ta làm. Người ta gạt tôi ra ngoài. Bà tôi dắt tôi xê về một bên: -Thôi, hãy đi ra đây cháu... ông mày gần chết cũng dặn dò mãi rằng phải bảo cháu chăm chỉ mà học kẻo rồi người ta lại khinh là một chữ bẻ làm đôi không biết... Bà tôi thở dài rồi lại khẽ khóc: -Thực là đến lúc nhắm mắt còn lo lắng cho cháu. Khi đã chôn cất xong tôi mới được biết ông tôi chết trong một cơn sốt. Trong làng vào đám. Xong tiệc rượu, mọi người họp nhau lại đánh xóc đĩa. Nhưng bất ngờ nửa đêm có quan huyện về. Mọi người bỏ chạy tán loạn, ông tôi đã lội qua một cái ao sâu gần đến cổ mà xuýt nữa cũng bị một người lính cơ bắt được. Cái đêm hôm ấy về nhà thay quần áo xong, ông tôi bị sốt ngay, và mấy ngày sau thì qua đời. Mọi công việc về ông tôi xong, tôi lại ra đi. Ngày tôi ra đi, có đông đủ hết cả mọi người trong hai gia đình nội, ngoại. Hai bà tôi, các chú tôi và các cậu tôi. Bà ngoại tôi giọng buồn buồn nói với tôi: -Đi học đi hành còn ông thì ông trông nom cho. Bây giờ ông chết rồi cháu liệu đấy mà học để sau này kiếm miếng mà nuôi thân. ở quê nhà này cầy sâu cuốc bẫm khổ sở vất vả lắm. Bà nội tôi tiếp lời: -Có thân thì liệu đấy mà lo chứ hai bà già rồi hai bà chết, con thì mỗi người một phận... Chẳng biết hai cậu thì sao chứ còn hai chú thì không còn nhằm xơ múi gì đâu... Chỉ có một mực là ăn vào... Câu nói này khiến chú lớn tôi lên tiếng ngay: -Chúng tao đây xơ xác chẳng có gì! Mày học lắm thì ấm vào thân mày, chúng tao đây ngu dốt. Lời người chú hai: -Mày có kiếm được tiền nghìn bạc vạn thì no thân ấm cật với vợ con chứ ai người ta đã hòng nhờ. Tôi ngồi yên ở một góc nhà, chẳng nói lại một câu gì, rồi đứng dậy cắp gói quần áo ra đi. Lần này tôi lủi thủi ra đi một mình. Nhớ lại cái ngày ông tôi dẫn tôi, có ông có cháu, tôi cảm thấy tôi thiếu thốn một cái gì cho lòng đỡ tủi. Trí óc tôi hoang mang, chẳng có một ý nghĩ gì rõ rệt. Xuống Hải Phòng, đặt chân tới nhà trọ, tôi lại càng thấy tôi cô độc hơn. Bao nhiêu người thân yêu trong gia đình, cô tôi, mẹ tôi, cụ tôi rồi đến ông tôi đều dần dần qua đời. Tôi lo lắng khi nghĩ rằng hai bà tôi cũng đã già và có lẽ cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Tôi cảm thấy một nỗi buồn rất khó nói: Tôi thấy rằng tôi phải gần gũi một ai để bớt thấy nỗi cô độc, phải thì thầm cùng một người nào để tránh được cái buồn trơ trọi trong lòng. Tôi đã thi đỗ Sơ học Pháp Việt. Tôi rời bỏ thành phố Hải Phòng, không vui nhưng cũng không hẳn là buồn, vì tôi tin rằng rồi tôi còn trở lại đó để theo học. Tôi trở về quê nhà, thực là dở dang. Công việc cầy cấy ở nhà quê tôi không biết một tý gì. Bà ngoại tôi, từ ngày ông tôi mất đi cũng thành buồn phiền, chỉ loanh quanh trong nhà, không còn nghĩ tới sự đi chơi đâu. Cả đến công việc đi lễ chùa cũng thành trễ biếng và ngồi rỗi chỉ than phiền về nỗi “cửa nhà vắng vẻ quá”. Tôi trở về ở với bà nội tôi. Gia đình bà nội tôi vẫn trong cảnh túng thiếu. Món nợ tỉnh bà tôi giả mãi vẫn còn đọng lại. Trả hết lãi năm nay, sang năm món lãi lại lên, rồi lãi thành vốn. Ngày nào bà tôi cũng phàn nàn về nỗi hai người con hư. Rất ít khi tôi được thấy bà tôi vui vẻ, cả ngày chỉ thở dài, hai chú tôi chẳng ra vẻ thân mật với tôi. Trong bầu không khí nặng nề của gia đình, tôi sống như một kẻ lạc loài. Bà tôi băn khoăn về nỗi lo lắng việc nhà nên cũng không chăm nom đến tôi. ở nhà được mấy tháng lại có những nhời nói không hay đến tôi. Cứ mỗi lần bà tôi trách móc chú hai tôi, chú tôi lại tìm cách mắng tôi: -Học với hành! Bây giờ ông dở ông, thằng dở thằng. Cầy không biết cuốc không hay. Xem rồi làm gì mà ăn, hay chỉ làm bố người ta. Những lời nói soi mói đó đã làm tôi muốn bỏ nhà ra đi. Cái ý muốn làm một kép hát để đi theo Thúy Nga, kiếm kế nuôi thân lại lởn vởn đến óc tôi. Được ít lâu, tôi gửi đơn lên nha Học Chính xin một chân trợ giáo vùng quê. Người ta đã cho tôi biết là chưa đủ tuổi. Tôi xin bà tôi được hơn hai đồng rồi lại gói quần áo xuống Hải Phòng tìm một việc làm. Hơn hai tuần lễ, tôi nhờ đủ mọi người quen biết tìm hộ một việc làm mỗi tháng độ mươi lăm đồng. Tôi lang thang khắp mọi phố, kéo lê đôi giày An Nam đã mòn gót, mỏi chân lại vào ghế một công viên ngồi nghỉ. Buồn tay nhổ cỏ ở một chân ghế rồi ngắm nhìn những đứa trẻ nằm ngủ ở ngay ghế trước mặt, hai đầu giáp vào nhau... Cứ hết vườn hoa này sang vườn hoa khác, không sao tôi tránh được những công việc buồn nản ấy. Cố gắng mãi mà cũng không có hiệu quả gì. Món tiền của bà tôi cho đã cạn dần. Tôi lại đành trở về quê. Tôi ngỏ ý với bà tôi muốn học thêm. Bà tôi thở dài: -Tiền đâu mà học thêm. Bà cũng chẳng tiếc gì cháu đâu nhưng bây giờ túng quá. Những ruộng của cháu đủ sao được... Bà phải thêm vào cho cháu ít nhiều thì mới đủ trả tiền ăn học chứ. Tôi lại nằm dài ở nhà, mỗi ngày hai bữa đong hai bát gạo gửi cho thím tôi thổi hộ. ăn xong lại thơ thẩn nghĩ ngợi lan man. Nhưng cũng may cho tôi. ông lý Vọng lại thu xếp việc học cho tôi một lần nữa. ông ta tìm hai bà tôi xuống nhà ông ta và nói rằng tôi cũng khá thông minh, có thể theo học được. Rồi ông ta khuyên hai bà tôi nên cố gắng cho tôi đi học thêm. -Tôi là chỗ bạn cũ của ông cụ đã qua đời, ông nói, mà hai bà lại là chỗ dâu gia với nhau nên tôi cũng mới khuyên như vậy, chứ người khác thì tôi cũng chẳng bàn tới làm gì. Nếu hoa lợi không đủ thì ruộng của nó đấy bán đi cho nó ăn học. Sau này nó đi làm rồi nó lại tậu! Hai bà tôi nghe lời ông ta, lại để tôi đi học. Tôi không còn đủ tuổi để vào học ban Cao Đẳng Tiểu Học nhà nước nên đành phải lên Hà Nội để theo học một trường tư. Ngày tôi ra đi, cậu nhớn tôi cho tôi chiếc va-lá gỗ bọc vải vàng. Cậu tôi bảo tôi: -Cháu đi học xa, mà cậu chẳng có gì... Có chiếc va-lá cũ của ông để lại đó, cậu cho mang đi mà dùng. Quần áo sách vở tôi xếp cả vào trong chiếc va-lá ấy; một đứa ở xách cho tôi tới ga. Hai bà tôi gửi tôi cho con giai lớn ông lý Vọng ở Hà Nội. Lại một lần nữa, tôi sa vào một chỗ trọ khổ sở. Ba anh em con ông lý Vọng thuê một cái gác nhỏ ở phố Hàng Bạc, không có trần, thấp tè, sờ thấy mái ngói. Ba người mướn một thằng ở thổi cơm và giặt quần áo. Tất cả những công việc ấy một mình thằng nhỏ làm không xuể. Từ ngày có tôi, tôi lại phải đóng vai phụ thêm với thằng nhỏ. Ba anh em bắt tôi làm suốt ngày. Chẻ củi, giặt quần áo và cứ mỗi khi họ khát lại phải rót nước cho họ uống. Mỗi lần cần đến thức gì, mua giấy, mua bút, hay mua quà vặt như phở, bánh cuốn họ cũng sai tôi. Chẳng bao lâu, tôi không chịu làm nữa, việc gì tôi cũng bỏ mặc cho thằng nhỏ. Một buổi sáng, người anh cả sai tôi xách bô nước giải đi đổ, tôi không chịu làm. Hắn lấy một thanh củi đánh tôi; tôi cũng lấy thanh củi đánh lại, rồi xách chiếc va-lá gỗ ra đi. Tôi lang thang khắp phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, nhà nào cũng vào xin ở trọ, vào cả cửa hàng tây đen bán vải. Họ cười và từ chối. Tôi lần mò tới một cái đền ở phố Hàng Đậu. Cái đền khá rộng, có đền ngoài đền trong, có cả sân trước sân sau và vườn giồng cây. Bà chủ đền là một bà lão ngoài bốn mươi tuổi, người trắng trẻo, nhu mì. Tôi được biết rằng bà ta không có con giai, chỉ có một người con gái, gả chồng cho con rồi bà đi ở đền. Tôi đến xin ở trọ, bà ta cười bảo tôi: -Cậu muốn ở trọ thì phải tìm đến một hàng cơm nào chứ ở đền ăn khem khổ lắm. -Thưa cụ, khem khổ thế nào cháu cũng chịu được, cháu ở nhà quê đã quen rồi. Cứ miễn là không ai đánh mắng cháu. Bà đồng vẫn lưỡng lự, tôi lại cố nằn nì: -Cụ thương cháu! ở Hà Nội cháu chẳng quen ai. Cháu bồ côi, bồ cút, hai bà cháu cho cháu lên đây để đi học. Nghe tôi nói vậy, bà đồng nhận lời ngay và ngay lúc đó tôi gửi bà ta chiếc va lá rồi ở lại ngay đấy. Tôi đoán chừng khi còn trẻ, bà đồng phải là người con gái có nhan sắc. Bà có một nước da rất trắng, cười tươi và ăn nói rất nhẹ nhõm. Những lúc bà ngồi hầu bóng, ăn mặc những cặp áo đắt tiền và phấn sáp vào trông bà không khác một thiếu nữ còn ít tuổi. Không bao giờ bà hầu bóng mà tôi lại không có đó. Cái vai bà hay hầu luôn là vai “cô chín Thượng Ngàn”. Cái lúc hầu vai này, phải qua suối, mà bà múa hai tay rồi cầm chiếc roi song, theo điệu hát “bắt cái hồ khoan” của người cung văn mà bơi chèo, người mềm mại, hai chân du lên du xuống thì tôi tưởng không mấy người đã đẹp bằng bà. Trông bà lúc ấy có một vẻ kiều diễm làm người xem có thể say mê được. ở đền này rất ít người, trừ bà đồng chỉ có thêm một chú tiểu chừng mười một, mười hai tuổi để thắp hương. Tôi ở đây chỉ khổ về một nỗi là thiếu nước. Cứ buổi trưa ngoài phố quang quang(°) tôi lại mang quần áo ra cái máy nước ở đầu phố để giặt. Có khi tôi mặc một chiếc quần đùi rồi tắm ngay ở máy nước. Ngày tôi lên Hà Nội học, tôi theo học một lớp chẳng có chương trình rõ rệt mà người ta thường thấy ở các trường tư: Lớp Pháp Văn và Toán Pháp (Cours de Francaiạ et Mathématiques). Mỗi ngày tôi đi học có ba giờ. Còn cả ngày tôi quanh quẩn ở nhà. Bà đồng thấy vậy khen tôi là ngoan ngoãn. Bà đã hỏi tôi: -Này, tôi nói thật. Thế bây giờ tôi muốn nuôi cậu làm con nuôi thì cậu có ở không? Tôi chẳng trả lời sao. Bà ta lại hỏi: -Thế nào? Có bằng lòng hay không thì nói đi chứ. Sao lại rụt rè như con gái thế? Thấy bà đồng ngỏ ý ấy, tôi cũng thấy vui vui. Thực là lạ quá! Tôi đâu còn là đứa trẻ bé bỏng nữa! Vậy mà tôi còn nghĩ rằng nếu có ai để thỉnh thoảng gọi bằng “u” thì hẳn là thú lắm. -U ơi, con mệt quá! -U ơi, con xin phép đi chơi. -U ơi, con rét lắm. Cái tiếng u mới dịu dàng, ngọt ngào làm sao. Cái tiếng u mới an ủi lòng người làm sao! Cái tiếng ấy đọc lên tôi thấy vang lên tất cả một lòng thương yêu không có gì sánh kịp. Bạn nào đã sống trong cảnh gia đình đầy đủ, có cha mẹ, có anh em sum họp, thì có lẽ cái tiếng đó nói đến luôn đã thành một thói quen, hẳn các bạn không còn cảm thấy hết được những cái rạo rực khi đọc lên tiếng ấy. Chỉ có ai như tôi đã thiếu thốn cái tình yêu ấp ủ của người mẹ ngay từ khi mới chớm nhớn thì mỗi khi nhắc nhỏm đến cái tiếng u đó mới thấy nó chứa chấp những thi vị khó tả. Gần suốt đời không được dùng tới nó mà lại hiểu được cái thi vị của nó đến như vậy thì thực đau khổ biết bao. Các bạn hãy để hết tâm hồn mà lắng tai nghe tiếng một con chim non khi mẹ bay về tổ, hay tiếng một con gà chưa đủ cánh khi trông thấy mẹ! Các bạn hãy ngắm nhìn và để ý đến tiếng một con mèo con khi nó rúc rúc đầu vào sườn hay giữa hai chân mẹ nó. Bao nhiêu cái êm dịu, bao nhiêu cái trìu mến của những âm thanh đó. Phải cảm rõ thấy điều ấy thì mới biết được lòng một đứa trẻ thiếu mẹ mà còn có dịp gọi to lên: “U ơi...”. Cái cảm giác ấy tôi còn giữ tròn vẹn được cho tới ngày nay; và ngay bây giờ tôi hãy còn thấy trong lòng nao nao, mỗi khi tôi phải đọc đến một tiếng để chỉ người mẹ. Dù là tiếng của nước nào tôi cũng tìm thấy trong những vần điệu một cái gì dìu dịu như sự vuốt ve của người mẹ trẻ vậy. Mẹ ơi! Đẻ ơi! Mợ ơi! U ơi... hay “mère”, “mother”, cũng đều như vậy cả. Khi bà đồng ngỏ ý muốn nuôi tôi làm con, tôi thấy vui vui sẽ có một người để mà thỉnh thoảng dùng đến cái tiếng âu yếm: u hay mợ... Nhưng tôi vẫn còn phân vân. Tôi thẹn thùng quá vội chạy trốn xa. Từ hôm đó, bà đồng đối đãi với tôi một cách khác hẳn trước. Có thức gì ăn hễ tôi vắng nhà là để phần cho tôi. Cứ tôi về tới nhà bà đã giục tôi: -Để phần thức ăn ở chạn ấy, lấy mà ăn. Bà ta đã bỏ hẳn tiếng “cậu” và nói với tôi bà chỉ nói trống không như vậy, bà vẫn còn chưa dám dùng tới tiếng con. Nhưng được độ ba hay bốn tháng thì tôi từ giã bà đồng. Mà chỉ bởi một câu chuyện rất trẻ con đối với cái tuổi tôi lúc bấy giờ. Tôi phải thú thực rằng tôi hãy còn xấu hổ khi nhớ lại cái việc dưới đây: Một ngày rằm, đền lại có hội dâng sao. Người ta cúng mãi đến hơn chín giờ tối, quên hẳn cả bữa cơm chiều của tôi, thường ăn vào lúc năm giờ. Cái tính tôi lại háu đói. Tôi đã bạo dạn lẻn sau ban thờ lấy ngay một đĩa chè kho và một đĩa xôi, ăn no rồi lại để giả hai chiếc đĩa lên ban thờ rồi trốn đi chơi. ở nhà bà đồng đã biết rõ hết cả. Khi tôi trở về bà hỏi tôi, tôi nhất định chối, nhưng mặt tôi cứ đỏ bừng lên. Mấy ngày sau, tôi vẫn chưa quên được nỗi xấu hổ đó, tôi nói với bà đồng xin đi trọ chỗ khác lấy cớ là ở chỗ cửa đền không tiện cho việc học. Bà ta đã hiểu ý, dỗ dành tôi: -Cứ ở lại đây với tôi cho vui. Không ai cười. Cậu còn ít tuổi, tôi coi như con cháu trong nhà ấy mà. Tôi nhất định không ở lại. Tôi còn nhớ rõ khi tôi xách chiếc va-lá ra đi, bà đồng còn nói thầm một mình: -Nghĩ cũng tiếc thằng bé trông khôi ngô đấy chứ. Tôi thẹn thùng lẳng lặng đi. Lại một năm học bỏ phí. Cuối năm ấy tôi thi vào lớp sư phạm. Và cái kết quả của cả một năm học là: Trượt. Ba tháng hè ở nhà quê với hai bà tôi đã khiến tôi thấu rõ nỗi túng bấn, sa sút của cả đôi bên gia đình nội ngoại. Các chú tôi vẫn uống rượu, vẫn rút bất, món nợ ở tỉnh bà tôi vẫn chưa trả hết. Và bà ngoại tôi đã quá yếu, không còn đủ sức để buôn bán. Hai cậu tôi cũng không được dư dật đồng tiền. Cậu lớn tôi ra làm Chánh Hội. Khao vọng mất mấy trăm đồng, đeo một món nợ. Cậu hai tôi thua mấy canh xóc đĩa phải bán mất gần hai mẫu ruộng. Bà ngoại tôi cũng như bà nội tôi phải nghĩ đến cách thu vén cho hai người con. Tằn tiện, cho vay được đồng lời nào lại phải bù đậy cho hai cậu tôi. Nào nghĩ đến cách trả nợ cho cậu lớn, nào tìm cách chuộc ruộng cho cậu hai tôi. Dù ở với cậu tôi, chú tôi hay hai bà tôi, tôi đều nhận thấy rõ rằng tôi cần phải tự tìm cách mà nuôi lấy thân mình. Sự túng thiếu trong gia đình đã khiến cho mọi người sinh ra ích kỷ. Các chú tôi cũng như các cậu tôi tranh giành nhau từng thước đất, tỵ nạnh nhau từng món tiền con con của hai bà tôi bỏ ra cấp đỡ. Sự tranh dành ấy càng làm tôi thấy rõ rằng tôi chỉ có một mình và nếu hai bà tôi qua đời đi tôi sẽ là kẻ không nơi nương tựa Tuy có túng bấn nhưng hai bà tôi vẫn cố gắng nuôi cho tôi đi học. Hết hè năm ấy, tôi lại lên Hà Nội để vào theo học năm thứ nhất ban Cao Đẳng Tiểu Học. Tôi bắt đầu hết sức tằn tiện. Tôi tìm một chỗ trọ hẻo lánh, rẻ tiền và nhất quyết chỉ nghĩ đến việc học. Nhớ lại tất cả những năm đã qua, từ khi tôi mới nhớn lên, tôi thấy tôi đã hư hỏng nhiều bởi không có ai trông nom tôi và tôi đã bỏ phí bao nhiêu ngày giờ, tôi tự hứa với chính tôi sẽ tự sửa lấy mình và tự giáo dục lấy mình. Suốt năm đó, tôi có thể nói được rằng tôi đã không bỏ phí một giờ học nào. Về toán pháp tôi vẫn kém, nhưng về pháp văn tôi tấn tới rất nhiều. ông giáo T. đã để ý tới tôi. Hết năm thứ nhất, lên năm thứ nhìn tôi vẫn ra công chăm chỉ như vậy. Cái ý định cố học để tìm lấy một nghề tôi vẫn không quên. Nhưng lại một sự không may xảy ra cho tôi. Giữa một buổi học, người tùy phái mang vào lớp giao cho tôi một lá thư. Ngoài bì đề tên tôi, chữ ngoằng ngoèo, tôi lấy làm lạ. Tôi định giở ra xem, ông giáo mắng tôi: -Chốc nữa ra ngoài anh hãy xem thư. Cả buổi học ấy, tôi chẳng nghĩ gì đến bài vở chỉ bộn rộn về lá thư. Khi tan học, ra phố tôi bóc lá thư mới biết là lá thư của bà nội tôi gửi lên. Hình như là chữ của chú hai tôi. Lá thư ngắn ngủi, tôi còn nhớ như dưới đây: Cháu Dần ạ, Bà cũng chẳng muốn thế, nhưng vì bây giờ chú hai cháu lại ra làm thủ quỹ nên bà túng quá. Vừa mới trả xong món nợ ở tỉnh thì lại phải lo đến cái việc này của chú hai cháu. Thôi thì bà cũng cố để cho chú cháu gọi là gánh vác với làng một tý. Đất nhà ta đời nào cũng có người làm nên ông nọ bà kia trong làng, chả lẽ đến đời các chú cháu lại không có ai ra làm gì, rồi thì làng người ta cười bà không biết gây dựng cho con. Người ta thì bảo bán cháu nuôi con chứ chẳng ai bảo bán con nuôi cháu, nhưng bà chẳng có bụng dạ nào như thế. Bà cũng muốn cho cháu ăn học để đỗ đạt lên một tý nhưng bây giờ chú cháu lại ra làm công làm việc, tiền trong nhà không có, bà lại phải đi vay. Bây giờ thì thực một xu dính túi bà cũng không còn. Bà ngoại cháu cũng có lòng với cháu đấy, nhưng bây giờ đã túng bấn nhiều, một mình bà cụ thì chả cáng được cho cháu ăn học. Vậy thì cháu thu xếp mà về. Chúc cháu mạnh khỏe thì bà mừng, còn về phần bà ở nhà thì bình an vô sự cả.” Đọc xong lá thư, trên con đường về nhà tôi thấy buồn quá, hai mắt dơm dớm nước mắt. Bữa cơm hôm ấy tôi chỉ ăn có vực bát. Tôi bảo với mọi người là bị sốt, kéo chiếc chăn phủ kín cả người rồi nằm sụt sịt khóc dưới tầng chăn. Tôi nghỉ học hai ngày liền. Ngày thứ ba, tôi tới trường để xin thôi học. Lúc bước chân tới buồng giấy tôi không gặp ông đốc N. nhưng gặp ông giáo T. ở đó. ông hỏi tôi ngay: -Sao hai ngày nay anh nghỉ học? -Thưa thầy con đến xin thôi học. ông T. hỏi tôi vì lẽ gì, tôi lưỡng lự mãi rồi mới mang hết chuyện nhà ra nói. ông nhìn tôi bằng con mắt thương hại: -Anh cứ yên tâm. Anh học cũng khá. Thấy nói thôi tôi cũng tiếc. Tôi sẽ xin miễn học phí hộ anh. Nếu ông đốc không bằng lòng cho, tôi sẽ giả giúp anh món tiền học. Tôi cảm động nước mắt giàn giụa, lau không kịp. Tôi ra về được hai ngày, có thư của nhà trường gửi tới bảo tôi tới trường. Tôi tới bàn giấy, ông đốc N. bảo tôi: -ông giáo T. có nói với tôi xin miễn học phí hộ anh. Tôi cũng bằng lòng. Thực là một sự hy sinh lớn cho tôi. Vì nhà trường cũng ít học trò. Nhưng tôi muốn nhờ anh buổi trưa anh lại đây viết hộ ít sổ sách. Một người thư ký làm không hết việc mà mượn thêm người nữa thì nhà trường không có sẵn tiền. Tôi ưng thuận ngay. Xong được khoản tiền học. Nhưng còn món tiền cơm? Đã hơn hai tháng tôi chưa trả tiền bà chủ trọ. Hôm nào cũng vậy, cứ đến bữa cơm bà ta mới đòi tiền. Trước mặt mấy người cùng ở với tôi, bà ta không nể lời: -Thế nào, cậu Dần cho xin tiền ăn đi chứ. Lãi lờ gì! Mà cậu để lâu thế. Đi vay lãi đong gạo cũng quá tội... Bà ta còn có những câu cay độc, làm tôi khổ tâm hơn thế nữa. Nhưng bao giờ tôi cũng trả lời: -Bà hãy cho thong thả. Nhà chưa gửi lên. Tôi vẫn giữ không cho ai biết cái tin không hay của tôi. Cả ngày tôi bận rộn về cách kiếm tiền. Đến lớp học, tôi ngớ ngẩn, không để ý đến những nhời giảng. Một buổi học, tôi vừa ở lớp bước ra, gặp ngay ông giáo Nhiên. ông hỏi tôi: -Anh có muốn xin đi dạy học tối không? -Thưa thày có. Thày giới thiệu hộ. Rồi ông hẹn tôi ngay buổi tối hôm ấy đến nhà ông, để ông đưa đi. ông Nhiên dạy tôi học từ năm thứ nhất. Người ông to béo, đẫy đà, cổ ngắn. Đi đứng khó nhọc, nặng nề. Học trò đã đặt cho ông một cái biệt hiệu rất thô bỉ là “Con lợn ỷ”. Có nhiều anh lại gọi ông bằng tiếng ỷ cộc lốc: -ấy ỷ đã đến. -ỷ kia rồi, chúng mày. ông giáo Nhiên có một chiếc cặp da, bao giờ cũng no nê vì sách vở nhét đầy. Có anh ranh mãnh chế ông: -Bao nhiêu cái biết của ỷ là ở trong cái cặp ấy. óc ỷ rất rỗng. Vứt cái cặp ấy đi, ỷ ta không có cám xơi ngay! Trong lớp tất cả có sáu ông giáo, có lẽ học trò ghét nhất ông Nhiên. Vì ông quê mùa quá, bao giờ cũng súng sính trong chiếc áo the, và lệt đệt đôi giày An Nam. ông rất ghét những người vận âu phục. ông gọi là “cái bọn áo cánh”. ông dạy không giỏi, lại hay gắt gỏng. Một đôi khi ông cũng cố pha trò để lấy lòng học trò, nhưng chỉ khiến học trò thêm ghét. ông có những câu pha trò rất vô duyên và thô bỉ. ông dạy vế quốc văn mà đầu bài ông ra thì thường là những đầu bài sáo: Tả một ngày mưa, tả ông anh, tả con trâu, anh hãy so sánh con trâu với con bò. Đầu bài của ông ra để làm luận phần nhiều chỉ có thế. Cái lần ông ra đầu bài “Tả con trâu” đã có anh tinh nghịch nói to cả lớp nghe tiếng: -Tả con trâu hay là tả con ỷ tùy các anh. Cả lớp cười vang. ông không hiểu gì chỉ ngồi yên, giả vờ như không nghe tiếng. Những bài quốc văn của ông ra cho học trò để dịch ra pháp văn, không có chút gì là văn chương. Lớp học của ông là một cái chợ vỡ. ông giảng, ông nghe. Còn học trò xúm nhau lại chuyện, hay đánh cờ ô. ông chẳng yêu một người học trò nào. Tôi cũng chẳng có cảm tình riêng gì với ông nhưng trong lớp tôi là người ít nô đùa. Chắc vì lẽ đó nên ông đã nghĩ đến tôi, khi có người nhờ ông tìm hộ một người dạy học trong nhà. Tối hôm ấy, ông đưa tôi đến nhà ông tham Đanh và giới thiệu: -Đây là anh Dần, người học trò ngoan nhất lớp. Bác nhận giúp anh ta. ông Đanh chưa già, bộ mặt có vẻ hiền lành nhã nhặn. Mới trông thấy ông tôi cũng có chút lòng mến. ông bảo tôi: -Tôi có mấy đứa trẻ, đứa học lớp nhì, đứa học lớp ba. Chúng nó đi học nhà trường cả. Tối về anh giảng bài qua lại hộ. Và lúc nào rỗi, anh viết hộ tôi ít giấy má ở sở mang về. Lúc đó tôi mới hiểu rằng không những dạy học, lại còn phải làm thư ký riêng cho ông Đanh nữa. Thấy tôi có vẻ ngại, ông vội nói tiếp: -Giấy má không có gì. Dễ dàng lắm. Mỗi ngày chỉ viết độ nửa giờ là đủ. Rồi bằng một giọng thân mật, ông nói đến cách trả lại công khó nhọc tôi sẽ làm cho ông: -Muốn tiện việc cả, anh ở đây với tôi. Quần áo tôi may cho. Cần mua sách vở tôi sẽ đưa tiền. Thứ năm chủ nhật đi xem chớp bóng. ông giáo Nhiên lấy làm đắc ý về những điều kiện đó, khuyên tôi: -Anh cứ nhận đi. ở đây vừa sạch sẽ, mát mẻ, lại ăn uống cũng dễ chịu hơn là ở các nhà trọ. ông Đanh thêm: -Tôi sẽ coi anh như người nhà. Và anh coi các đứa bé như em anh. Im lặng một lúc lâu như để dò la ý tôi, ông Đanh lại nói: -Thế anh ở đây với tôi nhé? Tôi nhận nhời. Lúc ra về, ông Nhiên còn ân cần dặn tôi: -Anh ở đây nên ngoan ngoãn, lễ phép và chịu khó, còn mong về sau học khá lên ông ta sẽ giúp. ông Nhiên tưởng tôi ngờ vực nhời ông nói, vội vàng đứng đắn bảo: -ông ấy tốt đáo để đấy. Về nhà trọ, tôi sửa soạn để dọn lại nhà ông Đanh. Nhưng lại một điều cản trở là món tiền cơm tôi còn chịu lại. Chẳng còn biết vay mượn vào đâu, tôi đành liều trở về quê xin hai bà tôi. Nỗi túng bấn của hai bà tôi vẫn chưa qua được. Bà ngoại tôi không có một đồng nào cho tôi. Hôm tôi đi, món tiền bà nội tôi đi vay mãi mới có. Tôi cắp chiếc cặp da cũ đi trước. Bà tôi lẽo đẽo theo sau, đưa tôi ra tận bến đò. Vừa đi bà tôi vừa thủ thỉ bảo tôi: -Cháu cố liệu mà học hành. Bà mà chết đi thì chẳng còn nhờ vào ai được đâu. Một thân một mình. Đến ngay bà còn sống đây, cũng còn phải vun đắp cho các chú nữa là còn hòng các chú ấy vun đắp cho cháu. Thằng bé ra làm công làm việc trong làng, thằng lớn ganh tỵ, bới xấu nhau, bà lại phải lo cho thằng lớn chức quan viên rồi cho ông ấy mấy sào ruộng. Già gần hấp hé miệng lỗ mà vẫn chưa chót đời. Lo lắng cho con thực đủ cả mọi đường mà vẫn mang tiếng là mẹ không tốt... Cái thằng chú lớn đi đâu nó vẫn bảo bà thiên vị đấy... Tôi nghe những câu ấy của bà tôi, tôi thấy lòng buồn như lúc xa nhà, giữa đường nghe cái tiếng ngân của tiếng phèng trong đám ma. Tôi đánh bạo bảo bà tôi: -Thì bà cứ kệ các chú ấy, có được không, việc gì mà cứ phải lo lắng mãi. Ai cũng đã có vợ có con rồi, đã ra ở riêng rồi thì có thân phải lo chứ! -Nói như mày ấy! Nếu thế được thì còn nói chuyện gì! Để cho làng nước người ta cười cho ấy. Con dại cái mang! Nó hết ăn thì bồi đắp cho nó, nó suy đồi thì mắng chửi bảo ban nó, chứ mặc kệ đấy sao được! -Thế còn cháu? Đi học đi hành mà thiếu thốn bao nhiêu cái. Bà tôi thở dài: -Khó nhọc lúc này rồi mát mặt lúc khác cháu ạ. Trời không phụ những người có công, chịu thương chịu khó. Bao giờ bà trả xong món nợ này các việc chú lớn chú hai xong xuôi cả rồi bà cũng phải nghĩ đến việc gây dựng cho cháu. Rồi cũng phải lo vợ lo con làm cửa làm nhà cho cháu chứ có dễ cứ đi mãi thế này sao! Giá nàng dâu, mà khôn ngoan thì bà đã chẳng vất vả. Nhưng mà hai bà thím ấy còn lo toan được việc gì! Câu chuyện đáng buồn này, hai bà cháu tôi nói với nhau cho tới khi tôi đã bước chân xuống đò mà bà tôi vẫn chưa muốn ngừng. Khi người lái đò quay mũi thuyền, bà tôi đứng trên bờ sụt sùi khóc tựa như tôi khởi hành đi một nơi xa lạ nào và chừng sáu bảy năm mới lại trở về. Lên Hà Nội, tôi thu xếp dọn ngay tới nhà ông Đanh. Làm thư ký riêng cho nhà trường, cho ông Đanh, lại đứng một vai cậu giáo rồi lại phải theo học cho đủ chương trình nhà trường, tôi thấy vất vả quá. Nhưng tôi hân hoan nhận lấy sự vất vả ấy vì ít ra nó cũng giúp được tôi thoát khỏi cái cảnh sống nhờ. Tôi sung sướng đặt chân vào cảnh sống mới này. Hết