Dịch và bình chú : Thu Giang Nguyễn Duy Cần
TỔNG BÌNH

Về quan niệm Đạo và Đức thì Trang tử và Lão tử đồng với nhau. Nhưng về quan niệm hạnh phúc, thì Trang tử giản minh một cách rõ ràng khúc chiết hơn trong thiên Tiêu Diêu Du này.
Trang tử cho rằng tất cả muôn vật, vật nào cũng có cái Đức của nó, do cái Đạo nơi mình mà phát huy ra. Chữ Đức ở đây không có cái nghĩa thông thường về luân lý như phái Nho gia đã dùng, mà nó dùng để ám chỉ cái Tánh tự nhiên của mỗi vật, tức là chỗ mà Lão tử gọi là" kiến Tố" và Nhà Phật gọi là " kiến Tánh"." Tánh tự nhiên" đây, tức là chỗ mà Quách Tượng bảo " bất đắc bất nhiên"(không vậy không được), nghĩa là cái" bất đắc dĩ" của mọi sự mọi vật… như lửa không thể không nóng, giá không thể không lạnh. Cái động tác của Đức rất tự nhiên, không cố cưỡng, nên gọi nó là " Vô vi".
Nếu biết thuận theo tánh tự nhiên ấy mà sống, thì hạnh phúc có ngay liền trước mắt, không cần cầu cạnh đâu khác ngoài mình.
Tiêu- diêu, là "tự do tự tại", là " tự do sống theo cái sống tự nhiên của mình" mà không phải mô phỏng theo ai khác, đèo bòng tham muốn cái ngoài Tánh Phận của mình. Tiêu Diêu Du, là rong chơi vui thích theo ý mình, vì đã biết" thích kỷ tự an", chứ không như người đời " xá ký thích nhơn"[ii], điều mà Trang tử rất cực lực phản đối ở thiên Đại- Tông- Sư[iii].
Như vậy, ta thấy rằng, cái Tự Do mà Trang tử đề xướng là một thứ tự do tuyệt đối, không lệ thuộc vào một điều kiện nào ngoài cái Bản Tánh của mình cả. Sống theo mình là Tự Do, là Hạnh phúc; sống theo kẻ khác, là Nô lệ, là Đau khổ.
I. Lớn và Nhỏ không thường:
Nghĩa là cái Lớn cái Nhỏ không phải là điều tuyệt đối, bất biến, mà thực ra, là một lẽ tương đối: lớn hơn cái nhỏ, nhỏ hơn cái lớn. Lớn và Nhỏ đều là những lẽ vô thường.
Như cá Côn, vốn là một thứ cá nhỏ mà Trang tử cho nó là một giống cá lớn không biết mấy nghìn dặm; chim Bằng, vốn là chim Phụng, cũng đâu phải là một vật cực đại, thế mà Trang tử lại cho nó là một vật cực đại, có cái lưng lớn không biết mấy nghìn dặm, còn cánh của nó thì như vầng mây che khuất một phương trời. Đó là chỗ dụng ý đặc biệt của Trang tử dùng một bút pháp cực kỳ huyễn tướng, biến hóa bất thường để chỉ rõ sự vô thường của cái Lớn và cái Nhỏ. Đó là chỗ mà ở thiên Thu- Thủy nói:" lấy chỗ bất tề mà xem, thì sẽ thấy vật nào cũng lớn cả(đối với vật nhỏ hơn nó) và vật nào cũng nhỏ cả(đối với vật lớn hơn nó); biết Trời Đất như một hột thóc, biết mảy lông là hòn núi." Như vậy, thì Nhỏ sao lại thường chẳng Lớn, mà lớn sao lại thường chẳng nhỏ được. Nhận thấy cái chỗ nhỏ của mình, mà ham muốn đèo bòng mãi cái phận ngoài mình, sao bằng nhận thấy chỗ lớn của mình và cho nó là đủ để mà" thích kỷ tự an"? biết rõ được lẽ ấy, thì sẽ bỏ được cái lòng tham- dục của sự phân biệt trong ngoài, bỏ được cái lòng tham muốn những gì ngoài mình và không tùng mình nữa[iv].
II. Lớn, thì hợp với chỗ lớn, nên không thấy mình là lớn;
Nhỏ, thì hợp với chỗ Nhỏ, nên không thấy mình là nhỏ.
Tức như chim Bằng, một con vật rất lớn, tất phải dời sang biển Nam, bay lên cao chín muôn dặm và bay trọn sáu tháng trường không nghỉ… Trang tử đã nói:: Nước không sâu thì không sức chở thuyền lớn, đổ một chung nước xuống cái hố nhỏ, lấy một cộng cỏ mà làm thuyền thả lên thì thuyền tự nổi, nếu lại lấy cái chung nước ấy mà thả lên làm thuyền, thì thuyền ấy phải mắc cạn. Là tại sao? Tại nước không sâu, mà thuyền thì lớn. Lớp gió không dày, thì không sức chở nổi cánh lớn của chim Bằng."
Quách tử Huyền luận về điểm nầy có nói:" Nếu không phải là minh hải thì không đủ chỗ cho thân con cá Côn day trở, nếu không có chín muôn dặm cao thì sao đủ chở cái cánh to tướng của chim Bằng. Há phải đó vì hiếu kỳ mà vẽ cho ra chuyện thêm đâu! Hễ vật lớn, phải sanh ra nơi chỗ lớn, và chỗ lớn tất nhiên cũng sanh ra nơi chỗ lớn, và chỗ lớn tất nhiên cũng sanh ra vật lớn đó. Lý cố tự nhiên, đâu phải cần lo cho nó không được như vậy!" ông lại nói: "Cánh lớn nên khó cử động trong chỗ hẹp, cho nên phải vượt trên chín muôn dặm cao, mới có đủ chỗ mà cử động. Đã có cánh ấy mà lại quyết ở dưới thấp, hay bay lên vài chục thước cao như con chim cưu, có được không? Đó đều là chỗ" bất đắc bất nhiên"(không vậy không đặng), chứ đâu phải vui sướng gì mà làm ra như thế đâu!"
Vậy, lớn thì thuận theo chỗ lớn, không tự xem là lớn mà sinh kiêu; nhỏ thì thuận theo chỗ nhỏ, không tự xem là nhỏ mà đèo bòng ham muốn, như " con chim cưu… bay vụt lên du cây phương, dù bay không tới thì rơi xuống đất" đâu cần phải ham muốn cái rộng lớn của chim Bằng. Nghĩa thật rõ ràng!
Quách- Tử- Huyền nói: "Nếu biết đủ với tánh phận của mình, thì tuy mình lớn như chim Bằng, cũng không tự cho là lớn mà cho mình quý hơn chim nhỏ kia, mà con chim nhỏ kia cũng không cho mình là nhỏ mà ham muốn bay đến Ao Trời(thiên- trì) làm gì. Nên chỉ nói đến cái Vinh của chim Bằng, hay nói đến cái thèm muốn của con chim nhỏ(để kịp với chim Bằng) đều là nói thừa cả. Lớn, Nhỏ, tuy khác nhau, nhưng tâm trạng tiêu- du(nghĩa là tự do) vẫn một.
Tóm lại, chim Bằng ở thiên trì, thì chính cũng như chim cưu ở cây du, cây phương…" đâu vừa với đó". Chim bằng, không tự xem mình là lớn, chim cưu không tự xem mình là nhỏ, nên lớn không kiêu với nhỏ, nhỏ không đèo bòng ham muốn cái lớn. Tham dục nhờ đó, tự nhiên không còn nữa. Tham dục mà không còn có nữa, thì hạnh phúc có ngay liền đó, vì hạnh phúc là sống được cái sống của mình, sống toại sinh trong cái tự tánh của mình vậy.
III. Thọ và Yếu:
Điều mong ước lớn nhất của người đời, là được sống lâu. Cho nên mới cho cái sống bảy tám trăm năm của Bành Tổ là thọ, mà ao ước, thèm thuồng! Là tại sao? Là tại cái số kiếp của con người, chỉ trăm năm là hạn, nên mới đèo bòng ham muốn sống được như Bành Tổ và cho đó là thọ. Giả sử mà ai ai cũng đều sống được như Bành Tổ, thì cái khoảng bảy trăm năm lại sẽ không còn đủ cho là thọ nữa. Như ta đã thấy, lòng ham muốn con người sở dĩ có, là khi nào không biết an theo số phận của mình mà đem tâm đeo đuổi theo số phận của những vật ngoài mình và khác mình.
Thật vậy, vì không ai sống đến được cái tuổi của Bành Tổ, nên mới cho cái sống ấy là thọ mà thèm muốn. Bành Tổ, trái lại, nếu cũng bắt chước như ta mà không biết an với Tánh Phận của mình là sống bảy trăm năm, lại đèo bòng muốn sống được cái sống của cây minh linh thì tất cũng cho cái hạn bảy trăm năm của mình không đủ cho là thọ, mà sống được như cây minh linh mới là thọ. Cây minh linh, nếu lại bắt chước Bành Tổ, không tự xem mình là thọ, lại đèo bòng ham muốn sống theo cái sống của cây đại xuân; cây đại xuân lại muốn sống được như cái sống của Trời Đất…thì ra vật nào cũng không thọ cả, mà vật nào cũng đều yểu cả! Cho nên nói rằng, nếu cứ tham muốn sống ngoài cái tánh phần của mình, thì cái sống của Bành Tổ đối với cây đại xuân, không khác nào" cái sống của đứa trẻ chết trong nôi" vậy.
Nếu lấy cái sống trăm năm là hạn của ta làm mực thước, thì con ve sầu mùa xuân sanh, mùa hạ chết, tai nấm mai sớm nở tối tàn… đều là vật yểu cả! Cái sống một mùa của con ve sầu, và cái sống có một buổi của tai nấm mai, đối với ta tuy chỉ là cái sống trong khoảng khắc rất ngắn ngủi, mà đối với nó, vẫn cũng là một kiếp sống, như một kiếp sống trăm năm của ta vậy. Đối với con người, được sống trăm năm là thọ; thì đối với tai nấm mai, sống được một buổi cũng là thọ, mà đối với con ve sầu, sống được một mùa, đều là thọ cả: chúng nó được sống đến cái mức cùng của kiếp sống của chúng. Còn như cây đại xuân sống một xuân là tám nghìn năm, một thu là tám nghìn năm, giá như nó chỉ sống được có bốn mùa, nghĩa là ba muôn hai nghìn năm, thì đối với ta, sao không cho đó là thọ được, nhưng đối với cái kiếp sống của nó thì nó chỉ sống được có một tuổi mà thôi, nghĩa là chỉ sống được có bốn mùa; sống được tám nghìn năm, phải chăng đối với ta, là rất thọ, nhưng đối với chính cây đại xuân, thì nó chỉ sống được có một mùa mà thôi, sống rất yểu vậy!
Thế thì căn cứ vào sự dài ngắn của thời gian không thể được xem là thọ hay yểu. Chẳng qua như vật lớn ở chỗ lớn, vật nhỏ ở chỗ nhỏ. Vậy, thọ, yểu cũng như lớn, nhỏ chỉ là một danh từ đối đãi, tự nó không có nghĩa gì là thật cả, thật một cách tuyệt đối. Không nhìn ra ngoài, mà chỉ nhìn vào trong, nghĩa là mỗi vật, nếu biết "các an kỳ phận", "thích kỷ tự an", thì vấn đề lớn nhỏ, thọ yểu sẽ không còn thành vấn đề làm cho lòng mình thắc mắc nữa.
IV. Huyền nghĩa của Tiêu- Diêu:
Mỗi vật, nếu đều biết tự đủ với cái tánh phận của mình, thì dù ở trong xã hội, phải ở vào địa vị nào, cũng không tự xem là không đủ, để đèo bòng tham muốn cái Tánh Phận ngoài mình. Như " kẻ có tài trí đủ để làm nổi một tước quan, hạnh hơn cả một làng, thì đức sẽ không khác nào một vị vua được lòng tin của cả nước, nếu biết tự xem mình như đấng làm vua kia vậy." Tuy phận giống nhau, nếu mỗi người đều tròn với cái phận của mình. Chí và Hành của hai bên, bất quá như vật lớn nhỏ, thọ yểu mà thôi.
kẻ biết nhận thấy đức của mình ngang với bậc Vua chúa như chức quan nhỏ kia, tuy là kẻ sáng suốt " thích kỷ tự an", hơn người đời một bực, nhưng chỗ " lập đức" chưa vững. Là vì hãy còn thấy có công.
Vinh tử nước Tống, " đời khen cũng không khích lệ, đời chê cũng không ngăn đón được", tức là người vượt lên trên dư luận, không còn nô lệ đến thị phi bên ngoài nữa, thế mà chỗ lập đức của ông cũng chưa được vững. Là vì tuy đã biết thản nhiên đối với dư luận, nhưng còn để cho đời biết được mà khen với chê. Đó là hạng người còn để lại " danh". ấy là hạng người như vua Nghiêu, và Hứa Do.
Trê hai hạng đó, lại còn một hạng nữa, là hạng người như Liệt tử, hạng" cỡi gió mà đi, đi một cách êm ái nhẹ nhàng". ở đây Trang tử muốn ám chỉ những bậc tu đạo đã đạt đến trạng thái huyền hóa trong những lúc thiền tọa hay tĩnh tọa. Trong những lúc ấy, họ đã đạt đến trạng thái" tiêu diêu" vì đã huyền đồng cùng với cái sống thiêng liêng của họ, tức là Đạo. Nhưng, chỉ có một lúc thôi, nên mới nói" tuy phải đi, nhưng còn phải có chỗ chờ". Liệt- tử tuy" cỡi gió mà bay, thong thả tự do", nhưng còn phải đợi có gió mới bay được, như chim Bằng đợi có gió trốt nổi lên, mới" nương theo đó mà bay lên chín muôn dặm cao". Kẻ như Liệt tử, được huyền đồng cùng Đạo, tuy tiêu diêu được, mà cũng phải đợi lúc huyền hóa mới được tiêu diêu. Tự do(tiêu diêu) mà còn đợi lúc huyền hóa mới tiêu diêu thì chưa phải thật là người đã đạt đến cõi tiêu diêu tuyệt đối(tự do tuyệt đối). Là vì họ không phải luôn luôn" không còn thấy có mình"(vô kỷ) nữa. Chỉ có bực" chí nhơn vô kỷ, thần nhơn vô công, thánh nhơn vô danh" mới thật là kẻ đã đạt đến cái trạng thái huyền đồng một cách vĩnh viễn mà không còn phải chờ đợi một điều kiện gì khác.
Làm cách nào để đạt đến trạng thái huyền hóa? Phải biết " thuận theo cái chánh của Trời Đất, nương theo cái biến của lục khí mà lại qua trong cõi vô cùng."
Nghĩa là gì thế? Trời Đất là nói về Âm Dương. Âm Dương cọ sát nhau, tranh đấu nhau, nhưng khi được cái Chánh của nó, tức là Đạo, thì nó sẽ được điều hòa. Đạo, tức là cái Chánh của Trời Đất, đứng trên Âm Dương, và bao giờ cũng có cái phận sự điều chỉnh lại những gì thái quá do sự tranh chấp của cặp mâu thuẫn ấy gây nên, và không cho cái nào lẫn cái nào cả. Thuận theo cái Chánh của Trời Đất được rồi, thì tha hồ" nương theo cái biến của lục khí" nghĩa là biết " dĩ bất biến"(Đạo) để mà " ứng vạn biến" trong cuộc" vạn hóa" của Trời Đất. Cái Chánh(Đạo) ấy nơi ta, nhà Phật gọi là tánh, Lão tử gọi là Tố và ở đây gọi là Tánh Tự nhiên.
Quách Tượng giải nghĩa câu nấy nói:" Trời Đất lấy vạn vật làm cái thế, còn vạn vật lấy cái tự nhiên(tức là Đạo) làm cái chánh. Không làm mà vẫn được tự nhiên, mới gọi là Tự Nhiên. Tức như chim Bằng, bay cao là sở năng của nó; chim cưu, bay thấp là sở năng của nó; tai nấm mai, sống trong một buổi mai, là sở năng của nó; cây đại xuân, sống dài dằng dặc, là sở năng của nó. Bấy nhiêu cái đó, đều là " sở năng" của tự nhiên, không phải" sở năng" của sự làm của mình; không làm mà tự nhiên được cái sở năng ấy, đó gọi là Chánh. Bởi vậy, " thuận theo cái Chánh của Trời Đất", tức là thuận theo cái Tánh tự nhiên(Đạo) của vạn vật, thì đâu phải cần chờ đợi cái gì nữa mà huyền hóa với tạo vật. Được như thế, mới gọi là người chí đức, tức là người đã được tiêu diêu trong sự huyền đồng của Đây và Đó. Nếu còn nhờ (cái gì ở ngoài) nữa, rồi sau mới được tiêu diêu, tức như Liệt tử tuy" cỡi gió mà đi một cách êm ái dịu dàng" nhưng còn phải đợi có gió mới bay đi được, thì Đức chưa hoàn toàn. Huống chi là chim Bằng. Duy, cùng với vạn vật hỗn hợp làm một rồi, và nương theo cuộc đại biến của Trời Đất mà rong chơi trong cõi vô cùng thì mới gọi được là bậc" thường thông" hay là " đại thông".
Lời chú giải trên đây của Quách Tượng, thật rõ ràng hết sức. Bậc chí nhân là kẻ đã huyền đồng cùng tạo vật rồi, cho nên bản ngã không còn nữa. ở thiên Tề- Vật- Luận, Trang tử mượn lời của Tử- Kỳ để nói lên chân lý ấy:" Ta đã mất bản ngã rồi!" Bản ngã mà không còn thì Thiên- Tánh hiện ra[v], có khác nào Mặt trời (Thiên Tánh hay Đạo) bị mây(Bản ngã) che mờ: hễ mây tan đi thì tự nhiên Mặt trời hiện ra sáng tỏ. Khi Thiên Tánh hiện ra là vì Bản ngã đã mất, nên gọi là "chi nhơn vô kỷ", đó là được chỗ "đại thuận", hay là "được cái Chánh của tánh mạng".
"Thuận theo cái Chánh của Trời Đất", tức là " thuận theo cái Tánh tự nhiên của mình"[vi]. Quan trọng nhất, là gìn giữ cái tánh ấy, đừng để nó lu mờ vì tư dục, đừng để cho hoàn cảnh huyễn hoặc, thay đổi… Một cái cây, từ lúc đâm mộng, nẩy chồi, trổ lá, đơm bông… những cuộc biến động tuy nhiều, nhưng cái Sống của cây vẫn luôn luôn có một, và toàn mãn từ đầu chí cuối.
Bậc chí nhân vì đã thực hiện được trạng thái " vô kỷ" nên " thuận với Tánh tự nhiên của mình" và dù lưu chuyển theo cuộc biến động bất tận của Trời Đất, vẫn không làm mất Bản- tánh duy nhất của mình.[vii]
Bởi vậy, nơi mình, thì lo mà thực hiện sự huyền đồng cùng tạo vật, không phân trong và ngoài, ta và người nữa, không thấy lớn nhỏ, thọ yểu; còn nơi vật, thì biết để cho vạn vật, vật nào cũng được " an theo chỗ đã an bài của chúng" nên không ép buộc ai phải theo mình, nghĩa là lấy mình mà đánh giá sự phải quấy của người. Đó gọi là " chi nhơn vô kỷ".
V. Hữu dụng và vô dụng:
Trời Đất sinh vạn vật, để cho mỗi vật sống cái sống của nó, chứ không phải sinh ra để cho người dùng nó. Dùng được thì dùng, không dùng được thì bỏ. Gọi là hữu dụng hay vô dụng là sai. Thực ra, tự nó, không có vật gì gọi là hữu dụng hay vô dụng cả.
Như mão Chương- phủ, người nước Tống thì đại dụng, mà người nước Việt không dùng, bởi nó không đáp với nhu cầu. Hữu dụng hay vô dụng là việc không thường cũng như lớn nhỏ vậy." Một trái dưa to, nặng năm thạch" mà "bổ nó ra để làm cái bầu" thì lại hỏng cả, không dùng gì được nữa(vô dụng); trái lại, nếu để nó như vậy mà làm phao, đeo lội qua sông, thì nó là hữu dụng.
Ta thấy rằng nếu biết dùng, thì không có vật gì là không vô dụng, như cũng thời món thuốc" bất quy thủ" mà kẻ thì được phong hầu, còn người thì suốt đời chỉ làm cái nghề quay tơ. Đó là Trang tử trả lời cho Hụê- tử (cùng những ai chê cái học của ông là vô dụng) rằng: nếu biết dùng thì không có cái học nào là vô dụng cả: "là vì lòng của phu tử còn hẹp hòi chưa thông đạt"!
Vật nào cũng có cái Tánh tự nhiên của nó, không vật nào giống vật nào cả. Bởi vậy, ta phải biết chịu chỗ khác biệt nhau đó, nghĩa là phải biết nhìn nhận sự " bất bình đẳng tự nhiên" của sự vật mà đừng đem tư tâm mong bình đẳng nhất loại tất cả làm một. Biết nhận sự " bất bình đẳng tự nhiên" giữa vạn vật, tức phải biết kính trọng chỗ riêng biệt của mỗi vật, nghĩa là cái tánh tự nhiên của mỗi vật mà không xen vào làm trở ngại sự phát triển tự nhiên của nó hay sửa đổi uốn nắn nó theo một công thức giả tạo nào khác. Không xen vào làm trở ngại hay làm hư hoại tánh tự nhiên của mỗi vật, là để cho mỗi vật được sống " tiêu diêu" (tự do) theo cái sống của nó, tự do phát triển theo cái tánh tự nhiên của nó.
Tóm lại, tiêu diêu là tự do. Tự do là sống được theo tánh tự nhiên, tức là theo bản tánh của mình. Một hành động được gọi là hành động tự do, khi nào trong hành động ấy, ta biểu lộ được cái Người thâm sâu, thành thực của ta, theo ta, chứ không phải theo kẻ khác, theo một giáo lý hay một mẫu người lý tưởng nào ngoài ta. Và nếu mỗi vật, vật nào cũng được sống theo mình, thì sẽ không còn lớn, nhỏ, quý, tiện nữa, mà thảy đều tiêu diêu như nhau cả. Tiêu diêu như nhau cả, đó là bình đẳng tuyệt đối, mà bình đẳng tuyệt đối là nhờ có tự do tuyệt đối. Thiên Tề- Vật- Luận sẽ bàn về cái Bình đẳng tuyệt đối ấy.
THU- GIANG
NGUYỄN- DUY- CẨN
dịch và bình chú
---------------------------------
Lão tử nói:" kiến Tố, bão Phác"; Phật gia bảo:" kiến tánh, thành Phật".
[ii] Xá kỷ thích nhơn: là bỏ mình mà theo người.
[iii] Đại- Tông- Sư:" Hành danh thất kỷ, phi sĩ dã vong thân bất chân, phi dịch nhơn dã. Nhược hồ Bất- Giai, Vụ Quang, Bá Di, Thúc tề, Cơ tử, Tử du, Kỷ thu, Thân đố địch, thị dịch nhơn chi dịch, thích nhơn chi thích, nhi bất tự thích kỳ thích giả dã. Làm theo danh, mà bỏ mất cái của mình, không phải là kẻ dĩ; làm cho mất mạng mình, không rõ chân lý, đó chẳng phải là kẻ sai khiến được người. Như Hồ Bất Giai, Vụ Quang, Bá Di, Thúc Tề, Cơ Tử, Tử Dư, Kỷ Tha, Thân Đố Địch, là hạng làm cái làm của kẻ khác, theo cái phải của kẻ khác mà không biết theo cái phải của mình.
[iv] Nếu so sánh với câu nói nầy của hiền giả Epiclète(Hy Lạp):" Phàm sự vật, có cái thuộc ta, có cái không thuộc ta. Thuộc ta là những sự phán đoán, những khuynh hướng, những dục vọng, những ưu- ghét của ta, tóm lại là mọi tác dụng của linh- tính ta; không thuộc ta, là thân thể ta, của cải, danh vọng, tước phận, nói tóm lại là mọi sự không còn phải là tác dụng của linh- tính ta.
" Cái thuộc ta thời bản tánh nó tự do, không gì ngăn trở, không gì trái nghịch lại được; cái không thuộc ta thời không được chắc chắn, không được tự do, thường bị ngăn trở, là cái ở ngoài ta mà thôi.
Vậy, ta phải nhớ rằng cái gì vốn nó không được tự do mà cho là tự do, cái gì của người ngoài, vật ngoài mà cho là của mình, thời sẽ phải phiền lòng, sẽ phải buồn bực, sẽ phải bối rối, sẽ đem lòng oán trời, trách người, nhưng nếu cái gì thật của ta mới coi của ta, cái gì của người, coi là của người, thời không ai ép uổng mình được nữa, không ai ngăn cấm mình được nữa, không phải oán ai, không phải trách ai, không phải miễn cưỡng làm việc gì, không ai hại mình, không có kẻ thù, vì không phải chịu sự gì thiệt hại."(bản dịch của Phạm Quỳnh, 1929).
[v] đừng lẫn lộn thiên tánh với tánh tình của bản ngã, như những tánh nóng, tánh keo kiệt, tánh thích xa hoa, tánh ham vui, thích buồn của con người. Đó là chỗ mà Lão tử gọi " thượng đức bất đắc, thị dĩ hữu đắc…"(chương 38 Đạo Đức Kinh).
[vi] Các chánh giả, đắc ư hữu sanh chi sơ bảo hợp giả, toán ư đi sanh chi hậu(Dịch- Kinh). " Các chánh", là nhận được từ khi mới sanh; "bảo hợp", là giữ được trọn vẹn sau khi đã sanh. Cái mà ta gọi là Chánh đó, tức là chỗ mà Lão tử gọi" tử nhi bất vong".
[vii] " Bản tánh duy nhất" ấy, Pháp- ngữ gọi là " unisité individuelle" hoặc là " personne humaine". Đồng một nghĩa với câu nầy trong Dịch- Kinh:" Tri tiến thoái tồn vong nhi bất thất kỳ chánh, kỳ duy thánh nhơn hồ?" (biết tiến, biết thối, biết giữ cho còn, biết làm cho mất, mà không làm mất cái Chánh của mình, chỉ có bậc thánh nhơn mà thôi ư?). chữ chánh đây, tức là Tánh Tự nhiên mà ta đã thọ lãnh của Trời Đất.