Chương 21 - 26 (chương kết)

21.
Giặc pháp không còn ở mãi tận Nam Bộ xa tít tắp mù khơi nữa. Chúng đã lần mò ra Bắc Bộ và đang có mặt tại Hải Phòng, Hà Nội. Hội nghị Fontainebleau thất bại. Hồ chủ tịch về nước buồn thiu. Giặc Pháp sẽ chiếm Nam Định và sang Thái Bình. Pháp tới Thái Bình là có thái bình. Lời tiên tri của Hồ chủ tịch, được dân thị xã nhắc lại, bàn tán. Không một ai thích giặc Pháp sang Thái Bình. Chúng đã ở đây lâu quá và đã gieo nhiều đau khổ quá. Pháp, Nhật, Tầu hay bất cứ một giống nòi xa lạ nào đến quê hương ta cũng chỉ mang theo những phiền muộn và đọa đầy, những tàn bạo và man rợ. Không thích chưa đủ. Dân thị xã còn sợ giặc Pháp tràn qua tỉnh lỵ vốn đã ngập lụt oan khiên và đang lo âu, khắc khoải.Những người vô Nam Bộ chiến đấu chẳng ai hồi hương. Chắc là họ đã hy sinh cho tổ quốc. Cái lưới sợ hãi sắp tung xuống. Người ta mơ hồ thấy số phận của mình bị nhốt kín trong đó. Ôi, tỉnh lỵ Thái Bình thân yêu, tỉnh lỵ nhỏ bé với những giấc mơ nhỏ bé muôn đời thiếu nắng làm ấm tâm hồn làm vàng mộng ước!
Để trấn an dân thị xã, lớp vôi mới quét vội vàng xóa bỏ những khẩu hiệu cũ. Bây giờ là Thái Bình, mồ chôn thực dân Pháp, Liên khu ba, mồ chôn thực dân Pháp, Kháng chiến nhất định thắng lợi, Độc lập, thống nhất nhất định thành công... Những khẩu hiệu mới chỉ làm tăng nỗi lo âu. Giặc Pháp dã man đã ném trẻ con vào lửa đỏ ở Sàigòn, sẽ ném trẻ con vào lửa đỏ Thái Bình. Mấy đời rồi, chả ai nghĩ chuyện chạy giặc. Và cũng chả ai dám nghĩ nếu giặc Pháp sang Thái Bình mình sẽ làm gì, sẽ chạy đi đâu. Triệt để tin tưởng vào Hồ chủ tịch. Đành tin tưởng Hồ chủ tịch là sẽ đuổi giặc Pháp khỏi đất nước Việt Nam. Không lẽ, Hồ chủ tịch và chính phủ chỉ chiến thắng giặc Pháp bằng khẩu hiệu? Bao nhiêu vàng ủng hộ mà súng cối xay chưa bắn tan giặc Pháp, để chúng lần mò ra Bắc Bộ thì lạ thật. Dân thị xã nóng lòng chờ đợi tin tức. Báo chí từ Hà Nội về chậm vô cùng. Xe hàng chạy than đốt làm sao nhanh nổi? Người ta chuyền báo cho nhau coi. Thủ đô Hà Nội vẫn còn. Giặc Pháp co ro đóng quân một chỗ. Chúng hèn nhát không dám dời khỏi doanh trại. Quan dân ta sẽ đập vỡ mặt chúng.
Dân thị xã đã biết tình hình Hà Nội qua nhật báo Cứu Quốc. Báo này quả quyết nếu giặc Pháp dở trò xâm lăng, máu của chúng sẽ nhuộm đỏ song Hồng, xác của chúng sẽ chất đống cao hơn gò Đống Đa. Giặc Pháp đã phơi thây ở Sàigòn, sẽ phơi thây ở Hà Nội. Báo Cứu Quốc luôn luôn nhóm lửa chiến đấu trong lòng mỗi người. Nhưng lần này, ngọn lửa ấy không bừng sáng như lần thanh niên thị xã nô nức tình nguyện vào Nam diệt thù. Giặc gần kề, người ta hồi hộp. Vũ không còn được ngồi một mình dưới giàn hoa thiên lý nghĩ đến Thúy và phiêu lưu bằng mộng tưởng trong mùa xuân thơm ngát mùi hương tóc người yêu. Vũ bị quyến rũ vào nỗi hồi hộp chung, nỗi hồi hộp đe dọa phá nát sự êm đềm của tỉnh lỵ. Súng đạn, chắc chắn, sẽ gây tang tóc, khói lửa và buồn thảm chứ không chỉ ồn ào tẻ nhạt giống cách mạng. Súng đạn làm nên chiến tranh. Và chiến tranh là hậu quả của cách mạng. Chiến tránh đã tới Thái Bình bằng những trận không chiến giữa Mỹ và Nhật. Chiến tranh đã tới Thái Bình bằng những hồi còi phòng thủ thụ động. Sau hết, chiến tranh mang tới những khẩu súng liên thanh, những thanh kiếm sắc bén của phát xít Nhật và bọn Tầu phù gớm ghiếc. Chiến tranh làm chia ly, ngăc cách. Người ta sinh ra không phải để buồn thảm vì chia ly, ngăn cách. Mà để gần gũi và thương yêu. Đời sống tỉnh lỵ là đời sống gần gũi và thương yêu. Đời sống ấy đã thay đổi, xáo trộn. Hẳn còn thay đổi, xáo trộn nhiều nữa.
Vũ mơ hồ thấy, một ngày không xa, giặc Pháp sẽ tràn sang Thái Bình đốt phá, giết chóc. Vùng trời thân yêu của Vũ mất hết tiếng sáo diều vi vu đêm hạ. Thúy sẽ xa Vũ, xa mãi, xa thành vĩnh biệt. Hàng cây hồi bên hè phố nhà Thúy sẽ tàn úa. Và như thế, cuộc đời chẳng mảy may ý nghĩa. Không, không thể để mất quê hương nhỏ bé của mình. Căn nhà, ngôi trường, con phố, sân cỏ, hàng cây và người thân yêu phải gắn bó lấy đời mình. Và muốn sống hoài với kỷ niệm, phải bảo vệ chiếc nôi êm ái chứa chất kỷ niệm của mình. Phải đuổi kẻ thù khỏi quê hương mình, không cho những bước chân thô bạo của chúng giẵm chết lối cỏ, nơi ấy, mình và người yêu đã đi qua. Nghĩ thế, Vũ yêu cái thị xã Thái Bình quá đỗi. Dòng song Trà Lý, chiếc cầu Bo, những hồn đào năm xưa, Vọng bất hạnh, thầy Đàn kính mến và Thúy và mùa xuân hồng và bàn tay huyền diệu của Thúy và hương tóc Thúy, toàn là những thứ cần bảo vệ bằng xương máu của Vũ.
Vũ phóng ra đường. Con đường tự nhiên bốc khói như thể hơi thở của Vũ vào ngày mùa đông lạnh nhất. Vũ nhìn hàng cây. Hàng cây rung rinh lá, tiếng gió sào sạc một nỗi niềm. Vũ ngước trông trời. Trời muốn thấp xuống. Ôi, tất cả tràn ngập luyến lưu, tất cả đều không muốn dời xa Vũ. Vũ chạy một mạch lên phòng thông tin. Gặp đủ mặt bạn bè. Côn và Luyến đang đứng chờ anh phụ trách thiếu nhi viết nốt chữ cuối cùng của khẩu hiệu Đã đảo thực dân Pháp. Luyến khoe Vũ:
- Mày biết chưa, chúng tao dán khẩu hiệu chống Pháp khắp thị xã.
Luyến xăn tay áo:
- Ông đếch sợ giặc Pháp. Nó bắng nhắng là ông tẩn bỏ mẹ chúng nó.
Luyến bĩu môi:
- Chúng nó là bọn hèn. Dạo trước, Nhật lùn bắt vợ con chúng nó kéo xe bò chở đất. Đêm nay biểu tình đốt đuốc đả đảo giặc Pháp rồi đốt luôn giặc Pháp ở cầu Bo. Mày chỉ huy nhé?
Vũ chưa kịp trả lời Luyến thì Côn đã kéo Vũ ra khỏi phòng thông tin. Hai đứa ngồi trên chiếc ghế xi măng gần sân "ten nít". Côn hỏi:
- Bố mày có nói gì không?
Vũ ngơ ngác:
- Nói gì?
- Chuyện Pháp đóng quân ở thủ đô Hà Nội.
- Không.
- Tao đét thích biểu tình nữa nhưng biểu tình chống Pháp tao phải tham dự.
- Tại sao?
- Vì tao không muốn mất thị xã. Không ai muốn mất thị xã cả, mọi người sẽ đánh nhau với Pháp nếu nó trở lại Thái Bình. Mày nghĩ thế nào?
- Giá vài năm nữa nó hãy sang nhỉ? Mình đủ tuổi vào bộ đội, sợ chó gì nó.
- Bố tao lo lắm. Chưa chi bố tao đã bắt sửa sang nhà cửa ở Ô Mễ.
- Tao không thích Pháp sang thị xã mình.
- Nó cứ sang thì mày làm gì?
- Chắc đánh nhau to. Và chúng mình sẽ xa nhau, chả biết ngày nào gặp gỡ. Tao chỉ sợ cầu Bo sụp đổ và những hàng hồi chết cháy. Chiến tranh không bao giờ vui hết. Hồi Mỹ dội bom giết Nhật, bác tao bị cụt một cánh tay trên chuyến "ca nô" Hà Nội – Nam Định. Xuýt bác tao chết oan, chết đuối khổ sở dưới sông Hồng. Có chiến tranh, nhiều người chết thảm. Và chỉ nghe tiếng khóc. Nhưng bọn Pháp sang thị xã mình, chúng ta sẽ đánh đuổi chúng. Tao yêu Thái Bình. Tao yêu Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ đã đánh nhau với Pháp và đang chiến thắng. Phương hen còn lên đường vào Nam Bộ đuổi giặc Pháp nữa là...
- Sợ chúng mình chưa đủ tuổi, người lớn bắt chạy giặc.
- Pháp sang đây, chúng mình đủ tuổi rồi. Biết đâu dân Hà Nội chẳng sắp đánh văng chúng nó.
Hai thằng bạn thân vừa tâm sự tới đó đã nghe tiếng Luyến bi bô:
- Đi dán khẩu hiệu, chúng mày ơi!
Vũ và Côn đứng dậy, nắm tay chạy vào. Chúng chia công tác, đứa ôm mớ giấy, đứa xách thùng hồ, kéo nhau đi dán khẩu hiệu. Đến tối, nhi đồng thị xã đốt đuốc biểu tình tuần hành. Nhà đèn được lệnh tắt đèn phố. Những ngọn đuốc tẩm dầu bừng bừng cháy. Không khí chống Pháp lại được nhi đồng làm sôi nổi. Nỗi lo âu của dân thị xã, dường như, bị lửa đốt cháy. Thị xã vang vang lời gầm thét căm thù thực dân Pháp khiêu khích Bắc Bộ như năm ngoái gầm thét căm thù thực dân Pháp gây hấn Nam Bộ. Bài hát mới rít qua kẽ răng:
Thề một lòng dân Nam ta quyết một lòng
Thề chiến thắng
Trang nam nhi hồn non nước vững vàng ta bảo toàn bờ cõi một ngày mai
Nhắc hồi xưa dân Nam ta tám mươi năm đã bao phen nhục nhằn
Nào gông xích đói rét lũ tham tàn đồng lòng muốn đem lòng giầy xéo
Ôi giang sơn ôi đất nước
Ta quyết thề chẳng sống nhuốc nhơ...
Những bàn chân giẫm nát mặt đường. Những cánh tay giơ cao. Những khuôn mặt cương quyết. Những tâm hồn réo sôi. Những khẩu hiệu vỡ phổi.
- Đả đảo thực dân Pháp!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Phải chiến đấu tiêu diệt Pháp để giành độc lập. Dân thị xã không còn sợ rượu khi đã dám nhấp một ngụm. Rồi mềm môi. Rồi say sưa. Nhi đồng luôn luôn đóng trọn vẹn vai trò khích động dân chúng. Mọi người đều tưởng chừng Pháp đang cuốn gói tếch khỏi Hà Nội. Vũ tin rằng Thúy sẽ yêu Vũ hơn vì Vũ đang cùng mọi người lo bảo vệ quê hương nhỏ bé. Đội nhi đồng cầu Kiến Xương dẫn đầu đoàn biểu tình tuần hành. Đốt đuốc đi thắp sáng quê hương độc lập. Đốt đuốc đi thiêu rụi mộng xâm lăng của thực dân Pháp. Vũ cho nhi đồng rẽ vào phố nhà Thúy. Tiếng động từ đầu đường đã vọng tới. Thúy mở cửa sổ đứng chờ. Và Thúy đã nhìn rõ Vũ hiên ngang dưới ánh đuốc bập bùng. Vũ mỉm cười khi Thúy vẫy tay. Thúy khích lệ Vũ chống Pháp giữ lại Thái Bình đó. Vũ nghĩ thế. Qua cửa nhà Thúy, Vũ đến gần Côn:
- Dẫn nhi đồng tới phố nhà con Ngọc nhé!
Côn gật đầu và nói:
- Để tao chỉ huy.
Đoàn biểu tình tuần hành khắp các phố thị xã. Cuối cùng, tiến thẳng lên cầu Bo đốt hình nộm Tây mũi lõ đẩy xuống sông Trà Lý. Rồi giải tán. Đêm ấy, Tây đen bán vải được phen hoảng sợ. Bọn nhi đồng đập cửa nhà Tây đen bán vải thình thình. Chúng diễn lại trò chống Pháp gây hấn ở Nam Bộ.
22.
Khúc đê từ cầu Bo xuống cống Đậu đã biến thành con đường mòn. Mặt đê cao hơn mặt đường gần hai thước. Năm xưa, Vũ và bạn bè thường đi xe đạp thi trên khúc đê này. Đi thật nhanh mà chẳng đứa nào ngã. Xe đạp của bọn Vũ không chuông, không phanh, không đèn. Phóng xe ở khúc đê hẹp và cao y hệt người làm xiếc đi trên dây. Nên chỉ những thằng cừ mới dám đùa giỡn. Gặp quãng đê soải xuống sông, Vũ và Vọng còn biểu diễn "bông nhông" cả người lẫn xe. Bây giờ, Vũ không thích trò chơi nguy hiểm này. Và Vũ đâm ra sợ hãi. Vũ đã đứng ở cầu Bo nhìn những con sóng lớn xô đẩy nhau những hôm gió lộng. Sóng sông Trà, ma sông Hộ. Vũ giật mình hồi tưởng ngày nào – ngày nào mới đây mà tưởng chừng xa lơ xa lắc – đảo chính, cách mạng, thù hận đẩy tuổi thơ lui hẳn về dĩ vãng một thiếu niên để người thiếu niên sớm thương nhớ kỷ niệm ấu thời – Vũ và bạn bè đã bơi qua sông, khinh thường sóng cả. Khi người ta biết lo âu là lúc người ta giã từ hẳn hồn nhiên. Tâm hồn đào đã vẩn bụi đen. Bụi đen của phiền muộn.
- Vũ đang nghĩ gì thế?
- Không nghĩ gì cả.
Vũ và Thúy đi bên nhau, bước chậm trên con đê. Vũ nhìn dòng sông lững lờ chẩy. Dòng sông cơ hồ mang một tâm sự buồn.
- Vũ định đi mãi à?
- Ừ.
- Không sợ mỏi chân sao?
- Không. Thúy có dám theo Vũ đi đến cuối con đê tới cửa bể không?
- Xa quá, Vũ ạ!
- Đi xa mới hết buồn.
- Vũ mà cũng buồn ư?
- Buồn chứ.
Thúy cười giòn giã. Nắm chặt bàn tay Vũ, Thúy nói:
- Đến Cống Đậu rồi trở về đấy nhé!
Vũ gật đầu. Nhưng rồi Vũ dừng lại:
- Mình ngồi đây.
Hai đứa ngồi xuống mặt đê quay mặt sang xóm làng bên kia sông. Vũ quàng tay qua cổ Thúy. Hai đứa xích gần nhau. Giọng Vũ mơ hồ:
- Ở xa không có khúc đê này, Thúy nhỉ?
- Chắc phải có.
- Không có hàng hồi bên đường giống hàng hồi phố nhà Thúy.
- Ừ, chắc không có.
- Vũ thích hàng hồi phố nhà Thúy, thích con đường nhà Thúy, thích cầu Bo, thích hết những gì của thị xã mình. Nếu ngày nào phải xa thị xã, Vũ sẽ khóc.
- Thì Vũ ở thị xã mình mãi mãi với Thúy. Chúng mình sẽ lớn hơn. Rồi chúng mình vẫn học thành chung một trường.
- Ngộ giặc Pháp sang thị xã mình?
- Vũ đừng cho nó sang. Vũ quên lời nói của ông Chủ tịch Thái Bình rồi à?
Đêm qua, dân thị xã tập trung ở sân vận động nghe ông Chủ tịch Thái Bình nói chuyện. Thúy đứng cạnh Vũ. Ông Chủ tịch giơ nắm đấm, tiếng nói nẩy lửa: "Một tấc đất Thái Bình cũng không cho giặc Pháp chiếm. Dân Thái Bình sẽ đập tan âm mưu xâm lăng của giặc Pháp. Chúng ta đào mồ sẵn chôn giặc Pháp. Chúng dại dột sang Thái Bình, chúng ta sẽ giết hết chúng từ bến đò Tân Đệ. Xác chúng sẽ lấp đầy khúc sông Hồng làm cầu Tân Đệ. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp".
- Thúy muốn Vũ đánh nhau với giặc Pháp.
- Vũ phải bảo vệ thị xã mình. Đừng bao giờ nghĩ có ngày chúng mình xa thị xã, Vũ nhé!
Vũ hơi nghiêng mặt về phía Thúy và Thúy hơi nghiêng mặt về phía Vũ, cùng lúc. Hai đứa nhìn nhau. Ngập ngừng. Vũ hôn tóc Thúy. Hương tóc làm rạo rực tâm hồn Vũ. Phút chốc, Vũ quên dòng sông, quên nỗi buồn, quên giặc Pháp, quên cách mạng. Hương tóc đưa Vũ bay bổng. Vũ hôn má Thúy. Bàn tay Vũ bóp mạnh vai Thúy. Im lặng. Vũ nói nhỏ bên tai Thúy như điệu gió đàn:
- Vũ không muốn xa Thúy.
Đưa từ xa tới, mùi thơm huyền diệu. Mùi thơm của chiêm bao. Mùi thơm của tình yêu thơ mộng. Mùi thơm vây quanh Vũ và Thúy. Chiều ngại ngùng trốn. Chiều cố tình lưu lại chút nắng nhẩy múa trên khoảng trời hồng. Mùa xuân ở đây. Chiều vàng ở đây. Mộng ước ở đây. Và Vũ sẽ bảo vệ khoảng trời hồng yêu mến này.
- Vũ.
- Thúy nói đi.
- Thúy không muốn xa Vũ.
- Chúng mình không bao giờ xa nhau. Vũ sẽ giữ từng cây hồi phố nhà Thúy.
- Vũ hứa chứ?
- Hứa.
- Giữ cả những con chim buổi sáng trên cây hồi trước cửa nhà Thúy?
- Giữ tất cả. Thị xã mình sẽ nguyên vẹn. Chẳng một ai phải xa nhau.
Thúy lách tay trái ra sau lưng Vũ, đưa cả cánh tay quành cổ Vũ. Gắn bó. Thị xã của Vũ, bây giờ, mới đẹp hoàn toàn. Đẹp nhất thế giới.
- Vũ ơi!
- Ơi...
- Đưa Thúy về.
- Chưa tới cống Đậu mà?
- Mai mình tới.
- Ngồi đây thêm một lát.
- Thôi.
- Về làm gì vội?
- Về nằm nhớ Vũ.
Vũ lặng người. Gió sông lùa lên. Tóc Thúy bay tung phủ cả mặt Vũ. Vũ không muốn về. Vũ không muốn ngày mai. Vũ muốn mãi mãi là hôm nay, là lúc này. Ngày mai, biết đâu, dòng sông Trà Lý chẳng còn lặng lờ chẩy xuôi. Nước lũ sẽ đỏ ngầu và cuốn phăng nhiều thứ.
- Vũ nhé!
- Hở?
- Đưa Thúy về.
Vũ buông tay khỏi vai Thúy, đứng lên với nỗi tiếc ngẩn ngơ. Vũ cầm tay Thúy, kéo Thúy dậy. Hai đứa lần theo con đê, trở về. Vũ bước thật chậm. Vũ đếm từng bước chân. Chiều tắt nắng. Trời ngậm ngùi. Vũ lại thấy lo lắng. Như có gì đe dọa cuộc sống bình thản của mọi người bên dòng sông Trà Lý. Như cầu Bo sắp sụp đổ. Như hàng hồi sắp bị cháy và những con chim sớm mai của Thúy tản mạn khắp phương trời xa.
- Thúy!
- Hở.
- Nằm nhớ Vũ thì Thúy vui hay buồn?
- Không biết nữa.
- Có tưởng tượng gì không?
- Có.
- Gì?
- Cái lồng bẫy chim khuyên của thằng Hội.
Vũ cười sung sướng. Thúy nói:
- Với những quả táo tầu của ông lang Tặng.
Vũ siết chặt tay Thúy:
- Vũ nằm nhớ Thúy chỉ nhớ con nhặng, con mụ phù thủy Phi Châu.
Thúy hỏi:
- Ghét Thúy à?
Vũ lắc đầu:
- Chuyện ngày xưa.
- Thế bây giờ?
- Bây giờ Vũ thích dựa lưng vào cây hồi trước nhà Thúy, thổi "ác mô ni ca" bài Căn nhà êm ấm.
Hai đứa đã đi gần tới cầu Bo và tụt dốc xuống đường. Con đường dẫn về nhỏ dần, hẹp dần nhưng không xa dần. Mà Vũ thì muốn không có chỗ dừng ở hiện tại. Cứ đi. Đi mãi. Đi cạnh Thúy, tay trong tay, bước nhẹ vào chiêm bao hái những trái mơ chín vàng. Đèn phố đã lên. Những ngọn đèn tỉnh lỵ bao giờ cũng vàng vọt, hiu hắt. Chưa từng lần nào Vũ thấy những ngọn đèn buồn thế. Những con mắt đêm của thị xã đang nghĩ gì?
- Chiều mai Vũ lại đón Thúy nhé!
- Ừ, chiều mai. Mình vào hồ Phúc Khánh, mình về Đoan Túc, mình sang Bồ Xuyên, mình xuống An Tập... Mình đi hết những nơi mình đã đi.
- Làm gì?
- Để nhớ mãi.
Để nhớ mãi, Vũ vẫn bị ám ảnh bởi sự chia ly. Dường như, ồn ào, náo động là hứa hẹn một buồn tênh, câm nín. Chiến tranh sẽ về đây. Chiến tranh sẽ làm rướm máu thị xã êm đềm. Chiến tranh nào cũng ghét kỷ niệm. Và nó sẽ chặt đứt gốc cây hồi trước cửa nhà Thúy, làm những con chim nhỏ sớm mai trốn lẩn, sợ hãi. Chỉ cần một chút thoáng qua, chiến tranh đã gây vô số mất mát. An ủi mình bằng cách nào, nỗi ám ảnh cũng không chịu tan biến. Bảo vệ quê hương của mình là phải chiến đấu. Vũ sẽ không sợ chiến đấu. Mà rất sợ sau cuộc chiến, có thứ gì mất mát, rơi rụng, đổ vỡ.
Đã tới phố nhà Thúy. Vũ cố bước chậm hơn. Chẳng ai hối thúc, bước chân cứ gấp gấp. Nhà Thúy đây rồi. Cây hồi trước cửa đây rồi. Vũ rời tay Thúy, trông theo Thúy qua cổng, vào sân, mất hút. Vũ chờ khoảng ánh sáng ở khung cửa sổ quen thuộc. Nhưng, vô tình, Thúy đã quên mở cửa sổ. Và Vũ không nhìn thấy khuôn mặt thân yêu rực rỡ trong mùa xuân hồng. Đêm chợt bùi ngùi. Vũ nghe lòng mình quạnh hiu. Vũ thật sự không còn bé. Muốn còn bé, Vũ phải nghiêng nghiêng hồn đào khi tưởng nhớ. Vũ dựa lưng vào thân cây hồi. Hai tay thọc túi quần. Mắt thả trong mơ. Tiếng gió thầm thì trên đám lá. Mùi hoa hồi, tự nhiên hăng hắc tối nay. Vũ bỗng thèm hút một điếu thuốc lá.
23.
Cả thị xã bàng hoàng. Giặc Pháp đã đánh chiếm Hà Nội. Như năm ngoái, tiếng súng gây hấn của xâm lăng đã vang sông núi miền Nam, lại vang sông núi miền Bắc năm nay. Những chiếc xe Con Voi của ông Lê Văn Định nằm xếp hàng ở bến Hà Nội không về Thái Bình được. Tài xế và ét đành bỏ xe, chạy bán sống bán chết. Họ thuật chuyện Hà Nội cháy. Lửa bốc cao. Đứng tận Phủ Lý còn thấy lửa rực một phía trời. Dân chúng lũ lượt bồng bế, dắt dìu nhau ùa ra năm cửa ô, tản mạn về các vùng lân cận. Chỉ có thanh niên ở lại chiến đấu, quyết bảo vệ thủ đô. Họ nói giặc Pháp đưa xe tăng, thiết giáp khạc đạn liên hồi, sau bằng những ổ súng liên thanh kháng chiến của ta. Họ làm như tận mắt họ nhìn rõ hai bên giao tranh. Nhưng mọi người tin họ, hối thúc họ kể chuyện Hà Nội cháy. Và họ say sưa kể, giọng đầy phẫn nộ và tin tưởng. Câu chuyện truyền đi rất mau. Nội buổi tối, cả thị xã biết giặc Pháp đang bị phơi xác trên ba mươi sáu phố phường Hà Nội. Nỗi bàng hoàng tan biến. Dân Thái Bình hướng về Hà Nội trông chờ tin chiến thắng.
Mấy hôm sau báo Cứu Quốc mới rao bán. Dân thị xã mua đọc. Không đủ. Chuyền tay nhau đọc. Hồ chủ tịch kêu gọi toàn dân kháng chiến đuổi thực dân Pháp khỏi Việt Nam yêu dấu. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu mới đó. Tăng gia sản xuất là diệt Pháp. Cũng khẩu hiệu mới. Nhớ ngày Hồ chủ tịch sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, nhi đồng được dạy hát nhiều bài ước vọng:
Vắng bác Hồ yêu dấu
Lòng bâng khuâng cháu sầu nhớ nhung
Bác có nhớ cháu không
Từ lúc con chim bằng cất cánh
Buồn thẫn thờ nhìn theo chim kia
Nhẹ cánh khuất trong mây
Quay bước chân trở về
Chờ mong tháng ngày
Nhớ nhung bác Hồ ở nơi xa vắng
Nối tâm chí tranh giành
Để quyền lợi cho nước Nam
Trong tâm mong nghe thấy
Khải hoàn vang khúc ca
Mong bác mau trở về với chúng ta
.
Không có khúc ca khải hoàn khi bác Hồ hồi hương. Giặc Pháp chiếm gần hết Nam Bộ và kéo quân ra Bắc Bộ. Bác Hồ trở về buồn thiu. Bác Hồ khó mà vui nghe nhi đồng hát:
Đêm trăng cháu nhớ bác Hồ
Cháu ca cháu hát cháu hô vang trời
Bác Hồ ơi bác Hồ ơi
Bác cho chúng cháu những mười cái hôn
.
Bác Hồ quên cả những lời hứa hẹn trước ngày sang Pháp. Bây giờ, bác bảo trường kỳ kháng chiến. Thế là đánh nhau lâu lắm. Thế là chắc chắn có chia ly, xa cách. Trái tim Bắc Bộ bị lưỡi lê giặc đâm thủng. Toàn Bắc Bộ đau đớn, run rẩy. Nghĩ đến thù nước. Chỉ nghĩ đến thù nước: Chẳng cần nghĩ đến bác Hồ. Giặc Pháp mà chiếm xong Hà Nội, sẽ xuống Nam Định và tràn qua Thái Bình. Dân thị xã mong mỏi thủ đô là mồ chôn giặc Pháp. Hướng về Hà Nội, tin tưởng tràn trề. Báo Cứu Quốc bán đều đều. Hà Nội đã lập đội Tự Vệ Thành gồm toàn những thanh niên yêu nước tình nguyện ở lại giữ từng căn gác, từng phu phố, từng khe cống Hà Nội. Tường nhà nọ đục thủng xuyên qua tường nhà kia, tuổi trẻ Hà Nội đứng lên làm lịch sử. Tóc lộng gió, mắt rực căm thù, tuổi trẻ Hà Nội nhào ra cướp súng giặc giết giặc. Tuổi trẻ Hà Nội nằm giữa đường cản xe tăng. Xe tăng nghiến nát. Không dọa nạt nổi lòng kiêu hùng. Ôm lựu đạn xông thẳng vào xe tăng. Nhẩy lên xe tăng dùng thân xác mình bịt kín nòng súng giặc. Một mình ngạo nghễ với chai xăng đốt cháy xe tăng giặc. Giữ từng con phố, giữ từng hàng cây. Tâm hồn chiến đấu với súng đạn tối tân của giặc. Chết cho tổ quốc. Chết cho Hà Nội tồn tại, bất diệt. Thịt máu tung lên. Cây Việt nam sẽ tươi thắm.
Báo Cứu Quốc không ngày nào quên tường thuật những cuộc chống trả gan dạ, phi thường của Tự Vệ Thành. Nam Bộ có Thanh Niên Tiền Phong. Bắc Bộ có Tự Vệ Thành. Dân Thái Bình đọc báo mà cảm xúc mà chiêm ngưỡng dân Hà Nội. Và mỗi ngày một cuộc biểu tình tuần hành đả đảo giặc Pháp, hoan hô Tự Vệ Thành chiến đấu anh dũng. Tiếng súng chưa vang tới Thái Bình. Sinh hoạt vẫn bình thường. Thì giờ dành nhiều cho thù hận giặc Pháp. Ở góc phố, ở sân trường, những trái đấm phóng vào không khí, những lời nói rít qua kẽ răng: căm thù giặc Pháp. Vũ và bạn bè của Vũ lớn thêm một chút. Lịch sử làm lớn những hồn đào niên thiếu. Lịch sử luôn luôn có phép nhiệm mầu. Nó quyến rũ cả những ai không thích nó. Nó huyễn hoặc nhiều người. Và khối kẻ theo đuổi lịch sử cho đến khi tỉnh giấc mê đời mới biết mình lạc đường vào lịch sử. Những bài báo tường thuật những trận đánh như đùa giỡn với giặc Pháp của Tự Vệ Thành khiến Vũ say mê. Nỗi ám ảnh mất mát, xa lìa đã có chỗ trốn nấp kín đáo. Tưởng tượng Pháp chiếm Thái Bình, Vũ và bạn bè của Vũ và thanh niên, thiếu niên thị xã sẽ noi gương Tự Vệ Thành, sẽ chiến đấu giữ từng con phố, từng bờ tường, từng mái hiên. Chắc chắn, Vũ sẽ bảo vệ con phố nhà Thúy, bảo vệ hàng cây hồi.
Vũ chiến đấu cho sự bình thản của Thái Bình, nơi Vũ sinh ra, lớn lên, hưởng trọng hoa niên và biết yêu thương. Vũ sẽ chỉ chiến đấu vì thế, chiến đấu vì quê hương bé nhỏ của Vũ. Chiến đấu cho sum họp, gần gũi. Chiến đấu để khỏi chia lìa, ngăn cách và buồn thảm. Ước mơ của Vũ thật giản dị. Thái Bình mãi mãi là Thái Bình. Chẳng cần huy hoàng, mới lạ. Mới lạ dễ thành xa lạ. Huy hoàng cũng là biên giới cách ngăn. Cứ nhỏ bé cho những tâm hồn gần gũi, thân mật những tâm hồn. Dòng sông Trà Lý có một mùa nước lũ cuồn cuộn. Rồi lại lờ lững êm đềm. Dòng sông ôm gọn nỗi vui buồn của cuộc đời tỉnh lỵ. Mùa xuân, mùa hạ rộn rã tiếng cười. Mùa thu thở dài lo lắng. Mùa đông ngồi buồn ôm kỷ niệm. Hạnh phúc làm bằng những thứ bình thường đó. Và người ta phải chiến đấu cũng bởi người ta không muốn mất hạnh phúc đơn sơ. Như Vũ, Vũ bằng lòng sống đến già ở thị xã Thái Bình. Vũ nghĩ rằng, những phương trời xa, có thể, rực rỡ gấp ngàn lần thị xã của Vũ nhưng không thể có cầu Bo, sông Trà Lý, đền Mẫu, hồ Phúc Khánh, cống Kỳ Bá, những nơi Vũ đã dàn trải kỷ niệm ấu thời với bạn bè. Nhất là không thể có Thúy, có hàng cây hồi mui thơm hăng hắc khắp phố trừ phố nhà Thúy. Thúy là mùa xuân của Vũ là ý nghĩa tuyệt vời của cuộc đời nối tiếp.
Thanh niên Hà Nội đang sống chết giữ Hà Nội, nhất định, không bao giờ vì những khẩu hiệu, vì ảo vọng cách mạng, vì thích làm lịch sử, vì chủ tịch Hồ Chí Minh, vì những thúc giục phù du, mà phần lớn chỉ vì thành phố của mình, nơi mình sinh trưởng, nơi mình ghi khắc kỷ niệm, nơi mình biết yêu và được yêu. Người ta chiến đấu cho tình yêu trước hết. Vũ sẽ chiến đấu cho tình yêu. Mà tình yêu Thúy là lý tưởng chiến đấu tuyệt đối. Không vì tình yêu, không ai say mê chiến đấu. Không vì tình yêu kẻ chiến đấu giống hệt gã điên rồ bắn bừa, chém bậy. Và khi chiến thắng trở về, lòng kẻ đi chiến đấu sẽ trống rỗng, quạnh hiu. Thường là chiến bại. Bởi có gì mong đợi mình chiến thắng trở về? Chiến đấu cho tình yêu, chết cho tình yêu, đó là ý nghĩa rạng rỡ nhất của cuộc sống một người.
Vũ chấp nhận chiến đấu. Để bảo vệ thị xã thân yêu của Vũ. Để bảo vệ người thân yêu của Vũ. Để dòng sông Trà Lý muôn thuở êm đềm. Để cầu Bo muôn thuở vững chãi. Để hàng cây hồi con phố nhà Thúy muôn thuở ngát thơm. Và để mãi mãi yêu Thúy. Nhưng, có lẽ, Vũ không cần chiến đấu. Giặc Pháp sẽ bị đuổi khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Bộ. Giặc Pháp sẽ bị đuổi khỏi Việt Nam. Giặc Pháp khó mà bén mảng sang Thái Bình.
24.
Thế là hết hy vọng giữ Hà Nội. Giặc Pháp đã chiếm gọn thủ đô. Quân ta không kịp tiêu thổ kháng chiến. Tự Vệ Thành bị đánh bật khỏi thành phố kỷ niệm của mình. Dân Hà Nội tưởng chạy giặc năm bữa, nửa tháng sẽ hồi cư. Đành ngước mắt đẫm lệ nhìn Hà Nội trong tay thù rồi tản cư sống đời áo nâu, biệt ly gấm hoa, làm những chuyến phiêu lưu vô định. Giã từ Hà Nội. Theo thác lũ người Hà Nội giao thành phố cho giặc chiếm đống, có kẻ cảm khái hẹn về:
Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hao
Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về trở về chiếm lại quê hương
Hà Nội mất, khắp nơi xúc động. Hải Phòng cũng mất luôn. Các chiến sĩ thành Tô tạm biệt dòng sông Cấm. Những thành phố chưa bị giặc kéo tới được lệnh tiêu thổ kháng chiến. Nam Định rục rịch phá nhà, đốt cháy dinh thự. Những cây cầu quan trọng, những khúc đường rầy bị giật sập, lột lên. Thái Bình còn ở quá xa nên chỉ chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến và chờ đợi chiến đấu tiêu diệt giặc. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp. Khẩu hiệu đầy lửa và tin tưởng. Sinh hoạt không có gì thay đổi. Phố xá vẫn buôn bán tấp nập. Trường học vẫn mở cửa. Báo Cứu Quốc kêu gọi toàn dân đoàn kết kháng chiến chống Pháp và cho rằng mất Hà Nội không thể mất Việt Nam. Quân ta sẽ tống cổ giặc Pháp khỏi thủ đô ngày gần đây.
Hôm nghe tin Hà Nội thất thủ, Vũ thả bộ đến nhà Thúy. Hai tay thọc túi quần, Vũ cúi đầu lặng lẽ đi. Nhiều sợi khói buồn vướng ở mắt Vũ. Hà Nội chiến đấu anh dũng thế mà còn bị mất thì dễ gì Thái Bình giữ nổi? Câu hỏi luẩn quẩn trong đầu óc Vũ. Nhất là lệnh tiêu thổ kháng chiến. Không để một căn nhà, một hàng cây, một viên gạch nào lọt vào tay giặc. Phá đổ, đốt cháy hết trước khi giặc tới. Giặc tới với những đống gạch hoang tàn, với những hàng cây ngã gục thê lương. Giặc đến với đồng không, nhà trống. Như vậy, thị xã của Vũ sẽ bị thiêu hủy. Con đường số IO từ bến đò Tân Đệ xuyên qua phố chính, qua cầu Bo sang Hải Phòng sắp bị đào xẻ. Và những cây cầu sắp bị gài mìn cho nổ tung. Vũ thương cầu Bo vô vàn. Chắc rồi cầu Bo cũng bị giật tung. Vũ sẽ khóc hết nước mắt. Sự chia lìa, ngăn cách, đổ vỡ, mất mát không còn mơ hồ cảm thấy nữa. Nó đã hiện dần, rõ ràng, đắng cay và ác nghiệt. Nỗi ám ảnh tưởng đã trốn mất, lại xuất hiện. Vũ không thể tin rằng thị xã của Vũ vẫn nguyên vẹn những hình ảnh thân yêu khi chiến tranh lướt qua. Vũ chớp mắt nghe lòng dậy lên những xót xa, bùi ngùi.
Đã đến cửa nhà Thúy. Vũ không muốn gặp Thúy ngay. Vũ đứng dựa lưng vào thân cây hồi quen thuộc, ngẩn ngơ như cậu trai vừa biết yêu đã thất tình. Cánh cửa sổ mở rộng. Thúy đang mong Vũ, chờ Vũ tới sớm hơn giờ hẹn. Thúy xuýt phì cười thấy Vũ lim dim đôi mắt.
- Vũ ngủ gật đấy à?
Vũ mở mắt. Khuôn mặt Thúy hiện giữa khung cửa sổ một sáng nắng hiền tỉnh lỵ đẹp tựa chiêm bao. Gió ngoan bỗng luồn qua lá hồi. Gió yêu lá. Gió và lá thầm thì tình tự. Chẳng biết gió và lá có nghĩ ngày xa nhau, ngày tiêu thổ kháng chiến, ngày cây gục đổc, lá úa vàng chết và gió đậu trên những đống gạch vụn nát tương tư lá?
Thúy giơ tay vẫy:
- Lại đây, Vũ.
Vũ dời thân cây hồi, chậm chạp bước tới. Cánh tay Thúy vẫn để ra ngoài song cửa. Vũ cầm cánh tay nõn nà của Thúy bằng cả hai tay mình. Và một bàn tay Vũ mơn man bàn tay Thúy. Vũ nâng niu bàn tay Thúy, nâng niu mùa xuân của mình.
- Vào nhà với Thúy đi!
- Vũ đứng ngoài được rồi.
- Sao hôm nay Vũ buồn thế?
- Vũ buồn à?
- Ừ, buồn ghê. Mắt Vũ như dính nước mắt. Vũ vừa khóc, hở?
- Không.
Vũ cười. Nụ cười không giống nụ cười hôm qua:
- Thúy bảo Vũ không biết buồn mà?
Thúy nói:
- Nhưng hôm nay Vũ buồn.
Vũ nhớ vụ lụt năm ngoái, một mình chống bè vào phố nhà Thúy. Vũ buông sào, ngồi giữa bè thổi "ác mô ni ca". Tiếng nhạc lan tỏa trên mặt nước. Một vùng ánh sáng từ khung cửa sổ nhà Thúy đủ soi sáng lối dẫn Vũ tới thế giới thần tiên của Vũ. Tay Vũ lạnh. Tay Thúy làm ấm tay Vũ. Mùa xuân Thúy làm ấm mùa đời Vũ. Ngọn cỏ Vũ ngậm giọt sương Thúy long lanh. Và giọt sương đó, bây giờ, muốn tan biến muốn bắt ngọn cỏ héo hắt, úa vàng. Nắng lửa thích làm tan rã những giọt sương mai. Chiến tranh thích làm cuộc đời héo hắt, mòn mỏi.
- Dạo ấy vui, Thúy nhỉ?
- Dạo nào?
- Dạo Vũ nhốt con chim khuyên vào túi quần "xoóc" đem cho Thúy ấy. Thúy nuôi chim bằng cái ấm tích. Vũ ăn cắp cái lồng bẫy chim khuyên của thằng Hội, nhớ chưa?
Giọng Vũ chìm trong xa vắng:
- Dạo ấy chưa có đảo chánh, cách mạng... Dạo ấy chẳng ai nghĩ chuyện chiến tranh, chẳng ai nghĩ có ngày thị xã mình sẽ bị tiêu thổ kháng chiến.
Thúy hỏi:
- Tiêu thổ kháng chiến là gì?
Vũ buồn buồn:
- Là mình phải đập phá nhà mình, chặt cây hồi trước cửa nhà mình, giật đổ cầu Bo.
Thúy chớp mắt:
- Rồi mình ở đâu?
Vũ thẫn thờ:
- Mình dời thị xã mà đi như dân Hà Nội bỏ Hà Nội mà đi. Gọi là tản cư đó, Thúy ạ! Tản cư là yêu nước.
- Mình tản cư đi đâu?
- Không biết.
- Thúy không muốn đi đâu. Tại sao mình phải bỏ nhà mình?
Thúy quên mất lời ông Chủ tịch Thái Bình mà hôm nào ở bờ sông, Thúy đã nhắc Vũ. Đôi mắt Thúy cũng đã vướng khói buồn.
- Không giữ thị xã mình à?
Vũ khẽ lắc đầu:
- Chỉ còn hy vọng.
- Hy vọng gì?
- Pháp đừng về Nam Định. Pháp về Nam Định là Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Cả trường học cũng bị tiêu thổ.
- Phá trường học?
- Phá luôn nhà thương.
- Phá tất cả?
- Phá hết.
Thúy sững sờ nhìn Vũ:
- Mình sắp xa nhau?
Vũ nghẹn ngào:
- Mình sắp xa nhau...
Trái cây tưởng chín dần và ngon ngọt. Nhưng trái cây đã chín thật nhanh và làm ê răng Vũ, ê răng Thúy. Chưa bao giờ Vũ nghĩ có lần Thúy nói một câu ngắn ngủi mà buồn não nuột. Tháng giêng vừa tới hiền dịu đã tháng năm quái ác. Và tháng chạp sầu thảm gần kề. Cuộc đời tỉnh lỵ sắp bị bão táp thổi tung, cuốn mất hút. Vũ nắm chặt tay Thúy:
- Chắc giặc Pháp không sang Thái Bình đâu, Thúy ạ!
Thúy đưa cánh tay trái, luồn nốt qua song cửa, đặt lên vai Vũ:
- Thế là không tiêu thổ?
- Tiêu thổ cũng không sợ nếu giặc đừng tới. Mình phá rồi mình làm lại.
- Những cây hồi trồng lâu lắm.
Vũ lặng thinh. Những cây hồi trồng tự đời nào nhỉ? Có lẽ, tuổi cây nhiều hơn tuổi Vũ.
- Mình không phải xa đây thì những cây hồi sẽ mau lớn.
- Nhỡ người ta không trồng hồi thì sao?
Vũ rời tay Thúy. Xót xa đùn dần ngập lụt tâm hồn Vũ. Vũ quay mặt ra đường:
- Vũ về đây.
Bàn tay Thúy không còn đặt trên vai Vũ nữa. Biên giới ngày mai giống hệt khung cửa sổ. Khung cửa sổ đóng kín mít, không tỏa nổi một chút ánh sáng. Rồi Vũ chỉ biết nhớ Thúy. Vũ sẽ khóc. Vũ chạy ra đường. Vũ chạy nhanh lẩn trốn một ưu phiền đang đuổi Vũ. Thúy nhìn theo. Đôi mắt vướng thêm bụi. Đôi mắt chớp mau. Hạt bụi không chịu trôi theo nước mắt.

 

 

25.
Lại một lớp vôi mới quét khắp tường phố thị xã. Những khẩu hiệu cũ được quên đi. Cách mạng làm cho những bức tường dầy thêm nhờ những lớp vôi mới. Nét chữ của các anh ở phòng thông tin mỗi ngày một đẹp vì viết khẩu hiệu luôn luôn. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp. Khẩu hiệu máu lửa này đã bị khẩu hiệu Tản cư là yêu nước đè lên. Tiêu thổ kháng chiến là yêu nước, khẩu hiệu xoáy vào da thịt từng người. Khẩu hiệu gợi đổ vỡ và chia ly. Người Hà Nội, người Hải Phòng lác đác tản cư về Thái Bình. Rồi người Thái Bình tản cư về đâu? Nỗi buồn không thấy diễn tả trong những khúc hát, câu thơ. Kháng chiến như một viên ngọc đánh bóng rực rỡ, nhưng một phép tích mầu nhiệm. Chung quanh nó được vây kín bởi lớp sương mầu lãng mạn tạo nên những rung động tuyệt vời.
Lúc kháng chiến xa nhà nhịp theo đời sống mới
Người đi tìm chân trời nơi miền quê
Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
Người vui đời áo nâu
Quên hết u sầu
Và đoàn người đi miên man trên đường gian nan
Người bàng hoàng đưa câu ca theo nhịp chân không...
Lớp sương mầu lãng mạn ấy không thể làm yên tâm những người còn ở lại với thành phố nguyên vẹn của họ. Giã từ chỉ là chuyện cam đành, không bao giờ là ước vọng. Giã từ thành phố kỷ niệm của mình, giã từ đống gạch vụn, hàng cây gục đổ như giã từ một tình yêu thắm thiết. Dân Thái Bình sẽ đau đớn lắm nếu phải phá hết phố phường, theo nhịp chân không, lang thang trên nẻo đường gian nan vô định. Mái nhà tượng trưng cho gia đình. Không người Việt Nam nào không yêu mái nhà. Bán nhà đã rỏ máu mắt. Phá nhà sẽ quặn thắt ruột gan. Bên Nam Định, dân chúng đang thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến. Nhiều cây cầu trên đường Phủ Lý – Nam Định đã bị giật sập. Nhưng Nam Định chưa tiêu thổ xong thì giặc Pháp đã kéo về, chiếm thành phố một cách dễ dàng. Nam Định mất. Hà Nội mất. Hà Nam mất. Phủ Lý mất.
Thái Bình hoảng sợ. Cả thị xã náo động. Chợ búa nghỉ họp. Hiệu buôn đóng cửa. Trường học khép kín. Thị xã biến thành thị xã chết. Không một nụ cười. Những khuôn mặt ngơ ngác nhìn nhau. Trong nhà Vũ, mọi người đi lên, đi xuống. Bố Vũ ngồi yên, đưa tay bóp trán hàng giờ. Dì Vũ tìm kiếm va ly, sắp xếp quần áo rồi lại dỡ tung ra. Mới đầu, bà tính chỉ mang theo những thứ cần thiết. Cuối cùng, thứ nào cũng cần thiết nên không biết mang theo thứ nào. Bà lấy tiền chia cho chồng một khoản, mỗi đứa con một khoản, dặn cất kỹ nếu chạy giặc thất lạc thì có tiền mà ăn. Dì Vũ khóc. Thằng Khoa bình tĩnh nhất. Nó an ủi mẹ:
- Tụi nó không dám sang đây đâu.
Mẹ nó mắng:
- Ranh con, mày biết cái gì!
Khoa nói:
- Nó sang Thái Bình là nó chết. Mồ chôn tụi thực dân ở Thái Bình. Con không chạy giặc đâu. Con ở lại với anh Vũ chiến đấu.
Vũ vỗ vai Khoa:
- Có lẽ, anh ở lại.
Khoa hỏi:
- Còn em.
Vũ đáp:
- Em tản cư với bố mẹ.
Dì Vũ quát ầm ỹ:
- Câm mồm hai đứa ngay. Chúng mày có nước đánh chó!
Bố Vũ đã dời khỏi ghế. Ông nói:
- Xem tình hình ra sao, mai mốt gia đình mình về Tường An. Vũ không được cãi dì.
Vũ lễ phép:
- Thưa dì, con đã lớn.
Dì Vũ dịu giọng:
- Con đừng dại dột học đòi làm anh hùng rơm.
Vũ muốn nói cho bố và dì hiểu rằng Vũ không thích làm anh hùng thật hay anh hùng rơm. Vũ đã xem xử tử ông Ban, đã chứng kiến anh phụ trách thiếu nhi thị xã đâm chết Tầu phù và Vũ ghê rợn. Vũ yêu thị xã, yêu mái nhà, yêu những người thân thiết nên Vũ sẽ ở lại cùng mọi người chung tình yêu với Vũ bảo vệ thị xã Thái Bình. Nhưng Vũ biết dì Vũ thương Vũ, bố Vũ thương Vũ và không bao giờ để Vũ ở lại. Nên Vũ không nói. Vũ lẳng lặng ra phố. Thằng Khoa chạy theo:
- Anh ở lại chiến đấu chứ?
Vũ gật đầu:
- Anh sẽ ở lại.
Như năm nào, đội bóng của Vũ trả thù đội bóng An Tập, Khoa đi cổ võ anh: dằn dò "đơ-dzê rô nhé", Khoa lại dặn dò:
- Hạ hết tụi dân mũi lõ, anh nhé!
Vũ vẫy tay:
- Em vào nhà kẻo mẹ quýnh lên. Anh đi nghe tình hình.
Vũ tới ngã tư, gặp đủ mặt bạn bè đang tụ họp bàn chuyện đánh Pháp. Luyến huyênh hoang:
- Mình chờ sẵn chúng nó ở bến đò Tân Đệ rồi. Yên chí đi, tụi nó sẽ chết ngập sông Hồng.
Lộc xăn tay áo:
- Dân Nam Định hạng bét mới để mất thành phố. Tao sẽ noi gương Tự Vệ Thành.
Vũ kéo Côn, bỏ rơi bạn bè. Hai đứa lên cầu Bo, thả tầm mắt ngắm nóc nhà thờ Sa Cát. Ổi Bồ Xuyên mùa này ngon lắm. Dòng sông trước mặt, dường như, rộng ra, mênh mông. Vũ khoác vai bạn:
- Mày có ở lại không?
- Có.
- Chúng mình sẽ đục thủng tường xuyên qua nhà nhau.
- Mẹ tao về Ô Mễ rồi. Mai bố tao về. Tao sẽ trốn, ở lại. Thị xã lập đoàn Thiếu Niên Xung Phong. Chúng nó ghi tên tấp nập.
- Tại sao mày ở lại?
- Vì mày ở lại, chúng nó ở lại. Chúng mình không thể xa nhau. Ở lại để được gần nhau.
- Mày cũng sợ xa nhau à?
- Ừ, tao không muốn xa mày, Vũ ạ! Có nhiều thứ làm tao khó lòng xa thị xã. Trường mới đóng cửa tao đã buồn rồi. Ở lại, tao chẳng sợ gì, chỉ sợ tiêu thổ kháng chiến. Cầu Bo bị giật chắc tao điên mất. Chúng mình đã đi mòn cả cầu. Mấy hôm nay xe hàng không chạy, tao nhớ mùi khói quá. Mày có gia nhập đoàn Thiếu Niên Xung Phong không?
- Không. Tao giữ phố nhà tao và hàng hồi...
Vũ sợ Côn buồn, không nói rõ hàng hồi nhà Thúy. Vũ tiếp:
- Mà đã chắc gì phải đánh nhau.
Côn nắm tay bạn:
- Vũ này...
Vũ chớp mắt:
- Gì?
- Tao hỏi mày một câu nhé!
- Hỏi đi?
- Nếu chúng mình không được ở lại, mọi người không được ở lại, chúng mình sẽ xa nhau bao nhiêu lâu?
- Chịu.
- Thí dụ xa nhau năm năm, gặp nhau, chúng mình còn thân nhau không?
- Vẫn thân nhau.
- Còn "mày tao" không?
- Còn.
- Tao sợ xa nhau lâu, chúng mình thành người lớn, gặp lại nhau sẽ ngỡ ngàng.
- Nhưng chúng mình không xa nhau.
- Vũ ạ!
- Gì?
- Rồi chúng mình sẽ xa nhau.
Câu nói của Côn giống câu nói của Thúy. Ngắn hơn hai tiếng. "Mình sắp xa nhau". Thúy đã nói với Vũ thế. Và Vũ buồn khôn tả. Vũ phải chạy trốn nỗi buồn. "Rồi chúng mình sẽ xa nhau". Côn lại bắt Vũ buồn thêm. Vũ chợt nhớ thầy Đàn nhớ những người bỏ đi sau những đêm lùng bắt Vencuzenđơ. Từ cách mạng, xẩy ra vô số chia ly. Trước đó, không ai nghĩ chuyện chia ly hay dời bỏ thị xã phiêu bạt phương trời mù mịt. Tỉnh lỵ như một cái nôi êm ái ru ngủ đời sống. Cái nôi đu đưa nhẹ nhàng, đều đặn. Đời sống ít phiền muộn, nhiều thiết tha. Và hạnh phúc bình thường, đơn giản. Bây giờ, phiền muộn nhiều, sót sa lắm. Ngay cả những người mình tưởng sống gần gũi nhau tới già cũng nói chuyện sẽ xa mình mãi mãi, xa đến ngỡ ngàng vời vợi.
Vũ ghì chặt bạn:
- Tao không muốn xa mày.
Côn lặng thinh. Gió thổi tung tóc hai người niên thiếu. Một lát, tưởng chừng rất lâu, nỗi buồn như gió lướt nhẹ trên mặt nước. Nỗi buồn dàn trải dài hun hút, thấm sâu vô tận. Côn kéo tay Vũ:
- Về đi. Đứng đây tao khóc mất.
Đến giữa phố chính, Côn chia tay bạn, dặn dò:
- Tối nay sang nhà tao chơi.
Vũ men theo vỉa hè, lầm lũi bước, định rẽ vào nhà Thúy. Nhưng tới đầu phố, Vũ ngập ngừng. Vũ sợ buồn. Tỉnh lỵ đang ngập lụt nỗi buồn và Vũ là chiếc bè chuối lênh đênh trên nỗi buồn đó. Những người khác đang chới với dưới dòng nước lụt. Ôi, tỉnh lỵ của Vũ, quê hương của Vũ! Nô lệ, tù đầy, chết đói, chết no, roi vọt thực dân, kiếm thép phát xít, chân phù đồng minh, đảo chính, tai họa chiến tranh, dông bão, lụt lội, cách mạng, thù hận, nghi ngờ, kháng chiến, tiêu thổ và con nối tiếp những gì nữa? Ồ ào đã lắng đọng. Hoan hô đã chìm khuất. Đả đảo đã biến lặn. Lúc này chỉ còn cô đơn, mòn mỏi, hãi hùng. Vũ thương tỉnh lỵ Thái Bình, thương quê hương muôn vàn. Quê hương Vũ đó, muốn an phận chẳng xong. Cựa mình thoát số kiếp hẩm hiu lại thấy hẩm hiu hơn trong cuộc đổi đời. Vũ cúi đầu đi. Nghẹn ngào.
26.
Bắt đầu là cầu Kìm bị giật sập. Cầu Kìm nằm trên đường số 39 từ thị xã xuống phủ Kiến Xương, huyện Tiền Hải. Muốn qua làng Thanh Nê, quê hương cô Trương Quỳnh Như, người yêu mộng tưởng của Tiêu Sơn tráng sĩ Phạm Thái, phải qua cầu Kìm. Cầu Phúc Khánh trên đường số IO, đoạn Tân Đệ - Thái Bình; cầu Nghìn, cầu Đồng Bằng và nhiều cây cầu nhỏ bé không tên, đoạn Thái Bình – Hải Phòng, khuỵu ngã hết chân, nằm bất động như người tê liệt. Mặt cầu đổ nghiêng y hệt cái xác tầu đắm. Xe cộ không thể qua đi.
Đường số IO, chi chít hố chữ chi. Cứ cách vài trăm thước lại có vài chục thước hố, kéo dài mấy chục cây số. Xe tăng, tầu bò của giặc Pháp khó lòng sang Thái Bình. Lệnh tiêu thổ kháng chiến đã ban hành. Thời hạn phá hủy nhà cửa thật ngắn. Quá thời hạn ấn định, nhà nào không chịu tiêu thổ, chính phủ sẽ tiêu thổ giùm. Người ta định giật đổ cầu Bo nhưng gặp sự phản đối mãnh liệt của dân chúng mười hai phủ huyện. Các đại diện về thị xã trình bầy lý do xin chính phủ đừng giật đổ cầu Bo. Nếu giật đổ cầu Bo, nước lũ dồn ứ không thể thoát nhanh ra bể, đê điều sẽ vỡ lung tung.
Sau mấy ngày chờ quyết định của chính phủ, ông Chủ tịch Thái Bình báo tin vui: Không giật đổ cầu Bo. Người sung sướng nhất là Vũ. Thị xã mở màn tiêu thổ bằng cách đưa người họ hàng ở nhà quê lên vác cánh cửa, khuân bàn ghế, tủ, sập về quê mình, hy vọng sẽ hồi cư cùng với đồ đạc nguyên vẹn. Những gia đình quê gần thị xã còn cho người vác cả rui, mè, bậc của, đem về ngâm dưới ao, đợi khi kháng chiến thành công thì khiêng lên thị xã xây dựng lại nhà cửa. Tiêu thổ là những ngày thê thảm nhất của thị xã. Mỗi khuôn mặt là một nỗi đau khổ.
Người ta vừa khóc vừa phá vỡ nhà mình, phá vỡ công trình, phá vỡ ước vọng của một đời người dành dụm tiền bạc, gom góp công lao. Mồ hôi, nước mắt là gạch là vữa. Gạch vữa vụn nát dưới những nhát búa thương yêu! Căn nhà chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm của bao nhiêu đời người. Kỷ niệm ấy đang bị tiêu hủy tàn nhẫn theo lệnh chủ tịch Hồ Chí Minh: Không để một căn nhà, một mái hiên lọt vào tay giặc. Pháp chưa sang Thái Bình đã đổ vỡ, sầu thảm. Chúng sang Thái Bình, chắc chắn, còn đổ vỡ, sầu thảm gấp bội.
Dân Thái Bình đã quên hẳn lời nói hôm nào của Hồ chủ tịch: Pháp sang Thái Bình là có thái bình. Ngay cả những hứa hẹn thắng lợi trước ngày Hồ chủ tịch qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau, những huyền thoại thêu dệt quanh những ngày Hồ chủ tịch ở Pháp cũng được quên đi. Muối đang sát lên vết thương của dân thị xã. Ai thiết nhớ chuyện René Coty đứng trên tam cấp điện Élysée chìa tay bắt tay Hồ chủ tịch, Hồ chủ tịch lờ đi, đợi bước lên, đứng ngang hàng René Coty mới chịu bắt tay. Bây giờ, phá đổ nhà cửa chính mình gầy dựng là chuyện thấm thía đời đời. Và Hồ chủ tịch không về cùng dân Thái Bình chứng kiến cảnh tiêu thổ kháng chiến. Lúc này đây, Hồ chủ tịch về thị xã, Hồ chủ tịch sẽ chỉ được đón rước bằng những tiếng thở dài ảo não, những đôi mắt mờ lệ nuối tiếc. Hoa thật, hoa giấy đã là gạch vụn. Chẳng còn ai đủ tinh thần hoan hô Hồ chủ tịch nữa.
Cái đám dân vốn quen im lặng càng im lặng thêm. Nhiều người cố nán phá nhà để sống thêm với kỷ niệm ít ngày. Phố chính tiêu thổ làm gương. Nhà thương, Vọng Cung, dinh tổng đốc, công sứ cũ san bằng địa. Đền Mẫu hoãn tiêu thổ. Hai ông hộ pháp đứng nguyên với bộ râu bị dứt gần hết. Trong vòng tuần lễ, nhà cửa thị xã đổ nát quá nửa. Nhà thờ hoãn tiêu thổ. Cả dẫy trường học của các bà sơ cũng hoãn tiêu thổ luôn. Cuối cùng, thị xã còn mỗi đền Mẫu, nhà thờ, trường bà sơ và nhà Vạn Phát Tường chuyên làm bánh trung thu là thoát lệnh tiêu thổ kháng chiến. Bạn bè của Vũ theo gia đình tản cư về các phủ huyện thật xa hoặc về làng cũ. Chia ly khởi sự từ đây, khởi sự ngay mảnh đất quê hương mình. Côn đã xa Vũ rồi. Luyến, Lộc, Long đã xa Vũ rồi. Những hình ảnh thân yêu chìm khuất. Những sợi dây mật thiết quấn chặt đời Vũ lỏng dần và mất hút. Vũ không được ở lại giữ thị xã. Còn gì đâu mà giữ? Hàng hồi thấp nhỏ dẫu không bị đốn chắc sẽ chết vì buồn. Tất cả phải dời khỏi thị xã.
Mấy đêm chót, thị xã giống hệt bãi tha ma. Máy điện đã phá hủy. Cái hồ chứa nước cao ngất trong sân trường gục gẫy lưng chừng. Bao nhiêu cột đèn ngã rạp. Thái Bình chưa là mồ chôn giặc Pháp nhưng đã là mồ chôn hy vọng được sống an phận của nhiều người. Những ngọn đèn dầu le lói trên những đống gạch vụn bắt phát khóc. Dưới ánh trăng mờ, nhìn những bờ tường lởm chởm trông rợn tóc gáy. Chuột gián, cóc nhái chết tập thể. Chim muôn bỏ thị xã bay đi. Thật sự không còn gì. Và không ai ngờ sau cách mạng là một định mện khắt khe. Vũ nán lại thị xã bới bố. Bác phán Thụy dùng dằng chưa muốn tản cư. Mãi hôm người ta dọa ai không tản cư sẽ bị xử tử, những người cố tình nằm ở đống gạch nhà mình hít hà mùi đất mới chịu giã từ thị xã.
Vũ chạy sang nhà Thúy. Bác phán Thụy trai ngồi ngoài vỉa hè buồn thiu. Bác gái khập khễnh đi đi lại lại trên đống tường gạch ngổn ngang. Thúy đứng dựa lưng vô thân cây hồi, mắt đẫm lệ. Vũ bước nhẹ, đến cạnh Thúy. Im lặng. Vũ đưa tay đặt lên vai người yêu bé nhỏ. Thúy bỗng ôm chầm lấy Vũ, òa khóc. Tự bao giờ, Vũ chẳng rõ, bố đã tới và đang nhỏ to an ủi vợ chồng bác phán Thúy. Cũng là an ủi mình. Vũ áp má mình vào má Thúy. Má Thúy ướt nước mắt. Vũ vuốt ve tóc Thúy, vỗ về:
- Nín đi, Thúy.
Thúy ôm chặt Vũ, nức nở:
- Rồi mình có trở về không?
Vũ ứa nước mắt. Nước mắt nhỏ xuống tóc Thúy. Vũ hôn tóc Thúy. Vũ hôn má Thúy. Vũ hôn môi Thúy. Mùa xuân của Vũ không thể mất. Mùa xuân ấy đã ngự trị tận đáy hồn Vũ và chẳng một thứ lệnh nào bắt phá hủy nổi. Khi hương tóc Thúy, mật ngọt môi Thúy, ấm nồng da thịt Thúy còn làm Vũ xao xuyến, bâng khuâng, rạo rực ngay cả trên điêu tàn, đổ vỡ thì Vũ sẽ trở về làm lại được vùng trời tỉnh lỵ thân yêu cũ. Vùng trời rực rỡ hơn, hiền mộng hơn, thắm thiết hơn. Khoảnh khắc mơ ước tuyệt đời, Vũ thấy mình đầy phép tích linh thiêng. Vũ hôn lên mắt Thúy:
- Vũ sẽ trở về. Chúng mình sẽ trở về.
Vũ chỉ nói thế. Nhưng Vũ, và cả Thúy nữa, mơ hồ nghe tiếng trái tim Vũ thầm thì:
- Anh sẽ chiến đấu để trở về sống mãi bên em.
Gói hành lý ném trúng chân Vũ kèm lời hối giục:
- Hết giờ rồi, đi thôi con, kẻo nguy hiểm.
Vũ gỡ nhẹ tay Thúy ra. Đôi tay mảnh mai của Thúy còn dang rộng như muốn níu kéo. Vũ cúi xuống nhặt gói hành lý. Đôi tay Thúy rã rời, hụt hẫng.
- Giã từ Thúy.
- Giã từ Vũ.
- Tạm biệt em.
- Tạm biệt anh.
Vũ bước lùi. Bước lùi. Mắt Vũ mờ dần. Hình ảnh Thúy nhạt nhòa. Thúy trông theo. Vẫy vẫy. Sương mù đã phủ kín tỉnh lỵ. Sương mù giữa trưa nắng gắt. Chẳng ai nhìn rõ ai. Vũ đã băng qua một khúc rẽ.
7-1-1972
(Ngày kỷ niệm mười năm thành hôn)

HẾT


Xem Tiếp: ----