Dòng dõi một nhà hào trưởng ở Lam Sơn, Lê Lợi, tức Lê Thái Tổ, tự thiếu thời, vẫn đã học thông kinh sử, và có một chí khí to tát. Từ khi nước nhà có việc họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi đến giặc Minh sang giầy xéo đất nước, nhân dân phải lầm than khổ sở, Thái Tổ đã nẩy ra cái chí phục quốc cứu dân; ngày đêm thường nghiên cứu binh thư trận pháp, định tiềm tâm để chờ cơ hội. Kế đến công việc hưng phục của các vua Hậu Trần đều bị thất bại, người Minh quận huyện nước ta, ngày càng thi hành những chính lệnh hà ngược, trăm họ phải sống trong thuế nặng sưu cao, hình nghiêm phép dữ, Thái Tổ càng nhận thấy ở mình cái trách nhiệm trọng đại và thiêng liêng. Ngài thường buông thả tiền thóc để thu phục lòng người, lại hết sức khiêm cung để nạp các hiền sĩ trong thiên hạ.Khi đã mộ tập được một số người đồng chí, đêm đêm Thái Tổ thường ước hẹn vào một thung lũng trong rừng, bí mật bàn việc và cùng nhau nghiên cứu tướng lược binh cơ. Một mặt khác, ngài súc tích thóc lúa cho nhiều chờ ngày dùng đến. Song tính Thái Tổ trì trọng, làm việc hay cẩn thận kín đáo. Bởi thế Nguyễn Trãi để ý dò xết đến hàng năm mới biết được chí lớn của ngài. Từ khi được Nguyễn Trãi, thấy là người chẳng những có bầu nhiệt huyết, lại lắm mưu nhiều trí, và có một văn tài mẫn tiệp khác thường. Thái Tổ mừng rỡ vô cùng, coi như là Cao Tông gặp được Phó Duyệt, Văn Vương gặp được Lã Vọng, ngày đêm chỉ cùng Trãi bàn tính công việc.Rồi bọn quan Tàu cũng nghe tiếng Thái Tổ là vị hào trưởng một phương, rất được lòng người mến phục, bèn định lấy lợi lộc câu dử để thu ngài vào trong vòng sai khiến của mình. Họ sai sứ đến dụ ngài ra, hứa sẽ trao cho quan chức. Song Thái Tổ nhất định từ chối, nói rằng mình chỉ thích sống ở chỗ núi khe đồng ruộng, chăn nuôi cho đông đàn, cày cấy cho lắm thóc, đó là sở nguyện; còn về quan chức, sợ không đủ tài năng đương nổi, xin miễn đi cho.Sứ giả đi rồi, ngài nói với những người thân tín ở tả hữu rằng:- Đại trượng phu sinh ra ở đời, nên chống nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm về ngàn sau, sao chịu uốn mình đi làm tay sai cho kẻ khác!Bọn quan lại nhà Minh dụ mãi không được, lại dùng uy thế để doạ nạt, song Thái Tổ vẫn không vì thế mà sờn lòng; chán rồi bọn họ cũng thôi.Họ thôi, vì họ cũng vô tình không biết đâu rằng gã họ Lê ấy đương nuôi một cái chí hưng phục nước nam, sau đây làm cho cuộc đô hộ của họ ở phương nam phải đến tan tành và khiến bọn họ không còn một mảnh giáp để về nước cũ.Cuối năm đinh dậu (1417), binh lương khí giới đã dự bị đầy đủ, Thái Tổ bàn với các đồng chí chọn ngày khởi binh. Sau do ý kiến của nhiều người, quyết định ngày khởi nghĩa sẽ vào sơ tuần tháng giêng năm mậu tuất (1418).Muốn làm cho lòng người tin theo một cách vững vàng, không hồ nghi ở trước hai cái thế lực một bên rất mạnh và một bên còn yếu, Nguyễn Trãi nghĩ ra một kế giống như cái kế mảnh lụa viết chữ ở trong bụng cá của Trần Thắng đời xưa. (Cuối đời Tần; Trần Thắng nổi lên. Muốn cho lòng người tin theo, Thắng viết ba chữ "Trần Thắng vương" - Trần Thắng làm vua - vào mảnh lụa, giấu vào bụng con cá. Quân sĩ mổ cá thấy, cho là ý trời đã định, đều tin theo Thắng. Nhưng sau Thắng cũng bại). Trãi nhúng bút vào mỡ, viết lên rất nhiều những lá cây trong rừng, mỗi lá viết tám chữ này:- Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần: Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi.Sâu kiến cứ những đường mỡ mà ăn thủng lá, thành ra mỗi chiếc lá đều có những đường thủng thành hình 8 chữ này cả. Những kẻ vào rừng kiếm củi thấy thế, lấy làm thần dị, rồi kẻ nọ đồn đến người kia, đều cho là nhà Lê Lợi đáng vì thiên tử, đã định tự ý trời, nhân thế người ta theo về mỗi ngày càng đông.Sang năm mậu tuất, một ngày về thượng tuần tháng giêng, bầu trời trong như pha lê. Cả một khu rừng núi Lam Sơn, hôm đó rực rỡ bóng cờ tàn, vang lừng hồi chiêng trống. Đó là ngày ttế cờ khởi nghĩa rất long trọng oai nghiêm của Lê Thái Tổ. Thái Tổ đã chọn ngày hôm ấy nổi dậy nghĩa binh để dẹp giặc cứu dân. Các tướng sĩ tôn ngài lên ngôi vương, lấy hiệu là Bình Định Vương. Sau khi nhận chịu kiếm ấn và mọi lời hoan hô, Thái Tổ cắt đặt mọi người phù tá vào các ngôi tướng văn tướng võ. Các người ấy như là Lê Văn An, Lê Văn Linh, Lê Thận, Nguyễn Trãi, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Sí, Lê Sát, Là Triện; Trần Nguyên Hãn, Trịnh Lỗi, Lê Ngân, Đinh Lễ… mỗi người lĩnh một chức vị. Đoạn rồi ngài phát bố mệnh lệnh, chia quân đi đóng giữ các chỗ ách yếu, đồ việc tiến thủ.