Từ sinh hoạt mờ ám trong những nhà hát ả đào, đã làm nảy sinh những nghề nghiệp phụ thuộc khác, dần dà có mặt trên phố Khâm Thiên. Chẳng hạn những phòng chữa bệnh hoa liễu không giấy phép, những gian buồng ngủ cho thuê vội vã, những động thuốc phiện cho khách đi mây về gió, những ông bà thầy bói chuyên giải đoán tương lai cho những cô đầu ế ẩm muốn tìm một cuộc đời mới, và sau cùng là những tay anh chị đảm nhận công tác bảo vệ nhà hát, tháng tháng bắt các cô đóng hụi chết mới cho các cô hành nghề. Tuy thế, Khâm Thiên cũng được một lợi thế là thu hút khá đông giới văn nghệ sĩ, những nhà văn, nhà báo giầu tưởng tượng, như Vương Luân, dễ rung động với cảnh ngộ của người hồng nhan đa truân. Và vì vậy, hai chữ Khâm Thiên dần dần trở nên quen thuộc trong các tác phẩm văn học thời tiền chiến. Vương Luân hỏi chủ nhà: - Việc gì thế? Hễ làm được thì tôi làm ngay! Người đàn bà tuổi gần bốn mươi, từng một thời nức tiếng nhan sắc, bây giờ mở nhà hát đi độ nhật mà cái nét mặn màvẫn phảng phất. Chị chớp mắt mấy cái rồi hỏi: - Dạo này quan anh có hay gặp ông ký Đăng không, thưa quan anh? Nghe nhắc đến tên người bạn thân của mình, Vương Luân hơi lúng túng, ông đáp: - Lâu lắm tôi cũng chả gặp! Thế dạo này ông ký không ghé đây sao? Chủ nhà thở dài va đáp: - Vâng! Đi đâu mất biệt hơn nữa năm nay. Vì thế em mới phải phiền đến quan anh, vì biết quan anh là chỗ tri kỷ với ông ký. Năm ngoái, ông ký đến đây chơi với quan anh một bận dạo đầu năm, chắc quan anh còn nhớ? Sau ấy, ông ký đến đây một mình hai lần nữa. Rồi làtrốn biệt, chả thấy tăm hơi gì nữa! Ông Luân gật gù thông cảm. Thông lệ ở nhà hát là khách đến phải nộp tiền trước rồi đào mới hát. Giá cả thì mỗi nhà hát mỗi khác. Chỉ có những khách quen mới không bị áp dụng những thủ tục này, nghĩa là hát xong mới moi tiền ra trả. Nhiều ông lợi dụng chỗ quen biết để thiếu nợ rồi có khi trốn đi luôn vì trả nợ không nổi. Nhưng đó là nói chuyện người khác chứ trường hợp ông ký thì chắc không phải như vậy, bởi Vương Luân biết bạn ông không nghèo đến nỗi phải bỏ trốn. Bạn ông vắng mặt vì một lý do khác mà ông không thể nói ra. Ông hỏi dò xét: Thế ông ký có hẹn hò gì với chị không? Người đàn bà cười buồn đáp: - Quan anh hiểu lầm chúng em rồi! Có hứa hẹn gì đâu! Hay nói đúng ra là có gì đâu mà hứa hẹn! Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, ông ký nợ nhà hát chúng em hai chầu, hơn nữa năm nay không giả, cũng chẳng có nhời nào với chúng em! Cái Tuyết nó ngóng mỏi cổ từng ngày mà ông ký chả đến. Ông ấy còn nợ nó nhiều lắm, mà bố mẹ nó thì đang cần tiền chạy thuốc... Chủ nhà ngưng lại một chút nhìn ông Vương Luân và Minh dò phản ứng. Vương Luân buột miệng nói: - Thế mà tôi cứ tưởng... Hóa ra ông ấy thiếu nợ! Chủ nhà tiếp: - Vâng! Năm hết tết đến, em mới đánh bạo nhờ quan anh, hễ có dịp gặp ông ký thì nhắc hộ chúng em một tiếng! Vương Luân thở dài một tiếng chia xẻ: - Được! Hễ gặp, tôi sẽ nói hộ! Rồi ông kéo Ming bước đi. Chủ nhà còn bước theo níu kéo thêm: - Trăm sự nhờ quan anh giúp cho. Chúng em chả dám quên ơn! Hai người đi bộ dọc theo lề đường. Ngang qua một cửa hàng đông khách, Minh né hẳn xuống lòng đường vì thấy cha ông mù đang kéo nhị hát xẩm, giọng ca rất ai oán. Hai bố con nhà này cừ quanh quẩn làm ăn ở khúc đường này từ ngày Minh dọn đến, và Minh đã bố thí cho họ cũng khá nhiều lần vì tội nghiệp đứa con mới mấy tuổi. Bây giờ Minh đã bớt đi nhiều xúc động vì thiên hạ bảo cho anh biết, đứa trẻ không phải là con ông, mà chỉ là sự kết hợp thương mại mà thôi. Đi thêm một quãng đường, Vương Luân hỏi Minh: - Cậu biết ông ký Đăng không? - Thưa biết. Đệ có gặp một lần ở nhà ông phán Quát! Thế mà tôi quên đấy. Rồi Vương Luân hạ giọng nói nhỏ hơn: - Đang việc ở tòa Bố, Đăng bỏ đi biệt tích. Lúc đầu, người ta bảo tôi là Đăng vào Sài Gòn lặp nghiệp vì có ông chủ mở hiệu ăn trong ấy phát tài lắm. Tôi tưởng như thế. Mãi về sau mới biết Đăng theo hội kín. Nghe nói bây giờ đang ở Hồng Kông... Minh buột miệng vhen vào: - Ở Hồng Kông thì chắc là Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội? Vương Luân gật đầu: - Tôi cũng chả rõ! Nhưng thời buổi này, phi Thanh Niên Cách Mệnh thì là Quốc Dân Đảng! Hội kín bây giờ chỉ có hai nhóm ấy là đáng kể! Minh không muốn góp ý kiến vì muốn giấu hoạt động bí mật của mình. Anh biết rõ Vương Luân là người ít bận tâm đến thời cuộc, mặc dù ông là nhà báo, giao du rộng, kiến thức nhiều. Ngẫm nghĩ một chút, Minh hỏi thêm: - Nhưng sao tiên sinh biết làông Đăng theo hội kín? Biết đâu ông ấy vào Sài Gòn lập nghiệp thật? Vươgn Luân đáp ngay: - Tại vì mật thám lôi vợ con ông ấy lên thẩm vấn mãi! Cả mấy người bạn thân cũng bị hạch sách suốt mấy tháng giời! Phán Quán cũng bị hỏi. May mà chúng nó không ngó đến tôi! Rồi Vưong Luân phân trần giùm bạn: - Đăng không phải là người tệ. Chắc là đi bất ngờ nên mới thiếu tiền nhà hát! Thư thả rồi tôi sẽ trả giúp món nợ ấy! Cả hai củng im lặng. Rồi Vương Luân nhận xét bằng giọng ngậm ngùi: - Đang sống một cách an lành, ăn chơi cũng thuộc loại có tiếng, thế mà bỏ hết, băng rừng vượt suối để đi tìm cách mạng! Hay thật! Sau câu khen ngợi kín đáo ấy, hai người im lặng đi bên nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Ngang qua rạp hát Vĩnh Lạc mới khai trương cách đây gần hai năm, Vương Luân tự dưng phát biểu một câu mà Minh thấy rõ là ông muốn giải tỏa mặc cảm trong lòng. Ông bảo: - Muốn chống Tây, chả nhất thiết là cứ phải chui vào hội kín bỏ nhà lên rừng hoạt động. Mỗi người một cương vị, một hoàn cảnh. Viết báo thư như anh em mình cũng là một cách mà có khi còn hữu hiệu hơn là cầm súng bắn một thằng Tây! Cậu nghĩ có phải không? Minh đáp cho qua chuyện: - Vâng! Thì mỗi người một hoàn cảnh! Về gần tới nhà Minh thì có chiếc xe kéo dừng lại mời. Vương Luân bắt tay Minh từ giã, nói vài lời chúc Tết rồi leo lên xe. Minh đứng nhìn theo một chút rồi thả bộ về. Từ xa, Minh giật mình nhìn thấy cái Nhi con bà dì, đang đứng chờ anh trước cửa. Anh bước nhanh lại. Cái Nhi lao tới và nói: - Anh đi đâu, để em chờ mãi? May cho anh đấy! Anh mà về chậm một chút là em bỏ về rồi! Dứt lời, Nhi cúi xuống nhắc cái giỏ mây chất đầy quà bánh trong đó. Minh sửng sốt kêu lên: - Ôi chao! Sao mà cho anh nhiều thế này! Anh chả dám nhận hết đâu! Cô đem về bớt đi, nói là anh có lời cảm ơn dì và cả nhà! Vốn tính hồn nhiên, Nhi cười và bảo: - Mở cửa lên gác đi đã. Rồi em nói chuyện! Minh đẩy cái cửa gỗ và đỡ cái giỏ cho Nhi. Lên lầu, cô lấy quà ra bày hết lên trên mặt bàn. Hai cái bánh chưng vuông, hộp mứt ngũ vị, một cân giò gói lá chuối, một lò chè bọc trong giấy kín đỏ và một chai rượu mùi. Quà Tết này thì hậu hĩ quá đối với một thanh niên độc thân quanh năm đạm bạc. Minh nhắc lại một lần nữa: - Sao mà năm nay dì cho anh nhiều quá vậy? Mình anh ăn bao giờ cho hết! Đem về bớt đi. Anh chỉ xin dì cái bánh chưng thôi! Nhi ngồi xuống mép giường, cầm tờ báo phe phẩy quạt mồ hôi. Quãng đường khá xa, cái giỏ nẵng trĩu làm ướt đẫm cả lưng áo. Cô nói: - Mẹ em chỉ cho anh cái bánh chưng ngọt thôi! Bánh chưng nhà gói lấy, những thứ khác là của người ta biếu cho anh, không phải của mẹ em! Minh tròn mắt ngạc nhiên: - Người ta là ai? Sao lại cho anh nhiều quà thế này? Nhi buông tờ báo, chậm rãi nói: - Năm ngoái năm kia, em cứ nghe mẹ kể mãi về cái việc anh đứng ra bên vực chị Lụa ở Hải Ninh để làng khỏi bắt vạ chị ấy tội chữa hoang! Em đâm ra tò mò muốn gặp chị ấy mà chả cách nào gặp được. Bỗng dưng trưa nay chị ấy đến nhà em, đem quà Tết đến biếu anh!... Minh sửng sốt ngắt lời: - Thật không? Cô nói thật đấy chứ? Chị Lụa dưới Hải Ninh lên tìm anh? Nhi gật đầu nhấn mạnh: - Không thật thì giả ư? Em có biết chị ấy là ai đâu! Mẹ em biết, chứ em có mấy khi về làng mà biết!... Chị ấy đi với chồng, lên tìm anh. Em bảo anh không còn ở nhà em nữa... Minh lại sửng sốt ngắt lời: - Đi cới chồng? Chị ấy có chồng rồi ư? Lấy ai thế? Nhi nói cho hết cái ý của mình: - Em định đưa anh chị ấy lại đây gặp anh, nhưng chị ấy ngại. Chị ấy gởi quà lại nhà em rồi về Hải Ninh ngay! Chị ấy dặn đi dặn lại em là nhờ em gởi nhời cảm ơn anh! Minh lặng thinh ngồi xuống ghế, nhớ lại cả một hoạt cảnh kỷ niệm hơn hai năm trước. Chờ Nhi nói xong, Minh nhắc lại: - Có chồng rồi à? Lạ nhỉ! Hay anh chồng ấy chính là bố đứa bé? - Vâng! Chứ còn ai nữa! Anh ấy xem ra cũng hiền lành, nhắc mãi là nhờ em gởi nhời cảm ơn anh! Hai người ngồi nói chuyện với mẹ em lâu lắm! Minh mơ màng nhắc lại: - Thế thì mừng cho chị ấy! Cô có biết chồng chị ấy là ai không? Người Hải Ninh hay người ở đâu? - Chứ còn người ở đâu nữa? Nghe mẹ em bảo là con giai ông chánh tổng Hải Ninh mà lại! Minh ồ lên một tiếng rồi nói: - Thì ra là con trai cụ chánh tổng! Dạo ấy sao không xong ra nhận quách cho xong? Bây giờ mới nhận! Minh bỏ dở câu nói, nhớ lại cái hôm chức sách Hải Ninh ngồi xử Lụa ngoài đình, cụ chánh đã lớn tiếng quát nạt Lụa chữa hoang. Không ngờ chính con trai cụ là thủ phạm! Cũng may nhờ có Minh phá đám, Lụa không phải khai tên người đã ngủ với Lụa. Chứ giá hôm ấy Lụa tiết lộ ngay ở sân đình thì cụ chánh chỉ có nước độn thổ! Bất giác Minh mỉm cười và nói vu vơ: - Như thế cũng hay! Hóa ra ngày ấy Minh không phải cứu chị Lụa mà là cứu con trai cụ chánh! Hay là cụ chánh ngày ấy đã biết rồi mà còn giả vờ xử án Lụa? Nhi chen vào: - Như thế thì chắc quà này là của ông chánh gởi biếu anh chứ chả phải của chị Lụa!... Mẹ em bảo là hai người lấy nhau, ông chánh không bằng lòng, nhưng họ cứ lấy. Ông chánh nổi giận đuổi con giai đi! Thành thử bây giờ anh chị ấy đem nhau sang làng bên ở! Minh ngẫm nghĩ rồi đưa ra nhận xét: - Có thể cụ chánh vì xấu hổ với xóm làng nên mới phải đuổi con. Nhưng cụ giàu lắm, thể nào chả chu cấp cho con. Không có vốn thì lấy gì đi nơi khác lập nghiệp! - Nhi ngẩng lên hỏi: - Anh chắc biết con giai cụ chánh chứ? - Biết! Anh Phú chứ ai! Hơn anh độ hai tuổi. Anh ấy thì hiền lành thật, khác hẳn tính bố... Nghĩ cũng thương cụ chánh, sáu người con chỉ có mỗi anh Phú là con giai. Bao nhiêu hy vọng đặt vào đấy! Không ngờ lại phải lòng chị Lụa đã có chồng có con rồi! - Nhưng chị ấy còn đẹp lắm. Em mới gặp lần đầu mà em đã giật mình. Hai con mà như thế thì hiếm lắm! Mẹ em bảo là chắc dạo này có của, nên ngày càng đẹp ra! Đã chắc gì cưới người còn con gái mà được như vậy! Em thấy anh chị ấy có vẻ hạnh phúc lắm! Minh nhấn mạnh: - Cô biết tính anh mà! Anh luôn luôn chống lại mọi thủ tục khắc khe của các cụ, trai tơ không được lấy gái góa! Thích ai thì cứ lấy, tại sao lại cấm con trai không được lập gia đình với người đã có một đời chồng? Bàn xong câu chuyện hấp dẫn, Nhi nhìn ra cửa sổ rồi đứng dậy từ giã: - Em phải về đây! Bao nhiêu việc ở nhà! Tết, anh nhớ lại nhà em chơi ở luôn ba ngày Tết cho vui! ở đây một mình buồn chết! Minh đưa Nhi xuống thang gác và bảo: - Anh gởi lời cảm ơn dì. Tết thể nào anh cũng lại mừng tuổi cả nàh! Nhi đi rồi, Minh chạy sang bên kia đường, ngồi nói chuyện với lão Sửu. Anh định bụng Tết năm nay, đến nhà vui xuân với ông Sửu, anh sẽ đem theo tất cả món quà mà Lụa vừa tặng cho anh. Tối ba mươi Tết, Minh đang sửa soạn bàn thờ để cúng giao thừa thì nghe có tiếng chân người bước nhanh lên gác. Cái cầu thang gỗ ọp ẹp lâu ngày, nên dù bước đi có rón rén đến đâu, cũng không tránh được tiếng động. Tay đang bưng đĩa mứt ngũ vị, Minh đặt vội xuống bàn và đứng im chờ đợi. Anh cố đoán xem ai đến thăm anh vào lúc năm cùng tháng tận này. Dù sao đây cũng là một niềm vui trong lúc cô quạnh. Minh đợi không lâu vì chỉ trong chớp mắt đã nghe tiếng gõ cửa. Minh an tâm vì biết chắc không phải mật thám. Theo kinh nghiệm ngừơi đi trước kể lại cho anh thì trước nhất, mật thám bắt người thường không đi một mình, mà luôn kéo theo cả bọn đến vây từ tứ phía. Thứ hia, bước chân mật thám cũng không bao giờ nhẹ nhàng, rón rén, và không gõ cửa từ tốn. Chúng chỉ đập cửa một tiếng rồi đạp tung cánh cửa xông vào. Sau cùng, mật thám thường ra tay bắt người vào lúc nữa đêm về sáng khi nạn nhân đang say sưa ngủ, chứ ít khi đến bắt khi ngoài đường còn nhiều người qua lại. Vừa tháo then cửa, Minh cừa cẩn thận hỏi: - Ai đấy? Bên ngoài đáp nhỏ: - Mở cửa Minh ơi! Tôi đây! Nghe giọng nói quen quen, Minh hé cánh cửa và giật mình nhận ra Viên. Minh vẫn biết Viên là người hoạt động hết sức tích cực ở Thành Bộ, nhưng anh không ngờ ngay cả đêm 30 Tết, khi mọi người đang chuẩn bị cùng gia đình đón giao thừa thì Viên vẫn còn lặn lội đi làm công tác cách mạng quên cả tháng ngày. Ý nghĩ ấy làm Minh hết sức cảm phục. Anh nhìn Viên, nói như reo: - Trời ơi Viên! Mời anh vào! Có việc gì mà anh tìm tôi vào giờ này? Viên dáo dác nhìn xuống cầu thang như sợ có kẻ đang theo dõi. Rồi anh lách nhanh vô và ấp úng nói: - Có việc gì đâu! Lại thăm cậu thôi! Viên tự động ngồi xuống mép giường. Dưới ánh đèn mờ, Minh nhận ra ngay những nét lo âu trong đôi mắt Viên, trên khuôn mặt nhợt nhạt và dường như toàn thân anh đang rung lên vì xúc động. Phải chăng Viên vừa bị mật thám Pháp rượt bắt và anh đã thoát hiểm trong đường tơ kẻ tóc? Minh tự hỏi rồi khép cửa, cài then và kéo ghế ngồi đối diện Viên. Vừa ngồi xuống, Minh lại đứng lên ngay để rót nước mời khách. Anh có bộ tách cũ chỉ còn ba chiếc và cái ấm ủ đã rách lòi cả bông ra ngoài. Anh bưng cóc nước trao cho Viên, từ tốn nói: - Anh uống tạm! nước chè pha từ sáng, chắc đã nguội hết rồi! Viên run run đỡ ly nước, đưa lên miệng uống cạn một hơi. Viên nhìn Minh ái ngại. Ngay từ lúc Viên bước vào, Minh đã cảm thấy có chuyện gì bất thường, bởi tuy cùng hoạt động trong Thành Bộ, nhưng giao tình giữa Minh và Viên không gắn bó lắm, vì Minh làm công tác độc lập. Viên lại rất bận với chi đoàn công nhân, nếu không vì lý do đặc biệt nào đó thúc đẩy thì Viên không đến tìm Minh trong đêm 30. Minh dè dặt hỏi: - Anh đến tìm tôi, chắc có việc gì? Xin anh cứ cho biết! Viên khẽ gật đầu rồi đưa mắt nhìn quanh nhà dù đã biết Minh sống chỉ có một mình. Minh mở to mắt hồi hợp nhìn Viên. Viên chìa cái ly không ra trước mắt Minh và nói nhỏ: - Cậu cho tôi xin cốc nước! Tôi khát quá! Uống cạn tách thứ nước thứ hai, Viên mới nhập đề: - Cậu cho tôi ở tạm đây đêm nay, được không? Minh gật đầu: - Được chứ anh! Anh ở đến bao giờ chả được! Nhưng có việc gì thế? Anh làm tôi lo quá! Im lặng một chút, Viên mới đáp lời: - Tôi giết thằng Bazin rồi! Vừa mới giết xong! Minh há hốc mồm, trợn mắt nhìn Viên, khá lâu mới nhắc lại: - Anh bảo sao? Anh vừa giết thằng Bazin? Thằng mộ phu René Bazin? Viên ngước nhìn Minh, khẽ gật đầu. Trong lòng Viên đang tràn ngập những cảm giác phức tạp vàa hỗn độn. Một mặt, anh hãnh diện đã trừng trị được một tên thực dân quái ác. Nhưng mặt khác, anh lại sợ vì biết đâu nay mai mật thám sẽ tìm ra anh! Minh lặng người một lúc rồi mới rót cho Viên cốc nước nữa. Anh kéo ghế lại sát trước mặt Viên và chớp mắt nói: - Tôi nghe bảo, anh có xin lệnh Tổng Bộ, nhưng Tổng Bộ không cho phép! Viên ngượng ngùng đáp: - Đúng là anh Học không cho phép. Nhưng giữa lúc Thanh Niên Đồng Chí Hội đang ráo riết vận động lấy tình cảm quần chúng, nếu Quốc Dân Đảng chúng ta không làm một cái gì để đáp lại lòng mong mỏi của đồng bào thì chúng ta sẽ mất lợi khí tuyên truyền. Đồng bào đang căm thù thằng René Bazin. Các đồng chí đại diện cho chi đoàn công nhân đều thúc giục tôi thanh toán nó. Tôi làm việ này hoàn toàn là vì đảng! Minh cãi: - Anh làm vì đảng, nhưng đảng không cho phép, sao anh vẫn làm! Anh là ủy viên Thành Bộ mà anh cãi lời đảng trưởng, anh cãi lời Tổng Bộ. Nhỡ mai kia anh nhân danh Thành Bộ, ban bố ra mệnh lệnh, có đồng chí nào cãi lệnh anh lúc ấy anh xử trí như thế nào? Viên không biết trả lời ra sao, đành cúi đầu ngồi yên. Anh nhớ lại lúc được kết nạp, anh đã long trọng tuyên đọc lời thề gồm bốn điều: " Tuyệt đối trung thành với Đảng. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh Đảng. Tuyệt đối giữ bí mật của Đảng. Tuyệt đối hy sinh cho công việc của Đảng. Nếu trái lời thề, tôi xin chịu tội tử hình"! Anh đã vi phạm điều thứ hai, bất tuân mệnh lệnh của đảng trưởng Nguyễn Thái Học và Tổng Bộ! Minh đứng dậy, tiến lại cửa sổ trong xuống con đường vắng khách bộ hành qua lại. Những chiếc xe kéo thưa thớt chạy vội vã trong đêm trừ tịch. Lác đác từ xa, đã nghe thấy tiếng pháo nổ lẻ tẻ như muốn tóng khứ thật nhanh năm con Rồng đầy sóng gió để đón chào Xuân Kỷ Tỵ với hy vọng sẽ an bình hơn. Minh đứng suy nghĩ một lúc, rồi quay lại ngồi xuống chỗ cũ. Bằng tình đồng chí, Minh đổi giọng hiền hòa hơn: - Anh Viên ạ! Đằng nào chuyện cũng xảy ra rồi. Thôi thì cứ tạm gác lại, tạm quên đi, xem như việc của năm cũ, không bận lòng nữa. Anh ở đây đón Tết với tôi. Tôi chỉ có một mình, chẳng ai chú ý tới. Anh ở đây là tiện hơn cả! Từ từ rồi nghe ngóng thế nào! Viên thở phào ngẩng đầu lên nhìn Minh thầm ngỏ ý cảm ơn. Minh hỏi: - Anh ăn gì chưa? Có đói không? Gác hết mọi chuyện, anh với tôi đón giao thừa! Cỗ nhà nghèo! Có cái gì! Mình ăn cái nấy! Vừa nói Minh vừa lấy bánh chưng và chai rượu mùi bày ra bàn. Viên cũng đứng dậy, cố nở nụ cười để vui với bạn trong giờ phút tống cụ nghinh tân, mặc dầu trong đầu anh vẫn còn đang hết sức hoang mang. Minh rót rượu ra hai cái cốc, rủ Viên nâng ly, cùng uống cạn. Chất men thấm nhanh, mấy phút sau, cả hia đều thấy lâng lâng một cảm giác dễ chịu. Với óc tò mò cố hữu của một nhà báo, Minh đột ngột quay lại đề tài cũ, hỏi Viên: - Đầu đuôi như thế nào, anh kể cho tôi nghe đi! Viên buông đũa, đốt điếu thuốc rồi chậm rãi nói: - Tôi kể cho cậu nghe vì cậu vừa là đồng chí, vừa nhà báo. Mai kia nếu tôi có mệnh hệ nào thì... Minh ngắt lời: - Anh chỉ nói dại! Viên gật đầu nhấn mạnh: - Tôi nói thật đó!... Nếu chẳng may tôi bị bắt, bị địch thủ tiêu hoặc phải hy sinh tính mạng cho Đảng thì cậu phải ghi lại những điều tôi kể với cậu hôm nay, để người sau biết được tường tận!... Cậu còn nhớ hôm nọ tôi có dẫn một đồng chí đến đây, giới thiệu với cậu... Minh ngắt lời: - Anh Lân phải không? Tôi nhớ mà! Viên gật đầu. Anh dụi điếu thuốc cháy dở vào tàn thuốc, rồi ngẩng lên kể. ... Chiều nay, 30 Tết, Ủy Viên Thành Bộ Hà Nội Nguyễn Văn Viên, hẹn hai đồng chí Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung đến chợ Hôm, tức ngã 3 phố Huế và phố Hàm Long, nằm trong khu vực phía Đông Nam Hà Nội, Nguyễn Đức Lung còn có cái tên gọi thân mật là Ký Cao, để phân biệt với Ký Con, tức Đặng Trần Nghiệp cùng làm việc ở Khách Sạn Việt Nam. Đặng Trần Nghiệp người nhỏ bé, dáng thư sinh trắng trẻo, con ông thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc Hà Nội. Năm 28 tuổi nghiệp vào bán hàng cho hiệu Gô-Đa. Hai năm sau, 1928, gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng, làm thư ký tại Khách Sạn Việt Nam. Vì dáng dấp nhỏ bé và ít tuổi nêm các đồng chí gọi là Ký Con. Sau này, Khách Sạn Việt Nam bị giải tán, Ký Con phụ trách ban ám sát của Đảng, chuyên trừng trị những kẻ phản bội Đảng theo Pháp. Mật thám Pháp treo giải thưởng 5000 đồng cho ai bắt được Ký Con. Thời ấy một đám nhà quê chỉ tốn khoảng 15 đồng! Người Việt trung lưu mỗi năm có lợi tức khoảng 168 đồng. Như thế đủ biết vai trò của Ký Con quan trọng đến mức nào dưới mắt mật thám Pháp. Trở lại buổi hẹn quan trọng tại phố Huế chiều 30 Tết giữa ba đồng chí Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân, và Nguyễn Đức Lung Ký Cao. Phố Huế vốn trước đây là con đường thiên lý để lính chạy trạm, đưa tin tức và lệnh lạc từ triều đình Huế ra Thăng Long và ngược lại. Còn chợ Hôm có nghĩa là chợ chiều, chuyên bán những thứ mà buổi sáng ế ẩm còn đọng lại. Chợ họp trên khúc đường quanh co, ban đầu chủ yếu là các bạn hàng từ thôn quê mang gà vịt bán cho các trại lính hoặc bỏ mối cho các chợ lẻ để phân phác khắp nơi trong nội thành. Vì vậy khúc đường ấy còn có tên gọi là Dốc Hàng Gà Chợ Hôm. Về sau chợ họp suốt cả ngày, trở nên khu thị tứ sầm uất, nhưng người ta vẫn giữ cái tên khởi đầu là Chợ Hôm bởi mọi người đã quá quen với cái tên đó. Đi dọc Phố Huế, cả ba người tới trước căn nhà số 110, gần ngã ba con đường nhỏ tên là Maribel, đứng lảng vãng xa nhìn vào đó. Đó là căn nhà của Germanei Carcelle, cô gái Pháp lai Việt xin đẹp, nhân tình của gã thực dân mộ phu René Bazin mà Viên đã theo dõi cả tháng nay. Germaine là nhân viên bán hàng hiệu Gô-Đa, một cửa hàng nổi tiếng thuộc công ty Lucia chuyên bán các tạp phẩm nhập cảng từ bên mẫu quốc. Gô-Đa nằm trên phố Tràng Tiền mà người dân Việt quen gọi là phố Tây bởi phố ấy hầu như chỉ dành riêng cho Pháp với những sinh hoạt tài chánh quan trọng, tượng trưng cho sự phồn thịnh của thực dân. Những ngân hàng, những khách sạn, những tiệm ăn, những rạp hát, những công ty nhập cảng ô-tô và xe đạp, những cửa hàng bách hóa sang trọng, đều nằm tại đây để phục vụ nhu cầu kiều dân Pháp. Cũng chính tại phố Tràng Tiền này, căn nhà số 3 mang tên Poinsard et Veyret, chuyên nhập cảng kim khí, máy móc, là nơi Nguyễn Văn Viên đứng bán hàng từ mấy năm nay. Từ chỗ Viên làm, đi bộ thêm vài chục căn nữa trên phố Tràng Tiền, đến căn nhàsố 58 là tư thất của tên mộ phu René Bazin mà tối nay Viên dự trù sẽ thanh toán. Để khời sự kế hoạch này, Viên tính toán rất chu đáo. Anh được biết trong kho hàng củaPoinsard et Veyret có cất giấu một số vũ khí và anh quyết định lấy cắp một khẩu súng lục với mấy viên đạn, giao cho Lân tập bắn để dùng cho buổi hẹn hôm nay. Viên biết rõ nhà Bazin. Nhưng phố Tràng Tiền là nơi đô hội, Pháp kiều quá đông mà cảnh sát sắc phục cũng như mật thám lúc nào cũng đi tới đi lui, không thể ra tay được. Rất may là cứ mỗi buổi chiều, sau khi hết giờ làm việc, Bazin thường xuống phố Chợ Hôm thăm người tình, có khi ở lại ăn cơm tối, khuya mới mới về. Biết rõ đường đi nước bước như thế, chiều nay Viên hẹn hai đồng chí đến chờ từ lúc nhá nhem tối. - Chiều 30, bạn hàng vắng dần. Hầu như ai cũng vội vã trở về chuẩn bị đón giao thừa. Đối diện căn nhà của Germaine phía bên kia đường, sát ngã ba phố harmand, có cái miễu nhỏ nắm dưới gốc cây già, chiều nay khói hương nghi ngút bốc lên. Quanh năm ở đó có những ông bà thầy bói ngồi trên chõng đoán số cho khách hiếu kỳ cầu vận may. Năm cùng tháng tận, một số bạn hàng còn nán lại, gieo quẻ cuối cùng trong năm Thìn để hy vọng một tương lai tốt đep hơn sang năm Tỵ. Cây si già cằn cõi âm u, ngôi miếu nhỏ khói hương trầm mặc, khách đứng ngồi rãi rác xem bói, vài gánh hàng rong bày biện trước miếu, tất cả góp chung lại thành một cảnh sinh hoạt khá nhộn nhịp, rất thuận tiện cho ba đồng chí Lân, Lung, và Viên đứng trà trộn để nhìn sang nhà của nhân tình Bazin. Ngay từ lúc mới tới, Viên đã nhận ra chiếc xe ô-tô màu xanh đậm của Bazin đậu phía bên kia đường, từ trong nhà cô Germaine có thể trong thẳng ra mồn một. Gã tài xế đứng thơ thẩn trên lề,, cạnh đầu xe, phì phèo hút thuốc. Nhìn nét mặt điềm tĩnh đến lạnh lùng của Lân, Viên ghé dặn dò Lân mấy câu rồi thả bộ sang căn phố bên cạnh miễu. Đó là tiệm thuốc lào khá lớn. Anh toan bước vào, nhưng thấy trong hiệu không có ai, anh lại đi thẳng, đưa mắt lơ đãng nhìn hai bên đường, cố trấn áp nỗi xúc động trong lòng. Lâu lâu, anh liếc nhìn Lân và Lung đứng bên cạnh miễu, khẽ gật đầu mỉm cười ra vẻ bình thản để hai đồng chí yên tâm. Trời tối dần, người cũng thưa dần. Thời gian dường như trôi qua quá chậm. Khoảng 8 giờ, Viên trở lại sau miễu bên cạnh hai đồng chí, sốt ruột vì Bazin vẫn chưa ra. Nguyễn Văn Lung rút trong túi áo ra, cái phong thư có đóng dấu hãng tàu Bạch Thái Bưởi, cầm sẵn trên tay. Phong bì ấy chỉ đựng có một trang giấy viết mấy hàng kết án Bazin, nhưng dùng giấy tờ của công ty Bạch Thái Bưởi để Bazin chú ý vì họ Bạch lúc ấy là một nhà doanh nghiệp lừng lẫy mà cả Pháp lẫn Việt đều nghe danh.danh. Bạch Thái Bưởi nguyên là họ Đỗ, con nhà nghò ở Hà Đông, làm nghề bán hàng rong nuôi mẹ. Nhờ được một người nhà giàu họ Bạch nhận làm con nuôi và cho đổi họ, lớn lên Bạch Thái Bưởi làm thư ký cho hãng buôn Pháp, gây dựng vốn liếng rồi lao vào khai thác hầm mỏ và tàu thủy, trở thành nhà thưong mại tài tình bậc nhất của người Việt vào đầu thế kỷ. Ba người đang thì thầm nói chuyện thì bên kia đường, Bazin từ trong nhà nhân tình bước ra, đội chiếc mũ đen lên đầu, tiến lại xe. Gã tài xế vội vàng quăng điếu thuốc, chạy lại mở cửa sau. Cô Germaine thì đứng thập thò trong khung cửa, đưa tay vẫy Bazin. Lập tức Viên vỗ nhẹ vào lưng Nguyễn Đức Lung. Lung chạy lao qua đường. Trước khi chui vào xe, Bazin còn quay lại chào người yêu. Lung đến trước mặt, trao chiếc phong bì và nói bằng tiếng Pháp: - Thưa ông! Có người gửi cho ông bức thư này! Bazin ngơ ngác đỡ lấy, bốc ngay ra xem. Bên này đường, Viên lại vỗ vai Nguyễn Văn Lân, lập tức Lân chạy vụt qua, tay phải thò vào ngực, cầm sẳn khẩu súng. Viên cũng chạy theo sang để hỗ trợ tinh thần và để phòng có gì trục trặc. Vừa lúc ấy, chủ tiệm thuốc lào kế nhà Germaine đem bánh pháo khá dài ra trước sân châm đốt. Lát đát xa xa cũng bắt đầu vang vọng tiếng pháo đêm trừ tịch. Trời mờ tối, Bazin còn đang trố mắt đọc lá thư thì Lân đã đến trước mặt rút súng bắn thẳng vào mặt Bazin. Gã té quị xuống, Lân bắn bồi thêm hai phát nữa rồi mới bỏ đi. Phố xá ít ai nghe được tiếng súng vì pháo vẫn nổ ran. Chỉ có cô nhân tình kêu rú lên và bỏ chạy vào nhà, khép chặc cửa lại. Gã tài xế thì mặt tái mét, không biết phản ứng thế nào, đành luống cuống mở cửa xe chui vào ngồi chết cứng trước vô-lăng. Thi hành xong nhiệm vụ, cả ba chạy thụt vào con đường nhỏ hai bên còn là bãi đất trống tăm tối với ao hồ chằng chịt. Con đường nhỏ ấy Pháp đặt tên là Harmand, tên của một vị bác sĩ Pháp từng đại diện Pháp ký hòa ước với triều đình Huế năm 1873. Ba đồng chí chia tay nhau ở khúc đường này, mỗi người đi một hướng khác nhau. Riêng Nguyễn văn Viên thì chạy lại Thôn Giáo Phường, tới nhà một đồng chí ở Phố Goussard, tức Chợ Đuổi, thay bộ quần áo khác, để đề phòng có người đã nhận diện được Viên lúc thi hành bản án. Bộ quần áo ấy,Viên được đồng chí Lê Thành Vỵ gói lại và quăng xuống hồ. Sau khi thông báo cho Lê Thành Vỵ biết đầu đuôi câu chuyện, Viên bỏ đi ngay vì Vỵ là một nhân vật nổi tiếng của Quốc Dân Đảng, có mặt bên Nguyễn Thái Học từ ngày thành lập Nam Đồng Thư Xã. Tư gia của Lê Thành Vỵ từng dùng làm hội trường khai sinh Việt Nam Quốc Dân Đảng đêm lễ Noel năm 1927. Lê Thành Vỵ cũng là người góp phần mượn vốn để khai thác khách sạn Việt Nam, đồng thời chính anh cũng đứng tên xin giấy phép cho thuê phòng trọ và bán rượu khai vị tại khách sạn. Nói chung Lê Thành Vỵ là một nhân vật nổi tiếng, giữ thế công khai và hợp pháp để làm việc cho đảng, bởi thế Viên thấy mình không thể nán lại, có thể gây nguy hiểm cho cả hai người. Minh sống một mình trong xóm Khâm Thiên, ít ai chú ý. Với mật thám Pháp, Minh là một bóng mờ chưa bị theo dõi. Pháp chỉ biết Minh là một nhà báo đấu tranh cho độc lập, nhưng có thể chưa biết Minh là đảng viên Quốc Dân Đảng, tạm thời đến đó là an toàn hơn cả! Viên kể xong câu chuyện, cúi đầu nhìn xuống sàn nhà ra vẻ trầm tư. Minh cũng yên lặng ngẫm nghĩ, mắt nheo lại vì khói thuốc. Minh gắp thêm bánh chưng vào bát cho Viên rồi hỏi: - Anh bảo là sau khi giết chết Bazin, anh tạt vào gặp anh Trác, rồi qua cả nhà anh Vỵ. Như thế có nghĩa là các anh ấy đều biết trước kế hoạch giết Bazin của anh? Viên gật đầu nhấn mạnh: - Biết chứ! - Và họ tán thành kế hoạch ấy? - Tất nhiên rồi! - Thế anh có nói cho họ biết là anh xin lệnh Tổng Bộ mà Tổng Bộ phản đối không? Viên cúi đầu ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời bằng giọng ngậm ngùi: - Thấy anh em hăng hái quá, tôi không muốn làm họ thất vọng, nên tôi giấu họ. Tôi nghĩ bụng: Thôi thì mình cứ làm, rồi tôi sẽ lên gặp anh Học và nhận lỗi với tổng bộ! Minh yên lặng nhìn Viên. Trong khoảnh khắc, lòng anh chỉ còn lại sự cảm phục mà quên hết những ý tưởng trách cứ với người đồng chí đã quá nhiệt tình với đất nước và vì danh dự của đảng. Minh ân cần bảo Viên: - Thôi, anh cứ ở lại đây với tôi, nghe ngóng tình hình rồi mai tính sau! Viên cảm động gật đầu. Tuy vậy, sáng hôm sau, mùng một tết Kỷ Tỵ, Minh choàng dậy thì thấy Viên đứng ở cửa số ngó ra đường, khói thuốc bay tỏa mịt mù. Minh vừa bước xuống giường thì Viên quay lại bắt tay, nói vài lời chúc xuân rồi từ giã. Bước ra thanh gát, Viên nghiêm nghị dặn: - Những gì tôi kể với cậu tối hôm qua, xin cậu để bụng! Minh gật đầu nhấn mạnh: - Anh chả phải dặn! … Nhưng bây giờ anh định đi đâu? Viên cười buồn: - Chính tôi cũng chưa biết sẽ đi đâu. Nhưng cứ đi đã! Minh đứng nhìn theo Viên lầm lũi bước xuống từng bậc cầu thang cho đến khi anh ta ra khuất hẳn ngoài lề đường, Minh mới thở dài quay vào. Nghĩ đến ông Sửu, Minh phân vân chẳng biết có nên theo ông về nhà ăn Tết hay không? Giữa tình hình nghiêm trọng này, đầu óc nữa đâu mà vui chơi! Biết trước nằm nhà cũng không yên, Minh rửa mặt qua loa rồi vội vã thay quần áo chạy đi tìm vài đồng chí trong tổ đảng để dò la tin tức về cái chết của Bazin. Ba ngày Tết trôi đi với bao nhiêu hồi hộp trong lòng Minh. Anh không gặp lại Viên, cũng không hề cho ai biết là Viên đã đến căn gát của anh sau khi giết Bazin. Mùng bốn Tết Kỷ Tỵ tức ngày 13 tháng 2 năm 1929, báo chí Hà Nội mới loan tin René Bazin bị ám sát. Dù chưa biết nguyên do gì gã bị thanh toán và cá nhân nào, tồ chức nào thanh toán gã, Pháp kiều Hà Thành cùng hết sức hoang mang và kinh sợ. Mật thám Pháp lập tức tung nhân viên đi điều tra khắp nơi để thu thập tin tức và ngày mùng 8 Tết, mới 5 giờ sáng, chúng càn quét đợt đầu tiên, bắt được một số ủy viên trung ương của Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Rất may là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu được báo động kịp thời, trốn thoát cửa sau. Khách sạn Việt Nam bị chính quyền thực dân đóng cửa từ đó. Chỉ một thời gian ngắn sau, số đảng viên Quốc Dân Đảng bị bắt lên đến 227 người, trong đó hầu hết những nhân vật quang trọng lãnh đạo tổng bộ, thành bộ và các tỉnh bộ đều sa lưới, trong đó có cả Lê Thành Vỵ và Nguyễn Thái Trác. Tin dữ đưa đến dồn dập, Minh thấp thỏm lo âu như ngồi trên đống lửa. Chỉ còn một chút an ủi là đảng trưởng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu chưa bị bắt. Nghe đồn cả hai đả bỏ Hà Nội sang Bắc Ninh. Ông Sửu ưu tư bảo Minh: - Thầy đừng lai vãng đến bất cứ nhà ai quen trong lúc này. Tôi độ chừng nhà nào cũng có mật thám theo dõi, thầy đến là chúng nó vồ ngay. Ngày ngày thầy chỉ nên đến tòa báo làm việc rồi về thẳng nhà. Cẩn thận hơn thì thầy tìm cách đi xa, cho qua cái cơn sóng gió này. Cả tháng nay mà chúng nó chưa thăm hỏi đến thầy thì chắc là tên thầy không có trong sổ đen của mật thám! Minh gật đầu cám ơn. Anh nhớ lại những lời ông Sửu dặn trước đây và càng thấy những điều tiên đoán của ông thật là chính xác. Mười mấy năm trước, Nguyễn Khắc Cần của Quang Phục Hội giết được hai tên lính Pháp thì Pháp bắt nhốt và tra tấn dã man 254 người. Bây giờ, Nguyễn Văn Viên giết được một thằng Tây mộ phu, Pháp bắt 227 người gồm toàn yếu nhân, làm lung lay tận gốc ngôi nhà Việt Nam Quốc Dân Đảng đang trên đà xây dựng nền móng tốt đẹp! Phải chứng kiến những phương thức tra tấn cực kỳ dã man của mật thám Pháp, thì mới thấy được chỉ cần một bất cẩn nhỏ của đảng viên, cũng đủ gây sức tác hại khôn lường cho tổ chức! Bà Andrée Viollis, nữ ký giả Pháp, đi cùng phái đoàn bộ thuộc địa sang nước ta thời ấy đã uất hận ghi lại trong cuốn “Indochinois S.O.S” một vài cảnh tra tấn các nhà ái quốc Việt Nam mà bà đã được nhìn tận mắt. Chẳng hạn như treo ngược người và đổ xà-bông vào mũi, rạch nhiều vết dao ở lòng bàn chân rồi nhét giẻ hoặc bông gòn vào và tẩm xăng đốt, hoặc lấy kềm kẹp hai bên má cho con mắt bật ra ngoài. Nữ tù nhân bị chúng lột quần áo, bắt nằm ngữa trên sàn rồi một thằng tây vạm vỡ cưỡi xe đạp cán ngang lên bụng hàng chục lần! Chính vì vậy, người ta cho rằng năm 1929 là thời kỳ mà thực dân Pháp để lộ bộ mặt tàn ác nhất trong suốt gần 100 năm cai trị. Ngoài miệng, Pháp giương cao khẩu hiệu khai hóa văn minh cho dân Việt, nhưng kỳ thực chúng áp dụng những thủ đoạn man rợ còn hơn cả thời quân chủ của nước ta. Sau cái chết của Bazin, màng lưới khung bố và truy lùng của mật thám Pháp giang ra rộng lớn và tinh vi quá, các nhân vật chủ chốt của Quốc Dân Đảng cứ lần lượt sa bẫy. Một số cơ quan bí mật của đảng cùng hàng loạt chi bộ địa phương bị phá vỡ. Hung tin đưa đến liên tục, cứ hết người này đến người kia bị bắt, làm Minh hoang mang trăn trở, đi ra đi vào, nhớn nhác nhìn quanh mà không biết phải làm gì. Ngày ngày, anh vẫn đến tòa báo, giả vờ cặm cụi làm việc, ít nói chuyện với ai về thời cuộc. Nhưng đêm đêm trên căn gát đìu hiu, Minh thao thức lăn qua lăn lại, không tài nào ngủ được. Mà hễ cố thiếp đi một chút thì lại giật mình choàng dậy như lạc vào cơn ác mộng. Lo lắng quá đôi khi nghĩ quẩn, Minh đâm ra oán trách các đồng chí nông nổi giết chết Bazin làm liên lụy đến biết bao nhiêu người. Mấy đồng chí cùng tổ đảng với Minh ở thành bộ, hình như cũng đã sa lưới hoặc bỏ trốn khỏi Hà Nội, vì Minh chẳng gặp được ai từ hôm mùng 4 Tết. Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Đức Lung, Nguyễn Văn Lân, tất cả đều không còn làm ở sở cũ. Thậm chí tại hiệu ăn bình dân mà một số các đồng chí thường ăn cơm tháng để có dịp gặp nhau. Minh ghé qua hai hôm liền, đều chẳng thấy ai nữa!Tổng bộ ngày trước nằm ngay tại khách sạn Việt Nam ở phố Hàng Bông Đệm, khi cần kíp, Minh có thể đến đó liên lạc để xin chỉ thị, giờ này mật thám giăng đầy trong ngoài, đảng viên không ai dám lai vãng đến gần. Các nhà văn, nhà báo đàn anh như Nhượng Tống, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khuê, Ngô Thúc Định, đều đã vào nằm trong Hỏa lò. Nhiều người, tên tuổi rất quen, Minh từng có dịp tiếp xúc về nghề nghiệp, nhưng mãi cho đến khi họ bị bắt, Minh mới biết họ cùng là đảng viên Quốc Dân đảng. Không biết tính sao, Minh chỉ tìm đến tâm sự với ông Sửu. Mấy ngày tết vui chơi ở nhà em gái ông, làm tình thân giữa ông và Minh càng gắn bó hơn. Nhưng ngày vui qua mau, từ đầu năm đến giờ mỗi lần gặp nhau là mỗi lần chia sẻ những lo âu dày đặc, mặc dù ông Sửu không phải là người của đảng. Một buổi sáng cuối tháng 4, Minh từ căn gát xuống, cầm tờ báo chạy sang uống trà với ông Sửu. Hôm qua ở tòa soạn, anh lại được tin một cơ quan của Quốc Dân Đảng ở phố Hàng Bạc bị mật thám xông vào bắt đi ba đồng chí. Bản tin làm Minh cả đêm không ngủ được. Anh tự hỏi chẳng biết bao giờ tới phiên mình? Ông Sửu đang ăn dở gói xôi lạc, nghe Minh kể, rưng rưng như sắp khóc, ngậm ngùi bảo Minh: - Tình hình bi đát lắm thầy ạ! Thầy không nói tôi cũng biết. Việt Nam Quốc Dân Đảng đến vỡ mất thôi! Bị bắt nhiều quá! Bao nhiêu nhân tài vào tù hết … Ngừng một chốc, ông tiếp: - Không khép thầy phải liệu thu xếp mà đi xa một chuyến. Đi đâu cũng được! Về quê chẳng hạn, tránh cái khí thế của mật thám lúc này đang nhắm vào các cơ quan đầu não của Quốc Dân Đảng tại Hà Nội! Minh đăm chiêu nói: - Tự dưng bỏ đi, sợ chúng còn nghi thêm! Ông Sửu nhìn đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ của Minh, tội nghiệp nói: - Sao thầy không xin tòa báo cái giấy giới thiệu đi công tác. Chẳng hạn như xin xuống Hải Phòng viết reportage về phu khân vác ở bến tàu. Hoặc sang Hưng Yên viết ký sự về lũ lụt. Bên ấy mới vỡ đê năm ngoái … Ấy là tôi đề nghị thế thôi! Tùy thầy! Minh giật mình nhìn ông Sửu ngầm bày tỏ lòng biết ơn về sáng kiến của ông. Anh thở phào, vui mừng đáp: - Vâng! Chắc là tôi phải nghe lời ông! Đúng đấy! Nên lánh mặt một thời gian chờ tình hình lắng dịu lại! Nói rồi, Minh vội vàng chào ông Sửu, đứng dậy, quay lên gát trọ. Anh phải viết cho xong tập bản thảo để mang lại tòa báo rồi mới xin giấy giới thiệu đi công tác. Có lẽ anh sẽ đi Hưng Yên, nhân tiện về thăm nhà một đôi ngày. Mấy hôm sau, Minh ghé thăm bà dì theo thông lệ cứ hai tháng một lần, ăn bữa cơm gia đình và thăm hỏi chuyện xóm làng dưới Hải Ninh. Nhưng mới từ Khâm Thiên rẽ sang Rue Soeur Antoine tức phố Hàng Bột thì tình cờ Minh thấy một người đàn ông mặc âu phục, đầu đội nón bọc vải kaki, đáp xa từ con hẽm nhỏ quẹo ra. Nhìn kỷ thì hóa ra Lê Hữu Cảnh, một đồng chí lớn tuổi mà Minh hết sức nể phục. Minh không biết Cảnh giữ chức vụ gì trong đảng, nhưng lần nào gặp Cảnh, Minh cũng thấy ông đi bên cạnh vài đồng chí ở tổng bộ. Giờ đây, giữa lúc đang hoang mang và cô đơn, bất chợt gặp được Cảnh, Minh mừng quá nhớn nhác nhìn quanh rồi chạy theo gọi: - Anh Cảnh, anh Cảnh ơi! Cảnh thòng một chân xúông đất, kéo lê bàn chân trên mặt đường vì xe không có thắng. Anh tắp vào lề ở một khoảng đất trống rồi ngoái cổ nhìn lại người vừa gọi mình và gật đầu. Hai bên đường, nhà cửa còn rất thưa thớt. Thỉnh thoảng mới có chiếc xe kéo chạy qua. Cảnh đạp rướn lên mấy thước, dừng lại dưới một tàn cây rồi đứng chờ Minh. Minh chạy tới, nở nụ cười chào Cảnh một lần nữa: - Anh Cảnh, em Minh đây. Còn nhớ em không? Minh hỏi vậy thôi chớ dĩ nhiên Minh biết Cảnh không thể quên mình được bởi đã gặp nhau nhiều lần và có đêm Minh đã ngồi đến gần sáng để nghe Cảnh kể những mẫu chuyện cười ra nước mắt hồi Cảnh còn đi lính cho Tây. Hơn thế nữa, hồi chưa giết Bazin, có một bận Cảnh cùng đi với Viên đến căn gát trọ của Minh, ngồi bàn khá lâu về nội dung một tờ truyền đơn mà Viên nhờ Minh thảo. Cái hình ảnh mà Minh nhớ nhất ở Cảnh là lúc nào trong túi cũng có cỗ tràng hạt và đêm dù có thức khuya đến đâu thì trước khi đi ngủ Cảnh cũng ngồi đọc kinh một lúc. Nói chung, trong số các đàn anh ở tổng bộ thì Cảnh là người mà Minh lúc nào cũng ngưỡng phục. Cảnh cầm nón quạt mồ hôi vànở nụ cười hỏi: - Cậu đi đâu lang thang ra đây? Vẫn ở Khâm Thiên đấy chứ? Vừa nói, Cảnh vừa leo xuống dựng xe đạp ghếch vào gốc cây. Thoáng trong chốc lát, Minh nhận ngay ra nét lo âu nặng trĩu trên khuôn mặt Cảnh khiến Minh tắt hẳn nụ cười vì biết Cảnh cũng đang mang cùng một tâm trạng như mình. Minh dè dặt nói: - Vâng. Em vẫn ở đấy! Em cứ tưởng anh không còn ở Hà Nội nữa! Gặp anh, em mừng quá! Cảnh nhìn quanh hai bên đường. Thấy không có một bóng người nào qua lại, Cảnh mới kéo tay Minh vòng ra sau bụi cây, ở đó có một mô đất bằng phẳng, phủ lớp cỏ cháy vàng khô. Anh ngồi xuống và tiếp tục cầm cái mũ quạt mồ hôi. Minh cũng ngồi ngay bên cạnh và nhập đề: - Hơn hai tháng nay, em không ăn ngủ được … Cảnh buồn rầu ngắt lời: - Vụ ám sát thằng Bazin chớ gì! Tôi nghe bảo mấy đồng chí dưới thành bộ tự ý giết nó, không xin lệnh tổng bộ, làm vạ lây cho cả đoàn thể. Mật thám Pháp nhân vụ này, lấy cớ để tiêu diệt mình! … Nhưng thôi, việc lỡ rồi! Trách các đồng chí ấy cũng chẳng ích gì! Có điều, tình hình lúc này căng lắm! Tổng bộ phải di chuyển liên miên, nhất là anh Học và anh Nhu, không dám ở yên một chỗ! Minh hồi hộp gật đầu: - Em cũng đoán thế! Anh chưa bị bắt là may đấy! Em tưởng anh không còn ở Hà Nội! Hôm nọ em định lại công xưởng hỏa xa tìm anh, nhưng lại đã bị lộ tông tích, chúng nó cài người mai phục … Hôm nay anh không đi làm ư? Cảnh ngắt lời: - Tôi mới ở trên Bắc Ninh về, liên lạc với một số đồng chí còn ở nội thành. Nói đúng ra, những người làm việc cho nhà nước bảo hộ như tôi, anh Phó Đức Chính và cánh nhà giáo, thì dù sao mật thám cũng ít để ý hơn. Vì vậy, anh Học mới bảo tôi về đưa tin cho các đồng chí ở Hà Nội biết … Còn cậu thì sao? Minh ưu tư đáp: - Chính em cũng đang định hỏi anh. Em có nên nán lại Hà Nội không? Bị bắt nhiều quá em cũng đăm lo. Chả biết ngày nào tới phiên mình! Cảnh nhíu mày hỏi lại: - Sao nghe bảo cậu được ông nhà báo nào người Pháp đỡ đầu, nhận làm con nuôi kia mà! Như thế thì chắc cũng chả đến nỗi nào! Minh chớp mắt đáp: - Vâng! Quả có thế! Nhưng ông ấy về Paris rồi! Vả lại, dù ông ấy còn ở đây thì cũng chả dám đứng ra bảo lãnh em khi biết em tham gia Quốc Dân Đảng! Ông ấy tuy là nhà báo tiến bộ thật. Nhưng quyền lợi của nước người ta bao giờ chả ưu tiên! Im lặng một chút, Cảnh hỏi: - Thế cậu có thường xuyên liên lạc với tổ đảng của cậu không? Minh gật đầu nhấn mạnh: - Có chứ anh! Nhưng chả gặp ai cả! Từ hôm sau tết đến bây giờ, mỗi người trốn một nơi. Dạo trước thì cứ mỗi tuần gặp nhau một lần, chưa kể thỉnh thoảng anh Viên vẫn ghé em giao công tác. Hai tháng nay thì không thấy tăm hơi gì nữa! Cảnh im lặng thở dài. Ngẫm nghĩ một lúc, Cảnh đề nghị: - Cậu muốn theo tôi sang Bắc Ninh không? Bên ấy cơ sở của mình đông lắm. Đông mà an toàn vì được quần chúng hết lòng che chở. Nếu cậu thấy ở lại Hà Nội căng thẳng quá thì cậu đi với tôi một chuyến cho khuây khỏa! Minh mừng rỡ đáp: - Anh cho em theo thì em đi ngay! Bao giờ đi hở anh? Cảnh đứng dậy đáp: - Ngày kia! Hôm nay với ngày mai tôi phải giải quyết một số công việc. Hẹn cậu ngày kia! Rồi Cảnh cho Minh điểm hẹn, giờ giấc và dặn Minh: - Đi tay không, đừng mang gì cả! Càng nhẹ nhàng càng tốt! Ngộ nhỡ có phải … Minh gật đầu nhấn mạnh: - Vâng! Em hiểu ý anh! … Thôi cứ thế anh nhé! Ngày kia em gặp anh! Cảnh đặt hai bàn tay lên vai Minh, bấu mạnh, rồi từ sau bụi cây, anh tiến ra, dáo dát nhìn tứ phía trước khi leo lên xe đạp, rướn người lao đi. Đúng ra thì Cảnh không có quyền rủ Minh cùng đi công tác với Cảnh, bởi Minh không phải người của tổng bộ. Nhưng mấy tháng nay các đồng chí trung ương ủy viên bị bắt quá nhiều Cảnh nghĩ đến việc phải bổ xung nhân sự, cho nên ông dự trù sẽ giới thiệu Minh với Nguyễn Thái Học, mặc dù Minh cũng đã từng gặp Nguyễn Thái Học vài lần. Từ sau đại hội tháng 4 ở Lạc Đạo, bộ tham mưu bên cạnh Nguyễn Thái Học hầu như lúc nào cũng có Sư Trạch, Nguyễn Thị Giang, Phó Đức Chính, Ký con Đặng Trần Nghiệp và Lê Hửu Cảnh. Năm nay Lê Hửu Cảnh đã 34 tuổi, nghĩa là lớn nhất trong nhóm, lại từng trãi, có thời sống bên Tây, cho nên được coi là quân sư thân cận của đảng trưởng. Thậm chí hôm từ Phú Thọ về, đi ngang đền Hùng, Cảnh từng bàn với Phó Đức Chính và Ký Con, yêu cầu đảng bộ đứng ra làm lễ kết hôn cho Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, vì Học đã ly hôn với người vợ thời thơ ấu do cha mẹ sắp đặt là Nguyễn Thị Cửu tại quê nhà. Với vị thế đắc lực của mình, Cảnh tin rằng Nguyễn Thái Học sẽ chấp thuận yêu cầu của Cảnh, cất nhắc Minh lên làm việc cho tổng bộ và các đảng viên gốc nhà văn nhà báo có tên tuổi đều bị bắt hết. Hai hôm sau, đúng hẹn, Minh gặp Cảnh ở nhà ga. Đó là lần đầu tiên Minh đến địa giới tỉnh Bắc Ninh, nơi xuất thân nhiều nhà cánh mang đương thời. Chính ở tỉnh này, giữa năm 1927 khi Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa hình thành, đã có nhóm cách mạng của Quản Nhạc định khởi nghĩa đánh úp đồn binh Pháp với sự hậu thuẩn của nhóm Nam Đồng Thư Xã tại Hà Nội. Cũng chính tại tỉnh này, Nguyễn Thế Nghiệp đã đem nhóm của ông sát nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng và ông trở thành phó chủ tịch đảng trong đại hội đầu tiên vào lễ Noel năm 1927. Bắc Ninh cũng là quê của Phó Đức Chính, một nhân vật kiệt xuất, đang làm cán sự công chánh bên Lào, tìm về tham gia sáng lập Quốc Dân Đảng. Có thể nói, Bắc Ninh là một trong những cái nôi nuôi dưỡng và cung cấp nhân lực cho Quốc Dân đảng ngay từ phút phôi thai. Minh theo Cảnh vào làng Đức Hiệp, thuộc phủ Thuận Thành. Băng qua những cánh đồng bát ngát trên con đường đất dẫn vào cổng làng, Minh thấy từng tóan thanh niên ngồi rải rác hút thuốc lào, đưa mắt đăm chiêu nhìn Minh và Cảnh. Từ cái quán lá dưới gốc đa, có ba người đàn ông ngồi uống nước chè, đi sâu hơn vào hẳn trong làng, Minh lại gặp từng nhóm thanh niên, mỗi tốp hai ba người, có cả trẻ con, đứng lố nhố như chờ đợi một cái gì. Minh lo lắng níu cánh tay Cảnh dò hỏi, nhưng Cảnh chỉ gật đầu rảo bước. Minh thấy mặt Cảnh rất nghiêm nhưng không tỏ vẻ gì sợ hãi. Khi đến một căn nhà nằm khuất sau rặng tre già, lại thấy vài người ngồi câu cá ở bờ ao, ngước lên nhìn Cảnh và Minh, làm Minh càng hồi hộp và lo sợ. Mãi đến khi vào hẳn trong nhà, Minh mới biết tổng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng đang chuẩn bị cuộc họp bất thường, và những chàng thanh niên Minh thấy đứng ngồi rải rác từ cổng làng, chính là những cảm tình viên lo việc canh gát cho hội nghị để kịp thời thông báo nếu có dấu hiệu khả nghi bị mật thám theo dõi. Vùng này nằm trong tầm ảnh hưởng sâu rộng của Quốc Dân Đảng, ngay cả những ông tổng, ông lý đang tại chức cũng ngấm ngầm ủng hộ những người yêu nước. Được tham gia đại hội của tổng bộ, gặp gỡ những yếu nhân của trung ương, Minh cảm động lắm. Đại biểu các nơi lục tục kéo về, có những khuôn mặt rắn rỏi, đen xạm, rõ ràng là hình ảnh của nông dân. Có những khuôn mặt thư sinh trắng trẻo của người quanh năm làm việc trong văn phòng. Người mặc âu phục, kẻ vận quốc phục. Người thì gồng gánh giả dạng đi buôn. Kẻ thì cấp cặp, xách tráp như đi xem bói tay hay hốt thuốc Bắc. Họ cải trang, đóng kịch, dùng đủ mọi sáng kiến để tránh sự theo dõi của mật thám đang múôn diệt trừ tận gốc rễ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Người đến mỗi lúc một đông, gặp nhau mừng mừng tủi tủi, chia sẻ những gian nan cũng như những thành tích, thăm hỏi xem coi ai còn, ai bị bắt. Trên cái divan và hai cái giường tre trãi chiếu hoa kê ở gian giữa, từng nhóm ngồi xếp bằng quanh khay trà và cái điếu bát, khói thuốc bốc lên liên tục. Ở hai gian bên cạnh và dưới mái hiên sau nhà, quang cảnh cũng ồn ào đầm ấm tương tự như thế. Họ biết hôm nay họ về đây để cùng trang trọng viết một trang sử mới cho đất nước. Hai đồng chí phụ trách an ninh mời từng nhóm đại biểu ra sạn, chỉ cho họ những lối thoát bí mật từ trong nhà, chui qua rặng tre trồng làm hàng rào cuối vườn, lách theo những ngỏ ngách để dẫn ra cánh đồng làng trong trường hợp bị chính quyền bố ráp. Ban tổ chức đại hội tổ chức cẩn mật như thế để các đại biểu an lòng ngồi họp, chứ thật ra thì cũng không cần lắm, bởi chức việc làng này đều là cảm tình viên của đảng. Minh hồi hộp và sung sướng lắm. Sau khi theo Cảnh lại chào Nguyễn Thái Học và các đồng chí lãnh đạo của tổng bộ. Minh lần lượt bắt tay từng đại biểu và tự giới thiệu mình. Anh biết Cảnh cố ý cất nhắc anh lên để phụ trách soạn thảo các văn kiện của tổng bộ, thay thế các đồng chí nhà văn, nhà báo đã bị bắt. Đều này làm Minh rất cảm động. Quanh anh, những khuôn mặt hoàn toàn xa lạ, bên cạnh những tên tuổi mà Minh từng được nghe nhắc đến nhưng chưa có cơ hội diện kiến trực tiếp bao giờ. Minh không phải là đại biểu của thành bộ Hà Nội, nhưng do vận động của Lê Hửu Cảnh, tổng bộ chấp thuận cho Minh được ngồi làm thư ký, ghi biên bản cho hội nghị. Hôm ấy là giữa tháng 5 năm 1929, Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị táo bạo là thành lập Tổng Bộ Chiến Tranh, quyết định lãnh đạo quần chúng tổng khởi nghĩa. Ông nói thẳng đây là một chủ trương bất đắc dĩ vì phải đốt giai đoạn, trái lại với chương trình đã dự trù buổi ban đầu của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng không làm được, bởi đảng viên bị bắt quá nhiều mà lưới mật thám càng ngày càng giăng rộng. Ngồi chờ bị bắt rồi chết gục trong tù thì chẳng thà đánh một trận lớn, dẫu có thua cũng thỏa chí! Đảng trưởng chưa dứt câu, phòng họp đã nhao nhao bàn tán, người này nhìn người kia bằng ánh mắt ngạc nhiên. Có người buột miệng nói: - Tổng khởi nghĩa bây giờ là giắt nhau vào chỗ chết! Chưa thể được! Nguyễn Thái Học giải thích: - Chúng ta tổng khởi nghĩa trong lúc này thì phần thắng không nắm chắc trong tay! Nhưng chúng ta hy sinh ngã xuống để khơi dậy lòng ái quốc và làm những viên gạch lót đường cho những đoàn thể sau này sẽ nối tiếp chúng ta mà đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho xứ sở! Nguyễn Thái Học ngừng nói, phòng họp lập tức lại vang lên tiếng xầm xì. Người tán đồng cũng đông mà người phản đối cũng nhiều. Đứng đầu phe bất đồng ý kiến với Nguyễn Thái Học là Lê Hửu Cảnh, Cảnh vốn là người thẳng thắn, có ý nghĩ sâu sắc và không ngại mích lòng khi cần phát biểu. Lúc còn đi lính cho Tây, anh đã nhiều lần mạnh dạn phản đối cách cư xử của sĩ quan Pháp đối với An Nam. Bây giờ nghe Nguyễn Thái Học công bố quyết định tổng khởi nghĩa, Cảnh liền đứng dậy nói: - Từ sau Tết đến giờ, mới có 3 tháng, chúng ta bị mất quá nhiều đồng chí lỗi lạc, đa số là cấp lãnh đạo trung ủy. Các anh Nhựơng Tống, Hồ Văn Mịch, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Thành Vỵ, Nguyễn Thái Trác, đều đã bị bắt cả. Còn biết bao nhiêu đồng chí tài đức khác mà tôi không muốn kể ra đây. Tổng cộng trên dưới 200 đồng chí đang chịu cực hình tra tấn ngày đêm. Nhân sự của Tổng Bộ quyết định tổng khởi nghĩa, tôi thấy việc ấy quá liều lĩnh vì chúng ta chưa chuẩn bị. Nếu chúng ta thất bại-mà cứ sự thường là thất bại-thì thực dân nhân dịp này quét sạch Quốc Dân Đảng! Mười năm, hai mươi năm nữa, Đảng của chúng ta cũng sẽ không gây dựng lại được như hôm nay! Tôi xin Tổng Bộ và các đồng chí đại biểu xét lại! - Lê Hữu Cảnh dứt lời thì một số đồng chí khác nhụ Nguyễn Tiến Lữ, Nghuyễn Xuân Huạn, Lê Tiến Sự, Nguyễn Đôn Lâm, Đều nối tiếp ý của Cảnh, bác bỏ chủ trương tổng khởi nghĩa trong lúc này. Lê Hữu Cảnh lại tiếp: - Để bảo toàn lực lượng cua Đảng và nhất là sự duy trì sự hiện diện lâu dài của Đảng, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Tổng Bộ, nhất là anh Học và anh Như, nên ra nước ngoài ngay, đặt Tổng Bộ ben kia biên giới. Chúng ta đang có lợi thế là chính phủ Dân Quốc cầm quyền bên Trung Hoa. Tổng Bộ đặt cơ quan chỉ huy ở bên ấy, sẽ được chính phủ Tưởng Giới Thạch hỗ trợ, trong nước dù có xảy ra chuyện gì dd nữa, thì thực dân Pháp không làm gì được Tổng Bộ đặt trong nước, nói dại, nếu chẳng may Tỗng Bộ bị vỡ, anh Học, anh Nhu bị bắt, thì đảng viên như rắn bị mất đầu, Việt Nam Quốc Dân Đảng sẽ không còn nữa. Các đồng chí của chúng ta đang ở trong tù sẽ tan rã tinh thần vì không còn điểm tựa để trong mong ngày chiến thắng. Xin Tổng Bộ xét lại! Phòng hợp yen lặng ngẫm nghĩ những điều Cảnh vừa nêu ra. Nguyễn Thái Học nhìn khắp lượt cử tọa rồi nói: - Tổng Bộ không đi đâu cả! Anh Nhu và tôi không đi đâu cả! Chúng ta làm cách mạng, phải đồng lao cộng khổ với đồng chí, phải nằm gai nếm mật với đồng bào, không phải đứng từ nước ngoài mà chỉ tay 5 ngón, mà ném đá giấu tay! Chúng ta có vì Tổ Quốc mà ngả xuống để người sau tiến lên thì cái chết ấy cũng là cái chết xứng đáng, không có gì phải bận lòng! Cuối phòng có tiếng nói lớn cất lên: - Người xưa tối kỵ chưa xuất quân mà đã nói điều chẳng lành! Đảng trưởng sao lại cứ nói gở như thế! Ta thất bại thế nào được! Trên bàn chủ tọa, ngoài Nguyễn Thái Học, có Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính và Sư Trạch, một đảng viên mới vốn là võ sư, lo việc bảo vệ các yếu nhân của Đảng. Ngoài ra còn có cô Giang ngồi ở bàn thư ký bên cạnh Minh. Ký Con Đặng Trần Nghiệp thì đứng ở cuối phòng. - Đúng như thế! Tại sao anh Cảnh lại cứ bi quan cho rằng mình sẽ bị thất bại! Ta hiện có đến cả nghìn chi bộ khắp nơi. Chưa kể có cả một khối quốc dân đồng bào ủng hộ, thất bại thế nào được! Xứ Nhu dứt lời, một số đại biểu nhao naho cất tiếng ủng hộ làm Cảnh đâm ra lúng túng. Vốn nặng lòng quý mến Xứ Nhu, Lê Hữu Cảnh phân trần: - Thưa các đồng chí đại biểu. Tôi không bi quan. Tôi hoàn toàn tin vào chính sách của chúng ta. Nhưng thời cơ chưa đến. Vâng. Đúng là chúng ta có đến hơn 1000 chi bộ, nhưng vũ khí thô sơ, lại khó liên lạc với nhau. Trong khi địch có đến 3 tiểu đoàn bộ binh, 7 tiểu đoàn lính khố đỏ, lại thêm pháo binh và tàu bay. Rồi còn lực lượng đội xếp và đội thám. Tôi vì tiền đồ của Đảng mà phát biểu, chứ thật lòng không muốn đi ngược lại ý kiến của Đảng trưởng! Nguyễn Xuân Huân ngồi bên cạnh Cảnh xen vào: - Chúng ta làm cách mạng để đánh Tây, như thế thì sớm muộn gì cũng phải đánh! Có điều đánh lúc này thì chưa phải lúc! Phòng họp im lặng trong khoảnh khắc. Rồi Nguyễn Thái Học đề nghị hội nghị lấy biểu quyết bằng cách giơ tay. Nhóm Lê Hửu Cảnh tán thành lề lối sinh hoạt dân chủ của đảng trưởng, nhưng không đồng ý cách bỏ phiếu bằng tay, bởi nhiều người sẽ vì nể nang mà miễn cưỡng giơ tay, trái với ý nghĩ đích thực trong lòng mình. Tuy vậy, Cảnh không dám lên tiếng phản đối bởi thấy khí thế của hội nghị đang nghiêng hẳn về phía Nguyễn Thái Học. Kết quả biểu quyết là phe chủ chiến thắng thế. Điều này cũng dễ hiểu, bởi phần đông những đảng viên chủ trương cách mạng hòa bình đều đã đi tù. Hội nghị liền soạn thảo kế hoạch tổng khởi nghĩa để bắt tay vào việc chuẩn bị. Công tác khẩn cấp của giai đoạn này là thiết lập các xưởng chế tạo bom càng nhiều càng tốt, song song với công tác binh vận, tuyên truyền lôi kéo quân nhân người Việt tại các đồng lính Pháp quay về với đất nước, bắn lại quân thù. Sư Trạch đề nghị giao nhiệm vụ này cho cánh phụ nữ đảm trách. Ý kiến được Nguyễn Thái Học tán đồng. Ngồi ở bàn thư ký, Minh nhìn Cảnh bằng ánh mắt hết sức ái ngại. Những đều Cảnh nêu ra, Minh thấy hoàn toàn hợp lý. Nhưng quyết định của đảng trưởng và biểu quyết của đa số đại biểu cũng không phải là không hửu lý bởi hoàn cảnh bắt buộc đảng phải hành động. Từ lâu, Minh đã biết trong nội bộ các đồng chí lãnh đạo vẫn có những bất đồng quang điểm về đường lối. Với Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, Quốc Dân Đảng lập ra để hành động, để dùng bạo lực lật đổ chính quyền Pháp, không cần phải vẽ vời những chủ thuyết xa xôi. Nhưng với một số các đồng chí khác, đặc biệt là những người xuất thân từ nhà báo, nhà văn và nhà giáo, thì lại có chủ trương đường dài. Làm cách mạng bằng nhiều phương thức, chẳng hạn như giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng, chờ thời cơ thuận tiện mới nhất loạt tổng nổi dậy. Khuynh hướng này là những người như Nguyễn Thế Nghiệp, Nhượng Tống và nhiều đồng chí kiên nhẫn khác. Ngay từ đại hội lần thứ hai để bầu ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới, tổ chức ngày 1 tháng 7 năm 1928, Nguyễn Thế Nghiệp và Nhượng Tống đã không chụu tham dự vì thấy phe “diều hâu” đông đảo quá! Giờ này thì cả hai ông đều bị bắt, không còn tiếng nói tại hội nghị. Buổi họp bế mạc, các đại biểu phân tán ngay theo nhiều hướng khác nhau ra khỏi làng. Cũng có người ở lại Đức Hiệp, nhưng được bố trí sang những hộ cơ sở khác, tránh tập trung một chỗ. Nhóm Lê Hữu Cảnh từ đó có cái tên là “nhóm trung lập” hoặc “phe cải tổ”, bị nhiều đồng chí tỏ thái độ e dè, xa cách, làm Cảnh rất buồn. Khi mọi người lần lượt rút lui hết thì trong nhà chỉ còn Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính. Cảnh cũng nấn ná ở lại. Để tránh ngộ nhận, nhân một lúc vắng vẻ, Cảnh gặp riêng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, khẳng khái nói: - Hai anh hiểu cho, tôi tuy có ý kiến bất đồng, nhưng hội nghị đã biểu quyết và thông qua kế hoạch tổng khởi nghĩa thì tôi sẳn sàng chấp hành. Tổng bộ cứ giao nhiệm vụ, tôi cam kết sẽ hoàn thành! Xứ Nhu gật đầu trấn an Cảnh: - Tôi hiểu! Đồng chí phát biểu như thế là rất dân chủ! Nguyễn Thái Học tiếp lời: - Đồng chí cứ về Hà Nội, nay mai sẽ có lệnh cụ thể! Cảnh chưa kịp nói gì thêm thì Nguyễn Thái Học lại bảo: - Nhưng ngủ lại đây một tối cho khỏe đã, rồi mai hẵng lên đường! Nguyễn Khắc Nhu hiểu ý, thân mật vỗ vai Cảnh và thêm: - Tôi cũng cần bàn với ông vài việc vì dù sao ông cũng có thời đi lính cho Tây, biết nhiều về quân sự. Xứ Nhu biết trong lòng Nguyễn Thái Học đã chớm nghi ngờ Cảnh. Chính vì nghi ngờ, đảng trưởng mới giữ chân Cảnh lại, bởi các yếu nhân của đảng đều đang tập trung tại căn nhà này. Nếu để Cảnh ra đi, rủi ro Cảnh phản bội, thì tổng bộ sẽ lọt hết vào tay địch. Chim đậu cành mềm, từ đầu năm đến giờ, trong nội bộ Quốc Dân Đảng đã có đến mấy kẻ làm nội tuyến, phá tan bao nhiêu cơ quan của đảng. Cho nên bây giờ Nguyễn Thái Học bắt đầu tỏ thái độ dè dặt, ngay cả với Cảnh. Ông sợ rằng Lê Hửu Cảnh vì bất mãn với quyết định tổng khởi nghĩa của tổng bộ, có thể sinh ra mất lập trường, rồi đứng về phía giặc. Cảnh không biết ý định của đảng trưởng, nên hết sức cảm động vì được cả Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu níu lại bàn chuyện. Xứ Nhu lôi Cảnh ra sau nhà, ngồi uống trà dưới mái hiên trông ra mảnh vườn trồng đầy đậu đũa. Dù sao đi nữa, Xứ Nhu cũng là người từng trải, không muốn đẩy Cảnh ra khỏi đoàn thể khi chưa nắm chắc được bằng chứng vững chắc là Cảnh muốn bỏ đảng. Làm như thế, vừa mất đi một nhân tài, vừa có thể dồn Cảnh vào chân tường để trở thành kẻ bội phản. Huống chi ông biết Cảnh vì đảng mà hiến kế, cho nên ông cần xoa dịu Cảnh trong lúc này. Ông nhập đề thẳng, giao cho Cảnh phụ trách việc chế tạo chất nổ, các loại bom đơn giản để dùng trong ngày khởi nghĩa. Cảnh khẳng khái nhận lời ngay, Cảnh bảo: - Anh cứ tin ở em! Lời thề tuyệt đối trung thành với đảng, em không bao giờ quên! Khi chỉ có hai người với nhau, Cảnh luôn luôn gọi Xứ Nhu là anh và xưng em vì chẳng những Cảnh thua Xứ Nhu đến 13 tuổi, mà hơn thế nữa, Cảnh biết rất rõ quá trình hoạt động thật sôi nổi của Xứ Nhu ngay từ thuở thiếu thời. Nguyễn Khắc Nhu sinh năm 1882 tại làng Song Khê, gần thị xã Bắc Giang. Thân phụ ông là một nhà nho lận đận khoa cửa nhưng truyền được cho Nhu cái tính hiếu học ngay từ thuở nhỏ, quyết nuôi chí thành đạt để mang niềm vui lại cho hai đấng sinh thành. Không may, khi Nhu 12 tuổi thì mồ côi cha, phải lao vào cuộc đời, trở thành rường cột kinh tế cho gia đình. Công việc đầu tiên của Nhu là xin chăn trâu cho cụ Tú Bảng trong làng để vừa có gạo mang về, vừa được cụ Tú cho ngồi học chung với các con của cụ vào buổi tối. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng Nhu rất hài lòng vì được tiếp tục việc học. Tiếc rằng chẳng được bao lâu thì cụ Tú được người ta mời ra tỉnh làm gia sư, cậu bé Nhu đành ở lại và đi bắt cua dọc theo các bờ ao, ven ruộng trong làng. Từ đấy, bút nghiên phải tạm gác lại. Một hôm, Nhu đi xa, ra bắt cua mãi trên thị xã, bên bờ sông lớn. Nhìn thấy thiên hạ lên xuống chiếc tàu thủy đang thả neo đón khách tại bến sông. Nhu tò mò leo lên, ngơ ngác đi lang thang trên tàu. Tàu chạy lúc nào không hay. Nhu hoảng hốt quá, không biết làm sao để quay về nhà với mẹ. May có người thợ phụ việc trên tàu, thấy Nhu đứng mếu máo, mới tiến lại hỏi thăm. Nhu kể hết sự tình. Ông thợ động lòng thương hại, lại vì chưa có con trai, nên ông ngỏ ý sẳn sàng nhận Nhu làm con nuôi. Ông đưa Nhu về nhà mình ở Phả Lại, cho học chữ Hán tiếp tục, lại thêm cả tiếng Tây và chữ Quốc Ngữ. Hai năm sau ông mới báo tin cho mẹ Nhu ở làng Song Khê để bà biết là Nhu hiện đang ở với ông. Bà mẹ mừng quá liên cử người đến cảm ơn và xin cho Nhu quay về làng. Đoàn tụ là một niềm vui lớn, nhưng từ đấy bút nghiên lại phải tạm hoãn vì không có tiền và không có thầy. Ngày ngày đi làm vớ vẩn, Nhu vẫn nôn nóng ôm giấc mơ có ngày được đi học trở lại. Một dịp may mắn, có người mách bảo cho Nhu biết vị sư trụ trì ở chùa làng có thời từng lều chõng đi thi. Nhu liền đến gặp, ngỏ ý xin vào làm việc lặt vặt cho chùa để hy vọng được sư ông cho thọ giáo. Nhà sư thấy Nhu có chí, bèn thu nhận làm môn đệ. Ít lâu sau, nhà sư lại gửi Nhu sang chùa làng Lạc Giản, cách Song Khê khoảng 5 cây số, để Nhu học thêm vì nhà sư bên chùa ấy có trình độ cao hơn. Nhờ vậy, chỉ hơn một năm sau, Nhu đã thi đỗ khóa sinh. Để Nhu có điều kiện tịến xa, một lần nữa nhà sư lại gửi Nhu sang tận làng Nội Duệ, ở đó có ngôi trường của cụ cử Đường nằm bên cạnh chùa Lim. Cụ cử Đường là một nhà nho yêu nước, lại có tính quảng giao, tìm người đồng chí hướng để kết bạn. Chính những tháng ngày ngồi tại ngôi trường này, Nhu đã được trang bị tinh thần ái quốc, mở ra một khúc rẽ mới cho cuộc đời mình. Năm 1903, Nhu 21 tuổi, cụ Phan Bội Châu trên đường bôn ba kiếm tìm đồng chí đánh Pháp, đã ghé thăm cụ cử Đường, thầy học của Nhu. Cụ Phan ngỏ ý tìm một người khả tín, thông thạo đường đi nước bước để đưa cụ đi gặp nhà cách mạng Hoàng Hoa Thám. Cụ cử Đường liền giao trọng trách này cho Nguyễn Khắc Nhu. Thế là thầy trò lên đường, trèo đèo vượt suối đến đồn Phồn Xương, nơi nghĩa quân Đề Thám đang đóng trại. Bài học đầu tịên cũng là bài học mạnh mẽ nhất mà Nhu đã học được của Cụ Phan Bội Châu là chỉ con đường vũ trang mới đánh đuổi được thực dân. Nhu nhớ mãi lời dạy ấy như một tia sáng chiếu soi sáng hành trình ái quốc của Nhu sau này. Đánh giặc Pháp, phải dùng bạo lực! Đưa cụ Phan đi rồi, Nhu quay về chuẩn bị kỳ thi hương. Nhưng theo thông lệ của nhà Nguyễn, để giới hạn bớt số sĩ tử, bất cứ ai trước khi lều chõng đi thi hương, đều phải trãi qua một kỳ sát hạch phúc khảo tại địa phương, tổ chức theo từng xứ. Ngày ấy, miền Bắc chia ra làm bốn xứ: Bắc, Nam, Đông, Đoài, mỗi xứ gồm vài tỉnh. Chẳng hạn như khi nói xứ Nam, người ta hiểu ngay là gồm Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình. Khi nói đến xứ Đoài, người ta hiểu ngay là Sơn Tây, Vĩnh Phúc Yên và mấy tỉnh lân cận. Nguyễn Khắc Nhu dự thi sát hạch toàn xứ và đỗ thủ khoa. Từ đó, Nhu mới có cái tên là ông Đầu Xứ, hoặc gọi tắt là Xứ Nhu. Đỗ đầu xứ như ông, chưa phải là một văn bằng chính thức của triều đình để ra làm quan, nhưng nó cho thấy trình độ học vấn của ông không thua gì bậc cử nhân của triều Nguyễn. Chỉ tiếc rằng, giống như thân phụ, ông mang kiếp lận đận khoa cử. Bản thân Nguyễn Khắc Nhu đi thi hương hai lần đều không đậu, làm nhiều sĩ tử đồng khóa hết sức ngạc nhiên. Trở về làng, tạm gát lại chuyện đèn sách, ông cầm đầu một toán thanh niên 17 người sang Quảng Châu tìm cụ Phan Bội Châu để tham gia phong trào Đông Du. Nhưng qua đến nơi thì cụ Phan đã lưu lạc xứ khác, không sao tìm gặp được. Phái đoàn nấn ná ở lại Quảng Châu chờ tin, bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt nhốt một thời gian. May nhờ Xứ Nhu có chữ nghĩa nên mới được nể nang và thả cho về. Từ ấy, Nguyễn Khắc Nhu làm nghề dạy học tại làng Thịnh Liệt, cách ga kép khoảng 5 cây số. Lòng yêu nước của ông đã để lộ ra một cách khá rõ rệt qua những vần thơ ông sáng tác cũng như những bài giảng cho học trò và thậm chí qua những câu đối ông víết trên tường lớp học. Ông cũng là người đi tiên phong hô hào dân làng cải thiện đời sống vệ sinh, đào giếng lấy nước uống, chống mê tín dị đoan, bỏ thuốc phiện và cờ bạc. Xứ Nhu làm thơ, viết báo, lấy tên làng Song Khê làm bút hiệu. Nhớ lời cụ Phan Bội Châu đã dạy, Xứ Nhu cho mở trường đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí để chuẩn bị lớp người tương lai cho đất nước Từ hình thức cách mạng gián tiếp ấy, Xứ Nhu chuyển hướng sang hình thức tích cực hơn. Cùng các đồng chí trong nhóm Đông Du ngày trước, thành lập tổ chức lấy tên là “Việt Nam Dân Quốc”, chủ trương võ trang chống Pháp. Tổ chức của ông nhanh chóng thu hút đông đảo đồng bào địa phương, kể cả phụ nữ, chẳng hạn như ba chị em cô Bắc, cô Giang, cô Tình ở phủ Lạng Thương. Việt Nam Quốc Dân cấp tốc chuẩn bị ngày khởi nghĩa, nhắm vào các đồn binh Pháp ở Đáp Cầu, Bắc Ninh, Phả Lại. Trong khi chờ đợi, họ mở những cuộc tập kích lẻ tẻ vào các đồn binh Pháp, gây được nhiều tiếng vang trong dân chúng. Những vụ binh biến nho nhỏ ấy, đều được nhóm Nam Đồng Thư ở Hà Nội ngấm ngầm ủng hộ. Nguyễn Khắc Nhu rắp tâm làm lớn một vố trong toàn vùng Nhưng kế hoạch chưa thực hiện được thì khôngmay bị lộ, vì xưởng chế tạo vũ khí thình lình phát nổ, khiến Pháp ra tay khủng bố. Nhờ tổ chức chặc chẽ, kín đáo, mỗi cơ quan, mỗi cá nhân đều hoạt động biệt lập nhau, nên dù bị địch truy lùng gắt gao, lực lượng Việt Nam Quốc Dân không bị sứt mẻ bao nhiêu. Nhờ vậy, khi nhóm Nam Đồng Thư Xã biến thành Việt Nam Quốc Dân Đảng thì Nguyễn Khắc Nhu đem toàn bộ nhân sự của đảng mình sát nhập vào với Nguyễn Thái Học. Năm ấy, Nguyễn Khắc Nhu đã 45, hơn Nguyễn Thái Học gần 20 tuổi. Vì tuổi đời khá cao, lại thêm kinh nghiệm hoat động lâu năm và trình độ học vấn uyên bác, Nguyễn Khắc Nhu được các đồng chí hết sức nể trọng, thường giao cho những trong trách lớn nhất của đảng, chẳng hạn như hai lần được bầu làm chủ tịch đảng. Sự tham gia của Nguyễn Khắc Nhu cùng tổ chức của ông, đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của Việt Nam Quốc Dân Đảng ít nhất là ở 3 lãnh vực: Thuở đầu khi kết nạp đảng viên, Quốc Dân Đảng đã bỏ quên vai trò phụ nữ. Nhờ Nguyễn Khắc Nhu, những người như cô Giang, cô Bắc mới được đảng trọng dụng. Thứ hai, thuở đầu khi kết nạp đảng viên, Quốc Dân Đảng chỉ chú trọng đến tầng lớp trí thức thành phố. Nhờ Nguyễn Khắc Nhu, khuynh hướng chủ chiến của Nguyễn Thái Học mới được ủng hộ mạnh mẽ và chiếm đa số trong hội nghị, điển hình là quyết định tổng khởi nghĩa vừa thắng thế trong phiên họp lịch sử hôm nay, tại làng Đức Hiệp giữa thánh 5 năm 1929. Dù hội nghị đã quyết định tổng khởi nghĩa, Lê Hửu Cảnh vẫn cố bám lấy ý kiến của mình. Ngồi riêng với Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, Cảnh tha thiết nhắc lại: - Anh Học, tôi xin anh! Anh nên ra nước ngoài. Sang Tàu hoặc Xiêm. Đối với đồng bào cũng như đồng chí, vai trò của anh rất quan trọng. Lãnh tụ là điểm tựa của đòan thể Đảng không có tôi, không có các đồng chí khác cũng chả sao. Nhưng không có anh thì không được! Cụ Phan Bôi Châu bị bắt, Việt Nam Quang Phục Hội kể như tan rã ngay! Nói dại, anh mà bị bắt, Quốc Dân Đảng chắc chắn sẽ xuống dốc! Anh nên nghe lời tôi! Nể Cảnh là người thân cận chia ngọt sẻ bùi trong mấy tháng qua, Nguyễn Thái Học không nở lớn tiếng, nhưng trong thâm sâu ông rất bực vì những phát biểu của Cảnh tại hội nghị đã làm lung lạc một số đồng chí! Bao nhiêu thiện cảm của ông dành cho Cảnh từ trước đến nay, bổng giảm hẳn đi và thay thế vào đó là sự ngờ vực lập trường của Cảnh. Tối hôm ấy, Cảnh ngồi đọc kinh rất lâu. Sáng hôm sau, mặt trời chưa lên, Cảnh đã cùng Minh lên đường trở về Hà Nội. Suốt quãng đường Cảnh trầm ngâm không nói. Minh nhìn Cảnh dò xét: - Ý kiến của anh, nhiều đại biểu ngấm ngầm tán thành, nhưng họ ngại, không dám nói ra! Cảnh gật đầu đáp nhỏ: - Những người có công lớn với đảng như Nhượng Tống, Nguyễn Thế Nghiệp, Hồ Văn Mịch, đều bị bắt cả rồi. Thành ra, tiếng nói của tôi trở nên thiểu số tại hội nghị, không lay chuyển được anh Học, anh Nhu! Rồi hai người lại ngồi yên cho tới lúc chia tay ở sân ga. Giờ này, Cảnh vẫn là nhân viên trong xưởng hỏa xa, cho nên anh phải trở lại sở làm ngay, vì lâu quá sợ người ta nghi. Minh thì quay về căn gác trọ, tiếp tục sống những ngày nơm nớp lo âu vì chiến dịch càn quét của mật thám Pháp vẫn đang tiếp diễn một cách tàn bạo, không phải chỉ nhắm riêng Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà muốn tận diệt tất cả mọi đòan thể chống đối, trong đó có Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội cũng là một mục tiêu chính yếu. Những ngày kế tiếp, Minh nghĩ nhiều đến Lê Hửu Cảnh và cảm thấy tội nghiệp cho một người cách mạng yêu nước như Cảnh mà giờ đây lâm vào tình trạng cô đơn và bị các đồng chí ngờ vực, xa lánh. Trong cái nhìn của Minh thì Lê Hửu Cảnh là một nhân vật kiệt xuất của đảng, làm việc gì cũng tính toán cẩn trọng. Minh bứt rứt đi tìm Cảnh và gặp anh hai lần ở chỗ Cảnh làm. Lần nào, Cảnh cũng rũ Minh đi ra quán cóc ăn trưa và bàn chuyện thời sự. Ánh mắt của Cảnh không giấu nổi nỗi ưu tư, khiến Minh lắm lúc cũng phải mủi lòng! Quả thật, Minh đóan đúng, Cảnh đang chịu những ngày dằn dặt nhất bởi tổng bộ không giao công tác gì cho Cảnh từ sau hội nghị Đức Hiệp. Đồng chí cũng ít ai muốn đến để gặp Cảnh vì sợ tổng bộ cho là kéo bè kết đảng trong lúc tình hình khẩn trương, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Chẳng những thế, Cảnh còn biết Nguyễn Thái Học đã chỉ thị cho Ký Con Đặng Trần Nghiệp phải theo dõi hành vi của Cảnh trong lúc này, để nếu cần thì ra tay trừng trị. Cảnh buồn lắm. Đích thân đi tìm Ký Con ở Hà Nội và vài lần như thế, Ký Con mới hiểu bụng dạ của Cảnh. Nhưng dĩ nhiên Ký Con giấu kín, không tiết lộ cho Nguyễn Thái Học biết. Cảnh bảo Ký Con: -Anh học quyết định tổng khởi nghĩa lúc này thì quả là vội vả thật! Người ta phê bình anh ấy theo chủ nghĩa “anh hùng cá nhân”! Nhưng đa số các đại biểu đã đồng ý thì tôi cũng phải tuân theo mệnh lệnh đảng chứ đi ngược lại làm sao được! Cũng may cho Cảnh là từ lâu Ký Con vốn nể Cảnh là người từng trải và gan dạ, nên giờ này dù tổng bộ cho nghi ngờ, Cảnh vẫn dễ dàng tạo lại niềm tin trong lòng Ký Con, lúc ấy mới 21 tuổi. Từ đó, Cảnh lặng lẽ giúp Ký Con chế bom để dùng trong ngay tại thủ đô Hà Nội trong đêm tổng khởi nghĩa, hầu đánh lạc hướng sự chú ý của chính quyền Pháp khi nghĩa quân tấn công ở các tỉnh. Những ngày nặng nề kế tiếp nhau trôi qua rất chậm, Minh trở lại Hà Nội đếm thời gian trôi trong nỗi thấp thỏm lo âu. Cũng giống như Cảnh, Minh nôn nóng chờ lệnh của tổng bộ, nhưng chờ mõi mòn mà chả thấy ai liên lạc từ sau khi chia tay các đồng chí lãnh đạo tại hội nghị Đức Hiệp. Lúc đầu, anh chỉ nghĩ rằng tổng bộ không còn ở Hà Nội nữa, các đồng chí lãnh đạo phải cải trang bôn ba nay đây mai đó, nên chưa có dịp giao công tác cho Minh. Tuy nhiên, dần dần anh hiểu ra rằng, Nguyễn Thái Học không dùng anh bởi anh là đàn em của Lê Hửu Cảnh, người đang bị tổng bộ nghi ngờ vì những phát biểu ngược chiều tại hội nghị. Để tránh bớt căng thẳng, Minh ghé thăm bà dì, nhờ cô em họ xuống Hải Ninh thăm dò tình hình trước, rồi anh xách va-li về thăm nhà một thời gian cho khuây khỏa. Thời gian này, cũng chính là lúc mà Hậu được lệnh thóat ly, giã từ Hải Ninh, lên đường theo tiếng gọi của Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội.