Sửa chánh tả: ThanhVien
CHƯƠNG 49

- Thực lực của quân đội thuộc địa Pháp chiếm đóng ba xứ Bắc Trung Nam.
- Cuộc diễn binh ngày 14-7-1939.
- Trong lúc đó, lực lượng quân sự của người Pháp ở Ðông Dương như thế nào?
Lúc Tuấn còn là một cậu “ lắc léo mè dòng lô “ ở trường tỉnh, mà “ Nhà nước Bảo Hộ “ gọi là “ Ecole Franco Indigène “ (trường Pháp - bổn xứ), thì Tuấn thấy trong tỉnh chỉ có một đồn lính Khố Xanh, tiếng Pháp gọi là La Garde Indigène, dịch đúng nghĩa là Lính Bổn xứ. Ðây là toàn là lính An nam đặt dưới quyền một viên chỉ huy Pháp, L’ Inspecteur de la Garde Indigène (quan Giám Binh). Những người lính Bổn xứ ấy cũng thường được gọi là “ les miliciens “, mà không biết ai dịch ra thành danh từ chính thức rất vô nghĩa, là “ Lính Tập “. Danh từ "Lính tập" lại rất thông dụng trong dân gian hơn là “ Lính Khố Xanh “.
Nhận thấy rằng trong tỉnh chỉ có ba hạng lính, lính “ Phú lít “ (Police, cảnh sát), lính Lệ (lính của các quan An nam), lính Khố Xanh, mà hai hạng lính trên khỏi phải tập luyện gì cả. Tuấn nghĩ rằng có lẽ vì chỉ riêng có lính Khố xanh của Tây khi mới vào làm lính là phải tập đi, tập bước, tập nhẩy, tập bắn, nên người ta gọi là Lính Tập chăng?
Tuấn đã chứng kiến việc mộ lính Khố xanh như thế nào ở Trung Bắc Kỳ.
Thí dụ mỗi làng nhận được giấy của Phủ, Huyện gởi về truyền lịnh phải tuyển chọn 2 người nông dân để đưa ra tỉnh làm lính Tập. Thường ông xã kiếm hai người tình nguyện trong đám dân nghèo không có ruộng đất, nhưng khoẻ mạnh.
Sự lựa chọn không khó khắn lắm vì đám dân nghèo khá đông. Hoặc có những gia đình khá giả nhưng đông con trai, thì một người tình nguyện ra lính Tập, vì tính phiêu lưu, vì có tham vọng làm thầy Cai, thầy Ðội, hoặc vì một lý do nào khác.
Có những thanh niên tuấn tú đã học giỏi chữ Nho, thuộc làu kinh sử, nhưng vác lều chõng đi thi mấy lần đều rớt, hoặc những chàng thất vọng vì tình duyên, hay uất hận vì gia đình, họ tình nguyện đi lính tập với tin tưởng sẽ được nhiều an ủi. An ủi nhờ công danh, quyền uy, chức tước, tuy là làm lính Tập cho nhà nước Bảo Hộ, nhưng vẫn được hưởng địa vị và phẩm hàm của triều đình An nam ban cho.
Từ một chú lính trơn lên được lon Quyền (lon vàng bằng một ngón tay), rồi lên chức:
- Cai nhì (lon vàng bằng hai ngón tay)
- Cai nhứt (lon vàng bằng hai ngón tay, kèm theo một rẻo) được hưởng hàm Chánh cửu phẩm của Triều đình.
- Ðội Nhì (lon bạc bằng một ngón tay) được hàm Tùng Bát phẩm của triều đình.
- Ðội Nhứt (lon bằng bằng hai ngón tay) được hàm Chánh Bát phẩm.
- Quản (hai lon bạc) được hàm Tùng Thất Phẩm.
Một người cậu của Tuấn, họ Bùi, chữ Nho khá, chữ Quốc Ngữ thạo, con thứ mười của một gia đình Phú Nông, tình nguyện đi lính tập để lập công danh. Hôm đầu tiên ra tỉnh, cậu mặc áo dài đen, quần vải trắng, đầu bới tóc, đúng như con nhà Nho giáo, theo nề nếp Nho phong. Nhưng vào đồn, cậu được lãnh bộ áo quần kaki của lính Tập, hớt tóc và bắt đầu tập bước với các tân binh khác dưới sự huấn luyện hùng hồ oai vệ, của một thầy Cai:
- Ấc, đơ! … Ấc, đơ! … Ấc, đơ! …(Một, hai! …)
- Ất-xoong…Han tờ! (Coi chừng …đứng lại!)
- A oách! …oách! (quay bên phải)!
- Rơ pô (Nghỉ)
- Ga-ra-vu! (nghiêm)
- Ăn-na-văng …mạc! …(bước tới)
- Ấc, đơ! Ấc, đơ! Ấc, đơ! …
Một năm sau, cậu lính Tập Bùi được đóng lon Quyền. Hai năm sau được đóng lon Cai Nhì, và được gọi là thầy Cai Nhì …Rồi lên thầy Cai Nhứt …Bị phạm tôị thiếu kỷ luật, bị xuống lon Cai Nhì. Hai năm sau mới được lên lại lon Cai Nhứt.
Về làng, thầy Cai Bùi được “ăn trên ngồi trưóc “ và được gọi là “ thầy Cửu “, Cửu phẩm của Triều Ðình.
Toàn tỉnh chỉ có ba bốn đồn lính Tập đóng những nơi hiểm yếu mà thôi. Nhiều Phủ, nhiều Huyện, không có đồn lính Tập, nghĩa là không có lính, trừ năm bảy chú lính Lệ, của Phủ, Huyện, để hầu hạ ông quan An nam. Lính này không có tập luyện, không có súng, không có khí giới gì cả. Thỉnh thoảng chú ra chợ, tay cầm một chiếc roi tre hay roi mây, để bắt nạt mấy chị bán hàng và mấy anh “culi” xe kéo.
Theo lời ông ngoại của Tuấn kể lại cho Tuấn nghe, thời kỳ Nguyễn Thân đi đánh giặc Phan Đình Phùng, ông ngoại của Tuấn lúc bấy giờ là một nông dân vào hạng trung lưu, bị tuyển mộ vào đoàn quân của Nguyễn Thân. Ðây là một cơ binh riêng biệt của Triều đình An nam, lính mặc áo kẹp nẹp đỏ, bên cạnh đội Lính tập chính quy của Nhà Nước Bảo Hộ Phú Lang Sa.
Lính khố xanh của Bảo hộ bị Nghĩa quân cách mạng của Phan Đình Phùng và Cao Thắng bắn chết khá nhiều trong nhiều trận oanh liệt.
Lúc Tuấn ra Huế, ở Huế một tháng, Tuấn thấy một đồn lính Khố Xanh ở đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi) gần trường nữ trung học Ðồng Khánh.
Một đồn lính Tây, dân chúng gọi là lính Sơn đá (do chữ Soldat của Pháp = lính), đóng ở Mang Cá, để đề phòng những cuộc khởi nghĩa ở Huế, hơn là để bảo vệ Kinh đô.
Ngoài ra, trong Thành Nội, vua An nam “Ðại Nam Hoàng Ðế “ có riêng một đội lính Khố Vàng, để hầu vua.
Dưới thời Khải Ðịnh, triều đình An nam có 6 Bộ (Lục Bộ): Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Học, Bộ Hình, Bộ Công, Bô Binh. Nhưng các bộ ấy không có nhiệm vụ nào thực tế, hay quan trọng. Như Bộ Công (công chánh) chỉ lo gìn giữ những con đường trong Thành Nội cho sạch cỏ. Còn quan Thượng Thư Bộ Binh, Binh Bộ Ðại Thần, thì chỉ huy lính Khố Vàng mà phận sự là khiêng kiệu, cầm cờ cầm quạt, che lọng cho Vua khi Vua đi tế Trời Ðất trên Ðài Nam Giao.
Sau khi Khải Ðịnh chết (động từ dành riêng cho Vua là “ băng hà “), viên Khâm Sứ Huế, thủ hiến của Nhà Nước Bảo Hộ, bỏ hẳn Bộ Công và Bộ Binh.
Quan Binh Bộ Thượng Thư cuối cùng của triều Nguyễn, một cụ già đáng kính, có chòm râu bạc phất phơ hiền lành và nho nhả, không hề biết số lính của Triều đình là mấy chục hay mấy trăm người.
Bảo Ðại về lên ngôi, “ cải tổ nội các”, cũng bỏ luôn bộ Binh, và đổi danh từ cho vài Bộ khác:
- Bộ Giáo dục thay vì Bộ Học.
- Bộ Tư Pháp (Hình)
- Bộ Nghi Lễ (Lễ).
Ở Hà Nội, Tuấn để ý đến đồn lính Khố Xanh (ở Bắc kỳ không gọi là Lính Tập, chỉ gọi lính Khố Xanh), ở đường Ðồng Khánh.
Ngoài ra còn nhiều đồn lính Khố Ðỏ mà người Pháp gọi là Tirailleurs Tonkinois ở Hà Nội, Ðáp cầu, Tống (Sơn Tây), Lạng Sơn.
Lính này theo một quy chế khác hẳn lính Khố Xanh.
Ngoài hai hạng lính Bổn xứ ấy mà cấp bực chỉ đến chức Quản (Adjudant) là hết, và đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp cũng ở cấp bực nhỏ, quân đội chính quy Pháp ở Ðông Dương gồm có Lục quân thuộc địa (Infanterie Coloniale) và “ Lê Dương “ (Légion Étrangère). Binh chủng này gồm đa số là người của các thuộc địa Phi châu của Pháp, nhiều nhất và nổi tiếng dữ nhất là người Sénégalais (quê ở Sénégal), Marocains (quê ở Maroc), Malgaches (quê ở Madagascar) và bọn phiêu lưu ngoại quốc Đức, Áo, Tiệp v.v…
Chính phủ thuộc địa dùng các đạo quân này để đánh dẹp các phong trào khởi nghĩa quốc gia, hoặc các cuộc nổi loạn của cộng sản.
Về vũ khí, có thể nói là chẳng có gì đáng kể. Hầu hết là các khí giới kiểu cũ đã dùng trong trận Thế chiến 1914-1918 còn ứ đọng lại, đem phân phối cho lính thuộc địa ở Ðông Dương. Thông dụng nhất là loại súng Mousquetons, được gọi là “ súng trường “, và một số ít súng liên thanh kiểu cũ. Súng đại bác, có thể nói là rất hiếm. Một vài khẩu 75 đã xưa mà hỏa lực chỉ mạnh hơn chút ít loại súng “ thần công “ của các vua An nam thời Tự Ðức. Xe tăn được 5, 7 cái loại 1918. Tầu bay lỗi thời kiểu Morane và Potez độ vài chục chiếc với một động cơ, không bao giờ dám chở đi xa các vị thượng cấp, Toàn quyền, Khâm sứ, Thống đốc, hoặc Hoàng đế, Thượng thư. Các vị này đi đâu dù là từ Saigon ra Hà Nội cũng chỉ đi bằng xe lửa mà thôi.
Tuấn có đi xem cuộc diễn binh lớn nhất ở Hà Nội, nhân dịp lễ Quốc khánh của Pháp, ngày 14 tháng 7 năm 1939. Lúc này chiến tranh sắp bùng nổ ở Âu châu, do những lời hăm dọa thường xuyên của Hitler. Ở Ðông Á, Nhựt Bổn cũng lăm le dòm ngó thuộc địa Ðông Dương của Pháp.
Có lẽ vì tình thế khẩn trương, nên chính phủ thuộc địa nhân ngày “Quốc Khánh “
14-7-1939, muốn tổ chức một cuộc diễn binh vĩ đại, để phô trương lực lượng quân sự của Pháp ở Hà Nội trước mắt người dân bổn xứ.
Cuộc diễn binh đặc biệt này được cử hành long trọng trên Quai Clémenceau (đường Bờ Sông) dưới quyền chủ tọa tối cao của đại tướng Catroux. Toàn quyền Ðông dương. Dân chúng xem rất đông, đứng chật cả bờ đê sông Hồng Hà, theo một khoảng dài trên một kí lô mét và trên lề đường Clémenceau và đường Thống chế Pétain.
Sau cuộc nghi lễ quân sự, cuộc diễn hành bắt đầu lúc 9 giờ. Theo tiếng nhạc hùng tráng của đội quân Lê dương, các đơn vị binh chủng sắp hai hàng dõng dạc qua trước khán đài danh dự. Nhưng quân số rất ít, tổng cộng cả lính Khố Xanh, Khố Ðỏ, Lục quân thuộc địa, Lê dương, Thiếu sinh quân không quá 1000 người.
Ðội quân cơ giới không quá 5 chiếc xe thiết giáp nhỏ, và 4 xe tăn (người Bắc gọi là tàu bò) cũ kỹ mà hai cái vừa bò ì ạch đến trước khan đài thì bị panne, nằm chình ình giữa đại lộ. Năm chiếc tàu bay Morane một động cơ, cánh dài hình chữ nhật, sắp thành chữ V bay chậm chậm trên trời xanh, được một vòng rồi biến mất về phía phi trường Gia Lâm.
Xem xong cuộc diễn binh, dân chúng ra về, mỗi người phê bình mỗi cách, nhưng tựu trung không aí có cảm giác hào hứng lắm.
Nói về hiệu quả tâm lý, thì cuộc biểu diễn của quân đội thuộc địạ Pháp ở Hà Nội ngày 14-7-1939 là một thất bại lớn trái với dự tính của nhà cầm quyền Pháp.
Năm giờ chiều, Tuấn trở lại đường Bờ Sông, thấy hai chiếc “ tàu bò “ hỏng máy còn nằm vạ nơi đó, do hai người lính Pháp hì hục sửa mãi chưa xong.
Hai tháng sau, ngày 3-9 -1939, Thế giới Chiến tranh bùng nổ ở Âu châu.
Hà Nội cũng như tất cả thành phố Ðông dương, bị đặt vào tình trạng báo động. Dư luận tổng quát của dân chúng là biết trước rằng ở Âu châu Pháp đánh với Ðức thì Pháp chắc sẽ thua. Ở Á Đông, nếu Pháp chống lại Nhật thì thế nào Pháp cũng sẽ bị bẹp. Dân chúng không tin tưởng nơi lực lượng quân sự Pháp ở thuộc địa này.
Với một lực lượng quân sự có thể gọi là yếu ớt và sơ sài như thế, tại sao người Pháp nắm vững được thuộc địa của họ và đàn áp được tất cả phong trào chính trị, các mưu toan khởi nghĩa của các đảng phái quốc gia ở Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, và các cuộc nổi loạn cộng sản ở một vài địa phương Trung kỳ và Nam kỳ?
Chúng ta tìm hiểu nguyên nhân ở chương sau.