Dịch giả : Nguyễn Thuỵ Ứng
Chương 49
PHẦN 3

Trong những ngày cuối tháng sáu, trung đoàn chuyển sang diễn tập Theo mệnh lệnh của ban tham mưu sư đoàn, trung đoàn tiến tới thành phố Rovno(1) theo đội hình hành quân. Hai sư đoàn bộ binh và các đơn vị kỵ binh triển khai chung quanh thành phố. Đại đội bốn đến đóng trong các nhà dân ở làng Vladislavka.
Chừng hai tuần sau, khi đại đội đã mệt lử vì cuộc thao diễn kéo dài, đến đóng tại một thị trấn nhỏ tên là Daborol, viên đại đội trưởng, thượng uý Polkonikov phóng ngựa từ trung đoàn bộ về.
Grigori cùng bọn Cô-dắc trong trung đội của chàng đang nằm nghỉ trong chiếc nhà bạt, thì thấy viên thượng uý cho con ngựa mồ hôi như tắm phi theo dãy phố hẹp.
Binh lính trong sân nháo cả lên.
- Hay lại xuất phát? - Prokho Zykov nói lên điều hắn dự đoán rồi lắng nghe có vẻ chờ đợi.
Tên hạ sĩ của trung đội gài cái kim vào lần lót của chiếc mũ cát-két (hắn đang vá cái quần rách).
- Còn gì nữa, đúng là xuất phát rồi.
- Không để cho người ta nghỉ ngơi một chút, cái bọn quỷ dữ!
- Lão quản nói rằng lữ đoàn trưởng sắp tới đây.
"Tò-tò-tò… te-te-tò-tí-tò!" - Gã lính kèn nổi kèn báo động.
Bọn lính Cô-dắc đứng chồm cả lên.
- Cái túi thuốc của mình bỏ đâu mất rồi? - Prokho Zykov tìm nhặng cả lên.
- Đóng yên!
- Cái túi thuốc của cậu, cho nó mất mẹ nó đi! - Grigori vừa chạy ra vừa nói to.
Lão quản chạy vào trong sân. Lão tới chỗ cọc buộc ngựa, một tay giữ đốc gươm. Mọi người thắng ngựa xong đúng thời gian quy định trong điều lệnh. Grigori nhổ các cọc nhà bạt. Tên hạ sĩ kịp rỉ tai chàng:
- Chiến tranh đấy, chú mầy ạ!
- Không nói bậy đấy chứ?
- Nói thật mà lị, lão quản cho biết đấy.
Các nhà bạt đã được nhổ hết. Đại đội tập họp trên đường phố.
Viên đại đội trưởng cưỡi con ngựa chạy còn đang hăng, đi đi lại lại trước hàng quân.
- Các trung đội thành hàng dọc! - Giọng hắn hô oang oang trên các hàng lính.
Vó ngựa đập lộp cộp. Đại đội tiến nước kiệu, rời khỏi thị trấn nhỏ ra đường cái. Đại đội một và đại đội năm rời khỏi làng Kukhten tiến về một nhà ga xép, thỉnh thoảng lại cho ngựa đổi nước chạy.
Một ngày sau, trung đoàn xuống xe lửa ở ga Vorba, cách biên giới ba mươi nhăm vec-xta. Ánh bình minh bừng lên sau rặng bạch dương bên nhà ga hứa hẹn một buổi ban mai trong sáng. Chiếc đầu máy trên đường ray rúc còi inh tai nhức óc. Sương phủ lấp loáng trên các đường rầy. Trên những tấm ván bắc cầu, những con ngựa hí ầm ĩ trong khi xuống xe. Sau két nước có những tiếng gọi nhau ơi ới, và những tiếng ra lệnh ồm ồm.
Các binh sĩ Cô-dắc thuộc đại đội bốn dắt ngựa tới chỗ vượt qua đường sắt. Những giọng nói buồn ngủ chập chờn trong bóng tối tứn bềnh bệch. Những mặt người nom chỉ lờ mờ xanh xanh, hình những con ngựa nhoà đi, không còn rõ ràng nữa.
- Đại đội nào?
- Còn cậu ở đại đội nào mà đi quàng đi quấy thế?
- Đồ khốn nạn, tao lại cho một trận bây giờ? Mày nói năng với sĩ quan như thế nào hử?
- Bẩm quan lớn, tôi có lỗi! Tôi đã nhầm.
- Qua đường sắt đi, qua đường sắt đi!
- Tại sao để đứt quãng thế nầy? Đầu máy sắp chạy tới kia kìa, rảo bước lên.
- Chánh quản, trung đội ba của anh đâu?
- Đại đội nhanh nhanh lên!
Nhưng trong hàng quân có những tiếng thì thầm rất khẽ:
- Lại còn nhanh nhanh nữa, mẹ nó chứ, hai đêm không ngủ rồi còn gì?
- Semka, cho mình kéo một hơi, từ tối chẳng được khói nào.
- Lôi con ngựa đực đi…
- Gặm cả đai bụng, đồ quỷ sứ.
- Còn con của mình thì mất một móng sắt chân trước rồi.
Một đại đội khác rẽ sang bên ngáng mất đường đại đội bốn. Hình những người cưỡi ngựa nổi rõ như vẽ bằng mực tàu trên nền trời xanh xanh xám xám. Họ đi hàng bốn. Những ngọn giáo lắc lư như những thân cây hướng dương rụng hết hoa lá. Thỉnh thoảng có tiếng bàn đạp lách cách, tiếng yên ọt ẹt.
- Nầy, những người anh em, các cậu đi đâu thế?
- Lại nhà thằng con đỡ đầu ăn lễ rửa tội sơ sinh đây.
- Hà-hà-hà-hà!
- Câm ngay! Ai cho nói chuyện?
Prokho Zykov nắm lấy cái mũi yên bọc sắt, nhìn vào mặt Grigori, khẽ hỏi:
- Grigori nầy, cậu có sợ không?
- Nhưng sợ cái gì cơ chứ?
- Còn sao nữa, có thể là hôm nay chúng mình ra trận đấy.
- Ra trận thì ra.
- Còn mình thì sợ lắm? - Prokho thú nhận, những ngón tay của hắn cứ gióng lại mãi những đoạn dây cương sương thấm lầy nhầy, lộ rõ cả một tâm trạng hoang mang lo lắng. - Suốt đêm trên tàu mình chẳng chợp mắt được lúc nào. Giết chết mình, mình cũng không ngủ được.
Trên đầu đại đội rung chuyển rồi từ từ trườn đi. Một lát sau trung đội ba cất bước theo. Những con ngựa bước đều đặn. Những ngọn giáo cắm vào bên cạnh chân ngật ngưỡng, chập chờn.
Grigori buông cương, thiu thiu ngủ. Chàng có cảm tưởng như không phải hai chân trước của con ngựa bước nhịp nhàng làm chàng lắc lư trên yên mà là chính chàng đang đi bộ tới một nơi nào đó trên một con đường tối đen, ấm ấm, với những bước đi hết sức nhẹ nhàng, sảng khoái.
Prokho vẫn nói không biết những gì bên tai chàng. Nhưng hoà trong tiếng yên ọt ẹt và tiếng vó ngựa lộp cộp, giọng hắn nói không trở ngại gì những ảo giác không vẩn chút lo âu đang tràn ngập tâm hồn chàng.
Đơn vị đi theo con đường nhỏ. Không khí lặng tờ rung lên trong tai như ru ngủ. Lúa yến mạch chín dọc theo con đường bốc hơi trong sương. Những con ngựa cứ chúi đầu xuống những bông lúa thấp lè tè, làm dây cương tuột khỏi tay những anh chàng Cô-dắc. Một ánh sáng dịu dàng luồn vào kẽ hai mí mắt sưng mọng vì mất ngủ của Grigori. Chàng ngửng đầu, vẫn nghe thấy Prokho nói đều đều như tiếng bánh xe bò.
Chợt một tiếng nổ rền truyền nặng nề từ xa tới qua cánh đồng yến mạch làm Grigori tỉnh hẳn.
- Chúng nó bắn rồi! - Prokho gần như kêu lên.
Niềm kinh hoàng làm đục ngầu cặp mắt bò non của hắn. Grigori ngửng đầu lên: trước mắt chàng, chiếc áo ca-pôt màu xám của tên hạ sĩ trung đội lên xuống đều đều theo nhịp lưng con ngựa. Cánh đồng hai bên đờ đẫn mơ màng với những mảnh lúa chưa gặt, với con sơn ca bay chập chờn như nhảy múa ngang tầm các cột dây thép.
Không khí đại đội sôi nổi hẳn lên, tiếng rền như rên rỉ của phát đại bác truyền lan khắp hàng quân như luồng điện. Viên thượng uý Polkonikov thì như bị phát đạn quật cho một roi vào người. Hắn dẫn đại đội tiến nước kiệu. Đi qua chỗ mấy con đường làng gặp nhau gần một cái quán bỏ không, bắt đầu gặp xe cộ của dân chúng chạy giặc. Một đại đội long kỵ binh (2) ăn bận diêm dúa phi như bay qua đại đội Cô-dắc. Tên đại đội trưởng long kỵ binh cưỡi một con ngựa hồng thuần giống và có chòm râu quai nón hung hung. Hắn đưa mắt nhìn đoàn lính Cô-dắc một cách nhạo báng rồi dùng chân thúc ngựa. Một đại đội lựu pháo bị sa lầy ở một khoảng trũng nông sình lầy. Những tên lính dắt ngựa đánh những con ngựa không tiếc tay. Bọn lính pháo binh chạy bấn lên chung quanh. Một gã pháo binh khác, cao lớn, mặt rỗ, mang từ trong cái quán ra một ôm gỗ ván, có lẽ dỡ ở hàng rào.
Một trung đoàn bộ binh đuổi kịp đại đội Cô-dắc. Những người lính bộ binh mặc áo ca-pôt vén tà rảo bước hành quân. Ánh nắng lấp loáng trên những chiếc mũ sắt đánh sạch sẽ, chảy từ trên mũi lưỡi lê xuống. Trong đại đội bộ binh cuối cùng có một gã binh nhất người nhỏ bé, nhưng rất nghịch ngợm. Gã ném cho Grigori một nắm bùn.
- Cậu bắt lấy mà ném bọn Áo!
- Đồ ngựa cái, đừng giở trò khỉ. - Grigori dùng roi ngựa quật rơi nắm bùn đang bay tới.
- Anh em Cô-dắc ơi, gửi dùm chúng nó lời chào của bọn mình nhé!
- Rồi chính các cậu cũng gặp mặt chúng nó thôi!
Toán binh sĩ trên đầu đội hình lải nhải hát mãi một bài tục tĩu.
Một tên lính mông to như mông đàn bà đi giật lùi bên hàng quân, vừa đi vừa đập tay vào ống đôi ủng ngắn. Bọn sĩ quan phá lên cười. Những việc nguy hiểm không còn xa xôi nữa, mùi chết chóc đã xông lên nồng nặc, vì thế hình như họ cũng trở nên gần gụi với binh sĩ hơn, có vẻ rộng lượng hơn.
Những đơn vị bộ binh, những đoàn xe vận tải, những đại đội pháo, những bộ phận quân y nối nhau suốt trên đường từ quán rượu đến làng Gorovisug. Ai nấy đều đã cảm thấy hơi thở đầy chết chóc của những trận chiến đấu sắp nổ ra.
Đến làng Bereteko thì trung đoàn trưởng Kaledin đuổi kịp đại đội bốn. Một trung tá Cô-dắc cưỡi ngựa đi bên cạnh hắn. Grigori nhìn theo cái thân hình đều đặn của viên đại tá, nghe thấy viên trung tá nói giọng đầy lo lắng:
- Thưa ngài Vasili Maximovich, trên bản đồ ba vec-xta (3) không thấy ghi thôn nhỏ nầy. Chúng ta có thể rơi vào tình thế bất lợi.
Grigori không nghe thấy viên đại tá trả lời ra sao. Một viên phó quan đuổi kịp hai tên kia rồi vượt lên trước. Con ngựa hắn cưỡi hơi núng mông trái. Theo thói quen Grigori đánh giá ngay là con ngựa của rất tốt.
Xa xa, dưới chân mặt dốc thoai thoải của cánh đồng thấy hiện ra những túp nhà mái tranh của một thôn nhỏ. Trung đoàn tiến với những nước ngựa chạy khi nhanh khi chậm, song ngựa đã đổ mồ hôi khá nhiều. Grigori đưa tay nắn nắn cái cổ đã sẫm màu con Hạt Dẻ, quay nhìn khắp chung quanh. Phía sau thôn nhìn thấy phần trên của một rừng, những ngọn cây đâm lên bầu trời xanh nhạt như những mũi nhọn xanh lá cây. Tiếng pháo nổ ầm ầm sau dải rừng. Đến lúc nầy tiếng nổ của pháo binh đã làm các chàng kỵ bỉnh inh tai nhức óc bắt họ phải để ý đến ngựa hơn. Giữa những đợt đại bác những loạt súng trường mỗi lúc một nhiều. Khói của những phát trái phá nổ xa tan dần sau khu rừng. Các loạt súng trường đã chập chờn chuyển sang nơi nào đó chếch nhiều hơn sang bên phải cánh rừng lúc thì lắng đi, lúc lại dội lên.
Grigori đánh giá cẩn thận từng tiếng động, thần kinh của chàng mỗi lúc một căng thẳng. Prokho Zykov thì cứ ngọ nguậy trên yên, nói không ngơi miệng.
- Grigori nầy, chúng nó bắn cứ y như trẻ con lấy cái gậy bật vào lan can ấy nhỉ. Có phải thế không?
- Thôi im đi, sao lắm mồm thế?
Đại đội Cô-dắc tiến vào thôn. Binh lính lố nhố trong các sân nhà. Nhà nào cũng nhốn nháo tíu tít: các chủ nhà hối hả, sửa soạn chạy giặc. Bất cứ chỗ nào mặt của những người dân cũng in dấu hoảng hốt, lo lắng. Grigori đi qua một cái sân, thấy mấy tên lính nhóm lửa ngay dưới mái nhà kho, nhưng chủ nhà, một ông lão Belorussia cao lớn, râu tóc bạc phơ, đang bị đè nặng dưới cái tai hoạ bất ngờ vừa ập tới cứ bước qua mà chẳng để ý gì cả. Grigori thấy gia đình ông ném lên chiếc xe tải những cái gối bọc áo gối đổ cùng những đồ vứt đi khác, còn chủ nhà thì mang rất cẩn thận một cái đai bánh xe đã hỏng, chẳng dùng được việc gì nữa. Có lẽ của nợ ấy đã nằm trong nơi xếp đồ cũ hàng chục năm rồi.
Grigori rất ngạc nhiên trước đầu óc ngu si đần độn của cánh đàn bà. Họ lôi lên xe những chậu hoa, những bức hình thánh, nhưng để lại trong nhà những vật cần thiết và có giá trị. Một người không biết là ai tháo tung một cái gối làm lông bên trong bay mù mịt khắp phố như một trận bão tuyết. Nồng nặc mùi bồ hóng cháy khét và mùi mốc meo xông ra từ các hầm nhà. Grigori đi đến chỗ ra khỏi thôn thì có một người Do Thái chạy tới trước mặt chàng. Tiếng kêu làm miệng người đó mở hoác giữa cặp môi mỏng dính, hệt như một vết gươm chém.
- Ngài Cô-dắc ơi! Ngài Cô-dắc ơi! Chao ôi, trời đất ơi!
Một gã Cô-dắc nhỏ bé, đầu tròn xoe vung roi, chạy nước kiệu, mặc người đó kêu.
- Đứng lại! - Viên thượng uý chỉ huy đại đội hai quát gọi gã Cô-dắc.
Gã Cô-dắc cúi rạp xuống mũi yên, chuồn vào một cái ngõ.
- Đứng lại, quân khốn kiếp! Trung đoàn nào?
Cái đầu tròn xoe của gã Cô-dắc áp sát cổ con ngựa. Như trong một cuộc đua, gã cho ngựa phi một nước đại điên rồ. Khi đến bên một dãy hàng rào cao, gã kéo cương cho con ngựa chồm lên, nhẹ nhàng nhảy tót sang bên kia.
- Bẩm quan lớn, bên ấy là trung đoàn Chín. Thằng nầy đúng là thuộc trung đoàn ấy đấy. - Lão quản báo cáo với viên thượng uý.
- Mặc mẹ nó, - Viên thượng uý cau mày nói rồi quay về phía người Do Thái đang đứng sát bàn đạp - Nó lấy của anh cái gì hử?
- Thưa ngài sĩ quan… đồng hồ, thưa ngài sĩ quan! - Người Do thái quay khuôn mặt rất đẹp nhìn mấy sĩ quan vừa đi ngựa tới, hai con mắt hấp háy mãi.
Viên thượng uý lấy chân đưa bàn đạp sang bên, cho con ngựa tiến lên.
- Bọn Đức đến thì chúng nó cũng lấy thôi. - Hắn vừa nói vừa mỉm cười sau hàng ria rồi bỏ đi.
Người Do Thái vẫn ngơ ngác đứng sững giữa đường, da mặt giật giật như chuột rút.
- Lánh ra, ngài Do Thái! - Viên đại đội trưởng hất roi lên, giọng nghiêm khắc.
Đại đội bốn tiến qua trước mặt viên đại đội trưởng, vó ngựa đập lộp cộp đều đặn, yên rít cọt kẹt. Bọn lính Cô-dắc liếc nhìn người Do Thái lúng túng đứng đấy bằng những cặp mắt nhạo báng. Chúng bảo nhau:
- Anh em mình không tháo không xoáy thì sống bằng gì?
- Một thằng Cô-dắc thì cái gì chẳng thấy vừa mắt?
- Nhưng phải giấu cho kín mới được.
- Thằng cha lẹ chân lẹ tay thật…
- Chà, thoắt một cái nó đã vượt được dãy hàng rào, cứ như một con chó săn!
Lão quản Kargin đi chậm lại sau đại đội, rồi giữa những tiếng cười truyền lan khắp các hàng quân Cô-dắc, lão hạ cây giáo.
- Xéo ngay, không ông cho một nhát xổ ruột bây giờ!
Người Do Thái hoảng sợ há hốc miệng, quàng chân lên cổ chạy.
Lão quản thúc ngựa đuổi theo rồi từ phía sau quất cho anh ta một roi. Grigori nhìn thấy người Do Thái loạng choạng, đưa hai tay lên che mặt, rồi quay lại nhìn lão quản, máu tóe ra qua những ngón tay nhỏ nhắn.
- Tôi làm gì mà đánh tôi? - Người đó mếu máo kêu lên.
Lão quản đưa đi đưa lại hai con mắt diều hâu tròn xoe như hai cái khuy bỏ đi và mỉm cười trả lời:
- Đồ ngu xuẩn, cho mày khỏi đi chân đất thế nầy!
Bên ngoài thôn, trong một khoảng đất trũng mọc đầy cây hoa súng vàng và hương bồ, một đám công binh đang làm nốt cái cầu ngắn rất rộng. Cách đấy không xa có chiếc xe ô-tô đỗ, máy vẫn nổ ầm ầm, rung lên. Anh chàng lái xe chạy đi chạy lại lăng xăng chung quanh một viên tướng béo phị, tóc bạc phơ, ưỡn người ra, nửa ngồi nửa nằm trên ghế. Râu lão để thành hình tam giác theo kiểu Tây Ban Nha, má chảy xệ như hai cái túi. Viên đại tá Kalodin, trung đoàn trưởng trung đoàn 12 và viên tiểu đoàn trưởng công binh đứng bên, tay đặt trên vành mũ. Viên tướng vò nát cái dây đeo túi dết dã chiến, giận dữ quát viên sĩ quan công binh:
- Ngay từ hôm qua ông đã được nhận lệnh phải làm xong công việc cơ mà! Im ngay! Về việc chuyên chở các vật liệu làm cầu thì ông phải lo liệu từ trước chứ. Im ngay?
Tuy người sĩ quan kia vẫn câm như hến, chỉ có cặp môi run run, nhưng viên tướng vẫn gầm lên.
- Thế bây giờ tôi làm thế nào sang được bên kia hử? Tôi hỏi ông, ông đại uý, tôi sang thế nào bây giờ?
Viên tướng ria đen còn trẻ ngồi bên trái viên tướng già mỉm cười đánh diêm châm điếu xì gà. Viên đại uý công binh khom người chỉ không biết cái gì ở phía cái cầu. Đại đội Cô-dắc tiến qua chỗ đó, đến gần cái cầu thì cho ngựa xuống khe. Chân ngựa thụt xuống quá đầu gối trong chất bùn nâu đen. Vỏ bào gỗ thông rơi lả tả từ trên cầu xuống đầu bọn lính Cô-dắc như những cái lông trắng.
Đến giữa trưa thì vượt biên giới. Ngựa nhảy qua những cái cột biên giới sơn lằn vằn đã bị lật đổ. Đạn pháo binh nổ ầm ầm ở bên phải. Xa xa thấp thoáng những cái mái ngói đỏ của một. khu trang trại. Mặt trời hành hạ mặt đất bằng những tia nắng dội thẳng từ trên xuống. Những làn bụi cay sè rơi xuống dày đặc. Viên trung đoàn trưởng ra lệnh phái một bộ phận tuần tiễu phía trước. Trung đội ba của đại đội bốn do trung uý Semelov chỉ huy bị cắt đi làm nhiệm vụ ấy. Trung đoàn phân thành từng đại đội ở lại phía sau trong màn bụi xám như sương mù. Đội kỵ binh gồm hơn hai mươi gã Cô-dắc cho ngựa phi trên con đường đầy những vết bánh xe đã khô rắn, tiến quá cái trang trại.
Viên trung uý dẫn đội tuần tiễu đi lang thang chừng ba vec-xta rồi cho đứng lại để đối chiếu địa hình với bản đồ. Bọn lính Cô-dắc túm năm tụm ba hút thuốc. Grigori xuống ngựa, định nới lỏng cái đai bụng, nhưng lão quản đã trừng mắt nhìn chàng:
- Ông nện cho mày một trận bây giờ! Lên ngựa!
Viên trung uý châm thuốc hút, hắn lau đi lau lại cái ống nhòm lấy trong bao ra. Trước mặt mọi người là một dải đồng bằng phơi mình dưới nắng giữa trưa nồng nực. Bên phải có một khu rừng, với loạt cây bên lề rừng cây cao cây thấp. Một con đường cắm thẳng vào trong rừng, nom như cái ngòi ong. Cách nơi dừng chân khoảng một vec-xta rưỡi thấy có cái làng nhỏ, ngay gần đấy có khoảng bờ sông dựng đứng bị cắt nham nhở, toàn là đất sét, mặt sông trong như thuỷ tinh, có lẽ mát lắm. Viên đại uý nhìn mãi trong ống nhòm, cố mò mẫm bằng mắt những dãy phố chết lặng, không một bóng người.
Nhưng hắn chỉ thấy một cảnh hoang vắng như một bãi tha ma, dòng nước xanh ngắt cứ như mời chào.
- Chắc hẳn đó là làng Korolevka? - Viên trung uý đưa mắt về phía cái làng nhỏ.
Lão quản bước tới gần hắn, chẳng nói chẳng rằng. Nét mặt lão tựa như muốn nói: "Quan lớn biết rõ hơn tôi nhiều. Chức phận chúng tôi nhỏ mọn biết sao được?"
- Chúng ta tiến tới đấy đi - Viên trung uý nói có vẻ còn ngần ngại.
Hắn cất ống nhòm rồi nhăn mặt như đau răng.
- Bẩm quan lớn, liệu có chạm trán với chúng nó không?
- Ta nên cẩn thận một chút. Nào, đi đi.
Prokho Zykov cố tiến thật gần Grigori. Ngựa của hai người chạy bên cạnh nhau. Tiến vào trong dãy phố vắng tanh mà rợn cả người.
Mỗi cửa sổ đều như sẵn sàng có bàn tay vươn ra báo thù. Mỗi khuôn cửa nhà kho mở toang đều đem lại cho người nhìn vào một cảm giác cô độc và cái lạnh chạy rân rân dọc theo cột xương sống đến là khó chịu. Các hàng rào và khe rãnh như có sức nam châm thu hút con mắt. Đoàn tuần tiễu tiến vào các dãy phố không một bóng người chẳng khác gì một bầy thú rừng, một đàn sói xuất hiện gần một điểm dân cư trong một đêm đông xanh xanh. Không khí chết lặng đè nặng làm đần độn cả người. Từ trong khung cửa sổ mở toang của một ngôi nhà bỗng có tiếng chuông đồng hồ treo tường, đánh dóng dả một cách hồn nhiên chất phác, nhưng đối với đoàn ngựa, những tiếng chuông nổ ra lại nghe như tiếng súng. Grigori thấy viên trung uý đi ngựa phía trước run bật lên và luống cuống đưa tay xuống vỏ súng ngăn. Từ đầu đến cuối làng chẳng thấy bóng vía người nào. Đội tuần tiễu cho ngựa lội qua con sông rất nhỏ, nước lên tới bụng ngựa. Những người cưỡi ngựa thúc ngựa qua sông, nhưng không thế, những con ngựa cũng đã thích lội xuống nước, để vừa lội vừa uống.
Grigori nhìn làn nước ngầu đục bằng cặp mắt thèm khát: nước ngay đấy mà không được hưởng, vì thế nó càng có sức hấp dẫn gần như không sao cưỡng lại được. Nếu có thể thì chưa biết chừng chàng sẽ nhảy ngay trên yên xuống, và chẳng cần cởi quần áo, cứ thế nằm dài dưới luồng nước rì rầm như mơ ngủ để được cảm thấy hơi lạnh và những cơn run lan khắp sống lưng và bộ ngực đẫm mồ hôi.
Lên tới ngọn đồi ngoài thôn thì mọi người nhìn thấy một thành phố nhỏ: những khu phố vuông vắn, những ngôi nhà gạch, những mảnh vườn xanh rờn, những cái nóc tròn nhọn của mấy toà nhà thờ.
Viên trung uý cho ngựa tiến vào một chỗ hõm trên đỉnh đồi, đưa ống nhòm lên mắt.
- Chúng nó kia kìa! - Hắn kêu lên, mấy ngón tay run run.
Lão quản rồi đến binh lính Cô-dắc, từng người lần lượt leo lên quan sát trên ngọn đồi đã bị nắng đốt trụi. Đứng đấy mà nhìn thì người trong thành phố chỉ nhỏ như những con kiến. Họ chạy đi chạy lại lăng xăng trong các phố. Những doàn xe ngựa làm tắc những đường hẻm, những người cưỡi ngựa hiện ra rồi lại biến đi loang loáng. Grigori đưa tay lên che nắng, nheo mắt nhìn. Chàng nhận ra cả màu xám của một thứ quân phục lạ. Những đường chiến hào mới đào nâu nâu, hiện ra ở gần thành phố, trong đó người đông lúc nhúc.
- Chúng nó đông khiếp… - Prokho kinh ngạc kéo dài giọng.
Tất cả những người khác đều chẳng nói chẳng rằng. Họ đang cùng bị xâm chiếm bởi một cảm giác chung. Grigori lắng nghe tiếng tim mình đập mỗi lúc một nhanh (thật như có một thằng cha nào rất nhỏ bé, nhưng nặng như chì, đang chạy tại chỗ trong phần bên trái lồng ngực). Chàng nhận thấy rằng cái cảm giác của mình trong khi nhìn những con người xa lạ nầy hoàn toàn khác với cảm giác của mình khi thấy "địch" trong các cuộc diễn tập.
Viên trung uý lấy bút chì ghi không biết những gì trong cuốn sổ dã chiến. Lão quản đuổi các binh sĩ xuống chân đồi, ra lệnh xuống ngựa, rồi lại leo lên với viên trung uý. Viên trung uý giơ ngón tay vẫy Grigori.
- Melekhov?
- Có tôi! - Grigori leo lên đồi, vừa đi vừa cố làm cho hai chân đỡ tê cứng.
Viên trung uý trao cho chàng tờ giấy gấp tư.
- Mày có con ngựa tốt hơn ngựa của những thằng khác. Phi nước đại ngay về đệ trình quan trung đoàn trưởng.
Grigori cất kỹ mảnh giấy vào trong túi ngực, rồi vừa quay về chỗ để ngựa, vừa kéo dây mũ xuống dưới cằm.
Viên trung uý nhìn theo Grigori cho đến khi chàng lên ngựa rồi liếc nhìn mặt đồng hồ đeo tay.
Grigori mang bản báo cáo về đến nơi thì trung đoàn đã tiến tới Korolevka.
Đại tá Kaledin ra lệnh cho viên phó quan, viên nầy phi ngựa như bay đến đại đội một.
Đại đội bốn tiến qua làng Korolevka rồi cứ như trong diễn tập, triển khai rất nhanh bên ngoài hàng rào. Trung uý Semenov rút từ trên đồi về cùng binh lính trung đội ba.
Đại đội chỉnh đốn đội hình móng ngựa. Mòng cắn dữ quá, những con ngựa lắc đầu lia lịa, hàm thiếc lách cách. Trong bầu không khí giữa trưa lặng như tờ, những tiếng vó ngựa của đại đội một đang vượt qua mấy ngôi nhà cuối cùng trong làng vang lên trầm trầm.
Viên thượng uý Polkonikov cho ngựa tiến lên trước hàng quân. Hắn cưỡi con ngựa cân đối, vừa chạy vừa nhảy nhảy. Một tay hắn kéo dây cương, tay kia nghịch nghịch dây ngù ở đốc gươm. Grigori nín thở chờ lệnh. Ở cánh bên trái, vẳng tới những tiếng rầm rập khe khẽ của đại đội một đang triển khai chuẩn bị chiến đấu.
Viên thượng uý rút gươm ra khỏi vỏ, ánh thép xanh xanh thấp thoáng một màu ảm đạm.
- Đại đội!
Lưỡi gươm ngả sang phải rồi ngả sang trái, cuối cùng chĩa thẳng về phía trước, ngang hai cái tai ngựa đang vươn thẳng, rồi hạ xuống. "Triển khai… tiến". Grigori nghĩ thoáng trong óc phần khẩu lệnh chưa hô.
- Giáo sẵn sàng chiến đấu, gươm tuốt trần, xung phong! - Viên thượng uý ra lệnh xong, buông cương cho con ngựa phóng lên.
Bị hàng trăm ngàn vó ngựa dày xéo, mặt đất ầm ì rên siết. Grigori ở ngay hàng đầu. Chàng vừa kịp hạ cây giáo xuống thì con ngựa chiến bị làn sóng ngựa ập tới cuốn theo đã lao vụt lên và phi hết tốc độ. Phía trước, con ngựa của viên thượng uý Polkonikov chồm chồm trên nền xâm của cánh đồng. Những luống cày lao vùn vụt phía trước tới như những cái nêm đen sịt. Đại đội một gầm lên, tiếng hô khi trầm khi bổng rung chuyển cả không gian. Rồi tiếng hô chuyển dần tới đại đội bốn. Những con ngựa cứ lần lượt thu gọn bốn vó xuống dưới bụng rồi duỗi dài chân, mỗi bước để lại phía sau hàng mấy xa-gien. Qua tiếng rít như xé màng tai, Grigori nghe thấy cả những phát súng nổ bùng bục, còn xa. Viên đạn đầu tiên bay vụt qua không biết chỗ nào ở trên cao, tiếng réo kéo dài tựa như rạch một đường cày trên bầu trời trong như thuỷ tinh. Grigori áp chặt cái cán giáo nóng hổi vào người, đến đau cả sườn, bàn tay chàng đầm đìa mồ hôi như bôi một chất nước lầy nhầy. Tiếng rít của những viên đạn bay qua loạn xạ bắt chàng phải cúi rạp đầu xuống cổ ngựa ướt đẫm.
Mùi mồ hôi ngựa xông nồng nặc vào mũi chàng. Như qua một cái ống nhòm ám hơi nước, Grigori trông thấy đường ụ nâu nâu của các chiến hào cùng với những hình người xám xám đang bỏ chạy về phía thành phố. Một khẩu súng máy bắn không ngớt qua đầu các binh lính Cô-dắc. Đạn toả ra thành hình nan quạt, réo vù vù. Đơn vị Cô-dắc phi như bay về phía trước. Vó ngựa hất bụi lên như những đám bông.
Trước lúc bắt đầu xung phong, máu còn dồn dập ập tới chỗ giữa lồng ngực Grigori, nhưng bây giờ chỗ ấy như đã hoàn toàn tê dại. Chàng không còn cảm thấy gì khác ngoài tiếng rung như chuông trong tai và cái đau ở các ngón chân trái. Những ý nghĩ bị niềm kinh hoàng làm cho không còn mạch lạc nữa cứ quay cuồng nháo nhào trong óc thành một khối đờ đẫn nặng nề.
Người đầu tiên ngã lộn trên lưng ngựa xuống là viên thiếu uý Liakhovsky. Con ngựa của Prokho dẫm lên người hắn.
Grigori ngoái nhìn lại: trong trí nhớ của chàng còn ghi lại một mẩu trong những điều chàng nhìn thấy: con ngựa của Prokho chồm qua viên thiếu uý nằm sóng soài dưới đất, nhe răng ra rồi cũng gục đầu ngã lăn xuống. Prokho bị vấp mạnh, văng khỏi yên. Hai hình ảnh đã được khắc sâu trong óc Grigori như con dao kim cương rạch trên kính và còn in lại trong một thời gian rất dài: hình ảnh hai hàng lợi hồng hồng của con ngựa của Prokho với những cái răng sát sin sít rất to, và hình ảnh Prokho lộn nhào xuống đất rồi bị đạp túi bụi dưới bốn vó con ngựa của gã Cô-dắc phi ngay phía sau. Grigori không nghe thấy tiếng kêu, nhưng nhìn khuôn mặt Prokho áp sát xuống đất, nhìn cái miệng méo xệch và hai con mắt như mắt bò non lồi hẳn ra ngoài, chàng biết rằng đó là một tiếng kêu man rợ không còn ra tiếng người. Vẫn có những lính Cô-dắc và những con ngựa ngã lăn xuống thêm. Qua làn nước mát trào ra vì gió, Grigori nhìn thấy trước mặt chàng những tên áo chạy ra khỏi các chiến hào.
Lúc mới tiến từ trong thôn ra, đại đội còn dàn thành một đội hình triển khai chiến đấu đều đặn, nhưng đến lúc nầy đội hình ấy đã nứt nẻ, tản rộng, rải khắp cánh đồng. Những người tiến trên đầu, trong số đó có Grigori, vẫn tiếp tục lao về phía các đường chiến hào. Còn lại bao nhiêu tiến chậm phía sau.
Một tên lính Áo cao lớn, lông mày trắng bệch, mũ kê-pi kéo xuống sát mắt, cau mày quỳ xuống, gần như nhắm từ ngay trước mặt Grigori mà bóp cò. Phát đạn chì thui cháy một bên má chàng, rát như lửa. Grigori cố hết sức kéo dây cương, chĩa ngọn giáo về phía trước. Tên lính Áo vừa chồm đậy thì bị đâm trúng ngay, sức đâm mạnh quá làm cây giáo cắm sâu vào đến nửa cán. Grigori đâm rồi không kịp rút ngọn giáo ra nữa, và dưới sức nặng của cái cơ thể khuỵu xuống, chàng phải buông cán giáo ra sau khi cảm thấy nó run bắn lên. Chàng nhìn thấy tên lính Áo gập người xuống phía trước (chỉ trông thấy được cái cằm chưa cạo râu, nhọn hoắt như nêm) rồi lại ngửa hẳn ra sau, mười ngón tay co quắp, quờ quạng, cào cấu cán giáo. Grigori duỗi năm ngón tay, đặt bàn tay tê dại lên cán gươm.
Quân Áo bỏ chạy tán loạn trong những dãy phố ngoại ô. Những con ngựa Cô-dắc đứng chồm hẳn lên trên những bộ quân phục màu xám của họ.
Ngay phút đàu sau khi phải bỏ cây giáo, Grigori kéo cổ con ngựa, và chính chàng cũng không hiểu để làm gì. Nhưng chàng lại trông thấy lão quản nhe răng phi ngựa qua, bèn lấy má gươm đập cho con ngựa một cái. Con ngựa vẹo cổ, phi vụt lên theo dọc phố.
Một lính Áo mất trí lảo đảo chạy dọc theo dãy hàng rào của vườn hoa. Anh ta đã mất súng, một tay nắm rất chặt chiếc mũ kê-pi.
Grigori nhìn thấy cái gáy thẳng đứng và đường chỉ trên cổ áo ướt đẫm ở chỗ sát cổ. Grigori đuổi kịp anh ta. Bị kích động vì bầu không khí chém giết đièn cuồng chung quanh, Grigori giơ cao thanh gươm.
Người lính Áo vẫn chạy dọc theo dãy hàng rào. Nếu cứ thế mà chém thì không thuận tay, Grigori bèn nghiêng hẳn người trên yên, cầm chếch thanh gươm chém vào gáy người lính Áo. Anh ta không kêu được một tiếng nào, chỉ đưa hai bàn tay lên bịt vết thương, rồi quay lưng về phía hàng rào. Grigori không ghìm được ngựa, nên phi vụt qua rồi lại kéo cương, cho con ngựa chạy nước kiệu trở lại. Khuôn mặt của người lính Áo vốn vuông, nhưng vì sợ quá nên dài ra, sạm lại như màu gang. Anh ta đặt hai tay vào đường chỉ quần, cặp môi xám ngoét lắp ba lắp bắp. Nhát gươm chém xuống thái dương lật ra một mảng da lõn thõng trên má như miếng giẻ đỏ. Máu chảy xuống áo quân phục thành một dòng ngoằn ngoèo.
Mắt Grigori bắt gặp mắt người lính Áo, cặp mắt đầy vẻ kinh hoàng trước cái chết đờ đẫn nhìn chàng. Người lính Áo từ từ khuỵu xuống, những tiếng khò khè lọc ọc bật ra trong họng anh ta. Grigori cau mày vung gươm. Nhát gươm chém xuống rồi còn giật mạnh, bổ phăng cái sọ làm đôi. Người lính Áo gục xuống, hai tay vươn lên trời, như người trượt chân ngã, nửa cái sọ rơi đánh bộp xuống lớp đá trải giường. Con ngựa hí vang, chồm lên, đưa Grigori ra giữa phố.
Trên các đường phố chỉ còn đì đẹt vài tiếng súng. Một con ngựa sùi bọt mép lôi qua trước mặt Grigori xác của một gã Cô-dắc. Chân gã vướng vào bàn đạp, nên con ngựa kéo lê mãi trên đá trải đường cái thân hình trần truồng đầy thương tích. Grigori chỉ nhìn thấy cái nẹp quần đỏ và chiếc áo quân phục màu xanh lá cây rách nát bị lôi ngược lên thành một đám phía trên đầu.
Đầu óc Grigori rối bời bời, nặng như chì. Grigori tụt trên lưng ngựa xuống và cứ lắc đầu mãi. Một số tên Cô-dắc vừa đuổi theo kịp đại đội ba phi ngựa qua mặt chàng. Một người lính bị thương được khiêng đi trong chiếc áo ca-pôt. Người ta cho ngựa chạy nước kiệu dồn một đám tù binh áo. Họ chạy lốc nhốc sát bên nhau như một bầy bò ngựa xám xịt, tiếng giầy đinh của họ vang lên sầu thảm và man rợ. Trong con mắt Grigori, những khuôn mặt của họ nhập làm một thành một vệt màu đất sét lạnh ngắt. Grigori ném dây cương rồi bước tới gần người lính Áo vừa bị chàng chém chết, chính chàng cũng không biết để làm gì. Anh ta vẫn nằm ở chỗ cũ bên dãy hàng rào sắt có những đường nét trang trí rất vui mắt, một bàn tay nâu bẩn vương ra như chờ người người đến bố thí. Grigori nhìn vào mặt anh ta. Chàng có cảm tưởng như đó là mặt của một kẻ ít tuổi, thậm chí một đứa con nít, tuy anh ta có hai hàng ria chảy xệ và cáj miệng méo xệch, nghiêm khắc, đầy vẻ đau khổ, không biết có phải vì cuộc sống bi thảm trước kia hay không.
- Nầy, thằng kia! - Có tiếng quát của một viên sĩ quan Cô-dắc lạ mặt cưỡi ngựa qua giữa phố.
Grigori đưa mắt nhìn cái quân hiệu trắng đầy bụi trên mũ viên sĩ quan, rồi chập chững bước tới gần con ngựa. Bước chân của chàng vướng víu nặng nề như phải khiêng trên vai một gánh nặng quá sức.
Việc làm táng tận lương tâm và lòng hoài nghi đã vò nát tâm hồn chàng. Chàng đã nắm lấy bàn đạp mà không biết làm thế nào nhấc nổi bàn chân nặng như chì.
Chú thích:
(1) Thành phố nầy trước Đại chiến thế giới thứ nhất thuộc Ba Lan, nay Ukraina. (ND)
(2) Một loại kỵ binh, tác chiến có khi trên ngựa, có khi không cưỡi ngựa. Gọi thế có lẽ do hình con rồng trên mũ sắt các đơn vị long kỵ binh đầu tiên. Ở nước ta dưới thời thuộc Pháp cũng có "lính đầu rồng" Nhưng bọn nầy có khi cưỡi… xe đạp (ND)
(3) Một loại bản đồ quân sự của Nga, cứ ba vec-xta thì vẽ thành 2 cm. (ND)

Truyện SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM LỜI NGƯỜI DỊCH Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 Chương 171 Chương 172 Chương 173 Chương 174 Chương 175 Chương 176 Chương 177 Chương 178 Chương 179 Chương 180 Chương 181 Chương 182 Chương 183 Chương 184 Chương 185 Chương 186 Chương 187 Chương 188 Chương 189 Chương 190 Chương 191 Chương 192 Chương 193 Chương 194 Chương 195 Chương 196 Chương 197 Chương 198 Chương 199 Chương 200 Chương 201 Chương 202 Chương 203 Chương 204 Chương 205 Chương 206 Chương 207 Chương 208 Chương 209 Chương 210 Chương 211 Chương 212 Chương 213 Chương 214 Chương 215 Chương 216 Chương 217 Chương 218 Chương 219 Chương 220 Chương 221 Chương 222 Chương 223 Chương 224 Chương 225 Chương 226 Chương 227 Chương 228 Chương 229 Chương 230 Chương 231 Chương 232 (Chương kết)