Hán Cảnh Đế nghe lời Viên Anh giết Triều Thác, cho rằng như vậy thì Ngô, Sở Vương sẽ lui binh, nào ngờ Viên Anh nhận lệnh triều đình đến nước Ngô hạ lệnh, Ngô Vương không những không lui binh mà còn bao vây chỗ ở của Viên Anh. May mà có viên tư mã chịu ơn ông trước đây đến cứu mạng nên mới thoát được. Lúc đó Cảnh Đế mới vỡ lẽ, vội hạ lệnh cho thái úy Chu Á Phu dẫn quân đi dẹp loạn. Lúc ấy Chu Á Phu đang đóng quân ở Tế Thượng, nhận lệnh vua vội chuẩn bị khởi binh tiến về Huỳnh Dương. Trong lúc quân đội sắp xuất phát có một người hình dáng giống sĩ đại phu chặn đường xin cầu kiến. Người này thấy Chu Á Phu liền nói: "Tướng quân đi phạt Ngô, Sở, nếu thắng trận thì là phúc lớn cho tông miếu, xã tắc ngược lại, thiên hạ sẽ rơi vào họa nội chiến. Việc này trọng đại vô cùng, có thể nghe tôi nói một lời không?" Chu Á Phu thấy nhân sĩ hiến kế, trong bụng mừng lắm, xuống ngựa hành lễ đáp: "Tiên sinh mời ngài, tôi vui lòng nghe cao kiến". Người nhân sĩ này tên Triệu Thiệp, ông ta nói "Ngô Vương cầm quân đã nhiều năm có tài lực mạnh làm hậu thuẫn, từ lâu nuôi dưỡng một đội cảm tử quân. Lần này tướng quân viễn chinh, hắn nhất định cho cảm tử quân mai phục ở Hào, Mãnh, tướng quân không thể không đề phòng. Việc quân quý ở chỗ thần tốc. Tại sao tướng quân không đi vòng con đường bên phải, từ Lam Điền, Vũ Quan tiến đến Lạc Dương bất ngờ đánh làm cho địch không kịp trở tay, tưởng quân đội ngài từ trên trời rơi xuống. Như vậy không đánh mà cũng thắng”. Chu á Phu thấy kế sách hay bèn mời Triệu Thiệp ở lại, ban đêm Triệu Thiệp chỉ đường cho quân khởi hành, đến Lạc Dương rất thuận lợi. Ông còn cho người đi do thám vùng Hào, Mãnh quả là có quân mai phục. Ông cho đánh đuổi một nửa, bắt một nửa, sau đó lập tức chiếm cứ Huỳnh Dương, chuẩn bị quyết chiến. Dụng ý chiếm cứ Huỳnh Dương của Chu Á Phu là vì vùng đất này rất trọng yếu, phía trái có kho lương thực, phía phải có kho vũ khí, quân cơ. Khi Sở, Hán giao tranh, Lưu, Hạng cũng vì lý do ấy mà cố thủ vùng này. Chu Á Phu chiếm Huỳnh Dương thì cắt đứt đường vận chuyển lương thực của phản quân, coi như ngồi ở thế thắng rồi. Kỳ thực, trước khi Chu Á Phu chiếm cứ Huỳnh Dương, rất nhiều mưu sĩ đã hiến kế chiếm Huỳnh Dương cho Ngô Vương, một số thủ hạ lại hiến những kế khác làm Ngô Vương do dự, không biết làm sao. Thái độ chủ vương không rõ ràng, thủ hạ đương nhiên không muốn mạo hiểm tiến lên, đành để mấy chục vạn quân đóng ở biên giới nước Lương, đánh nhau với vua nước Lương là Lưu Vũ. Lưu Vũ bị đánh cho thảm hại. Một ngày cử mấy sứ thần cầu cứu Chu á Phu. Chu Á Phu vẫn ngồi yên trên thuyền câu cá, không nhúc nhích, chẳng sợ Lưu Vũ bẩm lên hoàng thượng. Nước Lương chỉ còn cách phái đại phu Hàn An Quốc dẫn binh liều chết giữ thành. Đúng lúc đó Ngô Vương nhận tin báo Chu Á Phu đã chiếm được Huỳnh Dương, đường lương thực của đạo quân Ngô, Sở bị cắt đứt vô cùng hoang mang, cho chuyển mũi tấn công vào bản doanh của Chu Á phu. Nhưng Chu Á Phu cố thủ không xuất binh mặc cho địch khiêu chiến. Ngô Vương không làm được gì hai ngày sau bèn hạ lệnh tấn công. Chu Á Phu đã chuẩn bị trước, biết đây là mưu dương đông kích tây, lệnh cho thủ hạ cố thủ, còn mình dẫn tinh binh đón ở phía tây bắc. Quả nhiên tinh binh Ngô, Sở tiến đến, Chu á Phu hô hào binh sĩ, cửa thành mở rộng tên liên tiếp bắn ra như mưa, quân Ngô, Sở đại bại. Mấy ngày sau quân Ngô, Sở cạn lương thực, vài ngàn quân Hán ra khiêu chiến. Kết quả là hiệu úy quân Huệ Mạnh tử trận. Con là Huệ Phu thề báo thù cho cha, đêm đến liền lẻn đến doanh trại quân Ngô, Sở phanh thây đám phản quân. Chỉ mười mấy quân Hán đã giết gọn toán quân sĩ của Ngô Vương, nếu toàn đội quân mà tiến đến làm sao chống lại nổi, lại thêm lương thực đã hết, trên, dưới không đồng lòng. Thấy thế cuộc đã thay đổi. Ngô Vương liền dẫn một số ít binh lính rút chạy, hơn 20 vạn quân còn lại như rắn mất đầu, đói khát đánh lẫn nhau. Thời cơ đã đến, Chu Á Phu hạ lệnh tấn công. Cha con Ngô Vương chạy về Đông Việt, Đông Việt Vương đã nhận được thư lệnh của Chu Á Phu, lấy danh nghĩa lao úy, giết chết Ngô Vương. Tổng cộng trong vòng ba tháng Chu á Phu đại thắng. Chu Á Phu luôn ở trong thế chủ động, lúc quan trọng nhất quyết định chiếm Huỳnh Dương, cắt đứt lương thực địch. Cuối cùng có thể nói không đánh mà thắng, thế như chẻ tre, khiến cho đối phương hỗn loạn. Việc quân trăm ngàn đầu mối, nhưng luôn có điểm quan trọng, chủ chốt. Nắm được nó như là dắt bò mà dắt được thừng sỏ mũi bò. Cái gọi là thế chủ động trong sách lược chính là điều này. Trên thương trường hiện nay, sự việc luôn đan xen phức tạp, chồng chồng lớp lớp như rừng. Nếu nắm được đầu mối chính, thì có thể đầu tư ít, thu được lợi nhanh, trong thời gian ngắn có thể làm được nhiều việc lớn. Nhà phát minh Kim Gillet là người sáng lập ra công ty Gillet ở Mỹ. Năm 1985, khi đó ông 40 tuổi và là nhân viên bán hàng. Ông rất không vừa lòng với loại dao cạo râu lúc bấy giờ. Công việc đòi hỏi ông phải chăm sóc tốt diện mạo bên ngoài, nhưng con dao cạo này luôn làm ông khó sử dụng. Chợt mắt ông sáng lên, nghĩ trong lòng: "Mình cảm thấy phiền toái, đàn ông trên toàn thế giới này cũng thấy phiền toái, sao không phát minh ra một loại dao cạo mới nhỉ?" ông quyết tâm đầu tư cho ý tưởng này để giải quyết cho giới đàn ông nỗi phiền toái và đương nhiên cũng là để phát tài cho mình. Đây là việc rất khả thi. Và quả nhiên loại dao cạo râu mới được phát minh và tất yếu ông cũng phải mất rất nhiều công sức. Năm 1903, ông thành lập công ty dao cạo Gillet. Lúc đầu sản xuất lưỡi và bàn dao cạo râu do ông phát minh. Trong 8 năm dao cạo râu Gillet đã đứng vững trên thị trường. Đúng lúc ấy chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, nó mang lại cơ hội trời cho, có một không hai cho sản phẩm của ông. Với giá gốc ông xuất buôn sản phẩm cho chính phủ. Sau đó chính phủ phát cho mỗi binh lính một chiếc dao cạo râu Gillet. Xem qua tưởng như chẳng lãi là bao, nhưng nó lại là cách quảng cáo hiệu quả nhất. Binh lính Mỹ mang con dao này đi khắp châu âu. Năm 1917, chỉ riêng lưỡi dao đã tiêu thụ hết 0,13 tỉ chiếc, gấp 80 lần lượng tiêu thụ ban đầu. Tiền bối trồng cây, hậu thế hưởng bóng mát. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Gillet đã mất, nhưng phương pháp kinh doanh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất của ông được công ty kế thừa. Quân đội Mỹ mang theo loại dao cạo Gillet đi khắp thế giới, ở đâu cũng thấy mặt loại dao này. Sau chiến tranh công ty còn cho ra đời nhiều loại sản phẩm mới, đặc biệt là loại lưỡi dao cạo cao cấp màu xanh lam năm 1952 ra đời khiến lượng hàng tiêu thụ tăng vùn vụt, doanh thu năm 1962 là 0,276 tỉ đô la, lợi nhuận là 45 triệu đô la. Đương nhiên núi cao còn có núi cao hơn. Nếu bạn đặt mục tiêu vào bộ râu và ria mép của đàn ông thì người khác cũng làm vậy. Một công ty của Ý phát minh ra loại lưỡi dao cạo không rỉ. Đây là một mối uy hiếp cho công ty Gillet. Nhưng đó cũng chính là động lực thúc đẩy. Với một năm rưỡi Gillet đã biết cách sản xuất ra loại lưỡi dao không rỉ. Sau đó công ty của Ý này lại sản xuất loại dao dùng điện. Gillet cố gắng phát huy sở trường, tránh sở đoản, tập trung ưu thế vào mặt an toàn, tiện lợi, bền, giá rẻ... để đối chọi lại loại dao mới này. Từ hành trình của công ty Gillet có thể thấy rằng, lúc đầu người sáng lập công ty xuất phát từ việc đánh giá đúng nhu cầu, lấy lưỡi dao cạo làm chiến lược phát triển. Đó là đã nhằm chuẩn phương hướng, hay gọi là đã dắt mũi bò, bước từng bước. Và đó cũng là sự gợi ý cho mọi người của công ty Gillet.