Hope Bevilhymer sinh ra ở bang Utah, nước Mỹ. Cô bị dị tật bẩm sinh ở chân phải. Dị tật này đã khiến cô rất đau đớn, khổ sở. Trong 25 năm đầu đời cô đã phải vào viện không biết bao nhiêu lần, phải thường xuyên dùng thuốc giảm đau và đã phải trải qua 29 cuộc phẫu thuật. Điều đáng buồn là không một cuộc phẫu thuật nào thành công. Không muốn phải chịu thêm nhiều phiền phức và đau đớn từ bên chân dị tật, Hope quyết định cho cắt bỏ nó đi. Tháng Sáu năm 2002, cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân cho Hope được tiến hành. Từ đó cô sống với một chân lành lặn và một chân bị cụt đến đầu gối. Biết được hoàn cảnh của Hope, rất nhiều bạn bè và cả những người cô không quen đã gửi sự động viên giúp đỡ tới cô. Hope vô cùng cảm động khi có một số người mang đến tặng cô những chiếc chân giả. Nhờ được lắp chân giả mà Hope không những có thể đi lại thuận lợi mà còn có thể chơi thể thao. Cô muốn làm điều gì đó để đáp lại sự quan tâm mà cuộc đời dành cho cô. Qua truyền hình, Hope nhận thấy trên thế giới có rất nhiều người đồng cảnh với cô. Bệnh tật, chiến tranh, tai nạn giao thông cướp đi của họ một phần chân hoặc tay khiến họ trở thành những người khuyết tật. Thương tâm hơn, nhiều người trong số họ sống trong những trại tị nạn, ở những vùng đất nghèo nàn lạc hậu nên không dám mơ tới một cánh tay giả, một chiếc chân giả để giảm thiểu những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Hope quyết định giúp những con người đó. Cô thành lập hội giúp đỡ những người cần chân hoặc tay giả mang tên Limbs of Hope. Cô vận động những người dân ở bang Utah tặng những chân và tay giả mà họ không còn dùng tới. Sự hưởng ứng của mọi người vượt trên cả mong đợi của cô. Hope chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên cho các món quà nhân đạo của cô. Đó không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Campuchia là một đất nước phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Rất nhiều vùng đất ở Campuchia vẫn còn mìn sát thương, thậm chí có những vùng cứ 3 người lại có một người bị mất chân hoặc tay do các vụ nổ mìn. Ngày 26 tháng Chín năm 2004, Hope cùng hai thành viên khác của Limbs of Hope lên máy bay sang Campuchia thực hiện chuyến phát chân tay giả miễn phí cho những nạn nhân của các vụ nổ mìn. Phối hợp với các chuyên gia y tế ở Campuchia, họ đã tiến hành lắp chân tay giả cho nhóm người khuyết tật đầu tiên cũng là nhóm người đang có nhu cầu nhất. Chuyến đi chỉ kéo dài vài tuần nhưng để thực hiện nó Hope đã phải chuẩn bị cả năm trời. Tháng Mười năm 2005, Hope thực hiện chuyến đi thứ hai đến Campuchia. Trong chuyến đi này ngoài chân tay giả cô còn mang theo những chiếc lốp xe đẩy, những chiếc bơm hơi để tặng cho những người phải sử dụng xe đẩy. Sau Campuchia, Hope đến với những người khuyết tật ở Rumani và Mexico. Với ba chuyến đi này cô đã giúp 55 người lắp được chân tay giả hay nói theo cách khác cô đã tạo ra sự thay đổi cho 55 cuộc đời. Sự hiện diện của Hope ở những nơi có những người khuyết tật cũng là một sự động viên quý giá. Với một bên chân giả cô vẫn rất nhanh nhẹn và năng động. Nhìn cô dạy các trẻ em chơi bóng rổ, mọi người có thể thấy dù mất một bên chân, hay một cánh tay, người ta vẫn có thể giúp ích cho đời và tận hưởng cuộc sống như những người bình thường. Hope không muốn như ông già Noel mỗi năm chỉ mang niềm vui đến một lần duy nhất. Hope muốn quay trở lại Campuchia, Rumani, Mexico nhiều lần. Ngoài việc giúp cho những người khuyết tật được lắp chân hoặc tay giả, Hope còn muốn quyên góp kinh phí để xây dựng những trung tâm chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật. Đặc biệt, cô đã lập dự án mang tên H.O.P.E, nhằm giúp những người khuyết tật tự tin hơn vào bản thân mình thông qua các hoạt động thể thao. Cô mong muốn được góp phần xây dựng các khu thể thao dành cho người khuyết tật, mong muốn được mang tới cho người khuyết tật những món quà nhỏ bé như những trái bóng, những chiếc yên ngựa, những chiếc áo thi đấu v.v… Hope cũng dự định mở một trại sinh hoạt định kì dành cho những người khuyết tật. Đánh giá cao nỗ lực và tấm lòng vì người khác của Hope, năm 2005 hãng xe hơi Volvo trao giải thưởng Volvo for life award cho cô. Với giải thưởng này, Hope nhận được khoản tài trợ trị giá 50 nghìn đô la dành cho các hoạt động nhân đạo của cô. Riêng cá nhân Hope, cứ ba năm lại được tặng một chiếc xe hơi mới của hãng. Khi trao giải thưởng này, Anne Belec, đại diện cho hãng Volvo ở khu vực Bắc Mỹ đã nói: “Nỗ lực biến kinh nghiệm của mình thành cơ hội cho người khác của Hope thật phi thường”. Còn Hope thì nói: “Nhờ giải thưởng Volvo, giờ đây Limbs of Hope giảm bớt nỗi lo về kinh phí mua chân, tay giả cũng như kinh phí vận chuyển chân tay, giả đến các nước đang phát triển. Giờ đây chúng tôi có thể giúp nhiều người khuyết tật không có tiền để lắp chân tay giả, góp phần thay đổi cuộc sống của họ”. HẾT