Sau lễ an táng Phạm Ngạn khoảng năm ngày, vua Thái Đức mới tiếp Long Nhương tướng quân. Nét mặt nhà vua còn nguyên nét ủ rũ, buồn phiền do cái chết của viên Hộ giá thân tín. Nguyễn Huệ thấy trước cuộc bàn cãi sẽ rất gay go, nhưng sự xáo trộn ngoài phố phường do cuộc tàn sát Hoa kiều cần phải chấm dứt ngay, không chờ đợi được nữa. Do đó, dù nhà vua uể oải không muốn bắt chuyện, Nguyễn Huệ cũng nói: - Mấy hôm nay tụi đầu trộm đuôi cướp hoành hành phá phách khắp nơi. Muốn cướp của nhà nào, chúng nó vu cho người ta cái tội có liên lạc buôn bán với Hoa kiều. Chúng còn ăn cướp ngay giữa chợ búa. Hoặc chúng giả làm lính Tây Sơn. Hoặc chúng hô hoán món hàng chúng lấy đi là hàng Tàu. Người dân lương thiện chỉ biết gạt nước mắt lẳng lặng chịu thiệt thòi vì không ai dám can thiệp vào cái gì có mùi Tàu. Vua Thái Đức đăm đăm nhìn em, chưa hiểu tại sao Nguyễn Huệ dài dòng kể lể những chuyện đó cho mình nghe. Giọng nhà vua vẫn còn đầy phẫn nộ: - Chú nói cái gì? Mùi Tàu à? Phải. Chúng nó toa rập giúp đỡ tiền bạc vũ khí cho thằng Chủng, thì bây giờ phải đền tội. Từ Lý Tài cho đến Trần Phượng, bây giờ lại thêm Trần Công Chương. Luật đời có vay có trả. Mùi Tàu! Thối lắm, ai dây dưa vào đó dĩ nhiên phải mang họa. Nguyễn Huệ thấy nhà vua chưa nguôi giận, đâm ra do dự. Nhưng không nói lúc này thì chờ đến lúc nào? Huệ đằng hắng lấy bạo, nói tiếp: - Tin tức ở đây lan nhanh khắp nơi. Những nơi có người Tàu ở đều rúng động. Một số khá đông lén lút dùng thuyền trốn đi. Các phố buôn bán đều tiêu điều. Nguy hiểm nhất là việc giao thông. Lâu nay các chủ ghe thuyền, các vựa buôn bán đồ nông phẩm, cá mắm, hoa quả đều là người Tàu. Kể cả các cửa hàng tạp hóa ở các nơi hẻo lánh cũng do người Tàu làm chủ. Hiện nay, việc giao thông, buôn bán ở Gia Định bị tê liệt, trong khi cảnh cướp bóc gia tăng. Nhà vua không giữ bình tĩnh được nữa, quát lên: - Chú con cà con kê như thế để làm gì? Chú hạch tội ta đấy phải không? Nguyễn Huệ vội đáp: - Em đâu dám vậy. Nhưng tình trạng này không thể kéo dài thêm nữa. Phải xuống chiếu trấn an người Tàu và ra lệnh chấm dứt ngay các vụ vu cáo để cướp bóc. Nếu cần đem vài tên trộm cướp ra xử chém bêu đầu ở các chợ. Nếu chúng ta còn muốn giữ đất Gia Định lâu dài, nếu chúng ta muốn diệt cho tuyệt nọc ý đồ khôi phục của Nguyễn Ánh, thì không nên đẩy đa số người Tàu ở đây vào chỗ tuyệt lộ, phải chạy theo tìm ẩn nấp về phía Nguyễn Ánh. Vụ cửa Hội mấy năm trước, chắc anh còn nhớ! Nhà vua bắt đầu nhận thấy Nguyễn Huệ có lý. Nhưng thi thể đẫm máu của viên Hộ giá vẫn còn chập chờn trước mắt nhà vua. Phân vân giữa thù hận và lẽ phải, nhà vua phát tay bảo em: - Chú thấy cần làm cái gì, cứ làm đi. Mấy hôm nay anh không được khỏe. Có tin gì thêm về tên Chủng không? - Hắn đã trốn về lại Giồng Lữ cùng với bọn Trần Xuân Trạch, Nguyễn Kim Phẩm. Có thêm hai phụ tá... Nguyễn Huệ định nói: "có thêm hai phụ tá người Tàu là Thống binh Hạp và Thống binh Kính", nhưng kịp nghĩ lại, ông ngưng đúng lúc. Nhà vua không chú ý điều khác thường, lơ đễnh hỏi: - Chú đã sai ai đi đánh chúng nó chưa? - Dạ đã cử Đô đốc Học đem hơn một trăm chiến thuyền về Giồng Lữ rồi. Vua Thái Đức uể oải đứng dậy, dặn em lần cuối: - Thôi, được rồi. Việc kia, chú cứ tùy ý thấy điều gì cần làm để chiêu an thì làm. °
*
Lãng không phải là kẻ mù quáng, ngây thơ đến nỗi không hiểu những lời cảnh cáo nghiêm khắc nhưng thành thực của Huệ. Bắt đầu từ đấy anh ghi nhật ký chiến dịch theo lối biên niên nhát gừng, đại loại như sau (dịch nôm): Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782) Đô đốc Nguyễn Học nhận lệnh truy kích tàn quân Nguyễn Ánh ở Giồng Lữ, bị thua. Đô đốc Học tử trận, mất hơn tám mươi thuyền. Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782) Hoàng thượng hạ chiếu chiêu an, kết tội bọn tay chân xấu xa của Ánh đã nhân lúc hỗn loạn tàn sát Hoa kiều để cướp của cải và gây chia rẽ giữa người Nam và khách trú, giữa dân Gia Định và quân Tây Sơn. Chiếu cũng đe dọa trừng trị nghiêm khắc những tên lưu manh gây rối và bọn phao tin đồn nhảm. Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782) Chém bêu đầu những tên cướp của, phá phách các phố Hoa kiều ở khắp các chợ chính như: chợ Bến Sỏi, Chợ Điều Khiển, chợ Nguyễn Thực, chợ Thị Nghè, chợ Tân Kiểng, chợ Sài Côn... Tình hình chung đã yên tịnh, nhưng ghe thuyền cặp bến còn thưa thớt. Thiếu tôm cá vì không ai dám đánh lưới, vả lại đến nay thiên hạ vẫn còn ngại tôm cá rỉa xác chết, không ai dám mua. Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782) Có tin Ánh táo tợn kéo quân về dàn trận ngay sông Ngã Tư. Nguyễn Huỳnh Đức làm tiên phong, Nguyễn Phúc Cốc làm trung quân, Trần Xuân Đàm, Nguyễn Kim Phẩm làm hộ giá. Long Nhương Tướng quân biết Ánh đã chọn chỗ có nhiều lợi thế để dọn sẵn chiến trường, nếu kéo quân đến tất gặp nhiều bất lợi. Nhưng tướng quân vẫn quyết định đánh. Áp dụng phương cách bối thủy (dàn binh xoay lưng ra sông để chỉ có tiến chứ không thể lùi) của Hoài Âm hầu (Hàn Tín), Long Nhương Tướng quân đã đánh tan thế trận của Ánh. Ánh phải chạy về Bến Lức. Quân ta truy kích đuổi hắn chạy về Hậu Giang. Tin cuối cùng nhận được cho biết Ánh đã trốn về Rạch Giá. Lãng cũng nhận được những tin xáo trộn xảy ra ở khắp nơi, từ Cần Thơ, Long Hồ, Định Tường,!!!4406_53.htm!!! Đã xem 403348 lần.http://eTruyen.com