Chương 11


Chương 53

Mao luôn luôn nuôi tham vọng làm bá chủ thế giới. Ông nói với trùm Mao-ít Úc Edward Hill "Tôi nghĩ thế giới cần phải được thống nhất. Trong quá khứ người Mông Cổ, người La Mã, đại đế Alexander, Napoleon và đế quốc Anh đều muốn thống nhất thế giới. Hitler cũng muốn thống nhất thế giới, nhưng họ đều thất bại. Ngày nay Mỹ và Liên xô muốn thống nhất thế giới, nhưng dân số họ quá nhỏ, họ không có đủ nhân lực để phân tán đi các nơi. Ngoài ra, họ còn sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử. Họ không sợ các dân tộc khác chết bớt vì chiến tranh, mà họ sợ chính dân họ sẽ chết bớt". Ý của Mao quá rõ ràng ông không sợ dân TQ chết bớt.
Chính cái tham vọng này đã khiến Mao lao vào các chương trình hiện đại hóa tốn kém với một tốc độ ghê hồn, bất chấp những nguy hiểm. Chẳng hạn ngày 27-10-1966 một đầu đạn hỏa tiễn có gắn bom nguyên tử được bắn thử, đường bay dài 800 cây số đi ngang qua một số tỉnh thành đông dân ở tây bắc TQ. Những người trong đội bắn thử nghiệm ai nấy đều sợ hãi nếu chẳng may có vấn đề, nhưng Mao cương quyết cho bắn. Cũng may mà chiếc hỏa tiễn thử nghiệm lần đầu tiên này lại thành công nên cả đội tai qua nạn khỏi (dù các cuộc thử nghiệm sau lần này đều thất bại, tất cả đều bay vòng vèo rồi rớt xuống ngay khi vừa ra khỏi nòng súng, Mao kết tội là có phá hoại vì thế có biết bao khoa học gia bị tra tấn, xử tử, kể cả xử tử giả).
Khi TQ thành công chế bom khinh khí năm 1967 Mao lại càng tin tưởng là ông sẽ lãnh đạo thế giới. Khi ấy bộ máy tuyên truyền của TQ dốc toàn lực vào chuyện truyền bá "tư tưởng Mao Trạch Đông" ra khắp thế giới. Miến Điện là một điển hình. Các cộng đồng người Hoa được phân phát cuốn sách đỏ (trích đăng các lời tuyên bố của Mao), chân dung Mao và các bài hát ca tụng Mao. Mao đưa về Miến Điện những cán bộ cộng sản Miến đã được huấn luyện ở TQ và dụ dỗ họ nổi lên cướp chính quyền. Mao hứa hẹn: "Nếu các bạn không thành công và nếu chính quyền Miến tuyệt giao với TQ thì chúng tôi sẽ càng có cơ hội ủng hộ các bạn cụ thể hơn".
Rất nhiều căn cứ được thiết lập trên đất TQ để huấn luyện cán bộ cộng sản của các quốc gia muốn theo gương Mao, bài học bao gồm luôn cách sử dụng súng ống và chất nổ. (LND: Những căn cứ này là bằng chứng TQ huấn luyện và đào tạo khủng bố).
Tới cuối thập kỷ 60 sự tuyên truyền của Mao đạt được một số thắng lợi ở phương Tây. Mao được đánh giá là một nhà tư tưởng học, được triết gia Pháp Jean Paul Sartre ca ngợi. Tuy nhiên, thế giới đã không có thêm được một đảng cộng sản nào khác theo mô hình của Mao. Mao thất bại ở Phi châu, Trung Đông, châu Mỹ La Tinh (Castro gọi Mao là cục cứt) và ngay cả Việt nam.
Việt nam hoàn toàn lệ thuộc vào TQ những năm 1950 và 60. Khi TQ ngưng chiến với Mỹ ở Triều tiên, Mao đã gửi một số các tướng từng tham chiến ở Triều tiên sang giúp VN đánh nhau với Pháp. Khi TQ bắt được một bản kế hoạch Navarre, do tướng Pháp Henri Navarre, đệ trình lên chính phủ Pháp, TQ đã bắt Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing) giao nó tận tay Hồ Chí Minh. Mao cũng chỉ thị cho Vệ Quốc Thanh phải "dứt điểm Điện biên phủ vào thượng tuần tháng năm và giải phóng Vientianne (Lào) vào tháng tám hay chín". Ngày 7-5 Điện biên phủ thất thủ, ngày 17-6 chính phủ Pháp sụp đổ. Đây là cơ hội cho TQ nhảy vào, ngày 23-6 Chu Ân Lai gặp mặt tân thủ tướng Pháp Pierre Mendès-France ở Thụy sĩ và đề nghị giải pháp thương thuyết. Pháp đồng ý, nhưng VN không chịu đàm phán. Chu Ân Lai nói với Hồ Chí Minh: "Nếu các đồng chí không ngồi vào bàn thương thuyết thì các đồng chí đánh Pháp một mình đi". Phạm văn Đồng khóc khi được Hồ cử làm chủ tịch phái đoàn thương thuyết phía VN. Chu Ân Lai đại diện phía TQ. Đây là lần đầu tiên VN và TQ có chuyện bằng mặt chẳng bằng lòng.
Vào năm 1965, chính phủ Brezhnev bắt đầu gia tăng viện trợ quân sự cho VN bằng cách cung cấp các vũ khí tối tân mà TQ không có như súng bắn máy bay và hỏa tiễn địa-không, một số phải được điều khiển bởi người Nga, thì TQ không còn cạnh tranh được. Chính phủ VN từ từ ngả sang Liên xô, dù rất nhiều lần Mao và Chu dụ dỗ họ theo TQ. Chu Ân Lai có lần giải thích với Hồ Chí Minh là "Liên xô giúp các đồng chí chỉ là để hoàn thiện quan hệ của họ với Mỹ thôi", một giải thích mà con nít nghe cũng không lọt tai. Mao có lần dụ với Hồ là hãy quay về với TQ, Mao sẽ kiếm cho Hồ một người vợ TQ. (LND: Khi Hồ còn long đong ở Tàu những năm 1920 thì khi nghe vậy Hồ tuân lệnh Mao liền. Mao có biết đâu lúc này Hồ đã là chủ tịch nước VNDCCH có cả bầy con gái bao quanh, nên đề nghị của Mao đã không còn tác dụng).
Mao cũng nhận được một cái tát vào mặt khi Lào yêu cầu TQ rút hết các cán bộ của họ về nước. Chính sách bành trướng chủ nghĩa Mao đã đi vào ngõ cụt. Mao tìm ra một giải pháp: ông sẽ mời tổng thống Mỹ Nixon đến thăm TQ. Cuộc viếng thăm này sẽ đưa Mao ra trước ánh đèn sân khấu chính trị.