Ngày 9 tháng 11 năm Thiên Bảo Đường Huyền Tông thứ 4 (năm 755 sau Công nguyên), An Lộc Sơn mượn cớ đi dẹp giặc, Dương Quốc Trung đã dẫn hơn 100.000 quân lính và quân đội dân tộc thiểu số, trên danh nghĩa là 200.000 người từ Phạm Dương (Bắc Kinh ngày nay) cấp tốc Nam chinh. Những nơi đại quân đi qua thì đa phần các châu huyện chỉ có cách đầu hàng, hoặc bỏ chạy, hoặc bị giết chứ tuyệt đối không có khả năng kháng cự. Đến tháng 12, An Lộc Sơn đã đến được Linh Xương (phía tây nam huyện Hà Nam ngày nay) lợi dụng nước sông đóng băng vượt qua Hoàng Hà, đánh Trần Lưu, hãm Huỳnh Dương, áp sát Hổ Lao (Tự Thủy - Hà Nam ngày nay). Đến tận lúc này An Lộc Sơn mới gặp phải sự ngăn cản của 6 vạn quan quân nhà Đường do Phong Thường Thanh dẫn đầu. Nhưng số quan quân đó đều là lính mới chiêu mộ vội vàng, chưa qua huấn luyện thì làm sao chịu được sự tấn công của kỵ binh, Phong Thường Thanh đại bại ở Hổ Lao, ở ngoài thành Lạc Dương và cả ở trong cửa đông của thành Lạc Dương. Dù đã làm mọi cách nhưng cũng phải tháo lui, hợp quân với Cao Tiên Chi ở Thiểm Châu, bỏ lại thành quách, lui giữ Đồng Quan, mưu tính dựa vào thế hiểm để đánh lại, đề phòng yên quân tiến vào Trường An. Đường Huyền Tông lòng dạ như lửa đốt chỉ muốn phản công, tức giận cho chém đầu Phong Trường Thanh và Cao Tiên Chi, hai kẻ dám lui về phía sau tránh giặc. Sau đó sai Ca Thư Hàn đem theo 8 vạn quân đến Đồng Quan để thay thế. Mặt khác hạ lệnh cho các nơi tiến binh, hợp sức tiến công đông đô lạc Dương. An Lộc Sơn vốn định từ Lạc Dương tiến công luôn Đồng Quan để có thể chiếm ngay Tây kinh Trường An, lật đổ nhà Đường. Không ngờ quân dân Hà Bắc, dưới sự lôi kéo của Nhan Cảo Khanh, Nhan Chân Khanh đã đứng dậy phản kháng, thanh thế to lớn, cắt đứt liên lạc giữa yên quân Lạc Dương với lão sào Phạm Dương. Thêm vào đó hai đại tướng Lý Quang Bật, Quách Tử Nghi kịp thời dẫn quân ra khỏi Tỉnh Kinh, liên lạc với quân dân Hà Bắc, đe dọa nghiêm trọng yên quân. An Lộc Sơn đành phải rút về Lạc Dương để sắp xếp lại phái mãnh tướng Sư Tư Minh quay lại cứu Hà Bắc, lệnh cho con trai là An Khánh Tư tấn công chiếm Đồng Quan. Tiếc rằng quân dân Hà Bắc nhất là hai danh tướng Lý Quang Bật, Quách Tử Nghi là những người túc trí đa mưư, anh dũng thiện chiến nên Sử Tư Minh liên tiếp bại trận. Ca Thư Hàn thì dựa vào địa thế hiểm yếu của Đồng Quan cố thủ không ra nên yên quân không có cách nào tiến về phía tây. Nhà Đường cuối cùng cũng ổn định được thế trận, có cơ hội điều binh lực ưu thế để tiêu diệt địch. An Lộc Sơn phía trước bị chặn bởi Đồng Quan, phía sau thì không có đường về, tuy đã vội vàng lên ngôi hoàng đế Đại Yến ở Lạc Dương nhưng trên thực tế thì đã mất hết tự tin, chẳng làm gì được nữa. Không ngờ vào lúc An Lộc Sơn đang ngày đêm lo lắng như vậy thì Đường Huyền Tông vì muốn nhanh chóng dẹp loạn nghe theo tin tức tình báo phiến diện của Lương Quốc Trung hạ lệnh cho Ca Thư Hàn nhanh chóng ra khỏi Đồng Quan vào tiêu diệt yên quân. Ca Thư Hàn đành phải bỏ thế hiểm yếu đó để mạo hiểm tiến công. Hơn 100.000 binh sĩ nhà Đường mất mạng bởi mai phục của yên quân. Bức tường ngăn cách Trường An bỗng dưng lại rơi vào tay phiến quân. Đồng Quan thất thủ, Trường An rối loạn. Đường Huyền Tông vì không kìm nén được cơn giận, nóng vội muốn dẹp phản, giờ đây mất hết nhuệ khí, chỉ mang theo được chị em Dương Quý phi cùng các hoàng tôn run rẩy thừa lúc đêm khuya trấn khỏi Trường An chạy về phía Tây Thục. Tháng 6 năm 765 sau Công nguyên, An Lộc Sơn lại dễ dàng chiếm được Tây kinh Trường An. Đây chính là điểm mấu chốt khiến nhà Đường từ đỉnh cao cường thịnh rơi xuống vực sâu suy bại - giai đoạn đầu tiên của "An - Sử chi loạn". Mọi người không kìm được câu hỏi: Đế quốc đại Đường đang ở vào giai đoạn cường thịnh nhất, tuy triều chính đã bắt đầu suy bại nhưng với 80 vạn hùng binh, hàng loạt các tướng lĩnh trung thành sẵn sàng xả thân nơi chiến trường vì hoàng thất, và với đất đai rộng lớn nhất trong lịch sử cùng tài nguyên chiến lược vô biên như vậy thì chỉ với một An Lộc Sơn nhỏ bé tính tình xảo trá nhưng không đủ mạnh mẽ để mưu trí lớn, tuy có trong tay gần 20 vạn quân nhưng vẫn không bằng một phần tư quân Đường, hơn nữa kẻ làm phản đó lại không được lòng người thì tại sao có thể chỉ trong chớp mắt đã đánh chiếm được hai kinh đô nhà Đường, buộc Đường Huyền Tông phải bỏ chạy như vậy? Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do An Lộc Sơn đã vận dụng thành công mưu kế "Giả dương hành âm, thừa sơ kích giải". Kẻ địch mà phòng bị lơ là lỏng lẻo tất sẽ dẫn đến tư tưởng tê liệt ý chí chiến đấu rời rạc, chỉ huy bất lực, hiệp đồng không tốt, phản ứng chậm chạp, chiến đấu yếu ớt. "Thừa sơ kích giải" tức là nhân lúc kẻ địch không ngờ tới để tấn công mạnh mẽ, làm cho chúng không kịp trở tay, thần trí rối loạn, mất khả năng kháng cự. Nhưng thông thường thì kẻ địch ít khi tê liệt, lỏng lẻo. Do đó trước khi tấn công mạnh mẽ luôn phải thông qua "giả dương hành âm" để mê hoặc kẻ địch, làm chúng tê liệt, còn mình thì nuôi dưỡng chí khí. "Dương" là công khai, bao lộ, "âm" là ngụy trang, ẩn nấp. "Giả dương hành âm" tức là dùng hành động công khai để che giấu những hành vi, ý đồ kín đáo. Trước khi An Lộc Sơn tiến công, ông ta đã phải dùng một khoảng thời gian mất 10 năm để thực hiện kế "giả dương hành âm". "Giả dương" của An Lộc Sơn là giả vờ tỏ ra thật thà, thẳng thắng, trung thành, để giành được lòng tin của Đường Huyền Tông, để rồi Đường Huyền Tông không hề có sự phòng bị gì với ông ta. Năm 743 sau Công nguyên An Lộc Sơn đã làm tới chức Binh Lư Tiết độ sứ, mỗi lần vào triều thường được Đường Huyền Tông tiếp kiến và có những ưu đãi đặc biệt. Ông ta đã thừa cơ dâng tấu: "Năm ngoái cả một vùng Doanh Châu bị sâu bọ tàn phá hoa màu thần đã thắp hương khấn trời: “Nếu thần không ngay thẳng, chính trực, không trung thành với quân vương thì nguyện làm thức ăn cho sâu bọ, nếu không thì xin hãy đuổi hết lũ sâu bọ đi". Thần vừa khấn xong thì ngay lập tức từng đàn từng đàn chim từ phương Bắc sà xuống, lũ sâu bọ không con nào thoát chết cả. Qua đó có thể thấy chỉ cần tấm lòng thành của vi thần thì ông trời nhất định sẽ phù hộ. Do đó nên viết chuyện này vào sử sách". Một lời nói dối vốn rất nực cười nhưng vì An Lộc Sơn rất giỏi xu nịnh nên Đường Huyền Tông lại tin là thật và càng cho là ông ta thật thà chân chất. An Lộc Sơn là người dân tộc thiểu số lai Đông Bắc, ông ta thường nói với Đường Huyền Tông: “Thần là kẻ ngoại tộc, may được hưởng hoàng ân, được hoàng thượng sủng ái, tự thấy hổ thẹn vì mình ngu xuẩn, không đủ tài đức đảm nhận, chỉ có tấm thân sẵn sàng tử vì nước để báo đền hoàng ân". Đường Huyền Tông rất đỗi vui mừng. Một lần đúng lúc có hoàng thái tử ở đó, Đường Huyền Tông lệnh cho hoàng thái tử gặp An, An cố ý không bái kiến. Thị vệ trước điện quát hỏi: "An Lộc Sơn gặp điện hạ sao không bái?". An giả vờ kinh ngạc: "Điện hạ là ai?". Đường Huyền Tông mỉm cười: “Điện hạ tức là hoàng thái tử". An trả lời: "Hạ thần không biết lễ nghi trong triều, thế hoàng thái tử là quan gì?". Đường Huyền Tông cười phá lên: "Sau 100 năm nữa người lên ngôi hoàng đế kế vị trẫm thì gọi là hoàng thái tử". Lúc này An Lộc Sơn mới giả bộ như mới tỉnh ngộ ra: "Ngu thần chỉ biết có bệ hạ, không biết có hoàng thái tử, tội đáng muôn chết". Đồng thời bái lạy hoàng thái tử. Đường Huyền Tông lại cảm thấy ông ta "thật thà, chất phác" hết lời khen ngợi. Vào một ngày năm 747 sau Công nguyên, Huyền Tông mở tiệc An Lộc Sơn tự mình ra múa điệu Hồ Toàn (một điệu múa xoay tròn của rợ Hồ) để góp vui. Huyền Tông thấy ông ta bụng to như vậy mà vẫn có thể múa mới cười hỏi rằng, "Trong bụng có những thứ gì mà to đến vậy?". An Lộc Sơn trả lời rằng: "Chỉ có tấm lòng chân thành". Huyền Tông rất vui lệnh cho ông ta kết nghĩa với anh em Quý phi. An Lộc Sơn lại mặt dày mày dạn xin làm con trai Dương Quí Phi. Từ đó trở đi An Lộc Sơn ra vào cung cấm như người trong hoàng tộc. Dương Quý phi và hắn thì cứ xoắn lấy nhau, Huyền Tông càng tin dùng hắn, giao vào tay hắn tổng quản một phần tư tinh binh trong thiên hạ. Âm mưu phản loạn của An Lộc Sơn rất nhiều người biết và cũng đã nhiều lần nói cho Huyền Tông. Nhưng Đường Huyền Tông đã bị kế "Giả dương hành âm" của An Lộc Sơn mê hoặc, nên xem tất cả các bản tấu đó chỉ là sự đố kỵ với An Lộc Sơn, không những không đề phòng gì đối với An Lộc Sơn mà còn rất đồng tình, thương tiếc, không ngừng ban cho ân sủng, ngoài chức Binh Lộ Tiết độ sớ còn kiêm thêm Tiết độ sứ các vùng Phạm Dương, Hà Đông, Nhàn Cứu, Quần Mục. An Lộc Sơn thấy rằng kế "Giả dương hành âm" đã thuận lợi, Đường Huyền Tông lại chỉ tin dùng chứ không hề đề phòng gì ông ta nên nhanh chóng dùng biện pháp "thừa sơ kích giải" để tập kích bất ngờ. Sự sắp xếp chiến lược của ông ta là dốc toàn lực để giành được Hà Bắc, đánh thẳng vào hai kinh Đông Tây (tức Trường An và Lạc Dương). Vì thế mà An Lộc Sơn chỉ với hơn 20 vạn binh lực, chưa bằng một phần tư nhà Đường, nhưng tất cả mãnh tướng tinh binh của nhà Đường đều tập trung ở Tây Bắc, không có sự phòng bị gì đối với An Lộc Sơn, cả một vùng rộng lớn bao gồm cả hai kinh chỉ có 8 vạn người, binh tướng ở Hà Nam, Hà Bắc lại càng ít. Mà quân lính thì đã quen với sự bình yên, võ bị lỏng lẻo nên khi đối mặt với sự tấn công một mạch với đội quân binh mã tinh nhuệ dọc theo mặt Đông của bình nguyên Hà Bắc áp sát hai kinh thì đương nhiên là hoang mang, lúng túng, không còn khả năng kháng cự. Vì thế mà cuộc tấn công của An Lộc Sơn bắt đầu từ Bắc Kinh chiếm đến Lạc Dương chỉ mất ba mươi ba ngày. Nhà Đường với thực lực hùng hậu hơn, khả năng ứng biến nhanh nhẹn hơn An Lộc Sơn đã ngăn chặn được mũi nhọn của phiến quân, cắt đứt liên lạc giữa phiến quân với đại bản doanh ở Hà Bắc. Nhưng Đường Huyền Tông đã bị kế "giả dương hành âm" làm cho vô cùng phẫn nộ lại bị kế "thừa sơ kích giải" chạm vào lòng tự tôn đã trở nên rất nôn nóng, vội vàng. Thêm vào đó Tôn Tử lại khuyên: "Chúa không thể nóng giận như vậy mà khởi binh, cũng không thể tức giận như vậy mà chiến đấu được”. Mưu kế của An Lộc Sơn đã làm cho Đường Huyền Tông mất đi sự bình tĩnh khách quan cần có trong chỉ huy chiến đấu, trong cơn nóng giận vội vàng quên mất điều cần thiết đối với nhà Đường là giữ nguyên thế trận để có thời gian điều tinh binh đến bao vây tiêu diệt ý nghĩa cốt yếu của phiến quân, đã vội vàng xử trảm Phong Thường Thanh, Cao Tiên Chi là hai tướng đã phòng thủ rất đích đáng, lại bắt Ca Thư Hàn bỏ đi cái thế hiểm yếu của Đồng Quan để xuất kích phiến quân thì làm gì mà toàn quân chẳng bị tiêu diệt, thất bại thiên lý như vậy? Sau khi yên quân chiếm lĩnh Đồng Quan đã dừng quân 10 ngày và khi vào Trường An cũng không tổ chức truy kích, để cho Đường Huyền Tông đào thoát yên ổn. Có thể thấy An Lộc Sơn là người có tầm nhìn nông cạn, ông ta chỉ lo củng cố hai kinh đã chiếm được và để nối thông với đại bản doanh Hà Bắc, hưởng thụ những chiến lợi phẩm thu được, hưởng thụ cảm giác làm hoàng đế đại yến mà không lo dập tắt một cách triệt để kế hoạch to lớn của chính quyền triều Đường. Song chỉ với một kẻ vô lại có tầm nhìn nông cạn như vậy mà lại có thể đánh cho hoàng đế đại Đường phải bỏ chạy xa thì cũng đủ thấy hiệu lực của mưu kế "Giả dương hành âm, thừa sơ kích giải”. Trong chiến tranh không thiếu gì chuyện treo đầu dê bán thịt chó, trên thương trường cũng thường gặp kế "giả dương hành âm" như vậy, nhân lúc đối thủ lơ là không để ý cắt bỏ cả đầu anh ta thì anh ta cũng không biết là ai đã ra tay. Trong cạnh tranh thương mại cũng rất hay dùng kế "thừa sơ kích giải", bất ngờ cướp từ tay đối thủ cái mà mình cần. Guwid nhờ thực hiện kế "Giả dương hành âm, thừa sơ kích giải" mà cướp lấy West Fun công ty điện báo. Đầu tiên là Guwid đã dùng 100 vạn đô la để mở một đường dây điện báo mới, thành lập công ty điện báo Thái Bình Đại Tây Dương. Ông chủ của West Fun đã ý thực được rằng đang có sự đe dọa nên phái người đi đàm phán trước. Sau một hồi mặc cả, Guwid giả bộ như bị uy hiếp bởi thế lực của West Fun nên "gác súng đầu hàng", đồng ý để lại công ty Thái Bình Đại Tây Dương một cách vô điều kiện với giá 5 vạn đô la Mỹ, toàn bộ nhân lực, thiết bị, của công ty thuộc về West Fun. Vì lý do kỹ thuật và tri thức nên Agetera vẫn đảm nhiệm chức kỹ sư trưởng của West Fun. West Fun mở rộng được thực lực lại có thêm một dũng tướng nên rất đắc ý, cho rằng không còn gì đáng lo nữa. Đối với một người thấy tiền là lóa cả mắt, chưa đánh đã hàng như Guwid thì ông ta không thèm để mắt đến. Qua một khoảng thời gian, Edison phát minh ra loại máy phát điện bốn tầng, hiệu suất của nó được nâng từ gấp hai lần trở lên so với loại điện báo cũ. Đương nhiên ai được độc quyền loại máy đó sẽ là người đứng đầu trong ngành điện báo. West Fun lập tức cử đại diện đi tìm Edison để đàm phán. Mà đại diện đi đàm phán thì không phải ai khác mà chính là thành viên cũ của công ty Thái Bình Đại Tây Dương trước đây và kỹ sư trưởng của West Fun hiện nay - Agetera. Trước khi đi, William còn dặn đi dặn lại là mua lại bản quyền của Edison với giá thấp hơn 5 vạn đô la. William tự cho rằng West Fun là công ty lũng đoạn duy nhất, các công ty khác không có khả năng cạnh tranh, Edison cũng chẳng có cách lựa chọn nào khác và đàm phán nhất định sẽ như ý muốn nên về cơ bản chẳng để tâm đến chuyện đại sự như vậy. Nhưng Agetera đúng là nội gián được bố trí ở West Fun trong kế "Giả dương hành âm" của Guwid, một mặt tiến hành đàm phán với Edison, mặt khác ngầm báo cho Guwid về tiến triển của cuộc đàm phán. Guwid thấy rằng kế "Giả dương hành âm" đã có hiệu quả, ông chủ của West Fun đã lơ là không để ý nên lập tức quyết định tấn công, bất ngờ cướp mất đồ trong tay. 10 giờ tối ngày đàm phán đầu tiên, hai người cùng đi trên một chiếc xe đến đón Edison đến nhà Guwid. Vừa ngồi xuống, Agetera nói ngay: "Ban sáng đàm phán với ngài là tôi đại diện cho West Fun. Còn bây giờ tôi lại đại diện cho công ty điện báo Meilian vừa được thành lập. West Fun đưa ra cái giá dưới 5 vạn đô la còn công ty mới mở của chúng tôi đồng ý trả 10 vạn đô la để mua bản quyền của ngài và khẩn thiết mời ngài đảm nhận chức kỹ sư trưởng của công ty chúng tôi. Mức lương thì dễ bàn thôi". Một người chỉ biết nghiên cứu khoa học chứ chẳng hiểu gì về việc kinh doanh làm ăn như Edison cảm thấy điều kiện mà công ty mới đưa ra hơn hẳn của West Fun nên lập tức đồng ý ngay. Guwid dùng mưu kế và thành công rực rỡ. ông đã lợi dụng tình thế có được trong tay những người tài giỏi như Agetera và Edison bất ngờ tập kích William làm ông ta gần như tê liệt, bị mắc lừa, tức muốn chết mà vẫn bó tay không còn cách nào, đành để cho cả hai công ty cùng tồn tại và lại do Guwid làm tổng giám đốc.