Sửa chánh tả: ThanhVien
CHƯƠNG 54

1937
- Vụ cô gái Nam kỳ 15 tuổi đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội.
- Phong trào phụ nữ đi xe máy mới bắt đầu.
- Một cuộc diễn thuyết ở Huế và Saigon làm xôn xao dư luận của các giới phụ nữ đi xe máy.
- Tại sao Cộng sản An nam và Tư bản Pháp ủng hộ phong trào phụ nữ đi xe máy.
Suốt thời kỳ Mặt Trận Bình Dân, một số tù nhân chính trị được trả tự do. Tù nhân cộng sản cũng được ân xá. Ðảng Cộng sản Ðông dưong khai thác ngay tình hình mới. Tất cả đảng viên ở các lao tù mới ra đều được lịnh trở lại hoạt động ngay. Họ lập các tiểu tổ khắp nơi, và số đảng viên mới lên đến 10.000 người, chưa kể những người có cảm tình với họ, nhưng không vào đảng. Khuất Duy Tiến (thời kỳ Việt Minh nắm chính quyền, anh ta làm Ðốc lý thành phố Hải Phòng), Trần Đình Trì (thời Việt Minh làm uỷ viên thanh niên ở Uỷ Ban Kháng Chiến Trung Bộ, Huế), Ðào Duy Kỳ (em ruột Ðào Duy Anh), đều ở Côn Lôn về dịp này, cả ba người được giao phó làm một tờ báo Việt ngữ, ở đường Henri d’ Orléans, tờ “ Tin Tức “.
Công việc đầu tiên của tờ báo này là nhiệt liệt ủng hộ cuộc đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội của một cô gái bình dân ở Saigon, mới 15 tuổi, tên là Hồ thị L.
Vụ này gây ra nhiều dư luận xôn xao, từ Nam chí Bắc.
Thật ra, phong trào phụ nữ đi xe máy ở Nam kỳ đã cũ rồi, cũ cũng như chiếc xe “ máy đầm “ lần đầu tiên đã xuất hiện tại Saigon, từ năm 1928 lận.
Nhưng năm 1936 – 1937 dưới thời Mặt Trận Bình Dân Pháp, phong trào phụ nữ đi xe máy bổng dưng vùng dậy ồn ào ở Saigon là do một nguyên nhân không có liên quan gì đến món phụ nữ thể dục hoặc đến đời sống của phụ nữ bình dân.
Từ khi có Mặt Trận Bình Dân, đảng Cộng Sản Ðông Dương chủ trương xúc tiến mạnh phong trào thanh niên thể dục, với mục đích ngầm là đào tạo một lớp cán bộ cường tráng sẵn sàng hoạt động trong những công tác hăng hái mạnh bạo. Do đó, phong trào thanh thiếu niên thể dục được phát động ồn ào trong toàn xứ.
Một số nhà buôn lớn của Pháp-Việt-Hoa liền lợi dụng thời cơ, cũng như họ luôn luôn lợi dụng bất cứ một biến cố nào để đầu cơ, hốt bạc.
Hưởng ứng sốt sắng nhất phong trào thể dục mới bùng dậy, một số nhà nhập cảng xe máy và phụ tùng xe máy của người Pháp, cả người An nam ở Saigon, liền tổ chức một cuộc “đua xe máy phụ nữ “ do một nhà tư bản An nam, chủ nhiệm nhật báo Ðiện Tín ở đường Catinat đứng ra làm trung gian, hô hào cổ xúy, với nhiều giải thưởng lớn.
Tờ Ðiện Tín là ấn bản quốc ngữ của tờ nhật báo Pháp “ La Dépêche “ của tên thực dân khét tiếng De Lachevrotière.
Tổ chức cuộc đua xe máy phụ nữ, bọn con buôn này không có mục đích nào khác hơn là tạo ra phong trào phụ nữ đi xe máy được bành trướng sâu rộng, để chúng bán được thật nhiều xe máy và đồ phụ tùng xe máy do chúng nhập cảng của Pháp. Ðó là món lợi rất lớn về thương mãi. Nên nhớ rằng thời kỳ 1936 -1937, chỉ một số phụ nữ trung lưu xử dụng chiếc xe “ máy đầm “ mà thôi. Xe máy đầm là một “mốt mới“ lại đắt tiền. Một số phụ nữ bình dân, lao động thì đi xe máy đàn ông, rẽ tiền hơn, nhưng cũng hãy còn ít lắm. Chính bọn con buôn tổ chức cuộc đua xe máy phụ nữ muốn nhắm vào thành phần lao động trong giới phụ nữ bình dân.
Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, phụ nữ bình dân cũng như trung lưu, thượng lưu rất ít đi xe máy. Riêng giới phụ nữ bình dân Hà Nội, nghèo hơn phụ nữ bình dân Nam kỳ, họ có những phương tiện khác mỗi khi cần xê dịch đó đây mà không tốn kém bao nhiêu. Ở Hà Nội, họ đi “tàu điện “ (tramway) từ Bưởi xuống Bờ Hồ, hoặc từ Bờ Hồ lên chợ Ðồng Xuân, chỉ trả vài ba xu. Ở nhiều thành phố, trong các gia đình lao động, người chồng đi làm việc bằng xe máy thường đèo thêm người vợ trên “ bọt-ba-ga” (porte-bagage).
Biết rõ những hoàn cảnh đó, các nhà buôn nhập cảng xe máy cổ động một cuộc đi xe máy phụ nữ từ Saigon ra Hà Nội, theo đường thuộc địa số 1 (route coloniale No 1), xuyên qua các tỉnh Trung kỳ.
Các đại lý bán xe máy ở các tỉnh đều được chỉ thị đứng ra tổ chức cuộc đón tiếp cực kỳ long trọng cô “ Nữ anh hùng xe máy “ – danh từ do các nhà buôn xe máy phổ biến trong dịp này, - là cô Hồ thị L. một cô gái bình dân Saigon 15 tuổi, nước da ngâm ngâm đen như cô gái Cao Miên, nhan sắc rất tầm thường, và gầy ốm, không có vẻ thể thao nào cả. Trình độ học thức cũng không có gì.
Giới tư bản xe máy đã thuê cô làm công việc “đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội “, có tính cách dối trá, bịp bợm, mà chỉ nhằm mục đích cổ động cho mòn hàng của họ mà thôi.
Ðồng thời, các báo cộng sản trong Nam, ngoài Bắc, theo chiến thuật của Ðảng, cũng đề cao “ nữ anh hùng xe máy Hồ thị L.“ là cốt ý đề cao phụ nữ bình dân, lao động, theo chủ trương “ lao động thần thánh “.
Thành thử, cộng sản và tư bản không hẹn mà gặp nhau trên lập trường khuyến khích phụ nữ đi xe máy, và cả hai đều hăng hái cổ động, hô hào toàn thể đồng bào tham gia cuộc đón tiếp “ nữ anh hùng xe máy Hồ thị L. “ tại những địa phương mà cô ấy đi qua, từ Saigon ra Hà Nội.
Dĩ nhiên nhà cầm quyền Pháp ở ba kỳ cũng sẵn sàng khuyến khích tham gia phong trào, trên phương diện “ thể thao phụ nữ “, hòa hợp với chiến thuật của đảng cộng sản, và quyền lợi tư bản của bọn nhà buôn lớn mà bọn cộng sản gọi là “ cá mập da trắng và da vàng “.
Các nhật báo của bọn tư bản ở Hà Nội và Saigon, được cho tiền để dóng trống dóng chuông cho phong tào được lan rộng khắp xứ. Báo chí cộng sản cũng nhận được mệnh lệnh hô hào cổ xúy cho cuộc tổ chức được thành công.
Tờ báo cộng sản của nhóm Trần Đình Tri, Ðào Duy Kỳ, Khuất Duy Tiến phất cờ tiên phong trong việc đón rước “ nữ anh hùng xe máy “.
Cô bé Nam kỳ Hồ thị L. tưởng mình thật sự là bà Trưng, bà Triệu của môn “ xe máy đầm An nam “ trong lúc cô lãnh được số tiền mấy trăm đồng của các nhà nhập cảng xe máy ở Saigon thuê cô đóng vai trò “ liệt nữ “ ấy.
Về thực tế, cô bé Hồ thị L. có “đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội “, và được đón rước tưng bừng náo nhiệt, nhưng cuộc đi đó là cả một thủ đoạn bỉ ổi lừa bịp dư luận. Tuy họ rêu rao rằng cô là một thiếu nữ tình nguyện đi xe máy Saigon-Hà Nội (xe máy ÐUA chớ không phải xe máy đầm) và cả một phái đoàn đại diện ban tổ chức đi xe hơi theo sát cô để kiểm soát hành trình của cô, nhưng chính phái đoàn ấy đã âm mưu để cho cô đi xe máy trên những khoảng đường vài chục cây số ngang qua các thành phố mà thôi. Còn toàn thể các đoạn đường trường nguy hiểm trèo đèo vượt núi, và băng qua các cách đồng bát ngát bao la từ Nam chí Bắc, thì cô bé được đi xe hơi của Phái Ðoàn.
Gần đến Hà Nội, các báo công sản và tư bản ở thủ đô Bắc kỳ hô hào rất đông thanh niên nam nữ đi xe máy đến Văn Ðiển, một cứ điểm ở ngoại ô Hà Nội, để đón rước “ anh hùng xe máy “ Hồ thị L.
Dĩ nhiên là ra khỏi thành phố Nam Ðịnh 10 cây số, cô ả lên xe hơi của phái đoàn tổ chức cho đến còn cách Văn Ðiển 10 cây số thì cô lên xe máy. Từ đó, phái đoàn thanh niên xe máy Hà Nội tháp tùng cô về đến thủ đô, còn cách không bao xa.
Biết rõ mánh lới gian trá và lừa gạt dư luận một cách rất trắng trợn, của cuộc đi xe máy Saigon-Hà Nội của cô Hồ thị L. và thủ đoạn con buôn của các hảng nhập cảng xe máy ở Saigon, của nhóm cộng sản Ðông dương, Tuấn là người đầu tiên và gần như duy nhất đã viết báo kịch liệt phản đối vụ đi xe máy của cô L. và phong trào phụ nữ đua xe máy do bọn con buôn ở Saigon tổ chức, với nhật báo Ðiện Tín.
Trên một tờ báo Phụ nữ ở Hà Nội, Tuấn viết một bài dài ngỏ ý không nên khuyến khích một cô bé 15 tuổi đi xe máy (lại là loại xe đua của đàn ông) trên một con đường dài hơn 1700 kí lô mét, đầy núi đèo hiểm trở. Ngay như bên nam giới, từ trước tới giờ có ai dám tổ chức một cuộc đi xe máy trên quốc lộ số 1 từ Saigon ra Hà Nội, qua những đèo cao và nguy hiểm nổi tiếng ở Miền Trung như Ðèo Cả, đèo Cù Mông, đèo Ðại Lãnh, đèo Rù Rì, đèo Hải Vân v.v…Tuấn phản đối việc người ta lợi dụng danh từ phụ nữ thể dục, và xử dụng tấm thân gầy ốm và mảnh khảnh của một cô gái nghèo 15 tuổi để đạt những mục tiêu thương mãi, hoặc chính trị, đảng phái.
Nhưng, lý luận của Tuấn vẫn bị các bọn người vô lương tâm kia đả kích kịch liệt. Chính Trần Huy Liệu, bạn của Tuấn, cũng khuyên Tuấn đừng chống lại phong trào phong trào phụ nữ đua xe máy, và đừng phê bình vụ "nữ anh hùng xe máy" Hồ thị L.
Nhân một cuộc đi Huế để thăm cụ Phan Bội Châu và đi Saigon để tiếp xúc với một vài bạn đồng chí cách mạng quốc gia bị các nhóm cộng sản đệ tam và đệ tứ lấn át, trở thành hoàn toàn thụ động, Tuấn được một nhóm anh em mời diễn thuyết tại Hội quán Quảng Trị Huế, tại câu lạc bộ Qui Nhơn và tại hội quán S.A.M.I.P.I.C Saigon, về đề tài
“Phụ Nữ “. Ba cuộc diễn thuyết này đã gây ra những luồng dư luận sôi nổi suốt một tháng ở ba nơi đô thị ấy.
Với tư cách là chủ bút một tuần báo Phụ Nữ, một tờ báo được nhiều cảm tình của các giới văn nghệ và thanh niên phụ nữ, Tuấn phản đối cuộc đua xe máy phụ nữ đang được cổ động ở Saigon, và cuộc đua xe máy của một cô gái 15 tuổi từ Saigon ra Hà Nội, cả hai cuộc đều do một nhóm nhà buôn xe máy Pháp và An nam ở Saigon tổ chức.
Buổi diễn thuyết ở Huế do một ông tên là Ðào Đăng Vỹ, Hội trưởng hội Quảng Trị chủ toạ, ông này hình như đã quen biết Tuấn từ lúc ông còn học trường Luật tại Hà Nội, và cũng là ký giả, trợ bút như Tuấn, trong tờ báo Pháp ngữ “ La Patrie Annamite “ của Tôn Thất Bình, rể Phạm Quỳnh.
Cuộc diễn thuyết bắt đầu 8 giờ tối thứ bảy. Thính giả đông nghẹt, ngồi chật ních trong cử tọa lần đầu tiên có bà Ðạm Phương đến dự. Bà là một nữ sĩ danh tiếng nhất của Ðế Ðô, một nữ học giả đã đứng tuổi giỏi cả Hán văn và Quốc văn, tác giả vài quyển sách có giá trị. Bà viết trong tạp chí Nam Phong và đăng thơ trong báo Tiếng Dân, ký tên là Ðạm Phương nữ-sử. Lúc bấy giờ bà là Hội trưởng “ Nữ công học hội “ Huế.
Ða số thính giả phụ nữ, gồm những nữ lưu trí thức ở Thần Kinh, là những phần tử tân tiến, không tán thành ý kiến của Tuấn về vấn đề phụ nữ đua xe máy. Họ cho rằng con gái đua xe máy như thế mới là tiến bộ.
Giữa lúc câu chuyện của Tuấn đang hăng say, (Tuấn ứng khẩu chứ không viết sẵn bài diễn thuyết) một vài thiếu nữ đứng dậy phản đối ý kiến của Tuấn. Tuấn bình tỉnh yêu cầu cho chàng nói hết xong rồi ai muốn chất vấn chàng sẽ xin trả lời. Nhưng hai cô yêu cầu Tuấn trả lời ngay. Ông chủ tọa Ðào Đăng Vỹ phải can thiệp:
- Xin lỗi các cô, đây là Hội Quảng Trị mời diễn giả đến nói chuyện. Nếu các cô không đồng quan điểm với diễn giả, thì xin hôm khác sẽ tổ chức một buổi hội thảo chống lại (une conference contradictoire). Hôm nay xin đừng ngắt lời diễn giả.
Buổi diễn thuyết của Tuấn kéo dài hơn một tiếng đồng hồ được cử tọa vỗ tay nhiều lần. Sau đó, nhiều người bạn cho biết một số các cô ở Hội Nữ công Huế có ý định tổ chức một buổi diễn thuyết chống lại ý kiến của Tuấn riêng về vấn đề phụ nữ đua xe máy. Tuấn chờ mãi ba hôm không thấy gì. Sau nghe các bạn nói lại rằng, bà Ðạm Phương, Hội trưởng nữ công không tán thành việc hội đứng ra tổ chức một buổi diễn thuyết chống lại.
Dư luận đế đô Huế rất xôn xao sau cuộc nói chuyện của Tuấn. Bài tường thuật trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã phản ảnh dư luận ấy. Suốt tháng trời sau khi Tuấn đã đi rồi, dân chúng Thần Kinh còn bàn tán sôi nổi chung quanh câu chuyện “ phụ nữ Huế có nên hay không nên tổ chức những cuộc đua xe máy như ở Saigon? “.
Dĩ nhiên là có hai phe chống đối nhau.
Buổi diễn thuyết của Tuấn tại hôị quán S.A.M.I.P.I.C. Saigon, lại càng gây dư luận xôn xao hơn nữa, điều đó thật Tuấn không ngờ.
Tuấn không hiểu tên hôị bằng tiếng Pháp viết tắt S.A.M.I.P.I.C nghĩa là gì, vì danh từ dài quá, gồm đến 7 chữ, Tuấn có hỏi nhiều người bạn ở Saigon, không ai trả lời suông sẻ. Nhưng ai cũng biết rằng đó là một hôị văn hoá của những nhà thượng lưu trí thức Annnam ở Nam kỳ, tôn chỉ và các mục phiêu hoạt động đều giống như hội Quảng Trị ở Huế và hội A.F.I.M.A (Khai Trí Tiến Ðức) Hà Nội (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites). Hội trưởng lúc bấy giờ tên là Nguyễn Khắc Nương, giám đốc nhà in Nguyễn Khắc, một nghiệp chủ có danh tiếng ở Nam kỳ.
Tuấn vô Saigon, trọ tại tư thục Victor Hugo, đường hẻm Farinolle, nơi đây có người bạn thân của Tuấn ở Trung kỳ vô dạy học tên là Trần Quốc Bửu.
Buổi diễn thuyết ở SAMIPIC đã do Tuấn ấn định trước bằng điện tín, đúng 9 giờ tối thứ bảy trong tuần. Ông hội trưởng cũng đã đánh giây thép cho Tuấn lúc bấy giờ còn ở Huế, để xác nhận ngày giờ nói trên. Diễn giả sẽ được nói tự do, theo chế độ tự do ngôn luận dưới thời Pháp lúc đó, ở Nam kỳ cũng như ở Huế và Hà Nội, không bị bắt buộc phải soạn bài đưa kiểm duyệt trước.
Vì bận ghé Quảng Ngãi, Qui Nhơn, nên Tuấn đến Saigon hơi trễ, chỉ 12 tiếng đồng hồ trước giờ đã ấn định và do hội trưởng SAMIPIC đã thông báo cha các nhật báo Saigon.
Xuống ga xe lửa Saigon lúc 7 giờ sáng, Tuấn gọi một chiếc xe “ kéo “ chạy đến trường Victor Hugo ở cuối dãy nhà đường Farinolle, bên hông vườn “ Bờ Rô “. Người kéo xe đòi 1 tiền xu (Xe kéo là loại xe cyclo đạp hiện nay, nhưng gọng dài, và do một người kéo, gọi là “ cu li xe “. Xe kéo tiếng Pháp gọi là “ pousse – pousse “)
1 xu là 5 đồng tiền điếu, 1 tiền xu là 10 đồng tiền điếu, tức là 2 xu. Tiền điếu là đơn vị tiền tê nhỏ nhất còn thông dụng trong giới bình dân Nam kỳ lúc bấy giờ. Nhưng dần dần người ta không xài nó nữa, cho đến năm 1939 – 40 thì nó biến hẳn trên thị trường Saigon. Ðồng tiền điếu là 1 đồng tiền bằng kẽm, bề kính hai phân rưỡi, giữa đục thủng thành hình vuông mỗi bề 6 ly, chung quanh khắc niên hiệu các vị vua An nam, thông dụng nhất là tiền Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, Ðồng Khánh, Khải Ðịnh. Bốn chữ Hán khắc chung quanh lỗ vuông như sau đây:
Minh Mạng thông bửu
hoặc
Tự Ðức thông bửu
Ðồng Khánh thông bửu,v.v…
Tuấn rất ngạc nhiên là năm 1937 kinh đô Saigon của Pháp vẫn còn dùng đồng tiền điếu của Vua An nam là loại tiền mà Tuấn chỉ thấy lưu hành riêng ở Trung kỳ mà thôi. Giá trị của nó là: 1 đồng tiền điếu bằng 5 đồng bạc 1970.
Vừa đến nơi, Trần Quốc Bửu mừng rỡ nắm tay Tuấn và chỉ cho Tuấn xem một tin ngắn đăng trong báo Công Luận nơi trang nhất, báo cáo cho công chúng biết 9 giờ tối hôm đó “ông Trần Tuấn, chủ bút báo Phụ nữ Hà Nội, sẽ diễn thuyết tại hội quán SAMIPIC. đại lộ Galléni, Saigon về đề tài “ Phụ Nữ Hà Nội - Huế - Saigon“.
Bửu hỏi Tuấn:
- Anh đã soạn sẵn bài diễn thuyết rồi chớ? Dài không?
Tuấn bảo:
- Tôi chỉ ghi đại khái trên miếng giấy nhỏ những điểm cần phải nói mà thôi.
Bửu la hoảng lên:
- Ối chu choa không được đâu. Tối nay người ta đi nghe đông lắm, anh phải viết sẵn bài để đọc, chứ anh nói lính quýnh lạc đề, họ sẽ bỏ về hết thì nguy lắm đa! Ở Saigon không phải như ở Huế hay Qui Nhơn đâu.
Bửu lập tức dắt Tuấn lên một phòng riêng trên gác, đưa cho Tuấn một xấp giấy và bút mực, bảo Tuấn phải viết lẹ, để Bửu nhờ người đánh máy cho rõ ràng.
Vừa ngay lúc đó, có một người đi xe hơi đến đưa Tuấn phong thư của ông Bút Trà, chủ nhiệm nhựt báo “ Saì thành “, hỏi xin Tuấn một bản sao bài diễn thuyết để thợ sắp trước, và lên khuôn cho kịp 10 giờ tối báo phát hành ở Saigon để có ngay bài diễn thuyết của Tuấn đọc lúc 9 giờ.
Tuấn rút được một bài học quí giá về nghề làm báo thông tin ở Saigon: sốt sắng, nhanh chóng, hoạt động lanh lợi, và biết khai thác kịp thời bất cứ một diễn biến nào mới xẩy ra để cống hiến những “ tin tức sốt dẻo “ cho đọc giả. Chứ không phải làm báo phong lưu, bệ vệ, trưởng giả, như các ông nhà báo ở Hà Nội. Tuấn chưa biết trả lời cách nào thì Trần Quốc Bửu nhanh miệng hứa ẩu với người nhà báo Sài thành:
- Còn đang đánh máy. Ðộ 5 giờ chiều ông trở lại.
- Dạ, 5 giờ có chắc không ông?
- Chắc mà!
Người nhà báo của ông Bút Trà vừa ra khỏi cửa thì Bửu nắm tay đẩy Tuấn vào phòng riêng, vừa cười bảo:
- Anh thấy chưa? Nhà báo cũng tưởng anh đã có sẵn bài diễn thuyết trong túi áo, nên chưa chi họ đã đến xin trước một bản sao. Tôi còn sợ vài nhà báo khác chốc nữa sẽ đến hỏi.
Quả nhiên 1 giờ chiều, báo Công Luận cũng đến hỏi bài diễn văn. Lần thứ nhất diễn thuyết ở Saigon, tại một hội quán rộng lớn, trước một số thính giả mà Trần Quốc Bửu đoán biết là “ sẽ đông nhất đối với các cuộc diễn thuyết ở SAMIPIC từ trước đến nay “, Tuấn bắt đầu lo ngại, và theo lời khuyên bảo sốt sắng của người bạn ở Saigon lâu năm, Tuấn đi viết bài …
Trong căn phòng đóng kín cửa, Tuấn viết gần 59 trang giấy cho kịp 5 giờ chiều trao cho hai tờ báo Công Luận và Sài Thành.
Tuấn nghèo, từ Hà Nội vào chỉ mang theo “ nhất bộ “ đồ Tây mà Tuấn có. Trần Quốc Bửu thấy áo quần Tây của Tuấn chật và cũ quá, đã vàng úa lại đứt hết nút, bảo Tuấn phải thay đồ khác.
- Tôi chỉ có một đồ tây này thôi, Tuấn bảo.
Bửu chạy đi mượn một bộ âu phục bằng tussor của một giáo sư bạn của anh, đem về bảo Tuấn mặc thử. Cái nơ của Tuấn đeo cũng phai màu, Bửu đi mượn về cho Tuấn một cravate mới:
- Tôi diễn thuyết ở Huế và Qui Nhơn. Theo tôi biết, thì hội SAMIPIC có gửi giấy mời rất nhiều nhà trí thức nam nữ ở Saigon đến dự thính cuộc diễn thuyết của anh. Anh phải ăn mặc đàng hoàng không chơi lối “ bohémien” như ở Hà Nội hay Huế được.
Tuấn cười:
- Ở Huế, họ mời quan cách cho. Mà tôi có nghe ai phê bình y phục của tôi đâu.
- Họ không phê bình trước mặt anh, nhưng làm sao tránh khỏi bị họ chỉ trích sau lưng?
- Dù sao, họ biết mình là nhà văn nghèo, họ cũng tha thứ.
- Anh còn ngây thơ quá, Trần Quốc Bửu lắc đầu cười.
Trần Quốc Bửu nhất định bắt Tuấn phải mặc bộ đồ tussor mà anh đã đi mượn về, và đeo cravate xanh có chấm trắng. Giày của Tuấn mới há miệng sơ sơ, Bửu cũng lấy một đôi giày của anh bảo Tuấn mang “Ðôi giày kia để mang đi dạo phố chơi “.
9 giờ diễn thuyết, 9 giờ kém 20 Tuấn với Bửu cùng đi. Tuấn không muốn đến sớm quá, vì sợ ông hội trưởng sẽ giới thiệu mình với người này người nọ, điều mà Tuấn không thích, Tuấn bảo với Bửu.
- Anh đưa tôi đến SAMIPIC làm sao vừa đúng 9 giờ. Và tôi nói trước để anh biết, hễ diễn thuyết xong là tôi chuồn lập tức. Dù bị ai kéo níu, tôi cũng không ở lại thêm một phút nào. Tôi sẽ ra về sớm hơn bất cứ thính giả nào.
- Tại sao vậy? Bửu ngạc nhiên hỏi.
- Tại vì tôi không muốn ai trông thấy mặt mũi diễn giả sau khi cuộc diễn thuyết chấm dứt. Chuồn ra khỏi cổng, là tôi nhẩy lên xe kéo chạy thẳng về nhà. Tôi sẽ chờ anh ở trường, nghen! Tôi nói trước để anh đừng tìm kiếm tôi, mất công nhé.
- Nếu buổi diễn thuyết thành công, được thính gỉa vỗ tay nhiều lần, thì anh phải ở nán lại 5, 10 phút theo phép lịch sự để tiếp xúc với những người khen tặng anh và muốn làm quen với anh chứ.
- Vỗ tay hay không vỗ tay, khi tôi nói hết rồi là tôi trốn.
- Anh nói vậy, chứ ông hội trưởng sẽ giữ anh lại, để …
- Tôi sẽ trốn luôn ông hội trưởng.
Bửu lấy 1 tiền xu mua hai vé tại ga xe điện Cuniac (Xe điện: tramway. Loại xe chuyển động bằng hơi điện và chạy trên đường rầy. Chỉ Saigon và Hà Nôị có. Hà Nôị gọi là tàu điện. Phải mua vé trước tại ga.
Ga xe điện Cuniac, hiện nay là bến xe buýt trước Bồn Binh và chợ Bến thành) đến ga Pétrus-Ký. Hội quán SAMIPIC là một ngôi nhà đồ sộ ở xế ga Pétrus-Ký, đại lộ Galliéni, nay là Trần Hưng Ðạo. Hội sở SAMIPIC năm 1955 đã bị trưng dụng làm Tổng hành dinh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, sau là Tổng hành dinh quân lực Ðồng Minh.
Lên xe điện đông quá, Tuấn và Bửu phải chen lấn. Trần Quốc Bửu khẽ nói thầm bên tai Tuấn:
- Tôi để ý hầu hết đám đông người đều mua vé đi ga Pétrus-Ký. Chắc họ sẽ là thính giả của anh đó.
Xuống ga Pétrus-Ký, đi bộ chừng 50 thước đến trước cổng một biệt thự đồ sộ hai tầng, ngự tọa trên một nền cao, mặt tiền trông rất oai nghi. Trước là một sân rộng đưa lên cửa chính bằng hai con đường dốc, bên hữu và bên tả, chạy sau một lan can hình bán nguyệt.
Ðứng trước cổng nhìn lên tầng hai, Tuấn thấy đèn điện sáng trưng trong phòng (có lẽ là phòng diễn thuyết) và lô nhô người đứng đông nghẹt che kín hết các cửa sổ mở rộng. Mặt tiền tầng hai được kết hoa lá, thêm vẻ long trọng bất ngờ.
Trần Quốc Bửu nhe hai hàm răng cười:
- Ðông quá anh ơi! Thất bại thì thôi …độn thổ đa!
Tuấn bây giờ mới cảm thấy hồi hộp, lo ngại thật sự. Hai người đi lên cửa, bước đủng đỉnh sau một đám đông đến dự thính, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, tất cả y phụ chỉnh tề. Mấy bà mấy cô thì nước hoa thơm ngát, nụ cười tươi nở trên các khuôn mặt phấn son lộng lẫy, nhan sắc diễm kiều.
Ông hội trưởng Nguyễn Khắc Nương đã đứng chờ ở cửa. Vừa trông thấy Tuấn, ông nắm tay kéo vào phòng khách kế cận. Với giọng nói miền Nam, chân thành cảm động, ông khẽ bảo:
- Tôi thấy 9 giờ rồi mà ông bạn chưa tới, tôi lo quá. Chời ơi, bửa nay thính giả sao mà đông nghẹt, không còn chỗ, họ phải đứng chật ních hết chung quanh. Có nhiều quan khách. Phía nữ lưu cũng thiệt là đông. Ông bạn gắng nói cho hay, chớ lần đầu tiên ở SAMIPIC chưa có diễn thuyết nào thính giả tới lung như vầy! Ông muốn tôi giới thiệu cách sao? Bữa Nguyễn Tiến Lãng diễn thuyết, ít nhau hè.
- Tùy ông hội trưởng, giới thiệu sao cũng được.
- Không được. Ông cho tôi biết qua loa tiểu sử của ông để tôi nhớ. Tôi biết ít lắm.
- Ông giới thiệu sao cũng được.
- Tôi nói như vầy được không?
Ông kể Tuấn là tác giả quyển truyện bằng Pháp văn …và các quyển văn thơ, trợ bút các tờ báo Pháp ngữ, Việt ngữ …và hiện là chủ bút tờ tuần báo Phụ Nữ văn chương xã hội, v.v…và v.v…
- Ðúng không ông?
- Dạ đúng.
- Thôi, mời ông dô, chớ để cử tọa chờ lâu quá …9 giờ 15 phút, trể lắm rồi đó.
Tuấn bẽn lẽn, và khiêm tốn theo sau ông hội trưởng. Tuấn vừa bước vào phòng, đã nghe một tràng sấm vổ tay trong nữa phút đồng hồ. Tuấn khẽ cuối đầu chào đáp lễ.
Mặc dầu điềm tỉnh thế mấy chăng nữa, cũng khó mà giữ nổi hồi hộp lo ngại, trước một cử tọa vài ba ngàn người, người đứng chật ních cả một giảng đường rộng lớn. Với không khí long trọng, hoa lá trang trí mặt tiền, đèn sáng trưng trong phòng diễn thuyết, thêm vào những khuôn mặt bệ vệ của quan khách, nhất là phái nữ lưu tân tiến, ngôì san sát ở mấy dãy ghế danh dự phía trước, đối diện ngay Tuấn.
Diễn giả mới 24 tuổi, ở tận ngoài Hà Nội xa lắc xa lơ vừa tới Saigon lúc 7 giờ sáng coi bộ áy náy, bẽn lẽn, lần đầu tiên tiếp xúc với cả Saigon trí thức văn nghệ, thanh niên, công tư chức, nghiệp chủ. Trong số chắc chắn có những “ công tử Bạc Liêu “ mà tiếng tăm bay tận đến cả Trung kỳ và Bắc kỳ.
Hình như tên tuổi của Tuấn trên các sách và báo của Tuấn đã xuất bản, và đề tài diễn thuyết “ Phụ Nữ Hà Nội, Huế, Saigon“ đã lôi cuốn những đám đông người đến đây, vì theo lời Trần Quốc Bửu, và cả ông hội trưởng Nguyễn Khắc Nương, thì từ trước đến giờ ở Saigon chưa có cuộc diễn thuyết nào hấp dẫn được số thính giả đông đảo như thế.
Ông hội trưởng đã đứng tuổi, người nhỏ, thấp, phải cố nói thật lớn những lời giới thiệu:
- Ông Trần Tuấn là tác giả những quyển sách có giá trị như...
Ðến đây ông luống cuống thế nào bèn quay sang hỏi Tuấn, để cầu cứu:
- Những quyển gì? Tự nhiên tôi quên mất …
Tuấn mĩm cười đáp:
- Tôi cũng không nhớ.
Thính giả cười rồ lên dậy cả phòng. Ông hội trưởng nhanh trí, nói tiếp:
- … Ông là tác giả những quyển sách có giá trị mà quý ông, quý bà, quý cô ở đây đều biết, khỏi cần tôi giới thiệu ….
Tuấn phớt tỉnh, nhìn những nụ cười khoan hồng nở trên môi những người ngôì nghe ông hội trưởng khả ái của hội SAMIPIC.
Xong mấy câu giới thiệu khá dài, khá lâu, ông nhường lời cho diễn giả.
Lúc bấy giờ chưa có microphone (máy vi âm). Trên bàn diễn giả có một bình hoa (5 cành sen trắng nở thơm phức), một carafe bằng thủy tinh đựng đầy nước lã trong veo, và một cái ly lớn. Tuấn bắt đầu nói nhỏ quá, vì run sợ.
Một người đứng tít ở cửa sổ cuối phòng, lên tiếng:
- Xin nói lớn, ở xa không nghe được gì hết.
Bổng nhiên bựt lên một ánh sáng magnesium sáng rực của một nhiếp ảnh viên nhựt báo, chói ngay vào mắt diễn giả. Tuấn phải im lặng một phút để giữ vững tinh thần, rồi cố lấy giọng nói thật to cho vừa với thính giác của mọi người.
Micro mới xuất hiện ở Việt Nam trong các hội trường của chính phủ từ năm 1948.
Trước đó, thật đáng thương hại cho những kẻ phải nói trước một công chúng đông đảo và thương hại cả cho công chúng ấy. Diễn giả, hoặc thuyết trình viên, phải vận dụng hết gân cốt để nói thật lớn, thật to, thì mọi người mời nghe được, nhất là cử tọa quá đông và giảng đường quá rộng. Công chúng phải chịu khó lắng nghe và hết sức chăm chú mới nghe được trọn vẹn.
Thường xẩy ra trường hợp một thính giả sổ mũi, nổi cơn ho sù sụ, là toàn thể cử tọa bắt buộc nghe tiếng ho có khi dài hàng tràng, thường làm cho diễn giả bị cụt hứng luôn.
Tuấn đã được dự nhiều buổi diễn thuyết ở Hà Nội của các bậc trí thức An nam và Pháp. Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm Trung Bắc Tân Văn, diễn thuyết về Truyện Kiều ở Hội Quán Hội Trí Tri, phố hàng Quạt. Giọng nói tự nhiên của nhà văn to con ấy đã ồ ồ rồi, Tuấn đứng với một đám đông ở ngoài sân hội quán cũng nghe rõ từng tiếng.
Trái lại, Phạm Quỳnh, chủ nhiệm tạp chí Nam Phong, diễn thuyết tại giảng đường (amphitheatre) trường Cao đẳng Ðông dương, phố Bobillot, về “ Le paysan tonkinois à travers le parler populaire “. Giọng của ông nhỏ nhẹ, ra vẻ nhà triết học nho gia. Tuấn ngôì trong đám sinh viên Cao đẳng, hết sức lắng tai để nghe mà câu được câu mất, thật bực mình. Những đứa bạn của Tuấn ngồi cùng một dãy ghế cũng bị tình trạng chung ấy.
Giáo sư Bernard, thạc sĩ văn chương. Viện trưởng Cao đẳng Học đường, diễn thuyết về nhà văn Emile Zola. Ông la thét, gào, thiếu điều bể bức trần của giảng đường, sinh viên và quan khách nghe đã! Cử tọa vỗ tay đôm đốp không biết bao nhiêu lần.
Trái lại, ông De Lagarde, giám đốc nhà Bưu điện Bắc kỳ, diễn thuyết về “ La Caodaisme “ tại cinéma Majestic, đại lộ Ðồng Khánh, Tuấn tìm chỗ ngồi gần các dãy ghế đầu để được nghe rõ, nhưng vẫn không nghe được gì hết, vì diễn giả nói nhỏ quá, không cố gắng đáp đúng thính giác của cử tọa.
Đây là đại khái những cuộc diễn thuyết thích thú mà Tuấn đã đi nghe ở Hà Nội lúc bấy giờ chưa có micro.
Lần này được dịp nói chuyện với công chúng trí thức ở Saigon tại hôị quán SAMIPIC, Tuấn rút kinh nghiệm của các tiền bối, và cố gắng lấy hết gân cốt để nói thật to.
Thế mà sau khi diễn thuyết, về nhà Trần Quốc Bửu còn chê là “ anh nói hơi nhỏ nhiều người không nghe rõ “. Thành thật mà nói, hôm ấy Tuấn đã bắt cuống họng làm việc quá sức, những gân cổ của Tuấn đã căng thẳng hết mức để cho câu chuyện “ Phụ nữ Hà Nôị, Huế, Saigon “được trôi chảy êm xuôi vào lổ tai của các ngươì đẹp xứ Ðồng Nai. "
Buổi nói chuyện được hoàn toàn mỹ mãn.Thính giả vỗ tay rất nhiều lần. Tuấn tủm tỉm cười thấy nét mặt của mọi người đều vui tươi khoan khoái. Tuấn kết luận:
- “ Thưa quý bà, quý cô, quý ông, trước khi từ giã quý vị, tôi xin gởi một lời cảm tạ chân thành đến mỗi người trong quý vị. Tôi xin thú thật, lúc khởi sự nói chuyện, tôi đã lo …
mất trang 316-317…
-Tôi đã nói trước với anh rằng nói xong là tôi trốn mà.
Bửu cho biết trong dãy ghế danh dự dành cho phụ nữ, có hai chị em Lê thị Ẫn, và đông đủ các bà Giáo, cô Giáo. Ngày hôm sau, dân chúng Saigon, Chợ lớn bàn tán không ngớt về bài diễn thuyết của Trần Tuấn phản đối cuộc đua xe máy phụ nữ do báo Ðiện Tín tổ chức. Ðể tránh cuộc bút chiến vô ích với các báo cộng sản và cuộc va chạm nặng nề cũng không ích gì với bọn nhập cảng xe máy ở Saigon, trong bài diễn thuyết Tuấn không đá động gì đến những động cơ chính trị và thương mãi đã thúc đẩy các báo của phe tư bản tổ chức cuộc đua vụ lợi kia, và các báo Ðệ Tam quốc tế hăng hái cổ võ cho cuộc đua. Tuấn chỉ nói đến những tai hại của một cuộc đua xe máy đối với sức khoẻ của phụ nữ. Nhất là Tuấn phản đối cuộc đi xe máy của cô gái 15 tuổi, Hồ thị L., thân hình ốm yếu, trên đường thuộc địa nguy hiểm từ Saigon ra Hà Nội dài 17000 cây số.
Thực ra chỉ có báo Ðiện Tín của ông Lê trung C. mà chủ bút là ông Bùi Thế Mỹ, là viết nhiều bài gay gắt đả kích Tuấn, đại khái bài “ chó sủa mặc chó, đoàn lạc đà cứ đi “ trong đó Tuấn bị chửi rủa rất nặng nề. Báo Ðiện Tín vẫn tiếp tục hô hào giới phụ nữ tham gia đông đảo cuộc thi đua do báo ấy tổ chức từ một tháng trước.
Ngoài ra, các báo khác như “ Sài thành “, Ðuốc Nhà Nam, Công Luận, Tân Tiến, kể cả các nhật báo Pháp, L’Opinion, La Dépêche, Le Populaire, v.v… đều giữ thái độ khách quan với đôi phần cảm tình xã giao đối với Tuấn, không hẳn binh vực chủ trương của Tuấn, nhưng không ủng hộ lập trường của báo Ðiện Tín.
Trái lại, các báo ấy thường đăng những mục và tranh khôi hài để chế riễu báo Ðiện Tín và ban tổ chức chung quanh cuộc thi đua xe máy phụ nữ. Một vài ý kiến của độc giả các báo thấy rõ mục đích vụ lợi của ban tổ chức, đã công khai tán thành lập trường của Tuấn.
Báo Ðiện Tín liên tục mỗi ngày công kích Tuấn, và để dành một phần lớn nơi trang nhất để cổ động cuộc thi đua xe máy với rất nhiều giải thưởng lớn. Cuộc đua sẽ khởi hành sáng chủ nhất tuần tới, tại trước nhà Thờ Ðức Bà. Tuấn không trả lời một bài nào, nhưng kết quả cuộc bút chiến đơn phương vô cùng ác liệt của báo Ðiện Tín, là đến ngày khởi hành đoàn thi đua xe máy phụ nữ, trên hai mươi cô hầu hết là nữ sinh đã bỏ cuộc trong số 63 cô đã ghi tên tham gia. Các bạn ở trường Victor Hugo, nơi trọ của Tuấn, có đi xem về thuật lại cho Tuấn nghe rằng công chúng đến coi khá đông, và đến phút chót, khi khởi hành lại có 6 cô bỏ cuộc do sự khuyên can của bạn bè.
Một hội Ái hữu các nhà báo Nam kỳ (AJAC – Amicale des Journalistes Annamites de Cochinchine), mà hội trưởng tên là Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Ðuốc nhà Nam có tổ chức một buổi tiệc thân mật để đãi Tuấn với tư cách là các báo Saigon đối với một đồng nghiệp Hà Nội vào thăm thủ đô Nam kỳ.
Giấy mời có nói rõ là sẽ dùng rượu khai vị (apéritif) tại hội quán AJAC nơi góc đường La Grandière (bây giờ là Gia Long), và Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân). Sau apéritif sẽ dùng cơm tại nhà hàng Mékong, đường Espagne (Lê thánh Tôn).
Nhà hàng này hiện giờ là một tiệm vàng. Tuấn vui mừng nhưng hơi bỡ ngở được gặp đông đủ các đồng nghiệp Saigon, và được ông hội trưởng giới thiệu từng người.
Trong số đó Tuấn có chú ý nhiều nhất đến các bạn Trần Văn Thạch (chủ bút báo La Lutte), cộng sản đệ tứ, Tạ Thu Thâu (cộng sản đệ tứ), Phan Văn Hùm (đệ tứ), Lê Trung Cang (Ðiện Tín), cô Anna Lê Trung Cang (con gái ông chủ nhiệm báo Ðiện Tín), và Lê Văn Thử (La Lutte), Thúc Tề (Công Luận), Jean Baptiste Ðồng (Sài thành), v.v…
Báo cộng sản Ðệ Tam không dự buổi tiệc. Ðang chuyện trò vui vẻ thì ông Lê Trung Cang đưa vào một thiếu nữ độ 15 tuổi, người mảnh khảnh, yếu ớt, nước da ngăm ngăm đen như người Cao Miên và mặc áo sơ mi, quần short (kiểu quần tây cụt trên, đầu gối tóc frisés. Tất cả các nhà báo đều ngạc nhiên trong lúc ông Lê Trung Cang giới thiệu cô ấy với Tuấn:
- Ðây là cô em Hồ thị L.
Rồi ông cười to nói to hơn, có vẻ đắc chí:
- Cô sẽ là nữ anh hùng xe máy An nam …Tôi mong rằng nữ anh hùng Hồ thị L. sẽ được bạn đồng nghiệp Trần Tuấn đón tiếp niềm nở tại Hà Nội cũng như bữa nay tôi được hân hạnh tiếp bạn đồng nghiệp tại hội quán AJAC vậy đó.
Một nhà báo la lớn:
- Ê, xin đính chính đa! Bửa nay là hội AJAC của các nhà báo Nam kỳ đón tiếp bạn đồng nghiệp Trần Tuấn, chứ không phải riêng của cha nội đa!
Tuấn nhã nhặn bắt tay cô bé Hồ thị L. với một nụ cười xã giao, Trần Văn Thạch ngồi cạnh Tuấn, chỉ một ghế trống mời cô L. ngồi. Cô ngồi xong nói ngay với Tuấn, bằng một giọng ngây thơ:
- Mặc dầu ông công kích cái sự em đi xe máy ra Hà Nội, em cũng quyết định đi ra ngoài, để gây phong trào phụ nữ thể thao.
Tuấn nhã nhặn nghe và hỏi:
- Cô ốm yếu quá mà đi xe máy trên một đoạn đường dài trên 17000 cây số, trải qua bao nhiêu núi đèo hiểm trở, tôi phục lòng can đảm của cô.
- Em sẽ vượt qua hết, nhờ sự khuyến khích của papa Cang.
- Tui chúc cô thành công.
Apéritif kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Không khí rất thân mật vui vẻ giữa các bạn đồng nghiệp. Xong, kéo nhau qua nhà hàng Mékong.
Ông chủ nhiệm báo Ðiện Tín có nhã ý biểu cô “ nữ anh hùng xe máy An nam “đi với Tuấn, và đến nhà hàng, cô cũng ngồi bên cạnh Tuấn để “ tenir-compagnie “ theo dụng ý gì riêng của ông Lê Trung Cang, Tuấn không hiểu được.
Thấy Tuấn không thích nói chuyện nhiều với L. (nói chuyện gì bây giờ với cô gái 15 tuổi mới học đến lớp ba bậc tiểu học?), ông Trần Văn Thạch và các bạn đồng nghiệp ngồi cùng bàn trao đổi với Tuấn những câu chuyện hào hứng về chính trị và văn chương. Bỗng giữa buổi tiệc, ông chủ nhiệm báo Ðiện Tín, ngôì nơi bàn kế cận, nói to lên:
- Tôi xin lổi bạn đồng nghiệp Trần Tuấn, chủ bút báo phụ nữ Hà Nội, tại làm sao mà bạn công kích phụ nữ đi xe máy như vậy?
Tuấn đáp:
- Xin lỗi quý đồng nghiệp, tôi không công kích phụ nữ đi xe máy. Tôi chỉ phản đối cuộc thi đua xe máy của phụ nữ, và tôi cũng không tán thành việc phụ nữ đi xe máy từ Saigon ra Hà Nội.
Ông Lê Trung Cang nói tiếp:
- Nước Ðại Pháp là bực thầy của dân An nam, mà thầy của chúng ta còn để cho các bà đầm, cô đầm đi xe máy, lẽ nào chúng ta đây lại không noi gương của bậc thầy hay sao chứ? Ha, ha, ha!
Ông cười dòn tan. Nhưng Phan Văn Hùm ngồi đối diện với Tuấn, bảo:
- Anh Cang say rượu rồi đa!
- Tôi không say rượu …Không! Tôi không say đâu!
Rồi ông Cang cứ một giọng lè nhè nói mãi. Ông Bùi Thế Mỹ chủ bút báo Ðiện Tín, và cô Anna Cang, thì lại ngồi ăn lặng lẽ, Tuấn cũng không nói gì.
Từ lúc apértitif ở hội quán AJAC đến suốt buổi tiệc ở nhà hàng Mékong, Tuấn để ý đến một bạn đồng nghiệp trẻ mà ông hội trưởng Nguyễn Văn Sâm giới thiệu là …Trí.
Anh này luôn luôn đi đôi với Thúc Tề, trợ bút báo Công Luận. Ðôi mắt anh lúc nào cũng có vẻ lờ đờ, mặt to, đầu lớn, lầm lầm lì lì, ít nói chuyện.
Xong buổi tiệc, ở nhà hàng Mékong ra, sau khi cảm ơn tất cả các bạn, Tuấn đi lang thang trên lề đường Espagne, bổng Thúc Tề từ phía sau tiến đến, vỗ vai Tuấn và giới thiệu người bạn bất ly thân của anh:
- Xin giới thiệu với anh đây là anh Hàn Mặc Tử, thi sĩ Qui Nhơn.
Tuấn vồn vã bắt tay:
- Rất hân hạnh được biết anh. Ở Hà Nội, tôi vẫn thích đọc thơ anh đăng trong nguyệt san “ Trong Khuê Phòng “ở Saigon.
Hàn Mặc Tử cười hiền lành:
- Tôi cũng theo dõi những hoạt động văn nghệ của anh trong các báo Hà Nội. Thơ của anh có giọng thành thật dễ cảm và dễ thương lắm.
Hàn mặc Tử chỉ một căn gác ở dãy nhà lầu lụp xụp bên lề đường Espagne:
- Gác trọ của chúng tôi đó. Mời anh lên chơi.
(Hiện giờ căn nhà này là một tiệm giày khá lớn, đối diện với vách tường sau của dinh Gia Long -1966)
- Vâng.
Thúc Tề và Hàn Mặc Tử đưa Tuấn vào căn nhà dưới tối lờ mờ, và rất sơ sài, nơi đây có vài người thợ đóng giày đang làm việc. Vào căn giữa, leo lên một cầu thang gỗ đã mục nát nhiều chỗ, chỉ vừa một người leo. Vào cửa là một căn gác chật hẹp, thấp, bài trí rất bừa bãi, với ba bốn ghế bố, và hai chiếc bàn, vài cái tủ, tất cả đều cũ kỹ, nghèo nàn, luộm thuộm lẫn lộn sách, báo, đờn nguyệt, đờn mandoline, áo quần, mền mùng, chén tách bình trà …Phía trước là hai cửa sổ thấp, ngó xuống một mái tôn chĩa nghiêng ra đường phố. Trong lúc Thúc Tề lăng xăng đi pha nước trà nhưng bình đã cạn, và xách bình chạy xuống nhà dưới. Hàn Mặc Tử lấy một bài thơ mới làm ra đọc cho Tuấn nghe. Giọng đọc thơ của Hàn Mặc Tử run run yếu ớt. Tuấn để ý thấy da mặt, hai tai, và bàn tay của “ thi sĩ Qui Nhơn “ hình như bị lát, xần xùi, mốc mốc.
Tuấn khen bài thơ hay thấm thía lắm, Hàn Mặc Tử vứt tờ giấy chép thơ lên trên bàn, lấy cái tách úp lên để khỏi bị bay ra gió, rồi khẽ hỏi Tuấn:
- Sao có những bài thơ anh không làm nốt? Hình như anh mới làm có một đoạn …
Tuấn mỉm cười:
- Lúc đi chơi bỏ đó, thong thả sẽ làm tiếp đoạn sau.
Hàn mặc Tử cười chất phác:
- Anh thích đi chơi lắm hả?
- Ờ, đi lang thang chỗ này chỗ nọ một mình, thú lắm. Chừng nào hết tiền và mỏi chân lại về nhà viết …viết …
- Bộ anh giàu lắm hả?
- Nghèo chết cha, chứ giàu gì! Chửng nào ngứa chân muốn đi, thì mấy cô bạn gái với mấy thằng bạn trai ở Hà Nội cho chút ít tiền đủ mua vé xe và ăn xài chút đỉnh dọc đường. Ði đâu cũng có bạn, lo gì. Cũng may là tụi bạn biết thương mình.
- Nếu tôi không có bịnh, tôi cũng thích đi lang thang đây đó như anh.
Thúc Tề xách lên, thay vì bình trà, một chai bia …Nhưng chỉ có mình Thúc Tề uống, vì Tuấn không uống được rượu, kể cả rượu bia. Tuấn bảo:
- Tuần rồi, ở Qui Nhơn, tôi có gặp Chế Lan Viên.
- Vậy hả. vui không?
- Vui ghê! 8 giờ 30, tôi phải có mặt ở Câu lạc bộ, đễ diễn thuyết, mà giờ đó tôi còn ngồi trên bãi biển với Chế Lan Viên. Tôi không có đồng hồ. Chế Lan Viên cũng không, thành ra …Với lại, anh nghĩ coi: đêm sáng trăng trên bãi biển, đẹp quá mà ở Hà Nôị đâu có cảnh đó!
- Rồi mấy giờ anh mới diễn thuyết?
- Hai đứa đến câu lạc bộ thì mới biết là 9 giờ 15. Cũng may là trong ban tổ chức có mấy người bạn học cũ và giáo sư cũ của mình ở collège Qui Nhơn, nên họ không bắt lỗi. Thính giả cũng xí xoá, không oán trách gì. Chế Lan Viên, tôi tưởng người Chàm, con cháu Chế Bồng Nga, nhưng nó bảo với tôi là không phải.
- Nó lấy tên đó để người ta chú ý đến, chớ nó là dân Bình Ðịnh.
- Thơ nó hay chán, không đủ để người ta để ý đến hay sao, cần gì phải lấy tên Chàm? Tôi vẫn không tin mặc dầu hắn ta quả quyết là con Tiên cháu Rồng. Tôi đoán ít nhất nó cũng có lai máu Chàm trong huyết quản.
Tuấn từ giã Hàn Mặc Tử và Thúc Tề để về nhà sửa soạn đi dự buổi tập kịch của Claude Bourrin.