Hồi 57
Những Cái Phủ Phàng

Khoảng cách thời gian không xa lắm, Thiên Xà Cốc hôm nay đã mất hẳn cái bộ mặt của ngày nào.
Người đi xa trở về cơ hồ không còn nhận ra là nơi cũ nữa.
Con đường nhỏ hẹp ngày xưa, giờ đã được nới rộng ra, những gì chướng ngại đã được san bằng, dọn dẹp kỹ lưỡng. Con đường trở thành thông suốt như những quan lộ dành cho khách lữ hành.
Nhờ thế, Quan Sơn Nguyệt và Giang Phàm đỡ vất vả tìm đến tận nơi.
Qua một đoạn đường, họ đến một khoảng đất trống, chỗ cư ngụ của Xà Thần đã được dời về phía hậu khoảng đất đó.
Nhưng, hiện tại, trên khoảng đất trống đó, chẳng có một bóng người.
Người không, nhưng có rắn thay vào. Hai bên khoảng đó, rắn xếp thành hàng, loại rắn cực độc, cực to. Rắn cất cao đầu, quơ qua, quơ lại, lưỡi đỏ thè dài, có con hút gió lảnh lót. Chúng có cái vẻ như chực chờ công kích.
Quan Sơn Nguyệt hết sức lạ lùng, lẩm nhẩm:
– Việc gì thế? Xem nghiêm trọng quá!
Giang Phàm suy nghĩ một chút, nói:
– Có thể là chúng đang bận rộn việc gì, chưa sắp xếp ổn thỏa, nên để phòng ngừa biến cố, chúng lập thành trận thế Trường Xà, làm bức bình phong, ngăn chặn mọi xâm nhập. Trường Xà Trận lợi hại lắm đó, đại ca!
Quan Sơn Nguyệt không tin lập luận đó lắm, thốt:
– Tuy tại hạ không học qua những trận đồ, song Nhất Tự Trường Xà Trận dù sao thì cũng là một sự bình thường, chẳng có gì lợi hại cho lắm. Ở đây, lại có đến hai hàng rắn, như vậy phải là hai trận thế sao?
Giang Phàm thở dài, nói:
– Mấy trận cũng mặc chúng, chỉ biết là trận thế lợi hại thôi. Đại ca cho là Nhất Tự Trường Xà Trận rất đơn giản, chẳng qua là một cái danh xưng, mà danh thì làm sao nói hết cái thực chất lợi hại của trận được? Danh là hình thức, nó có bao gồm được sự diệu huyền bên trong đâu? Huống chi, trận thế này chẳng giống như trận thế mà các danh tướng thường sắp bày tại chiến trường. Thường thường thì, rắn càng lớn, chất độc trong mình nó kém giảm phần nào, tuy nhiên trừ cái loại có vảy đỏ ra, chúng càng lớn càng độc, mà hiện tại Xà Thần tận dụng số rắn vảy đỏ, lão nuôi từ mấy mươi năm qua, lão lập thành trận thế, như vậy chứng tỏ có trường hợp bất thường. Hẳn là lão ngăn chặn mọi cuộc xâm nhập từ bên ngoài, như tôi đã suy đoán...
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Ngăn chặn người khác thì được, ngăn chặn chúng ta thì không! Cô nương từ nơi này mà đi, bây giờ trở lại, chẳng lẽ chúng không nhận ra cô nương sao?
Chẳng lẽ chúng ngăn chặn cả cô nương nữa sao? Còn như tại hạ thì...
Giang Phàm lắc đầu:
– Những loại rắn khác thì có thể là chúng còn nhớ đến tôi, chứ cái loại mãng xà này thì đến cả đồng loại của chúng, chúng cũng chẳng dung tha, nói chi đến tôi! Chỉ có mỗi một mình Xà Thần là chúng kiêng nể, tuân lịnh, còn những người khác thì đừng hòng bén mảng đến gần chúng. Dù đại ca có uống huyết con Hàn Xà, chưa chắc gì chúng ngán...
Quan Sơn Nguyệt thấy thần thái của nàng nghiêm trọng quá, bất giác tin phần nào. Tuy nhiên, chàng không tin trọn vẹn, chàng cau mày, hỏi:
– Thế tại sao chúng ta đã vượt qua hơn mười con rồi, mà chẳng con nào nhút nhích?
Giang Phàm lắc đầu:
– Chính tôi cũng chẳng hiểu tại sao! Cứ theo lý, thì chúng phải hành động rồi. Tôi thấy, chúng đã dợm tiến tới mấy lần, song cuối cùng vẫn còn ở lại một chỗ. Chừng như chúng có cố kỵ cái gì đó...
Quan Sơn Nguyệt lấy làm kỳ:
– Chúng không sợ cô nương, cũng không ngán tại hạ, thế thì chúng cố kỵ cái gì?
Giang Phàm không hiểu nổi tại sao mà có sự lạ đó. Nàng thử đến gần một con mãng xà vảy đỏ xem sao. Tự nhiên, làm cái việc thực nghiệm nguy hiểm như vậy, nàng phải giới bị rất chu đáo.
Con rắn vẫn giữ vẻ hung dữ, nhưng lạ lùng thay, Giang Phàm bước tới, thì nó lùi, nó lùi song đôi mắt nó trợn trừng lên, nhìn đăm đăm chiếc bao nơi vai nàng.
Giang Phàm chợt tỉnh ngộ. Nàng bật cười ha hả, thốt:
– Thì ra, chúng sợ Tiểu Ngọc!
Nàng sợ Quan Sơn Nguyệt không hiểu, liền giải thích:
– Chúng xem Tiểu Ngọc là kẻ tử đối đầu, bình thường gặp nhau, chúng đều né tránh Tiểu Ngọc, còn Tiểu Ngọc cũng thế, không muốn chạm mặt chúng. Một vài con mãng xà, đối với Tiểu Ngọc thì chẳng thành vấn đề. Nhưng, hôm nay Xà Thần chừng như tập trung toàn bộ số mãng xà tại đây, thì trước số đông nầy, chỉ sợ Tiểu Ngọc phải gặp khó khăn, nguy hiểm rồi! Cứ theo lý, thì chúng phải đổ xô vào bọn ta từ lâu, song chúng chưa dám làm vậy, cũng nhờ Tây Môn Vô Diệm giúp bọn ta đó!
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Tây Môn Vô Diệm đã làm gì giúp chúng ta?
Giang Phàm mỉm cười:
– Nhờ những con Tử Mẫu Phi Ngô của nàng ta, Tiểu Ngọc mới thêm phần oai lực, do đó, nó trở thành khắc tinh của lũ mãng xà kia. Thảo nào mà chúng chẳng bất động!
Bây giờ, Quan Sơn Nguyệt mới vỡ lẽ. Đôi mày cau lại trước đó, lại nở tung ra, vẻ hân hoan thoáng hiện nơi mắt:
– Xà Thần lập nên thế trận nầy là để ngăn chận chúng ta, chắc chắn lão không tưởng là có sự lạ lùng như vậy! Cơ hội đã đến với chúng ta, chúng ta hãy vào gấp bên trong, xem sao!
Chàng bước dài, bước nhanh, đi tới liền.
Giang Phàm chưa đi theo.
Lập tức, một số mãng xà ở phía trước xông ra, chia nhau, từ hai bên tả hữu, lướt tới, công kích Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp vung kiếm nghinh đón. Thanh kiếm của chàng, thoạt tiên nhắm vào con đi đầu, phía trước mặt, chàng chưa kịp ứng phó với những con ở hai bên.
Kiếm, là Hoàng Diệp kiếm, một trong năm báu kiếm, chém gỗ, chém đá còn được, huống hồ thịt xương?
Nhưng, con mãng xà xem thường. Nó cứ cất cao đầu, chiếc đầu quơ qua quơ lại, thân hình uốn éo, lượn tới. Đôi mắt nó dán vào thanh kiếm, nhát kiếm bay qua, nó hụp đầu, né tránh, tránh rồi cất cao cổ, tiến tới luôn. Nó tiến nhanh, chỉ né đầu thôi, cứ để cho kiếm chạm vào mình, thế mà nó chẳng bị thương. Nó vừa lướt tới, vừa lộn mình, chỉ trong vài vòng thôi, là nó quấn cứng thanh kiếm.
Quan Sơn Nguyệt vận công lực, giật thanh kiếm về, nhưng không làm sao giật vuột khỏi mình con rắn.
Trong khi đó, một con mãng xà khác lướt tới.
Gặp lúc khẩn cấp, Quan Sơn Nguyệt không còn cách nào hơn là đưa chân đá mạnh vào đầu con mãng xà thứ hai đó.
Chàng đá mạnh, và nhắm rất chuẩn, nhưng con rắn chỉ lách nhẹ thân mình, rồi quật đầu xuống, táp vào chân chàng. Táp không trúng, nó lùi lại, cách Quan Sơn Nguyệt độ nửa trượng, rồi dừng lại đó.
Tay chân con người có dài đến đâu, cũng chẳng vói được tận khoảng cách từ nửa trượng, mà chàng cũng không thể buông kiếm, thành thử song phương gồm một người hai rắn ghìm nhau như vậy một lúc, chẳng bên nào làm chi được bên nào.
Rắn, chỉ mong có vậy, bởi chúng là vật thông linh, có thông linh mới biết tuân theo sự an bài của chủ nhân, giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn cho chủ nhân. Chúng thông linh, nên hiểu được Quan Sơn Nguyệt là tay lợi hại, chúng chẳng dám liều lĩnh lướt tới. Huống chi, nhiệm vụ của chúng là cầm chân đối phương, bây giờ đối phương không tiến được, thì chúng cần gì hơn?
Chúng bằng lòng với sự tương trì đó, dù có kéo dài đến bao lâu, vẫn chẳng sao.
Nhưng, Quan Sơn Nguyệt bằng mọi giá, phải vào gần bên trong, phải đi ngang qua Trường Xà Trận, thì sự tương trì đó tự gây cho chàng một bực tức lớn lao. Chàng bực tức, chàng càng khẩn cấp.
Không tiến được, không lùi được, không rút kiếm khỏi mình con mãng xà được, chàng trợn mắt đến tóe lửa, nghĩ mãi mà chẳng có cách gì chuyển biến tình thế.
Rắn, hợp thành đôi, mỗi đôi cách nhau độ hai trượng, chung quanh chàng, có chẳng biết bao nhiêu đôi, giả như chàng thoát khỏi đôi đó rồi, giả như chàng lướt tới được vài bước, thì lập tức một đôi rắn khác tiến ra, ngăn chặn.
Thế thì làm sao?
Phải vượt qua ngần ấy đôi rắn, chàng phí phạm biết bao nhiêu thời gian, dù chàng có lọt vào bên trong, vị tất đã kịp thời thực hành ý định?
Chàng nhìn quanh, thấy đôi rắn nào cũng hờm hờm, và những đôi gần chàng lại càng chăm chú hơn hết. Chúng sẵn sàng thay đồng loại mà vào cuộc, chúng theo dõi cuộc tương trì.
Trong khi đó thì Giang Phàm còn trì hoãn ở phía sau, chưa chịu bước tới cho!
Chẳng đặng đừng, Quan Sơn Nguyệt gọi to:
– Giang cô nương! Cho Tiểu Ngọc làm việc đi chứ!
Giang Phàm đứng phía sau, cách chàng độ trượng, nghe chàng gọi, chưa kịp đáp như thế nào, từ trong chiếc bao, con Tiểu Ngọc phóng mình ra lao tới như mũi tên bắn bắn.
Trước hết, nó nhắm vào con rắn đang ghìm Quan Sơn Nguyệt, miệng nó phun ra một thứ khói màu vàng nhạt, trăng trắng.
Con mãng xà to lớn gấp bốn năm lần so với Tiểu Ngọc, thế mà khói nhạt vừa bay ra, nó cuốn mình tròn vòng, không còn tỏ vẻ hung hăng nữa.
Con rắn đang ghì thanh kiếm của Quan Sơn Nguyệt, biết là cơn nguy sắp đến, lập tức tháo mình, bỏ kiếm toan bò lùi lại.
Tiểu Ngọc khi nào buông tha cho nó? Nhanh như chớp, Tiểu Ngọc đập đuôi lấy đà, uốn theo. Nó cũng phun khói vàng nhạt trăng trắng sang con mãng xà, như đã làm đối với con trước.
Con mãng xà lăn lộn một lúc, rồi cuốn mình tròn vòng như con trước nằm luôn bất động.
Một đôi rắn khác, ở gần đó, chực chờ tham gia cuộc chiến thay cho đồng loại nếu đối phương thủ thắng, thấy thế, vội lùi về vị trí.
Quan Sơn Nguyệt thu Hoàng Diệp kiếm, cầm chắc trong tay, đoạn nhìn ra, thấy hai con mãng xà vừa giao chiến với chàng, nằm ngửa bụng lên mường tượng đã chết.
Con Tiểu Ngọc lướt tới, cất cao đầu, mổ xuống bụng mãng xà. Bụng mãng xà lủng, đầu Tiểu Ngọc chui vào đó, một phút sau nó mới rút đầu ra, nơi miệng nó có một cái mật mãng xà.
Nó mang cái mật đó, đến cho Quan Sơn Nguyệt.
Mùi tanh bốc lên nồng nặc, Quan Sơn Nguyệt không chịu nổi phải nín thở, vừa lắc đầu, vừa khoát tay.
Giang Phàm mỉm cười hỏi:
– Tiểu Ngọc tặng vật báu, sao đại ca không nhận? Phải biết uống mật mãng xà thì mắt rất sáng, ban đêm nhìn rõ sự vật rất xa, hơn nữa, mật đó có hiệu dụng bổ thần tráng khí, đại ca nên tiếp nhận mà uống đi!
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Tại hạ không dám tiếp nhận rồi! Tại hạ đã luyện được đôi dạ nhãn, kể cũng khá lắm, vậy Giang cô nương cứ tiếp nhận mà uống.
Chàng không nhận, Tiểu Ngọc lộ vẻ thất vọng. Nó mang cái mật mãng xà chuyển mình hướng về phía Giang Phàm.
Giang Phàm cũng lắc đầu luôn:
– Ta không dùng đâu! Ngươi cứ nuốt đi!
Tiểu Ngọc nuốt xong, lại quay về con mãng xà thứ hai.
Giang Phàm bây giờ mới chịu nhít bước đến gần Quan Sơn Nguyệt, thấy chàng còn sợ, cười hì hì, thốt:
– Đại ca thấy chưa, tôi có nói dối đại ca đâu!
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Loài súc sanh đó đáng sợ thật! Chỉ đối phó với hai con thôi, tại hạ cảm thấy vất vả vô cùng! Vất vả mà không hy vọng thu hoạch một kết quả nào, thế mới khổ hơn!
Giang Phàm lại cười hì hì, nói:
– Cũng may, nếu chẳng có Tiểu Ngọc, thì chúng ta làm sao chống cự với mấy trăm con mãng xà nầy? Không hiểu tại sao Xà Thần lại huy động tất cả số mãng xà, bày thành trận thế lợi hại như vậy!
Tiểu Ngọc đã moi bụng con mãng xà thứ hai, ngoạm lấy cái mật rồi, nó hết sức đắc ý, bò từ từ về gần Quan Sơn Nguyệt và Giang Phàm, chờ nghe lịnh sai.
Nhìn ra trước mặt, nhẩm tính còn hơn hai mươi cặp rắn đang chờ trực tràng và Giang Phàm, chàng chỉ về hướng đó, bảo Tiểu Ngọc:
– Thu thập chúng đi!
Tiểu Ngọc vươn mình, định phóng đi, Giang Phàm hấp tấp ngăn chận:
– Không được! Không nên đâu! Trở lại, Tiểu Ngọc!
Tiểu Ngọc chưa bò đi, cần gì phải trở lại? Nó khựng mình lại đó, nó quay đầu nhìn lại, như chờ nghe giải thích. Cái bộ dạng của nó chứng tỏ rõ rệt nó không ngán những cặp mãng xà phía trước kia, có điều nó không hiểu vì duyên cớ gì Giang Phàm lại ngăn trở nó.
Quan Sơn Nguyệt lấy làm kỳ, hỏi:
– Tại sao thế, Giang cô nương?
Giang Phàm thấp giọng:
– Xà Thần đã huy động toàn bộ số mãng xà trong sơn cốc, ngăn chận chúng ta, hẳn phải có một nguyên nhân nào trọng đại lắm. Lão sợ chúng ta xuất hiện bất ngờ, phá hoại công cuộc gì đó của lão. Có thể cho rằng hiện tại lão đang thay hình, đổi dạng, lão hy vọng công việc được thực hiện thuận lợi, để lão gấp trở lại nhân hình...
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Lập luận đó đúng lý lắm.
Giang Phàm tiếp:
– Vậy thì, chúng ta hãy thành toàn ý nguyện của lão. Chúng ta không nên vào đó trong lúc nầy. Chờ cho lão khôi phục nhân hình rồi, tự nhiên lão giải tỏa trận thế nầy, điều động đàn mãng xà về các hang, các ổ...
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút, nói:
– Không! Tại hạ muốn vào đó ngay, xem cho biết sự tình. Giả như lão đang làm mọi cách để biến thể, thì tại hạ sẽ không động chạm đến lão. Bởi vì, bọn Tạ Linh Vận cũng đang có mặt trong đó. Giả như chúng lợi dụng cơ hội nầy, giở thủ pháp Mê Hồn ra thi thố trên con người lão, thì chúng ta phải ngăn chận. Cho nên, sự có mặt của chúng ta chẳng những có lợi cho chúng ta mà cũng không gây thiệt hại nào cho Xà Thần...
Giang Phàm lại suy nghĩ một lúc, đoạn gật đầu:
– Tôi có lý, đại ca có lý hơn! Quan đại ca, tại sao đại ca không nói sớm?
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Xem ra, Giang cô nương càng lúc càng hiểu lầm những ý tưởng của tại hạ!
Trong lúc tại hạ đối thoại với Tây Môn Vô Diệm, tại hạ có nói qua điều đó, có lẽ cô nương không chú ý nghe, hay có nghe mà không tìm hiểu. Cũng có thể là cô nương không tin tưởng nơi những gì tại hạ nói.
Giang Phàm thoáng đỏ mặt. Đã muốn làm vợ người ta, mà càng lúc càng hiểu lầm người ta thì còn hòng gì sóng đôi với nhau đi trọn quãng đường đời?
Sau này, những sự hiểu lầm sẽ tạo nên đổ vở dễ dàng.
Nàng ấp úng:
– Đại ca... Nào phải tôi... không tín nhiệm đại ca! Bất quá, Xà Thần nuôi dưỡng tôi từ lúc nhỏ, lão đối xử tốt với tôi, tôi cảm mến lão, cho nên tôi muốn những cái tốt đến với lão, tôi lo ngại, ngại những gì ngăn trở những cái tốt đó đến với lão. Tôi phải nói như vậy đó, đại ca ạ!
Quan Sơn Nguyệt bật cười ha hả:
– Chứ tại hạ lại muốn điều hại cho lão sao? Chứ tại hạ không thọ ân lão sao? Chẳng qua, tại hạ chỉ muốn tốt cho cả hai đàng, lão có lợi mà mình cũng có lợi luôn vậy thôi!
Chàng tiếp luôn:
– Tại cô nương lầm tưởng tại hạ có ý xấu, muốn lợi dụng cơ hội nầy, trừ diệt Xà Thần, nên vừa rồi, tại hạ tiến tới, cô nương lại đứng yên, rồi tại hạ ra lịnh cho Tiểu Ngọc tấn công, cô nương lại ngăn chặn! Yên trí đi, cô nương! Nhất định là tại hạ sẽ chẳng làm gì tạo nên bất mãn cho cô nương đâu!
Giang Phàm vẫn còn thẹn, đáp:
– Quan đại ca bỏ qua cho tôi! Dù sao thì tôi cũng là vợ của đại ca mà, hiện tại chưa chánh thức, không sớm thì muộn cũng chánh thức. Có người chồng nào lại quyết liệt với vợ đâu, hở đại ca? Chẳng qua tôi lo ngại cho Xà Thần thôi. Tuy vậy, từ nay về sau, nếu lão có chống đối với đại ca, tôi nhất định đứng về phía đại ca. Đại ca tin nơi tôi đi!
Quan Sơn Nguyệt không muốn nàng kéo dài câu chuyện trên vấn đề chồng vợ nữa, vội thốt:
– Tự nhiên là tại hạ tin cô nương. Bây giờ thì cô nương hãy bảo con Tiểu Ngọc làm việc đi!
Giang Phàm vo tròn môi, huýt gió. Rồi nàng bảo:
– Chúng ta đi thôi, đại ca!
Nhưng, con Tiểu Ngọc nằm bất động giữa đường.
Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ, hỏi:
– Sao Tiểu Ngọc chưa khai lộ?
Giang Phàm thấp giọng:
– Nó chờ chúng ta đó. Nó ở cạnh chúng ta thì Xà Trận không phát động.
Chỉ cần những con mãng xà kia đừng nhúc nhích, chúng ta cứ đi tới mà không gặp trở ngăn là được rồi. Nếu con Tiểu Ngọc lướt tới, tất nhiên nó phải sát hại đồng loại của nó. Tôi từ nhỏ, sống trong Thiên Xà Cốc, suốt mười mấy năm dài, làm bạn với rắn, nên dù muốn dù không, cũng cảm thương chúng ít nhiều, do đó tôi ra lịnh cho Tiểu Ngọc chỉ thủ quanh chúng chứ đừng công kích những cặp mãng xà phía trước.
Quan Sơn Nguyệt không đồng cảm nghĩ như nàng, lắc đầu thốt:
– Mãng xà là loài độc vật, rất hại cho người, chúng có gì đáng dung dưỡng mà cô nương đem cái tâm từ thiện đối xử với chúng? Hiện tại thì Xà Thần còn đây, chúng tuân lịnh Xà Thần mà không hoành hành khỏi phạm vi Thiên Xà Cốc.
Giả như Xà Thần biến thể rồi, ly khai nơi này, lão đâu có thể mang tất cả số mãng xà này đi theo? Chúng ở lại đây không người điều khiển, sẽ bò hoang, bò loạn hãm hại dân cư quanh vùng. Thật là độc hại đó!
Giang Phàm giải thích:
– Không thể có việc đó đâu! Xà Thần huấn luyện chúng rất kỹ, dù vắng mặt Xà Thần, chúng chẳng bao giờ dám loạn động đâu. Chỉ có Xà Thần mới chỉ huy chúng được. Không có lịnh Xà Thần, chẳng bao giờ chúng làm gì. Nếu đừng ai bén mảng đến vùng nầy, thì tuyệt đối chúng không vượt phạm vi mà tìm người gây hại.
Nàng tiếp luôn:
– Vật, cũng như người, vật và người đồng có sanh mạng như nhau, vật lớn lên và còn sống đến bây giờ, chẳng phải là không trải qua khó khăn, thử thách.
Sự sống của vật, cũng như người, là cả một công trình, chúng ta không có quyền hủy diệt công trình đó. Cứ để cho vật cũng như người, tự sanh rồi tự diệt, theo định giới của tạo hóa.
Quan Sơn Nguyệt nhìn sững nàng một lúc, đoạn gật đầu:
– Được! Cô nương đã nghĩ thế, tại hạ không còn nuôi ý định tận diệt chúng nữa. Tại hạ đâu phải là con người hiếu sát, thi thố sự hiếu sát đó đến cả loài vật...
bất quá...
Giang Phàm chận lời liền:
– Nếu nhận thấy chúng sắp sửa hại người, thì tôi sẽ có biện pháp ngăn ngừa, hoặc giả tiêu diệt chúng. Tôi bảo đảm là mình làm được việc đó. Quan đại ca cứ yên tâm.
Quan Sơn Nguyệt không nói gì nữa.
Cả hai lặng lẽ tiến tới. Có con Tiểu Ngọc bên cạnh họ, những con mãng xà bất quá hầm hừ chờm hờm xa xa, chẳng con nào dám xông đến gần.
Khoảng trống đó, rộng độ mấy trăm trượng vuông, con đường xuyên ngang trận thế dài độ bốn năm mươi trượng. Họ đi qua quãng đường đó, như đi vào nguy hiểm, song chẳng có nguy hiểm gì đến với họ.
Không lâu lắm, họ đến đầu trong.
Bây giờ, họ đứng trước vọng cửa bằng đá, cửa không cánh, chỉ có rèm bằng cỏ dây leo buông thòng, trùm phủ che khuất bên trong. Rèm dầy quá, họ chẳng nhìn thấy gì ở bên trong cả.
Vọng cửa đá đó, là cửa một ngôi thạch thất, xưa kia, chính là nơi cư trú của Giang Phàm. Quan Sơn Nguyệt từng đến đó một lần.
Trong nhà, bàn ghế và giường bằng đá vẫn y nguyên, song vắng vẻ vô cùng, họ quan sát kỹ, chẳng thấy một dấu vết nào chứng tỏ có mai phục.
Bất quá, họ đứng bên ngoài, tìm cách nhìn qua những khe hở giữa những đường dây cỏ leo, chứ thực sự thì họ chưa vào hẳn bên trong.
Bởi gian nhà trang bị rất đơn giản, nên họ dễ nhận định tình hình.
Quan Sơn Nguyệt toan đưa tay vẹt bức rèm cỏ dây leo, Tiểu Ngọc vội lướt tới, quấn mình nơi cánh tay chàng, rồi nó rút mình về, như giật tay chàng lại.
Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ, hỏi:
– Tiểu Ngọc định làm gì thế?
Tiểu Ngọc quay đầu hướng qua Giang Phàm rít gió. Nó có vẻ sợ hãi phi thường.
Giang Phàm biến sắc mặt, đáp:
– Quan đại ca! Không vào được đâu! Tuy chúng ta không thấy khả nghi, nhưng con Tiểu Ngọc quả quyết! Bên trong có mai phục.
Quan Sơn Nguyệt liền hỏi:
– Mai phục? Người hay cơ quan?
Giang Phàm lộ vẻ kinh khiếp:
– Một loại rắn tối độc!
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Lại rắn độc! Đâu đâu cũng là rắn độc! Tại hạ không tin là loài rắn cực độc đến đâu có thể làm gì được chúng ta, khi chúng ta có đề phòng!
Chàng đưa nhanh tay vẹt bức rèm, vừa lúc đó, bên trong có tiếng lào xào vang lên, hòa lẫn với tiếng gió vi vu, ẩn ước có tiếng kêu quái dị.
Kế tiếp một chiếc đầu kỳ quái thò ra, hướng về họ, trông rất đáng sợ.
Quan Sơn Nguyệt biến sắc. Chàng không ngán độc xà, nên đưa tay vẹt bức rèm, nhưng trông thấy chiếc đầu đó, chàng phải rùn mình.
Bởi Giang Phàm chỉ cho chàng biết là độc xà được bố trí khắp cùng, đón ngăn chàng, do đó chàng nghĩ cách đối phó với độc xà thôi.
Bây giờ, gặp thứ dữ hơn độc xà, chàng phải hãi hùng kinh khiếp. Đương nhiên trong cơn cấp bách, chàng không có phương pháp nào thích ứng đối phó với thú dữ này.
Thú dữ đó, có chiếc đầu suýt soát đầu người, mắt mũi tai đều đủ, đôi tai đặc biệt nhỏ hơn tai người, đầu thì trọc lóc. Môi nó như máu, lưỡi thè dài ra, răng chơm chởm.
Khi một con quái vật cười, cái cười của nó đáng sợ không tưởng nổi, người ta nói, quỷ nhăn răng là một điều trông thấy phải hãi hùng, con quái vật này cười, còn đáng sợ hơn quỷ nhăn răng.
Chiếc cổ của nó dài quá, dài gần bằng một thân mình con rắn, đầu của nó theo chiếc cổ, đảo qua, đảo lại, miệng nó nhóp nhép mãi, đầu càng phút càng chồm gần hơn, miệng nó càng nhóp nhép nhanh hơn, như sắp ngoạm Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt hoảng quá, trong tay lại chẳng có vật gì ngoài những mảnh da rắn được treo lòng thòng giữa vọng cửa, chàng táo bạo, quăng cả mớ da rắn đó vào đầu con quái vật, hy vọng phủ trùm đầu nó, gây khó chịu cho nó phải chậm lại thế công. Đồng thời, chàng thoái hậu mấy bước dài.
Tiểu Ngọc thì rút mình vào chiếc bao bố, còn Giang Phàm thì đã lùi lại xa lắm rồi.
Nàng thấy Quan Sơn Nguyệt thoát nạn, vội gọi to:
– Lùi nhanh, càng xa càng hay, đại ca. Đừng để cho quái vật phun độc khí trúng mình!
Con quái vật hất chiếc đầu, vung những mảnh da rắn văng tứ tung.
Những mảnh da rắn đó tung bay, chứng tỏ con quái vật có phun hơi ra, và hơi của nó đương nhiên là độc khí.
Giang Phàm lại hấp tấp gọi:
– Đại ca có bị hơi độc của nó phun trúng không?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Không! Nhờ những mảnh da rắn đó che khuất, hơi độc không bay thấu qua được.
Rồi chàng hỏi:
– Quái vật gì thế, hở cô nương? Hình dạng của nó sao mà dài quá... Nhất là chiếc cổ...
Giang Phàm thốt:
– Nào chỉ hình dáng của nó đáng sợ mà thôi? Khí độc do nó phun ra, cực kỳ lợi hại, bất cứ vật gì, bị khí độc đó trúng phải, tức khắc tiêu hóa không còn một điểm nhỏ. Đại ca không tin cứ nhìn những mảnh da rắn kia thì biết.
Quan Sơn Nguyệt nhìn ra, chợt biến sắc mặt Bức rèm bằng da rắn, đã rơi xuống, tất cả số da rắn được kết tại, chỉ còn là đống vảy vụn, phần nào còn dính lòng thòng nơi đà cửa trên, thì phần đó lỗ chỗ như những mắc vỏng...
Kế đó, thì hoàn toàn bức rèm rơi xuống, rồi những vảy rắn cũng tiêu hóa luôn, chẳng còn một chiếc nào.
Ai vào đây trong lúc nầy, hẳn không tưởng là trước đó, nơi vọng cửa có một bức rèm da rắn! Bởi, chẳng có một dấu vết nào chứng tỏ có bức rèm đó từ lâu rồi!
Người ta cứ cho rằng vọng cửa được bỏ trống mà thôi.
Quan Sơn Nguyệt chết sững tại chỗ một lúc lâu, sau cùng lấy lại bình tĩnh, kêu lên thất thanh:
– Con quái vật đó là gì? Cũng là một loại độc xà chăng?
Nó không giống mảy mai một con rắn, đầu nó mường tượng đầu rồng, nó lại có chân, chân nó lớn bằng chiếc chậu đồng, nó nằm ngay trên mặt một chiếc bàn đá, chân bàn đương nhiên phải to, mới chịu nổi với trọng lượng của nó.
Chiếc cổ của nó dài độ hai trượng, cổ dao dao, đầu dao dao theo, đôi mắt nó lộ hẳn ra ngoài, không có lông mày, lông nheo gì cả, tuy phảng phất đầu người.
Mắt lại không có mí, cho nên vĩnh viễn nó không nhắm mắt được.
Chừng như da mặt của nó dính liền với răng, răng lộ ra trằn níu luôn da mặt, nên trông nó vĩnh viễn cười, nụ cười đáng sợ!
Giang Phàm sợ đến tái mặt, rung rung giọng giải thích:
– Nó không có tên, nên không thể gọi nó là rắn được. Cứ theo Xà Thần, thì nó là sản phẩm của sự cấu hợp giữa con độc quy vùng sa mạc và con rắn mặt người. Tự nó thừa kế hình dạng quái dị của hai con vật sanh ra nó, rồi do biến thể, nó lại càng quái dị hơn. Chất độc của nó ghê gớm lắm, đá trúng phải, đá cũng phải tiêu hóa luôn!
Cảnh tượng trước mặt là một bằng chứng hùng hồn, Quan Sơn Nguyệt phải tin Giang Phàm nói đúng.
Cho nên, chưa tin đã sợ, tin rồi càng sợ hơn, chàng biến sắc mặt, hỏi:
– Một con quái vật lợi hại như vậy, Xà Thần làm thế nào bắt được mang về đây mà huấn luyện nó chứ?
Giang Phàm đáp:
– Không ai bắt nó mang về đây cả. Xà Thần chọn một con quy cái, rồi tuyển độ hai mươi con rắn có đầu người, cho chúng ở chung với nhau, con quy cái đó ăn thịt tất cả những con rắn cái, rồi giao hợp với những con rắn đực. Kết quả nó sanh ra quái vật đó, và trong Thiên Xà Cốc, chỉ có mỗi một mình Xà Thần chỉ huy nó được mà thôi.
Quan Sơn Nguyệt nổi giận:
– Xà Thần để con vật đó tại gian nhà này, là có ý tứ gì chứ?
Giang Phàm lắc đầu:
– Nào ai biết được ý tứ của lão ta? Có thể là để ngăn chặn bọn ta vào trong đó mà thôi!
Bổng, một tràng cười đâu đây vang lên, lồng lộng:
– Quan Sơn Nguyệt! Ngươi tự cho mình quan trọng quá! Nếu chỉ để ngăn chặn ngươi, thì cần gì ta phải vận dụng tâm cơ, điều động bao nhiêu mãng xà, quái thú? Ngươi có xứng đáng gì cho ta phải phí công phí sức như vậy chứ? Bởi giết ngươi đối với ta là việc rất dễ dàng, ta chỉ xoay bàn tay là ngươi mất mạng rồi kia mà!
Âm thanh đó, đúng là của Xà Thần.
Quan Sơn Nguyệt giật mình hỏi:
– Thế thì ý tứ của tiền bối như thế nào?
Xà Thần bật cười ha hả:
– Cái ý tứ của ta? Là giết ngươi, có điều những bố trí đó không phải dành cho ngươi. Ta giết ngươi bằng cách khác, ta giết ngươi rất dễ dàng, không cần huy động toàn lực lượng!
Quan Sơn Nguyệt nổi giận, không cần giữ lễ độ nữa:
– Muốn giết ta, ngươi cứ xuất hiện, cứ hạ thủ, cần gì ẩn nấp như kẻ trộm?
Xà Thần lại cười vang:
– Nhưng ta có tánh lười, khi ta lười, thì có con quái vật đó thay ta, làm những việc mà ta muốn. Ta sai nó ra đó để giết ngươi chứ không ngăn chận ngươi vào trong này đâu! Dù bây giờ, ngươi có lùi lại, nó cũng giết ngươi như thường, theo lịnh của ta.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ một lúc.
Xà Thần lại nói tiếp:
– Tuy nhiên, nếu ngươi lùi lại, rất có thể ngươi khỏi bị nó hại, bởi vì nó chậm chạp lắm, nó không di động theo ngươi kịp. Chỉ còn có cách là dụ dẫn ngươi đến gần nó, trong tầm phun độc của nó.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
– Đừng mong dụ dẫn ta đến gần! Ta không vào, con quái vật chẳng làm gì được ta, chỉ còn có cách là xuất hiện để giao đấu với ta.
Xà Thần vẫn cười lớn:
– Ngươi không chịu đến gần thì thôi, ta cứ để cho ngươi sống sót. Nhưng ta tin là chẳng khi nào ngươi chịu bại như vậy, bằng mọi giá, ngươi nhất quyết vào trong này, vào cho kỳ được. Ta biết ngươi sẽ không nhịn vào nổi. Ngươi nghe kia, thanh âm của ai đó?
Có tiếng rên từ bên trong vọng ra, tiếng rên trong trẻo, phát xuất đều đều...
Quan Sơn Nguyệt kêu lên một tiếng:
– Á!
Chàng tiếp luôn:
– Linh Cô!
Đúng là Linh Cô! Nó từ bên trong gọi ra:
– Quan công tử! Đừng lầm mưu lão ta. Hãy đi đi!
Quan Sơn Nguyệt cao giọng:
– Linh Cô! Có phải lão quái vật đó ngược đãi tiểu cô nương chăng?
Linh Cô không đáp.
Xà Thần cười vang, rồi cất tiếng thay Linh Cô:
– Ngươi muốn biết sự thật phải không? Đã thế, ta cho biết, Tạ Linh Vận đã truyền cho ta cái thuật giao hợp với nữ nhân, ta học xong rồi mà trong cốc lại chẳng có ai, chỉ có mỗi một mình Linh Cô, bắt buộc ta phải dùng nó để thực nghiệm...
Quan Sơn Nguyệt hét lên như sấm:
– Lão quái vật, ngươi dám làm như vậy à? Ngươi là súc sanh.
Xà Thần cười gằn:
– Tại sao ta không dám? Nàng còn bé bỏng gì đó, ít nhất cũng mười hai, mười ba tuổi rồi, cứ theo lời Tạ Linh Vận thì gái đến tuổi đó có thể phục dịch nam nhân rồi. Hà huống, ta cũng mê nàng luôn, từ lúc nàng vào đây...
Quan Sơn Nguyệt không giằn lòng được nữa. Chàng vừa lướt tới vừa gầm lên:
– Xà Thần! Ngươi đúng là một súc sanh! Với số tuổi đó, ngươi nỡ hủy hoại cuộc đời một cô bé chưa tròn mười hai mười ba xuân xanh? Ngươi không thể sống sót trên cõi đời này lâu dài! Cái thú tánh của ngươi sẽ làm thiệt hại cho gái nhà lành trong tương lai, không tưởng tượng nổi! Ta nhất định cùng ngươi...
Xà Thần nổi giận, quát trả:
– Cút! Cút ngay! Cút gấp khỏi nơi nầy, nếu không, ta sẽ bảo con Tiểu Hoa phun độc, ngươi phải mất mạng đó! Ngươi không sợ chết, cứ vào!
Giang Phàm khóc mướt, thốt qua nức nở:
– Xà Thần ơi! Từ lâu rồi, Xà Thần từng tỏ ra là con người nhân từ, tại sao giờ đây lại biến tánh thế? Không lẽ Xà Thần bị Tạ Linh Vận mê hoặc đến độ quên mình là bậc đức trọng đạo cao sao?
Nàng vừa tha thiết van cầu, vừa tâng bốc lão, hy vọng lão mát tự ái mà dịu thái độ lại phần nào.
Xà Thần cười lạnh, đáp:
– Tạ Linh Vận là cái quái gì mà có thể mê hoặc được ta? Hắn vừa bắt đầu áp dụng cái thuật mọn, là ta phát giác liền, hiện tại hắn bị ta giam trong hang rắn đó, cho ngươi biết.
Giang Phàm mầng thầm, song cứ khóc, càng lúc càng thảm thiết hơn:
– Thế Xà Thần định làm chi đây, đối với bọn chúng tôi?
Xà Thần cười lớn, nói:
– Ta làm gì các ngươi? Ta chẳng có thái độ gì đối với các ngươi cả! Bất quá, ta đang hân hoan cho chính ta đây thôi. Trước kia, ta thẹn vì hình dáng quái dị, ta phải ẩn náu trong cái sơn cốc xa xôi nầy, ta không dám giành một chỗ đứng giữa dòng nhân loại. Hiện tại thì ta đã phục hồi nhân dạng, ta phải hưởng những lạc thú mà từ lâu ta không được hưởng trong khi nhân loại hưởng chán chê, thừa thãi. Ta chỉ muốn thế thôi, điều ta muốn đó chẳng liên quan gì đến các ngươi, vậy hãy cút đi nơi khác, để cho ta được an ổn mà tận hưởng khoái lạc.
Rồi lão tiếp luôn:
– Tuy nhiên, ngươi hãy đi đi, còn tên tiểu tử họ Quan kia, ngươi bảo hắn vào đây, nói chuyện với ta.
Quan Sơn Nguyệt xô vẹt Giang Phàm qua một bên, rồi hét:
– Lão quái vật, ta chẳng có gì phải nói với ngươi, ta chỉ có việc đánh nhau với ngươi thôi, ngươi có can đảm, cứ ra đây giao chiến với ta!
Xà Thần cười ha hả:
– Được rồi, vậy ngươi cứ đợi một chút, để ta cùng vị tiểu cô nương này thực hành xong sự khoái lạc, ta sẽ ra đó, rồi ngươi muốn làm gì, cứ làm.
Quan Sơn Nguyệt vung kiếm vút vút, quát to:
– Lão quát vật! Ta cảnh cáo ngươi đó, nếu ngươi chạm đến mình Linh Cô, thì ta nhất định không dung thứ ngươi. Với thanh kiếm này, ta sẽ chặt ngươi thành ngàn vạn đoạn!
Xà Thần cười vang:
– Đừng dọa già, tiểu tử! Ta không ngán ngươi đâu! Ngươi muốn chết gấp, cứ vào đây mà can thiệp việc của ta, còn như sợ chết thì đứng đó, chờ ta ra rồi vập đầu lạy mà xin dung thứ. Có thể ta rộng lượng tha cho.
Lão lại cười, rồi cao giọng tiếp:
– Ngươi có biết ta đang làm gì đây chăng? Hà hà! Ta đang cởi chiếc áo của vị tiểu cô nương đây! Hà hà! Làn da của nàng sao mà trắng quá, mịn màng quá! Lại mát lạ!
Quan Sơn Nguyệt xách kiếm chạy tới.
Con quái vật nhóng cao cổ, quơ chiếc đầu, mắt nó mở tròn hơn, mồm nó phồng ra, như dồn tụ một phần khí độc quan trọng. Nó chỉ chờ lịnh là phun khí độc ngay.
Bên trong, Linh Cô vừa khóc vừa gọi vọng ra:
– Quan công tử! Hãy đi đi! Để mặc tôi, đừng can thiệp làm gì!
Quan Sơn Nguyệt làm sao chịu nổi sự việc đó? Cần gì chàng phải thấy tận mắt nàng bị dày vò? Chàng chỉ nghe nàng kêu la thảm thiết cũng phác họa đại khái tình hình như thế nào rồi!
Tuy nhiên, chàng chẳng phải là con người hành động theo huyết khí. Cho nên, đang giận dữ đó, chàng lại trấn định tâm thần ngay, trấn định để có đủ sáng suốt tìm biện pháp thích đáng, giải quyết trường hợp.
Quan Sơn Nguyệt quan sát con quái vật một lượt nữa, rất kỹ, tìm biện pháp đối phó với nó. Chàng nhận ra, điểm lợi hại duy nhất của nó, là miệng. Còn miệng, là nó còn phun độc. Làm sao hủy diệt được cái miệng của nó, là nó không còn lại hại chàng được nữa.
Hủy diệt cái miệng? Tất phải chặt luôn chiếc đầu của nó, mà đầu nó thì nêu cao trên chiếc cổ dài. Chặt đầu nó, là giết nó rồi, chàng giết được nó thì đâu còn là vấn đề?
Chiếc cổ nó rất dài, song không lớn lắm, độ hai tấc tròn thôi. Đầu nó lớn quá, cổ lại dài, lại nhỏ, chừng như nó chi trì không nổi chiếc đầu. Tuy nhiên, động tác của nó rất nhanh, dù thân pháp của Quan Sơn Nguyệt có nhanh đến đâu, cũng không chắc gì chàng vung kiếm chém kịp ngang chiếc cổ của nó.
Suy nghĩ một lúc, chàng cởi bỏ chiếc áo ngoài.
Giang Phàm đã hiểu chàng muốn làm gì rồi. Bất giác, nàng biến sắc mặt, vội nắm tay chàng, kéo lại, kêu lên:
– Quan đại ca ơi, không được đâu! Chiếc áo không thể gây trở ngại gì cho con vật nổi!
Quan Sơn Nguyệt không lưu ý đến lời cảnh cáo của Giang Phàm, nhún chân vọt mình tới.
Quái vật phun độc khí liền.
Quan Sơn Nguyệt định dùng chiếc áo đó làm chiếc bình phong, quăng ra ngăn chặn độc khí bay đến chàng, chàng chỉ cần ngăn chận như vậy trong một giây thôi, đủ cho chàng lướt đến cạnh nó để vung kiếm chém ngang chiếc cổ nó.
Nhưng, phun độc khí, con vật phải có sức mạnh, độc khí bay ra, kình đạo còn thừa, kình đạo đó từ miệng nó cuốn ra, nghe phì phì, tuy là phần dư thừa, song vẫn mạnh. Quan Sơn Nguyệt đến gần nó, còn cách độ ba thước, không làm sao tiến tới nổi nữa, chẳng những thế, áp lực của nó đẩy lùi chàng trở lại.
Trong khi chàng lùi, con vật lại vươn cổ dài, nó chồm tới, nhe răng ra, như cười vào mũi chàng.
Tức uất, Quan Sơn Nguyệt đột nhiên nhào tới, lưng áp nhanh vào vách, tay chụp một chiếc ghế, thủ sẵn, phòng con quái vật tấn công.
Chàng đã mất chiếc áo rồi, không lẽ cởi tuột tất cả y phục còn lại. Bắt buộc chàng phải tạm dùng một vật gì khác trong tay.
Giang Phàm thấy thế, sợ cuống cuồng, kêu lên:
– Trở ra, đại ca! Đại ca ơi, nguy hiểm lắm! Chiếc ghế đó dù có bằng đá, đá cũng không ngăn trở độc khí của quái vật đâu!
Bây giờ, dù chàng có muốn lùi, cũng không còn lùi được nữa, chàng ở trong cái thế bất khả kháng, phải đánh, biết rằng chết cũng đánh, tìm cái sống trong cái chết mà chàng đang mạo hiểm.
Trong khi Quan Sơn Nguyệt tìm cách vượt qua con quái vật vào trong, thì Giang Phàm lại van cầu trở lại. Nàng gọi:
– Trở ra ngay, đại ca! Tôi tìm cách ngăn chặn con quái vật cho đại ca cứ lùi lại!
Lo cho mình, chưa xong, Quan Sơn Nguyệt lại thấy Giang Phàm vọt tới, chàng khẩn cấp cực độ, sợ nàng phải chết vì độc khí của con quái vật. Không còn cách gì khác, lập tức chàng quăng chiếc ghế về phía con quái vật.
Con quái vật đang chăm chú nhìn Giang Phàm, ứng phó với nàng, không tưởng là Quan Sơn Nguyệt tấn công nó bằng cách đó, khi nó hay kịp, nó vội bỏ Giang Phàm, quay đầu về Quan Sơn Nguyệt. Nhưng, nó chưa kịp phun độc khí, Quan Sơn Nguyệt đã lướt đến cạnh nó rồi. Chàng lợi dụng lúc chiếc đầu nó đảo qua đảo lại từ Giang Phàm đến chàng, trong khi nó đảo chiếc đầu thì đương nhiên là nó chưa phun độc. Chàng chỉ cần một phút giây đó thôi.
Chàng vọt mình tới, lia thanh kiếm ngang cổ nó.
Thanh kiếm không gặp một phản lực nào, chém đứt chiếc cổ nó dễ dàng, như chém vào bùn.
Giang Phàm kêu lên một tiếng lớn.
Bên trong, Xà Thần cũng kêu lên một tiếng lớn.
Chiếc đầu của con vật, mang theo một đoạn cổ dài độ trượng từ trong vọng cửa, bay vút ra ngoài.