Sửa chánh tả: ThanhVien
CHƯƠNG 56

1938
- Lưu Trọng Lư và Võ Nguyên Giáp
- Vợ Võ Nguyên Giáp.
- Ðặng Thái Mai và đứa con gái 9 tuổi.
Cùng lứa tuổi trẻ hăng say hoạt động về văn nghệ và cách mạng, Tuấn tiếp tục thường xuyên hằng ngày với hầu hết các nhân vật của hai giới trên, các bạn đồng nghiệp, đồng chí ở Hà Nội. Xao động nhất là từ thời mặt trận bình dân Pháp ( 1936 – 1938 ).
Trong một chương trước tôi đã nói khá nhiều về khoảng từ tháng 2 – 1936, Mặt trận Bình dân ( Front Populaire ) lên nắm chính quyền ở Paris và những ảnh hưởng trực tiếp ở An nam, đến tháng 7 – 1937. Võ Nguyên Giáp, sinh viên Cao Ðẳng Luật Khoa, Hà Nội, vừa thi đỗ chứng chỉ 2, cấp bằng cử nhân Luật, tháng 6 năm 1937.
Nhưng năm sau 1938, anh lại thi rớt bằng Luật Pháp hành chánh. Số đông sinh viên Luật Hà Nội thi đậu chứng chỉ Cử Nhân Luật liền học một năm về "Droit administrative
(Hành Chánh Luật ), thi đậu cấp bằng này được bổ ra làm Tri Huyện, theo Hành chánh Nam triều, hoặc "commis" làm tại Phủ Toàn Quyền hoặc các Toà Thống Sứ, Khâm Sứ, Thống Ðốc, nếu phục vụ cho chính quyền thuộc địa.
Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ có ước vọng làm commis, nhưng thi rớt nên bỏ học luôn, và tiếp tục làm giáo sư Sử Ðịa trường Trung Học Thăng Long. Ðây là một Trung học tư thục lớn ở một đường hẻm cạnh nhà thờ Tin Lành, và cách gác trọ của Võ Nguyên Giáp ở đường Henri d’ Orleans độ vài trăm bước.
Tuấn thường đến nơi gác trọ này, nói chuyện với Giáp và vợ Giáp, một cựu nữ sinh trường Ðồng Khánh, Huế, người mập, không đẹp, đôi mắt to. Giáp có một tủ sách gồm phần nhiều các sách cộng sản bằng Pháp văn, và cho Tuấn mượn lần lượt hết quyển này đến quyển khác: "De l’impérialisms " của Boukharine. "Manifeste de Parti communiste francaise" của Thorez. "Maladie infantile de communisme" của Lénine, v.v…
Từ đây,Tuấn bắt đầu làm quen với chủ nghĩa cộng sản đệ tam quốc tế, và được dịp học hỏi rất nhiều về chủ trương của cộng sản. Tuấn đọc gần hết tủ sách của Giáp, độ 100 quyển, và các báo và tạp chí cộng sản từ Paris gởi sang: " L' Humanité Cocur, Vaillant, Regards, Clarté, v.v…
Một hôm, Tuấn đem trả Giáp cuốn sách cuối cùng trong thư viện của anh. Vợ anh mời Tuấn ở lại ăn cơm trưa. Ðến lúc ăn chuối tráng miệng, Giáp hỏi Tuấn:
- Anh là người bạn đầu tiên đã chịu khó đọc hết các sách trong tủ sách của tôi, nói về chủ nghĩa cộng sản. Chắc nay anh đã hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản …
- Vâng, và lần đầu tiên tính ham học hỏi của tôi được hoàn toàn thỏa mãn. Tôi đã tìm được nơi nhà anh chị đầy đủ sách cộng sản để nghiên cứu thật kỹ về chủ nghĩa ấy. Cám ơn anh chị nhiều lắm.
Giáp mỉm cười hỏi:
- Anh nghĩ sao về chủ nghĩa cộng sản theo như anh đã nghiên cứu, anh có thể cho tụi tui biết được không?
- Ðược chứ.Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản không thích hợp với dân tộc Việt Nam.
Trước kia chưa đọc các sách báo ấy, tôi còn nhiều thắc mắc, nhưng vẫn có chút ít tình cảm với học thuyết Mác – Lê, vì anh chị cũng biết là tôi thuộc về thành phần vô sản. Nhưng từ khi đã đọc và nghiên cứu kỹ các sách về cộng sản chủ nghĩa thì tôi thất vọng hoàn toàn. Tôi có ý thức rõ rệt rằng chủ nghĩa cộng sản, nếu áp dụng ở Việt Nam, chắc chắn sẽ làm sụp đỗ hết các nền tảng luân lý gia đình, xã hội, quốc gia của dân tộc VN, cho đến cá nhân của con người cũng sẽ không còn nữa.
Giáp tủm tỉm cười, không nói gì, nhưng chị Giáp hỏi:
- Anh có nhận thấy xã hội tư bản đầy rẫy bất công không đã?
- Thấy rõ lắm chứ, chị. Nhưng muốn san bằng những bất công đó, và tạo ra một xã hội tự do, công bằng, nhân đạo, một thế giới đại đồng, phải một cuộc cách mạng khác cơ, chứ không thể là cuộc cách mạng vô sản được. Cuộc cách mạng vô sản, theo chủ trương của Mác Lê, chỉ đập đổ một bất công để tạo ra một bất công khác, đập đổ một đế quốc để tạo ra một đế quốc khác. Và sau cùng, là phá bỏ xiềng xích nô lệ này để cột vào xiềng xích nô lệ khác. Như thế đâu phải là cách mạng?
Võ Nguyên Giáp bảo:
- Chính cái révolution prolétarienne ( cách mạng vô sản ) tạo ra một giai cấp bình đẳng cho tất cả mọi từng lớp, một thế giới đại đồng cho tất cả nhân loại, trong đó, như anh đã đọc trong quyển Le Capital của Karl Marx và La Dictateur du Prolétariat của Lénine, chế độ đế quốc tư bản bị đập đổ bỡi những mâu thuẩn nội bộ của nó, và cách mạng thợ thuyền sẽ thắng lợi.
Tuấn hỏi lại:
- Lénine không căn cứ vào sự kiện thực tế của con người để xác định rằng chế độ tư bản sẽ tự nó xụp đổ vì những mâu thuẩn nội bộ của nó, và cách mạng vô sản sẽ thắng lợi. Giả sử cách mạng vô sản sẽ thắng lợi thì xã hội của con người sẽ ra sao? Huống chi, suốt thời Lénine nắm quyền, cuộc cách mạng Lénine làm nổ bùng lên ở Nga, vẫn đi từ thất bại này đến thất bại khác, đâu có thắng lợi?
Chứng cớ là Lénine đã phải áp dụng tân chính sách kinh tế N.E.P, sau trận đói 1921, trận nội chiến do nông dân dấy lên và cuộc nổi loạn của hải quân Kronchtadt, tháng 3 năm 1921. Lénine chán nản, đã bỏ hoạt động cách mạng từ năm 1922, đến năm 1924 Lénine chết mà không loé lên một tia hy vọng thắng lợi nào của chủ nghĩa cộng sản. Ðến khi Staline lên cầm quyền, phải dùng đến khủng bố, tù đày, đàn áp giết chóc hàng triệu người mới duy trì được chế độ gọi là "vô sản ". Như vậy thì cuộc cách mạng "bôn sơ vích "đã thực hiện ở Nga đến nay đã gần một phần tư thế kỷ rồi, vẫn chưa thắng lợi. Nó chỉ được kéo dài nhờ chính sách sắt máu của Staline mà thôi, và chính nó đã bị chia rẽ trầm trọng bằng sự thành lập Ðệ Tứ Quốc Tế của Trotsky.
Võ Nguyên Giáp, hai tai đỏ bừng, nhưng nét mặt bình tỉnh, ngắt lời Tuấn:
- Trong quyển L’ État et la Révolution, Lénine đã nói rõ rằng chính phủ vô sản cần phải giết hết giai cấp tư sản để đi đến thắng lợi, nhưng đó chỉ là một chính sách giai đoạn, vì Lénine chủ trương thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa Mác-Lê là thế giới cộng sản sẽ không còn giai cấp, cũng không còn quốc gia ( ni classe, ni état ). Còn Trotsky, thì anh xem các sách cũng đã biết rõ, hắn chỉ là một kẻ phản bội un rénégat, một loại Kautsky, Kerinsky.
Vợ Giáp cười:
- Anh Tuấn, anh là thi sĩ, anh chỉ có thể là một thi sĩ thôi.
Võ Nguyên Giáp cũng cười:
- Anh chàng mơ mộng bất trị! Nếu tôi nắm chính quyền, tôi sẽ bắn anh chết, rồi sẽ dựng cho anh một cái tượng như người Hy Lạp thời Thượng cổ.
Tuấn cười:
- Rất tiếc, tôi không được là một đệ tử của Homère ( Homère, thi sĩ Hy Lạp, thế kỷ IX trước J.C ), nhưng tôi cũng không phải là đệ tử của Platon ( Platon, một triết gia Hy Lạp 428 – 342 trước J.C. Trong quyển La République, Platon có một chủ trương biện chứng pháp tư tưởng ).
Chị Giáp thường ở nhà, ít đi đâu với chồng. Võ Nguyên Giáp thường đi chung với Ðặng Thái Mai, cặp này là đôi bạn thân, vừa là đôi bạn đồng chí, đã kết nghĩa "huynh đệ ", coi như hai anh em ruột. Ðặng Thái Mai, giáo sư, cũng dạy trường Thăng Long, có một đứa con gái lúc bấy giờ 8 tuổi, chỉ ham đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, loại tiểu thuyết 32 trang, không có bìa bán 3 xu, dịch các truyện kiếm hiệp Tàu, đại khái như "Bạch Y thần nữ ", "Người Nhạn Trắng ". "Nga Mi hiệp sĩ ", v.v…Mỗi tuần ra một xấp kế tiếp cho đến khi trọn bộ.
Dân chúng thường gọi là "tiểu thuyết ba xu" với ngụ ý chê là loại tiểu thuyết rẻ tiền, không có giá trị văn chương, và giới trí thức không đọc.
Một buổi chiều, Tuấn đang đi lang thang phố Hàng Cót, gặp Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai từ trên đi xuống. Mai nắm tay đứa con gái 8 tuổi. Bắt tay xong, Giáp hỏi:
- Chàng mơ mộng đi đâu đây?
Tuấn cười:
- Ðến thằng bạn ở Hàng Than, mượn vài đồng bạc.
Giáp nhoẻn một nụ cười chế nhạo, khá dể thương:
- Thi sĩ mà cũng cần đến tiền bạc à?
- Nếu không mượn được tiền, tối nay phải nhịn đói.
Giáp và Mai cười xòa, Mai bảo:
- Ðói thì đói, mặc kệ, đừng thèm đi mượn tiền. Tụi tôi cũng đang đói đây, nay mới 28 tây, mà túi đã hết sạch tiền rồi, đi chơi cho hết đói.
Võ Nguyên Giáp nắm tay Tuấn:
- Ði chơi với tụi tôi, hết đói.
Tuấn đưa tay lên gãi sau ót vài cái, rồi cũng đi chơi với hai chàng kia, quên luôn vụ đi mượn tiền. Ðến trước hiệu sách Thu Tâm gần trường Nữ tiểu học Brieux, hiệu trưởng trường này là bà Trịnh Thục Oanh, nổi tiếng Hà thành là một "nữ lưu tân tiến" nhất, tình nhân của viên Thống Sứ Yves Châtel, và lại là vợ của một luật sư họ Bùi. Bà này đã sang Paris sửa lại lổ mũi cao cho giống mũi Ðầm, tốn hết 2000 đồng, theo thời giá năm 1937. Nhưng ở Pháp về, mũi của bà chỉ cao thêm một vài millimètres, chứ không thể nào giống mũi của nữ thần Vénus được.
Tuấn và cặp "anh em"Giáp, Mai đang bàn về chuyện bà Trịnh Thục Oanh thì đứa con gái của Ðặng thái Mai đòi cha cho nó vào tiệm sách Thu Tâm mua mấy xấp "tiểu thuyết ba xu ", Mai bảo nó:
- Ðầu tháng hãy mua, com. Hôm nay cậu hết tiền rồi.
- Cậu vào mua chịu cho con.
- Họ có bán chịu không?
- Có.
Ðặng Thái Mai dắt con gái vào nói cô chủ tiệm bán cho nó mấy xấp "Bạch y thần nữ "v.v…tiếp theo. Tuấn hơi ngạc nhiên, hỏi Ðặng Thái Mai:
- Cháu còn nhỏ quá, mà anh cho cháu đọc loại chuyện kiếm hiệp à?
Mai gãi đầu, với một nụ cười triết lý:
- Cứ cho nó đọc, để sau này lớn lên nó sẽ làm một "thiếu lâm hiệp nữ "chứ sao!
Võ Nguyên Giáp nói thêm vào:
- Triệu Ẩu cũng là một tay kiếm hiệp đại tài thuở xưa.
Dĩ nhiên, con gái của Ðặng Thái Mai gọi vợ chồng Võ Nguyên Giáp bằng "bác ", bác trai bác gái, và được chị Giáp cho kẹo bánh hoài mỗi lần cháu bé được cha dắt đến nhà bác Giáp.
Sau khi Ðại Chiến Âu châu bùng nổ, chị Giáp bị chính phủ thuộc địa ở Hà Nội bắt giam vào "nhà pha hỏa lò", bị đánh đập dã man, rồi chết trong ngục, năm 1944. Năm 1946, Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh quân đội Việt Minh, lúc bấy giờ 35 tuổi, lấy con gái Ðặng Thái Mai làm vợ. Nó mới 16 tuổi. Người bạn kết nghĩa của Giáp trở thành cha vợ của Giáp.
Tuấn nhớ lại một buổi chiều chủ nhật từ làng Bưởi đi tàu điện về Hà Nội, qua khỏi các lò giấy bản độ một khoảng thì Tuấn trông thấy Lưu Trọng Lư, Võ Nguyên Giáp, vợ Võ Nguyên Giáp, ( người vợ trước ), Ðặng Thái Mai và đứa con gái 8 tuổi của anh này, cùng đi trên đường nhựa hướng về Hà Nội. Ba người bạn đàn ông đi trước, chị Giáp đi sau, thân mật nắm tay con gái anh Mai, như hai mẹ con.
Tàu điện vừa ngừng gần cổng Trường Bảo Hộ ( Lycée du Protectorat ) thì đám này cũng vừa đến gần đấy, Lưu Trọng Lư đưa tay ngoắc Tuấn, gọi Tuấn xuống. Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai cũng nở một nụ cười đồng ý muốn Tuấn xuống nhập bọn với đám này để đi bộ một quãng đường cho vui. Vả lại, từ đây về Hà Nội cũng không bao xa gì. Ðã bắt đầu đến đường Quan Thánh ( route de Grand Bouddha ) và bên trái đã thấy ló dạng mặt nước Hồ Tây gợn sóng, và gió chiều phảng phất hương sen.
Trong đám 6 người này, 3 người là cộng sản chính cống, Giáp và Mai là hai lãnh tụ, vợ Giáp là một cán bộ cao cấp. Tuấn thì triệt để trung thành với lý tưởng thuần tuý quốc gia, chống phát xít và không đảng phái. Lư thì đã có khuynh hướng thân Nhật, tin tưởng nơi Cường Ðể và Nhật hoàng sẽ giải phóng cho xứ sở "An nam ", còn con bé 8 tuổi của anh Mai thì chỉ mê kiếm hiệp và thích võ thiếu lâm …Tuy nhóm này mang nặng trong đầu óc những sắc thái chính trị khác nhau, cách biệt nhau nhiều, nhưng cuộc đi bộ chiều chủ nhật vẫn vui vẻ, êm đẹp và có chiều thân mật nhau nữa.
Tự nhiên, Lưu Trọng Lư quay lại hỏi "cô bé kiếm hiệp "(các bạn của Ðặng Thái Mai vẫn gọi đùa con gái của anh như thế ):
- Sau này mi dùng võ Thiếu Lâm để đánh Tây, đánh Nhật hay đánh Nga? Mi trả lời hay thì tao thưởng cho mi một đồng bạc.
Con bé đáp liền:
- Con đánh cả Tây, cả Nhật, cả Nga.
Tất cả đều cười rồ lên. Chị Giáp cười nhiều hơn hết, Tuấn bảo:
- Con nhỏ trả lời câu đó được lắm à! Mi đồng chí với tao rồi đấy.
Nhưng Lưu Trọng Lư gạn hỏi nó:
- Sao mi đánh Nhật?
Nó cười, không trả lời.
Võ Nguyên Giáp hỏi nó:
- Con đánh Nga nữa, hả con?
Con bé cũng cười. Nghĩ ngợi một phút, nó trả lời:
- Hễ nước nào đánh nước An nam, con sẽ đánh nước đó.
Tuấn khoái, reo lên:
- Bravo, cô bé kiếm hiệp!
Vợ Võ Nguyên Giáp nói đỡ một câu trả lời Tuấn:
- Nó sẽ là một nữ chiến sĩ cộng sản, anh sẽ bravo nó nhiều hơn.
Lưu Trọng Lư ngắt lời:
- Cộng sản chi con này.
Ðặng Thái Mai bảo:
Anh đừng tưởng. Nó sùng bái Staline lắm đây. Bác Võ Nguyên Giáp của cháu nói cháu sẽ là Rosa Luxemburg thứ hai (Rosa Luxemburg, nữ chiến sĩ cộng sản Ðức, rất nổi danh trong cuộc cách mạng tháng 10. Chết tại Berlin năm 1919 ).
Tuấn cười:
- Rosa Luxemburg sao lại đòi đánh Nga?
Con bé ngây thơ hỏi cha:
- Cậu ơi cậu, Rosa Luxemburg có giỏi võ thiếu lâm không cậu?
Võ Nguyên Giáp trả lời:
- Một chiến sĩ cộng sản không cần phải giỏi võ thiếu lâm, cháu ạ.
Lưu Trọng Lư cho rằng nhét vào đầu óc đứa bé 8 tuổi những danh từ bao quát khó khăn như thế chẳng ích gì. Anh chàng chỉ muốn nói chuyện bông đùa cho vui:
- Mi đòi đánh cả Nhật hoàng Hiro-Hito, thì mi láo thật.
Con bé cười:
- Bác hứa bác thưởng cho con một đồng bạc cơ mà?
- Nhưng mi trả lời như rứa, tao không thưởng một cắc, một xu.
- Bác không thưởng thì thôi.
- Mi dám hứa với tao là mi đừng đánh Nhật Hoàng, thì tao thưởng.
Con bé cười, suy nghĩ một chốc rồi trả lời Lưu Trọng Lư:
- Thế thì bác có dám hứa với con là Nhật bổn không đánh nước An nam không?
Lư cười ngặt nghẽo rồi bảo:
- Cái cô bé kiếm hiệp này rõ thật là rắc rối, à…rắc rối nhỉ …
Nó trả đũa liền:
- Tại bác rắc rối đấy chứ.
Tuấn rất chịu những câu trả lời đanh thép của con bé.
Chàng đưa tay xoa đầu nó, và ngó Võ Nguyên Giáp, chàng bảo:
- Con nhỏ này sau có thể là Trưng Trắc, Triệu Ẩu, chứ không thể là Rosa Luxemburg đâu, anh ơi!
Giáp chỉ mỉm cười, Giáp có một lối cười trầm ngâm, bí mật, cũng dễ thương.
...................................................
Lưu Trọng Lư ơi, còn nhớ buổi chiều chủ nhật ấy không?