áng hôm sau, đã 9 giờ sáng, rồi 10 giờ, vẫn không thấy Quế đâu. Chuyện này trước đây chưa hề có. Anh ta chẳng bao giờ bỏ sót ngày nào kể từ khi tôi "làm việc" ở chỗ này. Sáng nào cũng vậy, đúng 9 giờ, cổng sẽ mở và ánh loang loáng của mũi trước chiếc Mercedes sẽ hiện ra. Sự xuất hiện đều đều thường nhật song cũng có gì hơi kịch đó của Quế lại là mốc đánh dấu khởi đầu mỗi ngày mới đối với tôi. Tôi đã quen với cái thủ tục hàng ngày đó, kiểu như người ta quen với trọng lực hay áp suất không khí. Trong cái nhịp đều đặn không chạy sai của Quế có gì đó nhiều hơn chứ không chỉ là sự chính xác máy móc, có cái gì đó an ủi, khích lệ và sưởi ấm tôi. Chính vì vậy một buổi sáng không có Quế cũng như bức tranh phong cảnh vẽ khéo nhưng không có một tiêu điểm.
Tôi đành thôi không đợi Quế nữa. Tôi rời khỏi cửa sổ đi gọt một quả táo để ăn sáng. Đoạn tôi ghé vào phòng làm việc của Quế nhìn xem liệu có thông điệp nào trên máy tính không, nhưng màn hình vẫn câm lặng. Tôi chẳng biết làm gì khác ngoài noi gương Quế, vừa nghe một đĩa nhạc Baroque vừa quét dọn, hút bụi sàn nhà, chùi cửa sổ. Để giết thì giờ, tôi làm mọi việc thật chậm rãi, thật cẩn trọng, đến nỗi lau cả từng cánh của cái quạt thông gió dưới bếp. Nhưng thời gian vẫn ì ạch trôi.
Đến 11 giờ thì tôi chẳng còn gì làm nữa, thế là tôi nằm dài trên chiếc sofa trong "phòng chỉnh lý", buông mình theo dòng thời gian uể oải. Tôi cố tự bảo mình rằng Quế đến muộn chỉ vì lí do vặt vãnh nào đó. Có thể xe bị hỏng, hoặc anh ta bị kẹt xe. Nhưng tôi biết không thể có chuyện ấy. Cược bao nhiêu tôi cũng chịu. Xe của Quế không bao giờ hỏng, và mỗi khi ra khỏi nhà anh ta luôn tính toán xem đi đường nào không bị kẹt xe. Thêm nữa, trên xe có điện thoại, thành thử nếu có chuyện gì bất trắc anh ta sẽ gọi cho tôi ngay. Không, Quế không đến đây vì anh ta đã quyết định không đến.
*
Khoảng gần 1 giờ trưa tôi thử gọi điện đến văn phòng của Akasaka Nhục đậu khấu, nhưng không ai trả lời. Tôi thử gọi lại, gọi lại nữa..., vẫn thế. Rồi tôi thử gọi văn phòng của Ushikawa, nhưng chỉ nhận được thông điệp rằng số điện thoại này đã bị ngắt. Lạ thật. Mới cách đây hai ngày tôi còn gọi vào số này cho y. Tôi đành chịu thua, lại quay về chiếc sofa trong "phòng chỉnh lý". Trong hai ngày qua, cứ như thể tất cả mọi người đã cùng thông đồng cắt đứt liên lạc với tôi.
Tôi lại ra chỗ cửa sổ ghé nhìn qua bức rèm. Hai con chim mùa đông bé nhỏ trông hoạt bát bay đến đậu trên một cành cây trong vườn, tròn mắt nhìn quanh. Rồi, như bỗng dưng chán ngấy những gì nhìn thấy ở đây, chúng vụt bay mất. Ngoài ra, dường như không một cái gì khác chuyển động. Có cảm giác như cái Dinh này là một căn nhà vừa bị bỏ hoang.
*
Suốt năm ngày sau tôi không trở lại căn nhà đó. Chẳng hiểu vì sao, tôi như không còn muốn chui xuống giếng chút nào nữa. Chẳng bao lâu sau tôi sẽ mất ngay bản thân cái giếng. Nếu khách hàng không đến nữa thì tôi chỉ còn đủ tiền để nán lại Dinh này thêm tối đa hai tháng, nên tôi sẽ phải sử dụng cái giếng này càng nhiều càng tốt chừng nào nó vẫn còn là của tôi. Tôi thấy ngạt thở. Đột nhiên cái nơi này trở nên sai lạc, phi tự nhiên.
Tôi lang thang vơ vẩn đây đó mà không đến chỗ Dinh. Chiều chiều tôi lại đến quảng trường ở cổng phía Tây, ngồi trên băng ghế quen thuộc, ngồi đó chẳng làm gì, chỉ để giết thời giờ. Nhưng Nhục đậu khấu không xuất hiện. Có lần tôi đến chỗ văn phòng của bà ở khu Akasaka, nhấn chuông trong buồng thang máy rồi nhìn chằm chằm vào ống kính camera, nhưng không có tiếng trả lời. Thôi, thế là không mong gì nữa. Rõ ràng Nhục đậu khấu và Quế đã quyết định cắt đứt mọi liên hệ với tôi. Hai mẹ con kỳ lạ này đã từ bỏ con tàu đắm để đến nơi an toàn hơn. Tôi không ngờ điều đó lại khiến lòng tôi buồn da diết đến vậy. Tôi cảm thấy như rốt cuộc đã bị chính gia đình mình phản bội.