Kỳ 58

Sharp nhìn tướng không quân. Moorer đỏ mặt, nhìn thẳng lên tấm bản đồ Việt Nam. Moorer đã nghe Anderson báo cáo và có cả ảnh chụp từ chiếc U-2 ngày ngày bay trên đỉnh chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ, hai đầu cầu chông chênh, chỉ cần một quả bom là có thể hất tất cả chiếc cầu xuống sông. Vậy mà đến ngày 30 tháng 5, trên 2.000 quả ném xuống, chưa quả bom nào trúng cầu. Điều kỳ lạ này, toàn bộ phi công của liên đoàn Anderson không giải thích nổi. Họ nhìn rất rõ cầu, họ thấy rõ các ụ pháo cao xạ, họ cũng đã nhìn thấy Mig và liên đoàn F-4 cũng đã bắn rơi Mig. Những chiếc Mig-17 cổ lỗ, có ảnh hưởng rất mạnh đến tư tưởng của phi công nên họ không thể tập trung một trăm phần trăm tinh lực ngắm ném bom. Thomas Moorer rất xấu hổ. Sharp đẩy chiếc kính từ sống mũi lên, nói tiếp:
- Bước leo thang thứ 3 được thực hiện từ giữa tháng 5 năm 1965 do hải quân phụ trách. Tôi muốn nhấn mạnh, mặc dù chúng ta chỉ bị pháo cao xạ bắn rơi một chiếc ở Nam Định nhưng lại bị Mig-17 bắn rơi hai chiếc F-4B ở Ninh Bình. Mục tiêu về cơ bản đã hủy diệt. Nhưng Bắc Việt Nam phục hồi rất nhanh. Cho nên về hiệu quả rõ ràng chưa cao. Bước thứ 4, chúng ta đã thực hiện từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Chúng ta mất một chiếc AD-6. Bù lại, một chiếc Mig bị chúng ta lừa đâm vào núi và đáng khen cho các đơn vị thuộc các đơn vị đóng quân ở Thái Lan, đã bắn rơi được hai chiếc Mig-17, ta trở về an toàn. Tôi cho là không quân đã mạnh dạn tấn công đem lại hiệu quả đáng kể.
Thomas Moorer đỏ mặt, mắt chớp chớp, lộ vẻ sung sướng vì có các đơn vị của trung tá Smith đã đóng góp công rất lớn cho không quân. Moorer ưỡn ngực, mắt nhìn không chớp các vị trí trên bản đồ Bắc Việt Nam, lòng kiêu hãnh pha lẫn tự hào về chiến công ngày 10 tháng 7 vừa qua. Một chiến công có thể so sánh với trận cứu Mussolini của đoàn quân Đức quốc xã theo lệnh của Hitler, tập kích và giải thoát cựu độc tài nước Ý bằng tàu lượn trong Đại chiến thế giới lần thứ hai. Moorer ngầm báo cho Đô đốc Sharp biết rằng, ông ta cũng đã có bốn ngôi sao trên ve áo, chẳng kém gì Sharp, chỉ có… chức, Sharp được Bộ Quốc phòng và Bộ Tham mưu liên quân trao cho theo nhiệm kỳ mà thôi. Trong lúc Moorer tự phụ, Sharp nói tiếp:
- Bước leo thang thứ 5 trong chiến dịch Sấm Rền, được phép đánh tuyến đường Hà Nội- Lào Cai cho đến Hà Giang.
Sharp bật đèn, làn đèn đỏ từ Hòa Bình lên đến chót vót Việt Nam rực sáng. Sharp vặn nút bên phải, làn đèn mờ dần nhưng vẫn rất rõ. Sharp nói:
- Hiện nay, Bắc Việt Nam nhận viện trợ quân sự từ ba hướng. Hướng theo tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai. Tuyến quan trọng nhất là Hà Nội- Lạng Sơn và tuyến biển qua cảng Hải Phòng. Bước leo thang thứ 5, chúng ta gửi thông điệp cho Hà Nội rằng, nếu không chấm dứt sự ủng hộ cho Việt Cộng thì trên hai tuyến kia, sắp tới chúng ta sẽ đánh. Hiện nay có ba khu vực cấm, vòng tròn 20 km của Hà Nội, mười ki-lô-mét của Hải Phòng và vùng đệm với Trung Cộng. Phi cơ của chúng ta không được vào ba khu vực nói trên. Tôi yêu cầu các ngài ghi nhớ và chấp hành nghiêm chỉnh.
Suốt ngày 10 tháng 6 và một buổi ngày 11 tháng 6, những người chỉ huy cao nhất của không quân và hải quân Mỹ thống nhất cách thức hợp đồng phối hợp giữa hai quân chủng khi đi qua khu vực của nhau. Moorer và Black cùng với sĩ quan hành quân, sĩ quan quân báo không quân và hải quân bàn rất kỹ tín hiệu, tần số khẩn cấp. Những quy định phân biệt địch, ta và quy định cứu nạn của không quân trên biển và hải quân trên vùng rừng núi.
@
Trần Lạc rời khỏi cơ quan, Long lặng lẽ đi theo. Trời mưa bão liên tiếp ba ngày liền, mưa xối xả, không lúc nào ngừng, ngoài đường lấp xấp nước … gió thổi mạnh, những hàng cây trong công viên hồ Bảy Mẫu nghiêng ngả. Lạc mặc chiếc áo mưa đã cũ gò lưng đạp xe không hề hay biết có Long ở phía sau. Gió quất những hạt nước mưa vào mặt. Long mặc chiếc áo mưa của Trung Quốc thời còn đi học, mũ áo liền đầu với thân áo, cúi mặt, anh cố gắng lắm mới đạp xe theo được Lạc … Đến một ngã tư, Lạc rẽ vào một con hẻm, Long bám theo, trời tối đen, con hẻm không có đèn. Bất ngờ Lạc dừng lại, nhìn vào một căn nhà. Nhà đó không phải của Lạc. Long đã từng đến nhà Lạc nhiều lần trong những dịp Lạc mời đến chơi. Lạc dựng xe, nhón chân, bước lên hè, cố nhìn vào bên trong. Long rẽ vào một con hẻm nhỏ gần đó, quan sát. Lạc nhìn vào ngôi nhà ấy lâu lắm mới quay đầu xe, trở về. Long bước ra, anh đến trước căn nhà Lạc vừa nhìn vào: một người đàn ông ngồi cạnh cửa sổ hông nhà, Lệ Thúy, hai tay ôm cổ và gục đầu vào vai gã đàn ông. Long suýt kêu lên: “Trời! Ác quá”, nhưng kịp dừng lại. Anh không ngờ, trong khi trời mưa bão lại có một người đàn bà bỏ nhà, bỏ con, đến với tình nhân. Long gồng tay để giữ mình, mắt nhìn qua cánh cửa sổ: thằng đàn ông đểu cáng đã làm cho Trần Lạc chới với, đang ôm Lệ Thúy bằng cánh tay trần. Có thể Lạc đã nhìn thấy cảnh này và anh đã trở về trong trạng thái nào Long cũng không biết. Có thể lắm, Lạc không tự chủ được mình, Lạc quá thất vọng rồi sinh ra tai nạn. Long nhìn số nhà, căn phòng có cây hoa sữa che một phần cửa sổ, đối diện với hiệu sách nhỏ. Rồi Long vụt đi theo Lạc, mang theo hàng chục thắc mắc: thằng cha đó tên gì? làm gì? nhà đó của ai? vì sao Trần Lạc biết Lệ Thúy đến đây? tại sao Trần Lạc không vào để cho Lệ Thúy một bài học? vì sao? vì sao? Long chợt nảy ra ý nghĩ phải bênh vực, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình Lạc. Nhưng, bảo vệ bằng cách nào? Lạc có đồng ý hay không? Long cắn răng, ý nghĩ hành động đã thúc giục Long. Anh nghĩ rằng Lạc là một quân nhân đang ở tuyến trước, hậu phương của Lạc như vậy, làm sao anh đánh giặc? Phải hành động, dù có thế nào cũng phải hành động!
Phía trước loang loáng ánh đèn xe hơi. Long ép xe sát bờ, nó vượt qua bên cạnh Long. Anh đạp tiếp. Từ xa Long nhìn thấy bóng Trần Lạc đạp xe mệt mỏi. Mỗi lần nhấn bàn đạp, Long cảm thấy Lạc hết sức cố gắng mới đạp nổi. Nhìn Lạc gần như kiệt sức, Long nới chân, đạp chậm để giữ khoảng cách với Lạc. Long càng thấy trách nhiệm phải hành động, nhất định không cho Lạc biết, không cho bất kỳ ai biết.
@
Chiều hôm sau, trời bớt mưa, mây thấp khắp đồng bằng Bắc bộ, sân bay Nội Bài phi cơ không thể cất cánh. Long xin phép ra phố. Đạp xe đến hiệu sách đối diện với căn phòng Lệ Thúy đã đến, Long gặp một người đàn ông luống tuổi ở cạnh căn phòng đó, đang lau chiếc xe đạp Thống Nhất còn mới. Long bước sang chỉ vào nhà số 20 hỏi:
- Thưa bác, ông chủ nhà này có ở nhà?
Người đàn ông ngước nhìn, chậm rãi:
- Ông hỏi ông Thuấn hả?
- Vâng.
- Ông ấy về Nam Định lâu rồi, nhà này gửi lại cho người cháu gọi ông ấy bằng bác.