Hồi Thứ Mười


Hồi Thứ Năm Mươi Bảy
Nhớ ái nữ, Hàn Phu nhơn thọ bịnh
Cảm từ ân, Lệ Thừa tướng đầu thang.

Tuy ngoài miệng Hàn Phu nhơn nói ra vẻ tủi tủi hờn hờn như vậy, song trong lòng khi nghe Thiếu Hoa cho biết chàng vẫn ngủ riêng phòng và ngày đêm làm bạn cùng bức ảnh của con mình, thì bà mừng vô hạn. Bà sai nữ tỳ đi dọn bánh trái rồi bảo Mạnh Gia Linh mời Thiếu Hoa ăn.
Thiếu Hoa nói:
- Để mai này tiện tế sai Lưu Yến Ngọc sang thăm nhạc mẫu, họa may nhạc mẫu được bớt bịnh chăng?
Hàn Phu nhơn gật đầu cảm ơn, rồi Thiếu Hoa cáo từ lui về.
Khi về đến nơi, Thiếu Hoa đem việc đi thăm bên nhà họ Mạnh thuật lại cho Hoàng Phủ Kính nghe và xin phép song thân đặng sáng ngày sau cho Lưu Yến Ngọc được sang thăm Hàn Phu nhơn.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính bằng lòng nên sáng hôm sau Lưu Yến Ngọc qua bên Mạnh phủ. Nàng được vợ Mạnh Gia Linh là Phùng thị ra tiếp rước niềm nở. Khi vào phòng, Lưu Yến Ngọc vừa trông thấy Hàn Phu nhơn thì cúi đầu sụp lạy. Hàn Phu nhơn thấy nàng cung kính như vậy rất bằng lòng, liền bảo Phương thị mời ra ngồi chơi nơi nhà ngoài, chỉ để một mình Tô Đại nương trong phòng để bà hỏi thăm nhiều việc.
Khi được Tô Đại nương trình bày tỉ mỉ, bà ta mới hiểu rõ Hoàng Phủ Thiếu Hoa chưa đồng sàng cùng Lưu Yến Ngọc.
Sau đó, gia nhơn dọn tiệc lên, Phương thị mời Lưu Yến Ngọc ngồi vào bàn tiệc ăn uống chuyện trò mãi đến xế chiều mới tan. Ăn xong Lưu Yến Ngọc vào hầu chuyện với Hàn Phu nhơn một lát, mới cáo từ lui về.
Về đến nhà, Lưu Yến Ngọc không quên thuật lại cách đối dãi bên nhà họ Mạnh cho cả nhà nghe, ai nấy đều lấy làm bằng lòng lắm.
Thiếu Hoa tin chắc sự ân cần thăm viếng của mình sẽ làm cho Hàn Phu nhơn bớt bịnh đi phần nào, nhưng trái ngược lại chứ không phải như chàng tưởng, nghĩa là sau đó bịnh tình của Hàn Phu nhơn mỗi ngày trầm trọng thêm, đến nỗi ngày nào cứ đến trưa cũng mê man sảng sốt, cho đến ngày mồng một tháng hai thì bỗng dưng bà ta ngã lăn ra bất tỉnh nhơn sự. Ôi thôi! Cả nhà Mạnh Sĩ Nguyên hoảng vía kinh hồn, chạy trước chạy sau, lấy làm bối rối.
Mạnh Gia Linh nói với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Bịnh của mẹ con hiện nay các quan Thái y không tài nào chữa nổi, vậy thân phụ hãy mời Lệ Thừa tướng để chẩn mạch xem thử người có thể chữa được không?
Mạnh Sĩ Nguyên gật đầu khen phải. Phương thị mỉm cười nói:
- Lâu nay con nghe nói Lệ Thừa tướng hình dung giống tiểu thơ nhà ta lắm, nhân dịp này người có đến, con lén xem thử cho biết.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Cứ xem dung mạo thì quả thật là con gái ta, nhưng xét kỹ về tư cách và lối đối xử thì không giống. Vả lại, ngài ít cười ít nói, nghiêm trang đúng mực, lại làm quan đến cực phẩm triều đình, có muốn xem thì phải nấp lén, đừng cho người biết, chớ chường mặt ra làm mích lòng quan đại thần của triều đình thì tội ấy không nhỏ đâu.
Phương thị vâng dạ, hứa sẽ tuân theo lời dạy. Sau đó, Mạnh Gia Linh lên ngựa thẳng qua dinh Lương Thừa tướng.
Đến nơi, Mạnh Gia Linh nhờ Thủ Môn quan vào tin cho Thừa tướng Lệ Minh Đường biết mình đến đây để mời người qua chữa bịnh cho thân mẫu đang đau nặng.
Thủ môn quan vâng lời đi vào trong, nhưng Mạnh Gia Linh còn lo ngại, sợ Lệ Thừa tướng không chịu sang chữa bịnh cho thân mẫu mình, nên chàng bước xê vào trong, lóng tai nghe ngóng. Chẳng dè lúc ấy con Vinh Lang nay cải dạng là Vinh Phát vô tình đi trở ra vừa trông thấy Mạnh Gia Linh, hắn thất kinh chạy lảng sang nơi khác.
Mạnh Gia Linh nhận rõ hắn là con Vinh Lang, rồi chứ không thể nào lầm được, may thay lúc đó có tên gia tướng đi ngang qua; Mạnh Gia Linh ngoắt lại hỏi:
- Chẳng hay cậu thơ đồng kia tên chi vậy?
Tên gia tướng đáp:
- Thưa hắn tên Vinh Phát, là thơ đồng tay chân của Lệ Thừa tướng tôi đó.
Mạnh Gia Linh nghe nói, tin chắc hắn là Vinh Lang rồi nên không hỏi nữa.
Hôm ấy Lệ Minh Đường tiếp khách vừa xong, mới trở vào phòng thì có nữ tì đem danh thiếp Mạnh Gia Linh vào thưa tự sự. Lệ Minh Đường nghi ngờ, không biết gia đình mình có lập kế để tìm hiểu gì về mình không, nên bảo con nữ tỳ:
- Mi hãy ra dặn Thủ môn quan nói với Mạnh Công tử rằng: tướng công tôi trước kia chữa mạnh bịnh cho Thái hậu chẳng qua là gặp may mà thôi, nay người không dám đảm đương việc chữa bịnh cho tôn Phu nhơn được, vì vậy người không dám vâng mạng.
Nữ tỳ vâng lời, ra nói với Thủ môn quan, Thủ môn quan thuật lại ý kiến ấy cho Mạnh Gia Linh biết. Mạnh Gia Linh thất kinh, bối rối khẩn thiết yêu cầu Thủ môn quan:
- Dám phiền nhà ngươi vào bẩm cùng Thừa tướng một lần nữa, bảo rằng tôi chỉ xin mời Thừa tướng ra cho tôi được tỏ một lời thôi nhé.
Thủ môn quan cũng chiều lòng, vội vào tin cho nữ tỳ biết, và nữ tỳ lại chạy vào báo lần nữa:
- Bẩm ngài. Mạnh Học sĩ bảo có việc cần muốn gặp mặt ngài để tỏ đôi lời.
Lệ Minh Đường nói:
- Nếu vậy, mi hãy ra mời người vào chờ ở thơ phòng rồi ta sẽ ra ngay.
Nữ tỳ vâng lời lui ra. Tố Hoa nói với Lệ Minh Đường:
- Tôi có nghe nói phu nhơn thọ bịnh từ năm ngoái, mãi đến năm nay vẫn chưa khỏi, chắc có lẽ nay bịnh tình trầm trọng lắm nên công tử mới bối rối như thế.
Lệ Minh Đường nói:
- Em biết thân mẫu em còn tráng kiện, dầu có lâm bịnh cũng không đến nỗi trầm trọng lắm đâu. Vả, lâu nay em rất nghiêm trang nên thân phụ và thân huynh em không dám nhận, tuy vậy cả nhà vẫn còn nghi em lắm. Nay em đến thăm mạch, thân mẫu em giả bộ mê sảng níu lấy em, trong trường hợp ấy em không thể dùng chức phận mà khiển trách được, tất nhiên sự bí mật của chúng ta bại lộ ra hết, triều đình sẽ bắt tội khi quân thì khốn lắm!
Tố Hoa nói:
- Tiểu thơ nghĩ vậy chớ theo tôi thì tôi thiết tưởng dầu cho phu nhơn có nhận được đi nữa, người cũng phải giấu nhẹm cho tiểu thơ chớ không hề tiết lộ đâu.
Lệ Minh Đường thở dài rồi đội mão mác áo bước ra tiếp Mạnh Gia Linh.
Mạnh Gia Linh nói:
- Thân mẫu tôi ngày nay bịnh tình vô cùng nguy cấp, xin Thừa tướng vui lòng qua đó cứu chữa giùm cho thì ơn ấy tôi tạc dạ ghi lòng.
Lệ Minh Đường có linh cảm rằng mình sắp bị gạt, nên vội đáp:
- Tôi còn trẻ tuổi, mạch lý chưa thông. Nếu tôn từ bịnh nặng, xin hãy mời bậc danh y khác thì hay hơn.
Mạnh Gia Linh buồn rầu nói:
- Tôi đã mời khắp hết các bậc danh y mà không vị nào chữa thuyên cả nên mới đến đây cầu Thừa tướng, nếu Thừa tướng từ chối không đi thì chắc tánh mạng thân mẫu tôi khó bảo toàn. Xin Thừa tướng rủ lòng thương xót, ra tay cứu chữa một phen.
Nói dứt lời, Mạnh Gia Linh sụp xuống lạy. lệ Minh Đường cảm thấy đứt từng khúc ruột, lật đật bước bước đến đỡ Mạnh Gia Linh dậy và nói:
- Sao niên huynh lại thủ lễ như vậy?
Mạnh Gia Linh lại nói:
- Nếu Thừa tướng chịu đến cứu chữa cho thân mẫu tôi, thì dù có lạy trăm lạy cũng đáng lắm, có sao!
Lệ Minh Đường quá đỗi thương tâm, liền nói:
- Thôi được rồi, niên huynh hãy về trước đi, tôi sẽ đến sau.
Mạnh Gia Linh mừng rỡ, vội bái tạ lui ra.
Lệ Minh Đường hối gia tướng sửa soạn kiệu để mình sang Mạnh phủ. Tố Hoa nói:
- Tôi xem dáng điệu công tử bối rối, chắc bịnh tình phu nhơn trầm trọng lắm đấy tiểu thơ ạ. Vậy tiểu thơ hãy kíp đến đó cho mau mới được.
Lệ Minh Đường gật đầu:
- Dầu thiệt dầu không, thân huynh em đã có thái độ lo lắng đến thế thì em không thể chần chờ được, nhưng sao hình như linh tính báo cho em biết trước rằng em đi chuyến này phải bị bại lộ đấy.
Nói dứt lời, Lệ Minh Đường bước lên kiệu đi ngay.
Khi Mạnh Gia Linh về nhà thuật chuyện lại cho mọi người nghe, ai nấy đều mừng rỡ vô cùng. Mạnh Sĩ Nguyên hối nữ tỳ quét dọn trong phòng của Hàn Phu nhơn nằm cho sạch sẽ và lấy trầm xông lên cho thơm.
Chỉ mấy phút sau đã thấy gia tướng vào báo:
- Lệ Thừa tướng đã đến ngoài ngõ rồi!
Mạnh Gia Linh bèn đuổi nữ tỳ xuống nhà dưới hết rồi mở cửa giữa, đoạn thân hành ra tận bên ngoài tiếp rước, Mạnh Sĩ Nguyên cũng bước ra cửa đứng dưới thềm đón chào và nói:
- Chỉ vì nội nhơn tôi lâm trọng bịnh mới làm phiền Thừa tướng phải quá bộ đến đây, thật công khó nhọc ấy chẳng biết lấy chi báo đáp cho vừa.
Lệ Minh Đường nói:
- Tài học của tôi còn sơ thiển lắm, nhưng lịnh lang đã có lòng tin tưởng cố tình triệu thỉnh nên tôi mới vị tình đến đây, vậy chẳng hay bịnh tình Phu nhơn ra thế nào, xin đại nhơn tỏ bày cho tôi biết.
Mạnh Sĩ Nguyên phân ngôi chủ khách mời ngồi rồi thong thả nói:
- Lúc nội nhơn tôi mới nhuốm bịnh thì thường hay thở dài tỏ vẽ sầu thảm. Lúc trước thì từ sáng đến trưa tinh thần còn tỉnh táo, rồi từ trưa đến chiều thì hôn mê sảng sốt. Độ mấy ngày rày thì sảng sốt hôn mê tối ngày, bịnh trạng thùy nguy. Hiện nay các vị Thái y đều chạy hết, phải cầu đến Thừa tướng. Thừa tướng hãy rủ lòng thưong, hết lòng cứu chửa cho.
Lệ Minh Đường bấm trán suy nghĩ hồi lâu, nói:
- Cứ theo lời tường thuật của lão quan thì căn bệnh của quý phu nhơn do nơi việc thất tình mà sanh ra.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Thừa tướng đoán thiệt chẳng lầm! Chỉ vì tiện nữ tôi đi biệt tích nên nội nhơn tôi thưong nhớ ngày đêm, không ăn không ngủ đượcmà lâm bịnh đấy.
Lệ Minh Đường nói:
- Tôi có trông thấy bức chân dung của lịnh viên tại nhà một người môn sanh của tôi. Lịnh viên quả một trang tài mạo kiêm toàn, tôi cũng có xem mấy câu thơ lịnh viên viết phía dưới bức ảnh nên biết chắc hiện nay lịnh viên cải dạng nam trang đi lập công danh đó thôi. Vậy nếu đại nhơn có lòng đi tìm kiếm thì hãy tìm trong đám nam tử, may ra gặp được, và tôi có đề nghị cùng đại nhơn nên thừa dịp năm nay có khoa thi, đại nhơn xin ra làm chủ khảo, may ra có thể tìm được chăng. Tôi thiết tưởng cần phải tìm cho được lịnh viên về, nếu không tôn phu nhơn quá nhớ thương lâm bịnh thì dù có tài cho mấy cũng khó mà chuyên chữa.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe nói, nghĩ thầm:
“Nếu Lệ Thừa tướng là con gái ta thì sao lai nói trống trải như vậy? Thôi chắc là ta lầm rồi ».
Mạnh Sĩ Nguyên đáp:
- Thừa tướng nói rất phải.
Mạnh Gia Linh bước tới, bẩm:
- Xin mời Thừa tướng vào thăm mạch.
Nói rồi đi trước dẫn đường? Mạnh Sĩ Nguyên và Lệ Minh Đường theo sau. Đến nơi, Mạnh Gia Linh kéo ghế sát bên giường mời Lệ Minh Đường ngồi rồi chun vô màn lấy tay Hàn Phu nhơn để ra ngoài cho Lệ Minh Đường chẩn mạch.
Lệ Minh Đường trông thấy tay mẹ mình còn da bọc xương thì biết ngay bà ta lâm trọng bịnh, lòng đau như cắt, nhưng lại nghĩ thầm:
«Thế nào hôm nay ta đến đây, chị dâu ta là Phương thị cũng lén nhìn để dò xét ta »
Vì nghĩ vậy nên Lệ Minh Đường cố gắng dấu sự buồn rầu không cho lộ ra nét mặt, cứ việc cúi gằm xuống lo chăm chú xem mạch để cho khỏi bị nghi ngờ.
Lệ Minh Đường chẩn mạnh, xem cả hai tay rồi, mới ngồi nghiêm chỉnh nói:
- Quả nhiên bịnh này nguyên do vì quá ưu sầu nên can bộ thọ thương mà sanh bịnh. Tuy bịnh thế trầm trọng thật, song nguyên khí vẫn còn vững vàng, chắc là trị được, không đến nỗi gì đâu.
Cha con Mạnh Sĩ Nguyên nghe nói, mừng rỡ vô cùng:
- Xin Thừa tướng hãy dốc tâm cứu chữa, nếu nội nhơn tôi khỏi bịnh thì ơn ấy tôi nguyện tạc dạ ghi tâm.
Lệ Minh Đường nói:
- Xin lão quan chớ dạy quá lời, vì ở đời kẻ biết việc này, người biết việc khác, giúp đỡ lẫn nhau chớ có gì đâu gọi là ân nghĩa.
Tuy nói vậy nhưng Lệ Minh Đường nghĩ thầm:
« Tuy bịnh của mẹ ta không hề chi, nhưng nếu gặp phải một việc ưu sầu quá sức, có thể sanh ra huyết suy khí đoản, khó bề chữa nổi chớ chẳng phải chơi! Nhưng ta không thể nào đến đây nhiều lần được, vì lui tới nhiều thế nào cũng bị bại lộ, chi bằng ta hốt sẵn hai thang để cho mẹ ta uống làm hai bữa, chắc bịnh mười phần sẽ bớt được năm bảy. Lúc ấy ta tìm cách từ chối để rước thầy khác vào thay thế, cũng không hề chi ».
Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường ngồi suy nghĩ viết toa thuốc, đoạn trao cho Mạnh Sĩ Nguyên và căn dặn:
- Toa thuốc thứ nhất này nên uống ngay bây giờ, nếu khi uống xong toa này mà thấy ăn ngon, ngủ yên, tất nhiên thuốc đã nhằm bịnh, qua ngày sau sẽ cho uống toa thứ nhì, chắc chắn căn bịnh sẽ sẽ giảm đi quá nữa, lúc bấy giờ nếu có mời y sĩ khác đến tiếp tục đầu thang của thành công. Còn như khi uống toa đầu vào không thấy hiệu quả gì, tất nhiên thuốc không nhằm bịnh, hãy ngưng lại, đừng cho uống toa thứ nhì và phải mau mau chạy tìm y sĩ khác.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Tôi tin chắc Thừa tướng đã đầu thang thì không thể nào sai lầm được.
Lệ Minh Đường cười nói:
- Điều ấy chưa chắc, xin lão quan chớ dạy quá lời.
Nói rồi vội cáo từ lui về. Khi Mạnh Lệ Minh Đường về rồi. Mạnh Sĩ Nguyên bèn hối gia nhơn đem toa thuốc thứ nhất hốt và sắc cho mau, còn Phương thị thì lật đật chạy ra nói với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Khi nãy con nấp sau tấm bình phong xem rất tường tận, con dám đoán chắc rằng Lệ Thừa tướng chính là tiểu thơ nhà ta đó. Bây giờ nhan sắc cô ta còn mặn mà xinh đẹp hơn trước kia nhiều, thế mà lão gia không nhận ra được sao?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Nếu là con gái ta, sao lại dám giấu ta như thế?
Phương thị nói:
- Thật quả là điều lạ lùng, con nghĩ mãi nhưng vẫn thắc mắc, không tài nào giải đáp nổi.
Mạnh Gia Linh nói:
- Tôi cũng gặp một việc đáng nghi ngờ. Khi tôi qua nhà Lệ Thừa tướng, tôi lại gặp con Vinh Lang mà nay nó đổi tên là Vinh Phát, lúc nó chạm mặt tôi thì tỏ vẻ kinh hãi, vội vàng chạy tránh nơi khác ngay.
Phương thị nói:
- Nếu vậy thì quả là tiểu thơ nhà ta rồi, nên người không dám ở lâu, chớ có ai lại đến chẩn mạch cho thuốc lại nôn nóng như vậy?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Hai con chớ nên nghĩ lầm. Nếu Lệ Thừa tường là con gái ta, sao bấy lâu người kết duyên cùng con gái Lương Thừa tướng, không xảy ra điều chi cả?
Vợ chồng Mạnh Gia Linh đồng nói:
- Nếu xét ra mặt này thì không phải là em gái ta, nhưng còn con Vinh Lang thì đáng nghi lắm. Vậy để ngày mai bảo Triệu Thọ là anh của con Vinh Lang qua đó tìm em nó thử coi.
Mạnh Sĩ Nguyên khen phải, rồi sai người đi kêu Triệu Thọ đến. Mạnh Gia Linh mới thuật lại chuyện gặp Vinh Phát cho Triệu Thọ nghe.
Triệu Thọ mừng lắm, định sáng ngày sẽ qua dinh Thừa tướng dò hỏi.
Cậu chuyện vừa đến đây thì thuốc sắc đã xong. Lúc ấy Hàn Phu nhơn hôn mê bất tỉnh, Mạnh Sĩ Nguyên liền đỡ dậy cho uống rồi để nằm yên, lấy mền đắp kín lại.
Khi Lệ Minh Đường về đến tướng phủ, Vinh Phát lật đật đem việc vô tình đi trờ tới gặp Mạnh Gia Linh, kể rõ đầu đuôi cho Lệ Minh Đường nghe.
- Lệ Minh Đường vỗ đùi ra vẻ tức tối nói:
- Mi quả là kẻ khờ khạo quá. Mi nên biết rằng mi đã là tên thơ đồng của ta thì không một ai dám kinh thường cả. Phải chi lúc ấy mi cứ việc đi ra một cách nghiễm nhiên thì chắc công tử tưởng là người giống người, không dám hỏi và cũng không nghi ngờ gì cả. Nay mi đã dại dột như vậy thì bắt đầu từ nay mi phải trốn biệt trong nhà, chớ có ra ngoài nữa mà lậu việc của ta. Ta tin chắc rồi đây thế nào anh mi cũng sang đây tìm kiếm, vậy hãy mau mau ra bảo cho Thủ môn quan biết, nếu có người nào đến hỏi thăm mi thì phải nói dối rằng mi có việc quan sai đi xa, không biết ngày nào mới về, có như vậy may ra mới khỏi lậu việc.
Vinh Phát vâng lịnh, lật đật lui ra. Lệ Minh Đường vào phòng thuật chuyện lại cho Tố Hoa nghe và nói:
- Thế nào hai thang thuốc của em cũng có thể làm cho bịnh của thân mẫu em được giảm bớt nhiều. Nhưng em không tiện đến đó nữa, vì khi em qua đó ngồi chẩn mạch, thế nào chị Phương thị cũng rình dò xét em, nếu em qua đó lần nữa, thế nào việc cũng bại lộ. Thôi để mai này em giả cách vào nội các lo làm việc quan ở đó vài ba dêm, khiến cho thân phụ đợi chờ không được phải đi rước thầy khác thì may ra mới khỏi đặng.
Tố Hoa nghe nói, gật đầu khen:
- Tiểu thơ tính như vậy hay lắm đấy.
Nhắc qua khi Hàn Phu nhơn uống xong thang thuốc thì nằm ngủ yên cho đến chiều tối mới thức dậy gọi mọi người trong nhà đến nói:
- Hiện giờ ta cảm thấy trong người ta khoẻ khoắn bớt đi nhiều, không biết ai đã hốt thuốc cho ta uống vậy?
Mạnh Sĩ Nguyên thấy Hàn Phu nhơn tỉnh táo hơn trước nhiều thì mừng rỡ nói:
- Tôi thấy bịnh phư nhơn trầm trọng quá mà các danh y đã chạy cả, nên mới sai Mạnh Gia Linh qua thỉnh Lệ Thừa tướng sang thăm mạch đầu thang cho đó.
Hàn Phu nhơn nghe nói dứt lời thì ngồi phắt dậy, quay qua hỏi Phương thị:
- Lâu nay nghe nói Lệ Thừa tướng giống tiểu thơ nhà ta lắm, nhưng mẹ không có dịp trông thấy, vậy nay nhân dịp người đến đây,con nhìn thấy người, có nhận rõ người là tiểu thơ nhà ta không?
Phương thị thưa:
- Con đã rình xem tường tận và đoán chắc là tiểu thơ nhà ta chớ không thể lầm lẫn được.
Mạnh Gia Linh cũng bước lại thuật chuyện qua đó gặp con Vinh Lang cho Hàn Phu nhơn nghe
Hàn Phu nhơn nói:
- Thế sao lúc ấy con không kêu mẹ dậy để mẹ nhìn xem có phải chăng?
Phương thị nói:
- Lúc ấy mẹ bị hôm mê bất tỉnh, nếu con có kêu tưởng mẹ cũng không thể nào dậy được.
Thấy bỏ lỡ cơ hội. Hàn Phu nhơn lấy làm tiếc, thở dài than:
- Tiếc thay lúc ấy ta bị mê sảng. Nếu không, ta đã nhận ra con gái ta rồi! Nhưng ta chẳng biết nó học thuốc bao giờ mà giỏi dữ vậy? Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Chưa chắc đã là con ta đâu! Vì hiện nay người cưới con gái Lương Giám, hai vợ chồng ăn ở với nhau tương đắc lắm, nếu quả là con gái bao giờ lại dám đi cưới vợ sao? Hơn nữa, người đã làm đến chức Thừa tướng đứng đầu cả trăm quan, nếu ta nhìn nhận một cách lầm lẫn như vậy thì tránh sao cho khỏi tội khi dễ đại thần. Tội ấy không phải tầm thường đâu.
Mạnh Gia Linh nói:
- Con có một kế rất hay, nhưng chẳng biết có nên thực hiện không?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Kế gì con cứ nói thẳng ra xem nào.
Mạnh Gia Linh nói:
- Mai này thân mẫu con uống đến toa thuốc thứ nhì, thế nào tinh thần cũng tỉnh táo. Vậy để qua ngày thứ ba, con đến đó mời người đến chẩn mạch rồi thân mẫu giả sảng sốt tâm thần nắm ắo người níu kéo gọi là con gái mình. Làm như vậy dù em có khôn khéo đến bực nào cũng phải bại lộ. Còn nếu không phải là em gái con thì thân mẫu cứ giả vờ mê sảng, bất tỉnh nhơn sự, chúng con ôm thân mẫu thân khóc lóc thảm thiết. Trong trường hợp này dù địa vị người ta lớn đến đâu cũng không thể nào bắt tội một người đau nặng đang hôn mê được.
Mạnh Sĩ Nguyên gất đầu khen:
- Con nghĩ kế ấy hay lắm. Phu nhơn cứ việc theo kế ấy thi hành thì ắt thành công đấy.
Phu nhơn nghe nói cũng lấy làm thích chí, làm cho bịnh tình cũng giảm đi được thêm đôi ba phần nữa.
Sáng hôm sau, Triệu Thọ chạy thẳng qua dinh Lương Thừa tướng, đứng trước ngõ kêu Thủ môn quan ra nói:
- Tôi đây chính là bà con thân thuộc với cậu Vinh Phát, xin người làm ơn mời cậu ra đây cho tôi nói chuyện chút việc cần.
Thủ môn quan đáp:
- Thật rủi cho ông qua! Hôm nay Vinh Phát đã phụng mạng tướng công đi giang Nam có việc quan rồi.
Triệu Thọ nói:
- Mới sáng hôm qua có người gặp Vinh Phát còn ở nhà đây, sao hôm nay lại bảo Vinh Phát đi Giang Nam.
Thủ môn quan nói:
- Thì cậu ta mới khởi hành vào lúc trưa hôm qua mà.
Triệu Thọ lại hỏi:
- Chẳng hay cậu ấy đi đến lúc nào mới về?
Thủ môn quan nói:
- Việc quan là việc vô cùng bí mật, làm sao tôi biết trước được ngày về mà hỏi.
Túng thế, Triệu Thọ phải lủi thủi ra về thuật chuyện lại cho Mạnh Sĩ Nguyên nghe. Cha con Mạnh Sĩ Nguyên nghe càng sanh nghi Lệ Minh Đường là Mạnh Lệ Quân chứ không còn ai khác nữa, vì chỉ có Mạnh Lệ Quân mới sợ Triệu Thọ đến, mới dặn Thủ môn quan nói trớ như vậy.
Sau đó cha con Mạnh Sĩ Nguyên đem những lời của Triệu Thọ thuật lại chi Hàn Phu nhơn nghe để rồi sẽ mời Lệ Minh Đường đến thử.
Hôm ấy, Hàn Phu nhơn uống tiếp thang thứ nhì thì bịnh tình giảm bớt thêm đôi phần nữa, bà chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng dể cho đủ mánh lới lật mặt nạ vị quan nhứt phẩm triều đình kia.
Lời bình:
- Làm cha mẹ nuôi con gái lớn lên mong đặt con mình vào nơi xứng đáng, thế mà hôm nay con mình đi biệt tích, con rể lại quyền cao chức trọng, phú quý vinh hoa, thì bảo làm cha mẹ không đau lòng sao được! Khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa cử hành hôn lễ, đem kiệu bát bửu rước Lưu Yến Ngọc đi ngang qua Mạnh phủ. Hàn Phu nhơn đau lòng quá lâm trọng bịnh không phải là bà ghen ghét gì Lưu Yến Ngọc, cũng không phải bà ta thấy cái kiệu bát bửu mà sanh hận đâu, đó chẳng qua là viện một lý do để trách cứ chơi đó thôi, chứ Thiếu Hoa đã vinh phong đến tước Vương thì dù có rước bằng gì đi nữa, nàng Lưu Yến Ngọc đã về làm vợ Thiếu Hoa cũng đường đường là một bà mạng phụ của triều đình rồi, và sự sung sướng ít ai bì kịp.
Bà ta đau buồn chỉ vì bà ta muốn con mình thay thế cái địa vị của Lưu Yến Ngọc ấy mà không được, nên bà mới sanh hận và thọ bịnh đó thôi.
Còn nàng Mạnh Lệ Quân, khi bỏ nhà trốn đi, nàng đã liều thân, không sợ chết là gì, miễn là cứu được nhà Hoàng Phủ, kết duyên với Thiếu Hoa cho trọn chung thủy là được, chớ nào nàng có phải tham cầu công danh đâu. Nhưng khi nàng cứu được nhà Hoàng Phủ rồi, nàng lại được vinh thăng đến chức Thừa tướng nàng lại thay đổi ý định, không muốn cải trang, thậm chí thấy mặt cha mẹ nàng cũng không muốn nhìn, đến nỗi người xem truyện đến đây cũng cảm thấy chướng tai gai mắt, cho rằng nàng là đứa con bất hiếu.
Quả vậy, cử chỉ này không thể không cho là bất hiếu được, vì bảo rằng nàng sợ cải trang sẽ bị vua bắt tội khi quân, đó chỉ là viện một cái cớ để nói mà thôi, chứ thật ra lúc ấy nàng là ân nhân của vua Thành Tôn, còn Trưởng Hoa lại là Hoàng hậu trong cung thì làm gì có chuyện bắt tội? Hơn nữa, vua đã truyền chỉ khắp nơi để tìm nàng cho kỳ được bất cứ giá nào thì khi có nàng xuất hiện, vua nỡ lòng nào hành tội sao?
Chúng ta hãy đi sâu vào thâm tâm của Mạnh Lệ Quân thì thấy rõ: Mạnh Lệ Quân không chịu cải trang để hoàn hôn cùng Thiếu Hoa không phải nàng sợ phạm tội, cũng không phải nàng ham cái chức vị Thừa tướng của nàng, mà chính nàng đã ghen. Đúng vậy, tâm lý của mọi người đàn bà lấy chồng ai cũng muốn có một mình chiếm đoạt quả tim chồng mà thôi, có ai lại thích chồng mình chia xẻ tình yêu dâu? Nhưng Mạnh Lệ Quân vô cùng kín đáo, nàng không muốn thố lộ tâm trạng mình cho ai biết, viện lý lẽ này nọ từ thác kéo dài thời gian cho bỏ ghét thế thôi, chung qui chỉ là máu ghen.
Bởi có người ghen trống trải, có người ghen kín đáo, có kẻ ghen cao thượng, có kẻ ghen thấp thỏi, chứ chắc chắn trăm người đàn bà không ai là không nghen. Mà một khi họ đã ghen thì lòng họ rất hiểm độc, có thể không còn nghĩ đến tình cha nghĩa mẹ nữa.

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn