Sau khi Trần Thắng đánh chiếm Trần huyện, có hai danh sĩ dã gia nhập vào hàng ngũ của những người khởi nghĩa, họ là Trương Nhĩ và Trần Dư người nước Ngụy. Hai người họ gần như có sự từng trải giống nhau, là một đôi bạn rất thân. Họ đã trở thành những nhân vật có ảnh hưởng nhất sau Trần Thắng, Ngô Quảng trong cuộc khởi nghĩa của nông dân cuối đời Tần, và đã phát huy tác dụng trong cuộc đấu tranh sau này. Hai người họ đều là người Đại Lương của nước Ngụy, đều từng vào ở rể tại những gia đình giàu có, gọi là "Chuế Tuế", có địa vị rất thấp hèn, giống như những người phạm tội. Trương Nhĩ trước khi kết hôn là một kẻ đào tẩu bị xoá sổ hộ tịch, và được một bà góa chồng giàu có ở huyện Huỳnh gả con gái cho. Trần Dư cũng đi chơi tới Khổ Hình, đã vảo ở rể nhà Công Loan thị. Sau khi Tần diệt Ngụy, nghe hai người là danh sĩ, nên đã treo giải thưởng để tìm bắt cả hai. Trương Nhĩ được treo giải thưởng nghìn vàng, còn Trần Dư thì treo giải thưởng năm nghìn vàng. Hai người buộc phải thay tên đổi họ chạy trốn đến Trần huyện, xin vào làm người gác cổng đường phố. Đó là một việc làm rất hấp kém cho nên cả hai kiếm tiền độ nhất rất khó khăn. Đến khi quân của Trần Thắng kéo vào Trần huyện, hai người vốn bất mãn tình trạng cai trị tàn bạo của nhà Tần đã lâu, nên đã xin vào ra mắt. Trần Thắng và tả hữu của ông vốn biết họ từ lâu là những phần tử trí thức thuộc tầng lớp dưới, có tài năng và có đạo đức, cho nên sẵn sàng tiếp nhận họ vào trong quân đội. Lúc bấy giờ Trần Thắng triệu tập "Tam Lão" là những quan viên lo về việc giáo hóa ở trong làng và những "Hào Kiệt" có tiếng tăm, có thế lực đến hội họp, mời họ hiến kế. Tất cả họ đều đồng thanh nói: Trần huyện là đất cũ của nước Sở, từng một dạo là thủ đô, nay đã thu hồi được, vậy xét về công lao thì Trần Thắng nên xưng vương. Những lời gợi ý của "Tam Lão" và "Hào Kiệt" đã làm cho Trần Thắng suy nghĩ rất nhiều. Trần Thắng cũng là người nước Sở, quê hương Dương Thành là một thành thị có tiếng của Sở. Nơi đây điều kiện địa lý rất tốt, có "Hạ Lộ" là tuyến giao thông đường bộ nổi tiếng trên lãnh thổ của nước Sở, có thể từ nơi này ra cửa ải ở phía đông và thông đến đại binh nguyên Nhử Dình. Trần Thắng tuy không phải là quý tộc của nước Sở, nhưng cũng có ý thức về đất nước xưa của mình rất mạnh. Ông thấy nước Sở trước kia có thực lực rất lớn, nhất là trước khi mất nước từng tiến hành những cuộc đọ sức sống chết với quân Tần, cho nên vương triều nhà Tần cai trị ở vùng đất này cũng tỏ ra chặt chẽ và khắt khe hơn các khu vực khác. Pháp luật của nhà Tần quy định nếu quan lại và dân thường tại đây phạm pháp thì lệnh thừa phải "xét xử" thật nghiêm khắc, bằng không, một khi cấp trên điều tra được, thì lệnh thừa cũng phải chịu tội lây. Lối cai trị ngang ngược của vương triều nhà Tần thường được thi hành nặng nề hơn ở tại đất Sở. Cứ mỗi lần triều đình cần sửa chữa hoặc xây dựng đừng xá, cung điện, cũng như tiến hành chinh phạt ở đâu đó, thì dân nghèo sống tại "phía phải của cổng làng" đều bị điều động đi phục dịch. Năm nào cũng thế, việc điều động đã liên miên xảy ra, làm cho người nước Sở cũ phải bỏ xứ đi phiêu bạt khắp nơi, chịu nhiều đói khổ. Việc huy động nhóm người của Trần Thắng đi Ngự Dương lần này chính là một trong những sự điều động kiểu đó. Trần Thắng hiểu rõ nhân dân ở nước Sở cũ do có sự oán hận nên đòi hỏi đứng lên chống Tần, riêng chủ trương của "Tam Lão" và "Hào Kiệt" phục hồi nước Sở là rất hợp với ý của ông. Ông tin rằng nó cũng hợp với nguyện vọng của người nước Sở, cho nên để thực hiện hùng đồ đại lược, ông đồng ý tự lập Sở vương. Ông trưng cầu ý kiến Trương Nhĩ, Trần Dư, hai người này phản đối việc Trần Thắng xưng vương, cho rằng nên xua đại quân tiến về phía tây, phái người tìm kiếm hậu duệ của các vua sau nước trước kia, giúp đỡ họ phục quốc. Tức cái gọi là "chậm xưng vương", "chờ sau khi lập lại lục quốc". Kiến nghị của họ có mục đích giúp Trần Thắng xây dựng vây cánh, lợi dụng lá cờ cũ của sáu nước trước đây để mở rộng ảnh hưởng, tăng cường thêm đội ngũ, khiến cho quân Tần đâu đâu cũng có kẻ thù, buộc phải phân tán lực lượng. Riêng các nước chư hầu đã bị diệt vong nay phục hồi lại nghiệp cũ, sẽ nghĩ tới ân đức đó mà liên kết với nhau, thì đế nghiệp chắc chắn sẽ thành. Kiến nghị của hai người rõ ràng là có sự suy nghĩ đến vấn đề chiến lược. Nhưng Trần Thắng không tiếp nhận mà tự xưng vương, và phong Ngô Quảng làm Giả Vương (tức Phó Vương), lấy quốc hiệu là "Trương Sở", có ý nghĩa là "mở rộng nước Sở", và tiếp tục lấy phương châm lúc ban đầu dùng danh nghĩa nước Sở để hiệu triệu, cổ xúy thiên hạ cùng đứng lên chống Tần. Trương Nhĩ, Trần Dư lại kiến nghị xua quân đánh chiếm đất Triệu cũ, Trần Thắng đồng ý, phái người bạn cũ ở đất Trần là Võ Thần làm tướng quân, cử Thiệu Tao làm Hộ quân, cử Trương Nhĩ, Trần Dư làm tả hữu Hiệu úy, dẫn ba nghìn quân mở cuộc tấn công vào đất Triệu cũ. Cùng một lúc đó, lại xây dựng thành quách càng thêm kiên cố, lấy Trần quận có đông đảo nhân dân làm trung tâm, để mở những cuộc tấn công vào vương triều nhà Tần từ nhiều phía. Ra lệnh cho Giả Vương Ngô Quảng dẫn một cánh quân đi về hướng tây để tấn công Huỳnh Dương là quận lỵ Tam Xuyên, nhằm cắt đứt con đường đi về phía đông của nước Tần; sai Đặng Tông là người Nhử Âm kéo quân về hướng đông nam để đánh quân Cửu Giang; sai Châu Thị là người Ngụy dẫn quân tiến về phía bắc để đánh chiếm vùng đất của nước Ngụy cũ; sai Tống Lưu là người Trất dẫn một cánh quân chủ lực đánh vu hồi tại vùng Nam Dương, và tiến về Võ Quan ở phía tây để đánh quân Tần; sai Châu Văn người Trần dẫn một cánh quân chủ lực tiến về Quan Trung để đánh Hàm Dương. Nghĩa quân Trần Thắng chia thành nhiều đường đề tấn công theo kiểu đa diện, làm cho ngọn lửa khởi nghĩa được nhanh chóng lan rộng ra khắp nơi, nhiều địa phương trên toàn quốc đã hình thành những thế lực lớn mạnh để "phạt võ đạo, tru bạo Tần", ngay đến các cấp quan viên của vương triều nhà Tần cũng dự cảm được ngày diệt vong của vương triều này là không thể tránh khỏi, nên mạnh ai nấy mau tìm con đường thoát thân cho mình. Sử gia Tư Mã Thiên trong khi miêu tả tình hình này có nói: "Mỗi nhà đều tự mình quật khởi, mỗi người đều tự mình chiến đấu, ai ai cũng lo báo oán bằng cách tấn công vào kẻ thù. Ở các huyện thì họ nổi lên giết lệnh thừa, ở các quận thì họ nổi lên giết quận úy." "các quan lại từng đau khổ tại các quận huyện, đều đứng lên giết chết người đứng đầu tại quận huyện của họ, rồi hưởng ứng theo nghĩa quân của Trần Thiệp", "việc tụ tập hằng nghìn người là việc đâu đâu cũng có, không thể kể xiết". Trong khi bão táp của cuộc nông dân khởi nghĩa đang lan rộng khắp nơi, thì chú cháu của họ Hạng cũng tìm cách khởi binh chống Tần, bước lên vũ đài của lịch sử. Địa điểm bùng nổ cuộc chống Tần của cháu cháu họ Hạng chính là quận Hội Kê, nơi họ đang lưu vong trốn tránh. Suốt hai tháng qua, tin tức về tình hình nghĩa quân của Trần Thắng vẫn nối tiếp nhau truyền đến địa phương này. Câu chuyện về người giả hồ ly để truyền rao "Đại Sở Hưng", cũng như lá cờ Phù Tô, Hạng Yến đang bay phất phới tại làng Đại Trạch, và chính quyền "Trương Sở" công khai chống đối vương triều nhà Tần, cũng như việc họ tiến quân đại quy mô để đánh quân Tần khắp bốn phía, đã làm cho chú cháu họ Hạng hết sức phấn khởi. Tâm hồn đang sôi nổi của họ lại càng sôi nổi hơn. Lửa phục thù vốn giấu kín trong lòng của họ nay đã bùng cháy lên. Chừng như họ trông thấy trận lụt ở làng Đại Trạch đã ào ạt chảy tới đây, và đội ngũ nông dân tay cầm gậy gộc, giáo mác của quân khởi nghĩa chừng như đang xuất hiện trên đường chân trời. Tiếng người hò reo, tiếng ngựa hí, tiếng bánh xe lăn, chừng như đã nổi lên sát bên tai. Thần kinh khắp người họ đều đang căng thẳng, tâm trạng sôi sục muốn đứng lên chống Tần của họ, khiến họ không thể giữa bình tĩnh được. Họ luôn luôn xem xét tình hình, tìm cơ hội tốt để đứng lên khởi nghĩa. Thế là thời cơ đã tới. Vào một ngày thuộc tháng 9, Hạng Lương đang cùng Hạng Võ tìm hiểu tình hình quân khởi nghĩa "Trương Sở" thì bỗng có một tên lính ở quận được viên Quận thú sai đến mời Hạng Lương. Hạng Lương suy nghĩ, bình nhật ta không hề qua lại với Quận thú, thế tại sao hôm nay lại mời? Ông liền chợt nhớ ra, hiện giờ vương triều nhà Tần đang chao đảo giữa phong ba bão táp, không biết sụp đổ ngày nào, cho nên các quan viên đều đứng trước một sự chọn lựa, hoặc làm vật tuẫn táng theo vương triều nhà Tần, hoặc đứng lên khởi nghĩa hưởng ứng với nghĩa quân, cái lợi cái hại thật là dễ thấy. Ân Thông là một người khôn ngoan, ông ta biết cách đi tìm cái lợi và tránh cái hại, vậy không chừng ông ta cũng giống như một số quận huyện khác, muốn trương cao ngọn cờ chống Tần đây. Thế thì, ông ta mời mình để làm gì? Chả lẽ ông ta muốn mình giữ nhiệm vụ lãnh binh cho ông ta chăng? Nghĩ tới đây, Hạng Lương không khỏi đắn đo, phân vân. Từ bao nhiêu năm nay, ông luôn luôn nhớ đến hận nước thù nhà, và đã có sự chuẩn bị nổi lên chống Tần để phục thù. Hai chú cháu của ông hoàn toàn có thể lôi kéo một số đông đứng lên làm nên sự nghiệp lớn. Nếu đi làm lãnh binh cho Ân Thông, thì chả lẽ tự đem lực lượng của mình giao cho ông ta hay sao? Nếu cam chịu dưới quyền của Ân Thông, thì chẳng phải tự mình vứt bỏ bao nhiêu công sức của mình trước đây hay sao? Ân Thông chẳng qua là một Quận thú nhỏ nhoi, còn nhà họ Hạng là vọng tộc của nước Sở, việc đánh đổ vương triều nhà Tần cường thịnh để khôi phục nước Sở, chính là việc phải làm của nhà họ Hạng, không cần dựa vào Ân Thông. Nhưng, để mọi việc được ổn thỏa, thì không thể từ chối lời mời của Ân Thông. Thế là ông liền nói với người lính từ Quận nha đến, bảo là chú cháu của ông sẽ tời hầu ngay. Chờ cho tên lính ra về, Hạng Lương và Hạng Võ cùng nhau bàn bạc một lúc rồi mới lên đường, đến Quận nha của quận Hội Kê. Không khí nghiêm trang của Quận nha trước đây nay đã hoàn toàn thay đổi: cánh cổng bên trên có đóng từng hàng đinh lớn bằng đồng xanh đang được mở toang, tên sai dịch đứng tựa người một cách lơ đễnh vào con sư tử đá đặt ở bên trong nha thự vắng ngắt, không còn một chút sinh khí nào. Các quan Giám ngự sử, Đoán ngục đô úy, Quận đô úy... không ai còn nghĩ tới làm nhiệm vụ của mình như trông nom việc quân bị, trông nom ngục tù, thu các loại thuế ra vào địa phương nữa. Có một số quan viên lấy cớ bệnh ở nhà, có một số quan viên khác thì đi khắp mọi nơi để nghe ngóng tin tức, chuẩn bị chọn cho mình một hướng đi. Chỉ có người chưởng quản về quân sự thì đang cùng ngồi trong nha thự với viên Quận thú và Quận thừa, nhưng tất cả họ đều buồn bã thở dài, có vẻ vừa băn khoăn vừa bí lối. Tất cả họ đều có một cảm giác thất vọng đau buồn là ngày tàn của vương triều đã tới, nhưng lại không có cách nào để xoay chuyển tình thế ngày càng nghiêm trọng. Sau khi chú cháu họ Hạng đến trước cửa nha thự, Hạng Lương bảo Hạng Võ đứng ở ngoài cổng chờ, còn ông thì đi thẳng vào trong. Đô úy và Quận thừa trông thấy Hạng Lương đến, đều hiểu ý đi tránh ra ngoài. Quận thú Ân Thông ân cần mời Hạng Lương ngồi vào ghế, rồi dùng một giọng thăm dò, hỏi: - Hiện nay Trần Thắng đã nổi dậy làm giặc, các quận huyện cũng đua nhau hưởng ứng, đất nước của đại Tần e rằng không thể bảo toàn được nữa, vậy tướng quân có ý nghĩ về vấn đề này ra sao? Hạng Lương đã đoán được ý định của Ân Thông, nhưng giả vờ như không hiểu, nói: - Chỉ là một đám trộm cướp nhỏ, vậy có đáng gì phải lo. Tôi nghe nói hoàng đế bảo các đại thần đi tìm hiểu chuyện nổi loạn, các đại thần đều báo lên nhà vua đó chỉ là một bọn trộm cướp không đáng kể, các quan lại địa phương đã dẹp yên chúng rồi. Ngay cả như hoàng đế cũng không quan tâm tới, vậy Quận thú cần chi phải quan tâm? Ân Thông gượng cười, lắc đầu nói: - Đó là vì anh chỉ biết một mà chưa biết hai. Đương kim hoàng đế không muốn nghe những tin tức làm cho nhà vua không vui. Trước đây hoàng đế thường phái Yết Giả đi thị sát chuyện phản loạn, khi trở về Yết Giả báo cáo đúng sự thật thì hoàng đế cả giận, ra lệnh chém đầu Yết Giả ngay. Cho nên từ đó về sau các đại thần đều báo tin vui chớ không báo tin buồn, cho nên tới nay hoàng đế vẫn còn bưng bít! Hạng Lương làm bộ như vỡ lẽ ra nói: - Té ra là vậy. Xem ra hoàng đến chỉ biết nhắm mắt bịt tai, không bằng lòng nghe lời nói thật! Ân Thông nói tiếp: - Hoàng đế không chịu nghe lời can gián mà chỉ gnhe theo lời sàm nịnh, việc đó mọi người ở trong triều đình cũng như dân gian ở ngoài không ai là không biết. Trước đây hoàng đế muốn giết anh em Mông Điềm, người anh ruột của hoàng đế là Tử Anh đã lên tiếng can gián: "Họ Mông là đại thần của nước Tần, nay bệ hạ muốn giết trung thần để dùng người thiếu khí tiết, sẽ làm cho quần thần ly tâm, tướng sĩ mất hết chí khí, vậy mong bệ hạ suy nghĩ kỹ lại." Hoàng đế hoàn toàn không chịu nghe, kết cục đã sát hại anh em họ Mông là những trung thần đã lập được nhiều công lao cho Tần Nhị Thế. Hoàng đế chẳng những không chịu nghe lời can gián mà còn nghi kỵ quần thần, lạm sát những người vô tội, chỉ biết đắm chìm trong cuộc sống xa hoa, không ngại làm khổ dân chúng trong việc xây cất cung điện, khiến cho trời oán, dân hờn, đạo tặc nổi lên như ong vỡ tổ... Hạng Lương ngắt lời Ân Thông, giả vờ hỏi: - Đại nhân là một Quận thú, mà lại dám khen chê hoàng đế như vậy, chả lẽ không sợ bị tội hay sao? Ân Thông cười đáp: - Các quận huyện ở phía tây sông Trường Giang đều khởi binh tạo phản cả rồi, vậy ta chỉ mới nói mấy câu như thế thử hỏi có đáng gì? Trời sắp sửa tiêu diệt nhà Tần, vận số của nhà Tần đã hết. Tôi thường nghe người ta nói: "Người ra tay trước sẽ khống chế được đối phương, còn kẻ ra tay sau thì bị đối phương khống chế lại mình", vùng đất Giang Đông của tôi cũng không thể ngồi yên chờ đợi người ta đến thôn tính. Tôi muốn khởi binh ngay, chiếm vùng đất này để tự lập, do tôi làm thủ lĩnh, vậy anh và Hoàn Sở làm thống soái quân đội cho tôi được không? Hạng Lương thầm nghĩ: "Đúng như ta đã tiên liệu, gã Ân Thông này muốn ta bán mạng cho hắn. Một ý nghĩ hay đấy!" Nhưng, ngoài mặt Hạng Lương vẫn giữ bình tĩnh, thong thả đáp: - Đại nhân để cho tôi điều khiển quân đội, đó là có lòng tín nhiệm ở tôi, tôi hết sức cảm kích. Chẳng qua hiện nay Hoàn Sở còn đang lưu vong ở bên ngoài, vậy cần phải tìm anh ta trở về mới được. Anh ta là đại tướng của nước Sở, tài năng của anh ta có thể dùng được. Ân Thông có vẻ phấn khởi hỏi: - Tướng quân biết Hoàn Sở đi đâu không? Hạng Lương lắc đầu, đáp: - Tại hạ không biết, nhưng đứa cháu của tại hạ là Hạng Võ thì có thể biết. Nếu như Quận thú có ý đó, thì cho gọi Hạng Võ vào đây hỏi qua. Ân Thông nôn nóng truy hỏi Hạng Võ hiện giờ ở đâu. Hạng Lương cho biết anh ta đang đứng chờ ngoài cổng. Ân Thông hối: - Hãy mau mời vào! Hạng Lương bước ra cửa đem tình hình nói rõ cho Hạng Võ nghe, đồng thời, kê miệng sát tai Hạng Võ dặn dò một lúc, rồi cả hai cùng đi vào gặp Ân Thông. Ân Thông vừa trông thấy chàng thanh niên to khoẻ, có gương mặt đầy khí phách thì không khỏi mừng thầm, đang muốn nhờ anh ta đi tìm Hoàn Sở, thì Hạng Lương liền nháy mắt ra hiệu, Hạng Võ hiểu ý, tuốt thanh gươm đeo cạnh sườn ra khỏi vỏ nghe một tiếng "rẻng", rồi đâm thẳng về phía Ân Thông. Trong khi Ân Thông còn chưa hiểu ất giáp gì thì đã trở thành quỷ không hồn dưới lưỡi kiếm của Hạng Võ. Hạng Lương tay xách thủ cấp của Ân Thông, vai đeo quả ấn Quận thú bước ra khỏi sảnh đường và đi ra sân. Bộ hạ của Quận thú trông thấy thế, đều kinh hoàng thất sắc, luýnh quýnh không biết phải đói phó ra sao. Trong số đó có người muốn báo thù cho Quận thú, Hạng Võ liền múa gươm chém liên tục, khiến mấy chục người bị chém chết. Trong nha thự xác chết nằm ngổn ngang, máu chảy đỏ đất. Bọn binh sĩ, sai dịch sợ đến hồn phi phách tán, nằm rạp xuống đất không dám cử động. Tới chừng đó Hạng Võ mới chùi vết máu trên thanh gươm rồi tra vào vỏ. Ngay tức khắc, Hạng Lương liền cho triệu tập các hào kiệt, phú gia và các quan lại trước kia thường liên hệ, nói rõ cho họ nghe việc khởi nghĩa trừ bạo. Số người này từng lăn lóc nhiều năm trong quan trường, chứng kiến tình hình trước mặt, chả lẽ lại không biết thời cơ hay sao? Thế là tất cả họ cùng để cử Hạng Lương làm Quận thú quận Hội Kê, cử binh thảo phạt bạo Tần, phục hồi nước Sở. Như thế là qua cuộc đổ máu đoạt quyền của chú cháu họ Hạng, họ đã chính thức khởi binh chống Tần. Sự kiện máu nhuộm quận Hội Kê là một cuộc đấu tranh đoạt quyền lãnh đạo của chú cháu họ Hạng, cũng có thể nói là hành động trả thù đầu tiên của quý tộc nước Sở cũ đối với bộ máy quan liêu của vương triều nhà Tần. Sự tàn sát đẫm máu của Hạng Võ tại nha thự Hội Kê là hành động ngầm chứa bao nhiêu là hận thù sâu sắc. Tất nhiên, mối thù mà họ muốn trả tuyệt đối không phải chỉ mấy tên quan lại của vương triều nhà Tần, mà chính là vương triều nhà Tần, những kẻ đã mang đến hco họ nỗi nhục nước mất nhà tan. Suốt bao nhiêu năm qua, họ đã chịu đựng nỗi đau khổ giấu kín trong lòng và nôn nóng chờ đợi cơ hội báo thù. Cuối cùng, qua cuộc đổ máu ở nha thự quận Hội Kê, họ đã nhìn thấy được niềm hy vọng ở ngày mai.