TP - Người đồng tính nào cũng luôn luôn phải đối mặt với những dằn vặt nội tâm: mình là ai, mình thuộc giới tính nào, mình phải sống thế nào, mình muốn gì?Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,Hai chàng thi sĩ choáng hơi men……Kể chi chuyện trước với ngày sau;Quên ngó môi son với áo màu;Thây kệ thiên đường và địa ngục!Không hề mặc cả, họ yêu nhau”.Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã ám chỉ tình yêu đồng giới của mình với thi phẩm nổi tiếng “Tình trai” một cách tế nhị, thông qua những hình tượng và ngôn ngữ thơ như thế.Khi không biết mình là ai, người ta hoảng loạn, khi phát hiện ra bản thân mình thì đau đớn, sợ hãi, sau đó hàng ngày đối mặt với cuộc sống không giống mọi người, người đồng tính lại rơi vào bi kịch hổ thẹn, bế tắc, cô đơn; họ ôm mãi “cục” stress mà không giải tỏa được.Rồi tiếp đó, tất yếu sẽ đến câu hỏi: lộ diện hay không?Việc gay công khai thân phận của mình, nói không ngoa, là cả một cuộc cách mạng, bởi trước khi ra quyết định, không ai là không lo sợ. Sợ nói ra điều bí mật ghê gớm đó sẽ làm khổ bố mẹ, anh em. Sợ bị người thân hắt hủi, bỏ rơi. Sợ bị chúng bạn chê cười, xa lánh, ghê tởm. Sợ mất đi những mối quan hệ đang tốt đẹp. Sợ sếp và đồng nghiệp ở cơ quan kỳ thị, xua đuổi, mất hết cơ hội thăng tiến...Nếu người đồng tính là nhân vật nổi tiếng thì sự công khai càng khó khăn gấp bội. Bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó thần tượng âm nhạc của bạn bỗng dưng lại tuyên bố trước toàn thể fan hâm mộ rằng anh ta/cô ta là gay/ lesbian.Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Thất vọng? Đổ vỡ? Bị lừa dối? Không có gì lạ khi từ trước đến nay, không một người đồng tính nổi tiếng nào ở Việt Nam chính thức thừa nhận xu hướng tình dục đồng giới của mình, mặc dù tin đồn thì đầy ra đấy, hết MC này lại ca sĩ kia, diễn viên nọ dính vào các scandal đồng tính. Hình thức lộ diện cao nhất là họ đến dự các buổi sinh hoạt của người đồng tính, tham gia các hoạt động ủng hộ giới.Nói cách khác, họ chỉ công khai trong giới mà thôi. Đâm ra tin đồn thì lao xao, mà nghệ sĩ thì cứ ra sức phủ nhận, bằng cách trả lời phỏng vấn về những mối tình với người khác phái, hay bằng cách lập gia đình, sinh con đẻ cái để che mắt dư luận. Nhưng miệng thiên hạ là miệng chum, bịt sao được! Kiểu gì thì những tin đồn về đời sống của nghệ sĩ cũng bị rò rỉ ra ngoài.Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy công khai thân phận mang lại lợi ích hơn thiệt hại. Nhưng với những người bạn của tôi thì câu chuyện có thể khác. Dù gì đi nữa, tôi cũng chịu ít ràng buộc hơn họ: vợ thì không lấy, bố mẹ đều đã mất, làm nghề tự do chẳng thuộc về cơ quan tổ chức nào.Nói chung, chẳng có cách nào dự đoán gia đình, người thân, bè bạn sẽ phản ứng ra sao khi nghe một ai đó tự xưng mình là người đồng tính. Dù ai cũng biết rằng lộ diện tức là sống thật với chính mình, nhưng cái giá của sống thật liệu sẽ thế nào thì ít ai dám chắc.Vì thế, ở Hà Nội, cho đến giờ phút này, có vẻ như tôi là người duy nhất. Giới nghệ sĩ biểu diễn (showbiz) có một vài người như nhạc sĩ Thái Thịnh, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ - người mẫu Cindy Thái Tài… tóm lại con số đếm được trên đầu ngón tay.Tôi có một số lần gặp gỡ những người đồng tính nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, làm nhiều nghề khác nhau và không ít trong số họ có địa vị rất cao trong xã hội. Qua tiếp xúc với họ, tôi cũng nghiệm ra được rất nhiều điều. Trước tiên là lối sống và quan điểm của họ về giới đồng tính rất rõ ràng, không che giấu và rất bình đẳng.Họ hòa nhập vào cộng đồng như những người bình thường khác và công khai chuyện quan hệ đồng giới của mình nếu được hỏi đến. Khi tôi hỏi họ rằng bên nước họ có nhiều người đồng tính không.Họ trả lời ngay đây không phải là căn bệnh xã hội nên không gọi là “mắc bệnh đồng tính”. Theo họ, tỷ lệ người đồng tính chiếm đến 3-5% dân cư tại khu vực sinh sống. Điều đó có nghĩa là sẽ có khoảng ba mươi ngàn người đồng tính ở một thành phố có 1 triệu dân!Ở Hà Nội, tôi gần như là người duy nhất công khai chuyện mình là gay cả trên phương tiện truyền thông đại chúng. Bài trả lời phỏng vấn ra hôm trước thì hôm sau tôi nhận được hàng chục phản hồi. Ông tổ trưởng dân phố sang nhà tôi nói chuyện, khóc: “Bác thấy bố mẹ cháu mất rồi, cháu sống côi cút, bác cũng thương lắm nhưng mà bác không nghĩ cháu khổ đến mức độ ấy”. Tôi cảm động hơn với trường hợp một anh trông xe ở gần nhà tôi. Gặp tôi sáng hôm đó, anh mời tôi điếu thuốc rồi bảo: “Anh bắt tay chú một cái. Anh đọc bài báo đó rồi. Anh xin chia sẻ với chú”.Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người thân, bạn bè đều ủng hộ việc tôi lên báo công khai. Phản đối nhất là một số bạn bè trong giới:- Tao không hiểu người ta cho mày bao nhiêu tiền mà mày giơ cái mặt lên báo Dũng ạ. Mày đúng là số một đấy.Tôi cười:- Phải có người bắn phát súng đầu tiên, chấp nhận hy sinh, mạnh dạn đứng ra chia sẻ để mọi người không kỳ thị dân đồng tính nữa chứ.Nhưng cũng rất nhiều bạn khác của tôi trong giới tỏ ý ủng hộ, khen tôi dũng cảm. Họ xuýt xoa: “Eo ôi, sung sướng quá, mát ruột quá”.Gần bốn chục tuổi đầu, tôi mới có thể sinh hoạt bình thường như mọi người, không còn mặc cảm, chỉ cần không làm gì thái quá đến mức độ phi đạo đức để dư luận đánh giá xấu về gay, là được thôi. Ngoài ra, đó còn là đóng góp của tôi cho cộng đồng giới tính thứ ba, với tư cách một tuyên truyền viên của Câu lạc bộ H.Đ., nơi mà tôi vẫn coi như mái nhà chung cho người đồng tính, là nguồn vui của tôi bây giờ và cả về sau này, khi tôi đã thành một chàng gay già cô đơn.Câu lạc bộ H.Đ. được thành lập theo gợi ý của chị N., giám đốc một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, với tôi. Chúng tôi quen nhau tại một hội thảo về sức khỏe tình dục, cụ thể là về việc sử dụng bao cao su và dầu bôi trơn.Là người trong cuộc, tôi hiểu rằng một câu lạc bộ như thế là rất cần thiết cho tôi và những người như tôi. Chúng tôi ai chẳng mong muốn có một nơi để ngồi lại, chia sẻ, học tập. Ít nhất thì đó cũng là môi trường lành mạnh hơn những bờ bụi, vỉa hè, quán xá, công viên, hồ nước, chợ cóc... nơi chúng tôi vẫn lén lút gặp nhau.Tại H.Đ., chúng tôi thực hiện tư vấn về giới tính, sức khỏe tình dục, an toàn tình dục, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống v.v. Hai mươi mấy con người, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều chung nỗi khổ là số kiếp cô đơn của giới đồng tính.H.Đ. sớm trở thành mái nhà chung của chúng tôi. Bản thân những người đồng tính - cả bóng kín và bóng lộ - không thương nhau, không bảo nhau sống cho đàng hoàng tử tế, thì làm sao xã hội chấp nhận chúng tôi?Bạn đừng cười, sự thực là ngay trong cộng đồng giới tính thứ ba này cũng tồn tại sự kỳ thị, phân biệt giữa bóng kín và bóng lộ. Bóng kín không thích bóng lộ “đồng cô, õng ẹo, toàn gây tệ nạn làm xấu mặt cả giới”. Bóng lộ chẳng ưa bóng kín không giống mình, không nữ tính, trông vẫn là tướng đàn ông thô kệch mà lại là đối thủ tranh giành bạn tình với mình. Rồi còn mâu thuẫn giữa gay và lesbian nữa...Với 20% thành viên là bóng lộ, 80% bóng kín, Câu lạc bộ H.Đ. thật sự là một địa chỉ để dân đồng tính gặp gỡ nhau và “đoàn kết” lại.Một lần chúng tôi tổ chức hội thảo ở phường Trúc Bạch. Tới phần ý kiến của các đại biểu, một phụ nữ bước lên sân khấu, cầm cả tập giấy, đọc một bài dài, lên án kịch liệt tệ nạn đồng tính luyến ái và những nhức nhối do nó gây ra. Hàng chục người đồng tính chúng tôi ngồi phía dưới, vừa tủi thân vừa tức. Đại biểu này nói những câu như chém dao chặt sắt:- Chúng tôi không chấp nhận. Đây là những người đua đòi, đồi bại, phi đạo đức. Ma túy à, nghiện hút à, mại dâm à, AIDS à. Toàn tệ nạn.Nhiều ánh mắt dồn về phía tôi mong đợi một ý kiến. Tôi chờ vị nữ đại biểu nọ nói hết mới bước lên sân khấu. Cầm micro, tôi cũng định nói câu gì đấy trang trọng một chút, nhưng chưa kịp nghĩ xem phải nói gì thì từ miệng tôi đã vọt ra:- Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại hàng ngày, thưa cô.Gay vốn mau nước mắt. Tôi chỉ nói được một câu như thế, nước mắt đã giàn giụa. Nhưng phía dưới bạn bè bắt đầu vỗ tay tỏ ý ủng hộ, buộc tôi phải lấy lại bình tĩnh để nói thêm:- Đồng tính không phải lựa chọn của chúng cháu. Gia đình chúng cháu cũng vậy. Nếu được lựa chọn, lúc nào chúng cháu cũng mơ về một mái ấm gia đình, mơ sống cho bằng người, bằng bạn bằng bè chứ chẳng ai muốn thế này.Cử tọa vỗ tay rầm rầm. Tôi tự tin hơn, nói tiếp:- Giới đồng tính cũng có những tệ nạn như cô nói - ma túy, mại dâm, dẫn đến AIDS. (Chính vì thế mà chúng cháu mới cần đến những câu lạc bộ như H.Đ để tuyên truyền về sức khỏe tình dục.)Nhưng nhiều người trong giới chúng cháu không phải là đồ bỏ đi. Là người đồng tính nhưng chúng cháu vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ của công dân với đất nước. Bản thân cháu đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Rồi chúng cháu cũng vẫn phải làm những công việc nặng nhọc mà xã hội chỉ định cho nam giới...Giọng tôi đến đây đã run lên, khản đi vì xúc động. May quá, từ phía dưới, một bác già có vẻ là cán bộ về hưu đã bước tới đón lấy micro, đỡ lời:- Thôi các bác ạ, bây giờ không nên quan niệm khắt khe nữa. Các cháu này (chỉ vào tôi) chẳng có tội tình gì, mà chính mình, với lương tâm của người mẹ, mình phải nghĩ nếu không may đẻ ra một đứa con như thế thì mình làm gì? Không lẽ lại giết con đi à, hay hắt hủi gớm ghiếc nó để nó sa ngã? Sinh ra như nó là bất hạnh lắm rồi, phải không các bác?Dù đau lòng, nhưng tôi không trách người phụ nữ đã đọc bài phát biểu công kích. Tôi tin tình hình sẽ được cải thiện dần dần. Sự thay đổi nhận thức về giới tính thứ ba cũng đã diễn ra một cách từ từ, dần dần.Tôi đã chứng kiến cả quá trình, từ chỗ không ai hiểu đồng tính luyến ái là gì, cho đến ngày nay khi xã hội có khái niệm “đồng tính luyến ái”. Quá trình ấy diễn ra ngót một phần tư cuộc đời tôi còn gì. Bản thân tôi cũng mất nhiều năm để hiểu chính mình.Tôi từng nghĩ mình bệnh hoạn. Đến bây giờ, tôi mới thực hiểu: Người đồng tính là người bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ có cái khác là khuynh hướng tình dục bẩm sinh, chúng tôi thích người cùng giới. Sẽ là đơn giản và hồn nhiên nếu nói đây là vấn đề sở thích.Nhưng quả thật, nó giống như một điều hết sức tự nhiên ở con người, như thể có người thuận tay phải thì cũng có người thuận tay trái. Giới tính là một dạng lỏng, không thể đưa nó vào khuôn khổ. Đồng tính luyến ái có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, trong bất kỳ giai tầng nào, xã hội nào.Đồng tính không lây. Không có virus đồng tính luyến ái!Đồng tính không phải một căn bệnh.Xin đừng xem chúng tôi như những con bệnh.Đồng tính không phải sự đua đòi, cũng không phải hậu quả của bản tính ủy mị, yếu đuối, kém bản lĩnh.Đến bây giờ tôi vẫn nhớ, vẫn ấn tượng về câu phát biểu của mình trong nước mắt, vào cái buổi họp căng thẳng hôm đó:- Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại, thưa cô.“Bóng”- tự truyện của một người đồng tính Việt Nam đầu tiên được in thành sách (Nguyễn Văn Dũng), do hai nhà báo Hoàng Nguyên và Đoan Trang chấp bút, Cty DOMINO và NXB Văn học phối hợp ấn hành, dày hơn 340 trang, giá 62.000đ sẽ phát hành rộng rãi từ đầu tháng 8/2008.