Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 4 -
CUỘC PHẤN ĐẤU CHO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG



Kế Hoạch Và Tiền Bạc

Chúng tôi vừa đặt chế độ xô-viết qua thử thách dưới góc độ Nhà nước. Chúng tôi cũng có thể làm như thế dưới góc độ lưu thông tiền tệ. Hai vấn đề Nhà nước và tiền tệ có nhiều mặt chung với nhau bởi vì xét đến cùng, cả hai rút lại vẫn trở về với vấn đề của mọi vấn đề, đó là vấn đề năng suất lao động. Sự cưỡng bức của Nhà nước và tiền tệ thuộc về di sản của xã hội phân chia giai cấp, xã hội này chỉ có thể quyết định những quan hệ giữa người với người bằng những vật tôn sùng thần thánh hoặc vô thần và đặt những vật tôn sùng ấy dưới sự bảo hộ của vật tôn sùng đáng sợ nhất, Nhà nước - một con dao lớn ngậm giữa hai hàm răng. Trong xã hội cộng sản, Nhà nước và tiền bạc sẽ biến mất. Vậy sự suy tàn dần dà của chúng phải bắt đầu từ chế độ xã hội chủ nghĩa. Người ta chỉ có thể nói về thắng lợi thật sự của chủ nghĩa xã hội kể từ thời điểm lịch sử mà Nhà nước sẽ chỉ còn là một nửa Nhà nước và tiền bạc bắt đầu mất quyền lực ma quái của nó. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa xã hội được giải phóng khỏi những vật tôn thờ tư bản, bắt đầu thiết lập được những quan hệ trong sáng hơn, tự do hơn và xứng đáng hơn giữa người với người.
Những yêu sách đòi “xóa bỏ” tiền bạc, “xóa bỏ” chế độ tiền lương hoặc “loại trừ” Nhà nước và gia đình, đặc trưng của chủ nghĩa vô chính phủ, chỉ đáng chú ý ở chỗ chúng là mẫu hình của tư tưởng cơ giới, máy móc. Tiền bạc không thể bị xóa bỏ một cách độc đoán, cũng như Nhà nước và gia đình không thể “loại trừ”, chúng phải làm hết nhiệm vụ lịch sử của chúng, mất hết ý nghĩa rồi mới biến đi. Sự tôn thờ đồng tiền chỉ sẽ nhận phát súng kết liễu cuộc đời của nó khi sự phát triển không ngừng của cải xã hội giải phóng giống động vật hai chân khỏi sự keo xỉn từng phút làm việc thêm và sự băn khoăn xấu hổ trước mỗi khẩu phần lớn, nhỏ. Một khi mất đi cái quyền lực mang lại hạnh phúc và ném con người vào cát bụi, tiền bạc chỉ còn là phương tiện kế toán thuận lợi cho thống kê và kế hoạch. Sau đó, chắc người ta sẽ không cần đến thứ biên lai ấy. Nhưng điều lo lắng ấy chúng ta để dành phần cho cháu chắt chúng ta, chắc chắn chúng sẽ thông minh hơn chúng ta.
Sự quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất và tín dụng, sự nắm lấy nội thương của các hợp tác xã và Nhà nước, sự độc quyền ngoại thương, sự tập thể hóa nông nghiệp, pháp chế về di sản, tất phải hạn chế nhiều sự tích lũy cá nhân về tiền bạc và làm trở ngại việc biến tiền bạc thành vốn riêng (cho vay nặng lãi, thương nghiệp và công nghiệp). Chức năng ấy của tiền bạc, gắn liền với sự kinh doanh khai thác, không bị thanh toán ngay từ đầu cuộc cách mạng vô sản mà chuyển sang, dưới một dạng mới, Nhà nước thương nghiệp, ngân hàng và công nghiệp chung. Ngoài ra các chức năng sơ đẳng hơn của tiền bạc, như thước đo giá trị, phương tiện lưu thôngthanh toán được giữ lại và còn có một trường hoạt động rộng hơn trong chế độ tư bản.
Sự xây dựng kế hoạch bằng biện pháp hành chính đã bộc lộ đầy đủ sức mạnh của nó và đồng thời cản những giới hạn của sức mạnh đó. Một kế hoạch kinh tế vạch ra một cách tiên nghiệm (a priori), nhất là trong một nước lạc hậu 170 triệu dân, nhức nhối vì những mâu thuẫn sâu sắc giữa thành thị và nông thôn, không phải là một giáo lý bất di dịch, mà là một công trình giả thiết phải kiểm chứng và biến đổi trong quá trình thực hiện. Người ta còn có thể nêu lên qui tắc sau: sự chỉ đạo hành chính càng “sát sao” thì tình hình càng vướng mắc cho những người lãnh đạo kinh tế. Hai đòn bẩy phải dùng để điều chỉnh và cải biên kế hoạch: một đòn bẩy chính trị, tạo ra nhờ sự tham gia thật sự của quần chúng vào việc lãnh đạo, điều này không thể có nếu không có một nền dân chủ xô viết, và một đòn bẩy tài chính, kết quả của sự kiểm tra có hiệu lực những tính toán tiên nghiệm, bằng một đương lượng chung, điều này không thể có, nếu không có một hệ thống tiền tệ ổn định.
Vai trò của tiền bạc trong nền kinh tế xô-viết còn xa mới cáo chung, còn phải mở ra đến cùng. Thời kỳ quá độ giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, nhìn chung toàn bộ, đòi hỏi không phải sự giảm bớt lưu thông hàng hóa mà là sự mở rộng ra đến cùng. Tất cả ngành công nghiệp đều biến đổi và lớn lên, luôn luôn những ngành mới được tạo ra và tất cả phải, về số lượng cũng như chất lượng, xác định vị trí của chúng đối với nhau. Sự thanh toán đồng loạt nền kinh tế nông thôn, sản xuất để tiêu thụ tại chỗ và kinh tế gia đình khép kín, có nghĩa là bước vào sự lưu thông xã hội và từ đó, sự lưu thông tiền tệ của tất cả năng lượng lao động trước kia chỉ hao phí trong giới hạn của trang trại hoặc trong những bức tường gia đình. Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các sản phẩm và dịch vụ có thể trao đổi được cho nhau.
Mặt khác, một sự xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công không thể quan niệm không dựa vào hệ thống kế hoạch lợi ích cá nhân trực tiếp, tính ích kỷ của người sản xuất và người tiêu dùng, những nhân tố ấy chỉ có thể biểu hiện có ích khi chúng có được một phương tiện quen thuộc, chắc chắn và mềm dẻo, đó là tiền bạc. Sự tăng năng suất lao động và sự cải tiến chất lượng sản phẩm tuyệt đối không thể làm được nếu không có một bản vị đo lường tự do thấm vào được tất cả các lỗ chân lông của nền kinh tế, tức là nếu không có một đơn vị tiền tệ chắc chắn. Từ đó ta thấy rõ rằng trong nền kinh tế quá độ cũng như trong chế độ tư bản, đồng tiền duy nhất đúng là đồng tiền dựa trên vàng. Mọi thứ tiền khác chỉ là đồ thay thế (thế phẩm). Đúng là Nhà nước xô-viết làm chủ cả khối lượng hàng hóa và cả các cơ quan phát hành bạc. Nhưng cũng chẳng thay đổi được gì: những thao tác hành chính định đoạt giá hàng không hề tạo ra một đơn vị tiền tệ ổn định và cũng không bù gì được hơn cho nội thương, càng không được gì cho ngoại thương.
Thiếu một cơ sở thích hợp, tức là một kim bản vị, hệ thống tiền tệ Liên xô, cũng như của một số nước tư bản, tất yếu là một hệ thống khép kín; đồng rúp không đáng kể trên thị trường thế giới. Nếu Liên xô chịu đựng được những bất lợi của một hệ thống loại đó hơn Đức hoặc Ý, một phần nhờ sự độc quyền ngoại thương và chủ yếu nhờ có tài nguyên thiên nhiên phong phú: chỉ những tài nguyên ấy cho phép nó tránh chết ngạt trong gọng kìm của nền kinh tế tự cung tự cấp. Nhưng sứ mệnh lịch sử không phải là không chết ngạt mà là tạo ra mặt đối mặt với những thành tựu cao nhất của thị trường thế giới, một nền kinh tế hùng mạnh hoàn toàn hợp lý, bảo đảm sử dụng thời gian tốt nhất và từ đó sự phát triển cao nhất của văn hóa.
Nền kinh tế xô-viết đúng là một nền kinh tế trải qua những cuộc cách mạng kỹ thuật không ngừng và những thí nghiệm vĩ đại, cần phải có hơn lúc nào hết một sự kiểm tra thường xuyên nhờ một chuẩn mực giá trị cố định. Về mặt lý thuyết, chắc chắn nếu Liên-xô có đồng rúp vàng, kết quả của các kế hoạch năm năm sẽ còn tốt hơn hiện nay rất nhiều; nhưng người ta không thể xét đoán một cái gì hiện đang thiếu. Tuy nhiên cũng không nên lấy cái nghèo làm điều hay vì cái đó sẽ dẫn chúng ta đến những thất thiệt mới và những sai lầm kinh tế mới.
Lạm Phát “Xã Hội Chủ Nghĩa”
Lịch sử của chế độ tiền tệ xô-viết cũng đồng thời là lịch sử những khó khăn kinh tế, những thành công và thất bại, lịch sử những biến đổi ngoắt ngoéo của tư tưởng quan liêu.
Sự khôi phục đồng rúp năm 1923 – 24, móc nối với sự chuyển sang chính sách Tân kinh tế gắn bó mật thiết với sự khôi phục các “chuẩn mực của pháp quyền tư sản” trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Đồng hắc mạch (secvôniet) được chính phủ lưu ý chừng nào người ta còn hướng về người chủ trại. Ngược lại, tất cả các cửa cống của lạm phát được mở toang trong thời kỳ đầu kế hoạch năm năm. Từ 0,7 tỉ rúp đầu năm 1923, tổng số các đợt phát hành đầu năm 1928 tiến tới con số tương đối khiêm tốn 1,7 tỉ, xấp xỉ bằng sự lưu hành tiền giấy thời đế chế trước lúc có chiến tranh, nhưng cố nhiên không có bản vị kim loại cũ. Xa hơn, năm này sang năm khác đường cong lạm phát có những bước nhảy điên cuồng như sau: 2 - 2,8 – 4,3 – 5,5 - 8,4! Con số cuối cùng 8,4 tỉ rúp, đạt vào đầu năm 1933. Rồi bắt đầu những năm co lại và rút lui: 6,69 – 7,7 – 7,9 tỉ (1935).
Đồng rúp năm 1924, chính thức định giá là 13 phờrăng (franc), tháng 11-1935 rơi xuống 3 phờrăng, tức là không bằng một phần tư, gần bằng mức đồng phờrăng Pháp sau chiến tranh. Hai cách định giá, cũ và mới, đều có tính cách ước lệ: Sức mua của đồng rúp, đối chiếu với giá hàng thế giới có lẽ không đạt 1 phờrăng 50. Nhưng tầm quan trọng của sự mất giá đã chỉ rõ đồng tiền xô-viết đã trượt giá đến chóng mặt cho đến 1934.
Giữa cao điểm của thời phiêu lưu kinh tế, Stalin hứa sẽ “tống cổ” chính sách Tân kinh tế, tức là thị trường. Cũng như vào năm 1918, tất cả báo chí thi nhau nói về sự thay đổi hoàn toàn công thức bán mua bằng một “sự phân phối xã hội chủ nghĩa trực tiếp” mà quyển sổ lương thực là dấu hiệu bên ngoài. Lạm phát bị kiên quyết phủ nhận như một hiện tượng, nói chung, xa lạ đối với chế độ xô-viết. Tháng giêng năm 1935, Stalin nói “Tính ổn định của tiền tệ xô-viết trước hết được bảo đảm do khối lượng to lớn hàng hóa mà Nhà nước có và cho lưu hành theo giá đã định”. Dù rằng câu châm ngôn bí hiểm ấy không được phát triển và bình luận (và một phần cũng bởi vì thế), nó trở thành qui luật cơ bản của lý thuyết tiền tệ xô-viết, nói đúng hơn, của sự phủ định lạm phát. Đồng hắc mạch từ nay không còn là một lượng tương đương chung, nó chỉ là một cái bóng chung chung của một khối lượng “to lớn” hàng hóa, điều đó cho phép nó dài ra hay rụt lại như mọi cái bóng khác. Nếu cái học thuyết xoa dịu ấy có một ý nghĩa thì chỉ là: đồng tiền xô-viết không còn là đồng tiền nữa, nó không còn là một thước đo giá trị nữa; các “giá ổn định” là do chính phủ định đoạt; đồng hắc mạch chỉ còn là dấu hiệu ước lệ của nền kinh tế kế hoạch hóa, một thứ thẻ phân phối chung; nói tóm lại, chủ nghĩa xã hội đã thắng “vĩnh viễn và không quay trở lại”.
Những tư tưởng không tưởng nhất của chủ nghĩa cộng sản thời chiến lại xuất hiện trên một cơ sở kinh tế mới, đúng là có cao hơn một ít, nhưng, hỡi ôi! vẫn hoàn toàn chưa đủ để loại trừ được tiền bạc. Trong các giới lãnh đạo, người ta nói lạm phát không đáng sợ nữa trong một nền kinh tế có kế hoạch hóa. Gần giống như nói một lỗ hổng để lọt nước vào khoang tàu không nguy hiểm khi người ta có địa bàn. Thực tế, lạm phát giấy bạc không tránh khỏi dẫn đến lạm phát tín dụng, thay thế những giá trị thực bằng giá trị ảo và nuốt ngấu nghiến từ bên trong nền kinh tế kế hoạch hóa.
Chẳng cần nói ai cũng biết lạm phát có nghĩa là thu một thứ thuế cực kỳ nặng trên lưng giai cấp cần lao. Còn cái lợi của nó cho chủ nghĩa xã hội thì còn đáng ngờ. Đúng như thế, bộ máy sản xuất tiếp tục phát triển nhanh, nhưng hiệu quả kinh tế của những xí nghiệp lớn mới xây dựng được đánh giá theo những tiêu chuẩn của thống kê, chứ không phải tiêu chuẩn của kinh tế. Chỉ huy đồng rúp, tức là định cho nó một cách độc đoán một số sức mua trong các tầng lớp khác nhau của nhân dân, chế độ quan liêu tự tước mất một công cụ tối cần thiết để đo một cách khách quan những thành công và không thành công của mình. Thiếu một sự kế toán chính xác, được che dấu trên giấy tờ bởi những sắp đặt của “đồng rúp ước lệ”, trong thực tiễn, người ta đi đến chỗ mất yếu tố kích thích cá nhân, năng suất lao động thấp và chất lượng hàng hóa còn thấp hơn nữa.
Từ thời kỳ đầu của kế hoạch năm năm, tai họa đó đã có những tầm vóc đáng sợ. Tháng bảy năm 1931, Stalin nêu lên “sáu điều kiện” nổi tiếng, mà mục đích là để giảm giá thành. Những “điều kiện” ấy (tiền lương hợp với năng suất lao động cá nhân, tính toán giá thành v.v…) chẳng có gì mới: những “chuẩn mực của pháp lý tư sản” có từ đầu thời kỳ Tân kinh tế và được khai triển ở đại hội XII của đảng, đầu năm 1923. Stalin chỉ mới vấp vào đó năm 1931, dưới ảnh hưởng của hiệu quả ngày càng sút kém của các vốn đầu tư vào công nghiệp. Trong hai năm tiếp theo, hầu như không có bài nào trong báo chí xô-viết không viện dẫn đến sức mạnh cứu nguy của các “điều kiện”. Nhưng lạm phát cứ tiếp tục, những bệnh của nó gây ra lẽ cố nhiên không thuận với việc chạy chữa. Những biện pháp đàn áp nghiêm khắc để dẹp bọn phá hoại không đem lại kết quả hơn.
Ngày nay hầu như khó tin được việc quan liêu vừa tuyên chiến với “sự vô danh” và “chủ nghĩa bình quân” trong lao động, tức là lao động trung bình, trả bằng một tiền lương “trung bình”, mọi người bằng nhau, lại vừa tống cho “quỷ sứ” chính sách Tân kinh tế -nói cách khác, sự đánh giá các hàng hóa bằng tiền, kể cả sức lao động. Một tay thiết lập lại các “chuẩn mực tư sản”, tay kia của họ (bọn quan liêu) lại hủy mất cái công cụ duy nhất có ích. Sự đánh tráo rút các “cửa hàng dành riêng” ra khỏi thương nghiệp và sự hỗn loạn giá cả tất yếu làm biến mất mọi tương quan giữa lao động cá nhân và tiền lương cá nhân; và yếu tố kích thích lợi ích cá nhân đã bị giết chết trong con người công nhân.
Những chỉ thị nghiêm khắc nhất về các tính toán kinh tế, chất lượng sản phẩm, giá thành, năng suất lao động bị treo lơ lửng trong khoảng không. Điều đó không hề ngăn trở những người lãnh đạo gán mọi thất bại vào tội cố ý không thi hành sáu biện pháp của Stalin. Một sự ám chỉ thận trọng nhất về lạm phát cũng trở thành tội ác. Các nhà cầm quyền cũng tỏ ra thành thực như khi họ buộc tội các thày giáo đã sao nhãng việc vệ sinh trong khi vẫn cấm các thày không được nêu lên việc thiếu xà-phòng.
Vấn đề số phận của đồng mạch đen đã nổi lên hàng đầu trong cuộc đấu tranh của các nhóm trong đảng bônsêvích. Cương lĩnh của phái đối lập (1927) đòi “sự ổn định tuyệt đối của đơn vị tiền tệ”. Yêu sách đó vẫn là chủ đề quán xuyến (leitmotiv) trong những năm tiếp theo. Cơ quan báo chí của phái đối lập năm 1932, viết: “chặn đứng lạm phát bằng một bàn tay sắt và thiết lập lại một đơn vị tiền tệ vững chắc”, dù bằng giá một “sự thu hẹp mạnh dạn việc đầu tư vốn…”. Những người ca ngợi “bước đi của rùa” và những người siêu công nghiệp hóa hình như đổi vai trò cho nhau. Trả lời cho sự khoác lác “tống cổ thị trường (việc mua bán) cho ma quỷ,” phái chống đối đề nghị ủy ban kế hoạch nên đóng ở cơ quan cái bảng “lạm phát là bệnh giang mai của nền kinh tế kế hoạch hóa”.
Trong nông nghiệp, lạm phát có những hậu quả không kém nghiêm trọng.
Giữa thời chính sách đối với nông dân còn ưu đãi anh Kulak (phú nông), người ta nghĩ rằng nhờ sự biến đổi nông nghiệp thành xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở của chính sách Tân kinh tế, sẽ diễn ra trong vài chục năm. Lần lượt thu tóm các lĩnh vực dự trữ, bán, tín dụng, công cuộc hợp tác cuối cùng sẽ xã hội hóa nền sản xuất. Tất cả đã mang tên gọi là “kế hoạch hợp tác của Lênin”. Chúng ta biết, thực tế lại đi theo một con đường hoàn toàn khác, nói đúng hơn, ngược lại, ấy là con đường tước đoạt bằng vũ lực và tập thể hóa hoàn toàn. Không còn là vấn đề xã hội hóa tuần tự các chức năng kinh tế khác nhau, dần dà theo những khả năng vật chất và tinh thần cho phép. Sự tập thể hóa đã thực hiện như là phải thiết lập ngay tức khắc chế độ cộng sản trong nông nghiệp.
Ngoài việc phá hoại hơn một nửa đàn chăn nuôi, việc này còn một hậu quả nghiêm trọng hơn nữa: sự thờ ơ hoàn toàn của nông trường viên đối với tài sản xã hội hóa và kết quả công việc của họ. Chính phủ tiến hành một cuộc rút lui lộn xộn. Nông dân lại có lại gà mái, lợn, cừu, bò cái với danh nghĩa của riêng. Họ được nhận những mảnh đất nhỏ ở gần nhà ở. Cuốn phim tập thể hóa được quay ngược trở lại.
Bởi sự thiết lập trở lại những cơ sở sản xuất cá nhân, chính phủ phải chấp nhận một sự thỏa hiệp, trả lại một thứ tiền chuộc cho các khuynh hướng cá thể của nông dân. Các nông trường tập thể tồn tại: như thế, bước lùi ấy, thoạt nhìn, có vẻ là thứ yếu. Thực tế, khó mà biết đánh giá tầm quan trọng của nó. Nếu ta bỏ ngoài giới quý tộc trong nông trường, các nhu cầu hàng ngày của người nông dân trung bình chỉ trông vào phần lớn ở công việc “làm cho mình” hơn là công việc cho nông trường. Nhiều khi thu nhập của mảnh đất cá nhân, nhất là khi họ trồng cây công nghiệp, làm vườn hoặc chăn nuôi, có tới hai, ba lần cao hơn đồng lương nhận được của tập thể. Việc này, được báo chí xô-viết công nhận, làm nổi bật rất rõ ràng, một mặt sự lãng phí hoàn toàn man rợ sức lao động của hàng chục triệu đàn ông, và hơn nữa, của phụ nữ, trong những trồng tỉa thấp, và mặt khác, năng suất lao động rất thấp trong các nông trường tập thể.
Muốn vực dậy nền đại nông nghiệp tập thể, lần nữa lại phải nói với nông dân, bằng tiếng nói mà họ nghe lọt tai, nói cách khác, bỏ thuế hiện vật, trở về với thương nghiệp, mở lại các chợ (thị trường), tóm lại, lại xin lại của quỷ sứ cái chính sách Tân kinh tế đã bị tống cổ sớm quá. Vậy nên sự chuyển sang một công tác kế toán tiền tệ ít nhiều ổn định trở thành điều kiện cần thiết cho sự phát triển sau này của nông nghiệp.
Sự phục quyền cho đồng rúp.
Mọi người biết con cú khôn ngoan cất cánh bay sau khi mặt trời lặn. Cũng vậy, lý thuyết của hệ thống “xã hội chủ nghĩa” về tiền bạc chỉ có ý nghĩa đầy đủ vào lúc hoàng hôn của những ảo tưởng về lạm phát. Những giáo sư ngoan ngoãn đã xây dựng trên những lời phát biểu của Stalin cả một học thuyết, theo đó giá cả xô-viết, trái với giá cả thị trường, hoàn toàn do kế hoạch hoặc các chỉ thị định ra; đó không phải là một phạm trù kinh tế, mà là một phạm trù hành chính có mục đích phục vụ tốt hơn sự phân phối mới của thu nhập quốc dân theo lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Các giáo sư ấy quên giải thích làm sao người ta có thể “điều khiển” các giá mà không biết giá thành thật sự, và làm sao người ta có thể tính ra giá đó nếu tất cả các giá, đáng lẽ biểu thị số lượng lao động xã hội cần thiết để làm ra các sản phẩm, lại chỉ biểu thị ý muốn của bộ máy quan liêu. Quả vậy, chính phủ, để có phân phối mới trong thu nhập quốc dân, nắm trong tay những đòn bẩy cũng mạnh như các thuế khóa, ngân sách và tín dụng. Theo ngân sách các khoản chi năm 1936, hơn 37,6 tỉ trực tiếp dành cho các ngành khác nhau của kinh tế, những tỉ khác cũng gián tiếp đổ vào đến đó. Các chuyên viên của ngân sách và tín dụng cũng đủ để hoàn thiện cho sự phân phối theo kế hoạch của thu nhập quốc dân. Còn về giá cả, họ càng phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội khi họ diễn đạt trung thực hơn các tương quan kinh tế ngày nay.
Kinh nghiệm đã có tiếng nói quyết định ở chỗ này. Giá “chỉ đạo” không có trong đời sống một ấn tượng to lớn như nó có trong các sách vở thông thái. Giá của nhiều loại được đặt cho riêng một mặt hàng. Trong những khe hở rộng của chúng tự do lọt vào mọi thứ thủ đoạn đầu cơ, tư vị, ăn bám và những thói xấu khác, và như thế là thường lệ chứ không phải ngoại lệ. Đồng mạch đen đáng lẽ là cái bóng ổn định của các giá hàng, chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Lần này lại phải đột ngột thay đổi phương hướng, do những khó khăn sinh ra từ những thắng lợi kinh tế. Năm 1935 mở đầu xóa bỏ phiếu bánh mì, các phiếu lương thực được xóa bỏ cho các sản phẩm khác vào tháng mười, các phiếu cung cấp các mặt hàng thiết yếu bậc nhất cũng được xóa bỏ vào khoảng tháng giêng năm 1936. Các quan hệ kinh tế giữa những người lao động thành phố và nông thôn với Nhà nước lại trở về với ngôn ngữ của tiền tệ. Đồng rúp trở nên một phương tiện tác động của nhân dân trong các kế hoạch kinh tế, bắt đầu bằng chất lượng và số lượng các mặt hàng tiêu dùng. Kinh tế xô-viết không thể hợp lý hóa bằng cách nào khác.
Tháng mười hai năm 1935, chủ tịch ủy ban kế hoạch tuyên bố: “Hệ thống hiện nay của những tương quan giữa các ngân hàng và kinh tế cần phải xem xét lại và các ngân hàng phải thật sự thực hiện sự kiểm tra bằng đồng rúp”. Như vậy có nghĩa là sự sụp đổ những điều mê tín về kế hoạch theo lối hành chính và những ảo tưởng của giá cả theo lối hành chính. Nếu sự tiếp cận với chủ nghĩa xã hội trong lĩnh vực tiền tệ có nghĩa là sự xích lại gần nhau của đồng rúp và cái phiếu phân phối, như thế phải coi những cải cách năm 1935 là rời xa chủ nghĩa xã hội. Nhưng đánh giá như thế sẽ là sai lầm thô thiển. Sự thay thế phiếu phân phối bằng đồng rúp chỉ có nghĩa là sự từ bỏ một ảo tưởng và sự thừa nhận cần thiết phải tạo ra những cơ sở ban đầu của chủ nghĩa xã hội bằng cách quay về với những phương pháp tư sản.
Trong phiên họp ban chấp hành trung ương các xô-viết tháng giêng năm 1935, ủy viên dân ủy tài chính tuyên bố “Đồng rúp xô-viết vững hơn bất cứ đồng tiền nào trên thế giới”. Người ta nhầm nếu chỉ thấy ở đó một lời tuyên bố huênh hoang. Hàng năm ngân sách Liên-Xô có một số dư về thu đối với chi. Ngoại thương, quả là ít quan trọng, có một cán cân tích cực. Dự trữ vàng Ngân hàng của đồng rúp ngày nay vượt quá một tỉ. Việc khai thác vàng tăng nhanh; về phương diện này, Liên-xô năm 1936 chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới. Sự gia tăng lưu thông hàng hóa đã trở thành to lớn kể từ khi phục hồi lại thị trường. Trong thực tiễn lạm phát đã chặn lại từ 1934. Những nhân tố của một sự ổn định nhất định của đồng rúp đã có, tuy nhiên lời tuyên bố của ủy viên dân ủy về tài chính phải được giải thích bằng một sự lạm phát lạc quan nào đó. Nếu đồng rúp xô-viết có một chỗ dựa mạnh ở sự phồn vinh chung của nền kinh tế, giá thành quá cao của sản phẩm lại là cái điểm yếu của nó. Nó chỉ trở thành đơn vị tiền tệ ổn định nhất của thế giới khi năng suất lao động xô-viết sẽ vượt trình độ thế giới, tức là khi nó nghĩ rằng nó sẽ tiêu vong.
Về phương diện chuyên môn, đồng rúp lại càng không thể nghĩ đến việc ngang bằng. Với một dự trữ vàng hơn một tỉ, đất nước có gần tám tỉ bạc giấy lưu hành; vậy sự bảo đảm thanh toán mới chỉ là 12,5%. Vàng của Ngân hàng Nhà nước lúc này không thể đụng đến. Nó phải coi là kho dự trữ cho trường hợp có chiến tranh hơn là cơ sở cho hệ thống tiền tệ. Xét về mặt lý thuyết, ở một giai đoạn tiến hóa cao hơn, có lẽ phải cần đến kim bản vị để đem lại nhiều tính chính xác hơn cho kế hoạch kinh tế và đơn giản hóa các quan hệ với nước ngoài. Trước khi tắt thở, hệ thống tiền tệ một lần nữa lại khởi sắc. Dù sao, vấn đề ấy không đặt ra cho những ngày sắp tới.
Chưa thể có vấn đề ngang bằng về vàng trong một tương lai gần gũi. Nhưng trong chừng mực mà Nhà nước, xây dựng một dự trữ vàng, cố gắng tăng, dù chỉ là lý thuyết, tỷ lệ phần trăm sự bảo đảm thanh toán, trong chừng mực mà các đợt phát hành giấy bạc được giới hạn vì những lý do khách quan độc lập với ý muốn của bọn quan liêu, đồng rúp xô-viết có thể đạt một sự ổn định ít ra là tương đối. Những cái lợi từ đó sẽ thật to lớn. Từ nay kiên quyết bỏ lạm phát, hệ thống tiền tệ, dù không có những cái lợi của việc ngang bằng về vàng, chắc chắn sẽ góp phần vào việc băng bó nhiều vết thương sâu sắc của cơ thể kinh tế do chủ nghĩa chủ quan quan liêu gây nên trong những năm trước.
Phong Trào Stakhanôp (Stakhanov)
Mác nói “Mọi sự tiết kiệm suy đến cùng đều dẫn đến sự tiết kiệm thời gian” tức là cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên ở mọi tiến độ của nền văn minh. Suy đến cơ sở ban đầu, lịch sử chỉ là sự đuổi theo việc tiết kiệm thời gian lao động. Chủ nghĩa xã hội không thể tự minh chứng chỉ bằng sự xóa bỏ bóc lột; nó còn phải bảo đảm cho xã hội một sự tiết kiệm thời gian lớn hơn là chủ nghĩa tư bản. Nếu điều kiện ấy mà còn để khuyết, sự xóa bỏ bóc lột sẽ chỉ là một màn kịch không có tương lai. Kinh nghiệm lịch sử đầu tiên của những phương pháp xã hội chủ nghĩa chứng tỏ khả năng của chúng thật là rộng lớn. Nhưng kinh tế xô-viết còn xa mới biết lợi dụng thời gian, cái nguyên liệu quí nhất ấy của nền văn minh. Sự du nhập kỹ thuật, phương tiện chính để tiết kiệm thời gian chưa đem lại trên lãnh thổ xô-viết những kết quả bình thường đạt được trên quê hương tư bản. Ở điểm đó, điểm quyết định đối với toàn thể nền văn minh, chủ nghĩa xã hội chưa thắng. Nó đã chứng tỏ nó có thể, và phải thắng. Nhưng lúc này chưa thắng. Tất cả những lời khẳng định ngược lại chỉ là kết quả của sự ngu dốt hoặc lường gạt.
Tháng Giêng 1936, Môlôtôp – cũng phải công bằng với ông ta – đôi khi cũng thoát ra đôi chút lối nói nghi thức của các nhà lãnh đạo xô-viết khác, đã phát biểu trong phiên họp của thường vụ: “Mức độ trung bình của năng suất lao động… ở xứ ta còn thấp hơn rõ ràng so với ở Mỹ và Châu Âu”. Đáng lẽ phải nói chính xác: mức độ ấy còn ba, năm và đến cả mười lần thấp hơn so với châu Âu và châu Mỹ, cho nên giá thành của chúng ta cao hơn rất nhiều. Cũng trong bài diễn văn ấy, Môlôtôp có lời thú nhận này tổng quát hơn: “Trình độ văn hóa trung bình của công nhân chúng ta còn thấp hơn trình độ công nhân của một số nước tư bản”, đáng lẽ phải nói thêm: điều kiện sinh sống vật chất trung bình của họ (công nhân xô-viết) cũng vậy. Sẽ là thừa nếu nhấn mạnh sự thẳng thắn và sáng suốt của những lời ấy được bất chợt nói ra, đã gạt bỏ những luận điệu khoác lác của vô số nhân vật chính phủ và những lời mơn trớn của các “bạn” nước ngoài!
Sự phấn đấu để tăng năng suất lao động cộng với sự lo toan về quốc phòng hợp thành nội dung chủ yếu hoạt động của chính phủ xô-viết. Ở những giai đoạn tiến hóa khác nhau của Liên-xô, cuộc chiến đấu ấy đã khoác nhiều hình thức. Các phương pháp “đội xung kích” áp dụng trong khi thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất và giai đoạn đầu kế hoạch lần thứ hai, dựa trên sự kích động, gương cá nhân, áp lực hành chính và mọi thứ khuyến khích và ưu đãi dành cho các nhóm. Những cố gắng để thiết lập một kiểu làm việc theo sản phẩm trên cơ sở “sáu điều kiện” năm 1931 vấp phải đồng tiền ma và các thứ loại giá. Thay cho sự phân biệt uyển chuyển các thứ thù lao, hệ thống phân phối sản phẩm của Nhà nước đặt ra những “phần thưởng”, trong thực tế có nghĩa là sự độc đoán quan liêu. Việc săn đuổi quyền lợi làm lọt vào hàng ngũ những người lao động xung kích, ngày càng đông, những tay khéo xoay sở, có thần thế vì được che chở. Toàn hệ thống cuối cùng quay trở lại mâu thuẫn với những mục đích nó đề ra.
Chỉ có sự xóa bỏ các phiếu cung cấp, tiêu biểu sự ổn định của đồng rúp và sự thống nhất các giá cả mới cho phép thực hiện các phương pháp lao động theo sản phẩm hoặc làm khoán. Trên cơ sở đó phong trào stakhanôp đã nối tiếp các đội lao động xung kích. Nhận thấy đồng rúp đã có giá trị hơn, các công nhân chú trọng hơn đến máy móc của họ và sử dụng giờ làm việc của họ tốt hơn. Phong trào stakhanôp, trong một chừng mực rất lớn, qui lại là tăng cường độ sức lao động và kéo dài ngày làm việc của lao động: những người stakhanôp sắp đặt chỗ làm việc, dụng cụ của họ có thứ tự, chuẩn bị các nguyên liệu; các đội trưởng ra những chỉ thị hướng dẫn các đội ngoài giờ làm việc. Thời biểu gọi là làm việc bảy tiếng mỗi ngày, nay chỉ còn cái tên. Cách làm khoán sản phẩm thực ra là một lối bóc lột quá đa vô hình ảnh. Bí quyết của nó không chỉ do mấy ông quan liêu xô-viết bày ra. Thời Mác, Mác đã nói tới và nhận định nó: “thích hợp nhất cho sản xuất của thế giới tư bản”. Người lao động không có thiện cảm gì, và có khi còn tỏ thái độ đối kháng với phương pháp ấy. Tuy nhiên phải công nhận có một số những người thành thực đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội hăng hái tham gia vào phong trào stakhanôp. Số người đó là bao nhiêu so với số người dính máu ăn phần tìm cách ngoi lên hay bịp bợm? Quần chúng công nhân tiếp nhận sự thù lao mới theo quan điểm đồng rúp và luôn luôn họ nhận thấy đồng rúp đã mất giá.
Sau cuộc “thắng lợi hoàn toàn và không thể trở ngược”, người ta có cảm tưởng việc trở lại chính sách khoán sản phẩm của chính phủ như là một bước rút lui về sự khôi phục đồng rúp: đây không phải là từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là sự xa lìa những ảo tưởng thô thiển. Hình thức tiền lương là biện pháp thích ứng đơn giản đối với khả năng thực tế của đất nước. “Chưa bao giờ quyền hưởng thụ lại có thể vượt lên trên chế độ kinh tế”.
Nhưng các giới lãnh đạo ở Liên-xô không thể từ bỏ sự ngụy trang xã hội. Chủ tịch ủy ban kế hoạch, Mêgiơlaúc (Méjlaouk) ở phiên họp thường vụ năm 1936 tuyên bố: “đồng rúp trở thành phương tiện duy nhất và thực sự để thực hiện nguyên lý xã hội chủ nghĩa (!) về thù lao lao động”. Nếu trong đế chế cũ cái gì cũng của nhà vua, cho đến cả các nhà đi tiểu công cộng, không vì thế mà có thể kết luận trong Nhà nước lao động tất cả do thói quen đều trở thành xã hội chủ nghĩa. Điều mâu thuẫn mà ta đã thấy trong Nhà nước lao động: Đồng rúp vẫn là “phương tiện duy nhất và thật sự” để áp dụng nguyên lý tư bản của sự thù lao, dù nó nằm trên cơ sở những hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa. Để biện hộ cho huyền thoại mới về khoán sản phẩm “xã hội chủ nghĩa”, Mêgiơlaúc nói thêm: “Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội là mỗi người làm việc theo khả năng và được trả công theo việc làm”. Thực tế các ông này đã ngụy biện lý thuyết! Khi nhịp điệu lao động được quyết định bởi sự săn đuổi đồng rúp, con người không làm việc theo “khả năng” tức là theo giới hạn của bắp thịt và cân não, mà họ phải làm việc theo sự cưỡng bức. Cùng lắm phương pháp ấy chỉ có thể biện hộ do sự nhu cầu nghiệt ngã; dựng nó lên tầm “nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội”, là dẫm đạp lên những lý tưởng của một nền văn hóa mới và cao hơn, để rồi vùi chúng xuống lớp bùn quen thuộc của chủ nghĩa tư bản.
Trên con đường ấy, Stalin tiến thêm một bước khi ông ta trình bày phong trào stakhanôp là việc “chuẩn bị các điều kiện của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản”. Bây giờ bạn đọc thấy cần thiết phải có những định nghĩa khoa học cho các khái niệm mà người ta sử dụng ở Liên-xô theo lợi ích hành chính. Chủ nghĩa xã hội, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn cần phải duy trì một sự kiểm tra chặt chẽ các phương sách lao động và tiêu thụ, nhưng nó đòi hỏi những hình thức kiểm tra nhân đạo hơn những hình thức mà tài năng bóc lột của tư bản đã sáng tạo ra. Thế nhưng chúng ta thấy ở Liên-xô một kho tàng nhân công lao động được sử dụng một cách tàn nhẫn theo phương pháp bắt chước tư bản. Trong cuộc phấn đấu để đạt được chuẩn mức theo gương các nước châu Âu và châu Mỹ, những phương pháp bóc lột cổ điển như trả lương theo sản phẩm được áp dụng ở Liên-xô dưới những hình thức tàn bạo và trần trụi đến nỗi ngay các nghiệp đoàn cải lương ở các nước tư bản cũng không dung nạp được. Nhận xét công nhân Liên-xô làm việc “cho chính mình” chỉ có nghĩa nhận xét trong viễn cảnh của lịch sử và với điều kiện – chúng tôi sẽ giải luận ở những trang sau - họ không bị bóp hầu, bóp cổ do một bộ máy quan liêu cực quyền. Dù sao, sở hữu Nhà nước của các phương tiện sản xuất không biến được phân thành vàng và không đeo vòng hào quang thần thánh (sweating system)[1] xung quanh một hệ thống đầy mồ hôi, nước mắt, nó làm kiệt sức cái lực lương sản xuất cơ bản: con người. Còn nói đến việc chuẩn bị “quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản” thực ra nó bắt đầu từ con đường ngược lại, tức là không phải sự áp dụng chế độ khoán sản phảm mà là sự hủy bỏ lối làm việc đó, coi nó là một di sản của thời đại dã man.
Còn quá sớm để dựng lên bảng tổng kết phong trào stakhanôp. Nhưng người ta có thể rút ra những nét đặc thù và cũng là đặc điểm của chế độ, nhìn trong toàn cảnh. Một số kết quả công nhân đã đạt được quả thực hết sức đặc sắc ở chỗ nó nêu ra những khả năng mà chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm được. Nhưng còn phải vượt một chặng đường khá xa giữa những kết quả ấy và việc mở rộng chúng ra toàn bộ nền kinh tế. Trong mối phụ thuộc lẫn nhau mật thiết giữa các quá trình sản xuất, muốn cho năng suất lao động không ngừng nâng cao không thể chỉ căn cứ vào những cố gắng cá nhân. Sự tăng năng suất trung bình không thể làm được nếu không có sự tổ chức lại sản xuất ở nhà máy và sự tổ chức lại các mối tương quan giữa các nhà máy. Và nâng được vài mức những kiến thức kỹ thuật của hàng triệu người lao động thì vô cùng khó hơn là khuyến khích vài trăm người thợ tiên tiến.
Chúng tôi đã được nghe các ông thủ trưởng phàn nàn về sự thiếu văn hóa của công nhân xô-viết trong việc lao động. Đó chỉ là một phần của sự thật, và là phần nhỏ. Người thợ Nga rất mau hiểu, tháo vát và nhiều năng khiếu.Thí dụ thử đem một trăm công nhân Nga đặt trong những điều kiện của sản xuất Mỹ, chỉ cần ít tháng, nếu không vài tuần, họ sẽ đuổi kịp người thợ Mỹ tương đương trong nghề. Khó khăn là ở trong vấn đề tổ chức. Trước những nhiệm vụ hiện đại của sản xuất, bộ phận nhân viên hành chính xô-viết thường lạc hậu hơn nhiều so với công nhân.
Với kỹ thuật mới, lương trả theo sản phẩm tất yếu sẽ dẫn đến việc tăng năng suất lao động hiện nay đang rất thấp. Nhưng việc tạo ra những điều kiện cần thiết cho điều đó đòi hỏi về phía quản lý, bắt đầu từ quản đốc các phân xưởng cho đến các nhà lãnh đạo ở điện Cờremlanh (Kremlin), những năng lực và trình độ cao hơn. Phong trào stakhanôvit chỉ đáp ứng trong một chừng mực rất nhỏ sự cần thiết đó. Tai họa thay, bộ máy quan liêu mưu toan nhảy qua đầu những khó khăn mà họ không đủ sức để vượt qua được. Phương pháp trả lương theo sản phẩm tự nó không mang lại phép lạ mà người ta mong đợi. Vì vậy, người ta đã sử dụng chính sách dùng áp lực một cách điên cuồng: một là tiền thưởng và quảng cáo rầm rộ, hai là trừng phạt.
Bước đầu của phong trào được đánh dấu bằng những biện pháp đàn áp hàng loạt các bộ phận nhân viên kỹ thuật, các kỹ sư và các công nhân bị buộc tội trì kháng, phá hoại ngầm và trong một số trường hợp bị buộc tội giết những chiến sĩ stakhanôp. Sự trừng trị nghiêm khắc ấy chứng tỏ sức mạnh của sự chống đối. Ban lãnh đạo giải thích cái được gọi là “phá hoại ngầm” bằng sự chống đối chính trị; thực ra những nguyên nhân của nó thường do các khó khăn kỹ thuật, kinh tế và văn hóa mà một phần lớn là do chính bọn quan liêu mà ra. Sự “phá hoại ngầm” hầu như bị đập tan nhanh chóng. Những người bất mãn đâm sợ, những người tỉnh táo im lặng. Những bức điện báo, đến như mưa, bá cáo những thắng lợi chưa từng thấy. Sự thật là, chừng nào những người lao động stakhanôp còn là những người tiền phong riêng lẻ, những cơ quan hành chính địa phương, theo lệnh trên, phải chăm lo tạo mọi sự dễ dàng cho họ, dù phải hy sinh quyền lợi những người thợ khác trong mỏ hoặc trong xưởng. Nhưng đến khi các người stakhanôp ghi tên đến hàng trăm và hàng nghìn, các nhà lãnh đạo bỗng nhiên hoảng loạn hoàn toàn. Không có phương pháp trong thời gian ngắn đem lại trật tự cho chế độ sản xuất và cũng không đủ khả năng khách quan để làm việc đó; trong trường hợp như thế, họ chỉ còn cách cố gắng cưỡng bức nhân công và áp dụng kỹ thuật. Cũng như khi cái máy đồng hồ chạy chậm lại, người ta chọc vào các bánh răng cưa con con bằng một cái đinh. Kết quả của những “ngày” và những tuần stakhanôp là đưa hoạt động của nhiều xí nghiệp vào tình hình hỗn độn. Điều đó giải thích cho chúng ta việc, thoạt nhìn có vẻ kỳ lạ, con số những stakhanôp gia tăng thường kèm theo không phải sự gia tăng mà sự giảm sút năng suất chung của các xí nghiệp.
Thời kỳ “anh hùng” của phong trào stakhanôp hình như đã lỗi thời. Hoạt động thường nhật lại bắt đầu cần phải học hỏi. Đặc biệt, những kẻ hay dạy người khác còn phải học hỏi rất nhiều. Nhưng họ là những người ít thích học nhất. Trong nền kinh tế xô viết, cái bộ máy làm chậm và tê liệt các bộ máy khác có tên gọi là bộ máy quan liêu.
Chú thích:
[1] bằng tiếng Anh trong nguyên tác