Quý đen ngồi ghếch chân lên bàn. Lầu Bồng Lai lúc ấy chỉ có nó và hai thằng nhãi Danh, Lựa. Nó lắc chai bia đặc rồi rót ra chiếc ly có quay cầm. Danh và Lựa ngồi im không dám nhúc nhích. Hai đứa chầu chực như hai kẻ tử tội đang chờ lệnh khoan hồng. Quý đen thản nhiên hút thuốc, uống bia. Thỉnh thoảng, nó cao hứng hát một đoạn nhạc thời trang ca ngợi tình rẻ rúng của các nhạc sĩ đợt sống mới. Nó uống lai rai đã hết hai chai bia đặc lớn mà vẫn chưa thèm hỏi han đàn em dưới trướng nửa tiếng. Danh và Lựa kiên nhẫn chờ. Muỗi đốt, chúng nó mặc kệ chẳng thèm đập hay gãi. Sợ tiếng động làm Quý đen điên tiết. Ông vua đánh giầy uống đến chai thứ ba thì thằng đàn em thân tín dắt ba thằng nhãi khác “ lên lầu ”. Nó cung kính bước tới trước mặt Quý đen, khoanh tay thưa: Em đã kêu tụi nó… Quý đen xoay người. Ba thằng nhãi xanh xám mặt. Danh bấm Lựa quay đi chỗ khác. Vì nó không xa lạ gì ba thằng nhãi này. Quý đen đã tháo khoá giây lưng da cá sấu ở bụng tự lúc nào. Nó đứng lên, rút giây lưng khỏi bụng. Nó quay tay năm bảy vòng. Sợi dây lưng da cuộn tròn vào ngón tay nó cơ hồ con rắn quấn chặt lấy địch thủ. Và khi Quý đen quay ngược tay cho sợi giây nhá dài ra là nó quất lia lịa lên mình mẩy ba thằng đánh giầy thiếu thuế. Quý đen quất một hơi thôi đã đời, trở về ghế ngồi. Nó nốc bia một cách khoan khoái. Hình như nó tìm thấy đồ nhắm: đồ nhắm in vết đỏ tươi trên lưng ba thằng thiếu thuế. Ba tội nhân nghiến răng chịu đòn. Kêu ca còn bị đánh đau hơn. Quý đen nốc cạn ly bia, lại đứng dậy. Lần này, nó quất khóa đồng vào thân thể tội nhân. Trừg phạt đủ đòn, Quý đen hất hàm: Cút xuống, mai nộp thuế muộn, ông xẻo lưỡi chúng mày! Ba tội nhân lủi thủi đem vết đau “ xuống lầu ”, xuống cuộc đời. Quý đen mở cái nút chai bia thứ tư. Bây giờ, bia đã tan không còn đặc nữa nhưng vẫn lạnh. Nó tụt giầy mỏ vịt, nghếch chân lên bàn. Danh vừa chứng kiến đòn của Quý đen. Nó nghĩ mà ghê giùm thằng Lựa. Hèn chi thằng Lựa dám xâm mình. Ngồi gần Quý đen, mộng đọc “ pố gam ” tuồng cải lương và truyện Tam Quốc của thằng Lựa bay biến đâu mất. Nó quên Trương Phi hét bự và Quan Công râu dài quá rốn, mặt đỏ tựa giầy hồng điều. Mỗi đứa tưởng tượng sự khủng khiếp mà chúng nó sắp hứng đón. Đột nhiên, Quý đen búng tay: - Ôn con, nghe nói tụi mày bị xúc vô Tế Bần, hả? Lựa buột miệng: Dạ, thưa anh cực lắm, nó bắt tập thể thao ngoài nắng ạ! Danh cấu Lựa một cái thật đau, ngầm bảo nó câm miệng. Song thằng nhãi chứng nào vẫn giữ tật ấy, cứ thao thao: Thưa anh, nó bắt xăm năm chấm tròn vào cổ tay. Lần sau vô Tế Bần nó sẽ đánh chết. Danh sợ Lựa sắp phun chuyện xăm thằng cầm giây lưng cá sấu thì nguy to. Nó tranh lời Lựa: Thưa anh trong đó có thằng Quế bệu khiếp hết cỡ! Quý đen tò mò: Nó làm gì? Thưa anh nó xếp sường phòng tụi em. Danh phịa chuyện: Mới vô nó lấy giầy đinh nện vào mặt muốn chết luôn. Đứa nào cũng bị nó đánh. Phiên em, em nói em là đàn em của anh. Quý đen gật gù: Nó bảo sao? Danh rướn người lên, kiêu hãnh: Nó bảo Quý đen “ chì ” một cây. Quý đen nốc một hơi bia dài: Rồi sao nữa? Biết Quý đen ưa nịnh, Danh tấn công: Rồi nó bảo nó không dám đụng vào đàn em Quý đen. Và em chả bị cái giầy đinh nào. Hôm em ra, Quế bệu gửi lời chào anh. Quý đen đưa lưỡi liếm môi: Nó đụng tới bọn mày, tao nện bỏ mẹ nó. Cao hứng, nó hỏi Lựa: Còn mày, mày bị thằng cắc ké cho ăn cái giầy đinh nào không? Danh đáp giúp bạn: Thưa anh không ạ! Quý đen trừng mắt: - Để im tao hỏi nó, việc gì tới mày mà xía mõm vô. Danh khoanh tay: Em sợ nó nói thiếu. Kệ mẹ nó, không khiến mày. Danh đưa ngón tay lên miệng nhấm nhá móng. Quý đen lại hỏi Lựa: Thằng ôn kia, Quế bệu có “ tẩn ” mày không? Lựa liếc Danh. Thấy bạn nháy mắt. nó trả lời: Thưa anh không ạ! Nó có chỉ bắt em xăm tay. Danh giật mình đánh thót một cái. Nó vội kéo cánh tay áo, khoe Quý đen: Nó dụ tụi em xăm năm cái chấm. Quý đen hất đầu: Năm chấm gì? Năm chấm tròn, nó bảo là Tứ Hải Giai Huynh Đệ là đứa nào xăm năm chấm này ra ngoài thành anh em, đừng uýnh lộn nhau. Quý đen nhếch mép cười: Mẹ, cái thằng lộn xộn quá, hé! Dạ. Nó xăm mình ghê lắm anh! Quý đen cởi phăng áo ra. Nó ưỡn ngực hỏi: Bằng tao không? Danh và Lựa trố mắt ngắm con rồng lộn, miệng ngậm một trái tim rướm máu. Lựa tặc lưỡi: Anh “ chì ” quá xá! Còn Danh bốc thơm Quý đen: Quế bệu bằng anh sao được, còn lâu mới bằng anh. Hoạ khi anh chết nó mới bằng anh. Quý đen mát lòng hả dạ. Nó nâng ly bia, nốc ừng ực: Nó phải sống ba đời mới bằng tao. Dạ. Quý đen gật gù: Tụi bây xin đánh giày, hả? Danh chỉ chờ đợi có vậy. Nó gãi gáy: Dạ. Tụi mày lộn xộn bị bắt làm ông mất hết hòm. Muốn đánh giầy thì đóng hòm lấy. Nộp thuế buổi chiều như xưa, mỗi ngày hai chục. Thiếu thuế thì ốm đòn. Ông không thương thằng nào hết trọi. Lựa khúm núm: Anh cho em nghỉ. Quý đen thản nhiên: Mặc mẹ mày. Nghỉ thì đừng bén mảng đến Kim Sơn. Thôi, cút cha chúng mày đi! Hai đứa đứng dậy, dắt nhau đi về phía cầu thang. Quý đen gọi giật lại: Thằng ôn đánh giầy chiều mai phải nộp thuế. Còn thằng kia đi đâu chết cha mày cho khuất mắt ông. Ông gặp mày ở Kim Sơn ông giết mày, moi gan nhậu la de đa! Hai đứa bước xuống đường. Chúng nó ngậm tăm. Cho đến lúc ra đến phố Lê Lợi, Danh mới hích Lựa một cái nên thân: Mẹ kiếp, mày ngu như con “ kẹ ”… Lựa nín thinh. Danh mắng tiếp: Việc gì mà xin thôi. Đừng đánh bài cào thì thiếu thuế nào được. Lựa đớ người ra. Nhưng…nhưng…ở nhỉ! Ờ ờ cái con củ “ kẹ ”. Tao sợ tao đi học… Học gì, học chọc bát cơm á! Học để đọc “ pồ gam ” tuồng với truyện Tam Quốc ấy mà, mày quên rồi à? Danh mím môi, giận dữ: Mẹ kiếp, may lắm mới không bị đòn, nó cho đánh giầy mà mày lại xin nghỉ. Nó nhổ bãi nước miếng: Mồm mày như… Nó nghĩ mãi không ra thứ để so sánh, nói bừa: -…như “ kít ” ấy! Lựa cúi đầu: Ờ ờ, tao dại thật. Ông đã bảo đừng nói gì, mặc ông nói mà mày cứ thích nói. Ông chán mày hết sức là chán… Lựa chớp mắt: Mày lại chán tao à? Ừ, ông chán? Lựa liếm môi: Hay tao vào sống với Quế bệu nhá? Danh tần ngần một giây rồi vỗ lưng bạn: Thôi, đi kiếm cái thùng với tao, đừng nghĩ bậy nghĩ bạ nữa. Lựa hỏi: Tao vẫn được đi học chứ? Rồi hãy nói chuyện đi học. Thế thì lâu lắm mới đọc được “ pồ gam ” cải lương mày ơi Tiếng “ ơi ” của Lựa kéo dài nghe ão não và tuyệt vọng làm sao. Khiến Danh phải an ủi: Yên chí, không lâu lắm đâu. Chừng nào? Vài tuần nữa. Sao mày biết? Vài tuần nữa mới để dành tiền đóng tiền trường cho mày được. Lựa trố mắt: Bộ phải nộp thuế cho trường à? Danh toét miệng cười: Đâu có, ba tao biểu nhà nghèo học trong ngõ phải trả tiền thầy. Ờ ờ… Mày ngu như “ kẹ ” biết gì mà ờ ờ…Bây giờ tao với mày đảo quanh chợ Bến Thành kiếm cái thùng gỗ đựng nho táo. Mình lượm về thuê thợ mộc đóng hòm. Chiều nay, tao đi đánh giầy chắc kiếm bộn. Không biết số mình hôm nay ra sao. Tao với mày lại chỗ thằng Năm bán báo đi. Nó ở đâu? Ở chỗ Kim Chung. Gặp nó ăn cái giải gì? Mày đếch hiểu đầu đuôi gì cả. Trước tao vẫn nhờ nó coi tử vi trong báo giùm. Tao cầm tinh con khỉ, nó dò con khỉ, rồi đọc “ nam mạng hôm nay khá, nam mạng hôm nay cứ ra đường ”. Hôm nào con khỉ khá tao đi đánh giầy hai buổi, hôm nào cứ ra đường, tao nằm ca vọng cổ. Như vừa khám phá ra điều bí mật. Lựa gật gù: Hèn chi! Hèn chi cái gì? Hèn chi những hôm mày nằm ca vọng cổ rủ hoài mày không đi. Ờ, tao tin tử vi đi. Sao mày không nói tao nghe? Thằng Năm bán báo biểu tao nghe xong phải dấu nhem đừng kể lể lôi thôi hết thiêng. Lựa giật cánh tay Danh: Này mày ơi… Gì? Chắc đọc được “ pồ gam ” tuồng thì cũng đọc được tử vi ở nhật trình hả, mày? Đọc được là cái chắc. Lựa sung sướng reo lên: Tao cũng sẽ tin tử vi… Danh hỏi: Mày cầm tinh con gì? Lựa cụt hứng: Ờ ờ, chả biết con gì! Sao mày là con khỉ? Ba tao biểu. Lựa rầu rầu: Tao ở viện mồ côi thì cầm tinh con gì. Có con “ kẹ ” không hả, mày? Danh cười rũ rượi: Mẹ kiếp, làm gì có ai cầm tinh con “ kẹ ”! Lựa lại giật cánh tay Danh: Này, mày ơi! Gì? Vậy tao đọc tử vi chỗ con khỉ của mày, khỏi cần nhớ thằng Năm bán báo nghe chưa? Ừ. Mỗi ngày tụi mình mua một tờ báo nghe chưa? Ừ. Giờ đi kiếm thùng gỗ, hả? Ừ. Mày tính đóng mấy chiếc hòm? Đóng một chiếc đã, còn tí tiền còm để mua “ xia ra ”. Còn bàn chải? Trưa nay tao ăn cắp của tụi nó. Lựa ngẫm nghĩ một lát rồi bàn: Sao không mua bàn chải? Mua bàn chải hết mẹ tiền. Mua bàn chải, rồi ăn cắp “ xia ra ” mày ạ! Mỗi thằng có một cái bàn chải ăn cắp của nó, nó phải kiếm tiền mua cái khác, thiếu tiền nộp thuế. Quý đen đánh mất xác. Tao ăn cắp của tụi ở chợ Cũ cơ mà… Tụi chợ Cũ cũng có chúa đảng chuyên đánh đàn em bằng củi tạ, mày chưa biết à? Lựa nói tiếp: Đừng ăn cắp bàn chải của tụi nó, mày nhá! Danh cười xoà: Bây giờ ông mới thấy mày khôn. Giá lúc nãy mày câm miệng để ông nịnh Quý đen có phải khôn hơn không. Từ nay ông bảo mày phải rán nghe cho lọt vô tai nghe chưa. Lơ tơ mơ lần này ông bỏ rơi mày là mày hết có đọc nổi “ pồ gam ” tuồng cải lương đi… Câu nói doạ nạt của Danh tràn đầy tình yêu mến. Làm cho Lựa chẳng những không giận bạn mà còn tươi cười. Với lại đọc truyện Tam Quốc nữa. Nó nhằm nhắn: Mày bỏ rơi tao, mày hết được nghe truyện Tam Quốc Danh ơi! Nó bĩu môi: Ông còn coi cả sổ tử vi ở báo nữa. Hề hề… cầm tinh con gì không cầm lại cầm tinh con khỉ! Danh bẹo tai Lựa: Ông khỏi cần nghe mày đọc Tam Quốc. Chắc không? Chắc. Vậy sao mày biết thằng Trương Phi bắn nhanh hơn thằng Quan Công? Danh dìu bạn đi. Nó dục: Lẹ lên kẻo muộn rồi mày… Lựa tiếc rẻ truyện Tam Quốc: Vừa đi vừa nói nhé? Nói cái gì? Nói chuyện thằng Trương Phi với thằng Quan Công. Ừ. Hai đứa song song bước. Chúng nó đảo về chợ Bến Thành. Lựa bảo Danh: Tao với mày cá nhé! Cá cái gì? Cá một chầu Long Thuận tuồng cao bồi. Tao bảo mày cá vụ gì cơ mà? Vụ thằng Trương Phi. Cá sao? Tao bảo thằng Trương Phi sẽ bị thằng Quan Công bắn lòi ruột. Lựa chìa bàn tay, Danh chộp lấy ngay: Hễ thua mà không khao ông coi tuồng bao bồi thì nhừ đòn đa! Lựa hích bạn: Mày dám đánh tao à? Ông chỉ búng khẽ là mày nát xương rồi. Rỡn hoài, nếu mày thua tao thì sao? Ông sẽ cho mày đi coi rạp “ Rếch ”gắn máy lạnh. Ui cha, lên cầu thang máy sướng rên “ mé đìu hiu ”… Lựa mới nghe ba tiếng “ mé đìu hiu ”. Chơi với Danh cả năm mà nay nó mới nghe ba tiếng lạ lùng này. Nó tròn mắt: “ Mé đìu hiu ” là gì hả, mày? Danh đưa ngón tay chỏ chọc vào nách Lựa: Mày hỏi làm gì? Để tao tập nói. “ Mé đìu hiu ” là sướng rên lên, sướng nhất đời, sướng số dzách. Ai dạy mày đấy? Thằng Quyền. Thằng Quyền “ kền ” nhỉ? Ừ, nó đã từng đâm một thằng hơn nó suýt lòi ruột. Ở đâu vậy mày? Ở Đakao. Ghê quá hé! Nó bảo nó còn dấu kỹ con dao nó đâm thằng khốn kia. Nó hứa ra ngoài nó cho tao. Vớ được con dao của nó chắc tao sẽ sướng rên “ mé đìu hiu ”…. Khiếp bỏ mẹ đi ấy… Khiếp cái cục “ kít ” chó. Hai đứa đã tới khu hàng bán nho, táo, cam ở bên trái đường Lê Thánh Tôn. Danh không nói chuyện nữa. Mắt nó đảo quanh kiếm chiếc thùng gỗ. Lựa vỗ vai Danh: Mày à! Tao thì đọc được “ pồ gam ” tuồng tao mới sướng rên “ mé đìu hiu ” … Danh gật đầu. Nó trông thấy chiếc thùng gỗ, nhanh như chớp, nó lượm rồi chuồn thẳng. Chợ đông người, không ai để ý chiếc thùng gỗ bỏ lây lất. Danh đã trở về hè phố Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực. Đồng nghiệp của nó rửng rưng. Nếu Danh không mặc áo thung để lộ hình xăm hai thằng nhãi trên cánh tay, có lẽ, bọn nhãi chẳng biết nó ở Tế Bần ra. Danh chăm chỉ hơn trước. Tự nhiên, nó cảm thấy nó có bổn phận đối với Lựa. Bây giờ, chỉ có mình nó xách hòm đi đánh giầy. Nó phải làm cả hai buổi mới đủ tiền nộp Quý đen, tiền ngủ và tiền ăn của hai đứa. Rồi tiền mua “ xia ra ”, tiền đi coi cao bồi rạp Long Thuận. Quần áo sẽ rách mòn, mỗi đứa cũng cần thêm một bộ mới cho bảnh bao. Danh còn nghĩ cả đến chuyện để dành tí tiền còm mua thuốc, lúc đau ốm đóng thuế Quý đen. Những món tiền khiến nó đau lòng mỗi bận nhớ tới là tiền đóng học phí cho Lựa. Danh khôn ngoan. Nó hiểu con nhà Lựa này dám quên ăn, quên ngủ, quên tất cả để mơ ước chuyện đọc được “ pồ gam ” tuồng cải lương và truyện Tam Quốc. Chính Danh cũng đang thắc mắc truyện Tam Quốc đọc cho ba nó hồi còn sống đã dặn nó rán học để coi nổi truyện Tam Quốc và đọc cho ba nó nghe. Ba nó chỉ mới kể sơ rằng Trương Phi hét to lắm, rằng Quan Công râu quá rốn mặt đỏ như giấy hồng điều, hai thằng này chơi với nhau như anh em ruột… Gần đây, nó và thằng Lựa còn cá nhau Trương Phi hạ Quan Công. Danh chắc mẩm truyện Tam Quốc hay y hệt tuồng Tác giăng chúa tể rừng xanh. Nó không mơ ước đọc truyện Tam Quốc. Ba nó chết rồi đọc ai nghe. Nó ước mơ Lựa sẽ đi học, sẽ đọc được “ pồ gam ” tuồng cải lương và truyện Tam Quốc. Rồi những đêm mùa mưa lạnh, hai đứa nằm dưới hiên tiệm buôn Ba Tàu, thắp ngọn đèn cầy bàn truyện Tam Quốc thì thật sướng rên “ mé đìu hiu ” … Lựa sẽ đọc tới đoạn thằng Trương Phi hét bự. Sung sướng quá! Những ngày đầu trở về với hè phố của Danh thì Lựa lang thang khu vực lân cận. Nó đi tìm trường học, ngắm bọn học trò đùa rỡn cho đỡ thèm. Nó đi cả tuần mà chẳng tìm được ngôi trường tiểu học nào. Trung tâm Sài gòn không có những ngôi trường vừa tầm mắt nó nhìn. Lựa đã tới trường tiểu học Tôn Thọ Tường. Nhưng ở đây, trường cao quá, lại xây bằng gạch. Có mỗi cái cổng thì giờ ra chơi khoá chặt, Lựa không thể lẻn vào sân trường, đứng gần bọn nhãi cười với chúng nó hay nhăt giùm hòn bi, cái vòng. Trường này nhiều con gái. Lựa không thích nhìn con gái nên nó bỏ rơi trường Tôn Thọ Trường. Nó cũng đã mon men sang trường Trương Minh Ký. Song cổng trường gần chỗ đèn xanh đèn đỏ có cảnh sát đứng. Nó ngán cảnh sát, nó sợ trại Tế Bần, bỏ rơi luôn. Lựa kể cho Danh nghe. Thằng bạn nó mắng gở: Ngu như con “ kẹ ” ấy, cỡ tụi mình phải học ở trường trong ngõ hẻm bên Khánh Hội, nghe chưa? Danh sống bên Khánh Hội từ nhỏ tới lúc ba nó chết. Nó biết rõ ngõ nào có trường. Nó hứa hôm nào rảnh sẽ dẫn Lựa sang Khánh Hội xem trường học trong ngõ hẻm. Khốn nỗi, Danh phải làm cả hai buồi, mười giờ mới gửi hòm đi ăn cơm, thành thử, lời hứa của nó khó thực hiện lắm. Lựa lủi thủi một mình cuốc bộ qua cầu Mống sang Khánh Hội. Nó đi cùng các ngõ. Và đã kiếm ra một ngôi trường lý tưởng của nó. Trường là căn nhà lá luộm thuộm chẳng khác gì cuộc đời của những người lao động bến tàu. Chân bàn và chân ghế chôn luôn xuống nền nhà đất. Cô giáo xấu xí, mặt rỗ chằng chịt. Học trò toàn bọn lau nhau, mắt toét, mũi thò lò, bẩn thỉu kinh khủng. Hai tiếng đồng hồ lại có một lớp. Từ bẩy giờ sáng đến bẩy giờ chiều, học cả buổi trưa. Cô giáo, thỉnh thoảng, ngừng dạy ra đầu ngõ uống ly rau má. Bọn nhãi học trường này nhiều đứa bằng tuổi Lựa. Nhưng tụi nó đã biết làm toán đố. Lớp vỡ lòng rặt bọn ranh con vừa đánh vần vừa gặm bắp luộc hay mút đá nhận. Cái quang cảnh chả có gì nên thơ cả. Lựa không tìm thấy sân trường, cây to bóng mát, giờ ra chơi, song nó thấy nó gần gũi ngôi trường này quá và quyến luyến ngôi trường này không biết thế nào mà tả được. Lựa đã quên ăn, quên trở về ngủ trưa với Danh. Nó đứng ỳ gần trường hóng tai nghe cô giáo giảng bài. Lựa biết thêm truyện ông Thừa Cung. Tối về nó kể cho Danh nghe thay vì bàn truyện Tam Quốc. Cô giáo mập, mặt rỗ, trong đôi mắt của Lựa, đẹp cơ hồ một bà tiên. Cô giáo giảng đi giảng lại chuyện ông Thừa Cung và khuyên bọn nhóc bằng tuổi nó rán theo gương ông Thừa Cung. Lựa nhớ tin vào dạ nó sự tích ông Thừa Cung. Nó ngây thơ ao ước mình được như ông Thừa Cung. Lựa có ý nghĩ làm nghề chăn heo lợi hơn làm nghề đánh giầy. Giá nó chăn heo, nó giả vờ đuổi heo qua đây rồi đứng nghe học trò học, chắc cô giáo sẽ cho nó quét trường. Đêm đêm nằm ngủ, Lựa chiêm bao ông Thừa Cung. Nó thấy ông Thừa Cung đọc truyện Tam Quốc vanh vách. Nó còn thấy ông Thừa Cung gối đầu lên chiếc hòm đánh giầy đọc “ pồ gam ” tuồng cải lương nữa. Một tuần liền nó lân la ở ngôi trường lý tưởng của nó. Nó không được cô giáo hỏi han nửa lời. Nó hơi buồn, tiếc rẻ mình không chăn heo. Học trường này rẽ lắm, mỗi tháng đóng có mười lăm đồng. Nó tự chửi nó ngu. Phải chi đừng nói năng gì, để Danh lo liệu có phải Quý đen cho nó đánh giầy không. Nhưng chuyện đã lỡ rồi, Lựa đành nín thinh, sợ hé răng Danh lại bảo nó “ ngu như con kẹ ”. Mấy tuần đầu, tối ngủ hai đứa còn kể mộng ước cho nhau nghe. Danh vẫn hứa hẹn “ vài tuần ” nữa Lựa sẽ đi học. Và Lựa nhủ thầm “ sáu tháng ” nữa nó sẽ đọc nổi “ pồ gam ” tuồng và truyện Tam Quốc. Riết rồi, Danh đánh giầy hai buổi, trưa nó ngủ trên lầu hay dưới chân cầu thang Bồng Lai, mặc Lựa ăn cơm một mình ở chợ Cũ. Tối về. Lựa chưa kịp kể chuyện ông Thừa Cung thì Danh đã ngáy khò khò. Sang dậy, mỗi đứa một nẻo. Thằng xách hòm lên Kim Sơn, thằng cuốc bộ sang Khánh Hội. Lựa ì xác bên Khánh Hội. Trưa nó nhấm nhá mẩu bánh mì không và uống ly nước mía. Nó thấy thằng Danh lầm lầm lì lì nên ngại chẳng dám bàn chuyện đi học. Thật ra thằng Danh khổ sở hết sức. Khách ăn uống ở khu vực Quý đen khá nhiều song càng ngày dân đánh giày nhập hội càng đông. Một nhà hành có lúc trên mười thằng đánh giầy đụng độ. Kiếm ăn khó, tiền thuê không giảm. Luật hè phố khác luật toà án, chỉ có tăng chứ không hề giảm. Quý đen vẫn là hung thần dưới mắt bọn nhãi. Sợi giây lưng da cá sấu khoá đồng của nó lúc nào cũng có thể quật lên thân thể những thằng thiếu thuế, trốn thuế. Bị cảnh cáo một trận, tớn đến già. Danh đã tận mắt chứng kiến Quý đen trừng phạt bạn đồng nghiệp của nó. Nó dám nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc, nhịn ngủ, làm úa héo ước mơ của Lựa chứ không dám thiếu thuế Quý đen. Thiếu thuế Quý thì ăn đòn, đen nhằm ngày vua đánh giầy cao hứng, sau trận đòn sẽ nằm tê liệt. Rồi không những ước mơ của Lựa héo úa mà cả hai đứa sẽ chết đói. Danh thèm sống lắm. Nó thèm nghe Lựa đọc truyện Tam Quốc xem thằng Trương Phi bắn nhanh hay thằng Quan Công bắn nhanh. Nó thèm mỗi ngày kiếm dư năm đồng để đủ tiền đóng học phí và mua tập cho Lựa. Danh thèm bao nhiêu thứ. Rốt cuộc, nó đánh giầy dài cả tay, ngồi khom lưng lệch cả xương sống mà chẳng dư đồng nào. Quý đen đã lột của nó hai mươi đồng. Thằng đầu nậu chỗ ngủ lột thêm mười đồng. Hai bữa ăn cơm của hai đứa mất hai mươi đồng nữa. Danh đã nhịn hút thuốc “ Ách chuồn ”, nhịn coi phim cao bồi bắn súng ở Long Thuận. Chủ nhật, chịu hết nổi, nó mới rủ Lựa đi coi cọp cải lương, đứng chờ gần hết xuất cho chủ gánh thả giàn. Danh không dám nghỉ buổi nào, kể cả những hôm có cảm cúm và tử vi trong báo báo “ tuổi con khỉ cẩn thận tránh ra đường hôm nay ”. Nó hết tin tử vi. Vì nó sợ thiếu thuế Quý đen và đói khát. Phần mệt nhọc, phần buồn rầu. Danh biếng nói chuyện với Lựa. Khiến Lựa tưởng đã trở thành gánh nặng cho Danh. Nó lại chửi rủa nó “ngu như con kẹ ”. Lựa khờ khạo thật đấy nhưng nó thừa hiểu giá sống một mình, chắc chắn, thằng Danh sung sướng như tiên. Toàn nó gây cho Danh sự cực khổ. Nghĩ vậy, Lựa ứa nước mắt không trách Danh lơ là chuyện cho nó đi học nữa. Lựa âm thầm cầu nguyện. Khi thì nó ước đi chăn heo giống ông Thừa Cung, khi thì nó ước lượm được cái bóp đủ sáu trăm năm mươi đồng. Nó ước ao ròng rã một tháng mà cuộc đời không có những ông bụt, những bà tiên trong truyện cổ tích. Cuộc đời chỉ có Quý đen, Quế bệu, thằng đầu nậu chỗ ngủ, dùi cui của cảnh sát và roi vọt của lũ giám thị trại giáo hoá Tế Bần. Chuyện đi học của Lựa kể như bị Danh quên hẳn. Nó chưa chán sang Khánh Hội nghe cô giáo giảng chuyện ông Thừa Cung, ông Châu Trí, ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ. Lựa thuộc hết chuyện ba ông này. Nó còn muốn thuộc nhiều hơn song cuốc bộ mãi mỏi rời chân. Có hôm, nó bị cô giáo đuổi vì có trò mất hai đồng, cô giáo nghi Lựa ăn cắp. Nó ngại, không qua ngôi trường lý tưởng của nó nữa. Lựa lang thang như chó mất chủ ngoài Sài gòn. Nó lại đến trường tiểu học Tôn Thọ Tường. Nó cảm thấy bỡ ngỡ và nhận ra điều thằng Danh đã nói. Lựa đi tìm ngôi trường luộm thuộm ở Sài gòn. Nó đi tìm để nghe hóng cô giáo giảng bài. Nó thất vọng. Đúng vào dịp buồn nẫu người của Lựa thì Danh vui như sáo. Chiều nay, Danh về sớm. Nó trườn hòm tới chỗ Lựa đang ngồi ủ rũ, miệng bi bô: - Tuyệt quá mày ơi, đi ăn đi! Lựa chưa kịp hỏi han. Danh đã đập mạnh vào vai nó: - Đừng buồn chầy mặt ra nữa. Đi ăn cơm cà ri gà rồi tao với mày tới Long Thuận coi tuồng “ Bắn chậm thì chết ”. Tuyệt quá, mai tao đưa mày đi học. Sướng quá, sướng rên “ mé đìu hiu ”… Nghe hai tiếng “ đi học ” đôi mắt Lựa đương mờ bỗng sáng rực cơ hồ hai ngọn đèn pha xe hơi. Nó nắm bàn tay, đấm mạnh xuống hòm đồ nghề của Danh: Thế hả? Danh lè lưỡi, liếm môi lia lịa: Ông vớ món bở quá… Lựa nghĩ liền đến giấc mơ của nó: Lượm được cái bóp à? Con “ kẹ ”! Lựa mím môi, nhăn mặt một cách thích thú: Vớ được món gì? Danh ngồi bệt xuống vỉa hè, mặt hớn hở: Tao đánh giầy cho một thằng lính thuỷ mũi lõ. Chả biết Ăng Lê hay Huê Kỳ. Chắc đếch phải Tây. Tây về nước bố nó hết rồi. Tụi nó bảo hồi còn Tây, đánh giầy ngon lắm. Thằng mũi lõ này ngộ thật tình. Nó bắt tao với thằng Năm mỗi đứa đánh một cái. Hai đứa đua hoài huỷ. Tụi tao đánh nước bóng loáng. Đánh cả tiếng, thằng lính thuỷ nhìn tụi tao chấm la ve vào giầy nó, cười khoái tởn, lúc nó đứng dậy, nó cho mỗi đứa một tấm giấy bạc. Con mẹ bán thuốc lá bảo đô la Mỹ. Nó đổi cho tao trăm bạc nhưng mới đưa trước ba chục. Tử vi tam hôm nay hên ghê. Mày biết không thằng Năm bán báo đọc vanh vách “ tuổi con khỉ có tiền bộn ”… Danh ba hoa một hồi. Chừng chưa diễn tả hết sung sướng, nó nói tiếp: Nó dại ghê, cho những trăm bạc. Hai thằng đi chơi lu bù đêm nay. Mai lấy nốt bẩy chục tao cho mày hết trọi, tao đưa mày sang cái trường xóm tao ở hồi xưa. Mẹ kiếp, mai ông nghỉ buổi sáng… Lựa nghe Danh nói tới đâu, tỉnh người tới đó. Nhưng đầu óc nó vẫn cứ quay cuồng ba bốn ý nghĩ. Rồi nó đâm nghi ngờ Danh “ phiệu ” chuyện để làm vui lòng nó. Lựa ngước mắt hỏi: Thật hả? Danh móc túi ném xuống vỉa hè tập giấy bạc năm đồng. Ông nói dối mày làm gì? Mười tờ là năm chịch đấy. Đóng thuế Quý đen rồi. Đêm nay tụi mình nhậu thả cửa. Đôi mắt Lựa long lanh cơ hồ hai giọt sương mai phản chiếu ánh mặt trời. Chân tay nó run rẩy. Nó đứng lên, ôm chầm lấy Danh: Sướng rên “ mé đìu hiu ”… Danh gỡ tay bạn ra. Nó khoe: Đồng đô la nhỏ bằng đồng bạc giấy của mình mày à? Lựa lè lưỡi liếm môi: Nó có thơm không? Danh luồn tay về phía sau gãi lưng: Ơ, tao quên không ngửi, nhưng chắc nó thơm phưng phức… Lựa tiếp lời bạn: Thơm là cái chắc nó ăn những một trăm đồng kia mà… Thằng cha lính thuỷ ngu như con “ kẹ ” mày nhỉ? Danh mắng yêu bạn: Nó không ngu thì mày khỏi có được đi học, con ạ! Thôi đi gửi hòm thằng đầu nậu chỗ ngủ rồi tao với mày đi cho khoái tớn. Giá thằng năm đừng nhào vô thì mày được hai đô la hé? Đâu có, thằng mũi lõ bầy trò để tụi tao đánh đua mà. Lựa nuốt thêm miếng nước bọt nữa. Lần này, Danh nghe rõ tiếng “ ực ” và nhìn rõ miếng nước bọt trôi qua cổ học xuống dạ dầy Lựa. Nó nhếch mép cười: - Chi mà tiếc rẻ dữ vậy? Lựa thở dài: Tao mới ngu như con “ kẹ ”. Giá tao đừng xin Quý đen thôi thì mày đã xí phần của thằng Năm cho tao, tụi mình có hai đồng đô la đổi một đồng còn một đồng cất kỹ, thỉnh thoảng, đem ra ngửi chắc sướng cái lỗ mũi lắm, mày nhỉ? Danh đập mạnh vào lưng bạn: Đừng lo, tụi nó bảo lính thuỷ lên bờ cả ngàn thằng. Hai cái tầu cặp bến Bạch Đằng lận. Mai tao sẽ có một đô la nữa cho mà coi. Thôi đi đi … Lựa tin ở lời Danh nói. Nó cúi xuống lượm chiếc hòm đồ nghề của Danh. Hai đứa song song bước. Chúng nó đi tìm thằng đầu nậu chỗ ngủ, đặt tiền “ giường ” và gửi hòm. Xong đâu đó, hai đứa đến tiệm Đại Ích ăn mỗi đứa một đĩa cơm cà ri gà. Túi còn mười tám đồng, hai đứa rủ nhau lên Sài gòn. Khi chúng rời tiệm cơm Đại Ích, nắng đã tắt hẳn. Trời chiều xám màu. Gió mát lùa vào tâm hồn hai đứa trẻ. Như một đôi chim đã no mồi và tìm thấy tổ ấm của ngày mai, hai đứa trẻ tung tăng bước. Tới bùng binh chợ Bến Thành, đèn phố bắt đầu lên. Ánh sáng nhiều màu sắc làm chói mắt Lựa. Nó đã sống ở vỉa hè khá lâu, đã nhìn những ngọn đèn nê ông của các hãng nhấp nháy quảng cáo. Nhưng tối nay nó mới thấy những ngọn đèn nê ông đẹp. Lựa không khác gì một chú bé ở nhà quê mới ra thành phố. Tất cả, đối với nó, đều khác lạ. Từ những ô vuông xi măng nhỏ trên mặt vỉa hè tới tiếng hát khi thì khàn khàn khi thì rống lên, khi thì câm tịt thoát ra từ mấy cái máy phóng thanh gắn trên cái cột sắt giữa bùng binh đều đáng ngắm nghía, say mê. Cơn mưa hy vọng đã ào ào đổ xuống tâm hồn đại hạn của nó. Mai Lựa sẽ được đi học. Nó sẽ đọc nổi “ pồ gam ” tuồng cải lương, chiếu bóng, truyện Tam Quốc và biết thêm nhiều chuyện hay hơn ông Thừa Cung, ông Châu Trí, ông Tử Lộ. Nỗi sung sướng dồn vào bàn tay nó. Lựa đấm Danh một cú. Khiến Danh nhăn mặt: Mày làm cái gì thế? Lựa đần mặt ra: Sướng quá, sướng rên “ mé đìu hiu ”… Danh chỉ ngón tay vào trán nó: Sướng cái con “ kẹ ” gì mà đấm tao đau thấy mẹ vậy? Lựa không trả lời câu hỏi của Danh. Nó hất hàm: Mai tao đi học, hả? Ừ. Tao không ngu đâu, tao biết nhiều chuyện hơn mày, ra ghế đá giữa bùng binh tao kể cho mày nghe. Thôi tao thích coi tuồng “ Bắn chậm thì chết ”. Con nhà Bẩy coi rồi, nó bảo có thằng cao bồi tung đồng bạc lên trần bắn thủng một lỗ giữa đồng bạc. Lựa toét miệng cười: Chắc không nhanh bằng thằng Trương Phi đâu. Danh bẹo tai Lựa một cái khẽ: Mày đã xem thằng Trương Phi bắn rồi à? Hai đứa cười khúc khích. Lựa không thể để truyện ông Thừa Cung, ông Châu Trí, ông Tử Lộ mãi trong bụng nó được. Nó cần phải kể cho Danh nghe nó mới hả hê. Lựa quàng tay ngang lưng Danh: Hãy còn sớm, mày ơi! Ừ, còn sớm. Ra giữa bùng binh ngồi, tao kể chuyện ông Thừa Cung cho mày nghe. Thừa Cung là thằng nào mà mày gọi bằng ông? Nó “ chì ” hơn thằng Trương Phi không? Ông này chăn heo chứ không bắn súng. Tao “ ị ” vào chuyện thằng chăn heo. Chăn heo thì hay ho cái gì cơ chứ? Lựa cười thầm. Nó nghĩ, mới đứng cửa trường ít ngày đã “ kền ” hơn Danh nhiều rồi. Nay mai nó đi học, nó còn coi tử vi hàng ngày cho Danh thì phải biết con nhà Danh sẽ lác mắt. Nó dí ngón tay chỏ vào bụng Danh: Chuyện ông Thừa Cung hay hơn tuồng Thạch Sanh Lý Thông là cái chắc. Danh gỡ tay bạn ra: Có đoạn “ Đàn kêu tích tịch tình tang, Ai đem công chúa dưới hang lên lầu ” không? Lựa lắc đầu. Danh nói: Thế thì hay chó gì? Hay chứ. Hay ở chỗ nào? Mày nghe tao kể, mày sẽ khoái chăn heo ngay. Thật không? Thật. Nếu tao không khoái thì sao? Thì…thì…thì… Lựa không biết cược cái gì, cuối cùng, nó thề một câu quen miệng: Thì xe lửa cán chết tao! Danh bị Lựa lôi cuốn. Thật ra nó chìu bạn. Và nó bằng lòng băng qua đường sang bùng binh. Hai đứa ngồi cho chân lên ghế, ngả lưng ra chiều khoan khoái lắm. Danh móc túi đưa cho Lựa điếu thuốc “ Ách chuồn ” đã nát. Nó dục Lựa: Mày đi mồi tí lửa đi! Lựa chạy sang ghế bên cạnh nhặt mẩu thuốc lá còn cháy. Nó mồi xong, liệng đi rồi về ghế của nó. Nó hít một hơi dài đoạn đưa cho Danh. Danh móc điếu thuốc khác mồi lửa. Hai ông nhãi phì phà thuốc thơm một cách ngon lành. Danh bảo Lựa: Nào kể chuyện thằng Thừa Cung. Ông Thừa Cung chứ! Ai nói với mày phải gọi thằng chăn heo nó là ông? Tao nghe cô giáo bên Khánh Hội dạy học trò. Danh nín thinh. Một cảm giác êm êm vừa len lỏi vào mạch máu nó làm tâm hồn nó xổn xang. Nó nói rất nhỏ: Kể chuyện ông Thừa Cung đi… Lựa nhả khói thuốc, nó bắt đầu: … Ông Thừa Cung nhà nghèo, mày ạ! Ba má ổng ngỏm củ tỉ như ba má tụi mình. Ông phải chăn heo, kiếm cơm ăn. Sáng sáng dắt đàn heo ổng tạt ngang ngôi trường. Thầy học trò học hành vui quá xá, ông ta đứng cửa học lỏm. Thầy giáo thấy mặt mũi sạch sẽ, cho quét dọn trường học. Ông bỏ nghề chăn heo. Sau ông đỗ to lắm, làm quan sung sướng. Lựa kể xong hỏi bạn: Hay không? Hay. Nhưng rồi làm quan ổng có lấy vợ không? Tao không biết. Chả hiểu ông Thừa Cung có trốn viện mồ côi ra không nhỉ? Danh không trả lời câu hỏi bạn. Nó bắt đầu: Còn chuyện gì nữa không? Còn. Hay bằng chuyện Thừa Cung chứ. Hay hơn. Chuyện gì? Chuyện ông Châu Trí. Kể đi! …Ông Châu Trí cũng con nhà nghèo. Ông đến ở nhà chùa, tối quét lá đa đốt lên học, sau ổng đỗ đạt, làm quan to. Danh ném mẩu thuốc lá, nhìn bạn, cười hóm hỉnh: Mày muốn làm quan to không? Muốn thế nào được. Khó gì! Có cách à? Ừ, mày bắt chước ông Châu Trí đến chùa đốt là đa lên mà học. Lựa hích Danh một cái khuỷu tay: Rỡn hoài mày. Danh vươn vai: Còn chuyện gì nữa không? Còn mỗi ông Tứ Lộ! Ông Tứ Lộ chăn heo hay đốt lá đa? Lựa cười khoái chí: Ông này kỳ lắm. Ông ấy đi đánh giầy à? Không. Đi đạp xích lô nhé? Không. Thế ông mần chi? Ông mồ côi bố, vừa đi học vừa đội gạo lấy tiền nuôi mẹ. Sau ổng làm quan, mẹ ổng chết. Ổng khóc và tiếc mình không được đội gạo mãi để nuôi mẹ. Danh đã đứng lên. Nó nhún vai: Ông này kỳ thật. Nhưng đếch hay bằng thằng Trương Phi và thằng Quan Công, hé mày! Lựa quên béng mất câu thề “ Không hay thì xe lửa cán tao ”, nó gật gù: Ừ. Danh cũng quên luôn câu thề của bạn. Nó búng ngón tay: Đi coi “ Bắn chậm thì chết ” nhé? Lựa ngần ngừ giây lát rồi hỏi: Sao không sang Chợ Lớn chơi? Chợ Lớn toàn là Ba Tầu thích thú cái khố gì? Thích chứ. Thích cái khố gì? Đi coi người ta. Danh méo mồm chế Lựa: Ôi cha, coi người ta à? Lựa đứng dậy phóng một trái đấm trả lời Danh. Nhưng Danh né kịp. Hai đứa chạy ra bồn cỏ giữa bùng binh đùa rỡn nhau như một đôi chó đang thì. Chúng nó lăn lộn trên bồn cỏ, ôm nhau vật lộn. Thỉnh thoảng, có những tiếng kêu “ ái ối ” và những chuỗi cười ròn tan. Máy phóng thanh toát ra điệu nhạc vui. Hai đứa nghịch ngợm y hệt như những đứa trẻ vô tư nhất trên đời. Lúc ấy, hình ảnh Quý đen, hình ảnh chiếc hòm đồ nghề cáu bẳn đầy vỏ hộp “ xia ra ”, bàn chải và vải nỉ biến đâu mất. Cuộc đời, dưới mắt chúng, là những ánh đèn muôn màu, là khúc nhạc vui, là bồn cỏ non xanh êm không có cảnh sát đuổi ai hết. Rỡn nhau một lúc, Danh bảo Lựa: Tao làm Tạc giăng nhé? Lựa lắc đầu nguây nguẩy: Chơi khôn thế, tao không thèm làm mọi da đỏ đâu. Thế mày làm gì? Tao làm cao bồi. Vậy ông làm “ xê ríp ”, ông đi tóm cổ cao bồi. Lựa lao người vào Danh “xê ríp” tránh sang một bên. “ Cao bồi ” Lựa lông nhông xuống cỏ. Hai đứa trẻ cười nắc nẻ. Tiếng cười không bao giờ tìm thấy khi hai đứa xuất hiện trên vỉa hè. Ê, Lựa mày làm Trương Phi đi! Ờ. Tao làm Quan Công nhé! Ờ ờ. Mà làm Trương Phi thế nào hả, mày? Ba tao bảo thằng Trương Phi hét bự, mày cứ hét bự coi… Danh chụp hai tay vào miệng hú một hồi dài. Mày hét như vậy là “ kền ” số dzách. Lựa làm liền. Nó hú to hơn Danh. Rồi buông xuôi tay hỏi bạn: Còn thằng Quan Công? Ba tao biểu thằng Quan Công rây dài quá rốn, mặt đỏ như giấy hồng điều. Ba tao chỉ biểu có thế, ổng chưa biểu nó làm gì thì ổng chết… Lựa vỗ tay bốp một cái: Cho Quan Công và Trương Phi bắn nhau đi! Không có súng. Thì bắn bằng mồm. Ờ nhỉ! Lựa bỏ Danh đi một quãng ngắn. Bất chợt nó xoay người thật nhanh, chĩa bàn tay phải mà hai ngón chỏ và giữa được coi như nòng súng, bắn Danh hai phát liên tiếp bằng đạn mồm: Sao mày không chết? Danh cười: Để đi xem tuồng “ Bắn chậm thì chết ” xem tụi cao bồi này ngã có hay không thì tao học cách ngã cho tuyệt cú mèo, nghe mày. Thôi, đi coi đi kẻo muộn. Lựa không nhắc lại chuyện đi Chợ Lớn nữa. Hai đứa lại khoác vai nhau băng ngang đường sang vỉa hè phố Lê Mai. Men theo vỉa hè, hai đứa đến rạp Long Thuận.