Chương 6

    
ào một đêm nọ, giác chừng hai giờ khuya, tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng kêu thét và tiếng chửi rủa từ ngoài ruộng vọng vào. Ban đầu tôi ngỡ tiếng gió hú, vì dạo này gió gào rít suốt đêm. Nhưng lúc trở mình định ngủ tiếp thì tôi nhận ra không phải tiếng gió mà là tiếng người. Tiếng người đang thét. Cái tiếng ấy thoạt đầu còn nghe văng vẳng, rồi mỗi lúc một rõ dần. Tôi liền tụt cái bao bố ra khỏi chân, ngồi nhổm dậy, lắng tai nghe ngóng.
Tiếng người thét lúc im đi, lúc lại nổi lên, cứ càng gần về phía chòi. Tôi lấy làm lạ, vụt chạy ra khỏi chòi. Bấy giờ thì tôi nhìn thấy có nhiều ánh đèn "pin" lia ngang dọc trên mặt ruộng. Và trong tiếng gió hú, nghe có tiếng giầy dẫm lộp bộp, tiếng quát tháo, chưởi thề rồi tiếng kêu la đau đớn vọng
Nhận thấy ánh đèn pin đi thẳng vô phía chòi, tôi mọp xuống bò trở vô, nằm xuống đống rơm như cũ. Tuy vậy mắt tôi vẫn chăm chú theo dõi. Một lát sau, ánh đèn pin sáng xanh đã chiếu loang loáng nơi bờ mẫu, lia vô chòi khiến tôi lóa cả mắt. Tôi nhắm mắt giả đò ngủ. Tốp người từ bờ mẫu xồng xộc đi vào sân chòi, đem theo tiếng gầm gừ quát tháo, mùi khói thuốc thơm, hơi rựơu cùng tiếng báng súng va chạm lách cách.
Một giọng nói cất lên khe khẽ nhưng hách dịch:
- Thôi, dừng lại đây, nghỉ một chút đi. Tói chòi trâu nhà ông già vợ tao rồi!
Nghe vậy, tôi liền tự hỏi: "Ai mà lại kêu Biện Tư là ông già vợ? Có lẽ là thằng Hoành mà anh Đấu nói đó chắc?" Từ chỗ đó, tôi liền đoán ngay ra đám người này là ai. Tôi mở hé mắt. Qua cái chòi không vách, tôi nhìn thấy bọn biệt kích lộc xộc kéo ngang, tay ghìm súng, tay cầm những chiếc đèn pin cổ quặp kiểu Mỹ. Sau ba bốn tên đi đầu thì tới ba người đi giữa, tay bị trói thúc. Trong số đó có một người phụ nữ. Cả ba đều ở trần, kể cả chị nọ.
Thiếu chút nữa là tôi buột miệng kêu lên, vì tôi ngó thấy lưng ba người đều đỏ lòm nhưng máu. Mấy tên biệt kích đi kèm hai bên không ngớt nhảy tới, đâm xỉa những mũi dao găm Mỹ vào vai họ. Chúng đâm không hết dao. Mũi dao của chúng chỉ ấn vào một chút rồi rút ra ngay. Rõ ràng chúng chưa muốn giết chết ngay ba người ấy mà chỉ cốt hành hạ họ cho đau đớn. Ba người đều hãy còn đi được, riêng chị cán bộ thì bước đi đã loạng choạng.
Nhưng chị có vẻ đang cố sức gắng gượng không để gục xuống trên đường. Ba người giờ không la thét nữa, Họ bước đi im lặng. Tôi chỉ nghe tiếng nghiến răng. Đó là lúc lưng ba người lại kế tiếp bị thích thêm những nhát dao mới.
Toán biệt kích ngồi nghỉ ngay ở sân chòi. Còn ba người kia khuỵu xuống nơi sân. Tên chỉ huy lại hỏi, vẫn cái giọng ban nãy:
- Bình toong thằng nào còn rượu, đưa tao!
- Cạn hết rồi, anh Ba!
- Mấy cái thằng này thiệt... Hồi chiều tao đã dặn mỗi đứa phải đem theo hai "toong" mà không đem đủ.
Nín một chập, hắn cười sực sực:
- Đ.m., tụi cây làm hỗn ở đâu thì được, chớ tới nhà ông già vợ tao là phải tề chỉnh nghe chưa. Muốn uống rượu nếp cội của ông hả? Thì cũng có uống chớ sao lại không, mà điều lâu lâu phải đưa cho ổng cái chi cầm tay, chớ tới uống suông hoài không được đâu, nghe. Tụi bây biết đó, khi nào bắt được Việt cộng giả thì mình may ra mới có cái cầm tay, chớ bắt được Việt cộng chánh hiệu con nai như bữa nay thì coi như húp nước mắm. Ngoài bốn ngàn đồng bạc thưởng có được cái chi? Đ.m., ba thằng Việt cộng thiệt đúng là quân vô sản, hổi giờ tao bắt cả đôi ba trăm đứa, lục xét từ trên răng xuống dưới dái chớ có tầm ra cái chi đáng giá, chỉ có cái lá gan là lớn...
Nói tới đó, chợt hắn day sang ba người bị bắt giờ đang ngồi đâu những lưng trần đẫm máu lại với nhau:
- Ê, có phải vậy không tụi bây?
Những người bị bắt yên lặng không đáp. Hắn lại cười nghe sực sực và tiếp:
- Thiệt, lá gan của tụi bây đứa nào cũng lớn, mỗi cái đựng đầy tràn một dĩa. Tao chưa mổ tụi bay lấy gan ra coi, nhưng tao biết. Từ hồi chập tối tới giờ tụi bây bị xử lăng trì như vầy mà chưa núng là lớn gan quá rồi. Nhưng khoan, đừng có thấy tao khen mà ham, còn ngày mai ngày kia... Tao hứa là sẽ hành tới chừng nào ba đứa bây chịu quỳ xuống lạy thằng Hoành này thì thôi. À, báo luôn cho tụi bây biết trước: ông già vợ tao cũng có nhiều cú đánh hiểm lắm, ổng có cái cú lói ba toong, chắc tụi bây chưa biết đâu!
- Cái đó thì tao có nghe!
Một trong ba người bị bắt vùng cất tiếng. Giọng nói hơi khản nhưng rõ rành. Tên Hoành không dè có câu trả lời đó. (Hắn đinh ninh những nhát dao đâm lên vai lên lưng những người này suốt quảng (quãng) đường áp giải đã buộc
họ im nín). Hắn lặng yên một giây rồi chiếu đèn pin thẳng vô mặt người vừa nói. Tôi nhóng lên nhìn. Khuôn mặt bị ánh đèn chiếu sáng đó là khuôn mặt của một chú cán bộ tuổi trạc bốn mươi. Trên khuôn mặt ấy đang lừ lừ hắt lên một đôi mắt sáng quắc, ánh căm hờn nén lại với cái vẻ bình thản lạnh người, và đôi mắt không hề chớp trước ánh đèn dọi thẳng. Tôi nhìn kỹ thấy chú cán bộ này có thể là chưa tới bốn mươi, bởi lẽ một bộ râu rất rậm: đã làm cho chú già đi một cách cố ý. ánh đèn từ tay tên Hoành cứ chiếu vô mặt chú đó. Thế rồi hắn mới lỏng tay cho ánh đèn phụt tắt. Hắn không nói một i nào.
Nhưng bây giờ lúc ánh đèn không còn dọi sáng khuôn mặt người cán bộ đứng tuổi ấy nữa thì bỗng nhiên tôi lại còn nhìn thấy khuôn mặt đó rõ hơn. Tôi nhìn thấy trong trí nhớ. Cách đây quãng hai năm có một người hệt như thế đã đến ở trong nhà tôi. Ba má tôi dấu người ấy suốt ngày dưới hầm, chuyền cơm chuyền nước xuống. Tối tối, ba tôi lại dỡ nắp hầm đưa người ấy ra đi tới gà gáy sáng mới trở lại. Tên họ người ấy là gì tôi không được rõ. Tôi chỉ nhớ mặt, mà nếu đúng là người đã ở nhà tôi dạo trước thì tôi biết thứ, người đó thứ chín. Ba má tôi gọi là anh Chín và chăm sóc rất chu tất. Hôm người đó rời nhà tôi, có hai anh khoác hai khẩu cạc-bin tới đón.
Tôi nghĩ là người cán bộ quan trọng ở trên xuống. Cho nên khi ánh đèn pin nơi tay tên Hoành tắt rồi là lúc tôi hết sức bồn chồn lo lắng. Tôi chắc là tôi không nhớ lầm. Đúng là chú Chín ấy thiệt rồi. Tôi không thể quên đôi mắt ấy đâu, cái đôi mắt mà dạo đó, mỗi tối ló lên khỏi hầm là lại tươi cười nhìn tôi với chị Hòa, đôi mắt không nói mà như nói lên lời âu yếm. Mới rồi ngoài
sân chòi, chính đôi mắt đó đã quắc nhìn dữ dội.
Càng về sáng trời càng lạnh. Trong chòi cũng như ngoài ruộng trống đâu đâu cũng ngập gió mà không chỗ nào nhốt được gió lại. Thinh không vật vã, rền rĩ tiếng gió hú. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết cái lạnh thông thường của gió bấc cuối năm bằng sự cảm thấu một nỗi đau đớn dường như đang thiệt sự cắt xé thịt da. Tôi mường tượng tới những vết thương rạch nát trên lưng các cô chú ở ngoài sân kia. Gió đang hành hạ các vết thương ấy thêm buốt nhức biết chừng nào. Tôi khẩn mong gió dừng, tôi những muốn ôm gió cản gió lại; van gió đừng nổi lên nữa.
Bỗng tên Hoành lại nhá đèn về phía người nó vừa rọi mặt, nói:
- Đồng chí Chín Khẩn à, chúng tôi đi kiếm đồng chí cả năm nay. Đồng chí thiệt giống như con lươn, cứ vuột ra khỏi tay chúng tôi hoài. Bữa nay thì hết vuột nổi rồi. Nhưng chúng tôi có sự chiếu cố, chắc đồng chí cũng phải thấy: đồng chí có bị cấy lên lưng quá một chục mũi dao đâu?
- Cái đó thì tao cũng hiểu...
- Đồng chí thông minh quá. Có vậy đồng chí mới làm tới cấp tỉnh ủy được chớ. Mà đồng chí ơi, chúng tôi cũng đâu nỗi ngu. Nói tắt là chúng ta đều hiểu nhau cả!
Tên Hoành điểm thêm sau câu nói bằng một chuỗi cười sừng sực.
Nhưng người mà hắn gọi là Chín Khằn đó đang chăm chú đến một việc khác. Đang ngồi, chợt chú xoay hẳn người sang bên chị phụ nữ, lo lắng kêu lên:
- Trời, cô Tư, cô làm sao vậy?
Chú vừa gọi vừa kề lưng nương chịu cho đầu chị nọ ngả vào. Tên Hoành bấm đèn. Trong quầng sáng của ánh đèn, tôi nhìn thấy chị nọ gục đôi vai tràn dẫm máu lên lưng chú Chín, thở hổn hển. Rồi lặng im. Thấy thế, tên Hoành bước tới. Hắn đưa mũi giày nhấc cầm (cằm) chị lên, rồi buông cho cằm chị rơi xuống vai chú Chín như cũ. Hắn nói thản nhiên:
- Nữ đồng chí này xỉu rồi... Thôi, chịu khó khiêng nó đi, anh em!
Hai tên biệt kích đến khiêng chị. Tóc chị rơi xõa xuống đất. Chú Chín và người kia cũng bị chúng dựng dây, đẩy đi tới.
Đợi bọn chúng rời khỏi sân chòi đi vô vườn nhà Biện Tư, tôi liền nhổm dậy bò ra. Con Biếc con Thắm tự nãy giờ cũng đã thức, nhưng vì sợ quá nên cả hai vẫn nằm im. Bây giờ hai đứa tung bao bố, chạy ra theo tôi. Trời vẫn tối. Gió vẫn thổi loạn. Ba đứa chúng tôi quờ quạng tay đụng nhằm máu ướt nơi sân thì thương các cô chú quá liền òa khóc.
Chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc trong đêm sắp hầu tàn. Đó là một trong những đêm xuân dài và đen nhứt.