Phần I
Chương 5
CÔ GÁI BÊN SÔNG TẦN-HOÀI
I

Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần-Hoài cận tửu gia
Cảnh con sông Tần-Hoài, khói mờ mờ trên dòng nước lạnh, trăng mờ mờ trên bãi cát trắng, Khiết còn nhớ lắm. Tiếng hát trên sông Hương nước nhà càng làm tôn vẻ trầm lặng của dòng sông chốn cố đô, nhưng tiếng hát trên sông Tần-Hoài ồn-ào hơn vì còn kèm theo cả tiếng trống lớn. Không nhưng trên sông mà cả trên lầu các tửu điếm đều có ca nữ múa hát, càng về khuya càng ồn vì các khách khi đã quá chén bèn rủ nhau đánh “toan”, cùng giơ tay hét lớn như trò chơi “oản tù tì” của trẻ con Việt - họ bảo phải thế mới dã rượu. Cũng có đôi khi tiếng ồn-ào chợt bặt đi trong khoảnh khắc, khách ngồi uống trà trên quán lắng nghe xa xa ở bên kia sông vọng lại tiếng ca nương, thật đúng với hai câu dưới bài “Bạc-Tần-Hoài” của nhà thơ đời Vãn Đường:
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu-Đình-Hoa.
Buổi sáng, thủy triều rút, thuyền mắc cạn nằm ngổn-ngạng trên bùn đen, tháp- thoáng trong khoang vài ca nương mới dậy, mặt không phấn son uể-oải vươn vai che miệng, sông Tần-Hoài quãng này, giờ này trông thật tiêu điều. Nhưng cũng giờ này, quãng trên một chút, cảnh lại khác hẳn, ven bờ sông là bãi cát trắng xoá thoai- thoải, trên bờ sông là hàng liễu rủ, những người đàn bà mặc quần hồng, đi giặt quần áo, tay cầm chày. Giữa sông có cái soi và cũng có dáng liễu rủ và lấp-loáng đàn cò khi bay lên, lúc sà xuống, thực là cả một bức tranh cổ tuyệt đẹp.
Bữa cơn họp mặt lần đầu chiều nào, khi nhắc đến sông Tần-Hoài, Khiết vội lảng đi vì chàng biết nếu tiếp tục tất nhiên chàng sẽ thuật lại mối tình của chàng với cô gái bên sông Tần-Hoài mà chàng mới cưới làm vợ được hơn một năm, cô gái đó là em Khoá, người bạn đồng niên với chàng. Một buổi sơ kiến mà đã tâm sự ngay “thiên tình sử” của mình thì dù bản tính cởi mở đến mầy xem ra cũng chương-chướng. Câu chuyện đó tất nhiên sau này Khiết có dịp kể lướt với các bạn Hiển, Hãng, Kha.
Ông đô Cán - (cha Khoá) - không có đứa con nào với đời vợ trước cả, số hiếm hoi vì - theo như sự nhận xét của ông đồ Thinh - (cha Chủy) - cung tử tức của ông Mần-Trí (tên tự của ông đô Cán) có sao Bạch Hổ, hổ thường ăn con (như vậy thì ông còn... ăn cả đời vợ trước nữa). Năm thăng chửc từ thừa-phái lên đô lại, ông Mần-Trí được chuyện nhậm từ huyện lỵ Lập-Thạch (Vĩnh-Yên) tới huyện lỵ Yên- Hưng (Quảng-Yên), năm đó ông đã goá vợ được hai năm và thực sự nghiện thuốc phiện được một năm. ông thường từ huyện lỵ Yên-Hưng xuống thuyền biển hay ca- nô đến hai miền Đồng-Bài và Ninh-Tiếp, hai miền này nhô hẳn ra vịnh Hạ-Long thành hình một bán đảo nhỏ, dân cư chuyên nghề làm muối-nầu. ở Ninh-Tiếp ông gặp một cô gái vừa đến tuổi dậy thì, xinh đẹp, thông minh, biết viết chữ nho, đọc được chữ nôm và lẽ cố nhiên cả chữ quốc ngữ nữa, cô Mai. Cha cô là một nhà nho đã đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan, có hoạt động cho phong trào Đông- Kinh Nghĩa-Thục, bị bắt đày ra Cộn-Đảo rồi chết ở đó. Lớn lên cô giúp mẹ mở một ngôi hàng xén nghèo nàn, cuộc sống lần hồi lay-lứt. ông đô Xán đã giúp cô một sổ tiền vốn nhỏ để thuê nhân công ngày ngày gánh nước biển đổ vào trõ rồi đi chặt những cây xú, cây vẹt làm củi đun” khi nươc biển đã bốc hết hơi thì gạn láy muối.
Thứ muối-nấu của hai miền Đông-Bài và Ninh-Tiếp này đặc biệt hạt nhỏ và trắng, mặn vừa phải, thường dùng ở mâm ăn, vắt chanh rắc tiêu để chấm thịt, không đủ mặn như muối Văn-Lý để muối dưa muối cà. Làm muối được một năm, gia đình sung túc, không những hai mẹ con đỡ vất-vả mà còn dư tiền cưu mang cho người con nhà bác tiếp tục ăn học tại Hải-Phòng. Đùng một cái, điều mà Mai không ngờ nhất, ông Đô ướm hỏi nàng làm vợ, ông Đô với nàng như anh cả với em út, số tuổi chênh lệch dễ đến mười lăm mười sáu tuổi. Mai biết ông Đô nghiện thuốc phiện, điều mà nàng không ưa chút nào, nhưng biết sao bây giờ, mẹ con nàng làm ăn mát mặt, há chẳng nhờ lòng tốt hết sức tìm cách giúp đỡ của ông Đô? Những lời giáo huấn của cha thuở nhỏ rồi của mẹ về sau này khi cha nàng đã bị đày ra Côn-Đảo, những điều lễ nghĩa nàng đọc trong sách chữ nho, những gương lễ nghĩa nàng đọc trong sách chữ nôm không cho phép nàng xử sự như một người vong ân: nàng nhận lời. Âu cũng là trường hợp đem thân mà trả nợ đời cho xong! Yên bề nghi thất nghi gia, Mai vừa đầy năm mẹ cũng vừa đầy tháng con, đứa con trai đầu lòng đó đặt tên là Khoá. Mẹ nàng mất, từ đấy Mai bỏ nghề làm muối, theo chồng mười lăm năm trường hết huyện lỵ trung du này đến châu lỵ thượng du khác, thêm mấy lần nữa hữu sinh nhưng vô dưỡng.

II
Khoá lớn lên gần mẹ hơn là gần cha. Năm lên năm Khoá đã được mẹ dạy Tam- Tự-Kinh; năm lên sáu, vẫn mẹ dạy vỡ lòng chữ quốc ngữ rồi mới tới trường, ông Đô đổi đi đây đi đó luôn, ít khi Khoá được học ba năm liền một trường. Khoá rất khéo tay, năm mười ba tuổi đã biết tiêm thuốc phiện cho cha, mà tiêm khéo. “Tài giả vi nô”, chính vì vậy mà ông Đô giữ dịt lấy con, không chịu gửi Khoá về thành thị tiếp tục theo trung học. Tiêm thuốc cho cha, nhưng Khoá vẫn gần mẹ; ở trường học hay ở trường đời, có điều gì bỡ-ngỡ, Khoá chỉ hỏi mẹ mà chẳng bao giờ hỏi cha. Bà Đô hai cũng đã khuyên ông Đô đừng kéo dài thời gian nằm bên bàn đèn để làm mất nhiều thời gian học bài của Khoá và khi có bạn hút thì hai người tiêm cho nhau, Khoá tuyệt đối chỉ hầu có cha.
Sau cùng ông Đô đổi lên Lao-Kay. Lúc này ông đã già yếu lắm rồi, nghiện nặng, lộc giời kém đi, số tiền lương đổ cả vào cái xe cái lọ nhỏ bé mà không đáy. Bà Đô hai có mang lần nữa...
Người anh con nhà bác trứơc được bà cưu mang nay học đã thành tài, có bằng thông ngôn, được bổ chân thư ký toà lãnh sự thoạt ở Vân-Nam rồi đổi đến Mông-Tự. Từ Lao-Kay sang Mông-Tự đắt Tàu hết một ngày đường. Vào dịp ông Đô xin nghỉ hằng năm một tuần, Khoá đựơc theo cha mẹ đi Mông-Tự thăm ông bác bên ngoại này. Chuyến đi đó là khúc quành lớn trong đời Khoá, là mấu nút cho bao biến cố, biến cố nội tâm, biến cố gia đình, năm đó Khoá vừa mười sáu tuổi. Từ Lao-Kay đến ga Piche-Tchay thì xuống, sang chiếc tàu hỏa nhỏ hơn đi vào Mông-Tự, (tự ga Piche-Tchay, xe hỏa lớn đi thẳng Vân-Nam). Cảnh đồi núi miền cao nguyên này thổi vào hồn Khoá một tình cảm dạt-dào man-mác lạ, gió cao nguyên còn như nhân đà đó thổi nâng hồn Khoá lên một miền phóng khoáng và suốt đời Khoá sau này nhất nhất mọi cử chỉ đều đượm tính chất phóng khoáng của gió cao nguyên. Lẽ cố nhiên tiểu gia đình ông Đô Cán là thượng khách của ông Hải - tên người anh con nhà bác của bà Đô hai. Ngay hôm đầu, Khoá được cha mẹ cho mặc áo ám để bác Hải dẫn đến thăm một cái hồ trên núi cao miền Khề-Lùng-Thán, cách Mông-Tự mấy chục cây số (ông Đô ở nhà, còn phải hút, bà Đô vì có mang nên tránh leo núi) Khóa được bác Hải kể chuyện rằng hồ này xưa có con rắn tu thành rồng...
Ở Mông Tự giong nhứ ở Lao-Kay cũng có cảnh sáng dẫn tù đi làm cỏ vê, chiều dẫn về, và cũng như ở Lao-Kay các tù nhân đều bị xích chân trông thật thê-thảm.
Sau này khi đọc thiền giai thoại về tài ứng đối của cậu nhỏ Cao-Bá-Quát, Khoá rất thâm cảm và khâm phục câu đối lại của danh sĩ họ Cao:
Câu ra của nhà vua:
Nước trong leo-lẻo cá đớp cá
Câu đối lại:
Trời nắng chang-chang người trói người
Khoá cho rằng về sau họ Cao “kiến cơ nhi tác” nổi lên ở Mỹ-lương là phải lắm.
Sau cuộc thăm hồ Khề-Lùng-Thán, buổi trưa hôm sau có tiếng thanh la lạ tai và cả khu phố rộn vẻ kinh hoàng. Thì ra đó là tiếng thanh la báo hiệu buổi chiều sẽ xử tử một tội nhân. Bãi xử ở ngay sau toà lãnh sự nên cả ông Đô và Đô cùng đến xem. Khoá còn nhớ tên tội nhân là Lão-Chén, y nghiện, trạc bốn mươi, theo giặc cỏ, rủi bị quan quân vây bắt được tại trận. Khoá lại còn nhớ cả dáng người gầy gầy và khuôn mặt lầm-lì của y khi bị dẫn ra pháp trường chói quặt tay vào chiếc cọc vuông bằng gỗ lim. Nhìn y, Khóa thấy lòng xúc động và thương y lắm. Tuy mới mười sáu tuổi nhưng Khoá đã biết xét đoán, vẻ lầm lỳ của Lão-Chén không phải là vẻ lì-lợm của một tên táng tận lương tâm, mà chỉ là vẻ lầm-lì của một kiếp sống nghèo hèn và ngu dốt. Vì nghèo hèn và ngụ dốt nên tìm vào một lối thoát khộng có... lối thoát, rồi đến khi bị bắt thì lại sáng suốt một cách đơn giản mà nhận thấy rằng khóc cũng vô ích. Lão-Chén có hai vợ, người vợ cả cao gầy như chiếc đũa, mặt sát tận xương, nước da vàng khè, lúc mụ đi thì xiêu đổ nhưng lúc dừng lại trước mặt Lão-Chén (khi đó đã bị trói vào cọc) thì hai chân ống sậy dang ra, khí thế hết sức vững-vàng, mụ xỉa xói vào mặt Lão-Chén chửi bới, nhiếc móc là đi theo giặc để bây giờ mụ phải xấu hổ sống cô độc giữa người sống. Trong khi mụ chửi rủa riếc móc, Lão-Chén vẫn củi đầu giữ nguyên vẻ lầm-lì tưởng nhự rồi đây sau khi đã nhận đủ mười lăm viên đạn trên cơ the, y vẫn giữ nguyên vẻ lầm-lì như vậy. Người vợ hai của Lão-Chén đến chậm hơn mấy phút, nàng ít tuổi hơn người vợ cả nhiều, như chị cả với em út, nàng địu một đứa con nhỏ trên lưng, tất-tả chạy lại khóc lóc, kể-lể, giọng thật oán thương. Nghe nàng khóc Lão-Chén tuy vẫn giữ nguyên vẻ lầm-lì nhưng có khẽ ngước nhìn, miệng lẩm-bẩm điều gì chỉ đủ cho chính y nghe thấy mà thôi. Có tiếng loa hạ lệnh cho người nhà tội nhân đứng giãn ra hai bên pháp trường. Người vợ cả lảo-đảo tiến sang rìa bên tả, miệng không ngớt riếc móc, người vợ hai vẫn khóc lóc và hơi khom người địu con tiến về rìa bên hữu. Người ta mang lại một cái phướn nhỏ bằng giấy cắm vào sau cổ áo tội nhân. Pháp trường hiu-hắt gió chiều và chiếc phướn có hàng chữ dài biên tội trạng của Lão-Chén khẽ uốn cong khoảng giữa, rồi khoảng đuôi luột khỏi lưng Lão-Chén mà phắt-phơ một chút, trông như một cánh tay thứ ba của Lão- Chén vừa được thần linh ban cho để Lão-Chén vẫy tay chào vĩnh biệt người vợ trẻ địu con. Một loạt súng vang động lạnh-lùng và khốc liệt. Lão-Chén gục xuống, người vợ trẻ khóc lớn hơn chạy lại, đầu gục xuống sát đất ngay bên dưới đầu Lão-Chén, tay phải nàng nắm lấy chiếc phướn giấy như nắm tay chồng, nhưng rồi công chúng tới xem quanh pháp truờng đổ xô lại cướp giật của nàng chiếc phứơn giấy vì họ tin rằng chiếc phướn đó mà đem đốt trong đêm khuya sẽ khiến Lão-Chẻn hiện hình; nhiều người khác tới lấy khăn tay chấm vào máu Lão-Chén, họ tin rằng khoảng máu đó đốt thành than hoà với nước uống có thể bách bệnh tiêu tán vạn bệnh tiêu trừ. Cái nước Tàu rộng lớn và đông dân cư quá cỡ này hẳn như không ngày nào, ở bất cứ nơi nào, là không có chuyện lạ. Mới chiều hôm trước xử tử Lão-Chén thì hôm sau có một đoàn người cưỡi ngựa ăn mặc lịch sự tiến vào sân toà lãnh sự, đoàn người này gặp ai trong sân hay trên thềm toà lãnh sự cũng dúi cho một lá vàng chừng môt phần tư lượng. Khoá khi đó đương đứng phát-phơ trên thềm, được người đứng tuổi nhất, bệ vệ nhất dúi cho một lá vàng nửa lượng. Thoạt Khoá không hiểu sao. Những người đó xin vào yết kiến lãnh sự Pháp. Lát sau rồn-rập nhiều người ngựa nữa kéo tới chật sân, đủ cả nam phụ lão ấu, rất nhiều thiếu phụ còn trẻ măng vài người torng số ôm con ngồi trên ngựa, một số ngựa khác thồ những hòm xiểng, giỏ, đẫy...
Hôm sau Khóa mới vỡ lẽ người đứng tuổi bệ vệ dúi vàng cho Khoá hôm trước là viên đốc phủ Vân-Nam họ Đường. Y bị người anh nổi loạn chiếm được ưu thế quân sự ào-ạt tiến chiếm Vân-Nam. Biết không thể địch lại được anh, y vơ-vét hết của cải chất lên ngựa thồ, một số thuộc hạ thân tín và tất cả những cô vợ trẻ đều được theo y đến xin tỵ nạn tại toà lãnh sự Pháp. Hôm trước hôm sau, cả y lẫn đoàn tuỳ tùng, lẫn của cải đều đã vượt biên giới sang Lao-Kay.
Thành Mông-Tự phía ngoài xây gạch, phía sau đắp đắt cho dày thêm. Ngày cuối cùng ở đây, Khoá đi thơ-thẩn trong thành, nhìn mãi nếp sống thanh bình của người dân cũng chán, bèn ra hỏi cổng thành, cổng phía Tây hay phía Nam về sau này Khoá không sao nhớ rõ nữa. Ai dè đi khỏi cổng thành chừng ba bốn trăm thước là cả một thế giới khác hẳn: xác chết ngổn-ngang gần xa hai bên vỉa đường, từng đàn quạ đen thấy động bay lên rào rào, cất tiếng kêu quang-quác. Khoá quét vội tia nhìn một vòng rồi quay lại, rảo cẳng... Kiểm soát lại trong ký-ức những gì vừa nhìn, Khoá ôn thấy có xác chết bị rỉa hết môi hai hàm răng trắng nhờ hô ra sát bên hàng lợi thâm xịt, có những xác vừa trương phồng, có những xác trương đã lâu ngày mặt xanh lè, toàn thân bắt đầu rỉ nước... thật là muôn phần rùng-rợn, mà điểm kỳ lạ là cảnh đó chỉ cách cảnh thanh bình trong nội thành Mông-Tự chừng bốn trăm thước là cùng. Bữa cơm trưa và bữa cơn chiều hôm đó Khoá không ăn được mấy, nửa bát là cùng, vì hễ nâng bát cơm lên là cảnh xác chết ngổn-ngang rữa nát bị rỉa khoét lại hiện lên làm Khoá muốn nôn oẹ đành phải ăn đào, lê, táo và lựu trừ bữa. Khoá cũng không hỏi gì thêm bác Hải để biết là chết đói, chết dịch hay họ là giặc cỏ bị quan quân vây bắn. Đương ở Việt Nam nhỏ bé, thanh bình biết quý mạng người, Khoá sang nước Tàu rộng lớn, dân đông, giặc-giã cướp bóc thường xuyên, mạng người rẻ như mạng con ong cái kiến, Khoá thấy ngợp và choáng váng. Ngay từ ngày ấy Khoá đã biết sở dĩ có sự coi rẻ nhân mạng như vậy chỉ vì người Tàu sinh-sôi nảy-nở nhiều quá. Vài năm sau biết suy nghĩ sâu hơn, Khoá thấy vấn đề hạn chế sinh dục là vấn đề khản cáp cho nước Tàu và khi chàng đọc đến "Croissez et multipliez = Hãy sinh sôi nẩy nở” chàng rùng mình nghĩ ngay rằng câu đó sai biết chừng nào khi đem áp dụng cho nước Tàu.

III
Mãi đến trước hôm trở về Lào-Kay, ông Hải mới biết việc học của Khoá dở-dang, lẽ ra Khoá phải lên trung-học được hai năm rồi, ông đã đề nghị ông bà Đô Cán để Khoá ở lại với ông vì tại Mông-Tự có trường trung học Pháp. Bà Đô muốn vậy lắm, ông Đô đâu có chịu, ông nhất định bắt Khoá về, nói rằng sẽ cho Khoá theo học ở Hà-Nội tiện hơn, kỳ thực ông giữ Khoá để ngày ngày tiêm thuốc hầu ông. Nhưng về đến Lao-Kay hai tháng sau thì ông Đô bị bạo bệnh từ trần, ông Hài hay tin lập tức về Lao-Kay phúng điếu và ngỏ ý muốn đưa bà Đô và Khoá sang ở hẳn Mông-Tự.
Bà Đô để Khoá đi theo, bà căn dặn Khoá phải cố học cho nên người, gắng đuổi kịp hai năm phí-phạm. Riêng bà, bà xin lỗi ông Hải vì phải ở lại Lào-Kay để trông nom ngôi hàng sén mà bà mới mở kể từ sau ngày ở Mông-Tự về. Ngôi hàng được mở để bù vào những thiếu hụt của ngân quỹ gia đình, cũng có thể trực giác, bà biết là ông Đô chẳng thọ được bao lâu nữa, bà cần chuẩn bị cuộc đời tự lập nuôi con. Bà từ chối lời mời của anh - ông Hải - sang Mông-Tự vì bà luôn luôn làm theo tinh thần của đạo nho: quân tử thi ân bất vọng báo. Ấy ơn của mình giúp ai thì viết trên cát như vậy, nhưng nếu chịu ơn người thì ơn ấy được bà khắc sâu lên đá. Việc bà chịu lấy ông Đô há chẳng là ơn cưu mang của ông được khắc lên đá? Không ngờ bà còn một lần thể hiện việc khắc ơn lên đá theo thể thức “đem thân mà trả nợ đời” tương tự.
Khoá theo ông Hải đi Mông-Tự, tiếp tục việc học. Hai tháng sau bà Đô sinh cô gái mà vì cảnh mẹ góa con côi bà không thiết tìm tên đặt, bà chỉ gọi giản tiện là cái Bé.
Ngôi hàng sén ít vốn của bà ở chốn lam sơn chướng khí này đã như chiếc cây còi mọc trên đất sỏi lại gặp kỳ hạn hán. Kẻ ra chỉ cần bà viết vài dòng cho ông Hải thì hoặc bà sang Mông-Tự, hoặc ông Hải cáp vốn buôn cho bà, nhưng tuyệt nhiên bà không chịu hé thốt một lời, bà cũng không về xuôi để cho thỉnh-thoảng gặp Khoá (vào dịp được nghỉ vài ngày liền, thế nào Khoá cũng dời Mông-Tự về thăm mẹ).
Bà Đô năm đó trên ba mươi tuổi, vẻ đẹp tươi mát thuở còn là cô Mai dĩ nhiên không còn, nhưng nếp sống trầm mặc và đức hạnh đã gìn giữ tuổi trẻ cho bà, khiến thứ nhan sắc đoan trang trong một tuổi đời đã chín đó không phải là thiếu phần quyến rũ.
Ngay sát bên ngôi hàng sén nhỏ của bà là cửa hàng tạp hoá khá đồ sộ của một người Tàu trạc tuổi bà, đã góa vợ (vợ Việt) và có một người con trai. Khi ông Đô chế, người này có lấy tình lân lý sang phúng điếu theo đúng thủ tục Việt-Nam. Rồi cửa hàng sén của bà Đô thiếu thứ gì, chú Nìn (Niên) - tên người Tàu - lại cho người làm khuân sang, nói rằng “xin cứ bán đỡ, khi thu được tiền rồi trả lại sau cũng được”. Mỗi khi xuôi Hà-Nội cất hàng, chú Nìn cũng hỏi xem bà Đô cần mua thêm thú hàng nào đặc biệt. Đã từng là nhà buôn nhỏ trước đây, chú Nìn biết cửa hàng càng nhỏ càng cần có những món hàng đặc biệt để lựu ý khách hàng. Món hàng đặc biệt của cửa hàng bà Đô là những đồ trang sức bằng đồi mồi: lược, gương, hộp phấn, ví tay... Những thứ hàng đó tuy nhỏ xinh mà đắt tiền, chú Nìn chỉ cần hỏi ý bà Đô hôm trước hôm xuôi Hà-Nội là hôm trở về đã tự động xuất vốn mua đủ các thứ (và thứ hàng đó tuyệt nhiên tại cửa hiệu tạp hoá của chú không hề bán: chú để bà Đô giữ độc quyền). Hàng đắt tiền có bán được những ít và chậm, lọại hàng phổ thông bán được khá nhiều nhưng toàn là những người quen cũ, lại phần đông là những nhân viên cấp dưới ông Đô xưa, họ mua chịu chẳng lẽ không bán, họ chịu lâu chẳng lẽ nặng lời đòi sao tiện, rồi phần quên đi, phần họ đổi đi nơi khác, quỵt, lưng vốn mỏng- manh của bà Đô đã hết từ lâu, vốn của chú Nìn không bao giờ đòi, thái độ quân tử của người Tàu chính cống đó làm bà Đô thắc-mắc. Có đôi lần tự ý bà nói rõ sự tình và xin lỗi chú Nìn về sự thanh toán chậm thì chú Nìn gạt đi một cách cương quyết và rắt thật tình.
Hai năm qua đi... Khoá vẫn từ Mông-Tự về thăm mẹ vào những ngày nghỉ. Cái Bé đã lũn-cũn biết đi biết chạy. Đúng vào lúc bà Đô quyết định dẹp cửa hàng và chưa biết tính sao về món nợ lên tới bạc trăm - (như bạc vạn bây giờ) - với chú Nìn, thì vào một buổi chiều đông, sương muối phủ ngập thung lũng Lao-Kay, chú Nìn sang thăm bà Đô, thái độ rất điềm đạm, rất thanh lịch, chú ngỏ ý cầu hôn với bà. Lẻ ra bà Đô có thể từ chối, đành vay tiền ông Hải mà thanh toán nợ nần với chú Nìn, rồi đợi ngày Khoá học thành tài đi làm giả nợ cho mẹ, nhưng định mệnh con người do chính con người dự phần tạo tác và quyết định, thái độ bà Đô lại không chịu vong ân, không muốn phiền ai - dù phiền anh, phiền con - phải gánh chịu thiệt-thòi vì mình, bởi vậy sau mấy ngày suy nghĩ bà nhận lời. Bà viết một bức thư dài trần tình với ông Hải và với Khoá. Ong Hải đổi đi Vientiane, bà bằng lòng để Khoá đi theo ông, học nốt hai năm nữa thi lấy bằng thành chung.
Từ ngày bước đi bước nữa, bà đặt tên cho cái Bé là Cam. Nhũ danh của bà là Mai có nghĩa là cây mai, tên Cam bà đặt cho cô gái út cũng là cây cam, cùng bộ mộc, nhưng thực ra hai tên Mai và Cam đó trong cõi tiềm thức mung-mung mạc-mạc lại dính-líu đến bài thơ “Cán mai gốc mít cho cam” mà bà dùng làm lời mở đầu bức thư trần tình của bà gửi riêng cho Khoá. Đọc bức thư trần tình của mẹ, Khoá đã gục mặt lên gối khóc nức-nở. Bài thơ mở đầu này Khoá thuộc lòng, vẫn hằng ôn tới như ôn một nhận định chân lý để liệu mà điều chỉnh cho đúng hướng tiến trên đường đời đầy chông gai:
Cán mai gốc mít cho cam,
Ở đời luống những miên-man nợ-nần.
Có người nợ cả bản thân,
Nợ xa vũ trụ nợ gần thê noa
Có người nợ cả hàng hoa,
Miếng giầu chén nước đương xa chơi bời.
Toàn bài nhận định về con người nợ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần này, duy một câu Khoá không hiểu: “Có người nợ cả hàng hoa”. Trong thời gian theo học ở Vientiane, Khoá hằng suy nghĩ và tự hỏi hai chữ “hàng hoa” đó, ý mẹ định nói gì, mẹ định ám chỉ những cái phù phiếm ở đời chăng?
Trong bức thư trần tình, bà Đô hai còn nhắc đến câu chữ Hán mà Khoá cũng nhớ mãi sau này: “Điểm điểm chích chích bất sa dĩ. Bà giải thích và bàn rộng cho con hay: giọt nước sau theo giọt nước truớc không thay đổi, đàn bà theo chồng phải giữ cho trinh tĩnh con cái mới hay được. Vì hoàn cảnh “ở đời luống những miên man nợ- nần" ép bà phải bước đi bước nữa, nhưng một khi đã theo chồng, hãy giữ lòng trinh tĩnh, giữ đức thuỷ chung, đó cũng là cách để đức lại cho con sau này.

IV
Chú Nìn là con út của một gia đình ba anh em giai ở Nam-Kinh. Anh cả và anh hai ở lại thành phố quê hương hùn vốn mở tiệm ăn lớn đường Tôn-Trung-Sơn. Chú Nìn dời quê hương sang lập nghiệp tại Việt Nam. Ngôi hàng tạp hóa của chú ở thị trấn biên giới Hoa Việt này phát đạt cũng chẳng kém gì tiệm ăn của hai anh ở Nam- Kinh. Đời vợ trước của chú Nìn là một cô gái Việt sắc-sảo và đôi chút!ẳng-lơ. Chú Nìn thì lại cả ghen, vì vậy hạnh phúc gia đình không đựợc êm đẹp cho lắm. Người vợ đó mất vì chứng sốt rét rừng, để lại cho chú một thằng con trai, chú gửi con về Nam-Kinh nhờ hai anh trông nom cho ăn học. Một mình trên đất Việt điều khiển ngôi hàng phát đạt, chú Nìn đêm đêm thường tìm an-ủi ở chốn ca lâu, có một lần chú mắc bệnh tình, ông Đô tới nhậm chức, thuê nhà ngay bên nhà chú. Nếp sống hoà thuận của gja đình ông Đô nhắc chú nhớ lại nếp sống lủng-củng của gia đình chú trước đây. Ông Đô mất, chính vẻ hiền thục của bà Đô khiến chú quyết tâm giúp bà, hoàn toàn bất vụ lợi, mãi hai năm sau chú Nìn mới nảy ý xin cầu hôn cùng bà. Khi bà Đô đã về với chú, chú nảy lòng ghen ngấm-ngầm. Chú cho rằng người đàn bà Việt-Nam nào cũng có thành kiến với người ngoại chủng và khi buộc lòng phải kết hôn với họ, ít khi chịu giữ trung thành. Bà Đô càng hiền thục, chú càng lo sợ ngầm-ngầm, như một đứa trẻ ước một được Trời Phật ban cho mười. Chú quyết định trở về Nam- Kinh, không muốn bà Đô gần-gũi các đồng bào của bà.
Tội nghiệp bà Đô! Chỉ vì bà mang nặng nghiệp “nợ xa vũ trụ, nợ gần thê noa" bà lại “khư khư mình buộc lấy mình vào trong’’ không chịu mang nợ ai, dù phải - đã hai lần bà “phải” như vậy - “đem thân mà trả nợ đời cho xong”, bà đành mang bé Cam (khi đó đã lên năm) theo chồng đi Nam-Kinh. Chú Nìn đem hết dấn vốn của chú ở Việt-Nam về hùn với hai anh, khuếch trương rất có hiệu quả tiệm ăn đường Tôn- Trung-Sơn, chú cho đứa con trai có với đời vợ trước đi du học Mỹ.
Càng xa đất tổ, tình yêu nước càng thiết tha đậm-đà, bà Đô dạy bé Cam học chữ Hán đọc theo giọng Việt, bà dạy vỡ lòng bé Cam học chữ Quốc ngữ. Cuối đường Tôn-Trung-Sơn có một gia đình người Việt đã lưu lạc tại quê người nhiều năm cũng vừa dọn tới, bà bèn đến kết thân.
Chú Nìn quả là một người Tàu kỳ cục, chú có cái đam mê của Kim-Trọng, cái hào phóng của Thúc-Sinh, nhưng lại thêm cái lòng ghen khủng-khiếp của Othello Tây Phương. Thấy bà Đô hay đi lại nhà người đồng hương, chú ghen với cả nước Việt-Nam - chú biết bà Đô chỉ vì nhớ nước mà giao thiệp như vậy - chú bèn vận động giới thiệu bà Đô vào giúp việc cho nhà thương Nam-Kinh, tập sự làm nữ y tá. Như vậy bà Đô sẽ bận-bịu suốt ngày và chỉ có bé Cam là được tự do đến đằng gia đình ông Kiển - tên người đồng hương - để học thêm về chữ quốc ngữ và đàm thoại bằng tiếng Việt trong bầu không khí gia đình Việt cho khỏi mất gốc. Cuộc đời nghẹn-ngào thiếu quê hương của bà Đô kéo dài được hơn một năm thì bà hay tin Khoá đã đỗ bằng thành-chung ở Vientiane và sửa soạn về nước, vì ông Hải được thuyên chuyển về Hải-Phòng. Bà vội vã phúc đáp thơ con trong có đoạn:
“ Con ơi, con được về thăm đất nước mẹ mừng. Mẹ và em con giờ đây nghìn trùng cách trở cố hương biết có ngày tái ngộ? Con ơi, cổ nhân nói học như hải, biết thế nào cho vừa. Nay con đã đậu bằng thành chung, vốn kiến thức cũng tạm đủ, về đến nước nhà, con nên kiếm việc làm và tiền lương hàng tháng phải nộp tất cả bác Hải, bác cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, hoặc cần bao nhiêu thì xin bấy nhiêu. Mẹ có thể lấy tiền của ông Nìn ờ đây gửi về cho con tiếp tục ăn học, nhưng mẹ không muốn phải mang ơn ông Nìn hơn nữa; chắc-chắn con cũng đồng ý với mẹ như vậy. Đặt chân tới nước nhà, con phải về làng Liên-Phú thăm quê của cha con và nhận họ hàng bên nội, rồi xuống Hải-Phòng, qua bến đò Bính, qua bến đò Rừng, tới Quảng Yên, xuống tầu biển tìm đến Ninh-Tiếp quê mẹ, nơi làm muối-nấu cho cà nước dùng”.
Bà Đô có viết riêng cho ông Hải một lá thư khác, trong đó bà cám ơn ông Hải đã thay bà nuôi Khoá ăn học nên người, bà xin ông Hải coi Khoá như con.
Ông Hải vẫn coi Khoá như con! Và Khoá đã tuân theo lời mẹ, tiền lương tháng đầu - Khoá đã thi được vào làm Quan-Thuế - Khoá đưa biếu hết ông Hải. Cử chỉ tượng trưng này làm đẹp lòng cả đôi bên, sau đó ông Hải hoàn lại cho Khoá tiêu gần đủ. Ông đã hỏi vợ cho Khoá, con gái một người bạn mà ông quen thân tự ngày mới đổi đến Vientiane.
Ông Hải mắc chứng huyết áp quá mạnh - hypertension - từ lâu rồi, chuyến phi cơ chở ông cùng gia đình tự Lào về Hà-Nội, qua dãy Trường-Sơn gặp bão lớn, nhồi lên nhồi xuống, ông bị ngất. Phi cơ hạ cánh, người ta chở ngay ông sang nhà thương Đồn-Thủy (Lanessan). ông qua khỏi lần này, nhưng miệng hơi méo, cơ thể suy nhược trông thấy. Hai tháng sau một cơn huyết áp quá mạnh khác tấn công ông Hải lần chót, lần này ông bị đứt mạch máu óc, chết tức khắc. Khoá phải cưới vợ gấp
Có thể gọi là cưới chạy tang. Năm sau đứa con đầu lòng ra đời, Khoá đặt tên là Thanh.
Tất cả những tin vui buồn lẫn-lộn đó đều có thư tới Nam-Kinh, mối sầu xa sứ của bà Đô vì thế cũng vời-vợi đôi phần vì bà có cảm tưởng bà vẫn tham dự vào cuộc sống những người thân tại quê hương. Đó là vào giữa năm 1937 - bà xa quê hương đã hai năm rồi

V
Gia đình ông Kiển - người đồng hương duy nhất của bà Đô ở Nam-Kinh - gồm hai vợ chồng ông và hai thằng con trai đã gần đến tuổi trưởng thành, gia đình này chuyên nghề buôn thuốc Bắc và sâm Cao-ly. Thì ra ông Kiển mới từ Bắc-Kinh dời về Nam-Kinh. Ông nhận thấy khí thế người Nhật rất hung bạo, họ đã nắm vững tình thế ở Cao-Ly và luôn luôn gây gỗ với người Tàu ở biên giới, ông cho rằng chiến tranh Trung Nhật chẳng sớm thì muộn tất bùng nổ, và ngòi nổ tất nhiên ở Bắc-Kinh rồi, ông bèn dời Bắc-Kinh về Nam-Kinh. Chưa được một năm thì xảy ra vụ án Lư-Cầu- Kiều (ngày 7-7-1937) cách Bắc-Kinh năm dặm, rồi chiến tranh Trung Nhật bùng nổ đúng như lời ông tiên đóan, và Bắc-Kinh bị chiếm hai tuần sau. ông Kiển rất lấy làm đắc ý về nhãn giới chính-trị của ông, chẳng ngày nào là ông không kể công với vợ con “Bà mày xem, chúng bay xem, tao không tiên đoán giỏi thì bây giờ mắc kẹt ở Bắc-Kinh rồi nhé, vốn liếng đi đời nhà ma rồi nhé!” ông đâm ra theo rõi tình hình nước Tàu. ông nói với vợ con: “Đấy rồi bà mày xem, chúng bay xem, hội nghị chín cường quốc họp ở kinh-đô Bỉ nhất định can thiệp bắt quận Nhật rút về vị trí cũ. Tưởng-Giới-Thạch đã ra lệnh cho quân ông phải giữ từng tấc đất đấy”. Rủi thay lần này ông tiên đoán sai, hội nghị chín cường quốc quá lơ-là, chiến tranh tiếp diễn ác liệt, Nhật tiến quân như vào chỗ không người. Chiến thuật tiêu thổ kháng chiến đã đươc đề cập đến. Nhưng điều ông Kiển không ngờ nhất là tháng mười một năm đó quân Nhật đổ bộ lên Thựợng-Hải. Ẩy thế mới chết, ông vốn ghét chiến tranh mà bây giờ chiến tranh lại bịt mất đường ra biển của ông, giá có muốn chạy đi Hồng-Kông bằng đường thủy bây giờ cũng vô phương. Chưa hết, sáu tháng sau - tháng mười hai - quân Nhật ào-ạt tiến chiếm Nam-Kinh đã dời đô về Trùng-Khánh và chiến thuật tiêu thổ kháng chiến bắt đầu được áp dụng thực sự. May là quân Nhật chiếm xong Nam-Kinh bèn cố bọc nhung bàn tay sắt vỗ-về dân chúng Nam-Kinh một chút để còn rảnh quân tung đi chiếm Hán-Khảu, Quảng Châu. Hơn nữa, Nhật-Bản phải ve-vuốt Nam-Kinh vì Nhật cũng thấy trước rằng dù có chiếm cả Bắc-Kinh và Nam-Kinh thì cũng còn mắc míu ngã ba ngã bảy khác, chẳng thể chiếm trọn vẹn được nước Tàu, Nhật muốn mua chuộc phe ôn hoà Quốc-Dân Đảng Tàu để thành lập một chính phủ thân Nhật (như ở Cao-Ly) như vậy danh chính ngôn thuận hơn nhiều. Uông-Tinh-Vệ đã bỏ Trùng-Khánh qua Hà-Nội. Quân Nhật đổ bộ lên đảo Hải-Nam (tháng 2-9-39), thế là cả miến Hoạ-Nam bị phong tỏa. Uông-Tinh-Vệ cũng đã từ Hà-Nội bay sang Hương-Cảng rồi về lập Chính phủ thân Nhật ở Nam-Kinh. Tranh ảnh tố cáo sự tàn ác của quân Nhật đầy rẫy ở Nam-Kinh, nào cảnh chúng đốt làng quê, nào cảnh chúng chặt đầu, mổ bụng dân quê, nào cảnh những người đàn bà Tàu bị hiếp đến chết loã thể chúng còn lấy cỏ may cắm đùa vào âm-hộ. Nhưng ở chính Nam-Kinh thì việc đó không có. Cũng may cho Kiển! Và tuy cả miền Hoa-Nam bị phong toả, ông vẫn mua được quy, thục ở Bắc-Kinh và sâm ở Cao-Ly để gửi bằng phi cơ qua Hồng- Kông, thành thử bộ mặt của chiến trinh đối với riêng ông Kiển ở Nam-Kinh không lấy gì làm gớm-ghiếc cho lắm, do đó ông cũng chẳng thiết tiên đoán điều này điều nọ mà làm gì, nói một cách khác ông không bận tâm nhiều về thời cuộc chiến tranh nữa kể cả khi có tin động trời: quân Nhật bất thình lình rội bom tiêu diệt hạm đội Hoa-Kỳ đậu ở Trân-Châu-Cảng ngày 7-12-1941. Nhưng sau này, vào tháng tám 1945 quân Nhật đầu hàng đồng-minh vô điều kiện, Trung-Hoa Quốc-gia chuyển bại thành thắng, thì ông Kiển chợt lại thấy lòng sợ chiến tranh, ông sợ rồi đây không khéo Quốc Cộng Tàu đánh nhau to, và khi người Tàu đánh người Tàu trong nội địa thì cụộc sống người Việt ngoại quốc không thể nhu-nhơ được, ông cho rằng vượng địa đối với riêng ông bây giờ phải là Hồng-Kông. Thế là ông sửa-soạn thu vén hàng-họ tiền-nong từ biệt bà Đô, mang gia đình xuống Thượng-Hải, ở đấy ông lấy vé tàu thủy đi Hồng-Kông. Quả nhiên Hồng-Kông từ sau ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, buôn bán ngày một phồn thịnh. Quả nhiên Quốc Công đánh nhau to Trung Cộng cả thắng, họ Tưởng rút ra Đài-Loan và nhất là sau đấy nước Anh với óc thực tế vô cùng linh- động và minh mẫn - (mà nhiều người lên án là bỉ-ổi) - đã “phá rào” đồng-minh, dùng Hương-Cảng làm cửa ngõ giao thông với Trung-Cộng để thu lợi, thì Hương Cảng quả là chốn thiên đường của giới thương mại.
Thế là thêm một lần nữa ông Kiển lại tiên đoán đúng thời cuộc.

VI
Trở lại chuyện bà Độ và bé Cam ở Nam-Kinh, qua ít bữa xao-xuyến vì tin Nhật đổ bộ Thượng-Hải, qua mấy ngày kinh hoàng quân Thiên-Hoàng tiến chiếm Nam-Kinh, cuộc sống của tiểu gia đình bà với chú Nìn trở lại bình thường.
Bà đã theo xong khoá huấn luyện nhà thương và là một nữ y-tá gương mẫu của nhà thương Nam-Kinh. Trong khi gia đình ông Kiển gọi bà là “bà Nam-Kinh” để gián tiếp ghi nhận sự kiện bà đến cư ngụ tại Nam-Kinh trước ông, thì những nữ đồng nghiệp của bà tại nhà thương Nam-Kinh gọi bà một cách kính mến là “Dể-Nàm Thai- Thai” (bà Việt-Nam).
Việc quân Nhật phong tỏa Hoa-Nam không quan trọng bằng việc bà thấy bé Cam vẫn được thấm nhuần đều không khí gia đình Việt-Nam, nói tiếng Việt thông thạo - (bà chỉ không ưa ông Kiển ở chỗ ông loay-hoay bận bịu quá nhiều về vấn đề buôn bán, tiền nong mà ít nhắc đến đất tổ) - và bà vẫn nhận được thơ đều của thằng con trai quý mến của bà bên đất tổ. Việc Uông-Tinh-Vệ bỏ Trùng-Khánh qua Hà-Nội thì bà biết vì Hà-Nội là Thủ-đô đất tổ của bà, còn việc họ Uông dời Hà-Nội đi Hồng- Kông rồi lập chính phủ thân Nhật ở Nam-Kinh thì có cái gì liên lạc với đất tổ đâu mà bà cần phải nhớ?
Tất cả những người Tàu bà con họ gần họ xa với chú Nìn, bà đều giao thiệp rất mực hoà-nhã đủ lễ, nhưng bà đặc biệt quý mến một người em họ chú Nin chỉ vì người này đã từng buôn bán lâu ngày ở Hải-Phòng và khi về Tàu thì luôn mồm than phiền một câu duy nhất “Chà, nhớ phở Việt-Nam quá!”
Bà có nhớ ngày quân Nhật bất thần dội bom xuống hạm đội Hoa-Kỳ ở Trân-Châu- Cảng không phải vì chính biến cố đó, mà thư từ liên lạc giữa Nam-Kinh với nước nhà bỗng xáo-trộn hẳn, một tháng trời qua bà không nhân được lá thư nào của Khoá. Rồi thư Khoá tới, Khoá vẫn làm ở đoan, bé Thanh, cháu nội của bà, đã sắp lên năm. Vào năm 1943 bà được Khóa thư cho hay là Khoá không chịu được đời sống công chức, đã xin nghỉ dài hạn ở đoạn sau năm năm phục vụ ngành này. Sở dĩ Khoá phải xin nghỉ dài hạn không lương để rồi sẽ tìm cách xin thôi sau vì thiên-hạ còn ở trong tình trạng chiến tranh, công chức đâu đựợc quyền xin thôi. Bà sung- sướng không thể tả được khi đọc những bức thư dài Khoá thuật lại những chuyến buôn lỗ lãi. Khoá lại tả cảnh Lào, nếp sống Lào trầm tĩnh hiền hoà khác hẳn nếp sống ào-ạt hỗn-độn của Tàu. Đã tám năm giời bà không gặp Khoá, bà không thể mường tượng nổi thằng con giai độc nhất của bà bây giờ vẻ mặt dáng người ra sao. Bà còn giữ nguyên vẻ mặt dáng người của “nó” năm nào ở Lào-Kay nhưng chắc- chắn “nó” bây giờ khác xưa nhiều. Nhưng cứ đọc thư không thôi, bà cũng tin rằng Khoá khôn ngoan lanh-lợi và ăn nói có duyên lắm.
Chú Nìn thuở còn ở Lao-Kay, sau ngày người vợ cả mất, hay đi tìm khuây ở ca lâu và một lần mắc bệnh tình, vì vậy mà khi tục huyền với bà Đô chú không thể có con được nữa. Đó là cái phúc lớn cho bà Đô, bà vẫn cám ơn thầm Trời Phật về điều này, một mình bà trả nợ đủ thôi, nợ chẳng nên thành dây thành rễ mà làm gì!
Tháng tám 1945 Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, nước Trung-Hoa bước lên hàng cường quốc thứ năm trong hàng ngũ đồng minh, vinh hạnh đó bà chẳng hề sơ múi của chú Nìn. Tại nước nhà cách mạng tháng tám thành công, nghe nói có lộn-xộn nội bộ, nhưng bà vẫn nhận được thư đều của Khoá, thế là được! Nhưng rồi sang năm sau phòng quan rút về Tàu, nghe chừng nội bộ lộn-xộn dữ, thư Khoá không tới, rồi kháng chiến toàn quốc... bà Đô có cảm tưởng bà rơi chìm nghỉm xuống một vực sâu. Thêm một tin sét đánh: gia đình ông Kiển nhất định dời đi Hồng- Kông, “thật là con người bất nhân, chỉ nghĩ đến tiền” - bà nghĩ thầm thế, nhưng rồi bà hồi tâm thấy rằng mình đã ích kỷ, trách cứ ông Kiển vô lý chỉ vì thương và lo cho Cam không còn một hình bóng nào của đất tổ để mà bấu víu cho khỏi mất gốc.
Cam đã mười sáu. Có phải đây là xứ lạnh, con gái dậy thì muộn, hay vì xa đất tổ thân yêu thích hợp cho sự nảy nở cơ thể cũng như tâm hồn, Cam tuy tới tuổi đôi tám mà còn ngây-ngô như đứa nít mới lớn. Nước da Cam trắng hồng và rất mịn, khuôn mặt tròn phúc hậu, mái tóc mềm, đen, cắt ngắn ngang vai, đôi mắt to đen lúc nào cũng như ngạc nhiên hết từ vật này đến vật nọ, hết từ chuyện này đến chuyện nọ. Cam chính là hình ảnh xinh đẹp phúc hậu của bà Đô xưa hồi còn con gái, nhưng kém sắc-sảo hơn nhiều. Nhìn Cam người ta có thể liên tưởng đến một đức trẻ chỉ có cơ thể lớn bồng lên một cách bất thường. Bà Đô cũng hiểu thế lắm, bà muốn phát điên lên, trời ơi, rồi đây không còn một gia-đình Việt-Nam nào nữa ở đây, thì Cam sẽ ra sao, Tàu không ra Tàu, Việt không ra Việt!
Chỉ còn một điều làm bà yên lòng đôi chút là Cam nói tiếng Việt rất sõi, rất trôi chảy. Điều này bà phải nhớ ơn gia đình ông Kiển, nhớ ơn nhiều, nhiều lắm.
Vừa may lúc đó Khiết tới. Lạy giời, lạy Phật!
Như chúng ta biết, Khiết cùng một số bạn cách mạng trẻ sang đây hoạt động tìm thế liên minh các lực lượng quốc gia để chống lại đoàn thể Việt-Minh Cộng-Sản hiện đương nắm chính quyền. Khiết hoạt động mạnh, đi đi lại lại như mắc cửi trên con đường xe hỏa nối Nam-Kinh với Thượng-Hải, nhưng vào dịp phải đợi, hoặc đợi tổ chức hội nghị sắp tới, hoặc đợi đại biểu đoàn thể bạn sắp tới... thì Khiết hết sức lợi dụng những ngày giờ được nghỉ xả hơi đó mà vãn cảnh Nam-Kinh, đi thăm và tìm hiểu những sử tích Nam-Kinh. Khiết mua một bản đồ Nam-Kinh có kèm một quyển chỉ nam sơ lược, nhiều khi Khiết phải lật mở cuốn Trung-Quốc Sử-lược để tra cứu thêm về một vài nhân danh, địa danh...
Hôm đó vừa ở Thượng-Hải về Nam-Kinh, Khiết đã tới gặp vị lão thành cách mạng, xin người đứng làm trưởng phái đoàn dẫn anh em đến yết kiến Thống-Chế Tưởng-Giới-Thạch tại Trùng-Khánh để giành lấy sự ủng hộ tích cực hơn của Quốc- Dân Đảng Tàu, vị lão thành cách mạng quyết định hôm sau phái đoàn sẽ lên đường. Thế là Khiết được dịp nghỉ xả hơi từ trưa hôm đó đến sáng hôm sau. Chàng thủng- thẳng đi ngược dòng sông Tần-Hoài lên phía trên, nhìn bãi cát trắng phau với hàng liễu rủ, cái soi ở giữa sông tràn ngập ánh nắng trưa, trông tưởng như có nhích lại gần bờ hơn chút đỉnh. Chàng vừa tựa vai vào một thân liễu thì có tiếng hỏi rụt-rẻ nhưng trong-trẻo, ngay phía sau:
- Xin lỗi ông, ông có phải là người Việt-Nam không ạ.
Khiết giật minh quay lại, chết chưa, chàng mải suy nghĩ làm sao mà có người theo sát mình phía sau một quãng đường không biết. Người hỏi là cô gái khuôn mặt tròn phúc hậu đôi mắt mở rộng thơ ngây, Cam. Chàng gật đầu:
- Vâng, tôi là người Việt-Nam, sao em biết?
- Thưa ông mẹ cháu đoán vậy nên sai cháu theo ông hỏi.
Khiết càng ngạc nhiên, hỏi:
- Thế mẹ em đâu?
Cô gái chỉ về một cái quán có hàng cột sơn đỏ đằng xa và nói:
- Mẹ cháu dặn nếu quả ông là người Việt-Nam thì mời ông lại đằng quán.
- Thì chúng ta lại!
Khiết nói vậy rồi cùng cô gái quay gót, trong bụng đoán thầm mẹ cô hẳn người Việt lấy Tàu và mở ngôi hàng ở đó. Khiết chỉ đoán đúng đại thể, sự thực không hoàn toàn như vậy. Hôm đó bà Đô hết giờ làm việc đương trên con đường từ nhà thương Nam-Kinh về nhà, bà chợt dừng lại trên vỉa hè chú ý nhìn theo một khuôn mặt hơi cúi xuống và đăm chiêu đi ngược chiều ở bên kia đường sát bờ sông Tân-Hoàị. “Đúng là khuôn mặt người Việt-Nam mình” bà tự nhủ. Bà có quay lại bước theo mấy bước ngập-ngừng toan đích thân sang hỏi. “Mẹ!” tiếng Cam đã từ nhà đi đón như thường lệ. Bà gật đầu cười lại với con, nhưng óc vẫn suy nghĩ lung lắm chưa biết tìm cách nào để hỏi người đó cho khỏi đường đột vô lễ. Bà chợt tìm ra, chỉ người khách vẫn lững-thững tiến bảo Cam: “Mẹ trông người kia ngờ-ngợ là người đồng hương, con hãy chạy lại hỏi nếu phải là người Việt-Nam thì con mời ông ta lại, mẹ ngồi đợi ở quán ăn này đây”. Thấy Cam ngần ngại, Cam vốn rụt rè như vậy bà nói luôn: “Mau lên con, không có người đó đi mất”.
Khiết lại, bà Đô gọi trà bánh thết, bà có hỏi qua vì sao Khiết có mặt ở đây rồi bà tự giới thiệu hoàn cảnh bà. Bà nói vắn tắt nhưng đầy đủ, bà giới thiệu Cam với Khiết và bày tỏ nỗi lo âu vô cùng của bà về nỗi Cam đã không được sống ở nước mà lại không có một bóng gia đình Việt nào ở đây rồi thì ra sao?
Khiết hiểu ý bà Đô muốn tuy ở đất Tàu nhưng luôn luôn phải có “làn gió Việt” thổi qua để người con gái lớn lên ở đầt Tàu kia của bà khỏi mất gốc vì - lời bà luôn luôn nhắc tới trong câu chuyện - “cây có gốc, nước có nguồn, con người mà gốc chẳng biết nguồn không hay thì còn ra cái gì!”
Bà Đô chép miệng lắc đầu ngừng nói khi câu chuyện tâm sự với người đồng hương đã hết. Bà còn biết nói gì hơn? Bà bịn rịn còn muốn kéo dài giây phút họp mặt thêm chút nữa, bà hỏi:
- Dạ thưa, ở bên nhà quê ông ở đâu đấy ạ?
Thưa bà - Khiết đáp - tôi quê ở Sơn-Tây, huyện Thạch-Thất!
- Quý hóa quá! Thế ông cùng các bạn hữu còn ở đây bao lâu nữa ạ?
- Thưa, chúng tôi cũng không rõ, còn tuỳ ở công việc và cấp trên.
....
Bà Đô ngừng lại, bà muốn mời cả bọn đồng hương đó đến nhà ăn cơm lắm nhưng bà biết chú Nìn sẽ phật ý lớn (tuy chú ưng chịụ) bà không muốn vậy.
- Thưa a a... ông cho biết quý danh để lỡ lần sau có gặp tôi thưa tên cho
tiện.
- Thưa tôi là Khiết, Lê-Tịnh-Khiết!
Đôi mắt bà Đô chợt sáng lên. Tuổi tác không hề làm cùn nhụt trí thông minh của bà, bà thấy ngay cơ hội:
- Ông họ Lê? Trời ơi, ông cùng họ với tôi, quý hoá quá, tôi quê ở Quảng- Yên.Thôi thế này ông nhé... nhưng chẳng hay hiện giờ ông có bận việc gì cần đi ngay không ạ.
- Thưa sớm mai tôi mới phải đi.
- Vâng nếu vậy thì mời ông về nhà tôi bây giờ, tôi giới thiệu ông với nhà tôi. Vâng... tôi giới thiệu., xin ông thứ lỗi cho... tôi giới thiệu ông là em họ tôi mới ở bên nước nhà sang đây hoạt động cách mạng... chúng ta há chẳng đồng tộc với nhau là gì... vâng xin ông cho phép tôi được nhận ông là em.
- Thưa bà sang đến đây đựợc bà nhận họ coi là em, thật hân hạnh cho tôi!
- Con ơi - bà Đô run run nắm lấy tay Cam đặt lên tay Khiết - từ nay con phải gọi ông Khiết đây là “cậu Khiết” nghe không, vai “cậu” là “em mẹ” con nhớ chứ?
Cam gật đậu, bà Đô rơm-rớm nước mắt, vội đứng dậy để dấu sự đó, bà tiến ra quầy giả tiền rồi quay lại mỉm cười - bà đã giữ lại bình tĩnh - nói với Khiết:
- Nào mời ông theo tôi!
Khiết từng chứng kiến nhiều cảnh nhận họ của người Tàu đổi với người Việt, thật hồn nhiên: “Ủa ông họ Lý à, tôi cũng họ Lý đây, chúng ta là anh em cả mà”. “Tốt lắm tiên sinh họ Trần, tôi cũng họ Trần, tưởng ai xa lạ!” Điều đáng quý và lý thú là sau khi nhận họ như vậy người Tàu có bổn phận mời người bà con tự phương xa lại về nhà chè-chén phè-phỡn. Chúng ta hãy tưởng tượng trong đám thanh niên xuất ngoại làm cách mạng kia, vào đúng lúc phải “nhậm xà” với lạc rang trừ bữa mà được ông Tàu nhận họ như vậy để rồi mình có thể kéo thêm một vài anh bạn đến dự tiệc nhận họ thì còn gì bằng. Câu chuyện kéo nhau đi ăn gỡ như vậy, nhìn bằng con mắt nghiêm trang thực chẳng có gì đáng hãnh diện, khốn nhưng người Việt mình ưa trào phúng, nhất là vào những lúc thất vọng ê chề buồn nản nặng chĩu, thì thái độ trào phúng không những là lối thoát mà còn là phương pháp mầu nhiệm để bồi đắp lại những sinh lực đã mất.
Khiết ưa tìm hiểu đến nơi đến chốn, thấy rằng thái độ nhận họ một cách chí tình của người Tàu chẳng phải vì người Tàu quá ngây thơ. Nguyên do thuở nhỏ họ cắp sách đến trường, thì môn địa lý dạy ở nơi này vẫn mặc nhiên coi cái mẩu đất nhỏ bé dính liền với nước Tàu ở miền cực Nam kia là của nước Tàu, rồi cả những người không cắp sách đến trường cũng bị lây cái quan niệm lờ-mờ đó và coi cái tên “Dệ Nàm” (tiếng Quan-Hỏa) hay Dịt-Nàm (tiếng Quảng Đông) là tên một quận huyện nào đó của nước Tàu.
Nhưng chẳng biết lần này sẽ ra sao vì là trường hợp người vợ “Dệ Nàm” nhận họ.
Khiết đã theo bà Đô về tới nhà. Bà giới thiệu Khiết với chú Nìn, giọng thao thao bất tuyệt. Khiết tuy đã nghe và nói khá sõi tiếng Quan-Hỏa mà chỉ hiểu được lõm- bõm, hình như đó là tiếng nói của tình cảm mà người nghe cần trực giác nhiều hơn cần lý trí. Chú Nìn chắc cũng chẳng hiểu gì hơn Khiết, nhưng chú nghe bằng trực giác, chú thong-thả vuốt râu mép gật-gù, miệng bập bập ống điếu thuốc lào, phun khói từng đợt nhịp với tiếng “ừ ừ” như để chấm câu. Khi bà Đô vừa dứt, chú thân ái ngẩng nhìn Khiết... Bà Đô sung sướng ứa nước mắt khi thấy chú Nìn ra nắm lấy hai cổ tay Khiết lắc lắc mấy cái mà rằng:
Hẳn hỏ, ủa mán ta tchya tú shử sấn síi!
(Tốt lắm, chúng ta đều là thân thích cả mà!)

VIII
Theo ông Hải dời Vientiane, rời mái học đường - Collège Pavie - nơi niên khoá cuối cùng vừa qua. Khoá lĩnh phần thưởng hạng ưu, về đến Hà-Nội Khoá gặp kỳ nộp đơn thi vào hai nơi: Toà Sứ và Sở Quan-Thuế. Trong khi chờ kết quả, Khoá theo đúng lời mẹ dạy, thoạt về quê nội - làng Liên Phú - rồi quê ngoại - miền Ninh- Tiếp - nhận họ hàng cả hai bên.
Sản xuất muối-nấu vẫn là “nghề tay mặt” của quê ngoại, Khoá gặp một ông cậu khá vui tính, buổi chiều, chỉ đoàn người nhà đi chặt củi về nấu muối, ông nói:
Cây xú, cây vẹt thổ sản của miền đồng lầy này lại được dùng làm củi đun nước biển của vùng. Rõ thật “nồi da nấu thịt”.
Trở lại Hà-Nội, Khoá về thăm quê vị hôn thê ở Văn-Lý (Nam-Định). Nhạc phụ Khoá có ruộng muối ở đây Khoá không ngờ quê mẹ đã làm muối, đến quê vợ cũng làm muối nốt. Vì nhớ đến mẹ nhiều mà Khoá thích chú ý đến muối. Khoá so-sánh thấy muối nấu hai miền Đồng-Bài Ninh-Tiếp (Quảng-Yên) khác với muối Văn-Lý, phương pháp làm cũng khác. Ruộng muối là những vùng đất tháp phẳng không cao hơn mặt biển bao nhiêu, có những con ngòi dẫn nước biển vào. Khoá đã cùng nhạc gia cho gánh cát trải phẳng thành một lớp mỏng trên mặt ruộng muối, xung quanh luôn luôn có nước biền thấm qua đất. Buổi chiều Khoá cùng gia nhân vun cát lại thành đống, xúc lên phên, giội nước chất muối lọc theo mương chảy dồn về một cái hố xa, hôm sau láy gầu vục lên đổ vào một cái sân lát xi măng hay vôi gạch, xung quanh có gờ nhỏ cao chừng năm phân để giữ nước. Dưới sức nóng mặt trời nước bốc hơi còn lại muối, một thứ muối kết tinh thành từng hạt khá lớ màu ửng hồng - phải chăng vì có nước sông Hồng chảy ra cửa bể Văn-Lý? Muối Văn-Lý nổi tiếng hơn cả, chính thứ muối này mới đủ độ mặn để muối dưa, muối cà, là những món ăn nghèo, thuần tuý dân tộc.
Rồi Khoá cũng đã từng theo gia nhân xe muối đến kho có rào xung quanh, một phó đoan ngồi kiểm soát, ra lệnh người phụ việc phát rổ, muối được xúc vào rổ cho có ngọn rồi đội vào đổ trong kho. Những người dân chuyên đội thường cạo đầu nhẵn thín (để về nhà dễ gội), thêm nước da người miền biển rám hồng, trông chẳng khác những vị sư hổ mang loại Lỗ Trí Thâm. Kho muối lợp tuyền bằng cói, hai chân mái chấm sát mặt đất, bên trong muối đổ đầy sát nóc. Mỗi lần đổ xong rổ muối ra, tên phó đoan người Pháp lại vứt vào rổ cho một jeton, sau này đổi thành tiền. Khoá hỏi:
Thưa thày về mùa lạnh thì vùng ta nghỉ làm muối?
Cụ đáp:
Mùa lạnh cũng có làm nhưng số thu hoạch rất ít, gọi là mùa chiêm.
Vui câu chuyện cụ giảng thêm:
Những năm mưa nhiều mất mùa muối, miền Bắc đành tiêu thụ tạm muối Nam. Cách đồng bào miền Nam làm muối giản dị hơn, chỉ việc đắp con trạch - (thứ bờ ruộng nhỏ, nói theo danh từ miền Bắc) - giữ nước, cho đến khi nước hao đi, trơ muối lại, muối Nam cục to, màu trắng, mặn chát, chứ không thành hột nhỏ đều, màu hồng và mặn dịu như muối Văn Lý nhà. Vì muối Nam không “hợp giọng Bắc” nên vào những muối mất mùa, người Văn Lý thường lấy gạch non nghiền nát ra thành bụi rắc vào nhuộm màu hồng để giả làm muối Văn Lý.
Có lẽ vì thấy cậu con rể tương lai thực sự muốn hoà mình vào nghề làm muối, dù chỉ là về chơi mấy ngày, cụ càng mến; sau bữa rượu tối, cụ nằm khểnh trên chiếu giải ở góc sân dưới một gốc mít lớn, vừa phẩy quạt nhìn ao vừa thuật lại sự tích của cụ xưa:
Trước đây tôi nghiện từ năm mười tám tuổi, anh biết không. Cả họ ghét tôi như ghét một con chó ghẻ, chỉ có hai người thương tôi, một là mẹ - mẹ nào mà ghét con - hai là chị dâu. Chị về làm dâu hồi tôi còn nhỏ xíu từng cõng tôi lên vai mang sang chơi các nhà hàng xóm, vì vậy mà lúc tôi lớn lên trót hư hỏng chị không nỡ ghét nữa. Tôi bực mình bỏ nhà đi đăng lính. Vì tôi có học đến cours moyen bập bẹ nói ít tiếng Pháp nên được đóng cai, cai nhà giấy- caporal fourrier- đóng ở Ban Mê Thuột. Lúc đó tôi đã thôi không hút nữa, tôi muốn thôi là thôi anh nghe chưa, cuối năm tôi gửi về biếu mẹ ba chục đồng, biếu bà chị dâu một chục đồng. Ba năm trấn thủ ở Ban Mê Thuột tôi xin nghỉ phép về quê để biếu mẹ số tiền dành dụm là tám trăm đồng. Đi khỏi địa phận Ban Mê Thuột bằng voi, rồi lên xe hàng xuống Nha Trang, lên tàu thuỷ về Bắc, trên tàu thuỷ tôi sà vào đám bạc nướng hết tám trăm, về thăm mẹ, trần như nhộng. Nhưng mà thôi, mất tám trăm nhưng tôi đòi lại cho đất nước Việt Nam mình hai tỉnh Ban Mê Thuột và Kontum, không tốn một tên quân, cũng chẳng phải đem công chúa mà đổi lấy hai châu Ô, Lý như kiểu người xưa. Anh ngạc nhiên ư, sự thực là thế đó, lịch sử đâu có ghi tên tôi, tôi là thứ anh hùng vô danh mà. Chả dạo đó tôi giúp việc rất đắc lực cho tên đại lý người Pháp ở đấy. Thoạt các giấy tờ hành chánh về hai tỉnh Ban Mê Thuột và Kontum đời tên đại lý trước đều xếp vào hồ sơ nước Lào. Đến đời tên đại lý này, thì hắn ngờ ngợ không biết nên xếp vào nước Lào, hay vào nước Việt. Tội viện ngay lý: “ông cứ trông bản đồ trên tường kia, lại xin ông nhớ cho chiếc dốc dời khỏi tỉnh Ban Mê Thuột đổ về phía Ninh Hoà thì tất nhiên hai tỉnh này phải thuộc về An Nam mới hợp lý”. Hắn chặc lưỡi gật đầu nói: “Vậy thì đồng ý!” Thế là từ đấy hễ cứ đánh giấy tờ hành chánh thuộc hai tỉnh Ban Mê Thuột và Kontum tôi tự động xếp vào hồ sơ nước An-Nam nhà ta. Tôi nghĩ rằng nếu cũng có một người Lào giúp việc tên đại lý và y nói tiếng Pháp cũng thạo bằng tôi hay hơn tôi thì e rằng khó có thể dễ-dàng xếp trả hai tỉnh trên về cho đát nước mình. Đấy anh xem lịch sử có những chuyện vớ-vẩn như vậy, hậu thế “toạ hưởng kỳ thành” đâu có biết đến công ơn tôi.
Khoá thấy lời nhạc phụ quả chí lý và chàng cất tiếng cười hưởng ứng vì thấy tuy cụ nói vậy mà giọng chẳng hề gay-gắt oán trách hậu thế vong ân.
Về thăm mẹ và chị xong - cụ tiếp - tôi trở lại Ban-Mê-Thuột. Trước khi đi, tôi chặt đồng xu “nhát bách chi phân” làm bốn, thề là từ nay không đánh bạc nữa. Tôi được theo tên đại lý sang Vientiane, nơi đây làm ăn khá, cuối năm tôi gửi mandat về biếu mẹ hai trăm năm chục đồng và bà chị đầu năm chục đồng, thì một tháng sau mẹ gửi cho tôi...
Khoá thấy nhạc phụ ngừng lại chỗ đó, ngừng quạt, khẽ nghển cổ lên hỏi:
Anh có biết mẹ tôi gửi cho cái gì không, gửi cho một... cô vợ!
Cả hai cha con cùng cười. Vị nhạc phụ lại nằm xuống, phẩy mạnh chiếc quạt giấy lớn, mùi rượu nồng-nàn toả đến chỗ Khoá ngồi, tựa như chính câu chuyện làm nồng-nàn hơi rượu, ông cụ tiếp, giọng rất trào lộng:
Trời ơi bà mẹ vợ anh thì thật là đi ỉa không biết đường về! Khi mà vợ anh sinh ra, tôi phải gửi về quê nhà để nhờ bà chị dâu nuôi giúp, vì vậy mà vợ anh ngày nay vẫn gọi bà chị dâu tôi là “chị đẻ”. Sau hai năm giời xa nhà, lần này tôi để dành được ngàn rưỡi bạc, toàn bạc hoa xoè. Vào dịp tết Nguyên đán, cứ chỗ nào có Việt kiều là có đám xóc đĩa. Tôi mang mấy đồng đi đánh chơi, thua, tôi bảo bà mẹ vợ anh về lấy cho tôi vài đồng nữa, bà ấy về lấy, tôi lại thua. Cứ như vậy đến mười lần tôi bảo bà ấy về lấy tiền, bà ấy lẳng lặng nghe theo chẳng hề cản tôi lấy một câu. Rồi tôi đích thân về lấy, lấy hàng vốc bạc hoa xoè, trong trí không hề quên trước đây khi từ biệt mẹ đã chặt đồng xu làm bốn để thề. Sang đến canh hai, tôi thấy rằng số ngàn rưởi bạc hoa xoè chỉ còn chừng ba bốn chục bạc là cùng. Thôi thì đã mất cho mất hết, thế lại khỏi ân hận, tôi vơ cả đống còn lại đó tới chiếu bạc đặt hết sang phía chẵn. Nhà cái “chẵn về”, mở ra lẻ. Tôi cho rằng đó chẳng qua số mệnh đánh dứ mình một đòn cho có vẻ “lẳng-lơ”, rồi mới thu một lần cuối, khánh tận. Tôi vẫn đứng ghé chân chèo tạm bợ để nguyên tiền bên chẵn. Nhà cái hấp tấp mở bát ngay, ý muốn thanh toán tôi cho rồi, như người đao phủ bỗng nổi một cơn lương tâm, cho hành quyết gấp để thu ngắn thời gian bi đát của tên tử tội. Bát đồ sấp hai, chẵn. Tôi để nguyên. Bát mở: sáp tư! Tôi vẫn để nguyên. Bát mở: ngửa tư! “Thật là kỳ dị!” Cả làng cười ồ nói vậy. Tôi vẫn để nguyên, máu hồi sinh đã dồn lên mặt. sấp hai! Lúc đó tôi mới lách ngồi xuống kẻo đống tiền về bắt đầu đánh cẩn thận. Cả làng nhường như chống lại tôi. Tôi đặt một bên thì họ bảo nhau đặt cả sang bên đối lập vì họ không thể quan niệm rằng tôi đã đỏ lại có thể đỏ mãi được. Nhiều khi một mình tôi đặt chẵn (hay lẻ), nhà cái còn hô với tôi “bán sạch lẻ” (hay chẵn), tất nhiên tôi mở liền, thường mười lần họa là thua một. Cuối canh tư sang đầu canh năm, tôi vét sạch làng, bà rnẹ vợ anh vẫn ngồi chồm-hỗm gần đấy đợi tôi, chẳng vui lúc đó mà cũng chẳng buồn trước đây, tôi bảo bà ấy vào nhà mượn bà chủ quang gánh, bà gánh về hai rổi bạc hoa xoè đầy! Tôi xin giải ngũ, vẫn ở lại Vientiane buôn bán và nhất định không đánh bạc nữa, lần này nhất định thật. Rồi tôi đứng làm đại diện Việt kiều bên ấy. Từ ông thượng thư Phạm-Quỳnh đến ông thiếu Hà-Đông Hoàng-Trọng-Phu ở bên nước nhà hét ra lửa, sang đến Vientiane là phải đến thăm tôi trước. Tôi quen ông Hải nhà cũng vào dịp này đấy, đôi bên thành bạn tri kỷ. ông Hải đổi về tôi cũng về theo, tôi về thẳng quê nhà đây giúp bà chị dâu một tay làm muối, nghề cũ. Chỉ tội nghiệp bà mẹ vợ anh mất ở bên đó ba năm trước đây. Phần mộ của bà tôi cho xây đẹp nhất, chọn chỗ sơn thủy hữu tình nhất, bên bờ sông Mê-Kông. Rồi đây có thể cao hứng tôi cho dời bà về quê, bởi tuy sinh thời bà ít nói, nhất là ít yêu cầu tôi điều gì nhưng khi biết mình sắp chết bà có giối-giăng lại là hãy cố mang bà về quê cha đất tổ!
Nhạc phụ ngưng câu chuyện ở đấy. ông phe-phẩy quạt, chừng như đã thấy rã rưựu, ông phe-phảy quạt thêm mấy cái nữa rồi thiu thiu ngủ. Khoá rưng rưng nước mắt nghĩ đến mẹ mình. Cũng kể từ đấy câu chuyện bỗng thành một ám ảnh lớn với Khoá, chàng luôn luôn sợ mẹ chết nơi đất khách quê người.
Sau này - năm 1947 - đương tản cư ở Lạt-Sơn (Phủ Ịý) nghe tin mẹ dời Nam- Kinh về Hà-Nội bằng đường hàng không, Khoá đã bất chấp việc buôn bán còn dở- dang, bất chấp cả Công-An Việt-Minh, tạm để vợ con ở lại hậu phương, một mình dời Lạt-Sơn lên Đồng-Quan rồi vào thành (cùng hai người nữa) bằng con đường Văn-Điển. Khi hai mẹ con gặp nhau ở Hà-Nội rồi, Khoá mới yên chí là mẹ không đến nỗi phải gửi xương nơi đất khách quê người. Đồng thời Khoá được cô em út - Cam, năm đó tuổi vừa đôi tám - thủ-thỉ kể cho nghe cảnh mẹ từ trên phi cơ xuống, bà quỳ lạy cảm tạ Trời Phật và cúi xuống vừa khóc vừa hôn mảnh đất quê hương - khi đó là khoảng phi đạo xi-măng cốt sắt của phi trường Gia-Lâm.
Thật ra cử chỉ đó dù là chí thành cũng rất dễ biến thành hài kịch dưới con mắt bàng quan, nhưng lòng chí thành quá cô đọng của bà Đô kết lũy trong bao nhiêu năm - mười ba năm kể từ 1935 là năm bà rời Lao-Kay đi Nam-Kinh - nên bà đã thực sự thôi miên cả đám hành khách Việt có, Tàu có, Mã-Lai có, Ấn có... tất cả những giống người khác nhau trên đều do trực giác mà cảm thông thấy ngay rằng bà cụ đang quỳ xuống hôn phi trường kia là người đàn bà đã lưu lạc lâu năm nơi quê người. Một số nữ công nhân làm việc ở phi trường cũng thấy xúc động lây, kín đáo chấm nước mắt. Phi đoàn gồm ba người, đều là người Pháp, xuống sau cùng họ dừng lại một chút trước cảnh tượng đó và họ cũng lập tức hiểu ngay... Viên quan ba hoa tiêu kính cẩn cất chiếc béret basque màu xanh nước biển xuống và khẽ nghiêng đậu khi bước qua chỗ bà Đô quỳ, hai vai đương rung động, bà khóc không thành tiếng.

IX
Từ ngày tự nhiên được làm quen với gia đình bà Độ, vào những dịp nhàn rỗi Khiết có lại thăm bà cùng chú Nìn. Cam vẫn gọi Khiết bằng “cậu” và xưng “cháu”, nhưng những danh từ “cậu cháu” đó, Cam dùng một cách vui-vẻ, hình như chỉ cốt để phân biệt nàng với tha nhân, tuyệt nhiên không đượm vẻ kính cẩn, cách biệt hẳn, như bên nước nhà, Khiết coi đó là một điều ngộ-nghĩnh để giải trí. Rồi mỗi lần có dịp đi thăm các di tích lịch sử: Huyền-Vũ-Hồ, Mạc-Sầu-Hồ, Yên-Chi-Tỉnh, Dã- Thành... Khiết đều cho Cam đi theo. Giá ở nước nhà, con gái mình vừa đến tuổi mười sáu như vậy, bà Đô quyết chẳng dám để cho tự nhiên đi chơi với bất cứ người đàn ông nào ở tuổi nào, nhưng đây là ở Nam-Kinh, người Việt ở đây lại hiếm như đất sỏi hiếm trạch, nên bà Đô còn lấy làm hỉ-hả là Cam đã được “cậu Khiết” đưa đi đây đó. Thường thì sau mỗi lần đi thăm một nơi về, “hai cậu cháu” vào giải lao tại một trà thất nào đó bên sông Tần-Hoài. Và nhiều lần Khiết quan sát Cam ngây thơ ra đùa nghịch bên ven sông với mấy cô bé bán lạc rang, hay mấy thiếu phụ bán miến nộng nấu với mề gà - đây cũng là thứ quà đặc biệt của Nam-Kinh như thứ hàm ạp hấp với sôi vậy - Khiết đặt thầm cho Cam cái tên “cô bé bên sông Tần-Hoài!
Khi bộ tham mưu của Mặt-Trận Quốc-Gia Thổng-Nhát Toàn Quốc dời xuống Hoa-Nam, Khiết đến chào chú Nìn lúc đó đương ốm, thì cả bà Đô và Cam cùng khóc, chính chú Nìn phải nghểnh cổ khỏi giường bệnh tìm mấy lời vỗ-về an-ủi hai mẹ con.
Khiết đâu có ngờ chàng xuống Hoa-Nam chừng hai tháng sau thì bệnh tình chú Nìn trở nên trầm trọng rồi chú tạ thế. Sau khi đã săn-sóc cho chú mồ yên mả đẹp để tạ ơn tri ngộ, bà Đô để lại cho hai anh chú Nìn phân nửa gia tài để hai người tiếp tục trông nom đứa con giai chú Nìn đương theo họ ở Mỹ, bà mang Cam về nước ngay. Nghe nói miền Quảng-Yên chưa yên, bà mua vé máy bay về Hà-Nội. Tỉnh nào cũng được, thành phố nào cũng được, miễn là đuợc sống giữa đồng bào trên đất tổ!
Năm 1948, Khiết từ Vọng-Các tới Nam-Vang chàng được các đồng chí bố trí cho về nước theo ngả qua Kampot rồi vượt biên giới về Hà-Tiên nước nhà (Chàng về tìm phưong kế giải quyết vụ phe quốc-gia kháng chiến bị Việt-Minh ra mặt khủng bố, đương lâm cảnh trên đe dưới búa). Vùng này trước đây vẫn yên tĩnh, rủi thay khi Khiết vừa đặt chân tới Kampot thì đoàn convoi gồm hai mươi nhăm xe GMC của quân đội viễn chinh Pháp bị giật mìn phục kích tơi-bời khoảng biên giới giữa Miên với tỉnh Châu-Đốc, Phòng Nhì Pháp lập tức cho tung màng lưới trinh sát dầy đặc. Khiết phải xuống một chiếc thuyền đánh cá Miên, dự định qua hải phận nước nhà sẽ sang một chiếc thuyền máy khác, ven theọ vịnh Thái-Lan mà về Rạch-Giá. Chàng bị giữ ngay khi vừa bước chân xuống thuyền đánh cá. Căn cứ vào quốc tịch, người Pháp cho chở Khiết bằng phi cơ quân sự về Sàigòn, nhốt chàng ở khám lớn Catinat, năm tháng sau đưa ra tòa án quân sự và mặc dầu chẳng có chứng cớ gì nhưng duy việc Khiết nhập nội Cao-Miên trái phép đủ để toà này lên án chàng mười năm biệt xứ, đày ra Côn-Đảo. Ngay tuần đầu, vào một buổi sớm sắp bị dẫn đi làm ở Sở Cây, một người bạn đồng cảnh đã nói khẽ với Khiết: “Anh mới bị đày ra đây mà đêm bị cùm, ngày đi làm tại lò nung vôi, như vậy phải cẩn thận lắm, một tháng sau anh có thoát khỏi Sở Tiêu mới cầm bằng là được ở tù mãn hạn” - “Làm Sở Tiêu còn vất-vả hơn ư hở anh?" Người bạn bật cười vì câu hỏi ngây thơ của Khiết: “ Anh tưởng Sở Tiêu là gì, sở giồng chuối tiêu hay giồng hồ tiêu chăng? Sở Tiêu ở phía Tây-Nam Côn-Đảo, không có một cây chuối tiêu, chẳng có một giây hồ tiêu, đi đến đấy là... tiêu đường về, đó là một bãi phẳng gần sát hồ sen, nơi thực dân thủ tiêu các chính trị phạm mà chúng cho là nguy hiểm nhưng không thể lên án tử hình vì e lộ-liễu mất chính-trị”.
Chưa đầy một tháng qua Khiết bỗng nhận được giấy ân xá nhưng bị trục xuất khỏi miền Nam, phải trở về nguyên quán.(Mãi sau hiệp định Genève, Khiết mới hay một đồng chí cũ trong Mặt-Trận Quốc- Gia Thống-Nhất Toàn-Quốc của chàng được thực dân o-bế phong cho giữ chức vị tối cao chính phủ bù nhìn. Người bạn đó bị mua chuộc, tuy hết tinh thần cách mạng nhưng tình nghĩa đồng chí còn, nên ngầm ra lệnh ân xá và trục xuất chàng. Khi khám phá ra “ân nhân” thì thế nước đã thay bực đổi ngôi, quân đội Pháp lần lần rút khỏi miền Nam tự do, “ân nhân” cũng phải cao chạy xa bay và hiện nay còn lưu vong trên đất Pháp).
Lúc còn ở Côn-Đảo, ngờ mình rồi đến bỏ thây nơi Sở Tiêu, Khiết giữ một thái độ đợi chờ rất bình tĩnh. Chàng nghĩ dù có chịu thua số mệnh thì cũng thua một cách chững-chạc chẳng việc gì mà ưu phiền, mình đã làm hết sức mình rồi mà. Nhưng đến khi được tha, bắt trở về nguyên quán (miền Bắc) đặt chân đến Hà-Nội, nhìn những bóng áo xanh, áo đỏ cùng những suối tóc thề quanh hồ Hoàn-Kiếm, Khiết bỗng thấy tiếc đời vô cùng, tưởng như mình sắp bị thực dân dẫn tới... Sở Tiêu. Khiết gặp bà Đô ngồi trên ghế xi-măng, bên cạnh một thiếu nữ “mặt hoa da phán”. Không hiểu sao Khiết lại nhớ đến thành ngữ rất... tuồng này, như Tiết-Đinh-Sơn khen Phàn-Lê-Hoa chẳng hạn, khi chàng gặp Ịại Cam, vì thiếu nữ độ chính là Cam, vẫn khuôn mặt phúc hậu xưa bên bờ sông Tần-Hoài, nhưng đôi mắt có chiều linh động hơn tuy vẫn giữ vẻ thản nhiên như xưa. Phải chăng vì cây Việt-Nam đã được gặp thuỷ thổ Việt-Nam để nở hoa? Cô bé bên sông Tân-Hoài nay đã là cô gái... bên sông Tần-Hoài (bởi mặt hồ Hoàn-Kiếm lúc đó gợn sóng xanh biếc như hệt sóng sông Tần-Hoài vào những sớm đẹp trời). Đôi bên nhận ra nhau ngay, bà Đô kéo tuột Khiết về ngôi hàng bán giày dép của bà ở HàngTrổng gần đấy, đó cũng là lần đầu tiên Khiết gặp vợ chồng Khoá và Thanh, đứa cháu nội đầu lòng của bà Đô. Cũng may Khiết sớm biết Khoá đồng niên với chàng, từ đấy, để thân mật, Khiết gọi bà Đô bằng bác, Cam cũng ấp-úng gọi chàng bằng anh và xưng em.

X
“Ừ trước đây quen xưng hô cậu cậu cháu cháu, nay đổi sang anh anh em em thl ngượng-nghịu một chút là phải” - Khiết nghĩ vậy rồi sang với Khoá lúc đó miệng cười mỉm rất tươi, rất chào đón.
Khiết vào chuyện trước:
Thế mà anh đồng niên với tôi đấy. Dạo tôi gặp Bác ở Nam-Kinh mỗi lần đến thăm bác là người chỉ nhắc đến anh, hai tuần người không nhận được thư của anh thì người có thể phát điên lên được.
Vâng, anh tính tôi xa mẹ tôi mười ba năm còn gì. Dạo đó mẹ tôi đi Nam- Kinh thì tôi dời Mông-Tự đi Vientiane.
Anh đi cũng đã nhiều đấy chứ!
Các cụ nói đúng anh ạ, đi một ngày đàng học một sàng khôn, mà là những bài học thắm thía, đi vào bằng cả năm cửa ngõ giác quan nên càng thắm thía. Cho đến ngày nay tôi còn giữ đựơc cảm giác man-mác miền cao nguyên Mông-Tự. Mỗi khi mặc áo ấm tôi lại sực nhớ ngày nào mặc áo ấm để đi đến miền Khề-Lùng-Thán ngắm chiếc hồ rộng trên núi, nơi có con rắn tu thành rồng. Chính câu chuyện cổ tích rắn tu thành rồng này đã mãi mãi tác động đến trí cố gắng của tôi về sau. Tôi vẫn thầm nhủ “nếu mình không cố gắng làm được cái gì khác thường thì ít nhất mình cũng nên hoài bão như vậy và phải biết kính phục những người đã thực hiện được những việc khác thường, tức là những rắn đã biết tu để hoá thành rồng.”
Khoá kể luôn cho Khiết nghe cái chết của Lão-Chén rồi kết luận:
Cái cảnh xử bạn Lão-Chén cũng để lại trong hồn tôi một bài học, môt lời khuyên gián tiếp: con người đứng truớc cái chết, thực trống rỗng, thể xác mình rơi vào cái chết như giọt nước rơi vào cái vực không đáy, biệt tích, biệt tích và biệt tích! Đừng nên ngu xuẩn thu vén cả đời mình cho thành một giọt nước cực lớn để cuối cùng đem dâng cho miệng vực. Hãy tự xoi mòn giọt nước, biến giọt nước thành hương thơm, đến giờ tối hậu giọt nước nhỏ xíu lăn xuống vực nhưng hương thơm còn lại phảng phát trên miệng vực! ở Mông-Tự mấy năm, hằng ngày chứng kiến nếp sống ào-ạt xô-bồ của người Tàu, đến khi sang Vientiane nếp sống của người Lào khác hẳn, thực là hai thái cực ở hai đầu đối chiếu nhau. Tôi thoạt theo bác Hải tôi về Hà-Nội đợi bác lấy xong giấy tờ ở sở Toàn Quyền, rồi lên tàu hỏa đi Nghệ An. Từ Nghệ-An lên ô-tô qua đèo Kim-Cương sang Thakhek. Từ Thakhek chúng tôi xuống tầu thuỷ, bốn ngày liền tầu cố vươn lên ngược dòng sông: lá bánh, vỏ chuối xuôi dòng trông buồn lạ. Chiều đến thế nào tôi cũng lên boong tầu ngắm dòng sông mênh-mông tịch mịch. Tới Vientiane, tiếp xúc với người Lào thì cảm giác buồn và tịch mịch được thay thế bằng cảm giác vui vui thanh bình hơn. Tôi hoà mình dễ-dàng với nếp sống Lào. Người Lào rất tốt, chất phác, hồn nhiên, thẳng-thắn. Tôi có cảm tưởng họ còn theo nếp sống bình thản nguyên thủy. Nhà ở ít cần hàng rào vây quanh nhà, thức ăn hằng ngày chỉ cần đơn giản vài nắm xôi với ít mắm chấm. Buổi tối con trai tự do đến nói chuyện với con gái bên guồng quay tơ dưới ánh cà boong (mặt cưa trộn với nhựa thông bó bằng lá, đốt). Dân tộc Lào luôn luôn hòa nhã và bao dung, đi nhỡ độ đường cứ việc vào chùa mà xin ăn. Nơi đây chỉ có hai mùa, mùa khô và mùa mưa, nhưng sông Mê-Kông thì mùa nào cũng rộng và đẹp, hai bên bờ cây xanh la đà rủ xuống mặt nước. Đương quen nếp sống thoải mái ở Lào, khi phải về Hà-Nội chứng kiến cách sống bon chen lừa-lọc ở đây, tôi phát ngán, muốn trở lại Lào ngay. Cũng may sau đó, tôi về thăm quê nội, quê ngoại, khí hậu lại chớm sang thu nhắc-nhở cảnh bốn mùa đất Bắc, rồi nhìn những cô gái thắt lưng xanh đỏ miền quê, các cô sắc-sảo hơn gái Lào nhưng còn giữ được thiên tính hồn nhiên, về Hà-Nội tôi thi cả hai nơi: Toà Sứ và Sở Quan-Thuế, đỗ cả hai nơi, nhưng tôi chọn ngành Quan-Thuế vì biết mình sẽ về Văn-Lý, quê vợ và trông coi ngành muối cũng là nghề của quê mẹ tôi xưa...
Khiết mỉm cười nghĩ thầm: “Mình đã là anh thích ngỏ tâm sự lại gặp cái anh thao thao gấp bốn mình. Sợ nụ cười của mình có thể bị hiểu lầm là thất lễ với bạn mới, Khiết vội hỏi:
Trong thời gian anh làm ở Đoan, có gặp điều gì khó chịu không?
Thế là Khoá lại được dịp thao thao:
Khó chịu có, dễ chịu cũng có. Tôi đến nhậm chức ở Văn-Lý, làm việc hết sức thẳng thắn, không nhận hối lộ một xu, thằng chánh đoan người Pháp lại là một cây ăn tiền, y được một đồng nghiệp của tôi, người Việt, ngang cấp với tôi, chỉ đường cho hươu chạy. Cả hai cùng ghét tôi thậm tệ, nhưng tôi cần gì. Một hôm tôi cầm quyển sách in đương đọc dở tới sở. Tên chánh đoan đòi mở quyển sách đó xem. Thoạt tôi giơ cho y thấy đầu đề sách là một cuốn khảo cứu về triết lý và tôn giáo. Dạo đó phải thường trực ở sở thì mở ra đọc tiếp. Tên chánh đoan vẫn đòi tôi phải trao cho quyển sách để y khám bên trong. Tôi xừng-xộ nói phăng là y không có quyền. Lúc đó tôi cũng chưa hiểu là y định khám cái gì. Y xông lại muốn giựt, tôi vứt quyển sách ngay dưới chân và nói lớn: “Tuy ông bằng tuổi cha tôi, nhưng tôi báo trước nếu ông động đến người tôi, động đến quyển sách, tôi sẽ cho ông một cái tát tức khắc!” Lời tôi nói vang vang, cương quyết như đinh đóng cột, y chùn lại, vợ y ở bên nhà (chánh đoan có nhà ở sát bên sở làm) vội chạy sang dàn hoà:
“Trời sao hai ông lại để chuyện đáng tiếc xảy ra như vậy?” Tôi giải thích cho người đầm đó biết nguyên do chồng bà vô cớ đòi khám quyển sách tôi cầm tay. Thì ra bạn đồng nghiệp người Việt của tôi nói vu là trong cuốn sách đó tôi gài một bản báo cáo mật lên ông Chánh Thanh-tra. Người vợ dàn hoà xong câu chuyện, tôi bèn cúi xuống nhặt cuốn sách và nói: “Bây giờ ông không đòi mở cuốn sách ra xem nữa thì tôi tự mở cho ông thấy là không có gì trong đó, nhưng sau đây tôi sẽ viết đơn lên cho ông Chánh Thanh Tra và đơn đó qua tay ông chuyển. Tôi làm cái gì thì làm quan minh chính đại, tôi không làm lén-lút như một thằng hèn!” Ngay buổi chiều, tôi đánh máy làm ba bản lá đơn đưa lên Chánh Thanh Tra ở Nam-Định, trong đó sau khi trình bày sự việc đã xảy ra tôi đề nghị xin cho thực hiện một trong ba điều: hoặc để tôi từ chức, hoặc để tôi nghỉ dài hạn, hoặc thuyên chuyển tôi về nơi khác làm việc. Một bản gửi theo hệ thống hành chánh qua tên chánh đoan, một bản gửi bằng thư bảo đảm, một bản tôi giữ. Tuần sau Chánh Thanh-Tra đến, hắn vỗ vai tôi nói: “Không phải ông đổi đi mà chính đối phương của ông!” Viên chánh đoan mới đến, hắn với tôi thành đội bạn tri kỷ vì hắn cũng thẳng-thắn và chúa ghét tật ăn hối lộ. Ngay buổi đầu hắn đến ôm lấy tôi rồi mới bắt tay và nhắc đi nhắc lại ba lần câu: “Chúng ta nên thề với nhau là tuyệt đối không bao giờ ăn hối lộ”. Lúc đó dân chúng làm muối tại Văn-Lý đương cần giải quyết gấp một việc. Nguyên hai năm truớc các ruộng muối ở Văn-Lý không ra hàng lối nào hết, sở Quan-Thuế bắt họ phải tự lực sửa lại, ruộng muối đựợc chia thành từng lô đều nhau để dễ bề kiểm soát, Nông-Phố Ngân Hàng xuất vốn cho họ vay rồi trừ dần. Không may họ đương còn phải trả nợ thì năm nay trời mưa nát đất thối cỏ, muối mất mùa. Một đại diện của dân Văn-Lý tới gặp tôi, bày tỏ sử tình nếu năm nay nhà đoan tiếp tục trừ nợ - mỗi thúng muối đổ vào kho, lĩnh một jeton, đổi thành tiền một hào rưỡi, bị khấu mất năm xu tiền nợ còn một hào - thì gia đình họ đói mất. Người đại diện kính cẩn đặt lên bàn giấy của tôi một phong bì dán kín và nói khẽ: “Nếu ngài nói giúp được điều ấy thì dân chúng cả hạt Văn-Lý chúng tôi sẽ biếu ngài số tiền là một ngàn đồng, đây gọi là một ít chúng tôi đưa đến trước để làm tin”. Tôi mỉm cười, làm bộ không để ý đến chiếc phong bì và nói: “ông cứ về nói với anh em là tôi sẽ hết sức nói giúp việc này”. Người đại diện vừa ra, tôi thân mật vậy mời viên chánh đoan ở phòng việc kế bên sang, tôi chỉ chiếc phong bì và nói qua về lời đề nghị của dân Văn-Lý. Viên chánh đoan mở phong bì thấy bên trong có số tiền hai trăm đồng cười hỏi tôi: “Ý anh thế nào về việc xin hoãn nợ của dân Văn- Lý?” Tôi đáp: “ông nên đi Nam-Định ngay gặp ông Chánh Sứ, trình bầy rõ sự việc và xin quyết định hoãn nợ”. Y đáp: “Anh nói đúng, để dân chết đói là điều thất sách vô cùng!” Tôi chỉ cái phong bì: “ông hãy cho cất cái này vào tủ sắt, chúng ta sẽ nói chuyện với dân sau” Y đáp: “Đồng ý” và cất. Y đi Nam-Định ngay buổi chiều, mười giờ hôm sau đã trở về với hỉ tín: viên chánh sứ Nam-Định đồng ý hoãn nợ. Tôi cũng báo ngay việc đó với người đại diện và bảo: “chủ nhật tới các ông hãy họp đủ đại diện tất cả các phường tại đình làng gần đây, tôi sẽ đến”. Người đại diện vội-vã ra về, chắc là để quyên đủ số tiền đã hứa với tôi. Chủ nhật tôi và viên chánh đoan tới, cùng mọi người uống chén trà ở gian giữa đình; tôi nhường viên chánh đoan việc hoàn lại cho người đại diện phong bì tiền. Từ đấy người dân Văn-Lý hiểu chúng tôi lắm và viên chánh đoan càng quý tôi. Ba năm giời làm việc với y, hễ tôi bị ốm, lập tức y thu xếp xe nhà đưa tôi đi nhà thương Nam-Định liền, cách đó bốn chục cây số.
Khiết thấy Khoá chớp mắt cúi xuống, khuôn mặt thoáng buồn, tiếp:
Thế mà tôi bỏ đoan!
Vì tên chánh đoan khác tới?
Không, tên chánh đoan cũ vẫn còn chính vì hắn mà tôi xin nghỉ dài hạn.
Ủa! Anh giận vì y bị hủ hoá?
Không, y vẫn thanh liêm, chúng tôi vẫn quý nhau!
Ủa!
Chúng tôi vẫn theo lệ: tết Tây tôi đến ăn cơm Tây với y - y độc thân - tết Ta y đến cơm với tiểu gia đình tôi. Tết Tây năm đó tôi uống vang khá say với y, vào lúc dùng cà-phê tôi cao hứng nói: “Anh thấy không anh đỗ Brevet elementaire, tôi đỗ Diplome, hai cấp bằng tương đương, chỉ vì anh là người Pháp, anh học ở trường Thuộc Địa ra nên anh là chef tôi”. Y cũng đã ngà ngà say, đáp liền: Hai cấp bằng tương đương thật nhưng không giống nhau, chúng tôi là người Âu có cá tính văn hoá riêng, chúng tôi đã thành tập quận mà tập quán là thiên tính thứ hai. Bằng cấp của tôi tuy thấp, nhưng giá anh có bằng thạc sĩ của chúng tôi, anh cũng không thể hơn tôi, vì cái học của các anh không thành nếp,chỉ là cái học bắt chước!” Thật tình lúc đó tôi tỉnh rượu ngay, ai mà không tỉnh rượu hở anh, lời nói của y là cả một thùng băng giá giội ào lên đầu lên cổ lên lưng. Tô đã từ lâu tự huấn luyện được tính “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, câu đáp của y là cả một quốc sỉ cho tôi, nhưng tôi không nổi khùng, tôi nhận ngay rằng chính lời nói trước của tôi đã khiêu khích y phản ứng lại như thế. Vì hơi men, vì vui câu chuyện, tôi đã vô lễ với bạn trước, tội phải chịu hậu quả đó là phải. Thấy tôi sững-sờ y cũng hỏi ngay và nói chữa: “Chết chưa, tôi say nên nói lung-tung quá, thật ra đâu phải các anh ai cũng thế. Như anh chẳng hạn, anh há chẳng có một nhân cách đặc biệt là gì?” “không không - tôi đáp - chính tôi phải cám ơn anh, cám ơn nhiều lắm, bởi anh đã cho tôi một của quý vô giá, anh đã cho tôi Sự Thật.” Y nói luôn “Đừng, anh đừng để ý đến lời tôi vừa nói, xin lỗi anh, lời nói đó xấu nhiều hơn tốt, sai nhiều hơn đúng”. Tôi thít hai hàm răng lại, cố giữ vẻ mặt bình tĩnh nhưng chắc là trắng bệch vì đau-đớn, giọng tôi hết sức bình thản: “Có sự thật mà vì quý nhau chúng ta không nỡ nói sự thật đó được chôn vùi thật kỹ, được hai phiến đá Ý-Thức và Bổn-Phận đậy chặn nắp, được Tình Bạn phủ hoa, chúng ta ai mà chẳng yên chí rằng như vậy là Sự Thật được mồ yên mả đẹp, nhưng sự thật là sự thật, anh thấy không, bằng cách này hay cách khác nó luột khỏi hầm giam. Tôi phải cám ơn anh, chính tôi phải cám ơn anh!” Thấy tôi nói lưu-loát và điềm đạm như vậy, y càng hối hận, nhưng lúng túng chưa biết nói thế nào để chống chế lại lời tôi nói, tôi đã đứng dậy cáo lui, chúng tôi bắt tay nhau thật chặt và thật lâu, tôi tiếp tục nói thao thao, nhưng là những lời cám ơn về bữa ăn, cốt để xoá nhoà bầu không khí ân hận. Rồi tôi về. Từ hôm sau chúng tôi lại hằng ngày gặp nhau, Tết âm lịch năm đó y có vui-vẻ tới chúc Tết và ăn cơm Việt-Nam với tiểu gia đình tôi như thường lệ, nhưng vẫn có cái gì là gượng-gạo lởn-vởn trong không khí giữa tôi và y. Cả hai chúng tôi cùng biết vậy và cùng cố ý lấp-liếm đi cho nhau - lại láp-liếm sự thật - và cũng như lần trước, sự thật lại xuất kỳ bất ý luột khỏi hầm giam, lần này chính tôi là con đồng cho Sự Thật ốp vào. Hôm đó vừa hết giờ làm việc, y sang bàn giấy tôi ngồi xuống nói chuyện gẫu, coi như một thứ apérítif trước khi về nhà ăn cơm chiều. Nói được mấy câu thì bên ngoài đổ mưa, chúng tôi lắng nghe rồi cùng chìm trong mơ-màng. Trên nền tiếng mưa rơi rào-rào trên mái, tôi nghe lại rất rõ lời y nói ngày nào: “...Chúng tôi là người Âu có cá tính văn hoá riêng, chúng tôi đã thành lập tập quán...Bằng cấp của tôi tuy thấp, nhưng giá anh có bằng thạc sĩ của chúng tôi anh cũng không thể hơn tôi, vì cái học của các anh không thành nếp, chỉ là cái học bắt chước”. Tôi muốn gầm lên cho át tiếng mưa rào-rào trên mái ngoài: “Hỡi các vị trí thức, hỡi các vị đã có văn bằng cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp ở đại học đường Ba-Lê, quý vị thông minh lắm mới đỗ được văn bằng cao tại nước người nhưng quý vị có nghe thấy chăng, cái học đó mà không trở về nguồn chỉ là cái học bắt chước cái học vong bản và người ta có quyền và có lý khinh quý vị!” Tôi chua xót mà nghĩ rằng lúc đỏ tiếng kêu của tôi - tiếng kêu siêu âm nhưng có thật - là tiếng kêu giữa sa mạc. Tôi nhắm nghiền mắt lại, lắng nghe mình tự nhắc lại tiếng kêu thảm khốc đó trong cùng thẳm tâm linh. Mưa bên ngoài đã nhẹ hẳn, tâm hồn mệt mỏi, tôi hẻ mở mắt nhìn qua cửa, một cơn gió vừa lùa vào, bất giác tôi đọc khẽ hai câu thơ của Sully Prudhomme:
Souvent aussi la main qu'on aime Effleurant le coeur le meurtrit.
(Thường khi chúng ta giống như bàn tay chạm vào trái tim tội giết người.)
Tôi chợt giựt mình tỉnh ngộ vì vừa đọc dứt hai câu thơ thì đến lượt tiếng y thở dài, tôi nhìn và nhớ ra y, y nhìn lại nhường như thầm trách sao người phương Đông hận thù dằng-dặc, nhưng rồi cả hai chúng tôi cùng cố phác một nụ cười xí-xóa, hắn đứng dậy, đi mấy bước đến cửa sổ nhìn mưa chỉ còn lất-phất và thốt cùng với tiếng thở mạnh. “Le vase brisé = Cái bình đã bị phá vỡ”. Tình bạn của chúng tôi quả đã là chiếc bình có vết rạn, vết rạn nhỏ xíu vô hình nhưng ngày một mở rộng, trầm trọng vô phương cứu chữa. Hôm sau tôi nói với y: “Bây giờ còn thời kỳ chiến tranh, công chức không thể xin thôi được, nhưng anh làm ơn xin cho tôi được nghỉ dài hạn một năm, sau đó tôi sẽ xoay sau”. Tôi nói thêm để việc xin nghỉ dài hạn bớt đột-ngột: “Anh xem đấy quân Nhật phong tỏa hết miền Hoa Nam rồi. Trước đây nhờ người Pháp giúp, Trung Hoa còn chuyển quân nhu, máy móc, vải... vào cửa bể duy nhát Hải-Phòng bằng con đường xe hỏa duy nhất Hải-Phòng - Vân-Nam, nay con đường đó bị quân Nhật đổ bộ lên Đông-Dương bịt nốt, phi cơ đồng minh đã mấy lần dội bom tàn phá đất cảng, tội chán đời công chức lắm rồi, anh hãy giúp tôi!” Y buồn rầu gật đầu: “Vâng tôi xin hết sức giúp anh việc đó”. Y đã hết sức giúp thật! Y lên Tổng Nha Quan Thuế rồi y phải đi Hà-Nội tới phủ Toàn Quyền... Và tôi được nghỉ một năm. Tôi sang Lào tìm lại - nói là “tắm lại” thì đúng hơn - dòng sông thuần phác thần tiên...
- Anh sang Lào có một mình?
- Vâng chỉ là một cuộc du lịch nhỏ thôi mà, tôi định sang Lào một tháng, thăm người quen, sống thoải mái cho lại sức...
Và rũ cho hết hận đời!
Chính thế, mình bị người ta khinh như vậy, mà khinh đúng, đau-đớn chua xót thật nhưng cũng không biết tìm phương cứu chữa ra sao đành đi tìm quên lãng vậy, rồi khi đã tạm nguôi thì quay về kiếm kế sinh nhai khác nuôi vợ con, không ngờ chuyển sang nghề buôn ngay dịp này. Sang Lào được nửa tháng tôi nhận được thư của nhà tôi, cuối thư có nói cau khô bên nhà đương lên giá lắm. Đó cũng là nói cho vui chuyện, nhưng tôi quan sát thấy cau khô tại Vientiane thừa mứa, tôi bèn điện về cho biết giá mua bên này và bảo nhà tôi tính xem nếu có lãi thì gửi bằng măng-đa tất cả số tiền dành dụm sang cho tôi. Nhận được măng-đa, tôi còn vay thêm của bè- bạn quen biết lại hùn với một người bạn miền Nam mới quen mua vơ-vét hết cau khô ở Vientiane và miền phụ cận, tất cả là hai tấn, gửi về bằng phi cơ, lãi hai mươi nhăm vạn. Ha ha, coup d’essai coup de maitre anh thấy không. Thế là tôi bắt đầu vào nghề buôn, mà buôn lớn!
Về Hà-Nội tôi mua được hai máy xay bột gạo của Nhật, mở hãng xay bột gạo thay bột mì làm bánh (đã từ lâu bột mì bị nghẽn đường, và cũng khan hiếm nên hoàn toàn không có ở đây). Rồi nhà binh giao gạo cho tôi xay, máy chạy suốt ngày đêm, tiền vào như nước, đúng là như nước, tiền giấy đóng tùng sắc lớn - thứ sắc đựng gạo. Tháng ba 1945 đồng quê nước mình nhan-nhản những người chết đói - hai triệu người theo như sự ước lượng đương thời - riêng làng tôi không bị một nạn nhân nào. Tôi giúp ban hương lý mở quỹ cho những người có tiểu công nghệ vay  không phải trả lãi, mở quỹ cửu tế, thành lập ban cứu tế nhận gạo của tôi gửi về, ngày ngày thổi cơm phát chẩn.
Một năm nghỉ dài hạn qua, nhà đoan gọi tôi trở lại nhiệm sở, tôi lần khần chưa chịu đến và đương tìm cách xin gia hạn thì vụ đảo chính 9-3-45 Nhật hất cẳng Pháp. Nha Quan-thuế chuyển sang tay người Nhật và người Việt. Nhân lúc hỗn quân hỗn quan này tôi xin thôi, thế là hoàn toàn đoạn tuyệt cuộc đời công chức kể từ đấy. Thủ tướng Trần-Trọng-Kim lên, phong trào thanh niên được phát động từ thành thị đến thôn quê, tổng trưởng là ông Phan-Anh. Tôi về làng được thanh niên bầu làm đoàn trưởng. Nhân dịp này tôi tổ chức thanh niên thành một lực lượng gương mẫu làm động cơ cải tổ những tục lệ cũ nào xét ra cổ hủ. Thanh niên học hỏi, thanh niên canh gác làng, thanh niên đắp đường xá... Việt-Minh lên, họ có cử cán bộ đến tiếp xúc với tôi. Không biết vùng anh thế nào, chứ vùng tôi thì nhìn khắp mặt Việt-Minh, toàn là những tên thành tích bất hảo thời trước. Tôi từ chối lời mời tham gia của họ vì nghĩ chúng không phải là người tốt, mai sau chúng gây dựng được gì? Chúng chê tôi là có óc xã hội mà không có óc chính trị. Làng bầu chủ tịch. Những người cũ ép tôi ra ứng cử. Tất nhiên là tôi thua phiếu nhưng thua sát nút. Thôi cũng may, trước đây tôi đã giúp làng, nếu không ứng cử e có điều nghi kỵ ; ứng cử trượt, tôi trở lại Hà-Nội. Một hôm có người Tàu, bạn buôn cũ, đến thăm tôi, mang theo một người béo tốt, trắng-trẻo nhưng khuôn mặt Tàu không ra Tàu, Nhật không ra Nhật. Y là thứ trưởng kinh tế Siam lưu vong, y đã từng du học ở Pháp, đỗ kỹ sư. Y và người bạn Tàu của tôi đương công tác để mở một công ty thương mại lớn. Đã từng biết tài tháo-vát của tôi, ông bạn Tàu đến mời tôi cùng tham gia. Tôi nhận lời làm phó giám đốc cho hãng Trung-Việt Thương-Mại Công-ty này, vừa nhập cảng những thứ cần dùng vừa xuất cảng những thổ sản. Công ty hoạt động từ giữa 1946 đến cuối năm đó thì chiến tranh kháng Pháp bùng nổ. Trước khi tản cư, ngay tỉnh tôi về thăm làng, Việt-Minh bắt giữ liền, chúng gọi luôn tôi là Việt gian (?), chúng bịt mắt tôi, dẫn đến miệng một cái hố đào sẵn, lên đạn... Lúc đó tôi mới thấy là con người ta quả có thể coi cái chết nhẹ như lông hồng hoặc vì mình đương thực hiện một chính nghĩa lớn, hoặc vì mình tự xét không có điều gì xấu hổ với lương tâm. Tôi ở trường hợp thứ hai. Đứng trên miệng hố và bị bịt mắt tôi tiếp tục thảo luận với chúng. Đại loại chúng căn vặn tôi làm sao tôi buôn to bán lớn thế, làm sao tôi giàu thế, tôi có làm gián điệp cho Pháp không? Tôi trả lời, tôi cắt nghĩa, tôi dẫn chứng từng điểm. Tôi còn nói cho chúng hay là chính nhờ có sự bảo đảm của tôi, nhân danh Trung Việt Thương Mai Công Ty mà chính phủ mua được của Mỹ mấy chiếc tàu thuỷ nhỏ để dùng vào công việc chuyên chở. Chúng tha tôi. Khi chiến tranh bùng nổ tôi đưa vợ con tản cư về miền Lạt-Sơn (Phủ Lý) rồi một mình đi buôn muối trên con đường từ Văn-Lý - lại Văn-Lý - theo sông Đinh-Cơ qua các miền Độc-Bộ, Tam-Toà thuộc huyện Nghĩa-Hưng (Nam- Định), rồi rẽ vào sông Đáy qua Ninh-Bình, ngược Phủ-Lý, ngược Hà-Đông, ngược Sơn-Tây tới đổ muối ở huyện Thạch-Thất. Muối tập trung hết ở đây trước khi phân phát đi khắp Việt-Bắc.
Khoá chợt phác một nụ cười rất thoát tục khiến những lời kế tiếp như lời tiên tri:
Tôi đã chứng kiện cảnh non nước đổi màu anh ạ, thật là kinh dị. Lần đó bán xong một chuyến muối tôi về thăm vợ con ở Lạt-Sơn vừa lúc quân Pháp mở cuộc hành quân càn quét khá lớn, chúng tôi chạy lên núi Bồ-Vô, ngọn núi đá khá cao, lánh nạn. Từ trên đỉnh tôi nhình rõ thấy quân Pháp tiến vào làng Lạt-Sơn, mấy tên lính bận đồ ka-ki đuổi theo mấy người dân chạy ra đồng, khói súng thoát khỏi nòng, đầu có cắm lưỡi lê, rồi tiếng tắc bọp... Một người dân gục ngã... một tên lính xông tới thẳng cánh thục mũi lưỡi lê hất ngửa, hai cánh tay nạn nhân giơ lên, toàn thân có oằn-oại, đầu ngật nghiêng về một phía. Bất động! Từ trên cao và xa nhìn xuống, cảnh bi thảm của rượt đuổi, đâm xỉa, oằn-oại đó diễn ra hoàn toàn trong nín lặng như đương xem một cuốn phim câm. Màu cảnh vật đương sáng tỏ bỗng từ từ đổi sang biêng-biếc, tim-tím tưởng như linh hồn người quá cố thoắt biến thành màng kính màu đó che lấy mặt trời. Lòng tôi thổn-thức đến nghẹn- ngào trước cảnh non nước nhuộm màu tang thương và tang tóc đó. Thực dân Pháp mang quân từ nước họ sang đây để chiếm lại nước mình, làm sao mà nói chuyện nhân nghĩa được với họ, tôi lại nhớ đến cảnh bị Việt- Minh bịt mắt dẫn ra miệng hố, lên cò súng và tôi linh cảm thấy rằng đất nước mình đương bắt đầu đi vào cuộc bể dâu, cuộc bể dâu sẽ kéo khá dài. Non nước đổi màu, chính là sự báo hiệu của một cuộc vân đục bắt đầu, mới bắt đầu thôi...đau khổ còn dài, chết chóc còn nhiều, cặn bã sẽ ngày một vẩn lên khiến mặt nước từ vần đục ngầu, từ đục ngầu đến đen kịt...Rồi vào lúc thất bại nhất, ê chề nhất, rũ rợi nhất, tới lúc đó dân tộc mình có tái sinh mới tái sinh. Đó là thị kiến của tôi vào lúc non nước đổi màu đó. Để rồi đây chúng ta nghiệm xem có đúng không. Tôi tin rằng con người có một nặng khiếu đặc biệt về thị kiến, một đời người họa là có một lần được trời đất vén màn mở động cho nhìn suốt tương lai. Tấm màn mênh-mông hạ xuống, cửa động khép lại, mình bị ném lại với thực tại, với kích thước không thời-gian nhỏ xíu. Tôi đâm thích tìm đọc loại sách bàn về những bí hiểm của vũ trụ, về tâm linh giới, về thần giao cách cảm... đồng thời tôi cũng hiểu rằng sau khi tấm màn mênh-mông hạ xuộng, cửa động khép lại thì hành động đó cũng chẳng khác gì hành động tiếc rẻ của kẻ cúi xuống nhặt một hòn đá nhỏ để cố tìm, cố gợi trong ký ức hình ảnh của cả trái núi.
Khóa ngừng nói chắc cũng khá lâu. Đôi bạn cùng nhìn xuống để cùng ngó vào nỗi lòng suy tư của riêng mình. Tiếng bà Đô kéo họ trở lại thực tại:
Thế nào hai ông nói chuyện đã xong chưa?
Ồ mẹ! - Lời Khoá.
Chết chưa, cháu phải về! - Lời Khiết.
Bà Đô cười:
Về đâu hãy vào ăn cơm đã, các ông tưởng sớm sao, một giờ trưa rồi đấy ạ.
Chết chưa! - Khiết vừa cười vừa thốt!
Vợ Khoá im lặng gọt dứa ở góc quầy để lát nữa đét-se (tráng miệng).
Bà Đô dẫn đầu:
Vào trong này hai ông.
Ủa! thưa bác chỉ còn hai chúng cháu?
Cả nhà ăn xong từ lâu! Lâu rồoii...

XI
Gặp nhiều việc bận vì phải tìm cách xoay-sở giấy tờ vào luật sư tập sự cho yên chuyện mà cũng không xong, cách đến một tháng sau Khiết mới tới thăm bà Đô thì gia đình bà vừa nhận được tin buồn, riêng Khoá tâm hồn bị chấn động hẳn, Khoá đã tạm ngừng đi buôn để làm... chính trị, nếu tham gia hội đồng thành phố là làm chính trị.
Anh còn nhớ - Khoá hỏi Khiết - tên chánh đoan người Pháp tôi kể với anh lần trước?
Còn chứ - Khiết đáp.
Khi tôi tự ngoài kia vào đây gặp mẹ tôi, rồi lại trở ra đón vợ con về, tôi có và y có gặp lại nhau. Y đã lên chức thanh tra, y còn giới thiệu tôi với một luật sư người Pháp khác, cũng rất nhã nhặn lịch thiệp. Giá như tôi không gặp một vố bị sự thật ném vào mặt thì cũng đã kết thân với người bạn thứ hai này. Trong những cuộc đàm đạo thân mật nhất tôi vẫn tỉnh táo giữ đủ xa cách. “Tiếc thay anh không phải là người có đạo!” - một hôm người bạn mới nói với tôi như vậy. “Người Việt chúng tôi hầu như có khả năng dung hoà tất cả những đạo giáo lớn trong thiên hạ” - tôi trả lời. “Nhưng anh có đủ đức tính của một người ngoan đạo” - y nhấn mạnh bằng một giọng hoà nhã. Tôi thông cảm ngay vì biết Âu Châu có truyền thống về công giáo nên những người thẳng thắn, giàu tình thương, nghiêm chỉnh thường được khen là có đủ đức tính của người ngoan đạo.
Bác Hải tôi có hai con, chị gái lớn đã lấy chồng, người anh giai - anh Sơn - hơn tôi một tuổi, cùng học một lớp với tôi ở Collège Pavie. Sơn với tôi tính tình khác hẳn nhau. Sơn thích giàu sang, thích danh vọng. Người anh cao dong-dỏng, da trắng, tóc đen, mắt sáng. Cách đây không lâu, một hôm anh Sơn hỏi tôi: “Mày cũng quen luật sư Henri à?” Tôi gật đầu. “Lâu chưa?” Tôi đáp chưa được chừng một năm. Rồi thôi. Trước đây một tháng Henri đến thăm tôi tại nhà đây - có vài lần Henri đến thăm như vậy. Chúng tôi lại cùng nhau đàm đạo về tôn giáo. Tôi kết luận với Henri: “Người Việt chúng tôi sợ nhất sự cuồng tín. Tôi nghĩ đạo là đường đi, các dân tộc khác nhau như những người ở những phía khác nhau của một trái núi nên đều có những đường đi riêng lên đỉnh. Tôi nghe nói nguời theo đạo Hồi cho rằng tất cả mọi người đều là tín đồ Hồi giáo, có thay đổi là chỉ tại về sau mà thôi. Nếu quả nghĩ vậy thì người Hồi giáo đã lầm. Tâm hồn đẹp nhất là tâm hồn bao dung!” Henri đồng ý với tôi lắm. Sau cùng Henri ngỏ ý khuyên tôi hãy tạm ngừng buôn, vào làm hội viên hội đồng thành phố. “Tôi buôn vì khoái bận rộn, khoái tổ chức, khoái đi đây đi đó, sự thành công về tiền nong không quan trọng, chứ còn làm hội viên hội đồng thành phố thì chẳng có cái gì tôi khoái cả”, tôi nói với Henri thế, y lắc đầu đáp: “Thế mà anh sẽ khoái vì người ta sẽ đặt anh vào một công tác hợp với tính tình cương trực của anh, tôi đã gặp ông thị trưởng người Việt rồi mà, chính tôi đề nghị anh vào công việc đó, anh sẽ giữ chức ủy viên cố vấn đồng bào hồi cư của anh.” Tôi nhận lời. Từ đấy tôi gặp Henri luôn, y ở phía đại diện cho những người Pháp ở đây. Trong câu chuyện khi y nói gần nói xa, khi nói thẳng với tôi, khi lại như nói với không khí... Y nói đến tình hình cả Đông-Nam-Á tương lai có thể bị Cộng Sản uy hiếp vì Trung Cộng đã hoàn toàn làm chủ lục địa. Chiến tranh Cao-Ly đã tạm ngừng, nước Cao-Ly đã bị cắt làm đôi nhưng Cộng Sản đâu có chịu ngừng? Y nói đến giải pháp nên tổ chức trước một chính phủ Việt lưu vong bên ngoài để phòng hờ bát trắc. Y nói đến một số tiền lớn lắm y có thể trao cho người đứng ra tổ chức chính phủ lưu vong. Y nói có cách liên lạc với nhau bằng đường lối tuyệt bí mật không ai kiểm soát được. Bỗng một lần y quay lại nhìn tôi đặt câu hỏi hững hờ: “Người đó tại sao không là anh? Anh nói tiếng Pháp lưu loát như tiếng mẹ đẻ, anh có khả năng tổ chức...” Tôi cũng cười đáp ngay lại, vì cũng một lúc tôi nhớ đến vết thương cũ với tên chánh đoan, nhớ đến những động tác câm nín của cạnh rượt đuổi đâm xỉa, cảnh non nước đổi màu nhìn từ trên ngọn Bồ Vô, nhớ đến hồ Khễ-Lùng-Thán, đến Lão-Chén... tôi đáp ngay rằng “Nếu tôi là người đó thì chắc anh sẽ khinh tôi lắm. Bởi vì công việc đó do các anh là người ngoại quốc đứng ra giật dây, tiền các anh bỏ ra, và liên lạc hết sức bí mật tức là kém quang minh chính đại”. Henri cười nụ cười bao giờ cũng rất điềm đạm rất hoà-nhã rồi cùng tôi tạm biệt.
Ngoài công việc cứu trợ, tôi tích cực tham gia ý kiến trong các phiên họp đại hội đồng. Thực ra nào mình đã được quyết định cái gì lớn đâu. Tôi bác bỏ dự án của phe đại diện cho những người Pháp muốn nắm độc quyền trông coi về vệ sinh thành phố mà đòi phải cho bỏ thầu. Một đại diện Pháp hỏi: “ông hãy trả lời là các ông giúp chúng tôi diệt độc tài xây dựng tự do hay các ông đến đây chỉ để bảo vệ quyền lợi lỗi thời của thực dân?”, về việc đổi tên đường Paul Bert thay vào tên một danh nhân Việt khác, phe đại diện Pháp cũng phản đối, tôi trả lời: “Ông Paul Bert có hai khuôn mặt; khuôn mặt nhà bác học Paul Bert thì Pháp quốc được hưởng và chúng tôi rất kính trọng, khuôn mặt ông Toàn-Quyền-Đông-Dương là đại diện cho chủ nghĩa thực dân lỗi thời. Dân chúng Việt-Nam chỉ biết có ông Toàn-Quyền Paul Bert, vì vậy vì thanh danh của nứớc Pháp hiện thời và của người Pháp ở đây, chúng tôi thấy thay tên ông đi là hợp lý” Ngoài giờ họp, một đại diện Pháp có nói với tôi nửa như thán phục nửa như mỉa-mai: “Tại sao lý ông nêu lên luôn luôn thắng chúng tôi?” Tôi đáp: “Vì chúng tôi là những người vừa thoát khỏi bị trị - (tôi nói vậy cho nhã) - và Thượng Đế thường về phe kẻ yếu, lý của chúng tôi có Thượng Đế ủng hộ!” Cả đôi bên cùng cười xoà. Tuyệt nhiên trong những vụ tranh luận, người bạn luật sư của tôi không hề lên tiếng. Y giữ trọn vẹn tình bạn với tôi.
Một tuần trước đây anh Sơn đến chào chúng tôi nói là trở lại đất Lào buôn bán rồi luật sư về Pháp. Hôm nay chúng tôi vừa được tin anh bị ám sát ở khoảng biên giới Miên và Thái-Lan.
Tới lúc đó bà Đô mới chấm nước mắt nói:
Thế là anh tôi tuyệt tự!
Nét mặt Khoá băn-khoăn và đau-đớn nhưng về vấn đề khác, chàng hỏi Khiết.
Có thể thế không anh? Có thể thế không anh?
Khiết hỏi:
Ai cho anh biết tin Sơn chết?
Chị tôi. Tức chị ruột anh Sơn. Trước khi đi Sơn có lại chào chị, Sơn đi cùng một người bạn nữa mà chị biết. Thư báo tin Sơn chết là thư của người bạn đó. Có thể thế không anh? Có thể Sơn ra đi là trong âm mưu lập chính phủ lưu vong. Và việc bại lộ, Sơn bị đối phương giết?
Khiết đã lăn-lóc trong trường chính trị. Những thủ đoạn đặt màng lưới gián điệp quốc tế, sửa-soạn con bài, thủ tiêu đối phương... thì ở cái thời đại bá đạo này đâu có là chuyện lạ. Nhưng Khiết biết nói gì với Khoá bây giờ? Khiết chào bà Đô, bắt tay Khoá ra về ngay. Chính Khiết cũng bâng-khuâng và buồn. Khi ngang qua quầy hàng, Cam khẽ cúi chào. Khuôn mặt Cam trong sạch như thiên thần làm Khiết thấy đỡ buồn nản cho những nhơ-bẩn lọc-lừa tàn-bạo trong chính giới. Khiết dừng lại. Cam nói khẽ:
Mai thong-thả mời anh lại chơi.
Khiết gật đầu dịu-dàng đáp:
Vâng mai tôi sẽ lại.
Rồi Khiết ra cửa, xuống hè. Trước khi sang đường Khiết quay lại lần nữa. Cam vẫn nhìn theo, và khi chàng quay lại như vậy, đôi mắt Cam vẫn mở to, không hề chớp chớp hoặc quay đi ngượng-nghịu. Cô bé mới lạ chứ!
Hôm sau Khiết đến hiệu giày của bà Đô thật, gặp một thanh niên chỉ kém mình chừng hai ba tuổi, mặt mũi tuấn tú, đang thảo luận gì với Khoá, rất sôi-nổi. Cuộc thảo luận tạm ngừng vì có mặt Khiết, bà Đô giới thiệu ngay:
Anh Khiết ạ, đây là em Hữu, Lê-Văn-Hữu, cháu gọi tôi bằng cô. Ngày gặp anh ở Nam-Kinh, khi nghe anh xưng họ tên Lê-Tịnh-Khiết tôi nẩy ý nhận họ ngay vì nhớ đến cháu Hữu đây. Hữu bị Việt-Minh bắt ngay từ ngày đầu kháng chiến, chuyển hết trại giam này sang trại giam khác, hơn ba năm trời mới được tha, cũng mới được quân đội Pháp trong một chiến-dịch càn quét quơ được vào đây, thật phúc đức.
Trong câu chuyện kế tiếp, Khoá biết thêm Hữu đã từng theo hoạt động bên một lãnh tụ quốc gia trẻ tuổi nhưng vô cùng lỗi lạc. Trước đây hồi Khiết hoạt động cách mạng ở Nam-Kinh chàng có lần được đọc ít tài liệu và thi ca của vị lãnh tụ này đồng thời với tin đồn là vị lãnh tụ đó đã bị Việt-Minh giết. Nay Khiết hỏi lại Hữu về tin đó, Hữu cả quyết rằng những người như ông L. - tên nhà lãnh tụ - đâu có thể sa vào tay Vẹm chết uổng. La Hữu cũng đoán vậy thôi, nhưng lời chàng đượm một niềm tin sắt đá và sáng-suốt tựa như khi đọc Tam-Quổc-Chí ta luôn luôn đứng ở phe Gia-Cát, tin rằng nhất cử nhất động của Gia-Cát đều là mưu trí thông suốt.
Khiết ra ngồi gần quầy hàng để nói chuyện với bà Đô, sự thực còn theo tiếng gọi trong sạch và kỳ lạ của trái tim vì có Cam ngồi đấy. Lúc đó Khiết chỉ nghĩ thầm: “Ta cần quan sát cô gái bên sông Tần-Hoài này xem sắc-sảo được tới đâu rồi”.
À anh Khiết hiện giờ ở đâu - bà Đô hỏi.
Thưa bác cháu hiện ở với người nhà ở Hàng Bông Thợ Ruộm. Đẻ cho chính quyền theo rõi khỏi nghi ngờ, cháu đương muốn làm đủ giấy tờ xin vào tập sự luật sư, nhưng vừa mới ở chốn lưu đày chân ướt chân ráo về đến đây, chính quyền chưa dám cấp (Khiết cười) có lẽ cháu lại phải trốn đi Nam-Kinh mất.
Thôi, anh lại đây ở với gia đình nhà tôi.
Phải đấy - Lời Cam thốt sát liền với lời mẹ, nếu không phải hai giọng đục trong khác nhau, Khiết có thể nhầm tưởng là lời của một người.
Cám ơn bác - Khiết đáp nhưng nhìn Cam - thày đẻ cháu thất lộc đi có để cho cháu vài căn nhà cho thuê làm hoa lợi đủ chi dùng hằng năm, chếch với cửa hàng của bác đây, căn nhà sát với hội Khai-Trí Tiến-Đức, cũng là nhà của cháu, có lẽ sang năm họ trả, khi đó cháu nhất định giữ lại ở để được gần bác!
Ồ thích nhỉ! - Cam nói ót trước, đôi mắt vẫn thản nhiên mở rộng, chẳng tỏ vẻ gì là ngượng-ngập, mà bà Đô xem ra cũng không quan tâm đến sự vồ- vập quá trớn đó của con gái. Đặc biệt với Khiết thì thế chăng?
Do đó Khiết cảm thấy nhẹ-nhàng đỡ phải giữ ý, chàng đứng dậy nói:
Xin phép bác cháu đi lên đền Quan-Thánh xem nơi này có bị chiến tranh làm sứt mẻ gì không. Cô Cam có muốn đi không nào, xem mãi cổ tích Nam- Kinh bây giờ về phải xem cổ-tích Việt-Nam chứ.
Rất tự nhiên và rất tin cản bà Đô bảo Cam:
Ừ con đi với anh đi, anh sẽ chỉ dẫn cho mà xem.
Con vào thay áo đã nhé, mẹ!
Khiết bắt tay tạm biệt Khoá và Hữu (từ lúc có mặt Khiết, hai người này vẫn tiếp tục thảo luận say mê nhưng trầm tiếng) rồi ra đi cùng Cam, như người anh trưởng dẫn cô em út - mà đúng là thế! Khiết tự khám phá: đích thực từ sau lần bị đi đầy và có thể chết hụt ở Sở Tiêu, Côn Đảo, chàng sợ cô đơn. Tuy nhiên khi cùng Cam bước vào đền Quan-Thánh, rồi ra đứng bên tường hoa ngắm hồ Trúc-Bạch, rồi sang đường Cổ-Ngư ngắm hồ Tây mênh-mông, Khiết và cả Cam nữa, đều thấy thanh- thản, y hệt ngày nàọ cùng đi thăm những cổ tích ở Nam-Kinh. Khiết hỏi, Cam trả lời, lời nói vang vang đày-đặn vừa như sưởi ấm chính tuổi thơ của nàng vừa giúp Khiết thấy lại tuổi thơ của chàng và tuổi thơ của cả hai bỗng trở thành một vẻ đẹp hằng cửu đượm chút rộn-ràng vì qua lăng kính hiện tại. Khi đưa Cam từ đền Quan-Thánh về, Khiết hiểu rằng Cam quả thật đã là cô gái chứ chẳng còn là cô bé nữa. Mặc dầu những lời Cam nói thường không dự liệu gì hết, nhưng chính vì thế mà cách nói, câu nói của nàng có cái duyên hấp dẫn lạ, nhiều lúc Khiết rờn-rợn thấy Cam bỗng trở thành một thiên tài của quyến rũ. Mãi suy nghĩ, Khiết đưa Cam về đến cửa rồi cũng quay ngay về, chẳng để ý đến lời chào của Cam. Buổi tối, sau bữa cơm, Khiết leo lên sân thượng nằm lười-lĩnh trên ghế xích-đu, ngẩng nhìn trăng sáng sao thưa. Chàng chợp ngủ trong hình ảnh và âm thanh của con sông Tần-Hoài. Trong mơ con sông trở thành mênh-mông vì im lặng, dòng sông xuôi miết, đây đó gợn anh ngân quang, thảng thốt có tiếng ì-ọp của sóng nứớc vỗ vào chân cừ bên dưới trà thát...

XII
Hữu khoát tay nói:
Cái dở của những chủ nghĩa khác là mạ vàng những khuôn đúc vũ-trụ quan để gò ép nhân-sinh quan vào. Làm sao có thể đem những định luật của vật giới áp dụng cho nhân giới? Phải biết chia ra từng tầng, phân biệt khuôn mặt khách quan với khuôn mặt bị chủ quan hóa của muôn vật. Vũ trụ từ vô nguyên qua nhất nguyên, sang đa nguyên, tưởng chúng ta có thể lấy một hình ảnh thô-thiển như vầy: trước đây khi khối lửa trái đầt vừa tắt, trải qua một thời kỳ mưa mấy triệu năm liền, loài người chưa xuất hiện, mưa là mưa, khách quan tuyệt đối, chẳng có ai mong ai ghét nên tốt xấu chưa phân: vô nguyên! Khi loài người xuất hiện thấy mưa, nghĩ đến mưa, dùng nước mưa, thì ấy là mưa cho người, thiên nhiên đã từ vô nguyên sang nhất nguyên. Nhưng anh nghĩ xem làm gì có thứ người trừu tượng, đã nói người là phải người của một dân tộc nào. Dân tộc khác nhau, Đông Tây khác nhau, thì quan niệm về một sự việc cũng có thể xê dịch khác nhau chẳng nhiều thì ít, từ nhất nguyên biến sang đa nguyên là thế. Đó là một vài lời rất thô-thiển của tôi nói ra mong anh nương vào đấy mà thông cảm để nhập điệu vào hình thái sống động của chân lý. Chân lý vốn uyển-chuyển, nhịp- nhàng, linh động, mà nô lệ cho lời thì chẳng khác chi muốn lấy que củi vẽ cánh bướm ; chân lý rộng lớn huy-hoàng mà nô lệ vào lời, chẳng khác chi muốn đem mây hồng sớm mai nhốt vào hộp sắt, muốn lấy thìa nhỏ vục-cạn biển. Ấy nói rằng từ vô nguyên chuyển sang nhát nguyên, từ nhất nguyên chuyển sang đa ngụyên để thích hợp với từng hoàng cảnh dân tộc, nhưng có dân tộc nào là sống đơn độc ngoài cộng đồng của xã hội loài người? Và có con người nào sống tách khỏi hoàn cảnh thiên nhiên? Cho nên trong hệ thống dọc, thuộc ngoại giới, ba yếu tố: dân tộc, xã hội loài người, thiên nhiên phân ranh nhau đường này, lại hòa hợp nhau nửa khác. Nếu có hệ thống dọc thì cũng có hê thống ngang, nếu nói đến ngoại giới thì cũng phải kể đến nội tâm. Khởi điểm ở hệ thống ngang này lấy người làm gốc, đi tự người rồi trở về cho người, người vừa là khởi điểm vừa là cứu cánh của mọi xây dựng. Anh có thấy xã hội chúng ta ngày nay còn nặng thú tính? Một nhà tư tưởng gọi thời này là “hạ ngươn”, đúng lắm. Giang Hà nhật hạ nhân giai trọc! Phải kiến lập, anh ạ, một xã hội loài người trên một kiến trúc nhân tính, ngõ hầu giúp con người làm chủ láy mình. Muốn trọn vẹn nhân tính củạ một con người cân đối hãy thực hiện cho được ba mục tiêu: về nhu yếu tính phải bình sản. Anh nhớ cho là “bình sản” chứ không phải “cộng sản”, đừng để người thì phè-phỡn thừa mứa, người thì lần không ra. Chính là chúng ta phải tận kỳ sở năng, toại kỳ sở nhu, chính kỳ sờ mệnh. Anh có thiên tài như Mozart mà chẳng đủ điều kiện để thiên tài phát triển thì anh cũng mai-một trong tăm-tối như bất cứ hoa hèn cỏ nội nào làm sao chính kỳ sở mệnh được?
Về sắc tính, trai gái phải được giáo dục về trinh tính trong hôn nhân, về xã hội tính con người phải biết hoà đồng với đồng loại trên thực thể dân tộc nói riêng, trên bình diện nhân loại nói chung.
Có sung thực nhân tính bằng Bình, Trinh, Hoà như vậy mới giúp con người làm chủ được mình. Mẩu mực của nền văn minh mà nước Việt mình cổng hiến cho nhân loại sau này chính là một nền văn minh nhân chủ. Ngước nhìn Tuyệt-Đối là thứ ngôn tận tưởng tuyệt, thoát sự vưựt-lý, chúng ta có thái độ cung kinh, nhưng trở về với Ta, với Người, chúng ta phải làm cho rạng-rỡ cái ý thức con người làm chủ mình chứ không phải con người phóng thể - aliéné - ươn hèn!
Khiết giơ tay khẽ gật đầu hỏi:
Anh cho tôi hỏi, hình như vào năm 1940 hay 41 chi đó, khi vị lãnh tụ cho ra bản tuyên ngôn có nói là ông ghi lại tất cả những điều sở đắc trong bao nhiêu năm suy ngẫm để cống hiến toàn thể quốc dân?
Đúng thế! Nghĩa là một cách semer à tout vent. Lãnh tụ nghĩ đến dân tộc truớc, thành lập Đảng chỉ để phục vụ dân tộc. Ai giữ kín tài liệu làm của riêng như giữ con niêm cổ, thực là ngu xuẩn, bởi hiểu biết tài liệu chưa đủ, còn thực hiện; hiểu biết và thực hiện cũng chưa đủ còn phải luôn luôn thức tỉnh trong việc tu dưỡng. Cuộc sống rộng lớn như vậy, linh động như vậy, kém phần tụ dưỡng làm sao cho sự hiểu biết và thực hiện được vừa sâu sắc vừa thuần hậu? Có những bậc sinh như tri thì sự học hỏi của người ta nhập chủ xuất chủ; bọn người thường chúng ta thì cũng có những kẻ nhập nô xuất nô bất quá chỉ là một thứ mọt sách, hoặc một thứ nhập lý xuất khẩu nói như vẹt ích gì ; phải làm sao nhập nô xuất chủ nghĩa là phải nhập lý xuất sự biết và thực hiện và tu dưỡng mới được! Còn nói chi đến những hạng vong quốc, hạng bảo thủ làm chướng ngại vật ngăn cản bước tiến của dân tộc, hạng không được ăn thì đạp đổ, bàn ngang tán láo phá hoại mọi công trình kiến tạo của kẻ khác.
Nhưng bây giờ anh đành thúc thủ thế này?
Thl tôi cũng mới bị quơ ở ngoài kia vào đây như anh mới ở Cộn-Đảo về, chúng mình trong này lại càng thiểu não, cộng sản còn lợi thế lắm nắm chính nghĩa chống thực dân... Đành lợi dụng thời gian này làm thời gian tu dưỡng, đọc, thảo luận, mỗi người đem lại một bó đuốc để cùng soi sáng cho nhau. Thanh kiếm chính nghĩa không chóng thì chày tất dời khỏi tay những người duy vật...
Được lắm, trước đây tôi đã có đọc một ít tài liệu và cả mấy bài thơ chính khí của L. nữa. Không ai phủ nhận được rằng con người ấy là kết tinh của tinh thần dân tộc, với hoài bão thực hiện một nền văn hoá tổng hợp của nhân loại, bởi vậy những lời đầy nhiệt thành của ông đều tìm thấy âm hưởng ở bất cứ con dân Việt nào.
Anh có biết vì sao cho đến hôm nay tôi mới dám nói chuyện với anh nhiều thế không?
Kẻ từ ngày tôi gặp anh lần đầu đến nay dễ đến bảy tám tháng qua đấy nhỉ?
Khoá từ nãy vẫn im lặng theo rõi câu chuyện, lúc đó mới nói:
Bảy tháng đúng!
Khiết hỏi Hữu:
Vì sao?
Vì lời anh nói với Khóa hôm qua là anh có thể chịu đựng mọi tính xấu trừ tính kiêu ngạo. Tôi rất đồng ý với anh ở điểm đó, cổ nhân cũng đã nói trời đất ghét nhất tính kiêu ngạo và mến nhất đức khiêm nhường. Bảy tháng qua tôi ít dám nói chuyện với anh bởi được biết anh đã hoạt động cách mạng hải ngoại, anh lại mới bị đầy Côn Đảo về, anh có đủ nhân tố để... “ta đây con người cách mạng”, mà tôi thì sẵn-sàng kính nhi viễn chi những con người đó. Câu nói của anh hôm qua mới thật khiến tôi tin vào cái bề ngoài điềm đạm của anh.
Khiết cười, Hữu đứng dậy từ biệt mọi người, Khoá lái xe vừa đưa Hữu về vừa đi lấy hàng cho mẹ. Khiết ra ngồi quầy với bà Đô, Cam cũng vừa tự nhà trong ra tới. Bà Đô cười bảo Khiết:
Con bé lạ, con gái Việt-Nam nuôi ở đất Tàu mà cạo lớn như đầm!
Cam nhìn mẹ vẫn bằng đôi mắt mở rộng, bình thản. Tiếng Khiết cười lớn hoà với tiếng cười âu yếm của bà Đô chẳng hề làm Cam luống-cuống hoặc cười lây. Đôi mắt nàng sáng lên chút ít chứng tỏ nàng có nghe thấy câu nói đùa của mẹ, nhưng miệng nàng vẫn mím hờ và không hề phác một nụ cười mỉm. Chính thái độ phần như bình tĩnh kín đáo, phần như ngây thơ khờ-khạo đó càng làm duyên quyến rũ của Cam thêm mãnh liệt và trong bảy tháng qua nhiều khi Khiết thấy muốn điên đầu, trở lại tuổi hai mươi vì thái độ đó. Bà Đô tiếp:
Anh có biết không, bây giờ mỗi bữa nó chỉ dám ăn có một bát cơm. Con bé sự phát phì.
Cam mím môi, lơ-đãng nhìn ra hè phố. Một người khách vừa bước vào. Khiết đứng dậy từ biệt. Chàng lững thững theo đường hồ Hoàn-Kiếm. Chàng ngồi lên một chiếc ghế xi-măng, chân vô tình đặt lên một phiến đá vỡ, mặt nhẵn thín, nhường như đội chỗ có lấm tấm hồng làm chàng liên tưởng đến phiến đá tương truyền đã chặt đầu Trương-Quý-Phi bên Yên-Chi-Tỉnh, và thốt nhiên chàng nhớ lại” nhớ rất rõ-ràng mấy dòng tản văn của một khách hào hoa nào đó viết bằng bút chì bên mép phiến đá sát miệng giếng. Vì vô tình thấy những dòng chữ viết bằng bút chì nên Khiết có tò mò nghiêng đầu đọc. Chàng mỉm cười đọc lại. Chắc là người viết đến thăm Yên-Chi- Tỉnh trước chàng và Cam không lâu. Những dòng tản văn chan-chứa tình hoài, chẳng hiểu tác giả thương cảm cho cái chết của nàng Trương-Quý-Phi hay thương cảm cho nỗi-niềm cô đơn của chính bận thân. Cũng tưởng là đọc đi đọc lại hai lần do một phút tò mò thoáng qua, rồi sau máy dòng đó tất chìm vào quên lãng còn bới lên làm gì, mà có bới lên vị tất đã nhớ hết. Mưa mùa hè, tuyết mùa đông hẳn đã lau chùi kỹ phiến đá bên Yên-Chi-Tỉnh, nhưng những dòng chữ xuất hiện nhát thời đó, ai dè ngày nay tái hiện trong trí chàng rõ-ràng đến từng nét phẩy, nét mác:
Y! Vân bạch, thuỷ thương, lựỡng tựơng huyền tuyệt.
Nhân sinh tư thế nhi bất đắc nhất tri kỷ tắc cô thầm tịch tịch, túng sử thiên tuế năng trường tại hựu hà vi tai?
(Mây trắng với nước xanh xa nhau vời-vợi.
Ôi, trên đời dù có sống tới ngàn tuổi mà không gặp người tri kỷ, thì cuộc sống quạnh hiu kia cũng bằng thừa)

XIII
Khiết đã hăm hở tích cực hoạt động cách mạng. Với lòng thành kính đi tìm “minh chủ”, rồi thất vọng ê-chề nhưng chàng quyết không “bán đồ nhi phế”. Ngày nay chàng được dịp cùng Khoá tham khảo thêm về lý thuyết cách mạng dân tộc với Hữu, chẳng khác được ăn vừa lúc đói, được uống vừa lúc khát. Là con người đã hoạt động nên Khiết có óc thực tế, đã từ lâu chàng hằng nghĩ: một cây chẳng thể làm nên rừng, một lãnh tụ dù siêu việt cũng khó gây thành sự nghiệp lẫy-lừng và lâu bền, nếu đại đa số quần chúng còn chưa được giác ngộ. Ý tưởng trở lại hoạt động văn hoá của Khiết phải chăng manh nha từ đây? vốn tư tưởng khoáng đạt ghét câu nệ, lại khiêm nhường. Khiết thành tâm tìm hiểu mọi điều hay, hiểu qua lăng kính của chàng. Chàng rất đồng ý với Hữu ở chỗ khi nghiên cứu thì phải xé lẻ ván đề, khi giải quyết chớ quên phải giải quyết đồng đều một lượt. Nhưng con người làm sao phân thân điều khiển cho đủ các ngành chính trị, kinh tế, văn hoá? Trong tình trạng hiện tại, với những người như Khiết, hầu như chỉ còn khu vực văn hoá là rộng đất “dụng võ” hơn cả. Thì bao giờ văn hoá chẳng là ngọn triều có thể đi xa và thám sâu hơn cả trọng quảng đại quần chúng, hãy tận tình hoạt động trong ngành này làm chất men ủ mầm cho mọi trào lưu tiến hoá.
Ý tưởng trở lại hoạt động văn hoá ngày một ăn sâu mở rộng trong tâm hồn Khiết như vậy. Thêm nữa chưa bao giờ Khiết thấy mình sống quân bình như dạo này, phải chăng vì chàng thực sự yêu Cam. Chàng rắp tâm đợi dịp thuận tiện ngỏ ý với bà Đô xin Cam làm vợ. (Còn thái độ Cam luôn luôn như vậy thì Khiết biết nói gì với nàng?) Tình cảm thông suốt, nhiều khi Khiết thảo luận hàng giờ với Hữu, còn Khoá thì nghiêng về phía thần bí của lý thuyết, đó cũng là do hoàn cảnh đặc biệt của Khoá.
Một năm qua kể từ ngày Khiết đựơc tha từ Côn-Đảo về, chính quyền mới chịu cấp đủ giấy tờ cho Khiết để chàng xin được vào tập sự luật sư. Chàng đã lấy lại ngôi nhà sát bên hội Khai Trí Tiến Đức chếch với căn hàng của bà Đô. Hôm đó chàng đến báo tin mừng với bà Đô, nhưng dù mừng đến mấy cũng không đủ phá vỡ bức thành ngượng-ngập mỗi khi chàng muốn chuyển sang câu ngỏ ý cầu hôn với Cam. Chẳng lẽ rồi việc này đành phải nhờ Khoá? Vừa lúc đồng hồ điểm rãi rệ mười hai giờ trưa. Thế là Khiết nương vào tiếng chuông đồng hồ nói câu quyết định mà chàng đã nhẩm đi nhẩm lại bao nhiêu lần rồi: “Thưa bác, cháu thấy em Cam cũng đã trưởng thành cháu muốn xin bác em Cam làm vợ”. Tiếng chuông đồng hồ bao lấy lời Khiết cho bớt những góc cạnh đột-ngột hoặc vụng-về. Bà Đô cúi đầu nghe, một lần chớp mắt. Tiếng chuông dứt vừa khít với câu nói của Khiết. Bà Đô ngẩng nhìn dịu- dàng mỉm nụ cười phúc hậu, nói:
Được thế, bác còn mong gì hơn!
Mộng hoạt động văn hoá mãi đến hơn một năm sau Khiết mới thực hiện được sau khi kết thân với bọn Hiển, Hãng, Kha, Miên. Nhưng mộng lứa đôi với Cam thì ba tháng sau đã thành tựu. Trong thời gian ba tháng là vị hôn thê, chỉ có đôi lần Cam chớp chớp mắt trước Khiết tỏ ý e thẹn, nhưng rồi đôi mắt lại mở rộng bình thản. Cam cương quyết ăn cữ để người thon, Khiết bảo thế nào cũng không nghe. Khiết nói ngắn hay dài - (lẽ cố nhiên Khiết chỉ biết nói ngắn hay nói dài, chứ nói giằn-giỗi thì cụng chẳng ăn thua gì với Cam) - Cam cũng chỉ lắc đầu, nhìn chàng bằng đôi mắt bình thản mà cương quyết, miệng không mỉm cười.
“Con bé này - Khiết nghĩ thầm - khi là vợ mình rồi, còn phải giáo dục nhiều”. Nhưng Khiết không hề phủ nhận rằng quả thực chàng đã tìm thấy ở cơ thể thơm non ấy thứ hương cỏ dại của thiên nhiên khả dĩ iàm chàng quên những thất bại và thất vọng ê chề trên chính trường vừa qua.
Và rồi Cam - cô gái bên sông Tần-Hoài - bỡ ngỡ đi vào vợ chồng như đi vào hư vô nhưng là thứ hư vô quyền đặc lại dần như thể tiên-thiên-vô-cực đương quyện rất nhanh thành tinh-vân, và tinh vân đương tự vo tròn rất nhanh thành tinh cầu. Dưới bàn tay vuốt-ve của Khiết, Cam thấy bàn tay đó bỗng hoang đường thần thoại, bàn tay thoa đánh thức cảm giác như bàn tay đêm thoa đến đâu làm mọc lên những vì sao đến đấy.
Cam đã tự khám phá thấy cơ thể nàng và đồng thời khám phá thấy tình yêu.