Dịch giả: Vũ Cận
Chương VI
Những bức phác họa

    
ào hồi này, những dấu hiệu của những biến cố sắp xảy ra bắt đầu đầy dẫy. Ernest đã phải băn khoăn về chủ trương của ba tôi tiếp những lãnh tụ xã hội và công đảng trong nhà và tham dự công khai những hội nghị của Đảng Xã hội. Thấy anh lo ngại, ba tôi chỉ cười. Về phần tôi: tôi học được rất nhiều trong khi tiếp xúc với các thủ lĩnh, các nhà tư tưởng của giai cấp công nhân. Tôi nhìn rõ mặt trái của cuộc đời. Tôi mến phục lòng vị tha và lòng yêu lý tưởng cao thượng của họ, đồng thời kinh ngạc trước nền văn chương khoa học và triết học rộng lớn của chủ nghĩa xã hội mở ra trước mắt tôi. Tôi học rất mau, nhưng không đủ mau để hiểu ngay từ lúc ấy hoàn cảnh của chúng tôi nguy hiểm như thế nào. Có nhiều người lên tiếng cảnh cáo, nhưng tôi không để ý. Chẳng hạn bà Pertonwaithe và bà Wickson, hai nhân vật có một ảnh hưởng xã hội ghê gớm trong thành phố đại học của chúng tôi, đã tung đủ dư luận rằng tôi là một thiếu nữ quá sốt sắng, ương bướng và có một khuynh hướng tai hại là thích can thiệp vào những công việc của người khác. Nhìn lại vai trò tôi đã đóng trong khi đi điều tra vụ Jackson, tôi thấy thế cũng chỉ là dĩ nhiên thôi. Nhưng tôi đã đánh giá thấp hậu quả của một dư luận như thế, do hai bà chúa tể xã hội nhiều quyền lực như thế tung ra. Thật ra tôi cũng để ý thấy bạn bè đối với tôi có phần dè dặt; nhưng tôi cho rằng đó là do họ không tán thành việc tôi dự đinh kết hôn với Ernest. Mãi về sau Ernest mới vạch cho tôi thấy thái độ chung của giai cấp tôi không phải là ngẫu nhiên. Họ có thái độ như thế chính là do có những kẻ giật dây ngầm một cách có tổ chức.
- Em đã chứa trong nhà một kẻ thù giai cấp, – anh bảo tôi. – Không những em đã cho ở, mà còn cho tình yêu và cho cả bản thân mình nữa. Như thế là em đã phản lại giai cấp em. Em đừng nghĩ rằng em sẽ thoát, không bị nó trừng trị đâu!
Nhưng trước đó ít lâu, một buổi chiều, Ernest đang ngồi với tôi thì ba tôi về. Chúng tôi thấy cụ đang cơn giận dữ – giận dữ một cách triết học. Ba tôi rất ít khi giận dữ thật. Nhưng thỉnh thoảng cụ cũng cho phép giận dữ chút ít, gọi là thôi. Cụ gọi đó là thuốc bổ! Cụ bước vào phòng, chúng tôi đã thấy ngay là cụ vừa dùng liều thuốc bổ đó xong.
- Các con nghĩ sao? – Cụ hỏi. – Ba mới ăn cơm với lão Wilcox về. (Wilcox là viên giám đốc đại học về hưu trí. Những tư tưởng tồn kho trong bộ óc khô héo của ông so với hồi 1870 thì mới mẻ, nhưng từ đó đến nay ông không hề nghĩ đến chuyện tu bổ cho hoàn chỉnh). Lão ta mời ba. Lão ta cho người đến mời. – Ba tôi ngừng một lát. Chúng tôi đợi. – Các con ạ, việc xảy ra một cách rất lịch sự, ba công nhận như thế. Nhưng ba bị khiển trách. Mà lại bị cái thằng cha hủ lậu ấy khiển trách mới tức chứ!
- Con cuộc là con đã biết vì sao ông bị khiển trách rồi, – Ernest nói.
Ba tôi cười:
- Tôi cho anh đoán ba câu.
Ernest đáp:
- Con chỉ cần đoán một câu thôi mà cũng chẳng phải là đoán. Cứ suy luận cũng biết. Ông bị khiển trách vì đời tư phải không ạ?
- Chính thế! Sao anh đoán được?
- Con đã biết thế nào rồi cơ sự cũng phải đi như vậy. Con đã nói với ông từ trước rồi còn gì.
Ba tôi trầm ngâm:
- Ừ, anh có nói trước thật. Nhưng tôi không thể tin như thế được. Dẫu sao tôi lại được thêm một bằng chứng rõ rệt để cho vào quyển sách của tôi.
- Nhưng đã thấm vào đâu, – Ernest nói tiếp. – Ông mà chứa các đảng viên xã hội và cấp tiến trong nhà, kể cả con nữa, ông còn gặp những tai vạ, và tai vạ tày đình kia!
- Chính lão Wilcox cũng bảo tôi thế. Lão ta bảo tất cả những việc tôi làm là không có bảo đảm, là không có gì hay ho, là hoàn toàn không có lợi và trái với những truyền thống và những chủ trương của trường Đại học. Lão ta còn nói thêm nhiều câu mập mờ như thế. Tôi không sao cột được lão ta vào một vấn đề gì nhất định. Nhưng tôi đã làm cho lão ta lúng túng to. Lão ta cứ luôn mồm nhắc đi nhắc lại rằng đứng về mặt khoa học, tôi là một người mà lão ta rất kính nể và tất cả mọi người đều kính nể. Lão ta phải làm một nhiệm vụ mà lão ta không thích một tí nào. Tôi thấy rõ ràng là lão ta không thích.
- Thì lão ta có được tự do hành động đâu, – Ernest nói. – Đeo cái thanh sắt nô lệ [51] vào chân, có phải lúc nào người ta cũng làm ra bộ dễ chịu được đâu!
- Đúng như thế, tôi đã làm cho lão ta phun ra rất nhiều chuyện. Lão ta bảo chưa bao giờ số tiền trường đại học cần phải tiêu lại vượt quá số tiền nhà nước định trợ cấp nhiều như năm nay. Chỗ hụt ấy chỉ có thể do những nhà giàu trợ cấp. Họ mà thấy trường đại học đi chệch lý tưởng cao cả của nhà trường, tức là theo đuổi những hoạt động có tính cách trí tuệ thuần tuý, thì nhất định họ mếch lòng. Khi tôi hỏi dồn lão ta rằng đời tư của tôi phỏng có liên quan gì đến việc làm cho trường đại học đi chệch lý tưởng cao cả của nó, lão ta liền ngỏ ý sẵn sàng cho tôi nghỉ hai năm ăn cả lương để sang châu Âu giải trí và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không thể nhận lời được.
- Giá ông nhận lời thì tốt hơn nhiều, – Ernest nghiêm trang nói.
- Nhưng đó là một âm mưu mua chuộc, – ba tôi phản đối, và Ernest gật đầu. – Cái thằng ăn mày ấy còn bảo người ta bàn ra tán vào quanh các bàn trà về việc con gái tôi ngang nhiên đi với một người tai tiếng như anh, và việc đó không hợp với tập quán, phẩm cách của trường đại học. Riêng lão ta thì lão ta chẳng thấy gì đáng nói đâu. Ô hô! Nhưng mà người ta xì xào và chắc tôi cũng hiểu như thế.
Tin đó làm Ernest suy nghĩ. Anh sầm mặt xuống, vừa trang nghiêm vừa tức giận. Một lúc sau anh nói:
- Nhất định là ngoài cái lý tưởng đại học ra, còn có một cái gì khác núp đằng sau. Lại có kẻ nào gây áp lực với ông ta đấy thôi.
- Anh tin thế ư? – Ba tôi hỏi, vẻ mặt tò mò hơn là lo sợ.
Ernest bảo:
- Trong đầu con bắt đầu có một quan niệm đang thành hình, nhưng chưa rõ rệt lắm. Để con nói ông nghe. Trong lịch sử thế giới, chưa bao giờ xã hội lại nhiều sóng gió ghê gớm như bây giờ. Những biến đổi nhanh chóng trong hệ thống công nghiệp của chúng ta đang gây ra những biến đổi không kém phần nhanh chóng trong tất cả những cơ cấu tôn giáo, chính trị và xã hội của chúng ta. Một cuộc cách mạng vô hình và dữ dội đang hình thành trong cơ cấu của xã hội chúng ta. Người ta chỉ có thể cảm thấy những cái đó một cách lờ mờ thôi. Nhưng những cái đó nó lẫn vào không khí, chính lúc này này. Người ta có thể cảm thấy trước sự xuất hiện của một cái gì rộng lớn, mơ hồ và đáng sợ. Con cũng không dám hình dung sẵn trong óc xem những cái đó sẽ kết tinh thành cái gì. Tối hôm nọ ông đã nghe lão Wickson nói. Đằng sau những điều y nói, chính là những cái không tên và không hình mà con đang cảm thấy. Trong thâm tâm, y rất sợ những cái đó và chính mối lo sợ này đã khiến cho y phát biểu như vậy.
- Anh muốn nói là… – ba tôi bắt đầu rồi ngừng lại.
- Con muốn nói, một cái bóng đen khổng lồ đang bắt đầu lan ra trên đất nước, đe doạ tất cả mọi người. Ông muốn gọi nó là bóng của một thiểu số thống trị cũng được, con cũng chỉ dám ức đoán như thế là sát nhất thôi. Bản chất nó ra sao, con cũng chẳng muốn tưởng tượng ra nữa [52].
Nhưng điều con muốn nói là: ông đang ở vào một cái thế rất nguy hiểm, một cái nguy hiểm mà chính con cũng không lường trước nổi. Con lo cho ông lắm, nên lại càng thấy nỗi nguy hiểm đó là ghê gớm. Ông nên nghe con, nhận lời đi nghỉ thì hơn.
- Làm thế thì hèn nhát quá, – ba tôi phản đối.
- Không hèn nhát một chút nào cả. Ông đã có tuổi. Ông đã làm tròn sự nghiệp của ông: một sự nghiệp vĩ đại cho xã hội. Ông nên để cuộc chiến đấu hiện tại cho những người trẻ tuổi và khoẻ mạnh cáng đáng. Thanh niên chúng con có công việc của chúng con. Xảy ra chuyện gì, đã có em Avis ở bên con. Avis sẽ thay mặt ông ở tiền tuyến.
Ba tôi không đồng ý:
- Nhưng họ không thể hại tôi được. Nhờ trời tôi là một người độc lập. Ồ! Anh cứ tin chắc rằng tôi rất hiểu một giáo sư phụ thuộc vào trường đại học về mặt kinh tế có thể bị họ làm cho điêu đứng như thế nào. Nhưng tôi sống độc lập. Tôi làm giáo sư không phải vì đồng lương, tôi cứ trông vào lợi tức riêng cũng đủ ung dung chán. Họ có muốn cắt cũng chỉ có thể cắt được lương của tôi là cùng.
- Ông vẫn chưa rõ, – Ernest trả lời. – Nếu tất cả những điều con lo ngại xảy ra thì lợi tức riêng và ngay cả số vốn của ông cũng có thể bị tước đoạt một cách dễ dàng như số tiền lương.
Ba tôi im lặng mấy phút. Cụ suy nghĩ rất lung và tôi thấy những nét quả quyết hiện lên trên khuôn mặt cụ. Sau cùng, cụ bảo:
- Tôi sẽ không nghỉ đâu, – cụ ngừng lại một lát. – Tôi sẽ tiếp tục viết cuốn sách của tôi [53]. Rất có thể anh lầm. Nhưng dù anh lầm hay không lầm, tôi sẽ vẫn ở lại vị trí chiến đấu của tôi.
Ernest bảo:
- Vâng, càng hay. Ông đang đi cùng một đường với Giám mục Morehouse và đi đến một tai vạ tương tự. Cả ông lẫn đức Giám mục đều sẽ thành vô sản trước khi bị chúng nó triệt.
Câu chuyện chuyển sang đức Giám mục và chúng tôi yêu cầu Ernest cho biết anh đã dẫn người đi làm những gì.
- Tôi đã dẫn đức Giám mục làm một cuộc du hành qua địa ngục và sau đó đức Giám mục đã phát ốm lên về mặt linh hồn. Tôi đưa ông đi thăm gia đình mấy anh em công nhân nhà máy. Tôi đã chỉ cho ông thấy những con người bị bộ máy công nghiệp làm cho xơ xác như những con tàu đắm và ông đã nghe họ kể lại cuộc đời của họ. Tôi đã dẫn ông đến những hang cùng ngõ hẻm của San Francisco và ông đã thấy nạn nghiện rượu, nạn mãi dâm và tội ác có một căn nguyên sâu xa hơn là sự đồi bại thiên bẩm của con người. Ông bị ốm nặng và phiền hơn hết là trí óc ông loạn cả lên. Ông thật là người đạo đức. Ông xúc động mạnh quá. Và cũng như mọi khi, ông không thực tế một chút nào cả. Ông cứ thế lơ lửng trên mây với những ảo tưởng về đạo đức và kế hoạch truyền giáo trong cái tầng lớp có học thức. Ông thấy có nhiệm vụ nặng nề phải làm sống lại tinh thần xưa của nhà thờ và truyền đạt bức thư của nhà thờ cho các ông chủ của xã hội. Ông đã bị nung nấu dữ quá. Chóng muộn thế nào ông cũng bục ra và thể nào tai vạ cũng phải xảy đến. Tai vạ đó sẽ xảy đến dưới hình thức nào, tôi cũng chịu không đoán được. Ông là một tâm hồn trong sạch và cuồng nhiệt nhưng mà sao xa thực tế thế. Tôi chịu không nắm được ông. Ông đang bay về Gethsemane [54]. Sau thì ông sẽ đến núi Calvary để chịu đóng đinh lên thánh giá. Những người có tâm hồn cao thượng như ông sinh ra là để đóng đinh lên thánh giá.
- Thế còn anh? – Tôi hỏi, và nụ cười trên môi tôi chẳng qua chỉ giấu một mối lo ngại thật sự của tình yêu.
- Anh thì không! – Anh cười trả lời. – Anh có thể bị xử tử hay bị ám sát, nhưng không khi nào anh sẽ bị đóng đinh lên thánh giá. Anh bám rễ xuống đất chắc chắn lắm rồi, không khi nào anh chịu rời mặt đất đâu.
- Nhưng tại sao anh lại làm cho đức Giám mục phải lên thánh giá? – Tôi hỏi. – Chắc anh sẽ không chối rằng anh là nguyên nhân gây ra việc đó.
Anh vặn hỏi lại tôi:
- Hiện nay có hàng triệu người sống nhọc nhằn, khổ sở. Vậy sao anh lại để cho một tâm hồn giàu sang thoải mái yên hưởng cái giàu sang thoải mái đó là thế nào?
- Thế tại sao anh lại khuyên ba đi nghỉ?
- Vì anh không phải là một tâm hồn trong sạch và cuồng nhiệt. Vì anh là người không ai lay chuyển nổi và rất ích kỷ. Vì anh yêu em và nói như Ruth ngày xưa thì “người thân của em tức là người thân của anh”. Về phần đức Giám mục, ông không có con. Vả lại dù kết quả có mỏng manh, tiếng kêu than yếu ớt và bất lực của ông vẫn sẽ có lợi một chừng mực nào cho cách mạng. Những việc như thế, nhỏ bé thì nhỏ bé, vẫn đáng kể như thường.
Tôi không thể đồng ý với Ernest. Tôi hiểu rất rõ bản chất cao quý của đức giám mục Morehouse và tôi không thể quan niệm rằng tiếng nói của người cất lên vì công lý lại chỉ là một tiếng kêu than yếu đuối và bất lực. Tôi chưa thật thấu hiểu những sự thật phũ phàng của cuộc đời như Ernest. Anh thấy rõ tâm hồn lớn lao của đức giám mục rốt cuộc cũng chỉ là hão huyền, và chẳng bao lâu, nhìn những biến cố xảy ra, tôi cũng thấy rành rành như thế. Ít lâu sau, Ernest kể cho tôi nghe bằng một giọng hài hước rằng chính phủ vời anh ra làm bộ trưởng bộ Lao động. Tôi mừng quýnh lên. Lương bổng sẽ cao và sẽ làm cho hạnh phúc của chúng tôi thêm phần bảo đảm. Vả lại công việc đó cũng thích hợp với Ernest. Thêm vào đấy, tôi vốn tự hào vì anh, cho nên lại càng cho rằng người ta vời anh ra như vậy tức là thừa nhận những tài năng của anh. Lúc đó tôi để ý thấy mắt anh long lanh một cách ranh mãnh. Anh cười tôi.
- Chắc anh sẽ không từ chối chứ? – Tôi hỏi, giọng run run.
- Đây là một âm mưu mua chuộc, – anh nói. – Đằng sau âm mưu này có bàn tay quỷ quyệt của lão Wickson và đằng sau lão Wickson có bàn tay của những tên to đầu hơn. Cái thủ đoạn đánh cắp những người chỉ huy của đội quân lao động, cái thủ đoạn ấy đã cũ lắm rồi, nó có từ khi có đấu tranh giai cấp kia. Đáng thương thay giới cần lao bị bội phản. Em có biết bao nhiêu thủ lĩnh của nó đã từng bị mua chuộc như thế không? Mua một người chủ soái còn rẻ hơn đương đầu với hắn cùng với cả đội quân của hắn, rẻ hơn nhiều. Đã có… nhưng thôi, anh không muốn nhắc tên kẻ nào nữa. Nghĩ đến thật là buồn. Em yêu quý của anh, anh là một thủ lĩnh lao động. Anh không thể bán mình đi được. Ngoài trăm nghìn lý do khác, cứ nhớ đến hình ảnh người cha già khốn khổ của anh và cái cung cách ông cụ bị vắt sức cho đến chết là anh cũng đủ thấy mình không thể làm điều đó.
Anh ứa hai hàng nước mắt, người anh hùng lớn lao và dũng mãnh của tôi. Không bao giờ anh có thể tha thứ được cái cung cách lương tâm của cha anh bị bóp méo, những lời nói dối bẩn thỉu và những sự ăn cắp ti tiện mà cha anh buộc phải làm để có miếng ăn nhét vào miệng lũ con. Có lần Ernest nói với tôi như thế này:
- Cha anh là một người tốt, tâm hồn cha anh rất cao cả, thế mà nó cũng bị sự mọi rợ của cuộc sống bóp méo, huỷ hoại và làm cho mòn mỏi đi. Cha anh đã bị biến thành một con vật khốn khổ vì bàn tay của lũ chủ, những con vật quá cả loài vật. Đáng lẽ cha anh vẫn còn sống đến bây giờ như ba em mới phải. Cha anh lực lưỡng lắm. Nhưng cha anh đã bị máy móc cầm tù và đã lao lực cho đến chết để làm ra tiền lời. Đúng như thế. Để làm ra tiền lời. Máu của cha anh đã biến thành tiệc rượu, thành đồ trang sức, thành những thú vui phè phỡn của bọn nhà giàu vô công rồi nghề và ăn bám, của bọn chủ cưỡi lên đầu cha anh, một lũ súc vật quá cả loài vật.
Chú thích:
51- Leg-bar – Những người nô lệ châu Phi và những tội phạm trước đây bị xích một thanh sắt vào chân. Mãi đến khi cuộc vận động “Tình anh em của con người” thắng lợi, cái tục dã man này mới được xoá bỏ.
52 - Mặc dầu, cũng như Everhard, có nhiều người không hiểu rõ bản chất của cái bóng đen đó, nhưng ngay từ trước, họ đã thoáng nhìn thấy nó. John C. Calhoun nói: “Hiện nay đã hình thành trong chính phủ một quyền lực lớn hơn cả nhân dân, gồm nhiều thứ quyền lợi khác nhau và rất mạnh, gắn chặt với nhau thành một khối và duy trì bởi sức kết hợp của số tích luỹ thặng dư để ở các ngân hàng”. Nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại Abraham Lincoln, trước khi bị ám sát ít lâu cũng đã nói: “Tôi nhìn thấy trước trong một tương lai gần gũi, sẽ có một cuộc khủng hoảng. Cái đó làm cho tôi bực bội và run sợ cho sự an ninh của nước tôi… Những hãng độc quyền đã nắm quyền trị vì. Tiếp theo đó sẽ là một thời đại thối nát trong giới cầm quyền. Bọn người giàu tiền và giàu thế lực trong nước, dựa trên những thành kiến của nhân dân, sẽ cố kéo dài thời kì trị vì của họ, cho đến khi của cải tập trung vào tay một số ít người và nước cộng hoà bị thủ tiêu”.
53- Cuốn sách này, Kinh tế và giáo dục, xuất bản vào năm đó. Hiện nay còn ba bản: hai bản ở Ardis, một bản ở Asgard. Sách viết rất tỉ mỉ về một đặc điểm của chế độ xã hội lúc đó, tức là việc giai cấp tư bản lũng đoạn các trường đại học và các trường phổ thông. Nó là một lời kết tội chí lý và đanh thép đối với toàn bộ hệ thống giáo dục, nó chỉ phát triển trong trí tuệ của học sinh những tư tưởng có lợi cho chế độ tư bản, gạt bỏ tất cả những tư tưởng có tính chất thù địch và lật đổ. Cuốn sách đó khiến cho bọn thiểu số thống trị rất căm tức và đã bị chúng cấm ngay tức khắc.
54- Một làng ở gần Jerusalem, nơi có vườn ô-liu chúa Jesus đến cầu nguyện trước khi bị đóng đinh lên thánh giá (ND).