Phần 5

    
hú Thọ, Vũ lao,
Ngày 29 tháng 11 năm 1952
Thân ái Trung,
Và thế là hết! Bức thư viết cho Trung chưa gửi, thì bức thư này đã phải bắt đầu. Phải bắt đầu giữa một cơn căm giận thấu trời, mà cũng giữa những phút nhẹ lòng kỳ lạ: Bạn của Trung đã được đuổi ra khỏi đơn vị, đã nghe tuyên án 42 năm khổ sai, đã trốn, và hiện nay đang ở trên đường len lỏi để vượt qua sông Thao, sang Nghĩa lộ.
Bạn của Trung, đêm hôm nay thao thức quá. Nên mượn đĩa đèn dầu của bà chủ nhà để soi rõ tờ thư viết cho Trung. Bà chủ nhà là chị Tường Vân, vợ của bạn chúng ta là Nguyễn Văn Nhiễu. Nhiễu mới bị đấu chết. Vợ Nhiễu bị đuổi ra khỏi đồn điền Khải Xuân, lên đậy dựng chóp lều bán mái này bên mộ Nhiễu để khóc chồng. Tôi vừa về qua hồi gần nửa đêm, nghe tiếng nức nở thì vào thăm, ai ngờ gặp chị Tường Vân.
Chị Tường Vân giữ tôi lại, luộc khoai cho ăn, rồi chúng tôi lại khóc Nhiễu. Riêng tôi, tôi khóc cả Quảng.
Quảng đã chết! Nếu quả thật một mối hận có thể kết tinh lại dưới một nấm mộ, thì những nổi uất ức trong lòng Quảng sẽ phải là một phiến đá, hay một hạt minh châu, không có bàn cân nào cân nổi ở đời này. Bởi câu chuyện của đời Quảng, tôi chưa biết có cây bút nào trên thế gian đã viết ra những nỗi thương tâm, cùng với những niềm yêu dấu, hy sinh, tôi đã thấy trong tâm hồn Quảng.
Quảng là cán bộ Tiểu đoàn, năm 1947. Nhưng tôi đã nói Quảng vốn là sinh viên trường Đại học Y khoa. Không có gì báo trước rằng người thanh niên ấy sẽ trở nên một chỉ huy quân sự. Quảng có mẹ già, bà mẹ suốt ngày chỉ còn thu gọn đời sống vào ba việc: Mỗi buổi sáng thắp một nén hương trên bàn thờ ông chồng quá vãng giữa năm Tân Mùi [1], mỗi buổi chiều lần đủ tám mươi tư vòng tràng hạt, và mỗi khi Quảng có sự gì buồn rầu, bực bội hay tức giận lộ ra nét mặt, thì khẽ gọi: “Quảng, con!”.
Nghe tiếng gọi, Quảng tức khắc rũ bỏ tất cả những ý nghĩ không xứng đáng là của người quân tử. Anh đến ngồi bên cạnh mẹ, thấp hơn một chút để mẹ nhìn xuống mà thấy mái tóc xanh của mình, và cúi đầu: “Mẹ tha thứ cho con”.! Rồi sau đó, hai mẹ con anh lại ngồi rất lâu như vậy, tuy không ai nói một lời nào nữa, mà mẹ biết con, con biết mẹ cũng nghĩ đến người cha, người chồng tôn kính.
Bởi cha Quảng là một bậc quân tử. Cụ Cử đỗ đồng khao với thân phụ tôi, Quảng có nói tôi mới biết, song vào giữa lúc một người từ giáo ban [2] sang chính ban, thì một người từ giáo ban về quê làm ruộng. Ngày một sáng đi cày, một chiều dạy học, cụ Cử Vân xa tựa như người không hề gặp một sự gì đáng buồn trong cuộc đời. Cụ hiếm muộn, tới ngoài bốn mươi tuổi chưa sinh con trai, cũng không có vẻ lấy thế làm phiền lòng. Kịp khi Quảng ra đời, cụ hình như cũng không lấy thế làm vui mừng quá lắm. Rồi một ngày kia lính mật thám ập vào nhà, xích tay cụ giải ra xe, xích tay Cụ dong lên tàu đi Hải Phòng để đi Côn Lôn, nét mặt cũ vẫn không thay đổi. Trên thềm phòng đợi của hành khách hạng nhất, hôm đó dành cho chính trị phạm, Cụ bà ẵm Quảng đến lạy biệt cha, chỉ nghe Cụ dặn lại một cân đơn giản: “Bà về nuôi con. Nó lớn lên thì dạy nó cho nên người”. sau ngưng lời một phút, Cụ nói tiếp: “Làm thì làm cho tận sức, rồi bình tâm!”. Có thế thôi. Người đi chẳng bao giờ về với vợ con nữa!
Tôi biết về cha Quảng có thế. Có lẽ chính anh cũng được biết về cha anh có thế. Mẹ anh là người chỉ cầu cứu đến chồng mỗi khi dạy con, con tỏ vẻ cứng đầu, rắn mắt. Những lúc ấy, theo lời Quảng, mẹ anh khóc: “Ông ơi! Ông có thương tôi thì về dạy con giúp tôi!”
Thì những lúc ấy, vẫn theo lời Quảng, anh thấy tim anh như thật vỡ nát làm nhiều mảnh. Anh có thể có lỗi, anh có thể bị hiểu nhầm hay bị oan uổng, nhưng mặc dù thế nào, anh vẫn thấy một niềm hối hận mênh mông trong tâm khảm. Mẹ anh chỉ còn anh, làm cho mẹ buồn, ấy là anh đã có tội lắm rồi.
Quảng nghĩ về mẹ như thế, cho nên đến lúc lớn, anh nhờ mẹ dạy mà tâm tính giống cha như in. Anh thuần hậu, điềm đạm, không bao giờ to tiếng cũng như không bao giờ để lộ vẻ đau buồn ra nét mặt. Tôi biết anh năm năm, thân với anh bốn năm, mà chỉ có một lần thấy nét ưu tư lộ trong tia sáng ở nơi mắt anh. Tôi đã kể với Trung, đó là buổi chúng tôi cùng nhận được nhiệm vụ lệnh chỉ huy Tiểu đoàn 332.
Hôm ấy, Quảng lặng nhìn ra sân rất lâu. Sân đất thịt lầy lội, đầy những vết chân người đi, những vết trượt ngã. Quảng hình như muốn đếm những chân từ thềm nhà ra bờ tre. Nét mặt chăm chú của anh rõ ràng biểu lộ tâm hồn anh đương theo dõi một ý nghĩ nhất định. Mãi hơn một năm sau, sau khi cùng chết hụt nhiều lần, tôi mới biết hôm đó anh đã phải đau khổ lắm để chọn lấy một con đường. Chúng tôi thân được nhau là nhờ cùng đau khổ như vậy.
Nhưng hoàn cảnh của Quảng ác liệt hơn hoàn cảnh của tôi nhiều lắm, Bởi kẻ phản bội đã phá vỡ chi bộ Lang tài của cha anh chính là một lãnh tụ trong mặt trận Việt Minh hiện tại. Anh nhờ gia huấn, không thù oán. Nhưng anh làm sao mà cùng đứng với hắn trên cùng một vị trí, và cùng đi với hắn theo cùng một con đường? Lại thêm nữa, mẹ anh già, bốn con anh dại, một mình vợ anh không có lấy trăm bạc trong tay, làm thế nào vợ anh lo được đủ sống cho gia đình, lúc bấy giờ còn điêu linh trên con đường mòn nào đó miền Ẩm Thượng?
Thế là, rút cuộc lại, anh cũng như tôi, chúng tôi không tìm thấy lối thoát. Đi không xong, ở lại thì không nên, chúng tôi đành hãy làm những việc phải làm ngay trước mắt. Riêng may cho anh, trong cơn não nề ấy, anh còn có một kỷ niệm thiêng liêng, một lời dặn của người cha thương con chí tình truyền lại: “Làm cho tận sức, rồi bình tâm!”.
Cũng nhờ giữ được bình tâm mà anh làm trọn được nhiệm vụ của anh khó khăn bằng trăm lần nhiệm vụ của tôi. Chúng tôi chia nhau phận sự nắm một Tiểu đoàn, nhưng về phần tôi, tôi đã có lòng yêu nước chứa chan trong quân ngũ giúp sức. Tôi chỉ có việc đem cái mong mỏi tha thiết của tôi về một ngày độc lập ra mà nói với anh em trong đơn vị, là tức khắc, trong những cảnh gieo neo nhất, một luồng sinh khí mạnh mẽ lại tràn ngập tâm hồn mỗi đứa chúng tôi.
Còn về phần Quảng, anh đã phải học tất cả ở thực tế. Một tháng kinh nghiệm giữ Thủ đô hầu như không được việc gì. Anh bỡ ngỡ hết sức khi thấy hơn bốn trăm tay súng nghiêm trong hàng mà chờ lệnh của anh. Anh không biết nói gì, cũng không biết bảo họ làm gì hết. Anh đi đi, lại lại nhiều vòng, rồi rút cuộc, anh thú thật trước Tiểu đoàn sự bất lực của mình. Anh chờ đợi chúng tôi cười rộ lên. Nhưng trái lại, chúng tôi xúm lại bên anh, đứa nào cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Chúng tôi thấy ở anh người anh hùng giản dị của tinh thần khởi nghĩa, của sứ mạng chiến đấu giành độc lập. Chúng ta đã chân thành mỗi người bày tỏ một vài ý kiến, một vài sự hiểu biết về tổ chức và chỉ huy một đơn vị chính quy.
Cả Tiểu đoàn thức trắng một đêm không ngủ. Chúng tôi thảo luận, rút kinh nghiệm, thảo luận cho đến khi cùng hiểu rằng đơn vị chúng tôi không hề là một bộ đội chuyên nghiệp, bởi chỉ gồm những người dân, những thanh niên tự nguyện chiến đấu vì tổ quốc. Chúng tôi thấy không cần phải có kỹ luật sắt để giữ người tự giác. Chúng tôi chắc chắn giữ được mình làm đơn vị gương mẫu trong bình tại. Còn chiến đấu, có một mình còn chiến đấu được, huống hồ có tới ngót năm trăm anh em? Bởi thế, chúng tôi quyết định tất cả sẽ cùng một lúc tìm học chiến thuật, chiến lược, là điều đầu tiên thiếu thốn. Sẽ cùng học, rồi cùng trao sự học ấy cho Quảng, miễn Quảng ở lại với đơn vị.
Quảng đã ở lại. Chúng tôi theo Quảng từ Bông Lau, qua Sông Lô, vào Bình Trị Thiên [3]. Tiểu đoàn chúng tôi đã đoạt giải thưởng Rèn cán Chính quân. Quảng đã mất một cánh tay phải ở trận công kiên Hòa Bình, khiến cho quân Pháp riễu anh là “Hổ cụt tay”.
Chúng tôi đã cùng nhau trải qua không biết bao nhiêu gian khổ. Hơn bốn trăm anh em lúc đầu, ba năm sau còn sống vỏn vẹn có một trăm bảy mươi hai đứa. Một trăm chín đứa đã bị điều đi đơn vị khác. Tụi còn lại, kể cả Quảng lẫn tôi, có sáu mươi nhăm mạng. Nhưng kẻ ở hay người đi, tôi dám chắc không ai quên được cái đêm tháng Tư chúng tôi khai hội buổi đầu tiên, trên một ngọc đồi vùng Phú Lộc. Đêm mồng bốn rạng mồng năm ấy, một đơn vị kháng chiến thoát thai từ tấm lòng lũ chúng tôi dốt thật, nhưng chân thành tin tưởng.
Thân ái Trung,
Trung đã biết một đôi điều về Quảng. Gia đình Quảng nghèo lắm. Quảng còn nghèo hơn nữa, mặc dầu ban Chỉ huy Tiểu đoàn sau này đã có khá nhiều tiền kinh phí. Quảng có lúc giữ trong quỹ tới trăm vạn, mà, theo tôi biết, không bao giờ Quảng hút vào gói thuốc lá của ban Chỉ huy mua thếch khách. Quảng còn tiết kiệm, đến nỗi anh không tiêu một đồng nào vào số tiền sinh hoạt phí của anh còn thừa hàng tháng. Anh cóp nhặt, dành dụm, mỗi khi được bạc trăm lại nhờ người em đem về Ẩm thượng biếu bà mẹ anh.
Lòng thương con còn tha thiết hơn thế. Anh nhặt từng tờ giấy còn một mặt trắng đem cất đi, chừng nào đủ đầy thì đem đóng lại cho chúng làm vở tập viết. Anh giữ lại bất cứ một thứ gì đẹp mắt có thể làm đồ chơi cho lũ trẻ, kể từ cái bao hộp dầu Con Hổ, đến tấm ảnh tô màu thành phố Venise. Cảm động nhất, là những buổi trú quân nhàn nhã, anh mày mò tìm vật liệu làm cho thằng Châu, đứa con trai lớn, cây súng cao su, hay nặn cho đứa con gái bé những con mèo, con chó bằng đất. Bàn tay sinh viên của anh vụng về, thường làm hỏng những con giống sắp thành hình. Lúc đó, anh buồn rầu buông lơi mấy mảnh vụn xuống đất. Anh thở dài và lắc đầu nhè nhẹ để tỏ dấu thất vọng. Nhưng chỉ một lát sau anh lại kiên nhẫn bắt đầu một con giống khác...
Như thế là anh đã mang trong bản thân cực nhiều mâu thuẫn. Anh hình như có tài đứt tâm hồn anh ra làm hai phần không những riêng biệt mà còn đối lập. Phần thứ nhất, sống cho công vụ. cho chính phủ, cho Đảng, cho kháng chiến: hăng hái, quả cảm, cũng mãnh. Phần thứ hai, sống cho gia đình, cho bằng hữu: Chí tình, đằm thắm, nương nhẹ lòng người như nương nhẹ cánh hoa.
Tôi nhớ, tháng Mười năm 1947, được lệnh truy kích binh đoàn Vanuxem từ Tuyên Quang về Đoan hùng, quân Pháp đi pháo thuyền, chúng tôi đi bộ. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiêu hao tinh thần địch bằng những trận đột kích nhỏ, nhằm làm cho địch mệt mỏi và đồng thời trở nên khinh thường quân đội kháng chiến. Bộ Tư lệnh Liên khu đã chỉ thị rõ rệt: Quân Pháp có khinh địch, trận phục kích của đại đội trọng pháo mới có hy vọng thắng lợi. Và quả thế, đến khúc Sông Lô dưới Đoan Hùng từ 8 đến 11 cây số, pháo thuyền Pháp không có lục quân đi trên bờ yểm hộ, lại thêm binh sĩ vui hát, nhảy múa trên sân tàu, cơ hội thật đẹp cho hai khẩu 75 ly bắn mỗi khẩu hai viên đạn. Một trong bốn viên trúng đích cách mười sáu thước, xuyên qua lần giáp mỏng của chiếc L.S.T rồi nổ tung ngay giữa hầm máy và hầm đạn. Chiếc pháo thuyền đứt làm hai mảnh.
Đó là trận Sông Lô năm 1947. Giá trị chiến đấu thuần túy chẳng là bao đâu, nhưng về tinh thần thì “Chiến thắng Sông Lô” quả là một luồng gió ngược, thổi lồng lộng cho tiêu hao hầu hết những tư tưởng bi quan, chủ bại. Có thể nói rằng toàn thể đồng bào ta đã ăn mừng Chiến thắng Sông Lô. Riêng gian khổ nhất Tiểu đoàn chúng tôi, đi bốn ngày ba đêm không nghỉ, khi ngược lên, khi xuôi xuống theo tin tức của các tổ quân báo mà họa có nghỉ chân, ấy là để đào thật gấp những hố cá nhân ven bờ sông. Rồi nấp trong hố bắn những băng đạn vu vơ vào các khối sắt đen chùi chũi trên mặt nước, rồi vọt lên khỏi hố, mau mau xa lánh những bộ đội địch vừa mới lên bờ truy nã; rồi sau hết, lại băng mình lên phía trước, để tổ chức một cuộc phục kích thứ hai, thứ ba, thứ tư nữa!
Bốn ngày ba đêm không nghỉ, không chợp mắt. Nước khe, nước lạch, hay nước cũng trâu đầm. Cơm vài nhúm gạo rang nhai cho thật kỹ với chút muối trắng (ai vơ được vài nhánh tỏi là người ấy có bữa thịnh soạn!). Bốn ngày ba đêm, chống lại tất cả mọi định luật về sinh lý, chúng tôi vượt 320 cây số, cộng thêm chính trận phục kích. Chúng tôi không đi bằng chân mà đi bằng óc. Chúng tôi mụ người trong sự cố gắng kinh khủng. Cố gắng vì yêu nước, vì thù giặc, vì Quảng nữa.
Vì Quảng luôn luôn đi đầu. Anh mất hẳn nụ cười, anh quắc nhìn mấy đội viên kêu mệt. Mệt thật, nhưng hổ thẹn và xúc động bởi tấm gương chỉ huy, không một ai dám lùi trở lại. Cả những lúc đạn địch chăng lưới trên đầu, không một ai kịp sợ chết. Có lẽ cũng vì thế mà cả Tiểu đoàn không có một người bị thương, trừ một tên bị bạn đồng đội cuốc một phát đứt phăng nửa ngón chân cái với đầu ngón chân bên cạnh. Thế mà chúng tôi vừa về đến bến Then, vừa nằm lăn xuống đất chưa kịp ngủ, là hắn đã tập tễnh chống gậy theo kịp, mặt hắn nhăn nhó tưởng khóc mà hóa ra cười. Khi tháo bỏ manh giẻ rách quấn chân hắn, chúng tôi chỉ thấy lẫn với đất bùn, có một mớ lá chuối nhai giập giạp. Thế mà hắn khỏi.
Hoàn cảnh của hắn vẫn chưa phải là lạ nhất. Biết bao nhiêu hoàn cảnh khác, bất chấp khoa học, của những kẻ bị đến mười phát đạn trong mình mà không chết, hoặc bị đứt một cánh tay rồi để hai ngày không có thầy thuốc săn sóc cũng không chết... Tôi đã nói chúng tôi sống bằng tinh thần nhiều hơn bằng vật chất. Đối với Trung, có đâu phải là một câu lừa dối!
Nhưng cái làm cho tôi lạ lùng nhất vẫn là thái độ của Quảng. Ngay sau trận Sông Lô, tôi về đến Phú Lộc là ngủ một giấc say như chết. Khi tỉnh dậy, đi tìm Quảng, thấy anh đương lẩn mẩn cắt cắt, chắp chắp những mảnh sắt tây vụn. Tôi lại gần, anh đưa ra khoe một cái bàn với bốn cái ghế đặt vỏn vẹn trong lòng bàn tay:
- Chú bé Cu nhà mình được cái này là khoái lắm đấy nhé!
Giọng nói của anh hiền hòa, thấm thía. Nhớ con bé và nghèo, làm đồ cho con chơi, một người cha dễ quên trận vào sinh ra tử chưa qua được trọn một ngày!
Thế là Trung đã biết nhiều về Quảng. Quảng với tôi gần nhau không bao lâu đã thân tình như ruột thịt. Tôi hơn tuổi, được Quảng coi như anh, nên đã nhiều lần được nghe Quảng đem tâm tình ra thủ thỉ.
Trung đã biết Quảng mồ côi cha từ nhỏ. Cụ Cử Vân xa bị bắt đày đi Côn lô bởi có người đồng chí tố cáo. Người đồng chí này hiện là một trong những lãnh tụ Việt Minh. Quảng chỉ còn mẹ già. Vâng lời mẹ, Quảng lấy vợ, thương yêu vợ, rồi thương yêu con. Trước kháng chiến, Quảng là người của gia đình. Kháng chiến bùng nổ, Quảng đặt đất nước lên trên gia đình. Cuộc đời của Quảng giản đơn có thế thôi.
Cuộc đời của Quảng đã dồn cho kháng chiến. Kháng chiến là quân đội, là Tiểu đoàn 332. Bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu sinh lực trong Quảng đã dồn cho Tiểu đoàn 332. Quảng thương yêu đơn vị hơn thương yêu mẹ, hơn thương yêu vợ con. Có thể nói đơn vị là con anh, anh sinh đẻ ra nó, nuôi dưỡng nó, trông thấy nó lớn mạnh, trông thấy nó trưởng thành. Anh có lúc nói với tôi: “Quảng không thể sống xa đơn vị”. Có lúc anh lẩn thẩn, không muốn cho chiến tranh chấm dứt, để ở lại với đơn vị.
Cốt giữ lấy đơn vị, anh đã vào Đảng. Nói cho đúng ra thì Đảng vẫn coi anh là người trong tổ chức, bởi tin lòng anh kiên trung, cương quyết. Còn phần anh, anh không ghét Đảng, mà chỉ ghét tính đảng phái. Anh không muốn vào Đảng mà vẫn vào Đảng, ấy là để giữ lấy đơn vị. Đơn vị là mẹ, là vợ, là con anh cộng lại.
Anh không thể sống xa đơn vị. Cho đến khi đơn vị phản bội anh là anh phải chết. Chết như những người cha bị giết bởi đứa con chính mình sinh, dưỡng. Chết vì bị mấy phát đạn bắn vỡ lồng ngực, mấy phát đạn từ những khẩu súng của đơn vị. Nhưng trước khi chết thật, tôi biết anh đã chết trong lòng, đứt từng khúc ruột.
Trung có biết rằng Quảng bị chính đon vị mình đấu chết? Quảng bị những đội viên, một thiểu số đã cùng anh vào sinh ra tử, đêm mồng Bảy vừa rồi, họp thành tòa án đặc biệt tuyên bố anh có phản nhân dân, có phản Đảng, và xử tội anh phải chết bắn.
Trung lấy làm lạ lắm? Than ôi! Bạn Trung cũng không biết gì hơn nữa, ngay trong lúc ấy. Bạn Trung, quên không nói, đã rời bỏ nhiệm vụ, mới là trưởng ban văn nghệ Tiểu đoàn. Cũng vì thế, nên mãi đến khi phong trào đấu tranh chính trị được công khai phát động, bạn của Trung mới biết.
Thì đã muộn, Quảng đã bị giam cầm rồi, vì sao mà bị giam, chính Quảng cũng không biết. Chỉ biết rằng, có lệnh của Chính ủy Đại đoàn cho Quảng viết tờ bộc lộ, Quảng không biết viết tờ bộc lộ ra sao nên bị giam xuống chuồng trâu. Tôi, mặc dầu có lệnh cấm, nhiều lần lén xuống thăm Quảng. Tôi hỏi nhiều, nhưng Quảng chỉ im lặng. tôi đoán già: Có lẽ Quảng bị kẻ nào thù ghét. Tôi uất ức, nhiều lần cầm tay Quảng mà trào nước mắt. Quảng vẫn im lặng (bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy Quảng, bằng sức mạnh của tinh thần, đã vượt lên trên sự đau đớn, và tách rời khỏi cả sự sống của thể xác!).
Tôi thương Quảng tưởng hóa điên. Tôi lồng lộn lên Khu, về đại đoàn bộ để cầu cứu. Người ta rõ ràng ghẻ lạnh và khinh bỉ tôi. Chính trị viên Tiểu đoàn gọi tôi lên cấm chỉ mọi quan hệ với Quảng. Tôi không chịu, nên hắn nhốt tôi vào chuồng trâu, thay cho Quảng bị đem giam trong cái cũi lớn để giữa sân.
Chúng tôi bị giam như thế ngót một tháng rồi mới đến ngày xử án. Tôi ở ngoài chuồng trâu chỉ nghe tiếng ồn ào la hét. Thỉnh thoảng lại có tiếng gào lên buộc tội Quảng: Nào là rủ đồng chí theo Pháp, nào là mưu giết tướng Tổng tư lệnh. Thêm có những kẻ dám nói đã bị gia đình Quảng bóc lột, gia đình Quảng có hơn một ngàn mẫu ruộng, gia đình Quảng có mười hủ vàng. Tôi nghe lời buộc tội Quảng mà dựng tóc gáy. Duy không thấy Quảng trả lời. Anh vẫn im lặng, lúc ra khỏi tòa án nhân dân mặt mũi sưng tím, cũng như sáng tinh sương, hôm sau bị bịt mắt dẫn ra phía đầu làng.
Tôi thương Quảng mê cả người. Tôi mãi mãi nhớ cặp mắt lúc nào cũng trong sáng của anh, cũng như tâm hồn anh thương con, yêu mẹ. Tôi bị khép tội đồng đảng với anh, bị tuyên án 42 năm khổ sai. Nhưng mới qua được hơn một ngày, thì có người đội viên cũ, cắt dây trói cho tôi, rồi cùng với tôi trốn khỏi cứ điểm.
Chúng tôi đi đêm, ngày ngủ trong những bụi cây thật rậm. Chúng tôi thoát được từ Bắc Cạn về đến đây, không bị lạc trong rừng, không bị đuổi theo kịp, không sa vào những trạm gác của dân quân du kích, nhờ chúng tôi đã thuộc lòng những con đường mòn của khu rừng mông mênh gồm bốn tỉnh Bắc, Thái, Tuyên, Phú.
Trong đêm đen đặc, chúng tôi đi, mắt mở cũng như nhắm, chân bước theo linh tính nhiều hơn theo suy nghĩ. Chúng tôi đi, bước đều chân trong rừng khuya, và càng đi càng nhớ những đêm hành quân hồi trước. Những khúc thẳng, những khúc quanh, những dốc cheo, những khe sâu hun hút, cảnh không trông thấy, mà biết là có, vì cảnh với người, với sức sống, hình như quyện lấy nhau, hòa vào nhau làm một. Một niềm vui, một niềm hân hoan, tin tưởng.
Nhưng tất cả đã xa xôi, vì đêm nay tôi chỉ còn một thứ đau đến tê lạnh trong người. Một tiếng gọi thầm: “Quảng! Quảng!...” Tiếng gọi gọi mãi, gọi mãi theo nhịp chân. Nhịp chân bước đều, đều đến nỗi không gian dưới bàn chân như liền lại, thành một con đường, con đường thật, con đường làm bằng những bước chân của người đi. Như tiếng gọi thầm tên Quảng, bao nhiêu tên Quảng nhắc theo bấy nhiêu bước chân, cũng liền lại, làm ra một sợi dây xúc động trong tâm ý. Càng gọi, xúc động càng thêm đông đặc, cho đến lúc thành một thứ tinh túy, chiếm đoạt cả ý nghĩ của người gọi, rồi tràn ngập cả ra ngoài không gian tối, vắng. Lúc đó, Quảng như hiện lên, đi bên cạnh người đi, chung với người đi một ý nghĩ và thương yêu người đi bằng một tình thương yêu thần thánh.
Tất cả đau khổ tan biến ngay. Tất cả oán hờn dẹp lại. Tâm hồn tôi thoáng chốc lắng xuống như nước trong. Tôi nghĩ đến Quảng, đến tôi, như nghĩ đến một người xa lạ khác. Cái chết của Quảng cũng như sự trốn tránh của tôi, tôi tưởng là những sự kiện nào đó, đã xảy ra từ lâu lắm. Tôi bất chợt thấy mình đương lý luận về mình và về bạn một cách lạnh lùng, sáng suốt. Trí tuệ ở trong tôi hầu như có một sức mạnh kỳ dị giúp đỡ, đã gạt hẳn sang một bên những rung cảm của tâm hồn.
Tôi nghĩ: “Quảng chết, cũng như tôi bị kết án tù, cũng như chúng tôi nhận công tác với Việt Minh năm năm về trước, ấy là vì chúng tôi đã mắc vào vòng răng cưa của guồng máy chiến lược đấu tranh của những người bôn sơ vích”.
Thân ái Trung,
Tôi muốn vội chia tay với Trung sự tìm thấy. Sự tìm thấy những giai đoạn chiến lược:
Giai đoạn Một, lấy độc lập làm mới, dùng tiểu tư sản mị quần chúng. Giai đoạn Hai, lấy kháng chiến làm mới, dùng tiểu tư sản nắm quần chúng. Giai đoạn Ba, lấy quyền lợi làm mới, dùng quần chúng diệt tiểu tư sản (bắt đầu từ đoạn thư này, tôi lo rằng hoàn cảnh sẽ bó buộc tôi phải viết cho Trung những dòng luận thuyết khô khan, và đòi hỏi ở Trung nhiều chú ý hơn trước. Tôi đã cố tránh cho Trung cái “nạn” ấy, nhưng xét cho cùng, Trung thật ra cũng cần phải biết Việt Minh trong lĩnh vực chính sách và chiến lược đấu tranh chính trị. Có như thế, Trung mới thật hiểu được giai đoạn lịch sử vừa qua của toàn dân).
Nói đến hai chữ giai đoạn, hai chữ thật cũ mà thật mới, Trung nên hiểu rằng đây là một danh từ được đem áp dụng vào sự tổ chức, vào sự hoạt động. Giai đoạn không còn riêng dùng trong việc phân chia một dòng lịch sử dài đặc: Giai đoạn Bắc thuộc, giai đoạn tự trị... Giai đoạn hiện nay, thường được dùng vào việc cắt đứt một chương trình hành động làm nhiều phần, mỗi khi có sự thay đổi trong chủ quan hay trong khách quan. Cách dùng hai chữ “giai đoạn” như thế này chắc hẳn đã có từ lâu ở nơi khác nhưng riêng trong nước ta, và theo sự hiểu biết của tôi, Việt Minh đầu tiên đem dùng hai chữ ấy một cách thiết thực, liên hệ ngay đến công việc trước mắt và mai sau.
Việt Minh nói (và viết): Cuộc kháng chiến sẽ có ba giai đoạn, sự thực hiện một thế giới theo Cộng sản chủ nghĩa có ba giai đoạn. Như Trung biết, đã có hẳn những tập sách nghiên cứu tỉ mỉ về những vấn đề ấy. Duy Việt Minh không bao giờ nhắc nhở đến những giai đoạn của một công việc tiêu diệt tiểu tư sản. Bởi một lẽ giản dị: Việt Minh đâu dám công bố những chủ tâm lợi dụng tiểu tư sản, mê hoặc dân chúng, lợi dụng dân chúng? Trừ khi họ đã hoàn thành được nhiệm vụ của giao đoạn, nghĩa là tiêu diệt xong giai cấp tiểu tư sản.
Tôi trước hết muốn Trung hiểu rằng trong chính sách của Việt Minh, giai cấp tiểu tư sản không có nghĩa là giai cấp của những người có tài sản trung bình, không lớn quá để thành đại tư bản, không nhỏ quá để thành vô sản. Theo Việt Minh, tiểu tư sản là những ai có đầu óc tham luyến của cải, của cải theo nghĩa vật chất, theo cả nghĩa tinh thần. Một vị bác sĩ có tài chữa bệnh, coi cái tài ấy là của riêng của mình; một nhà văn viết những đoản thiên hay, coi cái hay ấy là của riêng của mình; thì tất cả đã là những con người tiểu tư sản, bất chấp vị bác sĩ có thể rất giàu, anh đầu bếp có thể nghèo và nhà văn có thể phải chạy ăn mỗi ngày, mỗi bữa.
Tiểu tư sản, theo định nghĩa Việt Minh - Cộng sản - có thể coi là gồm tất cả mọi thứ người trong xã hội (kể cả những người hành khất, tôi sẽ nói vì sao!), ngoại trừ hai hạng người. Hạng người đại tư bản có đủ tiền bạc, ruộng đất, hãng buôn hay xí nghiệp, nói chung là có đủ phương tiện sản xuất, để trực tiếp tham dự vào công việc tổ chức và chỉ huy nền kinh tế trong nước. Hạng thứ hai, coi như đối lập với hạng trên, được gọi là vô sản khi nào từ vật chất đến tinh thần đều lệ thuộc vào một cơ cấu chỉ huy độc nhất. Thí dụ: người Cộng sản, Trung chắc hẳn đã thấy ngay rằng Việt Minh như thể là định chia xã hội loài người làm ba phần, một phần theo để làm cơ sở cho Cộng sản, một phần là cái cơ cấu chỉ huy của những chính quyền tư sản - mà Cộng sản phải đánh thua để cướp lấy quyền lực - phần thứ ba gồm tất cả những người còn lại. Sự phân chia rõ ràng có tính cách chiến lược, bởi vì họ mặc dầu lấy cữ “sản” làm tiêu chuẩn phân định từng thành phần, mà thật ra họ chủ tâm chia xã hội làm làm bạn, thù, và trung lập.
Việt Minh và Cộng sản (công khai) vẫn nói rằng tiểu tư sản trung lập với họ, họ trung lập với tiểu tư sản. Họ cho rằng tiểu tư sản không quyết liệt phò tá đại tư bản trong công cuộc thống trị xã hội bằng phương tiện sản xuất, nhưng, ngược lại, tiểu tư sản cũng không tham gia vào hàng ngũ của họ để xây dựng cách mạng vô sản. Gần đây, một lý thuyết gia Trung Cộng là Lưu Thiếu Kỳ còn cho rằng tiểu tư sản không phải là một giai cấp, bởi không có ý thức quyết tâm đấu tranh để bảo vệ quyền lợi và uy thế của giai cấp của mình, và cũng không oán thù, căm tức các giai cấp khác. Lưu Thiểu Kỳ từ đó gọi tiểu tư sản là một “ý thức”. Ý thức tiểu tư sản sẽ theo về giai cấp nào thắng lợi trong cuộc giai cấp đấu tranh, đó là chủ trương và sự tiên đoán của Karl Marx.
Quan niệm của Việt Cộng (Việt Minh, Cộng sản) đã như thế, đáng lẽ ý thức tiểu tư sản phải được để cho yên ổn. Đã như thế, tại sao Việt Cộng nhằm tiêu diệt tiểu tư sản trước hết, trước khi khởi sự giao tranh với đại tư bản?
Theo ý tôi, có lẽ trước hết tại tất cả những gì Việt Cộng nói về tiểu tư sản đều là man trá. Họ vốn không công nhận có thể có một thái độ trung lập trong lịch sử, thì tiểu tư sản làm thế nào mà đứng trung lập cho được? Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là ở Việt Nam không làm gì có đại tư bản, nếu không kể đến người ngoại quốc, tức là người Pháp, đã được liệt vào loại xâm lăng thống trị. Việt Cộng thành ra không có kẻ thù chính, lẽ tất nhiên quay lại diệt kẻ thù phụ.
Nhưng đã nói ý thức tiểu tư sản sẽ theo về bên thắng trận. Ý thức tiểu tư sản sẽ theo về Việt Cộng. Thì làm sao có thể biến thành kẻ thù, dù chỉ là kẻ thù phụ? Tôi nghĩ rằng đây là lý do thứ ba vì sao Việt Cộng nhắm tiêu diệt tiểu tư sản. Lý do đó, là tiểu tư sản mới thật là kẻ thù của họ.
Vì sao? Vì Việt Cộng chủ trương, ngay trong lý thuyết, tiêu diệt tự do cá nhân. Mà chống lại chủ trương đó là ai, nếu không phải là những nhà trí thức trước hết: Những bác sĩ, luật sư, kỹ sư, những văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ, hầu hết là những phần tử tiểu tư sản?
Vì sao? Vì Việt Cộng chủ trương, ngay trong lý thuyết, rằng con người lý tưởng của một xã hội Cộng sản chủ nghĩa là con người vô sản thuần túy. Sống vật chất, nhờ Đảng. Sống tinh thần, theo Đảng tuyệt đối. Người vô sản không có một tấc đất cắm dùi, không có một tầu lá làm mái che mưa, nắng, không có một đồng bạc để dành qua đêm tới sáng mai, đó là sống vật chất nhờ Đảng. Điều này tương đối dễ, vì thật ra, nếu Đảng cho được đầy đủ suốt đời, thì còn ai giữ của riêng làm gì cho khổ thân. Nhưng sống tinh thần theo Đảng khó hơn, khó hơn nhiều. Bởi sống như thế nghĩa là không có xúc động trong tâm hồn nữa, hoặc nói cho đúng là chỉ có những xúc động trong tâm hồn theo ý muốn của Đảng. Đảng bảo yêu thì yêu, bảo ghét thì ghét. Thậm chí có bị nhục mạ, Đảng bảo đó là vinh dự cũng phải “thành khẩn” tin rằng đó là vinh dự. Nói tóm lại, muốn xứng đáng là vô sản thuần túy, phải giết bỏ tâm hồn, phải tự biến mình thành sắt đá. Sắt đá tâm hồn, trừ Việt Cộng, họa may còn có một số nhỏ đại tư bản có khả năng làm giàu trên xương máu đồng loại. Còn tiểu tư sản, lấy sự phong phú trong tâm hồn làm hãnh diện, lấy yêu thương làm lẽ sống-hay lẽ chết!-, lấy danh dự và nhân phẩm làm những thứ không có không sống được trên đời, tiểu tư sản mới thật là kẻ thù chính của lý thuyết vô sản.
Còn vì sao nữa? Vì cản đường của tuyên truyền Việt Cộng, cản đường của giáo dục Việt Cộng, giữ Việt Cộng không cho mê hoặc quần chúng dễ dàng, lại chính là tiểu tư sản. Người tiểu tư sản cố nhiên gần gũi quần chúng hơn người đại tư bản, quần chúng lại hằng ngày noi gương người trí thức tiểu tư sản, cho nên tranh giành uy thế trong quần chúng với Việt Cộng, vô hình chung trở thành kẻ thù thứ nhất của Việt Cộng, chính là tiểu tư sản.
Thân ái Trung,
(Trung đã thấm mệt vì lý thuyết chưa? Hy vọng rằng chưa, bởi mang danh là những kẻ đương làm ra lịch sử, chúng ta đâu có quyền từ chối một đôi chút khó khăn?)
Chúng ta vừa mới thấy rằng chúng ta mới thật là kẻ thù của Việt Cộng (Việt Minh, Cộng sản). Sự nhận định của chúng ta rõ ràng quá. Chỉ hận rằng mãi đến bây giờ chúng ta mới thấy rõ vị trí của mình trong quan điểm đấu tranh của Việt Cộng. Chúng ta đã mắc phải lỗi lầm vạn cổ, là ghét người mà không biết người ghét mình, thù người mà không biết người thù mình, toan đánh người mà không biết lưỡi dao của người đã đặt sẵn ngang cổ mình. Chúng ta, nhất định là có Trung cùng đi với chúng tôi, chống Việt Cộng bởi họ theo chính sách đảng trị độc tài, bởi chúng ta lo rằng với lý thuyết đấu tranh cực đoan mác xít, họ sẽ gieo rắc quá nhiều đau khổ trong xã hội. Chúng ta không kịp nghĩ rằng họ không những chống lại chúng ta mà còn căm thù chúng ta cực độ. Bởi họ là những người ham muốn quyền lực đến chỗ tự hủy hoại, trước tiên trong lòng họ, tất cả mọi thứ tình cảm cao quý, kể cả lòng nhân đạo.
Chúng ta - hay nói cho đúng: Chúng tôi - chúng tôi thiếu sự nhận định mối quan hệ giữa mình với địch cho thật sát, cho nên trong thời gian một gian đoạn chiến lược của họ, chúng tôi đã để cho họ lợi dụng mình mà mê hoặc quần chúng, bằng mỗi một chữ kép: “Độc Lập”!
Độc Lập trước hết là sư thèm khát của người tiểu tư sản. Giữa những người tiểu tư sản, càng có trí thức ở trình độ cao hơn càng thèm khát Độc Lập hơn. Bởi, trái với lý luận Việt Cộng, cảm thông cái nhục mất nước thấm thía nhất, là người trí thức.
Người trí thức luôn luôn được biệt đãi bởi chính quyền thống trị, về vật chất cũng như về danh vọng. Nhưng danh vọng không làm nên hạnh phúc về tinh thần. Người trí thức càng có danh vọng càng gần gũi bọn thống trị, có khi chỉ một cái nhìn, một nụ cười nhếch mép, một lời nói khinh bỉ, cũng đủ cho tất cả những nỗi niềm cay đắng của một dân tộc vong quốc lại tràn ngập trong tâm hồn họ. Họ đã đành có những kẻ hèn mạt, nuốt nhục vào trong lòng để sống một bề ngoài vinh hiển. Nhưng đó là số ít, một số ít không còn tâm hồn, nên đã theo hầu thống trị, và sẽ lại cho hầu Việt Cộng. Một số ít. Còn bao nhiêu người mang nặng nỗi u hoài, kẻ nhu nhược thì chờ thời đợi số, người anh hùng thì hợp thành tổ chức đấu tranh, mà dù thế này thế khác, chợt đến khi có cơ hội, tất cả đều vùng lên.
Vùng lên để làm gương và lôi cuốn toàn dân....Không những thế, lãnh đạo toàn dân!
Lãnh đạo, thật như vậy, ở tất cả mọi cấp bực, ở tất cả mọi guồng máy, ở tất cả mọi ngành kháng chiến. Từ những cụ Phán già đến các ông Tham trẻ, nhân viên hành chính, chuyên môn các bộ, các sở đủ mặt gần hết. Còn bên ngoài thứ cơ sở đầu não ấy, và tung mình đi bốn phương trời để giữ vững chính quyền, cùng thoát ly gia đình để lên đường phụng sự. Tất cả đều xuất thân tiểu tư sản, trí thức hay tiểu trí thức.
- “Ngoại trừ các cơ quan hành chánh, toàn là người địa phương. Ngoại trừ các cơ quan của Mặt Trận, toàn là chiến sĩ vô sản!”, có người bảo như thế, để kết luận rằng nhân viên tiểu tư sản chỉ có công phục vụ chính quyền ở một lớp vỏ hiện ra ngoài cùng, còn bao nhiêu xây dựng bên trong đều nhờ vào cán bộ vô sản, nắm vững số đồng bào chân thực nơi thôn quê mà làm ra cái nhân cho kháng chiến. Kháng chiến của Việt Minh, kháng chiến là Việt Minh, Việt Minh là kháng chiến, là tất cả giai đoạn lịch sử 1947-1952. Hoặc nói cho khác đi, lịch sử Việt Nam với Việt Minh, trong năm năm, đã hợp làm một, chỉ là một. Con đường lập lý thẳng tắp, sáng sủa và đơn giản đến nỗi tất cả mọi sự cãi lại đều có vẻ vô ích ngay từ thoạt đầu. Trong năm năm, người ta sẵn sàng công nhận công lao kháng chiến ở Việt Minh, làm như không có Việt Minh không có kháng chiến.
Nhưng không đúng. Trừ phi nói thêm rằng Việt Minh ở đây là tiểu tư sản. Bởi người ta quên chưa nói, hoặc nhớ mà không chịu nhận: người địa phương, trong các Ủy ban Hành chính, Hành kháng.
Rồi kháng hành [4], xương sống của chế độ sô viết Việt Nam, hoàn toàn là tiểu tư sản. Bởi người ta cũng quên chưa nói hầu hết cán bộ của Việt Minh là tiểu tư sản.
Tiểu tư sản trí thức, các Chủ tịch Ủy ban Nam, Trung, Bắc bộ. Tiểu tư sản trí thức, các Chủ tịch và nhân viên Ủy ban Khu hay Liên khu. Tiểu tư sản tiểu trí thức, các Chủ tịch và Ủy ban tỉnh, huyện, làng, xã. Rồi đến các cấp cán bộ của Mặt trận, từ Nguyễn Sơn, Đặng Thái Mai ở Trung ương, đến những cán bộ xã tên Kèo, tên Cột, tất cả đều phải có cái vốn học hành, dù nhiều dù ít. Mà trước năm 1945, có gia đình nào vô sản tuyệt đối có thể nuôi con cái cho ăn đi học? Vả lại, trong hàng ngũ của Mặt trận, nếu có những người thoạt ra đời đã không có cha mẹ, sống lúc bé nhờ Viện Dục anh với Trại mồ côi, khi lớn lên, hoặc may mắn được giúp đỡ cho học, hoặc bôn ba nữa lao động, nửa lưu manh để tự học, thì những người ấy cũng vẫn có phần nào những đặc tính tiểu tư sản. Họ vẫn có những giá trị tinh thần.
Tôi đã một lần nói với Trung rằng theo lý thuyết Cộng sản, giai cấp thoạt tiên chia làm ba loại: đại tư bản khống chế xã hội bằng phương tiện sản xuất, vô sản không có phương tiện sản xuất, và tiểu tư sản có phương tiện sản xuất nhưng có không đủ để làm đại tư bản. Nhưng về sau, lý thuyết bắt buộc giai cấp phải có tính chất tranh đấu, nên giai cấp thật sự chỉ có hai, còn tiểu tư sản đã trở nên một ý thức. Chính vì nó là một ý thức- một danh vị nặng về nghĩa tinh thần - cho nên ai đã “có” một cái gì, coi như của riêng của mình mà người khác không có, hoặc có mà không giống hay không bằng của mình, thì người đó là tiểu tư sản. (Người hành khất có cái bị, cái gậy, tuy không đáng gọi là tư sản mà ai lấy của hắn, hắn giằng lại, vậy hắn là tiểu tư sản. Hoặc nếu hắn ở truồng, giơ bàn tay lọ lem ra xin ăn mà bị mắng chửi, nếu hắn tức giận hay tủi hổ, hắn vẫn là tiểu tư sản, bởi hắn có, có nhân phẩm)
Thành thử tất cả những người đã chân thành kháng chiến cho tổ quốc “của họ”, tất cả đều là tiểu tư sản. Kể cả những người Cộng sản. Với con số nhỏ bé về nhân sự, và nhờ ở địa vị ưu thắng trong Mặt trận, họ giống như cái nhân chứa đựng tinh túy của cái hột Việt Minh. Nhưng họ vẫn cứ là tiểu tư sản.
Tiểu tư sản, họ có người đứng vào hàng lãnh tụ, mang nặng một ý chí tham vọng quyền lực, dùng chủ nghĩa mác xít với các tổ chức đấu tranh làm phương tiện, nhằm chiếm đoạt lầy quyền chuyên chế trong toàn quốc và trên toàn dân. Số lãnh tụ ít ỏi này, mặc dầu phần lớn xuất thân tiểu tư sản, thật sự đã biến thành những tay đại tư bản, lúc nào cũng chủ trương chính sách nắm lấy mọi nguồn sống vật chất để chi phối đời sống quốc gia.
Đến thành phần thứ hai của đảng Cộng sản, đông hơn nhiều, là những người cũng xuất thân tiểu tư sản, giác ngộ đấu tranh cách mạng, tin tưởng ở chủ nghĩa mác xít mà họ chỉ biết có một bề mặt nhân đạo. Những người này vào đảng hoàn toàn để đáp lại tiếng gọi của tâm hồn họ, đã nhiều lần thương xót cho kiếp sống quằn quại của giống người bóc lột lẫn nhau một cách tàn nhẫn. Ra đi để xây đắp Thế giới Đại đồng, họ không những tin tưởng, mà còn bị mê hoặc bởi bọn lãnh tụ. Họ đã tự nguyện hiến thân làm đảng viên hay cán bộ cho Đảng. Họ là cơ sở, là bàn đạp của bọn lãnh tụ. Nhưng họ không giống bọn lãnh tụ ở chỗ họ vẫn còn mang nặng tính chất tiểu tư sản, ở chỗ bọn lãnh tụ vẫn để cho họ giữ lại một mực độ rung cảm phong phú trong tâm hồn, lấy điểm đó làm mấu chốt mà nắm vững, mà lợi dụng họ.
Cuộc kháng chiến, nói tóm lại, là của những người tiểu tư sản. Cũng như cuộc Tổng khởi nghĩa. Cũng như tất cả những hoạt động cách mạng trong bí mật. Tiểu tư sản, ở đây, bao gồm tất cả những tầng lớp dân chúng có thể có, hay không có tài sản vật chất, nhưng ai nấy đều hãnh diện rằng có một tài sản tinh thần quý giá là lịch sử, là truyền thống dân tộc, trong đó đã có sẵn lòng vì dân, yêu nước.
Trong số này dĩ nhiên không có những lãnh tụ Cộng sản. Là vì, tuy xuất thân thường hay có tài sản cả tinh thần lẫn vật chất, họ chỉ giữ lại những tài sản vật chất, coi đó là thứ độc nhất quan hệ ở đời, còn bao nhiêu tài sản tinh thần đã bị họ vất bỏ đi hết. Họ là những lãnh tụ, trong tay có thể không bao giờ phải cầm đến một đồng bạc cũng như trên mình có thể chỉ có một bộ đồ ka-ki, nhưng họ quả thật đã trở nên những phần tử đại tư bản, chỉ biết có vật chất, chỉ tin vào vật chất.
Họ đã đành là những kẻ phản bội giữa hàng ngũ tiểu tư sản. Họ nhất định không có công lao gì trong Tổng Khởi Nghĩa, trong kháng chiến, mặc dầu trong mặt trận Việt Minh họ vẫn đứng được ở cương vị lãnh tụ (cương vị này do Đệ tam Quốc tế tạo ra cho họ, nhờ Việt Minh tôn trọng Trung ương quốc tế, đã suy tôn họ ngay từ khi chưa biết đích họ tên thật là gì).
Trong giai đoạn đầu, khi tiểu tư sản kháng chiến thực sự, bọn lãnh tụ chỉ làm công việc nắm vững tiểu tư sản, thúc dục tiểu tư sản vừa nắm vững dân chúng, vừa đồng thòi truyền dạy tất cả những kinh nghiệm bản thân của mấy năm đầu tiên, khó khăn và gian khổ nhất, cho một lớp cán bộ mới, cán bộ vô sản thực sự.
Thân ái Trung,
Trung xem đến đây, chắc sẽ nghĩ: “Dại gì mà đem kinh nghiệm xương máu truyền cho bọn người mới, nếu biết rằng bọn này sẽ thay thế mình, để Cộng sản gạt được mình ra khỏi vòng tranh đấu?”.
Tôi sẽ trẻ lời Trung rằng giữa chúng tôi có người không biết, nhưng cũng có những người có biết mà vẫn cứ làm. Bởi Trung còn lạ gì tâm hồn chúng tôi, chúng ta, khi đã vì Độc Lập, và nếu có ích cho kháng chiến, thì đến thân thể mình còn chẳng tiếc, há tiếc những kinh nghiệm bây giờ, hoặc những địa vị mai sau?
Nhưng cũng phải nhận với Trung rằng ví dù có biết, người sáng suốt trong chúng tôi vẫn không ngờ, không ngờ sau này Cộng sản không cho mình được phép sống, dù chỉ sống bên lề cuộc tranh đấu. Không ngờ sau này, biết thời cơ đã đến, cho phép thay thế cán bộ tiểu tư sản bằng cán bộ vô sản, thì đảng Lao động ra đời, thống nhất mọi tầng lớp chỉ huy vào ý chí lãnh đạo độc nhất của chủ nghĩa bôn-sơ-vích. Đến lúc đó, bị đuổi ra khỏi hàng ngũ của Mặt trận, tiểu tư sản vẫn có uy tín đối với đại chúng, lại có thêm uy tín của năm năm kháng chiến anh dũng, lẽ cố nhiên không còn cách nào khác là chết đi để trả lại uy tín ấy cho đảng Lao động.
Ra đời năm 1951, đảng Lao động có tác dụng đầu tiên là làm cho hoàn cảnh của các thành phần xã hội, của các phần tử đảng phái trở nên rõ rệt. Hai chữ Việt Minh sẽ chìm vào trong một chữ “Đảng” viết hoa và độc nhất, Đảng là đảng của những người Cộng sản. Những kẻ nào không phải là Cộng sản tự nhiên thấy mình hết đất đứng, mặc cho công lao từ trước thật là vô kể.
Hết đất đứng, Việt Minh bí mật, gian khổ trên chiến khu hay quằn quại trong các ngục thất. Hết đất đứng, Việt Minh kháng chiến, xông pha bom đạn hay lần lút công tác nội thành. Để bây giờ đảng Lao Động gọi tất cả bọn là bọn “cơ hội”, nghĩa là luôn mười năm liều tính mạng để đầu cơ lấy sự “được sống” trong thiên đường vô sản. Mà không được, vì Đảng sáng suốt, Đảng sẽ tiêu diệt kỳ hết những kẻ thù của nhân dân, những kẻ thù của giai cấp.
Thí dụ: - Quảng,
(Chao ôi! Nhắc đến tên anh, oan khổ lại sôi lên sùng sục trong tâm hồn thằng bạn còn sống sót này!)
Quảng! Trang thanh niên hào kiệt như anh, trải qua bao nhiêu mưa bom, gió đạn, không được chết, để rồi chết vì thủ đoạn đê hèn của những kẻ lợi dụng anh năm năm, mà sau sợ anh, giết anh trong phút chốc.
Những kẻ giết anh, bây giờ tôi đã biết, không phải là những đội viên cuồng nộ giữa phiên tòa án nhân dân. Cũng không phải những kẻ xúi giục họ, cầm đầu họ cho họ đấu anh. Vì bọn này mới chỉ là đảng viên, cán bộ bị mê hoặc, dưới quyền một số nhỏ những lãnh tụ, xuất thân tiểu tư sản như chúng ta, nhưng đã phản bội và đã mất hết nhân tính trong cuộc tranh giành lấy quyền lực. Hoàng Cao Khải của xâm lăng bôn-sơ vích, họ tài giỏi hơn Hoàng Cao Khải cả ngàn vạn lần, nhờ xâm lăng bôn-sơ-vích có những trường dạy nghề phản bội, trong đó khoa học được áp dụng và khai thác đến những phát minh mới nhất.
Chính bởi thế mà họ, bọn lãnh tụ đã lợi dụng được những người như - anh Quảng! - như tôi, như hầu hết con số hai mươi nhăm triệu người Việt. Bằng mỗi một chữ kép, như tôi đã viết: Độc Lập.
Độc lập! Vì độc lập, giành độc lập, bao nhiêu thanh niên đã bỏ nhà lên chiến khu từ năm 1941. Lòng hăng hái với chí khí cương cường của tuổi trẻ không đủ chống lại lam sơn chướng khí, và đói rét, và cực nhọc, cho nên một số lớn phải bỏ mình trong những cơn nóng lạnh kinh khủng có kèm theo kiết lỵ. Vì độc lập, giành độc lập, bao nhiêu thanh niên đã bỏ mình bởi tra tấn trong căn nhà nhỏ giữa sân sở “Công an và cảnh sát đặc biệt” đường Hàng Cỏ. Bao nhiêu thanh niên khác nữa gục ngã trong tối tăm và xiềng xích của “Nhà Trung Ương” [5], của các trại khổ sai Lao Bảo, Ban Mê Thuột, Côn Lôn. Với một số cuối cùng, không bị kêu án tử hình mà cứ bị đem ra bắn ở hai trường bay Bạch Mai và Tân Sơn Nhứt. Họ, tất cả, là “Việt Minh trong bóng tối”.
Họ, tất cả, đã chết vì độc lập, để giành độc lập. Họ đều là những phần tử tiểu tư sản, trí thức hay tiểu trí thức. Kể cả Hoàng văn Thụ, nhất là Hoàng văn Thụ. Mặc dầu là Cộng sản cấp trung ương, Thụ, hơn ai hết, mang nặng trong tâm hồn những nét cao quý của con người tiểu tư sản.
(Tưởng cũng nên nhắc lại cho Trung biết, Hoàng văn Thụ bị bắt, bị tra tấn ghê gớm lắm vẫn không chịu hé răng khai tên một đồng chí. Anh bị bắn, một buổi sáng ở Bạch Mai năm 1945, chỉ vì bọn mật thám tức giận sự im lặng của anh. Nếu phải là người vô sản thuần túy, anh sẽ tố cáo một số cán bộ dưới quyền anh, hy sinh bọn cán bộ ấy vào tù để cứu lấy đời sống của mình, của một Ủy viên Trung ương, và như vậy Đảng vẫn còn lợi chán. Anh sẽ được khen làm thế là phải, như đồng chí Trần Huy Liệu được khen khi trước. Nhưng anh không khai, để giữ vẹn tiết tháo của bậc anh hùng liệt sĩ. Anh hùng, ai chẳng biết gần đây Đảng đã kể anh hùng làm một đặc tính tiểu tư sản?!).
Rồi đến nay không ai còn đất đứng.
Vì sao? - Vì một quyết định lý thuyết: “Đặt lại cơ sở cho Cách mạng Vô sản”.
Cơ sở của cách mạng, cho đến nay, vẫn là đảng viên và cán bộ xuất thân tiểu tư sản. Tiểu tư sản vẫn kiên trung với cách mạng, vẫn phục tùng lãnh tụ. Như vậy thì vì đâu loại bỏ cơ sở cũ, để đặt ra cơ sở mới một cách khó khăn?
Vì đâu? - Vì, một cách giản dị, lẽ nào một thế giới vô sản, xây dựng bằng đấu tranh quyết liệt bằng hủy hoại cả một nền trật tự tư bản với những thói quen bẩn thỉu, lẽ nào thế giới sáng trong và tươi đẹp ấy lại có thể bị xây dựng bởi cái ý thức tiểu tư sản đớn hèn, cơ hội, đã đầu hàng Cộng sản cũng như sẽ đầu hàng tư bản bất cứ lúc nào?
Đảng, công khai vì thế, phải trong sạch hóa hàng ngũ.
Đảng, lẽ cố nhiên, không chối rằng nhiều phần tử phản động (!) cũng đã lập được công lao đáng kể. Cho nên ban đặc ân cho những phần tử ấy được đầu hàng giai cấp. Giai cấp vô sản. Nghĩa là phải tự mình vô sản hóa, trong một tờ bộc lộ, chối bỏ quá khứ, phủ nhận công lao, và cam kết về vật chất cũng như về tinh thần, tất cả sẽ trông chờ vào Giai Cấp (Trung hãy chú ý vào chữ G viết hoa. Từ bây giờ trở đi, để cho được thật đúng với ý muốn của Cộng sản, tôi sẽ dùng chữ Giai Cấp, viết hoa, để chỉ những người đứng trong hàng ngũ cách mạng vô sản, mỗi khi họ có đủ mọi điều kiện lý thuyết: Không có tài sản vật chất, không có tài sản tinh thần, sức lao động chỉ phục vụ cho xí nghiệp hay nông trường của Đảng; và trong tất cả những xúc động tâm ý chỉ còn giữ lại một, là ý chí căm thù, ý chí chiến đấu thường trực chống trật tự dân chủ).
Chú thích:
[1] Tân Mùi “Yên Bái”: 1931.
[2] Người Pháp mở đầu cuộc báo hộ bắc kỳ bằng cách lập ra trường Hậu bố cho các nho sĩ có khoa bảng. Trường này có hai ban: học giáo ban thì ra làm giáo thu, huấn đạo, đốc học, chính ban làm trợ tá, tri huyện, tri phủ. Có một thời kỳ Pháp cho phép những người “trót” theo giáo ban được xin đổi sang chính ban hoặc ngược lại.
[3] Bông Lau: giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, trên đường số 4. Sông Lô: Giữa Tuyên Quang và Việt Trì. Bình Trị Thiên: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
[4] Hành kháng: Hành chính - kháng chiến; Kháng hành: Kháng chiến - hành chính. Tùy từng giai đoạn, Việt Minh coi hành chính với kháng chiến,việc nọ nặng hơn và phải làm trước việc kia.
[5] Nhà pha Hỏa Lò: Maison Centrale.