Hai


Sáu

     ăm năm sau.
Đã từ lâu chúng tôi được bác sĩ cho biết ba bị đau tim nặng. Ba gầy đi nhiều, đang từ 91 ký lô xuống còn có 70. Hai bàn tay của ba đã khởi sự run rẩy và bộ mặt trở nên tái nhợt. Đôi khi đang chơi đùa với chúng tôi, ba chợt dừng lại, ôm ngực, lảo đảo như không còn đủ sức đứng vững.
Năm đó ba cũng đã 55 tuổi. Chúng tôi vẫn nghĩ ba là người có nghị lực, cương quyết, biết trước việc gì mình sẽ phải làm và một khi đã khởi sự thực hiện thì phải thành công, nên chúng tôi cho rằng ba chưa thể đầu hàng tử thần vì ba chưa lần nào nói đến “hắn”. Ba đâu có bao giờ chịu thua bất cứ ai!
Nhưng thật ra chúng tôi đã lầm. Chính vì có nghị lực mà ba đã che giấu không cho gia đình biết căn bệnh của ba. Mãi sau này chúng tôi mới khám phá ra ba bị bệnh tim từ trước khi có Cu Bi và bé Huy, hai đứa em út. Chính vì căn bệnh đó, ba đã có lý do để giáo huấn cho con cái mỗi đứa một chương trình sống cốt sao chúng tôi có thể tự tổ chức cuộc sống mình trên một căn bản hiệu nghiệm, đồng thời để chúng tôi có thể tự tiến hành mà không cần sự giúp đỡ của ai cũng như để những người chị, người anh lớn chúng tôi có thể bao bọc những em nhỏ. Dường như ba đã linh cảm một ngày không xa gánh nặng sẽ đè oằn vai mẹ, do vậy ba muốn khi còn sống làm nhẹ bớt chừng nào hay chừng nấy gánh nặng đó.
Trong các câu chuyện dưới mái gia đình hay trên thư từ gởi cho bạn hữu, không bao giờ ba đề cập đến bệnh trạng của ba hay nói đến sự chết.
Nhưng sự thật vẫn luôn luôn là sự thật.
Ba chết ngày 14 tháng 6, trước ba ngày văn phòng của ba nhận được giấy mời của một tổ chức bên Âu châu mời ba qua diễn thuyết về “phương pháp tiết giảm động tác để tăng năng suất”.
Hôm đó, mẹ nhận được điện thoại gọi về từ văn phòng làm việc:
- Mình ơi (tiếng của ba) anh trù tính gửi một số sản phẩm của hãng qua Nhật Bản để dự cuộc đấu xảo quốc tế. Mình nghĩ sao?
Chưa kịp trả lời, mẹ đã nghe một tiếng động mạnh ở đầu dây nói. Mẹ hốt hoảng:
- A lô! A lô! Mình! Mình!...
Trong khi đó chúng tôi đang đùa rỡn ở bên nhà người bạn bỗng năm bẩy người hàng xóm hối hả chạy đến vẫy chúng tôi:
- Mẹ các cháu gọi! Về gấp! Có chuyện rất quan trọng liên quan tới các cháu!
Dù không hiểu gì chúng tôi cũng đi theo họ. Khi bước chân lên thềm nhà, chúng tôi mới biết “chuyện rất quan trọng” đó là cái chết. Nhưng ai? Mẹ? Không thể! Bởi vì các người hàng xóm vừa bảo mẹ gọi chúng tôi vào. Ba? Không thể có tai nạn xẩy ra cho ba, người làm việc rất cẩn thận và lái xe không thua ai. Hay tên nào ngã xe? Biết đâu đấy! Nhưng Huỳnh Sún, tên phá phách và liều mạng nhất thì vẫn ở nhà từ sáng cơ mà... Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu hoảng sợ bao trùm chúng tôi.
Vừa chạy vào phòng khách, chúng tôi khựng chân lại vì gặp chị Thuần ngồi khóc, mặt giấu trong bàn tay. Thấy lũ em chị òa lên, nức nở:
- Ba chúng mình... chết rồi! Ba ôi! Ba!...
Tất cả chúng tôi đều lặng người như bị tê liệt thân thể. Mãi một lúc sau chúng tôi mới òa lên khóc, gọi ba ơi, sao ba nỡ bỏ chúng con!
Trên giường, xác ba nằm ngay ngắn trong bộ đồ xám, thứ quần áo ba vẫn mặc đi làm sáng ngày. Hai mắt nhắm nghiền, khuôn mặt chùng xuống, ba có vẻ nghiêm nghị khác thường. Nhìn ba, chúng tôi có cảm tưởng như ba vừa làm xong một công việc gì nặng nhọc hay vừa chiến đấu dữ dội.
Mẹ phục dưới chân ba. Khóc không thành tiếng. Chúng tôi đứng chung quanh xác ba; nước mắt đầm đìa trên mặt.. Đây là lần đầu tiên trong hai chục năm nay dưới mái gia đình chúng tôi mới xảy ra thảm kịch với những giọt lệ và trăm ngàn đớn đau...

*

Sau cái chết của ba, cách sống của mẹ thay đổi hẳn: Khi ba còn sống mẹ sợ tốc lực, sợ đi máy bay, sợ ra khỏi nhà ban đêm. Mỗi lần trời mưa sấm sét, mẹ trốn trong phòng và bịt chặt hai tai. Trong bữa cơm, nếu có chuyện gì gây xúc động mẹ có thể khóc dễ dàng. Nói trước đám đông, mẹ run kinh khủng... Nhưng nay mẹ không còn sợ gì cả. Không một cảnh ngộ nào làm mẹ hốt hoảng hoặc không ai có thể đe dọa mẹ. Cũng từ ngày ba chết chúng tôi không còn thấy mẹ khóc nữa.
Chôn cất ba xong được bẩy ngày, khi những chùm hoa phúng điếu còn treo đầy nhà, mẹ gọi tất cả con cái lại. Mẹ ngồi vào chỗ của ba, chủ tịch Hội Đồng Gia Đình, với nét mặt thật bình thản. Mẹ cho chúng tôi biết vấn đề tài chánh của gia đình không mấy khả quan và ông bà ngoại muốn mẹ đưa cả gia đình lên Đalat sống.
Mẹ đang nói thì chị Thuần ngắt lời, tỏ ý muốn bỏ học đại học để đi làm và chị Huyền cũng đồng ý vì cho rằng không còn tâm trí vào sách vở.
Nhưng, với một giọng tự nhiên và cương quyết, mẹ trả lời:
- Điều cần thiết nhất hiện tại là các con nên bình tĩnh. Thật ra mẹ cũng tiên liệu một vài giải pháp, tuy nhiên mẹ vẫn muốn có sự quyết định của các con. Trước hết mẹ xin các con một vài hy sinh nhỏ trong vấn đề chi tiêu và tiện nghi của gia đình. Riêng mẹ, mẹ sẽ tiếp tục công việc của ba các con...
Chợt Huỳnh Sún giơ tay xin nói:
- Con đề nghị chúng con sẽ làm bếp lấy; mẹ nên cho chú Xồi, thím Xực nghỉ việc.
- Họ là những người thân trong gia đình, chúng ta không nên bỏ rơi họ khi khá giả cũng như lúc túng bấn. Ý mẹ thế này: mẹ sẽ bán đi một số vật dụng không cần thiết, kể cả chiếc xe của ba và từ nay chúng ta sẽ sống đơn giản. Các con vẫn tiếp tục học đến nơi đến chốn vì đó là điều mong ước của ba khi còn sinh thời. Các con hãy can đảm và vui sống luôn luôn. Các con nghe mẹ không?
- Thưa, có.
- Mẹ tin tưởng ở các con... Bây giờ Thuần đi lo cho mẹ một va ly hành lý.
- Chi vậy, mẹ?
- Mẹ sẽ thay ba đi diễn thuyết như chương trình của ba đã định.. Hơn nữa, “phương pháp tiết giảm động tác để nâng cao năng suất” do ba sáng tác và đã được nhiều nơi ca tụng, mẹ thiết tưởng chúng ta phải tiếp tục làm rạng danh của ba.
- Khi nào mẹ đi?
- Ngày mốt.
- Còn ngày về?
- Mẹ đi chừng một tuần lễ.
Sau đó, mẹ sắp đặt công việc. Mỗi người lo một phận sự trong niềm tin yêu và quả cảm.
Tuy ba không còn nữa nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy như lúc nào ba cũng hiện diện bên cạnh chúng tôi. Hình ảnh người cha thân yêu còn sống mãi trong trái tim của mẹ cũng như trong trái tim của cả 12 đứa con dòng họ Đào...
Saigon 11-08-72

HẾT

Xem Tiếp: ----