HỒI THỨ MƯỜI HAI
Bị chỉ chị, Ý Thừa giải nghệ,
Nhờ hôn nhân, Xích Tử còn chơi.

     ến đây, người kể chuyện, là Ý Thừa, xin độc giả vài phút để phân trần đôi điều. Số là khi chép chuyện đại náo Hoa Kỳ tới đây, thì thình lình có một người đàn bà tìm đến nhà, chưa kịp cắt nghĩa chi cả, vội vàng tuyên bố:
- Ông Ý Thừa à? Truyện của ông kéo dài lê thê quá!
- Thưa bà, đúng như lời bà nói. Khi nào mà thủ đô của nước Việt chưa thiên đến nơi phước địa, mà chẳng ai khuấy rối một cách cố tình vẫn cứ bị náo hoài, khi nào Ý Thừa này chưa chết, hãy còn ráng mà ngồi viết nổi, và khi nào tờ Hòa Đồng còn ra mắt độc giả mỗi tuần, thì thiếu chi việc hóm hỉnh xảy ra, chỉ có chịu khó mà chép lại! Nào phải chuyện của tôi dài lê thê! Chính là sự sống nó kéo dài, miên trường, vô lượng thọ, như Phật A Di Đà. 
- Không thể được nữa! Phải chấm dứt!
- Xin lỗi bà, bà là ai, mà có giọng chỉ huy của một vị đại tướng quá vậy?
- Trong gia đình, tôi là vợ của Hồ Hữu Tường. Ngoài xã hội, tôi là giám đốc nhà xuất bản Huệ Minh. Vậy là người tôi có hai. Phân thân ra mà nói chuyện cho dễ hiểu. Trước hết tôi lấy những lý lẽ thuộc về công mà nói. Kinh nghiệm của nhà xuất bản trùm lên ý kiến của nhà văn. Một đồng nghiệp của tôi, là bà Bút Trà, nghề là làm báo, song cũng là một thứ xuất bản nữa, bao giờ cũng ban chỉ thị cho đám văn sĩ lãnh lương của bà. Hễ các vị này nghe theo chỉ thị, thì tiểu thuyết rất ăn khách. Hễ các vị này cưỡng lại, bị nghe lý thuyết mà phản đối thứ «văn chương chỉ thị», thì không bao lau, hóa ra thứ nhà văn không độc giả...
- Như vậy, nghĩa là bà tìm đến nhà ban chỉ thị cho tôi phải không?
- Đúng như vậy. Tôi tìm ông từ bốn tháng nay, mà ông thơ ký tòa soạn, bà con với ông, là Ngu Ý, giấu nhà ông mãi!
- Xin lỗi bà, Ý tôi là ý... dài. Ý kia là ý ngắn... Chúng tôi không bà con chi cả. Còn chống đối nhau là khác nữa! Bà chẳng thấy, ngoài cái dài ngắn khác nhau để cùng chỉ một thứ, chúng tôi còn đối lập ở chỗ: ý tôi đứng trước chữ thừaý tối... cao; ý trên... đầu còn ý của anh bạn kia đứng sau chữ ngu; là ý dưới... đuôi, ý tối... thấp! Nhưng chúng ta hãy trở về đề. Bà tìm tôi để chi?
- Để nhắc cho ông nhớ lại lời của Tào Tháo, đã nói đến Lưu Bị, khi định nghĩa anh hùng. Kẻ anh hùng, theo Tào Tháo, là kẻ «hông ôm chí lớn, bụng chứa mưu hay, gói ghém then máy của vũ trụ, hít phà hơi thở của trời đất». Mượn anh hùng đời xưa, đề luận văn sĩ đời nay. Văn sĩ đời nay, muốn thành công, nào phải cần đến bốn điều to tát như vậy? Văn sĩ đời nay chỉ cần có hai điều thôi. Một là thông thạo những khúc mắc của nghề xuất bản...
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là, hiện nay, độc giả nghèo lắm! Bộ Thuốc Trường Sanh của tôi xuất bản, đánh giá 165 đồng, bày ở tủ sách, thiên hạ qua lại nhìn lại nhìn qua mà chẳng dám móc tiền ra mua. Trái lại, sách mỏng lời 20 đồng một quyển, thì bán chạy lắm. Độc giả hết tiền rồi, ông viết kéo dài hoài, mà nó dùng tiền giấy ma mua sách của ông, chớ người bòn tro đãi trấu mà kiếm từ đồng, ai mua tiểu thuyết dài lê thê của ông nổi. Vậy ông phải biết những khúc mắc của nghề xuất bản, gọi là nhà văn biết «khế cơ», mà chấm dứt tiểu thuyết của ông đi.
- Còn hai là?
- Hai là ông phải hít phà hơi thở của độc giả. Độc giả không thích văn ông đâu. Người ta đọc ông, để xem ông có đá động gì đến người ta không. Ông cũng biết thế nên ông không đá động đến ai, ông sợ người ta đổ quạu, rồi người thì xổ chữ Nho ra cả dọc, kẻ thì đọc tiếng La Tinh cả xâu. Rồi ông nhè ở nhà tôi mà ông châm biếm mãi ở đây, tôi đã bắc cầu để sang từ những lý lẽ thuộc về công, mà bước qua những lý lẽ thuộc về tư. Ở nhà tôi vào một tình thế mà ai chửi mắng thậm tệ thế nào cũng phải im miệng mà nhìn, ai xuyên tạc sai lạc thế nào cũng phải nhắm mắt để đừng thấy, ai xoi bói cách gì cũng bịt tai chẳng nghe. Im miệng, nhắm mắt, bịt tai, như ba con khỉ Nhật Bổn đấy! Nhưng ông lại oái oăm, nhè ngay trong tờ báo Hòa Đồng là tờ báo độc... nhất mà ở nhà tôi đọc, ông đăng những lời châm biếm của ông. Hại nhà tôi luôn luôn ngủ không được.
- Thì bà tìm thầy hay mà hốt thuốc cho ông ấy uống!
- Nguy là chỗ ấy! Dòng bên ngoại tôi mấy mươi đời làm thuốc, ông thân tôi làm thuốc, tôi cũng biết chút ít. Bịnh ngủ không được ở nhà tôi, thuộc về tim và về huyết. Muốn trị chỉ cần độc có món quế. Uống quế Quảng công hiệu chẳng bao nhiêu, mà đã hao tổn quá sức rồi. Còn quế Thanh, Cộng sản chở sang Hồng Kong mà bán, ta phải có ngoại tệ để mua, nên giá mắc như vàng. 
- Bà yêu chồng, thì bà phải hy sanh mà mua cho chồng dùng.
- Đã đành. Nhưng ông làm chẳng ra một ten, mà mỗi ngày đều trường phục quế Thanh, nên tôi sạt nghiệp.
- Như vậy sự hy sanh của bà mới đáng quí chớ!
- Khốn nổi, từ hồi nào tới bây giờ, chưa ai trường phục quế Thanh, nên không ai có kinh nghiệm. Còn ở nhà tôi trường phục quế Thanh mười sáu tháng nay, giúp cho tôi thấy một tánh của thuốc ấy, mà sách không chép.
- Là sao?
- Là vào tuổi già mà trường phục quế Thanh, thì huyết cầu 35 tăng lên.
- Thì càng hay chớ sao! Nhà văn Goethe tám mươi tuổi mà vẫn còn si tình với một cô còn nhỏ xíu. Anatole France lụm cụm, cũng chẳng chịu thua. Biết đâu, đó là bí quyết để trở nên văn hào?
- Không thể được! Không thể được! Ông biết, tôi ghen có sách. Dễ đâu để cho các cô mặt hoa da phấn đến gần nhà tôi được? Chỉ có một cách, là ông đừng châm biếm ở nhà tôi nữa. Tim không bị khích động, khỏi cần dùng quế Thanh mà uống mỗi ngày, tất nhiên huyết cầu 35 ở nhà tôi trở nên sụt xuống. Tôi khỏi phải ghen.
- Còn áng văn chương của tôi? Từ bao giờ tôi chưa sáng tác, nay mới lần đầu, bà không cho tôi nói hết ý. Xích Tử chưa làm gì cả, mới kẹt trong hang đá, rồi kẹt trong binh đinh. Hai mươi tám nàng ở Tây Đô văn phái chỉ mới giáo đầu... Chưa có nhân vật nào hát đủ vai trò của mình.
- Tôi không cần biết. Đây là một chỉ thị! Ông không vâng theo, thì phải biết tôi! Mõ Làng Văn công kích người một vài câu, mà mấy lượt ra tòa. Ông viết tháng này qua tháng kia để phỉ báng chồng tôi, tôi sẽ kiện ông. Hơn nữa! Hồi nhỏ, tôi có đi hoạt động, tuyên truyền, tổ chức. Tôi sẽ tổ chức một, hai, ba... hàng ngàn cuộc biểu tình, để cho quần chúng đến trước nhà ông mà đả đảo ông.
Đường đường một vị thủ tướng, thêm nắm quân lực trong tay, mà trong vụ hiến chương Vũng Tàu, ông Khánh còn sợ quần chúng biểu tình, đả đảo, huống chi tên văn sĩ quèn, là Ý Thừa này, lại dám cãi sao? Đành chịu thua vậy, Ý Thừa van xin:
- Tôi xin vâng chỉ thị! Nhưng mà sự nghiệp văn chương của tôi chỉ có quyển tiểu thuyết này. Vậy xin bà cho tôi viết hồi thứ mười hai, để kết thúc thế nào cho có vẻ «náo Sài Gòn» một tí! Rồi tôi sẽ dọn nhà đi mất, trốn luôn trốn biệt làng văn, dầu Mõ Làng có kêu gọi thế nào cũng im.
Thấy Ý Thừa van lớn, bà giám đốc nhà xuất bản Huệ Minh xiêu lòng...
*

*

Đây nói về Hồ Hữu Tường, khi nghe Diễm Hồng hỏi như vậy, thì đáp rằng:
- Việc đơn giản hơn hết là sáng tác một đứa con, mà còn phải có sự phối hợp của âm dương. Huống chi việc luyện nội lực của mình để có thể chinh phục năng lực của vũ trụ, là việc to tát hết sức?
Diễm Hồng đáp:
- Sư bá là nhà khoa học, lẽ nào lại tin nơi thuyết siêu hình là thuyết âm dương do Hoàng Đế để lại?
Hồ Hữu Tường vội vã đính chánh:
- Đạo điệt chớ lầm cho rằng thuyết âm dương là thuyết của Hoàng Đế, hay nói xa hơn nữa là thuyết của Phục Hi. Bất cứ thần thoại của bất cứ dân tộc nào, thảy đều bằng vào cái ý thức «nhất nguyên», do nơi một nhà sanh ra hai, rồi do đó mà hóa thành vạn vật. Riêng có tổ tiên ta bằng ý thức «nhị nguyên» cho rằng tổ tiên mình không phải do một mà ra, lại do nơi hai. Hai này, là Rồng, là Tiên, là dương, là âm... Đến nay, khoa học tối tân lại chứng minh một cách quyết định cái «nhị nguyên» ấy. Về thể chất thì có vật chất và kháng vật chất (matièreanti-matière). Về cơ cấu thì liên tục như thuyết của Einstein và gián đoạn như thuyết của Planck. Chấp vật không, đạo điệt không làm sao luyện đủ vũ trụ lực để mà, hoặc thay đổi trục của trái đất, hoặc bứng cả nước Tàu mà ném lên không trung để biến thành cái vệ tinh China. Mà chỉ chấp độc cái khoáng vật chất, cũng không tài nào làm nổi.
- Như vậy, sư bá kết luận thế nào?
- Bần đạo kết luận rằng đạo điệt phải ưng thằng Xích Tử, bằng lòng làm vợ nó, để cho có đủ âm dương, có đủ vật chất và kháng chất, có đủ liên tục theo quan niệm của Einstein và gián đoạn theo quan niệm của Planck. Đó là làm theo công việc đại hòa đồng của tờ báo HÒA ĐỒNG chủ trương. Như vậy mới «phục hưng» một giá trị to tát của Đông Phương là việc luyện bửu bối. 
Diễm Hồng suy nghĩ rất lâu, rồi nói:
- Thiên hạ cười chết! Họ cười rằng một đạo cô, một nữ giáo chủ mà luyến tiếc hồng trần, rời tu viện của mình, bỏ xuất gia mà đi xuất giá.
Hồ Hữu Tường cười hả hả nói:
- Quẻ đã căn dặn: «Hữu thích bàng nhân thuyết thị phi». Đạo điệt chớ nên kể lời của bàng nhân chê cười, họ thuyết thị phi ấy. Đạo điệt lấy chồng, nào phải do đi xem xi nê, thấy đào kép hôn nhau giựt gân rồi gân giựt mà «thở dài», như nhà văn Túy Hồng đã tả, làm cho mẹ cha thương hại mà tìm chồng cho. Đạo điệt lấy chồng, nào phải do đọc thứ văn chương ma túy, thác loạn, rồi chịu không nổi, phải «than vắn», để cho nữ sĩ thương hại mà viết thêm một tập truyện ngắn nữa để an ủi. Đạo điệt lấy chồng đây, là vì mục đích cao cả. Hiện nay 750 triệu dân Trung Hoa hiếu chiến, để họ ở chung đụng với toàn thể loài người, chi cho khỏi họ gây ra tai vạ. Vì sự trường tồn của nhân loại, đạo điệt «đày» họ lên không trung mà cho họ sống một mình ở trên ấy...
Diễm Hồng cười đáp:
- Hình như sư bá dùng luận điệu của Ngô Đình Diệm đối với sư bá. Năm 1955, sư bá là đối lập chính trị nguy hiểm cho Diệm nên Diệm gài cái thế cho sư bá kẹt bên Bình Xuyên. Ban đầu, Diệm muốn chặt cổ sư bá, không khác nào Xích Tử muốn chôn sống 750 triệu dân Tàu dưới tuyệt. Nhưng mà việc ấy trái với đạo lý. Dư luận thế giới và trong xứ không cho Diệm giết sư bá. Diệm bèn «đày» sư bá ra Côn Sơn. Bây giờ sư bá muốn cháu «đày» 750 triệu dân Tàu lên không trung...
- Khác! Khác lắm! Đạo điệt mà bứng rễ nước Tàu, ném lên không trung, không có nghĩa là bần đạo đày dân Tàu. Ấy là bần đạo nhờ vợ chồng cháu giúp bần đạo thực hiện cái đại mộng của các tôn giáo.
- Xin lỗi sư bá, nhờ sư bá giải cho tiểu điệt hiểu điểm ấy!
Hồ Hữu Tường thấy thắng được một điểm, lấy làm hãnh diện. Mặc dầu đã già kinh nghiệm, thường giấu sự vui, buồn, giận, tức của mình được, song lần này không thể nén được nổi vui. Bèn đáp:
- Từ ngàn xưa, các tôn giáo đều dạy rằng ở đâu đó trên «trời», có một chỗ mà được loài người mơ ước. Gọi là Thiên đàng, Bồng lai, gọi là Tây Phương, song thảy thảy đều cùng chung một ý. Ý ấy, không phải ý thừa, hay ý ngu. Ý ấy là ý chung. Ý chung cho rằng có miền cực lạc ở ngoài cõi trần này, và mục đích của tất cả tôn giáo là do người tu hành đến miền cực lạc ấy. Thế mà, để chống lại cái ý chung của tất cả tôn giáo, lại có ý riêng của chủ nghĩa Mác Lê, của đạo Cộng sản. Ý ấy cho rằng Thiên đàng, Bồng lai, Tiên cảnh, Tây Phương... thảy đều không có. Bần đạo, từ khi thoát khỏi chủ nghĩa Mác Lê, bần đạo nuôi cái ý, gọi là ý nuôi, là đánh một chưởng thật độc địa vào chủ nghĩa Mác Lê chơi.
- Thưa sư bá, chưởng ấy ra thế nào?
- Có gì đâu? Bần đạo nhờ vợ chồng cháu...
- Sư bá nói như là cháu đã ưng xuất giá và làm đám cưới xong rồi...
- Xin lỗi đạo điệt, đó là cái tật của nhà khoa học. Muốn suy luận ra ngoài cái vòm của hiểu biết của mình, thì nhà khoa học lập một giả thiết, rồi tập trung năng khiếu mà nghiên cứu cái giả thiết ấy. Bây giờ bần đạo lập một cái giả thiết. Ấy là Xích Tử cưới cháu xong. Rồi hai vợ chồng luyện âm dương, luyện liên tục và gián đoạn, luyện vật chất và kháng vật chất. Hai vợ chồng cháu chế ngự được võ trụ lực mà bứng rễ nước Tàu, ném tung lên không trung. Ấy là, nếu Cộng sản nhận chế độ của Mao Trạch Đông, là mục đích phải theo là xã hội Cộng sản, tức là bần đạo chứng minh một cách thiết thực, cụ thể, khoa học, duy vật, cái ý chung của các tôn giáo, là có một miền cực lạc ở ngoài cõi trần này. Ấy là bần đạo đã chứng minh rằng tất cả tôn giáo thảy đều trúng, chỉ có cái tôn giáo Cộng sản là sai...
Thompson để ý thấy chủ nhà vừa nhai trầu nhóp mép, vừa cười tủm tỉm, có vẻ bằng lòng lắm. Tin chắc rằng mình sẽ được ăn một bữa cưới kỳ dị lắm, là đàng trai đến cổng chùa chờ đón cô dâu thoát y phục của đạo cô, lạy Phật, lạy thầy, bỏ chữ xuất gia mà đi vào đường xuất giá. Dừng không được, Thompson vỗ tay khen:
- Tôi đi khắp đó đây, đọc hầu hết các sách mà thiên hạ đã cho in ra để bác chủ nghĩa Mác Lê, thú thật là chưa từng gặp lập luận nào mà vững chắc, khoa học, duy vật hơn lập luận của ông bạn.
Hồ Hữu Tường nghe khen, quên hết khiêm tốn trở giọng khoe khoan, nói:
- Đó mới chỉ chứng minh rằng chủ nghĩa Mác Lê sai, đứng về phương diện triết học. Nhưng mà, ông bạn xem. Vệ tinh China lên không trung, sống một mình, ấy là thực thi rất trung thực đường lối của Staline là «kiến thiết xã hội chủ nghĩa trong một xứ ên». 
  Lên ấy, hoàn cảnh đổi, thiếu điều kiện, dân Tàu sẽ càng ngày, càng nghèo thêm, càng khổ cực thêm. Ấy là tôi chứng minh là chủ nghĩa tập thể của Marx – Lénine – Staline sai về phương diện kinh tế.
Thompson khen:
- Hay lắm! Hay lắm!
Hồ Hữu Tường được trớn, mất cả khiêm nhượng, càng gáy thêm:
- Rồi, bần cùng sanh đạo tặc. Thiếu ăn, thiếu mặc, trên vệ tinh China, dân Tàu sẽ xâu xé nhau, chém giết nhau để dành miếng ăn, cái mặc. Té ra, xã hội Cộng sản không dẫn đến sự thủ tiêu giai cấp như Marx tiên đoán. Cái xã hội trên vệ tinh China sẽ là bãi chiến trường của một cuộc giai cấp đấu tranh chưa hề có trên quả địa cầu. Trong cuộc tranh đấu này, người của vệ tinh sẽ tổ chức theo tiện nghi của ngôn ngữ, do đó mà sẽ không còn một nước Tàu thống nhứt, lại có nhiều tiểu chư hầu nhỏ nhỏ, nhiều nước nhỏ nhỏ đánh lẫn nhau. Ấy là trên vệ tinh China, thời Xuân Thu xửa, xừa, xưa sẽ lập lại. Ấy là tôi chứng minh rằng chủ nghĩa Mác Lê sẽ thất bại về phương diện chính trị, không tổ chức được chủ nghĩa đại đồng mà mở đầu cho một ngươn loạn ly. Bấy lâu nay, người ta lầm tưởng, tin rằng Văn hóa Cộng sản là đồng nghĩa với tiến bộ. Lên vệ tinh, người ta sẽ thấy dân Tàu thụt lùi từ thế kỷ XX mà trở về loạn Xuân Thu, nghĩa là thối bộ đến hai mươi lăm thế kỷ.
Diễm Hồng nói:
- Thưa sư bá, sư bá nói hình như sư bá ghét Tàu lắm!
- Điều đó không đúng! Bần đạo ở tù chung với ông Trần Văn Ân, nghe ông bạn ấy thuật chuyện bên Tàu, tả cái đẹp lộng lẫy của các cô xẩm ở Tô Châu, Hàng Châu, bần đạo tiếc hùi hụi.
- Sư bá tiếc chi?
- Bần đạo tiếc rằng năm 1945, bần đạo không đi thẳng qua Tàu, tìm một nữ sĩ xẩm ở Tô Châu hay Hàng Châu mà sống cái thú của Phạm Lãi cùng Tây Thi ngồi thuyền mà du ngoạn ở Ngũ Hồ, làm thơ, viết văn, nghe đờn, nghe hát... Ở lại Hà Nội làm chi, mà chịu khổ cho đến bây giờ?
- Nhưng năm 1950, Mao Trạch Động lên, dễ gì để cho sư bá sống?
- Cháu lầm đó! Nếu năm 1950, Mao Trạch Đông thấy bần đạo cùng với một Tân Tây Thi mà ngâm thơ, vịnh nguyệt, thì Mao Trạch Đông biết bần đạo không còn «hung hoài đại chí», chỉ còn muốn làm một «Trường Lạc Phu Tử», thi dầu cho bần đạo có «phúc hữu lương mưu», lương mưu này có hại chi cho họ Mao? Họ Mao còn truyền thêm mấy nàng tuyệt sắc giai nhân đến hầu hạ bần đạo, tổ chức đại táo mà đãi bần đạo, làm sao mà lo được rằng bần đạo còn «bao tàng vũ trụ chi cơ, thôn thổ thiên địa chí khí»?
- Như vậy là sư bá thích xẩm, mà ghét ba Tàu à?
- Đó là cái chơn lý muôn thuở đó đạo điệt à! Hồi đó có lắm nhà «cách mạng» chống thực dân, mà lại có vợ đầm. Bây giờ, bần đạo thấy có nhiều người, hễ mở miệng ra là «chống rau muống», mà vô phòng trà, nghe các ca sĩ cất giọng Hà Nội mà hát, thì mê tít thò lò. Bần đạo là người như ai, thì bần đạo có ghét ba Tàu mà khoái xẩm, thì chẳng qua là bần đạo cũng giống như thiên hạ. 
- Ấy chết! Mao Trạch Đông mà biết tánh sư bá như vậy, Mao Trạch Đông sẽ chọn ít cô xẩm tài sắc tuyệt trần cho vượt biên giới sang Hồng Kông cởi tàu bay đến Sài Gòn mà thi hành công tác «định vận». 
Hồ Hữu Tường cười ha hả đáp:
- Bần đạo nào có sợ? Hồi ở Paris bần đạo có đọc được quyển «Hoa dinh cẩm trận» do một đạo sĩ trước tác để dạy vua nhà Minh một mình mà «cự địch» với tam cung lục viện. Nếu bây giờ Mao Trạch Đông gọi qua năm ba cô xẩm tuyển ở Hàng Châu, Tô Châu thì bần đạo sẽ nghiên cứu lại.
- Sư bá nghiên cứu chi?
- Nếu họ ít, thì bần đạo nghe theo lời của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, bần đạo sẽ «dinh hao lập trận gấm», «siêu» cả bốn chân giường. Nhược bằng Mao Trạch Đông áp dụng chiến lược «biển người», nói cho đúng hơn là «biển xẩm», thì bần đạo tuyên bố cầu đồng minh cứu.
- Đồng minh của sư bá là ai?
- Đạo điệt sao thắc mắc điều ấy? Đồng minh của bần đạo là mấy lão sồn sồn mà còn hảo ngọt, vào phòng trà để nhìn ca sĩ, để ngắm các trò thoát y vũ. Họ mà nghe bần đạo bị cái chiến lược «biển xẩm» của Mao Trạch Đông thì không cần bần đạo lên tiếng, họ cũng «tham chiến». Bấy lâu nay, viết văn mà bần đạo không đủ tiền xài. Khi mà Mao Trạch Đông dùng chiến lược biển xẩm để chống bần đạo, thì thật là một cơ hội, «ngàn năm một thuở» của bần đạo. Những lão sồn sồn nào mà có nhiều huyết cầu 35, muốn tham chiến để ủng hộ bần đạo, bần đạo sẽ đòi họ viện trợ rất nhiều tiền. Khỏi cực nhọc, thức khuya, dậy sớm để viết văn, mà rồi sách in ra, tìm không có độc giả.
- Nghe nói nữ sư bá ghen lắm. Xẩm qua đông quá, nữ sư bá sẽ mè nheo cả ngày, sư bá chịu sao cho nổi?
Hồ Hữu Tường đắc ý, cười hả hả:
- Ghét của nào, trời trao của nấy. Tiện nội ghét triết học, trời cho bần đạo xướng ra cái «siêu triết học». Tiện nội ghét những thuyết nào có chữ lập, trời cho bần đạo xướng ra cái «siêu lập». Tiện nội ghen nên ghét việc chồng có số đào hoa, trời mà xui Mao Trạch Đông dùng chiến lược «biển xẩm» để chống bần đạo, ấy là bần đạo có số «siêu đào hoa». Bả ghen mà mè nheo, là khi nào bần đạo dan díu với một vài cô thôi. Đằng này, là cả một biển xẩm, thì bả còn nước đi tu, chớ mè nheo sao được? Để bần đạo kết luận, đạo điệt hãy bằng lòng xuất giá đi, nhường chỗ lại cho nữ sư bá vào chùa mà tu thay cho.
Diễm Hồng cười tủm tỉm đáp: 
- Dễ gì mà nữ sư bá tu nổi, trong lúc mà ở ngoài đời, sư bá mắc phải cái trận «biển xẩm», nói một cách khác là mắc «Hồng xẩm trận». Xưa, để phá hồng thủy trận, Phàn Lê Huê phải hạ san, thì đời nay để phá cái «hồng xẩm trận» tất Huệ Minh thánh mẫu phải lâm phàm, dùng cái bửu bối mà bác Nguyễn Văn Đính đã vẽ hình đăng ở trang nhứt của báo Chân Trời, tức là cái chổi chà, thì họa may mới quét sạch chúng mà vương được.
- Đạo điệt quả là có tâm từ bi, nên không nghĩ đến thứ bửu bối mà có người hay dùng là tạt ác xít các cô xẩm, nên không nghĩ đến một thứ bửu bối lợi hại khác, mà người đồng họ với bần đạo, là cô Hồ Thị Quờn đã dùng, là tưới xăng mà đốt bần đạo, nên không nghĩ đến thứ bửu bối lợi hại hơn hết, mà một bạn của bần đạo, trong mười người có án tử hình, đã thú nhận là sợ hơn món bửu bối nào khác.
- Chẳng hay thứ bửu bối nào mà lợi hại dữ vậy?
- Đạo điệt nếu bằng lòng ưng thằng Xích Tử, thì bần đạo vui lòng truyền món bửu ấy lại cho. Để khi nào «thẳng» mà tỏ dấu có huyết cầu 35 trong máu, thì đạo điệt đem ra mà trị. Chớ đạo điệt khư khư ôm chữ xuất gia mà chẳng thêm dấu sắc vào, thì luyện bửu bối ấy để dùng vào chỗ nào?
Diễm Hồng suy nghĩ giây lâu nói:
- Bây giờ tiểu điệt bắt chước sư bá mà đặt cái giả thiết. Giả thuyết ấy là tiểu điệt bằng lòng thêm dấu sắc mà rủi «thẳng» cũng có nhiều huyết cầu 35 thì ít nữa, tiểu điệt phải có bửu bối chi để trị chớ! Tiểu điệt thú nhận rằng việc to lớn như vũ trụ, tiểu điệt nghĩ tới một cách dễ dàng còn để đối phó với cái tế vi là huyết cầu 35 thật chưa có phương sách chi cả. Chẳng lẽ đến chừng ấy tiểu điệt bắt chước nữ sư bá Huệ Minh thánh mẫu mà xách chổi chà mà đi rong khắp thành phố? Vậy thì điều kiện cần và đủ nói theo Toán học là tiểu điệt phải nắm được cái bửu bối lợi hại nhứt để trị huyết cầu 35 thì tiểu điệt mới bằng lòng thêm dấu sắc vào chữ xuất gia để lạy thầy. Mà xuất giá.
Thompson cười tủm tỉm nói:
- Tôi tưởng đâu các nữ tu sĩ rèn luyện lòng nhiều năm đã diệt được dục. Nào hay đâu không diệt được nổi cái ghen!
Hồ Hữu Tường cười nói:
- Ghen không phải là một cái dục. 
- Vậy nó là gì?
- Lại siêu nữa?
- Siêu ở chỗ nào đâu?
- Phải chiết tự mới thấy. Chữ siêu là chữ tẩu, có nghĩa là chạy, hiệp với chữ triệu, có nghĩa là vời lại. Khi một người đàn bà ghen thì trong lòng họ động viên đủ thứ dục cả. Muốn mình đẹp hơn tình địch nên hễ tình địch đẹp thì tạt ác xít vào mặt người ta. Muốn mình bảnh hơn tình địch nên vác chổi chà mà đập tình địch để làm nhục người ta; nên muốn đánh lột quần, xé áo người ta. Muốn cho một mình mình sống nên rút súng lục mà bắn người ta. Muốn trừng phạt người chồng bội tín nên chế xăng mà đốt chồng. Phải chi chỉ có một cái dục thôi thì còn có nước dùng tu luyện mà trấn tỉnh được. Đằng này chạy đi cho vời lại một lượt đủ thứ dục cả, động viên tất cả cái dục tức là siêu dục thì phép tu luyện chưa làm sao trị nổi.
Thompson gật đầu. Hồ Hữu Tường mượn thế tấn công:
- Này đạo điệt nếu có điều kiện cần và đủ rồi, đạo điệt có bằng lòng thêm dấu sắc chăng? Hay còn đòi chi nữa?
- Thưa sư bá đủ rồi. Tiểu điệt chẳng màng trang sức tiền của chi cả. Tiểu điệt chỉ cần món bửu bối lợi hại ấy thôi.
Hồ Hữu Tường cười hả hả đáp:
- Tưởng cái gì chớ cái bửu bối ấy ở đâu cũng có bán và bán rất rẻ tiền. Không cần luyện sẵn cho mắc công. Khi hữu sự tiểu điệt chạy lại tiệm chập phô xuất vài đồng bạc là có ngay.
Thompson nhìn bạn với vẻ ngạc nhiên dường như muốn hỏi. Họ Hồ thấy bà chủ chùa ngừng nhai trầu có ý đón nghe nên chậm chậm tuyên bố:
- Cái bửu bối ấy là lưỡi lam để dùng cạo râu. Hễ «thẳng» mà lôi thôi đạo điệt mua một lưỡi để bên giường. Thì «thẳng» không hề dám ngủ. Ngày này sang ngày kia mất ngủ «thẳng» sẽ hàng đầu. 
Thompson hỏi:
- Cái lưỡi lam để bên giường có quyền lực gì mà kêu ma gọi quỉ cho đến làm cho phát sợ mà không dám ngủ?
- Có gì là khó hiểu. Hễ mà «thẳng» thấy lưỡi lam «thẳng» đoán rằng nếu «thẳng» ngủ thì đạo điệt hạ thủ thiến mất cái của nợ của «thẳng» đi. Người ta cưa tay chặt chơn không sợ. Mà sợ bị thiến cái của quí. Hai chục năm nay bần đạo sống trong cái ám ảnh là nếu rủi mà lọt vào tay của mấy «chả» thi hành chánh sạch lưỡi lam, thì đời của bần đạo chỉ còn bắt chước các nữ nhân vật của nhà văn Túy Hồng mà «thở dài» rồi «than vắn»!
Diễm Hồng suy nghĩ rất lâu không đáp. Chủ chùa thấy vậy hỏi:
- Sao con không trả lời cho dứt khoát để sư bá khỏi phải nhọc công chờ đợi. 
- Bạch thầy, về nguyên tắc, đệ tử thấy thuận việc thêm dấu sắc. Nhưng đệ tử hãy còn thắc mắc đôi điều. 
- Con thắc mắc điều chi con hãy nói cho sư bá nghe mà giải quyết giùm cho.
Diễm Hồng ngần ngại một chập rồi đáp:
- Trước hết là vấn đề môn đương hộ đối. Con đường đường cũng là một giáo chủ. Còn Xích Tử chẳng có địa vị nào trong xã hội cả. Thế làm sao cho xứng?
Hồ Hữu Tường vui mừng ra mặt nói:
- Tưởng là cái gì chớ việc môn đương hộ đối thì giải quyết ra dễ và rất có lợi. Bấy lâu nay thiên hạ cho bần đạo là ông tổ nói dóc là giáo chủ của cái «đạo gáy», của cái Minh Đạo chữ minh ở đây là chữ khẩu nằm bên chữ điểu. Bây giờ bần đạo long trọng tuyên bố thoái vị như năm 1945 Bảo Đại đã đứng trước Ngọ môn mà đọc lời thoái vị. Làm như vậy họ Hồ này trở về hàng ngũ của thường dân hết làm giáo chủ của đạo nói dóc. Chức giáo chủ này họ Hồ tôi nhường lại cho thằng Xích Tử nó sẽ đường đường là một giáo chủ chừng ấy giáo chủ cưới giáo chủ thi môn đương hộ đối lắm!
- Nhưng mà Xích Tử bị kẹt trong «Tru tiên trận»...
Thompson tuyên bố:
- Điều ấy không sao. Nếu Ngủ giác đài tin rằng hai giáo chủ sẽ hiệp âm dương để luyện vũ trụ lực hầu bứng rễ nước Tàu mà ném tung lên không trung cho thành ra vệ tinh China thì Ngũ giác đại đâu có lý do gì mà cấm Xích Tử trong Tru tiên trận nữa. Tôi đảm bảo làm một bản phúc trình đầy đủ để biện hộ cho việc tha Xích Tử ra mà cưới vợ.
Diễm Hồng còn băn khoăn rất lâu rồi nói:
- Tiểu điệt còn vấn đề tâm tình. Là, nhơn danh là giáo chủ của Minh Đạo tiểu điệt có thâu nạp hai mươi tám nàng để làm tông đồ. Nay tiểu điệt thôi xuất gia mà xuất giá thì chẳng lòng nào mà bỏ hai mươi tám tông đồ của tiểu điệt. 
Hồ Hữu Tường cả cười đáp:
- Lại càng dễ giải quyết hơn nữa. Một khi Xích Tử thoát khỏi Tru tiên trận thì trên báo Hòa Đồng sẽ có đăng một bài «câu đệ» do Xích Tử tân giáo chủ của Minh Đạo ký tên. Ai là người thấy lưỡi mình ngứa ngáy muốn nói dóc thì đến mà thọ nghiệp. Xích Tử sẽ chọn hai mươi tám chàng có thiên tài nói dóc phong cho làm hai mươi tám vị tông đồ cho cái «Minh Đạo». Rồi, trong đám cưới, hai mươi tám tông đồ của cái Minh Đạo đàng trai sẽ làm hai mươi tám chàng phù rể còn hai mươi tám tông đồ của cái Minh Đạo đàng gái sẽ làm hai mươi tám nàng phù dâu. Hỏi có đám cưới nào long trọng bằng chăng? Hỏi có đám cưới nào kỳ lạ là đàng trai đến chùa mà rước như thế chăng? Hỏi đám cưới nào mà cả cô dâu và chú rể thảy đều giáo chủ chăng? Chắc chắn là thiên hạ sẽ đồn nhau, đến coi nượp nượp. Cả Sài Gòn sẽ bị đại náo!
Thompson nói:
- Tôi sẽ điện về Hoa Kỳ mời các hãng quay phim các trung tâm vô tuyến truyền hình sang quá mà săn những hình ảnh lạ kỳ gởi về bên ấy cho công chúng Hoa Kỳ xem. Thật là kim cổ kỳ quan đó!
Nghe nói, Diễm Hồng cũng say sưa vì cái viễn đồ có một đám cưới vĩ đại như thế, nên không ngăn lòng được và nói:
- Phải biết, một đám cưới giáo chủ cưới giáo chủ, mà gởi thiệp mời tôn giáo khắp hoàn cầu đến dự lễ và chúc câu loan phụng hòa minh, ắt có đủ hạng tu sĩ đến. Mỗi tu sĩ ăn mặc một cách, nào áo, nào mão, thảy thảy tân kỳ. Chưa chắc là lễ gia miện của nữ hoàng nước Anh lại nhiều màu sắc hơn được!
Hồ Hữu Tường dừng lại rất lâu. Rồi nói:
- Có điều làm cho họ Hồ tôi thắc mắc. Là theo tục lệ cổ truyền ta, hễ vừa rước dâu bước khỏi nhà, thì phải đốt pháo. Chẳng lẽ hai vợ chồng cháu vào Chợ Lớn mua pháo thường mà đốt. Như vậy, làm sao cho xứng đáng với cái danh giáo chủ của mình?
Thompson nối lời, tiếp:
- Ừ nhỉ! Đúng lý ra, đạo cô Diễm Hồng phải cho đốt một thứ pháo đặc biệt, dị thường, làm cho cả thế giới kinh phục kìa.
Diễm Hồng suy nghĩ giây lâu, nói:
- Tiểu điệt có một cách. Chẳng hay sư bá và sử gia có muốn nghe không?
Thompson đáp:
- Tôi đang muốn biết một vài đề tài của loại tiểu thuyết cho dự tưởng. Đạo cô cho biết thì rất hay.
Diễm Hồng nói:
- Theo đời sống mới, hễ đám cưới vừa xong, thì cô dâu chú rể dắt nhau lánh người quen thuộc mà đi du lịch để hưởng tuần trăng mật. Bây giờ, tiểu điệt thể theo cái thói ấy. Tiểu điệt sẽ cùng Xích Tử đi tiêu diêu ra ngoài vũ trụ của Hoyle. Tiểu điệt sẽ hóa mống, kéo luôn Xích Tử mà bay đi như các tinh vân, càng xa bao nhiêu thì tốc độ càng lên bấy nhiêu, lên cao cho đến đổi có tốc độ của ánh sáng, mà lọt ra ngoài vòm võ trụ của Hoyle, mà cả hai vợ chồng biến ra thành kháng vật chất, mà hưởng tuần trăng mật trong cái multivers mà sư bá đã thị kiến. Tức là nhờ hóa mống mà đốt pháo thăng multivers đó.
Chủ chùa nghe nói, xen vào hỏi:
- Diễm Hồng con, cớ sao con muốn bỏ thầy, bỏ cả cái vũ trụ này mà sang qua multivers vậy?
- Chán lắm thầy ơi! Buồn, nói dóc chơi, chỉ tốn trong tưởng tượng một chai la ve và hai tô hủ tiếu, mà bộ biên tập Chân Trời đổ quạu, mắng chửi thậm tệ sư bá của con. Thì cái cõi trần này có gì là đáng sống? Để cho vợ chồng con sang qua multivers mà sống trong cái thể kháng vật chất. Chẳng thèm bứng nước Tàu mà ném tung lên không trung thành vệ tinh China mà làm gì! Đợi mười năm nữa, cho các nhà bác học Tàu chế được khí giới bí mật, đe dọa cả nhân loại thì từ bên multivers, vợ chồng con nhìn xem ở quả địa cầu này các bác ấy đổ quạu với Mao Trạch Đông thế nào?
Hồ Hữu Tường can Diễm Hồng mà nói:
- Bác bị mắng, mà bác không đổ quạu, cháu là người tu hành, đổ quạu mà làm chi, cho mất hết tác phong của kẻ tu hành? Bác đề nghị với vợ chồng cháu, bữa tiệc cưới, hai vợ chồng mời các bác ở bộ biên tập Chân Trời, ngồi bàn danh dự, hai vợ chồng cháu rót rượu mời các bác ấy và bác đến uống rượu giải hòa. Bác đây mà từ chối không uống rượu giải hòa, thì còn gì là tinh thần hòa đồng với các bác ấy mà còn quạu, thì hai vợ chồng cháu can gián như sau đây: «Các bác mắng bác Hồ Hữu Tường là dốt, có ăn thua chi với lời mà hai vợ chồng cháu đã chứng minh bằng a cộng với b, rằng Hồ Hữu Tưởng chỉ là học không thiệt?»
Diễm Hồng thưa:
- Lời bác dạy, cháu xin vâng. Nhưng bác Nguyễn Văn Đính có giận cháu, thì cháu cam nhận lãnh, song cháu phải nói. Khoa học của thế kỷ XX này đã chứng minh rằng trời không có chân, mà bác Đính cứ bảo thủ, để mãi cái chữ Chân Trời to tướng trên mặt báo con nít nó chế giễu hoài cháu chịu không nổi; muốn binh cho bác mà cháu không tìm ra lời để biện hộ cho người khi ra tranh cử ở Bạc Liêu được 92% cử tri bỏ thăm tín nhiệm nghĩa là trên toàn cõi Việt Nam chẳng kém ai cả chỉ nhượng Hồ Chí Minh có 1% mà thôi. Thà nói dóc như vợ chồng cháu ba hoa gì mặc kệ có sai thì độc giả cười xòa rồi bỏ qua. Chớ nói với giọng nghiêm nghị vẻ đạo mạo thì bác Đính phải căn nhắc từ lời. Và bác ấy nên nạp đơn lên bộ Thông tin mà yêu cầu đổi tên của tờ báo lại. Khi được phép đổi tên bác nấu chè xôi nhắn cho vợ chồng cháu hay vợ chồng cháu đãi quan khách một chầu nói dóc cho xứng với tên Tiểu Phi Lạc.
Hồ Hữu Tường cười rồi nói thêm:
- Việc ấy, bác lại can cháu nữa! Bác Đính, hồi thuở còn đi học trường Nguyễn Phan Long, bác Đính đã có học xình tả. Cái chưởng của cháu, về hai chữ Chân Trời, cháu đánh vào bác ấy, bác ấy có đau đớn gì mà phải nhượng bộ, đến đổi phải đến bộ Thông Tin mà xin cải tên cho báo? Đã biết rằng đánh bác ấy bác ấy không đau, mà cháu cứ đánh, ấy là cháu đã bất trí. Đã bất trí, mà cháu lại nhè người thân của mình là bác Đính mà cháu đánh, cháu đánh bác ấy là bất nghĩa. Nội có hai cái bất trí và bất nghĩa, mà bác Trần Văn Hương, năm 1955 làm đô trưởng Sài Gòn, đã bằng vào mà viết một bức thơ từ chức gởi cho Ngô Đình Diệm mà ai cũng khen. Hai vợ chồng cháu, trẻ hơn bác Hương đến năm mươi tuổi, lẽ nào chúng cháu lại thua bác Hương sao? 
Diễm Hồng thưa:
- Vậy thì cháu xin rút lời lại, và nhờ bác chớ dỉ hơi cho cả hai bác Hương và bác Đính. Kẻo, già sanh tật, hay cau có, hai bác ấy giận mà chẳng đi ăn đám cưới của chúng cháu, thì đám cưới của chúng cháu làm sao mà xứng đáng với cái danh «đại náo Sài Gòn» được?
Kẻ chép truyện, chép đến đây, đếm trang, thấy ngam ngám là đủ hồi thứ mười hai. Vậy, mặc dầu câu chuyện hãy còn dài lắm lắm, song đã trót lỡ hứa bà giám đốc nhà xuất bản Huệ Minh thánh mẫu. Ý Thừa tôi xin bái độc giả mà gác bút, bỏ luôn làng văn và yêu cầu Mõ Làng Văn tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày nay, Ý Thừa đã bỏ làng. Còn nếu có ai xen vào làng mà ký tên là Ý Thừa, thì kẻ ấy mang tội thoán đoạt chẳng khác nào năm 1955, Ngô Đình Diệm đã thoán đoạt ngôi quốc trưởng của Bảo Đại vậy! 
Bái, bái, bái, và lại bái vĩnh biệt. 

HẾT

 

Xem Tiếp: ----