Nhiều chuyện với Nguyễn Công Hoan cũng lắm bất ngờ tức cười chua chát như những cái kết truyện ngắn của anh. Dự quốc khánh, lễ lạt ở sứ quán nào, Nguyễn Công Hoan đi đôi giày da bóng lộn, tôi chưa thấy khi nào. Tôi tò mò: - Giày luých này chắc Tết anh mới diện? Anh giơ tay cắt nghĩa kiểu thày giáo trịnh trọng giảng bài: - Dự tiệc đứng thì hay đi đi lại lại, người ta cứ phải nhìn giày mình, cho nên cần có giày tử tế. Tôi đùa: - Rồi về lại đánh xi đạt cẩn thận, bọc giấy bóng, cất đi. Anh còn nói lạ hơn: - Không, giày này tớ đi mượn. Cậu nhận xét cũng xoàng. Có là giày đi mượn thì mỗi tiệc mới một đôi khác nhau chứ. Đã có lần anh kể anh có một người anh em con chú con bác làm nghề vá giày ngồi ở bờ tường cạnh chợ Hàng Da. Người vá giày vỉa hè, trên tường đóng đanh treo bán những đôi giày cũ được mông má lại. Tôi nhớ chuyện anh kể, nhưng không chắp nối lại được trong tưởng tượng, Nguyễn Công Hoan đã đến mượn trong đám những đôi giày treo bán ấy vào dịp long trọng. Nguyễn Công Hoan có lắm nhân vật bất ngờ trong đời thường như thế. Anh dẫn tôi đến ăn bún chả nhà một ông ở đầu phố Nhà Thương Khách cũ. Nhà ông làm vàng hồ, trang kim hài hán, nhuộm giấy thẻ hương. Hồi ấy còn ngặt về lễ bái lắm, vợ con ông làm hàng mã phải ngồi làm dấm dúi dưới bếp. Ông ấy xoa xoa tay, kính cẩn: “Các bác làm việc dương gian, nhà em thì công tác đường âm, thưa phải không ạ". ồ, kể mọi ly kỳ về Nguyễn Công Hoan thì vô số, vô cùng như những truyện ngắn có kết bất ngờ của ông. Nhà trọ bến xe Hải Dương chẳng khác dãy lều lá dưới cầu Bo. Cũng thế, người ra vào thậm thụt, người gánh người đội, người đeo, không biết trong tải đựng gì, không đoán được người đi buôn hay quân đầu trộm đuôi cướp, lúc chặp tối càng đông. Cô ấy tóc cún, răng vàng. Mấy cô khác ngồi góc giường trong đương đố nhau tuổi. Có cô nói bô bô: "Cái quyển Đồi thông hai mộ hay bằng vạn các quyển mới bây giờ". Một lúc sau thì đoán ra những cô này có những bao tải dép râu nhét dưới gầm giường. ả răng vàng thì buôn cau khô lên chợ Đồng Xuân. Những thứ ấy, chẳng kiếm được mấy nả tiền, ắt trong thúng mủng kia có thuốc lào, thuốc phiện. Những cô này mới nứt mắt nảy nòi mà sao giống những mụ nạ dòng già đời đi buôn chuyến hôm tàu thuỷ xuôi, mà tôi trông thấy và đụng chạm từ thời Pháp thuộc đã từ lâu chết xuống âm ty. Cách nói, dáng điệu, áo cánh trắng quần thâm mới, vẻ trễ tràng, vừa ta đây vừa bất cần đời, tay các ả đeo nhẫn, cổ dây chuyền vàng, - chắc vàng tây. Tưởng như đàn bà con gái nhà chúng nó đã mây đời cha truyền con nối đi buôn chuyến thế này. Nhà trọ một dãy ngăn từng gian, vách dán giấy dầu, ba trăm thì giường chung ba người. Mụ chủ chứa đã hơi luống tuổi, nửa tỉnh nửa quê, cổ tay đeo cái vòng xanh xanh, chẳng biết vòng nhựa hay đá thật. Cô người làm áo cánh hồ thuỷ đưa người trọ vào buồng, giao cái màn tận tay. Những của chua này, khuya tý nữa, có thể nháy vào được. Mụ chủ rền rẫm phàn nàn: “Cái nghề chứa trọ không biết tội tình ra sao mà các ông công an cứ bắt vác sổ sách lên đồn xuống ải khai báo cũng đủ hết đêm". Tôi nằm một giường, nhưng thuê cả ba chỗ. Tôi lấy cái dây cao su trong ba lô ra buộc dóng khung xe đạp vào thành giường ngay cửa màn, nếu với tay ra có thể nắm được thằng kẻ trộm. Hôm sau, đạp xe la cà dọc đường, chiều mới về tới ga Hàng Cỏ. Chỉ ra khỏi thành phố ít lâu, trở lại đã có cảm tưởng vắng mình thì phố xá khang khác, rồi một lúc hay vài hôm mới quen dần và thấy lại chẳng có gì khác cả. Sương mờ thành làn trong ánh đèn đường, người người tấp nập, hối hả. Đi bộ, xe đạp cầm cuốc, cầm xẻng, miệng mũi bịt khẩu trang miếng vải trăng, nhiều người quần xắn cao, ống chân bê bết bùn. Tôi trông thấy Hoàng Văn Tiến, đại sứ ở Ba Lan về làm thứ trưởng, năm trước tôi đã quen trên chuyến xe lửa Hà Nội- Bắc Kinh. Tiến cũng ống quần móng lợn, dọc khung xe buộc cái xẻng, đạp veo veo ngược đường hàng Lọng. Những người ấy ở công trường hồ Bảy Mẫu ra. Cả thành phố đương đào đắp vùng ao bùn làm công viên Thống Nhất. Tôi vào quán phở Hậu, phía trên dốc Hàng Kèn. Chặp tối khách kín các bàn. Ông chủ quán tóc muối tiêu, gầy gùa, nhanh nhẹn vừa bốc bánh vừa nói vằn vèo như vi von rồi tâm sự một câu, mà tôi là khách quen nghe đã thuộc: “Làm lắm thì chày vảy ra chứ ăn thua gì. Thời buổi này, đổ mồ hôi nước mắt đủ hai bữa tọng vào họng, được phục vụ nhân dân thế là độc lập tự do, hạnh phúc rồi". Trên tường treo bức ảnh phóng to một chiến sĩ mũ ca lô, thắt lưng da to bản, áo kẻ ô trám “binh sĩ mùa đông” năm 1946. Tôi hỏi, ông bảo: “Cậu em nó". Cũng không muốn hỏi thêm ngưòi chiến sĩ ấy đã hy sinh hay còn sống. Mấy năm sau, ông hàng phờ khó nhọc mới được hai bữa tậu ngôi nhà hai tầng khang trang tĩnh mịch trong ngõ Tràng An. Hai cô áo dài xanh liễu, vét dạ Hồng Công óng ánh kim tuyến. Tóc đợt đợt sau gáy, đen nhánh, có thể khinh được mọi mốt tóc đương thòi của phụ nữ Hà Nội. Câu chuyện hai người to nhỏ mà như khoe cứ lọt tự nhiên vào tai người bên cạnh chẳng ra vô ý, ra khoe hay không coi ai ra gì. Qua chuyện, biết một cô đã có hai con, một cô có một con. Bây giờ còn hàng nào ăn được, phở Hói hay Tân Tân? Cũng khó ngon lắm. Cái phở thịt trâu thịt “ngầu pín” cuối phố Huế thì mới nghe nói đã mất vía. Không dưng, bỗng cau có: - Đáng nhẽ đi Hồng Công rồi. ở đấy sang Anh như đi chợ. Mình đã có passe- port. Chỉ vì sắp ở cữ, cậu mình bảo rồi tính sau, mẹ tròn con vuông đã. Thế là ông bô tính chệch giờ. Bây giờ thì gác hết. Một tiếng thở dài: - Cậu mợ mình cũng thế, nếu không tớ đã không được ngồi với đằng ấy ở đây - Mua được một lúc ngồi với nhau thế này giá đắt quá. Hai người nhăn mũi cười nhếch mép. - Này táo hay lê ngon hơn? - Lê được cái thơm, nhưng hơi chua. - Bây giờ lê táo nước nào? Câu chuyện của hai con đĩ ngựa cong cớn không cơn cớ cũng cạn dần với bát phờ tái giò hành tây. Quán cà phê ông lão 81 mọi khi vẫn thế. Mới tối, hàng quán các vỉa hè vừa dọn, nhấp nhoáng đèn đường trong bóng vòm lá cây sữa. Quanh chiếc bàn thấp, đợi ăn uống cái gì mà lố nhố người. Dưới lòng đường gánh cháo ông Chữ, tiếng thổi lửa cái ống nứa pho pho. Giờ này chưa phải buổi cháo gà. Lão 81 ngẩng lên, vồn vã: - Ông đi tận những nước nào mà lâu không thấy? - Nước nào, nước nhà quê nhà ông đấy. Ông lão cũng hỏi cho có chuyện, lại cắm cúi thái rồi nghiêng cái chảo, tiếng mỡ xèo xèo. Chiếc đèn hoa kỳ lom đom trên nóc tủ hàng, ánh điện lao xao trong bóng lá không hắt tới. Chẳng trông rõ gì cả, nhưng chắc bọn khách đợi món này. - Gì thế? - Ngầu pín ông ạ. à, dạo này mới lại có. - Trâu hay bò? - Dê hẳn hoi, còn non, tuyệt bổ. Ông xơi... Tôi hãy còn mất vui về hai con đỏng đảnh ở hàng phở Hậu, tôi uể oải giọng đổng vu vơ: - Lâu nay ở nhà quê, ăn dái dê, dái chó, nhiều bổ quá rồi. Xin một cái cà phê đen thôi. Cho giải phiền, bớt mỡ. Ông nghe rõ chưa? - Rõ, rõ. Nhà cháu đương dở tay, ông ngồi chơi một mảy. - Mấy mảy cũng được, thưa ông bếp Tây.