Tôi lùng bùng lổ tai khi xem gã diễn lại cái hoạt cảnh. Chưa hết nhức đầu vì lối nói biểu tượng hai mặt của lão Gác bây giờ lại ê ẩm vì giọng cười châm chọc của gã lái xe. Gã tiếp: "Cái hay của vở kịch mất chìa khóa không phải ở chỗ mất chia khóa mà ở chỗ khóa chung xe với một người mà lại đi với một người khác. Rủi chồng có bắt gặp khóa xe chung với ông sồn sồn thì đâu có nghi ngờ. Phải không ạ? Đó, anh thấy kịch bên ngoài chưa?" Gã đưa chai xăng cho nhà đạo diễn. Huyền Thanh mừng rỡ xách đi. "Thủ đô mình rồi sẽ oẵng tà roằng hết anh ạ!" Đột nhiên hắn thốt lên với một giọng buồn thảm. "Chẳng phải vì nghèo đói mà thôi mà còn vì bịp. Dưới, bịp, trên, thích nghe vỗ tay!" Gã đứng tựa vào đầu xe im lặng. Tôi cũng lặng thinh. Nhà đạo diễn trở lại trả cái chai không và nói với tôi: "Tao có yêu cầu bả nói giúp cho mày với con nhỏ..." "Con nhỏ nào cơ?" "Còn con nhỏ nào nữa? Nhưng bà ta lắc đầu. Bả bảo cô nàng đã hứa hôn với một thằng đi học Liên Xô, cho nên biết bao nhiêu thằng đút đờ măng đều bị xổ toẹt hết... Mày có gan thì cứ đút!" Nhà đạo diễn cười hí hí, lạc quan cả những lúc không thể lạc quan. Tôi cười: "Tại mấy thằng nào đó không có cái chìa khóa đúng!" Gã tài xế quay lại: "Cô nào mà ghê gớm dữ vậy ông? Chê khóa nội Hàng Mã để tìm khóa ngoại Pa-ke Uy-le hả?" Rồi gã lên xe mở máy đưa tôi về nhà, nhưng không hiểu sao ra tới ngã tư trước nhà hát gã quẹo ra cái rốn thủ đô mọc lệch. Tôi định kêu lên thì hắn nói: "Em cho anh xem cái này ngộ lắm!" Gã chạy không cần có sự đồng ý của tôi. Gã đỗ xe trước một cửa hàng giải khát quốc doanh nổi tiếng nhất ở phố Huế. Cà phê đằng nhà bạn ông Chánh ủy rất ngon nhưng câu chuyện ở nhà ông Chánh ủy làm tôi mất mỹ cảm đối với loại nước giải khát quý này, bây giờ thấy hiệu cà phê tôi nhợn, nhưng cũng may, cửa hiệu đã đóng cửa từ sớm. Gã quay lại: "Anh ngồi đợi em tí nhé!" Rồi nhảy phốc xuống chạy biến vào trong con đường hẻm tối om bên hông cửa hiệu. Tôi ngồi trong vũng tối của mui xe ngó ra. Con phố Huế trước mặt như chiếc gậy khổng lồ phóng càng xa càng nhọn theo luật viễn cận, đâm toạc qua cái rốn mọc lệch của Thủ đô. Tôi ngó sang phải. Dãy hàng ba của Tổng Hợp Bách Hóa rộng mênh mông với những cánh cửa đóng kín và những bậc tam cấp. Bỗng tôi giật mình, trố mắt. Những hình hài đen đủi nhấp nhô, ngọ nguậy. Bởi chưa từng đi trên đường phố về khuya nên tôi chưa bao giờ thấy cái cảnh con người lấy vỉa hè làm mái ấm. Vài chục hay vài trăm. Hằng đêm hay chỉ đêm nay? Họ ở Hà Nội hay ở đâu đến? Tôi thấy lại ba thế hệ ăn xin trước cửa hợp tác xã với chiếc nón lá run run trên tay của lão già. Có lẽ lão ta đang nằm lẫn trong đống người đó. Bất giác tôi ngoảnh mặt đi. Nhưng tôi phải quay lại vì có tiếng quát tháo. Hai người Công An từ đâu lù lù đến đập họ dậy xua họ đi. Những người còn nằm nướng đều bị dựng lên nốt. Người lớn, kẻ làu bàu, kẻ nằn nì, còn trẻ con khóc ré. Hai người Công An vừa đũn họ đi, vừa trao đổi ý kiến oang oang: "Tống họ về bóp Hàng Trống cho gần." "Ở đó hết chỗ rồi. Cho về bóp Hàng Đậu. Gớm, những cái ngữ này như cứt ấy! Cứ hốt xong lại đùn ra." Đoàn người chậm chạp di dộng. Họ băng qua đường Tràng Tiền. Tôi nhìn rõ từng người nhờ ngọn đèn ở góc đường. Đi đầu là một lão già, cắp chiếc nón lá cóp lại trong nách, tay dắt một đứa trẻ cởi trần, quần xệ khỏi rốn; kế đó là hai người đàn bà, một áo nâu một áo đen, cả hai đều mặc váy và tóc quấn rế. Đi sau cách một quãng ngắn, là hai bà cụ, một bà chống gậy, lưng gập hẳn xuống, hai vạt áo trước lòng thòng đong đưa theo mỗi bước lê, bà cụ kia vừa ôm ngực ho vừa bước theo. Sau lưng hai bà là một người đàn bà tay nách con, đầu đội một cái thúng lỗng chỗng những soong nồi. Một đứa bế lốc thốc chạy theo, vấp ngã khóc ré lên lại bò dậy chạy theo mẹ, giống y cảnh chạy Tây ruồng hồi kháng chiến - tôi chợt nghĩ - nhưng không, đã hòa bình rồi, lâu rồi. Có lẽ là thằng bé Gavroche (#22) bên Paris đi lạc sang thuộc địa. Mắt tôi cay cay. Bất giác tôi ngó lên để ngăn nước mắt. Tôi bắt gặp cảnh múa hát trên tầng cao. Từ bao giờ cho đến bây giờ mọi người vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ. Anh thợ mõ vẫn cầm chiếc đèn khí đá để soi đường, nhưng ánh đèn không sáng, cô Khokhozienne cười chưa ra tiếng và vung quá trán chiếc liềm cong như cái điểm 5 lật úp (lại cũng điểm 5) và mắt anh thanh niên vũ ngồi vẫn chưa rời mục tiêu. Tôi muốn vọt chạy theo đám người lôi thôi lếch thếch kia để bảo họ ngó lên cao một chút, đừng có gằm mặt xuống đất mãi - thì sẽ thấy cái thiên đàng vui vẻ kia. Đâu có cao lắm. Cứ chồng tất cả họ lên nhau thì có thể đụng tới mà. Hình như để chứng thực cái lời chưa thốt ra của tôi, một chiếc xe hòm đen loáng chạy vút qua như tên bắn. Chắc là xe ông bà nào đi coi hát về, xót ruột ghé qua phở cá thể phi pháp bỏ bụng trước khi về dinh. "Đất nước ta còn nghèo, người ngủ vỉa hè, kẻ ở villa." Lời ông đạo diễn hồi trưa làm tôi nảy ra câu thơ. Chiếc xe đã biến dạng mà hai cục đèn lái còn quắc lại như cặp mắt đỏ ngầu của cọp đói nhìn chòng chọc vào đoàn người... đói. Gã tài xế trở lại. Gã ôm hai ba cục gì trước bụng đút dưới gầm băng lái. Tôi ngửi thấy mùi cà phê và đường cát. Gã nhảy lên xe rồ máy, quay nhanh để đưa tôi về nhà. "Ản thua gì anh!" Gã phân trần một cách bất ngờ. "Nhằm gì, đồng chí trưởng cửa hàng giải khát này so với mấy đồng chí giám đốc Cao-Xà-Lá (#23). Báo đăng họ đút đít xe mô lô tô va vào kho tha hồ bốc nào lốp Sao Vàng, nào xà phòng Ngọc Lan, thuốc lá Điện Biên chạy thẳng chợ trời! Riêng ông giám đốc thuốc lá thì ngủ sơ sơ với 70 cô công nhân." ... Tôi về đến nhà, để nguyên quần áo ngã vật lên giường, không cả bật đèn, mong tìm những giây phút yên ổn thần tiên. Nhưng nằm chưa ấm lưng thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi biết là cái "liềm dựng ngược" về. Tôi bật đèn và mở cửa. Mặt mũi cô nàng còn đầy son phấn! Tôi làm vui hỏi: "Em vừa ở dưới cuộc đời bước lên sân khấu." Tôi hơi ngạc nhiên thấy cái máy ảnh đeo tòng teng bên hông nàng "hay từ sân khấu bước xuống cuộc đời?" Không đợi tôi hỏi tiếp nàng giải thích ngay về cái máy ảnh: "Bà đạo diễn Liên Xô định cho em sang bên đó học Ba Lê anh ạ. Bả khen cặp chân em ghê lắm! Bả đưa cái máy ảnh cho em chụp chân em thật nhiều pô để bả nghiên cứu." "Thế kia à!" Tôi vừa đáp lơ là vừa nhìn cặp chân lộ ra từ hai ống quần nàng đang vén lên rồi buông xuống ngay. "Bà ấy bảo sang đây bà chưa thấy cặp chân nào đẹp bằng chân em!" "Dữ vậy lận à?" Tôi dùng tiếng Nam Kỳ để pha trò. "Anh dzui quá tay!" Thấy tôi không săn đón như mọi đêm nàng đi diễn về mà cứ nằm ườn ra lại có phần gắt gỏng, nàng hơi phật ý: "Anh làm sao thế?" "Hơi nhức đầu tí!" Tôi nằm xuống và kéo chăn đắp ngang bụng. "Em có dầu cù là đây." "Nhưng bớt rồi, bây giờ hơi đau bụng." "Bị cơm liên hiệp ba thành phần chớ gì!" Nàng đặt chiếc máy ảnh trên đầu lò sưởi rồi móc bóp, nhưng chưa tìm thấy hộp dầu nàng đã kêu lên: "Ấy chết!" "Gì thế?" "Lúc anh đưa xe cho em, anh có đưa cái khóa không?" "Anh có như Desdémona (#24) đâu mà (Tôi lại pha trò) khi trao bàn tay lại không trao trái tim!" "Anh chỉ trao cho em chiếc xe, còn cái chìa khóa thì anh giữ lại." "Cái khóa đã đi, chìa giữ làm gì?" Nàng đứng lặng thinh. Tôi cười: "Em cho rằng nơi em đứng là sân khấu chắc!" "Không, em đã bước xuống sân khấu từ lâu rồi!" "Nhưng sao em vẫn như còn đóng kịch?" "Tại anh nghĩ thế chứ em có đóng kịch gì đâu!" Tôi định gạn hỏi xem nàng đóng híppy ở sân khấu nào nhưng may sao có tiếng gõ cửa. Chắc là một trong hai thằng bạn tôi về; tôi đang cần chúng nó quá, nên quát: "Cứ vào đi!" Quả đấm xoáy nhẹ. Cánh cửa mở rộng. Đúm râu Ảng Lê hiện ra trong khung cửa: Xắc-Cô! Tôi không ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của Huyền Thành. "Hạnh phúc đâu có ở đây mà tìm, cha nội!" Nhà đạo diễn nghẹo đầu: "Cái hủ lô của tao bị thổi tiêu rồi!" Tôi tung chăn ngồi bật dậy: "Đã bảo mà! Không ai thèm lấy!! Thấy chưa?" "Đưa tao mượn con ngựa của mày chạy về nhà chút!" Huyền Thanh vừa nói vừa nháy tôi, ý hỏi: "nường nào đó, coi khớ quá vậy?" "Bạn tôi, diễn viên đoàn kịch Trung Ương!" Tôi nói. "Ủa, cô về đoàn hồi nào? Sao tôi không biết?" "Em... chỉ ở đó vài ngày rồi sang đoàn Thủ Đô ạ!" Nàng lọng cọng đáp. "À à, có lẽ tôi về thì cô vừa đi." "Đây là đạo diễn Huyền Thanh của đoàn kịch Trung Ương đấy em!" Tôi giới thiệu và tiếp. "Bạn tôi đang được bà đạo diễn Liên Xô chọn cho đi học Ba-lê ở Liên Xô đấy ông ạ! Ông nói dzô dùm một tiếng đi!" "Thế à?" Huyền Thanh nhìn tôi rồi nhìn nàng. "Tôi có quen bà đạo diễn kịch nói chứ không biết bà đạo diễn Ba-lê. Nhưng mà trông cô năm điểm cộng thế này thì bà ấy chọn là cái chắc rồi, cần gì tôi phải nói dzô?" Tôi cười với nhà đạo diễn: "Xe ở ngoài cửa, nhưng đừng có ném bậy bị thổi nữa nghe ông đạo!" "Không có khóa à?" "Có, nhưng khóa nội lại mất chìa!" "Mất chìa là phước cho mày. Mày còn xài cái thứ khóa nội đó có ngày mất sạch!" Vừa quay đi, Huyền Thanh trở lại nháy tôi lần nữa: "Mai gặp nhau 12 giờ trưa ăn chè trôi nước, tao chỉ mày coi cái này, ngộ lắm!" "Thiên đàng treo tôi đã rành rồi, tôi không có coi nữa." "Không phải đâu! Một kỳ quan tao mới phát hiện. Hí hí..." Rồi nhà đạo diễn biến nhanh. Cô nàng hơi bực mình bước lại khép cửa, nhưng bỗng nàng kêu lên thất thanh và lùi bước thụt lùi. Tôi vừa ngả lưng đã phải bật dậy. Gã tài xế bước vào. Đúng y như các lớp kịch có sắp xếp. Gã giơ cái xắc của tôi lên, mà mắt thì trố vào nàng híp py đang lùi lại gốc phòng như muốn lánh mặt nhưng gã lái xe nói trỏng: "Đi tìm khóa ngoại cho được việc! Thời này cô nào cũng thích khóa ngoại hết. Khóa nội rẻ lắm. Khóa ngoại... hơn xa!" Gã giơ xắc lên một bên để che mặt, nháy nháy tôi mấy cái liền, xong, buông nó xuống giường. "Chừng nào anh chị ăn giầu cau cho em hay với nhớ! Há há há!" Rồi gã chạy đi. Nàng đóng cửa đánh sầm và hỏi tôi ngay: "Anh đi đâu mà bỏ quên đồ vậy? Anh quen với hắn à?" "Nó là tài xế của Cục Hàng Không!" "Anh có đến đó à? Bộ anh đi đâu với hắn à?" Nàng nói như giật mình. "Thì sao?" Tôi vừa nằm xuống vừa hỏi. "À... đâu có sao, em hỏi vậy thôi!" Mắt nàng chớp như đèn cửa biển. "Bữa nay vai của em được người khác thay thế anh ạ. Nhưng khi khóa xe xong chung với thằng phải gió thì em mới biết. Em đi tìm nó để mở khóa thì nó đã dậm mặt nên không đi ra ngoài được. Em nhờ cậu quản lý của đoàn chở em đi lại bà Liên Xô ngay. Nếu chậm trễ người ta giành chỗ mất. Anh biết không, có đến sáu bảy trăm cô ghi tên để được tuyển chọn đấy! Nhưng bả cho em ưu tiên vì em có cặp chân đẹp và đã từng lên sân khấu. Bả hỏi ham kỹ quá. Có đến mấy tiếng đồng hồ. Chắc cái khóa xe em bỏ quên đằng đó." "Thế là bả đã nhận em?" Tôi vui vẻ hỏi. "Nhận để thực tập thôi! Còn thử thách chán!" "Thế là em đã thoát vai híp-py!" "Theo anh em có nên đi Liên Xô không?" "Anh không phải là người quyết định." Nàng sà lại ngồi ở mép giường, giọng âu yếm: "Bộ hồi nãy anh có sang nhà hát hả?" "Có lệnh cấm vĩnh viễn!" "Anh tò mò lén xem em diễn, em biết, nhưng không gặp em mà lại thấy em khóa xe chung với người khác thì giận chứ gì! Xí, vậy mà hồi chiều làm bộ ngon!" Nàng vuốt mà tôi. "Bây giờ còn giận hết? Em ghét anh lắm cơ! Hỡ là hờn!" Nàng cúi xuống sát mặt tôi, mắt long lanh, hơi thở thơm nực và với giọng âu yếm chưa từng có: "Từ rày đừng thế nữa nghe cưng!" Nàng suýt hôn tôi. Tôi như tên tử tội nhìn lưỡi gươm hạnh phúc sa xuống cổ mình. Tôi vốn là người nhẹ dạ, cả tin và không mấy khi đỏ trong tình yêu, cho nên nghe mấy lời tự sự của nàng, những đám mây đen lỡn vỡn trong đầu tôi đều tan biến. Hơn nữa tôi tự nhủ, mình đâu toàn bích mà đòi người ta tuyệt vời. Và: "Biết đâu mình chẳng nghĩ lầm, hiểu lầm. Võ đoán có tội!" Thôi, mình hãy yêu cái mình có vậy. Đuổi theo cái nào nữa. Và kết quả của một cuộc săn đuổi đã được phơi bày ra rồi. Tôi nghe đôi môi nàng chạm vào môi tôi. Cái hôn này tôi sẽ chấp nhận và xem đó như khúc quanh quyết định. Nhưng bỗng cộc cộc... "Ai?" Nàng quay lại gắt. "Bạn anh đó! Mở cửa đi. Anh sẽ giới thiệu với chúng nó em là..." Nàng bước lại vặn mạnh quả đấm, lôi cánh cửa ra và đứng nép qua một bên chờ đợi ông khách không mời mà đến, mà lại đến vào lúc người ta sắp hôn nhau. Một khuôn mặt trắng đẹp như đầm lại hiện ra làm tôi suýt kêu lên, nhưng tôi đã ghìm lại như chiếc xe bị thắng gấp. "Xin lỗi... ông... có cô Kha..." ... Tôi vẫn nằm bất động làm như không quen biết gì nữ khách. "Ơ ơ... Khanh!" "Kìa Liên!" Nàng nói gần như không thành tiếng. Hai người khựng lại một giây rồi nàng cau có: "Tớ bảo là có đến thì đứng ở bên vườn hoa trước cửa nhà rồi tớ ra vì nhà này không phải là nhà của tớ!" "Thì mình đã đứng cả buổi, không thấy cậu ra nên mới đánh bạo vào đây tìm." "Tớ bảo là mười hai giờ trưa mai kia mà." "Vậy mình nghe là mười hai giờ khuya nay! Thôi được, mai, chắc nhé!" "Chậc!" Nàng gãi đầu gãi tai và ấp úng, rối rấm. "Cơ quan cần lắm. Lần này cậu sai hẹn nữa thì mất mối, ủa mất việc!" Nói xong, không hỏi, không chào nàng lẫn tôi, nữ khách quay nhanh như trốn. Nàng khép mạnh cửa. "Hình gì mà người ta tới đòi lúc nửa đêm vậy em!" Tôi hất hàm. "Bộ bạn thân à?" "Vâng, bạn em ở Cục Thủy Sản ấy mà! Nó có khiếu đóng kịch nên muốn nhờ em giới thiệu vào đoàn của em. Em phải chụp hình nó chứ em có đưa hình gì cho nó đâu!" "Sao cô ta đòi hình của em. Cô ta nhầm chắc! Báo hại làm anh tưởng em đưa hình cho cô ấy giới thiệu qua Cục Thủy Sản hay Cục gì... chớ!" Tôi cười nhạt và nhìn thẳng mặt nàng. "Em như vầy mà đi Cục... gì?... Rõ con nhỏ thật lẩm cẩm!" Cái bệnh lẩm cẩm của ông Chánh ủy thế mà dễ lây. Lý, Quỳnh, Quỳ, Thủy rồi bây giờ lại Liên. Bằng ấy tên cho một con người mà chỉ trong mấy tiếng đồng hồ. Lâu nay tôi vẫn thấy cô đứng bán sách Quốc Văn, cho tới hồi sáng này. Vậy cô sang cục Thủy Sản bao giờ? Lúc nãy cô ta hơi biến sắc khi trông thấy tôi. Và tôi cũng thấy nàng hippy nháy một cái rất kín trước khi cô Thủy Sản lui ra. "Em tên Khanh bao giờ thế hả?" "Hồi đó em đóng vở kịch của ông gì... có n hân vật tên Khanh nên bạn em gọi đùa em thế!" "Chỉ Khanh suông, không có họ Võ hay họ gì khác?" "Sở Khanh là đàn ông chứ anh?" Nàng nhanh miệng đáp chặn họng tôi. "Đàn bà cũng Sở Khanh được, cứ gì phải đàn ông?" Nàng tảng lờ: "Cô ta đáng 5 điểm... hả anh? Để em giới thiệu nhá!" "Ừ năm đĩ... iểm!" Tôi bắt chước lối phát âm của đám chim cò rồi ôm bụng kêu đau. Nàng rối rít. "Anh làm sao thế anh? Cơn đau dày vò anh à?" "Không, anh buồn nôn tự nãy giờ mà không nôn được, khổ thế!" Nàng móc bóp hộp cù là đưa cho tôi. "Kịch sĩ chúng em thường dùng loại dầu này để bôi mắt khóc, kết quả ghê gớm!" Tôi nhìn chiếc lọ sơn đỏ không có nhãn hiệu Con Cọp Bay hay Ông Phật gì cả thì biết là "cà lù" quốc doanh nấu bằng sáp với nước gừng. Bôi vào da, cháy da, bôi vào mũi, cả mũi lẫn mắt cùng khóc một lúc, nên lắc đầu: "Anh không phải là kịch sĩ. Hơn nữa hiện giờ anh buồn nôn chứ không muốn khóc." Bất giác, tôi xoay mình úp mặt vào tường. Những đám mây ngỡ đã tan đi bây giờ ùn ùn kéo trở lại phủ kín đè nặng cả đầu óc tôi. Bên tai tôi dội lên tiếng cười chói óc của những gã chim cò mà môi thì như chạm phải vành cốc nước chanh của Dacha. Nàng nắm vai, lật ngửa tôi và gần như gào lên: "Anh, anh làm sao thế? Anh có đỡ buồn nôn chưa để em bôi dầu?" "Giá có thuốc gì làm cho anh nôn ngay được bây giờ thì tốt nhất." 6/88Chú thích: (22-) Cậu bé trong Những Người Khốn Khổ của Hugo. (23-) Cao su, xà phòng, thuốc lá, ba xưởng sản xuất quốc doanh của Hà Nội, Ban giám đốc có thành tích ăn trộm số 1 Miền Bắc. (24-) Người yêu của Othello.
Hết