CHƯƠNG SÁU:LÊN ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Từ ngày Châu Tất Đắc gởi thơ từ hôn rồi cậu trốn đi mất, làm cho cuộc tình duyên của cô Bạch yến hư hỏng, thì quang cảnh nhà bà Huyện Hớn có vẻ buồn hiu, vắng vẻ, im lìm. Mười bữa hoặc nửa tháng người ta mới thấy bà Huyện mở cửa rào ra đường kêu xích lô mà đi xuống Sài Gòn mua đồ một lần, hoặc cô Đốc học Cẩm Hương lên thăm, chớ ít khi có khách nào khác. 
Còn cô Bạch Yến thì cô cứ xẩn bẩn ở trong nhà hoặc nói chuyện với mẹ, hoặc đọc báo đọc tiểu thuyết cho mẹ nghe, chớ cô chẳng hề đi chơi. Người ta chỉ thấy sớm mơi với chiều mát cô ra săn sóc hai đám hoa cô trồng, một đám trước sân, một đám dọc theo tường, cô vô phân tưới nước sâm si dường như cô đặt tất cả tâm chí vào bông hoa, cô không muốn biết tới thế sự. 
Đêm trăng mát mẻ, ánh đèn đường rọi vô sân làm cho màu hoa rực rỡ tươi cười, thì cô nhắc ghế để dưới thềm mời mẹ ra ngồi cùng cô mà xem thưởng hoa thưởng nguyệt, mẹ con vui với cảnh thú nhàn lạc thanh cao, mặc dầu ngoài đường đủ hạng người đi vô ra dập dìu, các thứ xe chạy qua lại rần rộ, mẹ con không hề để ý tới. 
Thế mà trót hơn một tuần nay quanh cảnh im lìm đó biến ra quang cảnh náo nhiệt, hằng ngày cửa nào cũng mở cho người ta ra vô không ngớt. Bữa nào bà Huyện với cô Bạch Yến cũng đi bày bạy, đi sớm mơi, rồi đi buổi chiều, đi mua đồ đạc rồi đi sắm áo quần đặng làm lễ cưới, mà cô Bạch Yến lại còn đặt may y phục gọn gàng để cưới rồi cô theo chồng mà lên vùng Cao nguyên. 
Cô Cẩm Hương cũng lên hằng ngày, lên bàn tính với mẹ con bà Huyện coi lễ cưới nên sắp đặt cách nào, phải mời ai, phải đãi tiệc tại đâu. 
Võ Lộ cũng lên đặng giúp với Tất Đắc về sự đăng bố cáo bát nhựt và định ngày giờ lập hôn thú, vì Tất Đắc cậy  cậu đứng chứng giùm cho họ hàng đàng trai. 
Mà Thứ Tiên đã lên mấy lần đặng phỏng vấn Tất Đắc với Bạch Yến rồi nhưng cậu cũng còn lẽo đẽo lên nữa, lên dọ cho chắc ngày đám cưới đặng cậu thông cáo trong nhựt báo và viết bài mà chúc mừng cho cặp trai tài gái sắc gây cuộc tơ tóc trăm năm, đồng thời cậu tán tụng biểu dương cái chủ nghĩa thiên nhiên của Tạo hoá, là chủ nghĩa Ái tình, nói rằng con người biết nâng cao Ái tình lên mức thanh cao đừng để nó sà sà ở chỗ thấp hèn nhảm nhí, thì nó có thể giúp cho trai thành anh hùng, quân tử, chí sĩ, tài hoa, giúp cho gái thành liệt nữ, trinh phụ, thành con thảo, thành vợ hiền, trai với gái đều làm rạng rỡ cho tông môn, mà lại còn làm lợi ích cho đất nước. 
Còn Tất Đắc thì mỗi ngày hai buổi cậu cũng đi lăng xăng, bữa đi xuống sở khai thác khoáng sản mà khảo cứu địa đồ để lập chương trình về cuộc đi dọ kiếm hầm mỏ. Cậu còn phải tiếp mấy nhơn viên của sở nầy để chọn người theo phụ trách với cậu, sắm dụng cụ đặc biệt của nghề và xin binh hộ tống đặng gìn giữ an ninh mà làm việc. 
Về đám cưới thì Tất Đắc xin bà Huyện tổ chức lễ thân mật trong gia đình vậy thôi, không nên làm rình rang mà đãi khách linh đình rần rộ. Lập hôn thú thì cậu cậy giáo sư Lê Võ Lộ đứng chứng cho đàng trai. Cậu xin bà Huyện cậy ông Phán Qui đứng chứng giám cho đàng gái, còn cô Cẩm Hương đứng làm mai nhơn. Bữa cưới thì mời thân quyến hai bên đến chứng kiến cho dâu rễ làm lễ ra mắt ông bà rồi đãi họ tại nhà cũng đãi mấy người đó, chẳng cần mời đông mà đãi trên cao lầu hay trong nhà hàng tưng bừng rần rộ. Bên trai thì cậu định mời Võ Lộ, Tự Cao, Thứ Tiên và Cẩm Hương mà thôi, còn bên gái thì mời ông Phán Qui với vài người nữa thì đủ, nghĩ vì thời buổi nầy là thời buổi mọi người dầu già dầu trẻ, dầu trai dầu gái, đều phải góp sức vào công việc kiến thiết quốc gia, mở mang đất nước, cải thiện phong hóa, nâng cao đời sống cho đồng bào, tập chí hướng thẳng ngay và hạp thời cho xã hội, chớ không phải thời buổi chơi vô ích, hãm hại người, như hồi trước nữa. 
Bà Huyện công nhận ý kiến của Tất Đắc hạp thời. Cô Cẩm Hương tuy muốn làm cho rình rang đặng khoe khoang, song cô không dám cãi, bởi vậy lễ cưới làm trong vòng thân mật y như ý của Tất Đắc. Nhưng vì Thứ Tiên có thông báo trước trong hai tờ báo bởi vậy trước giờ làm lễ cưới có ba chiếc xe hơi lộng lẫy ở trên Nam Vang xuống tới đậu một dọc trước nhà bà Huyện. 
Người nhà thấy khách lạ không biết là ai mới chạy vô trong cho Tất Đắc hay. Tất Đắc với Bạch Yến bước ra cửa mà xem. Bà Ba Hòa với con là cậu Khai đi vô trước, tiếp theo sau lại có ông Kim Sung với ông Lái Hiền nữa.
Tất Đắc chào mừng tiến dẫn Bạch Yến với khách rồi mời khách vô nhà. Cậu dắt hết lại mà giới thiệu với bà Huyện mà nói rằng đây là ba ân nhơn của cậu ở trên Nam Vang, cậu nhờ mấy ông bà thương giúp cho cậu qua Pháp học tiếp, giúp tiền bạc cho cậu ăn học 4 năm nên cậu mới thành công chuộc tội giả dối. 
Bà Ba Hòa cãi lại:
- Cậu là ân nhơn của ba bà con tôi chớ đâu phải chúng tôi là ân nhơn của cậu. Nhờ ơn cậu dạy dỗ dìu dắt nên ba đứa con của chúng tôi học được thành công rỡ ràng hết cả ba. Ơn đó dầu cậu không kể, nhưng chúng tôi làm sao mà quên được. Hôm nay cậu cưới vợ cậu không cho chúng tôi hay.  May thằng con tôi đọc báo nó ngó thấy. Tôi liền cho hai ông đây hay rồi chúng tôi hiệp nhau đi xuống mà chúc mừng cho cậu thang mây nhẹ bước, đuốc hoa rạng ngời. 
Bà Huyện vui vẻ mời bà Ba Hòa ngồi với khách đàn bà. Tất Đắc mời ông Kim Sung, ông Lái Hiền với cậu Khai, là môn đệ, lại sa lông ngồi với khách đàn ông. Thứ Tiên nhớ lời phỏng vấn nên cậu biết tông tích của khách Nam Vang, thì cậu khâm phục hết sức, phục lòng trung thành tri ân háo nghĩa. 
Ba anh sốp phơ bưng xách lễ vật vô để một bàn rồi cậu Khai với hai ông đứng dậy. Ông Kim Sung nói:
- Ngày ông thầy làm lễ thành hôn, tự nhiên mấy trò phải chung đậu mà sắm chút lễ vật đến mừng cho thầy. Nay có một mình Khai về thăm nhà còn Lương với Yum mắc ở bên Pháp. Vậy tôi với ông Lái thay thế cho hai đứa con vắng mặt hiệp với Khai đem ít vật mọn đến mừng, vì hay tin gấp quá nên không kiếm được vật chi quí giá. Chúng tôi mong ông Bác vật vui lòng nhận lễ của đệ tử còn nặng tình sư đệ hơn nữa chớ không phải nội lễ vật bao nhiêu đây mà đủ trả nghĩa đền ơn. 
Tất Đắc xúc động nên nhỏ nhẹ cám ơn.  Bên kia bà Ba Hòa mời cô Bạch Yến lại, bà móc túi lấy ra một hộp bao lụa đỏ mà đưa cho cô và nói:
- Còn thằng con lớn của tôi, chủ hãng xuất nhập cảng "Thiện Chí " nó đi không được, nên cậy tôi thay mặt đem xuống biểu cho cô dâu một chiếc cà rá để đeo chơi mà kỷ niệm ơn ông Bác vật chỉ biểu trót một năm làm cho hãng khỏi bối rối. 
Cô Bạch Yến cũng cảm xúc, có tỏ lời cám ơn và mở lấy chiếc cà rá đeo liền vô tay, cà rá có nhận hột xoàn lớn. 
Thứ Tiên kề miệng vào tai của Võ Lộ mà nói nhỏ:
- Trong bài phóng sự của tôi về đám cưới nầy tôi sẽ vạch rõ nhiều điểm đang làm những bài học quí giá cho người đời về mặt tình nghĩa và về cách xử sự. Tôi sẽ làm cho người ta thấy hễ làm phải thì gặp phải, người ta càng yêu mến Kiều bào ở xứ chùa Tháp, người ta có thiện cảm với người Cao Miên, tuy khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, khác phong tục, song cũng biết nhơn nghĩa như ai vậy. 
Võ Lộ gật đầu và cười chúm chím. 
Bây giờ ông Phán Qui mới bước lại bàn thờ lên đèn cho Tất Đắc với Bạch Yến làm lễ ông bà, có bà Huyện đứng phía trong mà chứng kiến cho con rể lạy. Việc rồi cô Cẩm Hương mời bà Huyện ngồi cho con rể lạy ra mắt. Bà Huyện mặt mày hân hoan nói:
- Thôi, đã biết nhau lâu rồi, biết mặt mà còn biết tới tâm hồn, biết tới tính tình ý chí nữa, chớ có xa lạ gì hay sao mà phải ra mắt. Má tha thứ hết, má khuyên hai con cứ tiếp tục nâng cao Ái tình, chồng trọn đạo làm chồng, vợ trọn đạo làm vợ, cho gia đình ấm êm bền vững. Đó là điều má muốn mong hơn hết, mà má chắc mấy người ở dưới Cửu tuyền cũng mong muốn có bao nhiêu đó Thôi hai con lo dọn tiệc mà đãi khách, vì đã trưa rồi. 
Rồi đó chủ khách mới nhập tiệc, đàn ông ngồi một bàn, đàn bà ngồi một bàn. Vợ chồng Tất Đắc ngồi mỗi bàn một lát đặng mời khách cho khỏi khinh bàn nào trọng bàn nào. Tiệc mãn rồi ông Phán Qui là người cao niên, ông đứng dậy chúc mừng hai họ. Tất Đắc cám ơn rồi thôi, chớ không ai đọc diễn văn hay chúc từ gì hết. Thứ Tiên nói báo sẽ đăng bài tường thuật của cậu về lễ cưới, rồi ít tuần nữa sẽ có quyển phóng sự đầy đủ của cậu về cuộc tình duyên cao thượng nầy, công chúng sẽ thấy rõ nâng cao Ái tình là chủ nghĩa hay nhứt và biết đuổi theo chủ nghĩa ấy thì bao giờ cũng được hạnh phúc mỹ mãn.
Khách Nam Vang cáo từ mà về. Mấy người lớn tuổi ở Sàigòn cũng về hết, chỉ còn Cẩm Hương với ba cậu thanh niên tân tiến ở lại đàm luận chơi với vợ chồng Tất Đắc mà thôi. 
Tự Cao bèn hỏi cô Cẩm Hương:
- Mấy ông bà ở Nam Vang không được thiệp mời, nhưng thấy lời mừng của nhà báo mà người ta rần rộ đến chúc mừng cho anh Tất Đắc, đem lễ vật đủ thứ, lại tặng cho cô dâu một chiếc cà rá để kỷ niệm nữa. Cô Đốc làm mai lại ở gần, cô có tính cho vợ chồng mới vật chi hay không. Sẵn còn em út đủ mặt đây cô trình lễ vật cho rõ ràng. 
Cô Cẩm Hương cười mà đáp:
- Có chớ. Tôi có đem một vật đợi đám cưới chung tất rồi tôi sẽ tặng cho cậu Tất Đắc với em Bạch Yến cất để dành làm vật kỷ niệm quí giá. 
Nói rồi cô bước lại tủ rượu lấy cái bóp mở ra, rút một miếng giấy đưa cho Tất Đắc mà nói:
- Tôi biếu cậu cái giấy cậu làm cho tôi năm trước đó. Cậu với em Bạch Yến để dành làm vật kỷ niệm đáng lắm. 
Tất Đắc xem sơ rồi ngó cô vừa cười vừa nói:
- Nợ của em thiếu chị mấy năm nay em vẫn nhớ hoài không bao giờ em quên. Nhưng em mang mối nợ tình nặng quá nên em mắc lo nợ đó trước. Nay em trả được rồi. Vậy em xin chị hoãn cho em thêm ít tháng, em làm việc có lương rồi em sẽ trả nợ liền cho chị. 
- Không. Tôi có đòi nợ cậu đâu. Năm đó tôi ép cậu làm giấy cho tôi cầm là vì tôi biết tánh cậu bốc rời, tôi sợ cậu gạt tôi rồi cậu bỏ dở cho tôi mang tiếng, nên tôi muốn níu chưn cậu. Tôi cẩn thận nên thủ thế như vậy mà cũng không khỏi cậu thối thoát đi mất bỏ tôi hổ thẹn với bà Huyện và em Bạch Yến tôi rầu muốn chết. Nay việc xong rồi tôi trả giấy lại cho cậu chớ đòi tiền làm chi.
Bà Huyện bước lại hỏi giấy gì vậy.  Tất Đắc trao cho Bạch Yến và biểu đọc lớn cho bà Huyện với mấy anh em nghe. Bạch Yến mới đọc:
- Tôi ký tên dưới đây là Châu Tất Đắc, 26 tuổi làm tờ nầy mà giao kết với cô Cẩm Hương, 35 tuổi, Đốc học trường tư "Nữ lưu học hiệu" tại chợ Cầu kho, như vầy: Nếu tôi cưới được cô Bạch Yến mà làm vợ thì tôi sẽ thưởng công làm mai cho cô Cẩm Hương một số bạc hai ngàn đồng. Số bạc ấy tôi đưa lần lần, sau khi cưới vợ, đưa chừng nào đủ số 2000 thì thôi không có tiền lời. Muốn cho đủ bằng cớ nên tôi làm tờ nầy cho cô Cẩm Hương cầm. Nếu tôi không giữ lời giao kết trên đây thì cô Cẩm Hương được đem tờ nầy đến Toà hộ kiện tôi mà đòi cho đủ số bạc 2000. 
Ký tên: Châu Tất Đắc. 
"Gạnh thêm. - Nếu tôi không cưới được cô Bạch Yến, bất luận tại cớ nào, thì tờ nầy kể bỏ.  "
Bà Huyện nghe đọc dứt rồi bà cười:
- Cô Đốc buộc làm tờ mà cô sơ ý, cô không giao nếu nữa chừng mà Bác vật từ hôn bỏ trốn mất thì phải thường công cho cô mười ngàn. Phải buộc như vậy mới chắc chớ. 
Cô Cẩm Hương cười mà nói:
- Thiệt tôi sơ ý. Mà tôi có dè cậu từ hôn mà trốn đâu. 
Thứ Tiên nói:
- Cái tờ nầy mà được dính vào thiên phóng sự của tôi luôn mới quí. Anh Tất Đắc cho chép hay không. 
Tất Đắc chịu cho và biểu Bạch Yến trao cho anh chép. 
Võ Lộ với Tự Cao nói tờ ấy viết trước mặt hai người. Tự Cao lại nói cậu gạnh thêm đó là tại ý cậu muốn thêm như vậy đặng nếu bạn của cậu có vì chủ nghĩa "Vô vi " mà thối thoát nửa chừng thì khỏi trả nợ. 
Thứ Tiên chép rồi cậu trả tờ ấy lại cho cô Bạch Yến, cùng với Võ Lộ và Tự Cao, cậu từ mà về, hứa hẹn bữa nào vợ chồng Tất Đắc đi lên Cao Nguyên thì sẽ tựu nhau lại mà tiễn hành. 
Qua tuần sau một buổi sớm mai xán lạn, nhà bà Huyện Hớn ở Tân Định tưng bừng náo nhiệt. Ngoài đường ba chiếc xe hơi đậu một dọc,  xe Jeep đậu trước, hai cam nhông  đậu sau. Trong nhà khách ăn uống nói cười không ngớt, có Thứ Tiên, Võ Lộ, Tự Cao và cô Cẩm Hương đủ hết. 
Tất Đắc với cô Bạch Yến đều mặc Âu phục, nai nịt gọn gàng, đương ăn uống với khách rồi từ biệt lên xe đặng trực chỉ ra vùng Cao nguyên mà tìm hầm mỏ. Bà Huyện cũng ngồi ăn uống chung với khách và con rể, tuy ngoài mặt bà phải gượng làm vui cho con rể yên lòng mà làm nhiệm vụ cho vuông tròn, song trong bụng bà chẳng khỏi nao nao nhiều ít. 
Tự Cao nói:
- Ngày trước anh Tất Đắc không thích cần lao, mà bây giờ ảnh cần lao hơn tụi mình hết. Thiệt là kỳ.
Tất Đắc cười mà nói:
- Có kỳ gì đâu anh. Thợ Trời sắp đặt, tại không cho mình biết trước nên mình tưởng là kỳ, chớ cái máy của Tạo hóa chuyển động tự nhiên, nó chạy đều đều, mình cứ để cho nó chạy thì mọi việc xong xuôi hết. Tại mình làm tài khôn, mó tay vào mà chế sửa nên máy mới chạy bậy làm cho mình bối rối chớ. Như tôi đây khi Trời đất cấu tạo tôi thành hình để làm trai Việt Nam có lẽ Tạo hóa đã sắp sẵn cho tôi đi tìm hầm mỏ mà khai thác để làm giàu cho quốc gia, giúp ích cho quần chúng. Lớn lên tôi qua Pháp mà học thì phải rồi. Tại ông thân bà thân tôi vô ý rủ nhau chết hết đi, làm cho tôi không có bạc tiền mà học tiếp, cái máy của Tạo hóa phải tạm ngừng. Ngừng chớ không phải hư, tôi biết như vậy tôi mới vu vơ mà chờ cho máy Tạo hóa phát chạy lại. Tôi theo chủ nhgĩa "Vô vi " chớ đâu phải không cần lao. Nếu tôi để tự nhiên, thì tôi sẽ cưới em Bạch Yến, rồi bà gia tôi giúp tiền cho vợ chồng tôi qua Pháp mà học tiếp chớ có gì đâu. Tại tôi nghe lời chị Cẩm Hương mó tay vô đẩy máy Tạo, bày chuyện Bác vật giả mà đào mỏ nên hư hết công việc. Mà mạng số của tôi Tạo hóa đã định rồi nên, cái máy không thể ngừng luôn được, mới xô đẩy tôi lên Nam Vang cho có người hảo tâm giùp tôi học tiếp, mà làm Bác vật cho đúng ý Trời sắp đặt. Ngày nay vợ chồng tôi phải để mẹ ở nhà một mình, dắt nhau ra đi đây là vì chúng tôi phải để cho máy Tạo chuyển động tự nhiên, không dám mó tay vào mà sửa đổi, chớ nào phải ý chúng tôi muốn bỏ mẹ mà đi. Anh Thứ Tiên anh viết phóng sự anh nên nhấn mạnh điều nầy, con người ở đời dầu thất vận cũng đừng thối chí, cứ tiếp tục mà làm, nhưng đừng làm bậy, làm riết rồi máy Tạo hóa xây theo cái định số của thợ Trời đã sắp đặt. 
Ăn uống xong rồi Tất Đắc với Bạch Yến mới từ biệt mẹ và chúng bạn mà lên đường. Cả thảy đều đưa vợ chồng Tất Đắc ra xe. Thứ Tiên mở máy chụp hình mà chụp vợ chồng Tất Đắc đương nắm tay nhau bước lên chiếc xe Jeep đậu đầu rồi chụp chung đoàn xe đủ ba chiếc, chiếc cam nhông kế đó chở một tiểu đội có võ trang đầy đủ theo hộ tống và chiếc cam nhông chót chở hai nhơn viên phụ trách, với bồi bếp hành lý và lương thực.
Ba xe từ từ rút chạy, trên xe người đi đưa tay chúc mạnh khoẻ, bên đường kẻ ở cũng đua tay chúc thành công. Cả thảy đều đứng ngó theo ngậm ngùi. 
Thứ Tiên nói:
- Thuở nay trong tuần trăng mật, người ta thường lên Đà lạt hoặc ra Long hải tìm thú vui chơi đặng hưởng hạnh phúc tân hôn. Anh Tất Đắc với cô Bạch Yến khác hơn thiên hạ, muốn hưởng hạnh phúc tân hôn lại đi lên chốn non cao rừng rậm mà vui với cảnh thú im lìm tịch mịch. 
Cô Cẩm Hương nói:
- Trong tuần trăng mật thiên hạ đến chỗ phiền hà là ý họ muốn tìm cái thú vui riêng cho họ. Còn vợ chồng cậu Tất Đắc đi lên chốn non cao rừng rậm là tại muốn tìm cái vui chung cho quốc gia, cho dân tộc.
Bà Huyện cười mà bà ứa nước mắt. 
Thứ Tiên, Võ Lộ, với Tự Cao từ biệt bà Huyện mà về luôn. 
Cô Cẩm Hương theo lời bà Huyện trở vô nhà kiếm chuyện nói cho bà khuây lãng. 
 

Xem Tiếp: ----