Nỗi buồn Giao Chỉ

Nhà có ba người, ông Bảy Công về hưu đã mười năm nay, ông Hai Phương con trai cả ông Bảy chuyên viên cao cấp Bộ kinh tế đối ngoại làm việc ở thành phố, thỉnh thoảng mới về, thằng Vũ, giáo viên trường Mỹ thuật con trai duy nhất của ông Hai, cháu nội ông Bảy. Ba người đàn ông, ba thế hệ trong căn hộ vắng bóng đàn bà nhiều khi thật cô quạnh.Mỗi người một tâm sự riêng nên họ rất ít ngồi trò chuyện với nhau. Thường chỉ có hai ông cháu ở nhà, thằng Vũ bảo ông Hai:
- Nội ơi, giá như cháu vào Đảng được nhà mình đủ một chi bộ theo điều lệ. Hàng tháng ta cùng họp, cùng ra nghị quyết, nhà sẽ đỡ buồn hơn. Phải vậy không nội?
Ông Bảy phì cười rồi chửi:
-Mồ tổ bay, cái thứ mày sinh hoạt bừa bãi làm sao đủ tư cách đảng viên.
Thằng Vũ làm bộ thở dài:
- ấy là nói để động viên nội thôi.
Ông Bảy nghiêm mặt:
- Ông không mượn con động viên kiểu đó!
Bà Bảy mất khi ông vừa nghỉ hưu. Tưởng là đi làm cách mạng suốt đời về già được ở bên nhau. Nào ngờ!... Ông Hai Phương từ chức Thứ trưởng chuyển vào phía Nam làm chuyên viên văn phòng B. Nào ngờ!... Mẹ thằng Vũ lại mất đột ngột. Thế là thằng Vũ lại từ giã Thủ đô xin chuyển về phân hiệu 3 trường Mỹ thuật cho gần ông và ba.
Ông Bảy cưng thằng Vũ lắm. ở hắn có bóng dáng thời trai trẻ của ông. Dịp này Vũ đem về nhà rất nhiều thứ lỉnh kỉnh và dơ dáy làm căn phòng giống như một cái nhà kho chứa đồ cũ. Suốt ngày người hắn lắm bê bết đất sét, thạch cao, xi măng...
- Chuẩn bị triển lãm toàn thành nội ạ. Con phải cật lực để có tác phẩm tham dự.
Sau nửa tháng hì hục gọt đẽo, Vũ cho ra đời một pho tượng bán thân bằng thạch cao giả đồng. Hắn lật tấm vải che:
- Đố nội đây là cái đầu của ai?
Ông Bảy đeo kính khoanh tay đi vòng quanh nhìn lom lom vào tác phẩm của thằng cháu mất một lúc:
- Hao hao giống cụ Nguyễn, nhà văn. Ông gật gù.
- Đúng rồi! Con tạc chân dung cụ đấy. Vũ reo lên rồi bỗng ngoẹo đầu hỏi. Sao nội bảo là hao hao? Không giống người thật hả?
- Hơi "Tây Tây " thế nào ấy Vũ à... Con khoác cho gương mặt một tính cách của dân Kô-dắc sông Đông. Mặt cụ Nguyễn không có nét ấy, gương mặt ông ta phảng phất một nỗi buồn cơ... à. à. à... phải gọi đó là nỗi buồn Giao Chỉ. Cứ tạm cho là thế, ông không rành mỹ thuật lắm nhà điêu khắc ạ.
Thằng Vũ buồn xìu:
- Người ta ca ngợi cụ là con người cương trực, dũng cảm nhất Hội nhà văn. Con muốn đưa cái nét ấy vào tác phẩm. Không ngờ bị nội chê là hơi " Tây "
Ông Bảy cười xòa, chòm râu bạc rung rung:
- Đồng ý với con nhưng trên gương mặt kẻ sĩ thường thoáng một nỗi buồn. Ông từng gặp nhà văn lúc sinh thời khỏe mạnh, ông ta bảo: " Tôi tồn tại được là nhờ biết sợ! ".
- Cảm ơn nội đã góp ý rấy hay.
Thằng Vũ xếp pho tượng vào góc nhà lấy tấm vải đậy kỹ càng, hì hục đắp phác thảo khác. Dù đã cố gắng, thằng Vũ không thể làm nổi pho tượng chân dung cụ Nguyễn thật vừa ý, bởi hắn chưa hề được gặp nhà văn lần nào. Hắn bỏ công sưu tập tất cả các tấm ảnh, ký họa cụ Nguyễn trên báo, đọc kỹ những hồi ức về ông. Nhiều lời ca ngợi ông, ai cũng nói được gặp Nguyễn lúc sinh thời trong những hoàn cảnh điển hình.Có kẻ từng bị Nguyễn ghét cay ghét đắng vẫn cố tình quên, kể lại tình cảm của ông dành cho mình đầy ưu ái mà không hề biết ngượng.Vũ rất thú vị khi đọc bài của một nhà văn Liên Xô nhận xét Nguyễn là: " Ông già tiêu biểu của phương Đông huyền bí, tính nghệ sĩ ở ông chỉ là bản sao nhân cách còn bản chính là tư chất một nhà nho uyên bác ".
Ông Hai Phương trở về sau chuyến đi Tây Âu, không quên mang cho con trai mấy tập catalô điêu khắc in opset. Vũ cho đó là món quà quý nhất.
- Lóng rày con có sáng tác không?
Vũ thở dài:
- Tạc được cái chân dung nhưng bị ông nội chê.
- Nào cho ba xem với.
Ông Hai tự lật mấy tấm vải ra: ồ, chân dung ai đây?
- Một nhà văn nổi tiếng vừa mất. Vũ trả lời.
- Nhà văn ư? Sao giống mặt quan võ thế? Đây không phải là gương mặt văn nhân!
Vũ lẩm bẩm: " Lại thêm một lời chê bai sáng suốt ". Ông Hai dường như không để ý đến nỗi buồn trong mắt con trai:
- Ba đã có dịp tham quan nhiều công viên ngoại quốc, tượng các nhà thơ, nhà văn, tượng các hoàng đế, các chính khách nổi tiếng được đặt rất nhiều. Người ta tạc theo một nguyên tắc cơ bản: chân dung các hoàng đế, các chính khách luôn ngẩng cao đôi mắt nhìn ra xa như để phác thảo những chân trời, còn chân dung các nhà thơ, nhà văn thường đang nhìn xuống mặt đất để tìm kiếm thân phận con người. ái chà, ba tưởng điều này con phải hiểu chứ?
- Cảm ơn ba. Con không ngờ ba quan tâm và am hiểu điêu khắc đến thế.
- ồ... Ông Hai cười. Đúng hơn ba quan tâm đến con Vũ ạ.
Buổi chiều ông Hai đi, vội trở lại thành phố để báo cáo kết quả chuyến công cán. Đất nước đang mở cửa làm ăn với mọi phương thế giới, việc của ông ngập đầu lút cổ.
- Mấy hộp phim màu Kodak nếu không dùng con bán đi mua ít dây thép gai tranh thủ rào lại vườn. Để gà bươi chó ỉa lung tung vậy mà chịu được hả?
Vũ " vâng " nho nhỏ rồi chui tọt vào phòng của hắn, không tiễn ba ra xe. Hắn đang buồn, nỗi buồn thường thấy ở những kẻ lực bất tòng tâm.

*

Khách hay đến thăm hai ông cháu là Mạnh, thư ký công đoàn Công ty kinh doanh tổng hợp, cháu gọi ông Bảy bằng ông chú. Mạnh sắp bước vào tuổi trung niên, tính tình điềm đạm, nhã nhặn. Khi Vũ đi vắng, Mạnh có thể ngồi hầu chuyện ông Bảy rất tâm đắc đến khuya. Khi ông Bảy đi vắng, Mạnh ngồi xem Vũ làm phác thảo rất chăm chú rồi rủ nhau cùng đi uống bia hơi.
- Anh đúng là đại diện của giai cấp công nhân. Vũ chọc. Mạnh cười buồn buồn. Cái nét mặt buồn của dòng họ Huỳnh có lẽ đã hình thành từ thời xa xưa,thời ông tổ đóng khố ở trần vác con dao phảng đặt chân lên mảnh đất xa xứ này khai khẩn đất hoang.
- Chú nói vậy nghĩa là... Mạnh phân vân.
- Em phục anh hòa hợp được với mọi hạng người trong thân tộc lẫn ngoài xã hội.
- Chú ngộ nhận. Anh không thể hòa hợp với ba chú đâu. Anh tin ông Bảy là người cộng sản chân chính, tin chú sẽ trở thành nhà điêu khắc có tài nhưng không tin ba chú là một chuyên viên kinh tế thực thụ. Mạnh thở dài. Ba chú cũng chẳng tin anh: " Thằng Mạnh quê mùa, cù lần làm sao lãnh đạo kinh doanh được. " Không có lòng tin, không có sự hòa hợp đó chỉ là sự giàn hòa thôi.
Bây giờ thì Vũ hiểu vì sao Mạnh không đến chơi những lúc có ông Hai Phương ở nhà. Trái lại ông Bảy quý mến Mạnh như người bạn tâm giao đồng trang lứa. " Người nhân hậu như anh Maẽnh bây giờ hiếm lắm!". Vũ lờ mờ so sánh, ông nội quý Mạnh hơn cả ba ruột mình. Ông đem cả tấm huy hiệu Năm mươi năm tuổi Đảng ra khoe với Mạnh: " Ông tự thấy bằng lòng không làm hổ danh dòng họ Huỳnh ta! "
Trái với bản tính hóm hỉnh thường ngày, từ bữa ấy mỗi khi nhìn tấm bằng chứng nhận được đeo huy hiệu treo trên tường, không hiểu sao ông có vẻ hơi buồn. Hàng tháng Câu lạc bộ hưu trí thường tụ họp khá đông.Có lần ông Bảy được mời lên kể những kỷ niệm của thời hoạt động. Không giống với những vị hưu trí bầu máu nóng chưa nguội hẳn, ông Bảy kể: " Đời tôi đi theo Đảng buồn vui nhiều không nhớ hết. Có hào hùng, có đau thương, nhưng gần đây tôi bỗng nhớ đời có ba lần giật mình. Xin kể hầu chư vị:
Lần thứ nhất, lúc tôi mới vào Đảng, được thượng cấp phân công vượt biên sang Thái Lan bắt liên lạc.Cứ nghĩ mình chưa để lộ hành tung lại khéo trà trộn vào đám dân buôn lậu nên không sợ mật thám Pháp phát hiện. Bất ngờ cửa khẩu biên giới đóng lại, cả đám bị bắt đưa về bót Catina - Sài Gòn.Chúng bắt từng người vào phòng kín làm tờ khai, tôi đang cặm cụi hư cấu một sơ yếu lý lịch theo căn cước giả, cánh cửa sau lưng bật mở kèm theo tiếng gọi lớn:
- Bảy Công! Đồng chí Huỳnh Thành Công! Lại gặp mày ở đây.
Tôi giật mình đánh rơi cây viết Paker. Quay lại nhìn, thôi chết mẹ, thằng chánh mật thám Sô-nhi. Hắn cười, nói tiếng Việt rất sõi. Dẹp mấy tờ khai của mày đi. Mày vừa bước xuống xe tao đã nhận ra còn giả bộ làm gì cho mệt. Ha ha... Thượng cấp của mày đang ngồi bên kia. Hắn khai ra hết rồi con ạ! Ngu như mày cũng đòi làm cách mạng!
Đó là lần giật mình đầu tiên trong đời. Tôi bị đày ra Côn đảo cho đến ngày Độc lập trở về, ra Trung ương công tác.
Lần thứ hai, đang ngồi làm việc ở văn phòng, thấy chú em công vụ lừ đừ đi vào mắt nhìn gườm gườm. Mình chưa kịp lên tiếng hỏi có chuyện gì, hắn đứng nghiêm chỉ tay vào mặt quát:
- Huỳnh Thành Công. Mày đi theo tao ngay lập tức. Lên Đội gặp!
Tôi giật mình. Mồ hôi đổ hột. Không lẽ bỏ nhà đi theo Đảng bấy nhiêu năm, bản thân vẫn nguyên xi thành phần địa chủ. Ruộng đất ông bà già ở tít trong Nam, ngoài này mình vẫn không thoát khỏi đấu tố cải cách ruộng đất. Nhìn chú em công vụ tố khổ vừa tức vừa thương. Hắn theo mình từ Việt Bắc về, quê Thái Bình, không cha không mẹ lang thang, mình nhận làm em nuôi lo cho từ bộ quần áo mặc đến đôi dép xỏ chân. Ai ngờ hắn đứng ra tố mình là quân bóc lột bẩn thỉu làm như hắn từng là tá điền của ông bà già.Thưa các vị, đó là lần giật mình thứ hai đáng nhớ.
Lần thứ ba, lúc mới về hưu, nghĩ mình còn khỏe mạnh, khỏi phiền con cháu,đạp xe cầm sổ đến Cửa hàng lương thực mua gạo. Cũng chồng sổ ngồi đợi đến lượt như mọi người, chẳng biết góp chuyện gì nhưng thích nghe người ta nói vui. Đến trưa, bụng đói tay run, bỗng nghe cô bán hàng gọi giọng chua lè như dấm:
- Công đâu? Công? Ai là Công? Điếc hả? Vào lấy sổ về, hết gạo!
Con nhỏ bán hàng chưa đến hai mươi tuổi, nghĩa là nó còn nhỏ hơn cháu nội, thế mà nghe giọng tôi giật mình rụng rời chân tay, mắt nẩy đom đóm. Các ông già hưu trí cười rộ:
- Hay giật mình như ông Bảy, sống lâu được, kể cũng lạ!
- Giật mình kiểu đó dễ bị lên tăng-xông lắm!
Ông Bảy nhếch mép cười, nụ cười rúm ró già nua:
- Tôi năm nay Thất thập cổ lai hy, đó là nhờ không giữ chức vụ nào quan trọng.
...Thằng Vũ nhận xét: " Nội làm chính trị mà tâm sự lại giống người nghệ sĩ. Sai lầm của nội cũng là sự may mắn! "
Ông Bảy nghe, nói lãng sang chuyện khác:
- Ba con ít về thăm nội quá...
- Ba vừa được đề bạt giám đốc Hãng tư vấn đầu tư, được cấp nhà riêng, nghe nói được cấp thêm một cô thư ký riêng trẻ đẹp nữa nội à?
Ông Bảy trừng mắt:
- Ăn nói bậy bạ.
Thằng Vũ cười tủm tỉm:
- Họ bảo tuổi hồi xuân là ghê lắm, phải không nội.
Ông Bảy la lên:
- Ơ, cái thằng... không có chuyện gì để nói hả?

*

Tai họa đổ xuống nhà người cháu giống như trời giáng. Chiều ba mươi tết, Mạnh đem quà đến chúc Tết ông chú, quay ra cửa bị hai thanh niên say rượu đi hon-đa tông phải. Mạnh chết giữa tuổi ba chín, để lại vợ và ba đứa con nhỏ chưa biết khóc cha.
Như có linh tính báo, trước đó mấy phút trong khi trò chuyện ông Bảy có chúc anh:
- Sang năm mới, tiến bộ hơn năm cũ nghe!
Mạnh thở dài:
- Dạ, cảm ơn ông. Công ty con đang lục đục....
- Nghe nói anh được phiếu tín nhiệm cao nhất công ty.
Ông Bảy hồ hởi. Có năng lực, có phẩm chất, không khí đổi mới này tất nhiên sẽ gặp nhiều thuận lợi chớ.
- Xin lỗi ông. Mạnh buồn rầu. Khi Đảng cần người già mình còn quá trẻ, khi Đảng cần người trẻ mình lại bắt đầu già, khi Đảng cần đàn bà mình là đàn ông! Cực lòng lắm! Cháu cảm thấy chẳng còn ham muốn gì nữa.
Ông Bảy sụm xuống bên quan tài Mạnh. Cả Công ty không nhà nào ăn tết vì thương anh. Thằng Hùng em trai Mạnh từ Campuchia về phép, kịp đứng ra chịu tang. Hùng trực ba ngày ba đêm liền, thỉnh thoảng Vũ đứng vào thay thế nhưng hắn khóc to quá làm nhiều người nát ruột. Giờ động quan, sư thầy Thiền Lâm đọc một bài kinh cầu siêu, nỗi đau vợi đi đôi chút. Thằng Vũ thắc mắc:
- Anh Hùng có hiểu lời kinh của sư thầy không?
- Chịu, bên Campuchia anh nghe sư thầy tụng kinh cũng giống như bên ta. Bọn lính trong đơn vị nhại theo giống như tên vũ khí: " A-ka, E-rờ-PĐ, xê-ca-xê, bê-bốn-mươi, cờ-lây-mo, tê-en-nờ-tê... "
Ông Bảy gắt Hùng:
- Mày còn đùa được hả!
Ông giám đốc Công ty năm nay đã ngoài lục tuần kính cẩn đọc một bài điếu văn: Vô cùng thương tiếc đồng chí Huỳnh Mạnh. Rõ ràng, không hiểu sư thầy đọc kinh, nhưng ai cũng thấy xúc động hơn, được an ủi nhiều hơn là nghe bài điếu văn của lãnh đạo Công ty, của Ban lễ tang.
Ông Bảy dường như cũng nguôi ngoai phần nào. Thằng Vũ ngắm khuôn mặt ông nội đang trầm ngâm đau đớn, chưa bao giờ trong đôi mắt ấy có những nét buồn thân thương đến thế. Cả chòm râu hay kể chuyện hóm hỉnh thường ngày cũng ướt đẫm nỗi buồn.
Đầu năm mới, nhưng ông Bảy vẫn linh cảm tới điều rất gần gũi sẽ đến với mình. Đó là cái chết.
- Bao giờ ông mất, con nhớ mời sư thầy đến tụng kinh nghe Vũ.
- Trời ơi! Ông nói chuyện xui xẻo!
- Không, đó là lẽ thường tình ở đời thôi con ạ.
Đúng vào lúc hạ huyệt, đám ma vừa lấp đất vừa gào khóc, thằng Vũ đỡ ông Bảy ra khỏi vòng người, trong đầu hắn bật lên dự định chưa từng có:
" Mình sẽ tạc chân dung ông nội. Tiếc cái nỗi buồn vô biên trên gương mặt ông, nỗi buồn muôn thuở của dòng họ Huỳnh. Ngay đêm nay mình phải bắt đầu làm phác thảo. Tác phẩm sẽ mang tên:" Nỗi buồn Giao Chỉ. "
1992