Từ trái sang: Các nhà thơ Quách Tấn, Nguyễn Đình, Chế Lan Viên năm 1941. Những vần thơ Chế Lan Viên làm ra đã khiến Hàn Mặc Tử kinh ngạc. Đọc thơ của Chế, thi sĩ họ Hàn tìm ra được một hướng sáng tác: những bài thơ điên loạn. Trước đó, ông đã nghiên cứu rất kỹ trường thơ tượng trưng của Pháp. Quy Nhơn - Bình Định là vùng đất thiêng. 500 năm trước, vùng đất này là chiến trường đẫm máu. Một vương triều sụp đổ, bao nhiêu chiến binh tử trận. Thành Đồ Bàn ngày nào còn lại một dãy gò sỏi mênh mông với những tháp Chàm đổ nát. Từ xưa, nhiều thi sĩ khi qua đây đã cảm xúc bật ra những vần thơ thống thiết. Vào những năm 1930-1945, Quy Nhơn - Bình Định bỗng trở thành vùng đất cực thịnh của văn chương nghệ thuật. Nơi đây tập trung toàn những thi sĩ tầm cỡ. Thuở ấy, có cậu học trò nhút nhát thích làm thơ tên là Phan Ngọc Hoan. Đắm mình trong không gian huyền hoặc của cõi Đồ Bàn, Hoan đặt cho mình cái tên Chế Lan Viên rồi khóc than người đã khuất bằng tập thơ Điêu tàn với những câu thơ thật lạ lùng: "Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn". Năm 1936, từ Sài Gòn trở lại Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử đã gặp Chế Lan Viên. Chế tìm đến Tử như tìm đến một ông thày dạy làm thơ. Thế nhưng những vần thơ của Chế đã khiến Tử kinh ngạc: "Chiều hôm nay bỗng nhiên ta lạc bước Vào nơi đây thế giới vạn cô hồn Hởi người chết tỏa đầy trong gió lướt Tiếng máu kêu rung chuyển cỏ xanh non Trên một nấm mồ tàn ta nhặt được Khớp xương ma trắng tựa não cân người Tủy đã cạn nhưng vẫn đầm hơi ướt Máu tuy khô còn đượm khí tanh hôi". Trước đó, Hàn Mặc Tử đã nghiên cứu rất kỹ về trường phái thơ tượng trưng của Pháp. Chàng mong muốn tạo ra một trường phái thơ cho riêng mình. Giờ đây Chế đã làm lóe lên trong đầu Tử cái mà lâu nay chàng đi tìm nhưng chưa thấy. Trước đó, khi Yến Lan hoàn thành bản thảo tập Giếng loạn, Tử đã mơ hồ nghĩ đến một thứ thơ "không giống ai". Bây giờ đọc thơ của Chế, Hàn Mặc Tử đã tìm ra được một hướng sáng tác: những bài thơ điên loạn. Vì vậy, ngay trong ngày Chế Lan Viên và Yến Lan đem bản in đặc biệt của tập Điêu tàn đến cho chàng xem, chàng hồ hởi công bố ngay việc thành lập Trường thơ loạn. Từ đó, dưới ngọn cờ của chủ soái Hàn Mặc Tử, các thành viên trong Trường thơ loạn say sưa sáng tác. Có những đêm cả bọn đem chăn màn ra bờ biển ở lại suốt đêm để thả hồn theo những vần thơ kỳ dị. Thơ của các thi sĩ Trường thơ loạn tràn ngập trăng, hồn, máu, bóng ma, sọ người, xương cốt, tinh tủy... Tất cả say sưa bước chân vào thế giới rùng rợn đó. Nếu Hàn Mặc Tử thích thú với hồn để viết: "Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt Như mê man chết điếng cả làn da" thì Chế Lan Viên lại khoái... sọ người hơn: "Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta Để những giọt máu đào còn đọng lại Theo hồn ta tuôn chảy những lời thơ Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô". Việc nhóm thơ Bình Định cho ra đời Trường thơ loạn khiến văn thi hữu khắp nơi bàn tán xôn xao. Nhiều người hoan nghênh nhưng cũng không ít người chê bai. Hoài Thanh kể: "Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mặc Tử nhiều lắm. Có người bảo: Hàn Mặc Tử thơ với thẩn gì, toàn nói nhảm! Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: Thơ gì mà rắc rối thế. Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc gì, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!". Đặc biệt Xuân Diệu là người ghét cay ghét đắng những vần thơ điên của Tử. Hoài Thanh kể tiếp: "Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mặc Tử khi viết đoạn này: Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống”. Đúng là những vần thơ điên của các thi sĩ đã gây shock cho nhiều người. Nhưng thật ra đó chỉ là một cách giải quyết sự bế tắc trong tư tưởng mà thôi. Hàn Mặc Tử đã dẫn dắt các thi sĩ sáng tác khá nhiều vần thơ kỳ dị cho đến lúc chàng rời bỏ cuộc đời vào năm 1941. Sang năm 1942, đến lượt Bích Khê cũng vĩnh viễn ra đi. Trường thơ loạn từ đó tan rã.