Dịch giả : Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh
Chương 6

Đến bây giờ tôi đã chịu tang Tsurukawa được gần một năm tròn. Mỗi khi thấy mình cô độc, tôi lại nhận thấy làm quen với những nếp sống này, đối với tôi, thật là dễ dàng; và rằng, cuộc sống ít phải cố gắng nhất đối với tôi chính là cuộc sống tôi không bị bó buộc phải nói năng gì với ai hết. Tôi đã bỏ được sự bực tức đối với cuộc đời. Mỗi một ngày chết đi đều có niềm vui riêng của nó.
Thư viện đại học là nơi duy nhất tôi thích tới lui. Tôi không đọc sách nói về Thiền, nhưng ham những tiểu thuyết phiên dịch và tác phẩm triết học mà tôi tình cờ vớ được. Tôi ngại ngùng không muốn kể tên những văn gia và triết gia ấy. Tôi nhận rằng họ đã ảnh hưởng ít nhiều đến tôi và tôi cũng nhận rằng chính họ đã là nguyên nhân chính yếu của hành vi ấy; tuy thế tôi lại cho rằng hành vi ấy chính là sự độc sáng của tôi; đặc biệt, tôi không hề muốn bào chữa cho rằng đã có một triết học ký thành nào đó thúc đẩy hành vi này cả.
Như tôi đã giải thích việc những người khác không hiểu tôi đã là nguồn kiêu hãnh duy nhất đối với tôi ngay từ thời niên thiếu, và tôi chẳng hề cảm thấy có chút mảy may xung động nào cổ vũ tôi tỏ bầy sao cho người khác hiểu được mình. Khi tự mình cố gắng làm sáng tỏ tư tưởng và hành động của mình, tôi không có chút đắn đo, châm chước nào hết. Tôi không rõ có phải đó là vì tôi muốn tự hiểu chính mình hay không. Một xung động như vậy thường theo bản tính chân thực của một người đến để tạo nên nhịp cầu nối liền người đó với những người khác. Vẻ đẹp của Kim Các Tự đã làm tôi say sưa và làm cho một bộ phận trong con người của tôi trở nên mịt mờ; và vì sự say sưa này đã cướp mất của tôi những hình thức say sưa khác nên buộc lòng tôi phải đối kháng bằng cách dùng ý chí mà giữ gìn những bộ phận minh triết của riêng tôi. Tôi không biết gì về người khác, nhưng trong trường hợp của tôi, chính sự minh triết là tôi và ngược lại, tôi không phải là người chủ trì sự minh triết ấy.
Bây giờ là thời gian nghỉ đầu Xuân niên khóa (1948) Chiêu Hòa năm thứ hai mươi ba, năm thứ hai tôi lên đại học. Một tối Lão sư phụ có việc bận nên đi vắng. Vì không có một người bạn nào nên phương cách duy nhất để tôi khai thác thời gian tự do may mắn này là đi tản bộ một mình. Tôi rời chùa, đi bộ ra bên ngoài Tổng môn. Phía bên ngoài có một rãnh nước chạy ven cổng chùa; bên cạnh rãnh nước này có dựng một tấm bảng gỗ. Tôi đã nhìn quen tấm bảng cũ kỹ này từ lâu lắm rồi, nhưng bây giờ tôi đang dừng lại trước nó và vẩn vơ đọc những hàng chữ đắm mình trong ánh trăng:
    CHÚ Ý
    1- Cấm tất cả mọi biến cải chạm tới hiện trạng bên ngoài của nơi này, trừ trường hợp có giấy phép đặc biệt.
    2- Cấm tất cả những hành vi có thể ảnh hưởng tới sự bảo tồn nơi này.
    Yêu cầu dân chúng chú ý đến những điều kể trên. Bất kỳ người nào vi phạm cũng sẽ bị xử phạt theo quốc pháp.
    Bộ Trưởng Nội Vụ             Ngày 31 tháng 3, (1928)
    Chiêu Hòa năm thứ ba
Rõ ràng là tấm bảng này nhắm vào Kim Các Tự. Tuy nhiên, thực khó mà nắm vững được ám thị trong những ngữ cú trừu tượng ấy. Tôi không sao ngăn được ý nghĩ cho rằng một tấm bảng bố cáo như thế này thực ra chỉ tồn tại ở một thế giới nào hoàn toàn khác biệt với thế giới của ngôi chùa bất biến này. Chính lời bố cáo cũng dự liệu một hành vi khó hiểu hoặc khó thực hiện nào đó. Nhà lập pháp đã soạn ra những luật lệ này và đã mô tả hành vi này một cách khái quát như thế hẳn phải là một người đã hoàn toàn mù mịt, không biết đường nào mà mò. Vì lẽ chỉ có người điên mới có thể mưu đồ những hành vi này. Mà làm sao người ta có thể làm cho một thằng điên sợ trước bằng cách đe dọa trừng phạt hành vi của nó? Điều cần thiết có nhẽ là một thứ văn tự đặc biệt mà chỉ những thằng điên mới có thể đọc nổi.
Đang bận bịu với những ý nghĩ vẫn vơ, trống rỗng này thì tôi nhìn thấy một bóng người đang đi trên con đường lớn ở trước cổng chùa. Vào giờ này không có một dấu vết gì của những đám người đến vãn cảnh vào ban ngày, chỉ có hàng thông tắm ánh trăng và đèn trước mũi xe hơi tràn ngập bóng đêm khi xe đang chạy ngược chạy xuôi trên xa lộ cách chỗ tôi đang đứng.
Bất chợt tôi nhận ra hình dáng Kashiwagi. Nhìn cách bước đi, tôi có thể bảo đúng là nó. Lúc ấy và tại đó tôi quyết định chấm dứt sự xa cách giữa hai đứa mà tôi đã lựa chọn trong suốt năm học vừa qua để chỉ nghĩ tới sự cảm tạ của tôi đối với nó, vì nó đã chữa cho tôi khỏi bệnh trong quá khứ. Bởi vì quả chính là nó đã chữa cho tôi khỏi bệnh vào thời gian ấy. Từ cái ngày đầu tiên tôi gặp nó, nó đã chữa cho tôi khỏi những ý nghĩ què quặt bằng cặp chân què quặt xấu xí của nó, bằng sự phơi bầy triệt để tâm tình của nó. Đáng lẽ tôi phải nhận ra ngay niềm vui khi, lần đầu tiên, có thể tiếp truyện với một người trên căn bản bình đẳng với mình mới phải. Hẳn tôi phải tận hưởng niềm vui gần như nguồn vui làm một việc ác đức tự đắm mình xuống đáy của ý thức chính xác rằng mình vừa là người đi tu vừa là đứa nói lắp. Tuy nhiên, vì tôi chơi với Tsurukawa nên tất cả những cái này đã bị quét sạch.
Tôi mỉm cười chào đón Kashiwagi. Nó mặc bộ đồng phục sinh viên và vác một bó nho nhỏ, dài dài.
“Sắp sửa đi đâu đấy à?” nó hỏi.
“Không.”
“May quá gặp cậu,” nó nói. Nó ngồi xuống một bậc đá rồi mở tung cái bó ấy ra.
“Cậu thấy đây này.” Nó vừa nói vừa đưa cho tôi xem hai ống dài bóng lộn, đen nhánh lắp lại thành cái sáo tre. “Ông bác mình ở quê vừa mới qua đời có để lại cho mình cây sáo này làm kỷ vật. Nhưng mình còn có cái khác ông đã cho mình từ lâu khi ông dạy mình chơi sáo. Cái này xem ra lại còn đẹp hơn, nhưng mình thích cái mình đã quen rồi và chẳng có lý gì mình lại dùng hai ống sáo một lúc. Bởi thế mình mang cái này đến cho cậu.”
Đối với một người như tôi chưa hề bao giờ được nhận quà tặng cả bất kỳ ai, đây thật là niềm vui to lớn khi được một tặng vật không cần biết cái đó là cái gì. Tôi cầm cây sáo lên và xem kỹ. Mặt trước có bốn lỗ và mặt sau có một lỗ.
“Mình đã học cách thổi sáo của dòng Kinko,” Kashiwagi nói tiếp. “Vì đêm nay trăng đẹp, để thay đổi một chút, mình nghĩ phải sang Kim Các Tự mà thổi sáo đấy. Đồng thời mình lại nghĩ có thể dậy cho cậu thổi sáo nữa.”
“Cậu chọn thật đúng lúc,” tôi nói. “Lão sư phụ đi vắng không về chùa đêm nay, cậu ạ. Ngoài ra, lão quản gia già nua lười biếng vẫn chưa quét tước xong. Chỉ khi nào quét tước đâu vào đấy người ta mới đóng các cổng chùa lại.”
Nó đường đột hiện ra ở cổng chùa và cũng đường đột ngỏ ý muốn thổi sáo ở trong chùa vì đêm trăng thật đẹp. Đúng là thằng Kashiwagi quen thuộc của tôi. Mặt khác, trong cuộc sống đơn điệu của tôi, nguyên sự ngạc nhiên cũng đã làm tôi vui thích rồi. Tay cầm cái sáo mới có, tôi dẫn Kashiwagi vào chùa.
Tôi không rõ đêm ấy chúng tôi đã nói chuyện về những gì. Tôi không nghĩ chúng tôi đã nói đến cái gì đó thực rõ rệt. Kashiwagi không tỏ vẻ gì muốn đi sâu vào thứ triết học kiêu kỳ thường lệ và những nghịch thuyết gai góc của nó. Có lẽ nó đã dụng tâm tìm tới để cho tôi thấy một khía cạnh riêng biệt của nó mà từ trước đến giờ chưa bao giờ tưởng tượng đến. Và quả vậy, đêm ấy, người thanh niên này với miệng lưỡi báng bổ, độc địa dường như chỉ để ý đến cái đẹp khi nào có thể đem ra bôi lọ, đã để lộ cho tôi thấy một khía cạnh vô cùng tiêm tế riêng của con người nó. Nó có một lý luận tinh mật về cái đẹp hơn tôi rất nhiều. Nó không nói ra lời cho tôi hay, nhưng bằng dáng điệu và ánh mắt, bằng điệu nhạc nó thổi trên ống sáo và vầng trán nhô ra dưới ánh trăng.
Chúng tôi dựa lưng vào hàng song sắt tầng hai của Kim Các Tự, nghĩa là Triều Âm động. Hàng hiên dưới mái chùa hơi cong cong lên có tám cây sà theo lối Thiên Trúc chống đỡ, hình như nhô lên từ mặt ao, nơi mặt trăng đang nằm ngủ. Thoạt tiên, Kashiwagi thổi một tiểu khúc tên là “Ngự Sở Xa”. Tài khéo của nó làm tôi kinh ngạc. Tôi cố gắng bắt chước nó, kề môi vào lỗ sáo nhưng tôi không làm sao thổi nên thành tiếng được. Sau đó, nó cẩn thận dạy tôi dùng tay trái giữ phần trên ống sáo ra làm sao và để ngón tay vào đúng lỗ sáo ra làm sao; nó lại còn chỉ tôi cách há mồm để ngậm miệng sáo và cách thổi hơi vào mảnh kim khí mỏng ở trong như thế nào. Tuy thế, mặc dù đã thử đi thử lại nhiều lần, tôi vẫn không sao tạo nên được âm thanh nào cả. Tôi hết sức phồng mang trợn mắt; và tuy không có gió, tôi vẫn có cảm giác mặt trăng đang nằm ngủ dưới ao đã vỡ tan ra thành hàng nghìn mảnh vụn.
Thổi được một lúc tôi mệt đừ cả người; bất giác tôi sinh nghi có thể Kashiwagi đã dụng tâm làm thế này chỉ cốt để trêu chọc tôi về tật nói lắp. Tuy nhiên, cái khổ công cố gắng tạo nên một âm thanh nhất định không bật ra dường như gạn lọc cái nổ lực tinh thần thông thường ấy của tôi, nhờ đó tôi đã cố gắng hết sức tránh lắp bắp bằng cách xô đây những lời nói đầu tiên ra khỏi miệng mình. Tôi cảm thấy dường như những âm thanh ấm ức, tắt nghẹn chưa chịu thoát ra ấy tồn tại xác thực ở một nơi nào đó trong cái thế giới tĩnh mịch, chan hòa ánh trăng này. Nếu như tôi đạt tới và đánh thức những âm thanh ấy sau nhiều phen cố gắng khác nhau thì tôi cũng đã thỏa mãn lắm rồi.
Làm cách nào tôi có thể đạt tới âm thanh ấy - cái âm thanh huyền diệu giống như âm thanh Kashiwagi đang thổi ra từ ống sáo của mình? Phải có huấn luyện tinh thục thì mới làm được việc đó. Cái đẹp là sự huấn luyện tinh thục. Trong óc tôi nẩy ra một ý nghĩ khiến cho tôi phấn khởi; nếu như Kashiwagi mặc dù có đôi chân què quặt xấu xí có thể đạt tới những âm thanh trong vắt, tuyệt vời như thế thì hẳn là tôi cũng có thể đạt tới cái đẹp nhờ sự rèn luyện tinh thục. Nhưng tôi còn nhận thức được một điều khác nữa: Kashiwagi chơi bài “Ngự Sở Xa” nghe thật hay, không phải chỉ vì bối cảnh đêm trăng sáng nên thơ mà còn vì cặp chân tật nguyền, xấu xí của nó nữa.
Sau này khi hiểu rõ Kashiwagi hơn, tôi mới biết rằng nó ghét vẻ đẹp lâu bền. Sự ưa thích của nó giới hạn trong những thứ như là âm nhạc, vì âm nhạc biến tan tức khắc; hoặc các lối cắm hoa vì hoa tàn úa trong vài ngày; nó ghét kiến trúc và văn chương. Rõ ràng là nó chẳng bao giờ nghĩ đến việc tới thăm Kim Các Tự nếu như không có một đêm trăng như đêm nay.
Tuy nhiên, cái đẹp của âm nhạc mới lạ lùng làm sao! Cái đẹp ngắn ngủi mà người tấu nhạc làm nên biến đổi một khoảng thời gian nhất định thành một giai đoạn liên tục thuần túy; chắc chắn chẳng bao giờ lặp lại; giống như cuộc đời của những con phù du hoặc những sinh vật đoản mệnh như thể đẹp là một cái gì hoàn toàn trừu tượng và là sự sáng tạo ra chính cuộc sống vậy. Không có gì giống cuộc đời cho bằng âm nhạc; tuy nhiên, mặc dù Kim Các Tự cũng có vẻ đẹp như thế, song không có cái gì lại có thể xa cách hơn và khinh miệt cuộc sống hơn là vẻ đẹp của ngôi chùa này. Kashiwagi vừa chấm dứt bài “Ngự Sở Xa” thì âm nhạc - cái cuộc đời hư huyễn ấy - cũng chết theo, và không còn gì sót lại ở đấy ngoại trừ với những nhận thức đen tối, tất cả đều không suy suyển, không đổi thay.
Hẳn rằng chẳng phải là Kashiwagi tìm kiếm niềm ai ủi ở trong cái đẹp. Chẳng cần bàn cãi lôi thôi gì hết tôi cũng biết rõ điều ấy. Trong một khoảnh khắc sau khi làn hơi của nó đã tạo nên cái đẹp trong không khí, cặp chân què quặt, tật nguyền và cái nhận thức hắc ám của nó vẫn tồn tại ở đó, rõ rệt hơn và tươi mát hơn trước. Tính cách vô ích của cái đẹp, việc cái đẹp ấy đã đi qua thân xác nó mà chẳng để lại bất kỳ một dấu vết gì, tuyệt đối không thay đổi cái gì hết - đó là điều Kashiwagi yêu thích. Nếu đối với tôi nữa cái đẹp có thể là một cái gì giống như thế, thì đời tôi sẽ trở nên nhẹ nhõm biết bao!
Tôi cứ cố gắng làm theo lời Kashiwagi chỉ dẫn không biết đến bao nhiêu lần. Máu dồn lên làm cho mặt tôi đỏ bừng và hơi thở dồn dập, hổn hển. Rồi thì, y như là tôi bất chợt biến thành một con chim, y như là một tiếng chim chợt buột ra khỏi cổ họng tôi, ống sáo bỗng bật ra thành một âm thanh thực vang to, thực man rợ.
“Đó, được rồi đó!” Kashiwagi vừa nói vừa kêu to. Hiển nhiên đó không phải là một tiếng nhạc êm tai nhưng vẫn cùng một âm ấy cứ lần lượt ra khỏi ống sáo. Rồi tôi mơ màng tưởng tượng rằng âm thanh thần bí này như không phải do tôi phát ra mà chính là tiếng hót của con phượng hoàng bằng đồng vàng óng ấy ở trên đầu chúng tôi vậy.
Sau đấy tôi dùng cuốn sách tự luyện mà Kashiwagi cho tôi để mỗi đêm tập dượt thật kỹ cho mỗi ngày một khá hơn. Chẳng bao lâu tôi đã có thể thổi những bài như “Mặt Trời Đỏ Nhuộm Màu Trên Mặt Đất Trắng Xóa” và phục hồi mối thân tình trước kia của tôi đối với Kashiwagi.
Vào tháng năm tôi nghĩ là phải cho Kashiwagi cái gì để chứng tỏ với nó là tôi thích ống sáo lắm lắm. Nhưng tôi lại không có tiền để mua quà tặng cho nó. Tôi thành thực nói cho Kashiwagi hay nỗi khó khăn của tôi. Nó bảo tôi rằng nó không muốn cái gì phải mua tốn tiền cả. Rồi thì chẩu cái mỏ ra một cách kỳ diệu, nó nói: “Ừ, vì cậu đã lỡ nói đến điều này, thực ra tớ có thích một cái. Đã mấy ngày nay tớ muốn cắm hoa một bận chơi, nhưng hoa lại đắt quá là đắt. Tớ nghĩ lúc này đang vào mùa hoa đỗ nhược và Bạc xương bồ trong Kim Các Tự. Cậu thử nghĩ xem cậu có thể mang cho tớ bốn năm bông hoa đỗ nhược - một loại bông hoa còn đang nụ, hai bông mới chớm nở và hai bông đã nở trọn rồi - hay không? Cậu cũng nên cho tớ sáu bảy bông mộc tặc nữa. Đêm nay chắc được lắm. Thế tối nay mang đến chỗ nhà trọ của tớ có được không?”
Chỉ sau lúc đã nhẹ dạ nhận lời tôi mới ý thức được rằng thằng này đang thực sự xúi tôi bước vào vòng trộm cắp. Muốn cho khỏi mất mặt tôi chỉ còn có cách đi ăn trộm hoa mà thôi.
Tối đó trong bữa dược thạch chúng tôi không có gạo để nấu cháo, chỉ có rau luộc và bánh mì đen ném chó chó chết. May thay hôm đó là ngày thứ bảy và vào lúc chiều đã có mấy người đi vắng khỏi chùa. Đêm nay là đêm “Nội Khai Chẩm”: mọi người có thể rời chùa từ sáng sớm đến mười một giờ đêm mới trở về; ngoài ra, buổi sáng hôm sau, gọi là “Tẩm Võng”, chúng tôi được phép dậy trưa. Lúc chúng tôi thức dậy, Lão sư phụ dã đi ra khỏi chùa rồi.
Mặt trời lặn hồi sáu rưỡi chiều. Trời bắt đầu nổi gió. Tôi ngóng chờ hồi chuông sơ dạ bắt đầu. Lúc tám giờ tối tiếng chuông lanh lảnh, cao vút từ Hoàng Chung điện bên trái cổng giữa báo hiệu phiên gác đầu tiên; cả thảy mười tám tiếng gióng lên ngân nga, lơ lửng vang dội mãi trong không khí.
Gần Thấu Thanh trong Kim Các Tự có một thác nước nhỏ có hàng rào bao quanh nửa vòng; thác này dẫn nước từ ao sen vào Kính Triều trì rộng lớn. Chính ở chỗ này những cây đỗ nhược mọc lên rậm rạp, chi chít. Vào lúc ấy hoa đã nở được vài ngày trông cực kỳ đẹp đẽ. Khi tiến lại gần, tôi chợt nghe tiếng các bụi đỗ nhược sột soạt cọ vào nhau trong gió đêm. Những cánh hoa màu tím cao chót vót rung rinh trong tiếng nước chẩy thì thầm. Khu vườn ở chỗ này tối như bưng; màu tím của hoa và màu lục nhợt của lá trông đều đen xì như nhau. Tôi cố sức ngắt hai ba bông hoa đỗ nhược: nhưng vì gió thổi hoa và lá cứ tuột khỏi tầm tay và một chiếc lá đã làm tay tôi chảy máu.
Sau cùng, tôi tới phòng trọ của Kashiwagi, hai tay ôm đầy những bó hoa đỗ nhược và xương bồ thì Kashiwagi đang nằm đọc sách. Tôi lo sợ phải gặp cô gái trong nhà trọ trước đây dã đi chơi núi với bọn tôi, nhưng may thay hình như cô ả không có nhà.
Một đồ ăn trộm nhỏ mọn đã khiến tôi cảm thấy vui thích. Lần nào móc nối với Kashiwagi là tôi cũng có trước tiên những việc làm bội đức, những báng bổ và những độc ác nho nhỏ. Những cái đó luôn luôn làm cho tôi vui thích; tuy nhiên, tôi không rõ sự tiếp tục gia tăng phân lượng điều ác liệu có lôi cuốn theo một sự gia tăng tương xứng về phân lượng vui thích hay không.
Kashiwagi rất thích món quà tôi tặng. Nó đi vào phòng bà chủ nhà mượn cái gàu nước và nhiều dụng cụ cần thiết khác nữa để cho nó cắm hoa. Nhà trọ chỉ có một tầng; Kashiwagi sống trong một phòng nhỏ ở căn nhà xép.
Tôi cầm chiếc sáo của nó đang dựng ở chỗ kệ giường ngủ, áp môi vào lỗ sáo rồi cố gắng thổi bài nhạc ngắn đã tập dược kỹ lưỡng. Tôi thổi thực hay khiến lúc trở về phòng nó hết sức ngạc nhiên. Nhưng cái thằng Kashiwagi tôi đã gặp đêm nay thực không phải là cái thằng đã tới thăm Kim Các Tự.
“Cậu không nói lắp tí nào khi thổi sáo có phải không? lúc dậy cậu thổi sáo tớ vẫn có ky vọng được nghe tiếng sáo lắp bắp ra làm sao kia đấy chứ!”
Chỉ với một lời nói này nó đã kéo cả hai đứa tôi trở lại cái tình trạng lúc chúng tôi mới gặp nhau lần đầu. Nó trở lại vị trí riêng của nó. Nhờ thế tôi có thể bình thản hỏi xem người thiếu nữ trong căn nhà kiểu Tây Ban Nha này ra sao.
“Ồ, con bé ấy hả?” nó chỉ đáp cộc lốc. “Nó lấy chồng từ đời nào rồi. Tớ đã chỉ cho nó đủ mọi phương pháp để che giấu việc nó không còn là trinh nữ nữa. Nhưng được cái thằng chồng nó thuộc loại ngây ngô, khỏe mạnh nên đường như mọi việc đều êm xuôi tất cả.”
Trong khi nói, nó nhấc từng bông hoa đỗ nhược lên từ cái bát nước đã dùng để ngâm những bông hoa mà ngắm kỹ càng. Đoạn nó nhúng cái kéo vào bát nước rồi cắt những cọng hoa ngâm dưới nước đó. Mỗi lần nó cầm một bông hoa đỗ nhược trong tay, cái bông hoa to lớn lại di động trên nền nhà trải chiếu cói. Rồi nó đột nhiên nói: “Cậu có biết những câu văn nổi tiếng trong chương Thị Chúng của Lâm Tế Lục không? ‘Khi gặp đức Phật, người hãy giết phức Phật đi!’” Và tôi tiếp lời: ‘Khi gặp La Hán, người hãy giết phăng La Hán đi! Khi gặp cha mẹ mình, người hãy giết ngay cha mẹ đi! Khi gặp người bà con thân thuộc, người hãy giết béng bà con thân thuộc đi! Chỉ làm như vậy thì ngươi mới được giải thoát.’
“Đúng vậy đó. Chính thế đó. Con bé ấy là La Hán, cậu ạ”.
“Và như thế là cậu đã tự giải thoát?”
“Hừm,” Kashiwagi nói trong khi cắm lại mấy bông đỗ nhược nó đã cắt rồi và chăm chú ngắm nghía. “Hãy còn nhiều thứ để mà giết nữa cậu ạ.”
Bát cắm hoa đầy nước trong vắt; bên trong óng ánh màu bạc. Kashiwagi ngắm nghĩa cái giàn sắt để cắm hoa cẩn thận xếp ngay lại cái mấu nào đã hơi nghiêng nghã. Tôi cảm thấy ngột ngạt, khó chịu nên nói vu vơ cố mong lấp đầy im lặng.
“Có có biết cái công án ‘Nam Toàn Trảm Miêu’ không? Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, Lão sư phụ tụ tập tất cả tụi tớ lại và thuyết giảng cho tụi tớ nghe câu truyện ấy.”
“Ồ, ‘Nam Toàn Trảm Miêu’ ”? Kashiwagi nói trong khi ước lượng chiều dài một bông mộc tặc và câm bông hoa ấy đó theo bình nước. “Đó là cái công án mà mỗi một con người nhiều lần bất ngờ đã bắt gặp trong đời, tuy dáng vẻ có đổi thay đôi chút. Cậu ạ, công án ấy hơi bí hiểm. Mặc dù cũng vẫn cái công án ấy nhưng mỗi lần bắt gặp ở một khúc quanh trên đường đời mình lại thấy nó thay đổi cả dáng vẻ lẫn ý vị. Trước hết, để tớ nói cho cậu hay con mèo mà Thượng tọa Nam Toàn đã chém đầu là một sinh vật ác ôn! Nó đẹp, đẹp vô cùng phải không nào. Mắt vàng óng, lông mượt mịn. Tất cả mọi niềm vui và vẻ đẹp trên trần gian này đều che giấu, lèn chặt như một cái lò so bên trong thân mình mềm mại, nhỏ nhắn của nó. Nhiều người chú thích câu truyện đã quên bẳng mất rằng con mèo ấy là một khối thể đẹp đẽ. Ngoại trừ với tớ. Con mèo đã đột nhiên từ một bụi cỏ nhẩy vọt ra. Đôi mắt dịu dàng, láu lỉnh của nó sáng rực và một tu sĩ đã tóm được nó - y bệt là nó có dụng ý làm vậy. Kết cục lưỡng đường cãi lộn nhau. Bỡi lẽ, tuy vẻ đẹp nó thể tự hiến mình cho bất kỳ ai, song thực ra nó không hề thuộc riêng một ai hết. Xem nào.
“Tớ sẽ nói thế nào bây giờ nhỉ. Vẻ đẹp - phải, vẻ đẹp giống như một cái răng sâu. Nó chạm vào lưỡi người ta, lủng lẳng trong miệng người ta, làm cho người ta đau nhức trong khi lại bắt người ta để ý sự tồn tại của chính mình. Cuối cùng đến độ người ta không chịu nổi đau nhức, phải đi đến nha sĩ để nhổ quách nó đi. Rồi, khi nhìn thấy cái răng nho nhỏ, bẩn thỉu, vàng khè, đẩm máu nằm trong lòng bàn tay mình, người ta mới nghĩ như thế này: ‘Có phải nó không? Có phải trước kia nó chỉ có thế này thôi ư? Cái vật nó đã làm cho mình đau đớn không biết chừng nào, đã khiến mình luôn luôn bận tâm đến nó, đã ngoan cố cắm rễ trong con người mình, bây giờ chỉ là một vật chất đã chết. Nhưng có phải vật này thực sự giống vật kia không? Nếu vật này tự căn nguyên đã thuộc về cuộc sống bên ngoài của mình, thì tại sao - do nhân duyên nào - nó lại gắn liền vào cuộc sống bên trong của mình và trở thành căn nguyên biết bao đau đớn cho mình như thế? Có phải căn cứ của nó là ở bên trong mình hay không? Hoặc là ở bên trong chính nó? Thế nhưng cái vật đã bị nhổ ra khỏi miệng mình và hiện đang nằm trong tay mình lại là một vật riêng biệt tuyệt đối. Chắc chắn nó không thể là cái ấy.
“Cậu thấy không,” Kashiwagi tiếp, “cái đẹp giống như vậy. Do thế, chém đầu mèo ấy thật giống như moi móc ra cái đẹp. Tuy nhiên, chẳng rõ liệu điều này có thực sự là cách giải thoát tối hậu hay không. Gốc rễ của cái đẹp chưa bị chặt đứt và, mặc dù con mèo đã chết, song vẻ đẹp của nó có thể hãy còn sống. Và như thế, cậu ạ, chính để chế giễu tính cách dễ dàng của giải pháp này mà Triệu Châu đã đội giầy lên đầu. Có thể nói rằng anh ta biết là không thể có giải pháp nào khác hơn là chịu đựng sự đau đớn của một cái răng sâu.”
Cách giải thích của Kashiwagi hoàn toàn độc đáo; tuy nhiên, tôi không thể ngăn mình tự hỏi liệu có phải chính nó, sau khi đã nhìn vào đáy lòng tôi, đang định đem tôi ra mà chế giễu hay không?
Lần đầu tiên tôi đâm ra sợ nó thực sự. Tôi sợ phải ngồi im lặng nên vội hỏi: “Như vậy trong hai người cậu là người nào? Thượng tọa Nam Toàn hay Triệu Châu?”
“Ừ, để xem nào. Như hiện tại, tớ là Nam Toàn và cậu là Triệu Châu. Song một ngày nào đó cậu có thể trở thành Nam Toàn và tớ có thể trở thành Triệu Châu. Công án này có mòi thay đổi - giống như mắt một con mèo.”
Trong khi Kashiwagi nói chuỵên, tay nó từ nẫy đến giờ vẫn cử động thực là nhẹ nàng, mềm mại. Thoạt tiên, đặt lại cái đài cắm hoa bằng sắt hoen rỉ, nho nhỏ vào bát nước, rồi mới cắm hoa bằng mộc tặc - hoa này ở vào vị trí Thiên cung trong lối cắm hoa - tiếp theo cài thêm những bông hoa đỗ nhược mà nó đã xếp thành một khóm ba chiếc lá. Dần dần nó đã cắm xong theo lối Quán Thủy hoạt. Một đống sỏi nhỏ rữa sạch, hòn trắng hòn vàng, nằm chờ sẵn ngay cạnh bát nước để dùng vào việc điểm xuyết cuối cùng.
Kashiwagi đưa tay thoan thoát nhịp nhàng. Hết quyết định nhỏ này lại đến quyết định nhỏ kia tạo nên một hiệu quả đối xứng và quân bình hết sức nghệ thuật. Thực vật trong thiên nhiên được được dời đổi đưa vào một trật tự của con người để hòa hợp với một quy luật nhất định. Những bông hoa và những chiếc lá đã đổi thay từ khuôn mặt chúng có trước kia sang khuôn mặt chúng phải nên có. Những cây mộc tặc và đỗ nhược không còn là những thực vật đồng loạt vô danh nữa mà đã trở thành những biểu hiện sơ giản, thanh khiết và trực tiếp của cái có thể được gọi là bản chất của mộc tặc và bản chất của đỗ nhược.
Tuy nhiên, trong cách nó cử động đôi tay vẫn có một cái gì tàn khốc. Những bàn tay ấy cư xử làm như thể chúng có một đặc quyền tối tăm nào đó đối với những thực vật ấy. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần nghe thấy tiếng kéo cắt một cuống hoa tôi có cảm tưởng như nhìn thấy cả máu chẩy.
Hoa đã cắm xong theo lối Quán Thủy hoạt. Phía bên phải cái chậu, chỗ đường thẳng của mộc tặc pha trộn vào đường cong của đỗ nhược, có một bông hoa đang nở bung và hai bông mới hé nụ sắp nở. Kashiwagi đặt chậu hoa vào hốc tường; chậu hoa lấp gần kín khoảng trống. Chẳng mấy chốc mặt nước trong chậu hoa im lìm, phẳng lặng. Những viên sỏi che khuất cái vĩ sắt để gài các cọng hoa, và đồng thời tạo nên đúng cái dáng vẻ trong sáng của một bờ nước.
“Tuyệt diệu!” tôi nói. “Cậu học được ở đâu vậy?”
“Gần đây có một cô dạy cắm hoa tươi. Tớ chắc là chốc nữa cô ta sẽ tới đây. Tớ đã kết thân với cô ả và đồng thời cô ả đã dậy tớ cách cắm hoa. Nhưng bây giờ thì tớ đã có thể cắm hoa một mình được rồi cho nên tớ cũng hơi chán cô ả. Cô giáo này hãy còn trẻ và đẹp lắm. Tớ được biết trong thời chiến tranh cô ta đã đem lòng yêu một quân nhân và đã có mang với anh ta. Đứa hài nhi chết lúc lọt lòng và chàng quân nhân chết ngoài chiến trận, từ đó đến nay cô ả luôn luôn chạy theo đàn ông. Cô ta có dư dả tiền tiêu và hiển nhiên chỉ dậy cắm hoa cho vui mà thôi. Tuy nhiên, nếu cậu mà thích đêm nay cậu có thể dẫn cô ả đi chơi chỗ nào đó cũng được. Cô ả sẵn lòng đi bất kỳ nơi nào.”
Khi nghe kể, tôi thấy lòng mình tràn ngập mối cảm động lung tung. Lúc đứng trên nóc sơn môn Nam Thiền và nhìn thấy cô ta thì có Tsurukawa ở ngay cạnh tôi. Hôm nay, đúng ba năm sau, cô ta lại sắp sửa xuất hiện trước mặt tôi và tôi sắp sửa nhìn thấy cô ta có khác chăng là qua con mắt Kashiwagi. Cho đến bây giờ tôi đã nhìn cái bi kịch của người đàn bà này với cái nhìn rực sáng vẻ thần bí; nhưng từ đây trở đi tôi sẽ nhìn cái bi kịch ấy với cái nhìn đen tối của một người không tin tưởng điều gì hết. Vì lẽ rõ ràng là bầu vú cô ta mà tôi đã nhìn thấy từ xa trông giống như một mặt trăng trắng bạch hiện giữa ban ngày, từ đó đến nay đã bị tay Kashiwagi sờ mó, nắn bóp, và chân nàng, lúc đó cuộn tròn trong bộ kimono óng mượt, hoa mỹ ấy, đã cọ sát cặp chân què của Kashiwagi. Rõ ràng là cô ta đã bị Kashiwagi làm ô uế, thế có nghĩa là, bị nhận thức làm cho ô uế.
Ý nghĩ này dằn vặt đầu óc tôi ghê gớm khiến tôi cảm thấy không thể làm sao mà ngồi lại nơi này nữa. Nhưng vì hiếu kỳ tôi không sao đi về được. Thực ra, tôi khó lòng có thể ngồi chờ người đàn này này, chính người mà ban đầu tôi đã coi như Uiko tái sinh, nhưng bây giờ sắp sửa chỉ là con bồ bị bỏ rơi của một thằng sinh viên què quặt. Bởi vì sau khi đã a tòng với Kashiwagi tôi rắp tâm đắm mình trong niềm vui hư huyễn là đã tự tay làm ô uế những hồi tưởng quí báu của mình.
Khi thiếu phụ tới, tôi chẳng thấy lòng mình rung động mảy may. Đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái khoảnh khắc ấy. Giọng nói hơi khàn khàn, dáng điệu thịnh trọng và lối nói năng kiểu cách của cô ta thảy đều tương phản một cách rõ rệt với cái ánh mắt rực sáng hoang dại, với giọng buồn toát ra từ tiếng nói khi cô ta nói với Kashiwagi mặc dù cô ta có vẻ lúng túng rõ rệt về sự hiện diện của tôi - tôi đã nhìn thấy hết sự thể và rồi lần đầu tiên tôi mới hiểu rõ lý do khiến Kashiwagi gọi tôi đến phòng nó tối hôm đó: nó định dùng tôi như một chướng ngại vật.
Không có một liên hệ nào giữa thiếu phụ này với thiếu nữ nhân vật trong ảo tưởng của tôi hết. Tôi có cảm tưởng nàng là một cá thể hoàn toàn khác biệt mà tôi mới nhìn thấy lần đầu. Tuy cách nói năng bặt thiệp của nàng không hề thay đổi, song tôi có thể đoán nàng đang dần dần trở nên luống cuống, hoảng hốt. Nàng không hề để ý tôi một chút nào.
Thế rồi dường như nàng không làm sao chịu đựng nổi nỗi khổ nữa và tôi có cảm tưởng trong khoảnh khắc nàng quyết định bỏ rơi hết mọi cố gắng để làm cho Kashiwagi thay đổi lòng dạ. Nàng giả vờ như bất chợt bình tĩnh trở lại và đưa mắt nhìn quanh căn phòng. Tuy đã ở trong phòng đến nữa tiếng đồng hồ song hiển nhiên bây giờ nàng mới để ý tới chậu hoa đã được bầy rõ lồ lộ ở trên hốc tường.
“Đó là một kết cấu tuyệt diệu theo phái Quán Thủy,” nàng nói. “Anh thật khéo tay quá chừng, anh ạ.”
Từ nãy đến giờ chờ mãi cho nàng nói theo điều này, bây giờ Kashiwagi mới chấm dứt mọi truyện.
“Chẳng đến nỗi tệ quá, có phải không?” nó nói. “Đến bây giờ tôi đã khéo léo tới mức độ này, thực cô chẳng còn có thể dậy tôi điều gì nữa. Tôi không cần cô nữa. Phải, tôi nghĩ đúng như vậy.”
Kashiwagi nói nhấn mạnh từng tiếng. Tôi thấy sắc mặt thiếu phụ tái nhợt, tôi quay mặt đi. Nàng dường như đang mỉm cười, song vẫn chưa từ bỏ cái cung cách trang trọng khi quì gối lết về hốc tường. Thế rồi tôi nghe tiếng nàng nói: “Sao? Loại hoa nào thế? Ờ, những bông hoa gì vậy?” Bỗng chợt nước từ chậu hoa bắn tung tóe trên sàn nhà, những bông hoa mộc tặc bị hất tung, những bông hoa đỗ nhược đã bị vò nát; tất cả những bông hoa tôi hái trộm đem đến đang nằm ngổn ngang dưới đất. Tôi đã quì xuống sàn nhà, nhưng bây giờ lại tự động đứng dậy. Chẳng làm gì cả tôi ngã người dựa vào cửa sổ. Tôi thấy Kashiwagi nắm cổ tay mảnh mai của thiếu phụ, rồi nắm lấy mớ tóc và thẳng tay tát đôm đốp vào hai má nàng. Những động tác vũ phu liên tục của Kashiwagi đã phơi bày rõ rệt sự tàn nhẫn trầm lặng tương tự mà tôi đã thấy trước kia nó đang tỉa cắt những bông hoa; thực vậy, những hành động đó hình như là một sự héo dài tự nhiên những động tác trước kia của nó.
Thiếu phụ lấy cả hai tay che mặt rồi chạy ra khỏi căn phòng. Còn Kashiwagi thì ngẩng mặt nhìn tôi trong lúc tôi bàng hoàng đứng đó. Nó mỉm một nụ cười hết sức trẻ con và nói với tôi: “Bây giờ đến lượt cậu đó. Đuổi theo mà an ủi cô ả đi! Mau lên!”
Tôi không rõ uy lực lời nói của Kashiwagi hay vì bản tâm mình cảm thấy ái ngại cho thiếu phụ mà tôi tức thời co giò đuổi theo nàng. Còn cách nhà trọ hai ba căn thì tôi đuổi kịp nàng. Đó là góc ngã tư Itakuramachi đằng sau bến xe điện Karasumaru. Dưới bầu trời đêm vần vũ tôi nghe thấy tiếng xe điện leng keng chạy vào nhà ga, và những tia lửa tím lòe lên tan biến vào trong màn tối. Thiếu phụ rảo bước đi từ Itakuramachi về hướng đông và bước lên một đường hẻm. Tôi cứ lẳng lặng bước đi bên cạnh nàng. Nàng đang khóc. Chỉ trong chốc lát nàng nhận ra tôi và tiến lại gần tôi. Thế rồi, bằng một giọng khàn khàn như thường lệ vì đang khóc, nàng bắt đầu than vãn đủ điều với tôi về việc làm không nên không phải của Kashiwagi.
Đêm ấy nàng và tôi đã cùng nhau đi qua các phố xá không biết bao lâu! Trong lúc nàng rót vào tai tôi bao nhiêu lời kể lể về những việc làm không ra gì, về tính tình ác độc, hèn mọn của Kashiwagi thì tôi chỉ nghe thấy có một tiếng “nhân sinh” vang dội trong không khí ban đêm. Tính tình tàn nhẫn, những mưu mẹo nhỏ nhen, những phản bội lừa dối, sự lạnh lùng ác độc, những mánh lới bịp bợm để bòn tiền đàn bà con gái của nó - tất cả chỉ làm cho người ta hiểu rõ sức lôi cuốn ma quái của Kashiwagi mà thôi. Điều duy nhất riêng tôi cần tin tưởng ấy là sự thành thật của chính Kashiwagi đối với cặp chân què quặt của nó.
Sau cái chết bất ngờ của Tsurukawa, tôi đã sống một thời gian dài khá lâu mà không động chạm gì đến cuộc đời. Rồi rút cuộc tôi đã bị thúc đẩy để va chạm với một nếp sống mới - một cuộc đời đen tối hơn, nhưng ít bạc mệnh hơn, một cuộc đời càng sống thì càng thôi thúc, cổ võ cho người ta gây đau thương cho kẻ khác. Những lời nói gọn gàng của Kashiwagi: “Không phải chỉ có giết có thế này mà thôi đâu!” một lần nữa lại vang dội bên tai và thu hút hồn tôi. Và vào giây phút ấy tôi cũng nhớ lại lời nguyện cầu của mình lúc trèo lên đỉnh núi Bất Động sơn đằng sau ngôi chùa khi chiến tranh chấm dứt và nhìn hằng hà sa số những ngọn đèn rọi sáng Kyoto: “Xin cho bóng tối trong tim tôi cũng dầy đặc, mênh mông như bóng tối ban đêm đang bao trùm vô số những ngọn đèn kia!”
Thiếu phụ không đi về phía nhà mình, mà lại lang thang qua những ngõ ngách rất ít người qua lại; như vây nàng có thể nói chuyện tự do. Đến lúc chúng tôi tới trước cửa căn nhà của nàng sống một mình thì tôi không còn biết hiện chúng tôi đang ở khu nào trong thành phố nữa.
Lúc ấy đã mười giờ rưỡi. Tôi muốn quay về chùa, nhưng thiếu phụ nài nỉ bảo tôi đừng bỏ nàng, vì thế tôi đã đi vào nhà với nàng. Nàng cất bước dẫn đường rồi bật đèn lên.
“Đã bao giờ anh nguyền rủa một người nào và mong cho người ấy chết chưa?”
“Có,” tôi trả lời ngay tức khắc. Kể cũng lạ mãi đến lúc ấy tôi chưa hề nghĩ tới truyện này, nhưng bây giờ thì rõ ràng là tôi cầu mong sao cho cô gái trong căn nhà trọ chết đi, nàng đã chứng kiến sự hổ thẹn của tôi.
“Thật là một điều khủng khiếp,” nàng vừa nói vừa gieo mình xuống sàn nhà trải chiếu cói và nằm nghiêng về một phía. “Tôi cũng thế.”
Đèn trong phòng nàng kể ra thực sáng lạ lùng vào những ngày mà điện bị hạn chế này. Bóng đèn hẳn phải đến một trăm watts, sáng gấp ba lần ngọn đèn trong phòng Kashiwagi. Lần đầu tiên nhìn rõ thân mình nàng dưới ánh đèn sáng rực. Tấm thắt lưng Danh cổ ốc trắng muốt nổi bật trên tấm áo Hữu thiền bằng vải tím hình hoa đằng bằng hà. Giữa sơn môn chùa Nam Thiền với phòng khách Thiên Thụ am có một khoảng cách mà chỉ có chim chóc mới bay qua được, nhưng lúc này tôi cảm thấy trong mấy năm vừa rồi tôi đã dần dần vượt qua khoảng cách đó và bây giờ đã đến gần tới nơi. Kể từ buổi chiều ấy ở trên nóc cổng tôi đã băm vằm thời gian ra từng khoảnh khắc vụn nhỏ và lúc này tôi đã thực sự tới gần cái ý vị của tình cảm thần bí ấy ở phòng khách Thiên Thụ am. Tôi nghĩ là phải như thế. Đó là điều chẳng thể tránh nổi - người thiếu phụ này phải đổi thay y như những đường tướng mạo trên trái đất này đã đổi thay vào lúc một tia sáng từ một ngôi sao xa xôi đã rọi đến. Nếu vào lúc mà tôi nhìn thấy nàng từ trên nóc sơn môn chùa Nam Thiền nàng và tôi đã cùng nhau dự liệu buổi gặp gỡ ngày hôm nay thì đã có thể xóa mờ đi những sự thay đổi như thế trong con người nàng từ lúc ấy đến giờ; chỉ cần sửa đổi đôi chút là có thể phục hồi sự vật trở lại trạng thái trước kia của chúng và cái tôi vào lúc đó có thể tương kiến với cái nàng vào lúc ấy.
Vì vậy tôi kể cho nàng nghe câu truyện. Tôi kể một mạch hụt hơi và lắp bắp liên hồi. Trong lúc tôi nói, những chiếc lá non một lần nữa lại bắt đầu óng ánh, các vì tiên và con phượng hoàng đường vẽ ở trên trần lại trở về cuộc sống. Đôi má thiếu phụ thắm hồng và ánh mắt hoang dại của nàng lúc này thành mơ màng, rối loạn.
“Thế vậy ư?” nàng nói: “Trời ơi! Có thực đã như vậy không? Thật là một mối kỳ duyên! Phải. Chính là mối kỳ duyên!”
Lúc nàng nói, mắt nàng ràn rụa những giọt lệ vui mừng. Nàng đã quên sự tủi nhục ban nẫy của mình và thay vì thế lại đắm mình vào những hoài niệm. Từ niềm vui thích này sang niềm vui thích khác nàng ngã nghiêng như điên như dại, cái vạt áo in hình hoa đằng nát nhầu.
“Bây giờ em chẳng còn tí sữa nào nữa,” nàng nói. “Ôi, đứa con bé nhỏ đáng thương của em! Không, em chẳng còn tí sữa nào, nhưng bây giờ em cũng làm cho anh điều em đã làm lần trước. Vì anh yêu em kể từ dạo đó, em sẽ coi anh cũng như anh ấy. Chừng nào còn có thể nghĩ như vậy, em thấy chảng có gì phải xấu hổ hết. Vâng, đúng vậy. Em sẽ làm y như trước kia em đã làm.”
Nàng nói như thể sắp sửa đưa ra một quyết định quan trọng. Hành động sau đó của nàng dường như phát xuất từ một nỗi vui sướng điên cuồng hoặc một miềm tuyệt vọng không bờ bến. Tôi cho rằng chính nỗi vui sướng điên cuồng đã đưa nàng tới hành vi mê dại ấy, nhưng sức mạnh gò ép thực sự vẫn là nỗi tuyệt vọng mà Kashiwagi đã đem lại cho nàng, hoặc ít nhất là cái dư vị đắng cay của nỗi tuyệt vọng ấy còn dính mãi trong miệng.
Thế rồi ngay trước mặt tôi nàng tháo tung giải lụa thắt quanh thân mình và gỡ bỏ những dây chằng chịt. Tiếng lụa sột soạt và giải thắt lưng bung ra; và không còn bị thắt chặt, chiếc áo nàng mặc hở tung. Tôi có thể loáng thoáng nhìn thấy bộ ngực trắng nõn của người thiếu phụ. Đưa tay vén áo nàng lên nàng nâng bầu vú bên trái chìa ra ngay trước mặt tôi.
Nếu bảo rằng tôi không hề cảm thấy choáng váng, ngất ngây thì không đúng. Tôi nhìn bộ ngực của nàng. Tôi nhìn từng li từng tí. Tuy thế tôi vẫn giữ mình ở địa vị chứng nhân. Cái điểm trăng trắng thần bí mà tôi đã nhìn thấy từ xa mãi tít trên nóc sơn môn không pahỉ là cái chất lượng nhất định của một khối thịt như thế này. Ấn tượng ấy đã ấp ủ đến lên men trong lòng tôi quá lâu nên bầu vú mà tôi nhìn thấy lúc này hình như chỉ là một khối thịt, một thứ vật chất không hơn không kém. Khối thịt này tự nó cũng không có sức mạnh để mời mọc hoặc quyến rũ. Phơi trần ra đó trước mắt tôi và hoàn toàn xa rời cuộc đời, khối thịt ấy chỉ làm chứng cứ tố cáo tính cách khô cằn của cuộc sống.
Tuy vậy, tôi không muốn nói điều gì dối trá; và rõ ràng là khi nhìn thấy bộ ngực nõn nà của nàng tôi liền bị choáng váng, ngây ngất ngay tức thì. Chỉ phiền một nỗi là tôi nhìn quá kỹ lưỡng, tường tận cho nên cái bầu vú mà tôi nhìn thấy đã vượt ra khỏi tình trạng bầu vú đàn bà để dần dần biến dạng trở nên một mảnh vụn vô ý vị.
Chính vào lúc ấy đã xẩy ra một sự lạ. Sau khi trải qua sự thích thú đau đớn như thế cuối cùng bầu vú nàng làm tôi ngây ngất vì vẻ đẹp. Nó được trời cho một vẻ đẹp có tính chất cằn cỗi, trơ trơ và trong lúc vẫn hiện ra sờ sờ trước mắt tôi bầu vú đó từ từ vùi mình vào cái nguyên lý tự thể của một bông hoa hồng. Tôi nhận ra cái đẹp rất chậm. Người khác nhận ra cái đẹp và nhục cảm trong cùng một lúc; còn đối với tôi cái đẹp luôn luôn đến chậm hơn. Bây giờ trong khoảnh khắc bầu vú thiếu phụ nối lại những liên quan với toàn thể, nó vượt lên khỏi tình trạng chỉ là một khối thịt để trở thành vật chất bất cảm bất hủ, gần với vĩnh cửu.
Tôi hy vọng là đang nói rõ để cho người khác hiểu mình. Một lần nữa Kim Các Tự lại hiện ra trước mắt tôi. Hoặc hơn thế, tôi cần nói rằng bầu vú ấy đã biến dạng trở thành Kim Các Tự.
Tôi nhớ lại phiên túc trực trong đêm bão tố đầu thu. Nếu như ngôi chùa đã phơi mình dưới sánh trăng thì cũng có một màn tối dầy đặc bao phủ lên ngôi chùa và màn tối này đã lẻn vào bên trong ngôi chùa âm u, len qua các cửa sổ, qua các cửa gỗ lớn, qua các trần nhà với phiến lá vàng long lở bên dưới. Và đó là sự đương nhiên. Vì lẽ chính Kim Các Tự thực ra chỉ là hư vô đã được tạo hình và kiến trúc hết sức công phu. Đúng như vậy, bầu vú nàng bên ngoài có tỏa ra ánh da thịt sáng rực, nhưng bên trong lại chứa đầy bóng tối âm u. Thực chất của nó cũng bao gồm cái bóng tối âm u dầy đặc ấy.
Chắc chắn là tôi không say sưa, ngây ngất vì nhận thức của mình. Nhận thức của tôi đã bị chà đạp và khinh miệt; dĩ nhiên là cuộc đời và dục vọng cũng vậy. Tuy nhiên, cảm giác hoảng hốt sâu xa vẫn chưa tan hết và tôi đã ngồi ì ra đó khá lâu như thể bị tê liệt trước bầu vú phơi bầy của người thiếu phụ.
Tôi cứ ngồi đó nghĩ ngợi miên man về cái bầu vú phơi bầy của người thiếu phụ. Nàng nhét vú vào trong áo. Tôi cho nàng hay là tôi phải ra về. Nàng tiễn tôi ra cổng rồi đóng sầm cửa lại.
Đến lúc về tới chùa tôi vẫn còn hoảng hốt ngây ngất cả người. Trong lòng tôi cứ nhìn thấy hết Kim Các Tự rồi lại đến bầu vú của nàng. Lòng tôi tràn ngập một niềm hạnh phúc rã rời.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy hình dáng Tổng môn của Lộc Uyển tự bắt đầu hiện ra sau rừng thông âm u đang rì rào trong gió, lòng tôi dần dần mát dịu đi, cảm giác vô lực rã rời và sự ghét bỏ - chính tôi cũng không biết là ghét bỏ cái gì nữa - nổi bật lên trong tôi.
“Như thế là một lần nữa mình lại ngăn cách với nhân sinh!” tôi tự nhủ. “Tại sao Kim Các Tự lại che chở cho mình mãi thế? Tại sao nó lại cố gắng ngăn cách mình với cuộc đời trong khi mình không bảo nó làm như vậy? Dĩ nhiên, có thể là Kim Các Tự đang cứu mình khỏi rơi xuống địa ngục. Song làm như thế, Kim Các Tự lại càng làm cho mình độc ác, xấu xa hơn những con người đã thực sự sa xuống địa ngục; nó đang làm cho mình biến thành “thằng con trai biết rõ địa ngục hơn bất cứ ai.”
Cổng chính của ngôi chùa tối đen và im lặng. Ở cổng bên, ngọn đèn chỉ tắt khi nào tiếng chuông triêu minh ngân vang lúc này còn đang le lói sáng. Tôi đẩy cửa bên. Trong chiếc xích sắt cũ kỹ han rỉ kêu loảng xoảng bên trong. Cửa mở, Ông gác cổng đã đi ngủ từ lâu. Bên trong cổng có một tấm biển ghi rõ nội quy nói rằng người nào về chùa sau mười giờ tối phải khóa cổng lại. Hai thẻ gỗ khắc tên người cho thấy chủ nhân chúng vẫn chưa về chùa. Một tấm thẻ của Lão sư phụ còn tấm kia là của ông lão bộc già nua.
Trong lúc đi về phía chùa, tôi nom thấy dựng ở bên phải nơi thợ làm việc một số những tấm ván dài khoảng năm thước đang được dùng vào việc xây cất gì đó. Dù đêm tối mình cũng có thể nhìn thấy đường vân mờ mờ trên các tấm ván. Khi tới gần hơn, tôi thấy mạt cưa rơi tung tóe khắp chỗ đó giống như những bông hoa vàng vàng nho nho rãi khắp nơi, mùi gỗ thơm phưng phức tỏa lan trong màn đêm. Trước khi vào bếp, tôi quay lại ngắm Kim Các Tự một lần nữa. Tôi đi xuống lối mòn dẫn về phía ngôi chùa và tòa kiến trúc ấy hiện rõ dần dần. Tiếng lá cây sột soạt bao quanh trong khi nó đứng đó hoàn toàn bất động giữa lòng đêm tối nhưng tỉnh táo vô cùng, thật như thể nó làm hộ vệ cho đêm tối vậy. Phần có người ở trong Lộc Uyển tự ngủ vào ban đêm, song chưa bao giờ tôi nhìn thấy Kim Các Tự ngủ cả. Tòa kiến trúc không có người ở này có thể quên không biết ngủ. Vẻ âm u ẩn kín bên trong nó hoàn toàn vượt ra khỏi mọi phép tắc của nhân gian.
Thế rồi bằng một giọng hầu như là nguyền rủa, lần đầu tiên trong đời, tôi sỗ sàng với Kim Các Tự: “Rồi một ngày kia thế nào ta cũng chi phối được ngươi. Đúng, rồi một ngày kia ta sẽ bắt người uốn mình trong phép tà ma của ta để ngươi chẳng bao giờ còn có thể chắn đường ngăn lối ta nữa.”
Tiếng tôi vang chìm trong đêm sâu của Kính Triều trì.

Hết phần 6