Phần 6

5. Huế
Chúng tôi mướn xe du lịch 12 chỗ ngồi để tham quan Huế, dự trù đi về trong ngày. Xe khởi hành lúc 6 giờ sáng. Lúc qua đèo Hải Vân, tôi đã cảm hứng viết ca khúc "Trèo Hải Vân" lời nhạc như sau:
TRÈO HẢI VÂN
(Thể Ngũ cung)
Trèo Hải vân, chúng ta trèo Hải Vân
Trèo từ chân ta leo dần tới đỉnh,
Đỉnh dính mây mờ trời nước mênh mông.
.....................
Xa xa trông Ngũ Hành Sơn năm ngọn,
Đà Nẵng ngái ngủ mờ mờ trong sương
Đà nẵng ngái ngủ mờ mờ trong sương
.....................
Lăng Cô kia ẩn hiện dưới chân đèo
Trèo xuống chân đèo gập ghềânh cheo leo
Trèo xuống chân đèo gập ghềnh cheo leo
....................
Phá Tam Giang biển mênh mông ngút ngàn,
Đã một thời ngăn cách đôi ta
........................
Thương em..
Thương em anh chẳng ngại xa
Chẳng sợ truông Hồ với Phá Tam Giang
Chẳng sợ truông Hồ với Phá Tam Giang.
............................
NhatVu
May 28.00
Khúc ca trên tôi đã hát nho nhỏ cho bạn bè nghe và hình như ai cũng thích, nhất là các em bé. Có lẽ bài hát được mọi người ưa thích vì cái âm ba và tình tự dân tộc của nó. Tôi viết bài này trong thể ngũ cung. Đây là lần đầu tiên tôi đã viết nhạc mà không dùng đến bất cứ một nhạc cụ nào hết. Và có lẽ đây cũng là bài hát mở màn cho những ca khúc sau này của tôi, viết nhạc mà không dùng đến nhạc cụ. Sau khi dừng lại trên đỉnh đèo Hải Vân để giải khát và cũng để tôi có thì giờ chụp ảnh và quay phim, chúng tôi tiếp tục đổ dốc, xuống đèo, tiến về phía Lăng Cô. Chúng tôi dừng lại đây ăn sáng. Món đặc sản của Lăng Cô là cháo cá và cháo sò huyết. Trong khi mọi người ngồi chờ nhà bếp mang đồ ăn ra, tôi nhân cơ hội ấy quay phim những cảnh xung quanh Lăng Cô. Phải nói rằng phong cảnh nơi đây thật đẹp. Lăng Cô nằm ngay dưới đèo Hải Vân, ngay trên xa lộ Đà Nẵng - Huế. Thị trấn này được bao quanh bởi một cái vụng ( bay) thật lớn, mặt nước phẳng lặng, xa xa về phía Nam là dẫy núi Hải Vân chạy dài vòng về phía Phá Tam Giang. Ở giữa vụng là một cái cồn cát trắng. Có vài chiếc thuyền đánh cá nằm sát bờ phơi lưới dọc cồn cát. Thấy có vài em bé địa phương đang mò mẫm sò, ốc hoạc lưới cá dưới vụng trông thật vui mắt. Họ không hề hay biết rằng hình ảnh của họ, đang chài lưới, được tôi thâu và đem về bên Hoa kỳ. Toán du lịch chúng tôi tới Huế khoảng 9 giờ sáng. Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan cố đô Huế bằng du thuyền ngược giòng Hương Giang. Bác tài xế thả chúng tôi xuống Đập Đá, ngay cạnh Hương Giang Hotel, đối diện phiá bên kia là Thôn Vĩ Dạ mà Hàn Mạc Tử đã nhắc đến trong một bài thơ của ông "Sao Anh Không Về Thăm Thôn Vĩ". Chúng tôi thuê riêng một chiếc du thuyền 15 chỗ ngồi có gắn máy để đi từ Đập đá tới Chùa Thiên Mụ, thời gian khoảng 40 phút. Nhằm ngày trời nắng ráo, mặt nước Hương Giang phảng lặng in bóng cây xanh đôi bờ và sắc trời xanh lơ tạo nên bức tranh thật sống động, nên thơ, khiến tôi cảm tác ca khúc "Hương Giang" sau đây:
HƯƠNG GIANG
1_
Nắng đón ta về.. thăm lại Hương Giang..
Thấp thoáng đôi bờ.. Vĩ dạ nên thơ
Trời với nước.. xanh xanh lơ một mầu..
Hàng cây xanh.. bóng rập in lặng lờ
Sóng vỗ đôi bờ.. vang vọng câu thơ..
2_
Em có hay rằng.. ta về tìm em
Xa cách bao ngày.. nhưng vẫn còn thương
Giòng Hương Giang.. hàng cây xanh đôi bờ
Thuyền ai trôi.. trên giòng sông lững lờ
Em vẫn đợi chờ..nối lại duyên xưa
Dk:
Đây Hương Giang..vẫn giòng sông đợi chờ
Bao năm qua..vẫn buồn trôi lững lờ
........
Vang đâu đây..câu hò xưa hẹn thề
Mong đón anh về..thăm lại cố đô..
..........
NhatVu
May 29,00
Phải nói là đi trên Hương Giang như đi vào huyền thoại, vì tính cách lịch sử cũng như những câu chuyện tình đã được thêu dệt, qua văn thơ liên quan đến giòng sông bất hủ này. Kế đến chúng tôi lên tham quan Chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi danh của đất thần kinh, có rất nhiều huyền thoại qua nhiều thơì đại khác nhau, đặc biệt là giấc mơ của Chúa Nguyễn khi du hành qua đây, đã nằm mơ thấy có một bà đẹp như tiên, từ trơì xuống, nên ông đã gọi là Thiên Mụ, và rồi đã ra lệnh xây dựng ngôi chùa, bây giờ gọi là Chùa Thiên Mụ, để tôn kính, và tưởng niệm giấc mơ đó.
Nắng tháng sáu tại Huế cũng nóng không kém chi cái nắng Texas chỗ tôi ở. Sau khi cơm trưa xong, ai cũng uể oải. Tuy vậy, chúng tôi cũng cố gắng vô cho được bên trong thành nội để nghỉ chân, Thành nội, tức hoàng cung của các vị vua thuộc triều đại nhà Nguyễn, từ đơì Gia Long cho đến thơì Bảo Đại. Thành nội là một cổ thành được xây cất kiên cố vơí bức tường thành thật dầy bao quanh, chu vi khoảng 10,000 m và cao 6.6 m. Có tất cả 10 cổng thành, và trên mỗi cổng đều có pháo đài kiên cố vơí các lỗ châu mai để phòng chống địch, như ta đã thấy thành Tương Dương mà Quách Tỉnh và quân nhà Tống cố thủ chống lại quân Mông Cổ trong phim chưởng vậy. Trong thành có vào khoảng 400 cỗ thần công thiết bị xung quanh thành. Chúng tôi đã được mục kích những cỗ thần công Xuân, Ha,ï Thu, Đông đặt ngay cổng chính vào thành nội, mỗi cỗ nặng khoảng 1000 kg. Vào đến cung đình, ngoài việc quay phim và chụp ảnh, chúng tôi đã trả hai chục ngàn VN để được mặc bộ long bào của nhà vua và ngồi trên ngai vàng của Hoàng Đế hồi xưa để chụp hình kỷ niệm. Cậu em tôi ngắm tấm hình và khen làm vua trông cũng giống lắm đấy chứ. Tôi cười đùa: " khi cờ đến tay thì ai cũng có thể phất." Chỉ tại mình sinh không nhằm thời. Cả hai chúng tôi phá ra cười. Triều đại nhà Nguyễn có cả thảy 13 vị vua, tuy nhiên không hiểu vì lý do nào chỉ có 7 lăng tẩm được xây cất về Tây Nam thành nội. Những lăng tẩm đó là Gia-Long, Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự Đức, Đức Dục, Đồng Khánh, và Khải Định. Vì thì giờ có hạn, chúng tôi chỉ tham quan lăng tẩm của các vua Tự Đức và Khải Định. Lăng Tự Đức tọa lạc trên một ngọn đồi có phong cảnh sơn thuỷ bao quanh rất là đẹp. Có nhà thủy tạ với hòn non bộ ở giữa hồ. Dưới hồ có hoa sen, bông súng và thấp thoáng đàn cá vàng nhởn nhơ bơi lội trông thật vui mắt. Nghe nói, vua Tự Đức sau khi du lịch qua Pháp về, đã ra lệnh cho xây cất lăng tẩm này, mô phỏng theo một số các đường nét của nghệ thuật xây cất lăng tẩm của các vua chúa bên Pháp. Tuy vậy lăng tẩm này vẫn được nhà vua đặt cho cái tên là "Khiêm Lăng", có nghĩa là khiêm tốn. Cho nên nếu so với lăng Khải Định thì lăng Tự Đức có phần thua sút cả về nghệ thuật và tính cách đồ sộ của nó. Lăng Khải Định rất lộng lẫy và đồ sộ, có nét nghệ thuật cổ Đông Phương. Bước vào cổng, ta phải trèo lên hàng mấy chục tam cấp, bắt mỏi cả chân. Ngay trước sân là một cái tháp cao ngất ngưởng tượng trưng cho uy quyền của nhà vua. Hai hàng tương đồng của các quan thần, lớn cỡ người lớn, đứng dàn hàng trước cửa lăng tẩm. Bên trong đại điện là một tượng đài nhà vua cao cỡ người lớn, và ngay trước tượng đài nhà vua là ngôi mộ của Ngài. Việc trần thiết bên trong lăng tẩm thật là nguy nga tráng lê. nghe nói người họa sĩ, khuyết tật, đã dùng chân để vẽ bức tranh tuyệt tác, thật lớn trên trần lăng tẩm suýt chút nữa bị nhà vua xử trảm vì tội khi quân. May nhờ các quan thần can gián kịp thời, nếu không đã nguy đến tính mạng. Trong khi đi tham quan cố đô Huế, chúng tôi có nghe bác tài xế nói đến bữa cơm cung đình và giàn nhạc cổ ở Huế. Đại khái theo chỗ tôi hiểu thì nếu ta trả năm chục đô thì chúng ta sẽ được khoản đãi một bữa cơm rất ư là thịnh soạn và theo đúng nghi thức " Cung Đình", của thời vua chúa ngày xưa, tức là có quần thần với mũ áo cân đai, có lính hầu kế bên, và đoàn cung nữ xiêm y lộng lẫy múa hát vơí giàn nhạc trong cung. Biết thế, nhưng chúng tôi không đủ thì giờ để dự bữa cơm đó, vì phải về lại Đà Nẵng trước khi trơì tối để trả xe theo như giao kèo.