Chương 6

Tôi gọi điện đến bà Trương Trọng Hiên tìm mẹ, thật là lạ, mẹ tôi chỉ mê chơi bài mạt chược mà gần đây lại trở thành một nhân vật quen biết của nhiều người! Trương Trọng Hiên là giám đốc của một số thành phần từ thiện, bà vợ nhân đó mà nổi lên như cồn! Bạn chơi bài của bà ta cũng được thơm lây. Trong năm, không biết mẹ tôi xuất hiện trên Ti vi bao nhiêu lần vào các buổi lễ, tiền của khách quý đều vào tay Trương gia và họ đều là bạn bè - một cách phô trương chính mình, cũng chẳng đáng quan tâm gì!
Mẹ tiếp điện thoại, giọng bực bội, chắc có gây gổ gì đây. Nghe tôi đề nghị, bà chẳng phản đối, chỉ bảo:
– Con nói chuyện với Uất Chân đấy.
Uất Chân cầm máy lên đã hỏi ngay:
– Chị cả, chị đã đến Cục di dân sao?
Tôi suýt đã quên đi chuyện đó:
– Ừ! Chuyện khá lâu rồi! – Có lẽ ông Chu đã báo lại Uất Chân, do đó tôi hỏi.
– Ông Chu nói lại em sao?
– Không, ông ấy không nói, đại khái là ông ta tôn trọng yêu cầu của chị.
người phụ trách công việc đánh điện báo sang Philippin, chuyển tới chuyển lui nên đến tai tôi. Trên đời này muốn chẳng ai biết thì đừng có làm.
Uất Chân từ bé đã thông minh, sắc sảo, lời lẽ hàm súc đến nhói tim người ta.
Tôi chẳng biết nói gì. Muốn xin lỗi em tôi, nhưng tôi có làm gì sai? Mỗi cá nhân không phải đều có quyền tự do nhất định và hành động vì bản thân mình.
Hẳn nhiên, hành động đó đừng làm thương hại đến kẻ khác. Tôi thay mẹ chồng đến cục di dân tìm người làm thì có đụng chạm gì đến quyền lợi Uất Chân?
Tôi chỉ có thể tự hỏi, và lời đáp là:
có.
Uất Chân lanh lảnh nói:
– Chị hoàn toàn không thể hình dung nổi sự khó khăn của đàn bà khi đi làm bên ngoài đâu. Tôi không muốn nghe người ta bàn tán thân nhân dựa vào địa vị tôi để mưu cầu lợi ích gì đó! Chị cả, xin chị cứ ngồi nhà mà thụ hưởng, bên ngoài đời đầy những cạm bẫy, không thể không dè chừng được. Mong điều đó đừng xảy ra nữa, còn như có chuyện lớn nào xảy ra, tôi sẽ nói rõ cho các đồng sự biết để chấm dứt ngay những bàn tán đó!
Gác điện thoại, cũng lại là tôi!
Trong lòng đột nhiên dấy lên chút niềm vui, bởi vì tôi nhận ra sự tức giận của chính mình, trong căn phòng nặng nề tử khí cũng còn có sinh khí.
Không sai, con người ta thật là khó mà chính trực, nhưng, nêu cao lên cái danh tiếng là mình vô tư thì rõ ràng là đã có ngay lợi ích rồi! Nó khác với đối tượng bị hại mà thôi!
Đoàn Uất Văn trong việc tìm người chỉ mắc phải một điểm, đó là dáng vẻ có phần giống Đoàn Uất Chân, cho nên thuộc hạ Uất Chân nhận ra và giúp đỡ! Tôi lợi dụng hình dáng mình, nói rõ mối quan hệ với cô em, nhờ uy danh đó mà có đặc quyền. Hương Cảng là một xã hội văn minh trong sáng, cho nên sự sai lầm của tôi là đáng trách!
Nếu như Uất Chân cho là vì quyền lợi của mình và xem đó chỉ là chuyện nhỏ, dùng lời lẽ dịu dàng phân trần lợi hại, không đến đỗi phải nói năng hằn học, sắc cạnh thì tôi ắt thông cảm bỏ qua cho!
Đoàn Uất Văn không phải sinh ra đời để nhận lấy mọi trách nhiệm, bực tức của bạn bè thân thuộc đổ tháo lên mình!
Có ai lại muốn dựa vào tình cảm và mối quan hệ thân thiết để trút vào họ cơn tức giận của mình và nghĩ là họ chấp nhận, chịu đựng một cách nhẫn nại!
Hậu quả của lòng tham dục đen tối không nhất định phải là giết người cướp của mới khiến cho người ta đau lòng, khó chịu.
Trong cuộc sống, nhiều người chỉ thấy sự khó khăn của mình mà chẳng nghĩ đến quyền lợi của kẻ khác, chẳng kể thân – sơ. Không cần phải lăn lộn trong đời cũng biết được.
Từ bé đến lớn, chỉ có em gái là hay chỉ dạy tôi, vì nó thông minh, xinh đẹp, tôi vui lòng yêu mến, khen ngợi nó. Thế nhưng nhắm mắt dung túng nó đã khiến tôi chịu đựng từ bé đến nay rồi!
Tôi suy nghĩ về mối quan hệ chị em ấy và nghĩ phải thay đổi lành mạnh trở lại!
Đêm ấy, đầu óc tôi dẫy đầy xáo trộn.
Đẩy cửa vào phòng mẹ, tôi nhìn Thính Đồng say ngủ.
Ngồi ở đầu giường, tôi nhìn trân trối Thính Đồng dưới ánh đèn ngủ và nhớ đến những điều đã qua.
Lúc bé tôi và Uất Chân ở chung nhà, hai chị em rất đỗi hòa hợp.
Chúng tôi cũng học trường nữ sinh, tôi học lớp trên Uất Chân, con bé học rất giỏi, thể nào cũng vào hàng quán quân. Mỗi lần dự thi điền kinh, về nhà là nằm dài trên giường như người chết, chẳng chịu ăn uống. Mẹ mời gọi thế nào cũng vô hiệu, tôi phải mang cơm nước vào đến giường cho nó.
Tôi còn chớ Uất Chân học hành hay chơi thể thao đều dẫn đầu. Mỗi lần gặp kỳ thi là nó học miệt mài không ngủ, đến đổi chẳng dậy nổi, tôi phải canh giờ đánh thức cho nó.
Trong nhà có hai đóa hoa, nhất định phải bồi dưỡng cho đóa hồng đẹp nhất.
Từ bé, tôi đã ưa thích yên tĩnh, thật lòng cam chịu người làm nô lệ. Ở trường có kẻ gièm pha nói xấu Uất Chân, tôi nghe thấy khóa chịu nhưng không hề nói lại cho nó biết – vì nó không chịu được sự xúc phạm. Tôi và cha tôi tình nguyện để cho nó được thảnh thơi tự tại, xem ta là hơn hết.
Chẳng lẽ chúng tôi đã sai lầm?
Thính Đồng trở mình, nói mớ.
– Thính Đồng, Thính Đồng!
Tôi khẽ gọi, lời nói trong mơ của cô như đứa bé học nói, nghe không rõ.
Chỉ thấy cô tung tăng, hai tay quơ loạn lên.
Một đứa bé đáng thương!
Tôi vội ôm giữ lấy Thính Đồng, dùng thân thể ấm áp của mình giúp cô chiến thắng ác mộng, bình phục trở lại.
Tôi giữ yên Thính Đồng, đoạn nhẹ nhàng kéo chăn đắp cho cô ngủ yên.
Thấy giọt mồ hôi rịn dưới tóc mai, tôi lấy khăn chậm lại.
Nhớ Bái Bái lúc 10 tuổi bị cơn sốt, tôi cũng suốt đêm túc trực bên giường, chẳng biết phải bao đêm không giám ngả người ra ngủ.
Bái Bái từ bé đã không khỏe, thường hay đau ốm, gặp khi nó đau nặng thì tôi mất cả hồn vía.
Mỗi lần ở bên giường chăm sóc nó, tôi lại thấy rất khó chịu. Tại sao điều không hay lại cứ giáng xuống nó? Thân thể suy nhược của Bái Bái cũng khiến tôi chịu nhiều ẩn uất, chẳng biết phải giải thích thế nào. Mẹ chồng thì dùng lời lẽ uy hiếp, bức bách tôi; nói nhà họ Vương muốn có con trai nhưng dâu lại sinh gái. Còn Cẩm Xương thấy con bệnh thì mặt dài ra như đến ngày tận thế! Anh quyết không sinh thêm đứa nữa để khỏi lo! Tôi ở giữa thật chẳng biết sao. Bao nhiêu năm nghe chì chiết, trách móc, người tôi cơ hồ đã đờ đẫn, mất hết cảm giác, chỉ còn có đầu óc hoạt động, cố nuôi dưỡng cho Bái Bái lớn lên!
Khi được hai ba tuổi, Bái Bái dần khỏe lại, không còn ngủ bên tôi, chỉ khi nửa đêm nghe nó khóc tôi mới chạy sang trông chừng nó.
Tôi chơi với Thính Đồng từ bé nhưng vẫn chưa có cơ hội nào, đêm nay mới có dịp ngồi nhìn cô nàng ngủ.
Trước lúc kết hôn, Thính Đồng rất thích tôi đến nhà ngủ lại, cả hai chung chăn nói đủ thứ chuyện, đến mệt thì cùng ngủ.
Nay, nhìn Thính Đông say sưa trong giấc ngủ, lòng tôi chợt thấy xót xa.
Chắc chắn cô không phải say vì khổ tâm trong công việc.
Thính Đồng là cô gái có tài, có bản lãnh! Nếu không thì tại sao khi cha mẹ mất đi, nhà chẳng giàu có, nhưng chỉ trong mấy năm dựng được cơ nghiệp, nổi tiếng trong thương trường!
Thường, kinh nghiệm giúp ta chiến thắng! Đối thủ lớn nhất trong đời sống tôi chính là bà mẹ chồng. Khi mới làm dâu Vương gia, mỗi lần bị bà nói xéo, mắng trách, tôi chỉ biết tìm nơi khóc lóc hoặc kể cho Cẩm Xương, cho mẹ tôi.
lần lượt thời gian qua, tôi nhận ra rằng khóc không phải là cách tốt nhất, nó càng khiến cho người trong nhà áp bức tôi. Thị phi dằng dai, nó khiến bầu không khí gia đình ngày càng nặng nề, khó chịu. Và tôi thay đổi thái độ, bà ta có nói gì thì mặc bà, còn việc tôi, tôi cứ làm - điều đó khiến tôi yên ổn hơn.
Ai nói kinh nghiệm chẳng giúp người đời thành độc đáo. Cho nên, trong công việc, Thính Đồng đã học tập được nhiều công việc, sợ cũng đã thành tinh, mọi độc hại chẳng chạm đến được.
Thính Đồng xoay người, miệng kêu lên:
– Tôi khát quá!
Tôi vội vào bếp mang cho cô ly trà.
Thính Đồng nửa tỉnh nửa ngủ, đầu lắc lây. Tôi đỡ cô dậy, nói:
– Uống từ từ, cẩn thận, nước nóng lắm!
Thính Đồng uống từng ngụm trà, đoạn mở mắt nhìn tôi. Khi định thần lại, cô ngả vào tôi khóc ngất.
Tôi vỗ lưng cô.
Cứ để cho nàng ta khóc.
Khi còn bé, Bái Bái gặp chuyện gì chẳng vừa lòng là khóc, tôi phải ngồi bên nghe nó khóc, sau đó mới bình thường trở lại. Thực vậy, khi gặp chuyện phiền muộn, nếu trút ra được tất sẽ thấy dễ chịu.
Tôi châm thêm trà cho Thính Đồng.
Thính Đồng khóc đến mệt mỏi, đoạn bưng ly trà vừa thổi vừa uống từng ngụm.
Tôi chẳng hỏi lý do. Nếu cô ta muốn nói thì trước sau gì cũng nói.
Tôi chỉ hỏi:
– Tôi pha nước cô tắm nhé?
Thính Đồng lắc đầu.
– Tôi ra ngoài để cô nghỉ!
– Không! Chị ở lại đây, được chứ?
Tôi gật đầu.
Khi đứa bé bị ức hiếp, nó rất sợ ở một mình.Khi nó khóc, nếu chẳng ai đến dỗ dành thì nó càng thấy thảm.Chỉ cần có người bên cạnh biểu lộ sự an ủi, giúp đỡ là nó yên lòng ngay.
– Hôm nay, Thi Gia Ký đã nói thực hết cho tôi rồi!
Ôi! Hôm nay là ngày tốt gì mà mấy người đàn ông đua nhau giãi bày sự thực?
– Anh ta nói gì?
– Anh nói giữa tôi và tiền đồ chính trị phải chọn một – Nó có quan hệ sao?
– Vợ anh ta bảo nó rất quan trọng.
– Do đó, hắn chọn lá phiếu tín nhiệm là bà vợ.
Mắt Thính Đồng long lanh nước mắt.Tôi chẳng biết lời mình có nặng nề không.Thật sự, trước giờ tôi không hay nói năng làm tổn hại người, mấy lúc gần đây, tôi lại có nhiều dịp luyện tập!
Thính Đồng thở dài:
– Anh ta không dám mạo hiểm. Nếu bà vợ quậy lên, mọi người biết chúng tôi tư tình thì sao chịu nổi với dư luận xã hội?
– Thi Gia Ký là ủy nhiệm nghị viện phải không?
Thính Đồng nhìn tôi, vừa ngạc nhiên vừa nể phục.
Từ lúc nghe Thính Đồng kể chuyện Thi Gia Ký, kế lại dự đám cưới Truyền Ngọc Thư và vô cớ bị bức làm giặc Lương Sơn, ra tay đấu khẩu với bà Thi, tôi đã bắt đầu chú ý đến tình hình bên địch.
Trong thế giới ấy, mọi áp lực trong sinh hoạt đều có tính kích thích sự phát triển.
Ít ra, trong một thời gian, tôi vừa thu dọn hành trang, vừa để ý nghe đài, xem báo, và tôi cũng biết được nhiều điều.
Thính Đồng không đáp lời tôi, cô lặp lại:
– Anh ấy không có ý mạo hiểm.
– Không nhất định là có hiểm để phải mạo – Uất Văn, chị muốn nói gì? Ý chị là Thi Gia Ký có ý bỏ rơi tôi sao?
Và đột nhiên cô mắng tôi.
Tôi làm thinh chịu đựng.
Thật là đáng thương!
– Xin lỗi. Thính Đồng, tôi không có ý như vậy.
– Nói xin lỗi phải là tôi! Tôi quá...hồ đồ – Chẳng phải vậy!- Tôi đưa cô chiếc khăn.- Sự việc phải có cách chứ!
– Việc ngoại tình chẳng danh dự gì, Thi Gia Ký phải kiêng dè, muốn giữ địa vị phải tránh dư luận – Đến lúc chúng ta phải tin tưởng và một mặt lợi dụng sự việc đến hồi chín muồi trong xã hội, ta lấy đó làm vũ khí chống đỡ!
– ý chị là liều mạng không nguy hại à?
– Chỉ có cách đó, huống hồ ai lại chẳng ngoại tình?-Tôi cúi đầu xuống.
– Uất Văn!-Thính Đồng ngồi nhổm lên nắm tay tôi, dồn dập hỏi.-Chị đừng nói là Cẩm Xương...
– A! Không, không. – Tôi vội khoát tay- Chẳng phải chuyện đó.
Đối với sự nhạy cảm của Thính Đồng, tôi đâm ra dở cười dở khóc, song cũng thật cảm động. Đối với thân phận, tâm tình, cảnh ngộ của Thính Đồng hiện tại, không thể không lo nghĩ đến Cẩm Xương, tôi nghĩ sẽ có ngày biết rõ về anh ta.
– Thính Đồng, thời buổi này lật tờ báo ra đọc chuyện ngoại tình không khó, hầu như nếp sống xã hội đến lúc phải như vậy!
– Ôi!- Thính Đồng thở dài- Làm sao nói với Thi Gia Ký đây?
– Cô tinh anh ta yêu cô sao?
– Tôi tin.
– Vậy là có hy vọng!
– Nhưng không chắc là yêu nhiều!- Nói câu ấy, Thính Đồng không che giấu nỗi buồn khổ của mình.
– Chỉ cần ít hơn vợ anh ta cũng đủ!
Không ngờ câu nói đơn giản của tôi lại khiến Thính Đồng bình tĩnh hơn.
Trong đời, gặp lúc khốn cùng, muốn thích ứng với cuộc sống cũng nên bày tỏ thực tình với người đồng cảm.
Thính Đồng là bạn tôi, cô gặp nạn tôi cũng thấy mình liên lụy.
– Uất Văn, làm sao nói với Thi Gia Ký đây? Đêm nay anh ấy rất thất vọng, anh ấy uống rượu ở nhà tôi, tôi tiếp rượu anh, rốt cục anh ấy say trở về nhà, còn tôi say lại chạy đến đây cầu cứu!
– Vợ anh ta chẳng chịu ly hôn sao?
– Chắc không chịu rồi!
– Thính Đồng, chúng ta phải đối diện với sự thật, là Thi Gia Ký không chịu hay là bà Thi không chịu, đó là vấn đề chính.
– Bà ấy không đồng ý! Anh ấy đã nhiều lần đề xuất, gần đây bà ta còn rêu rao,nếu hai chúng tôi còn liên hệ nhau thì bã sẽ mời ký giả họp báo.
– Cô tin sao? Thi Gia Ký tin sao?
Đấy là chiêu thức bức hổ vượt tường, nếu chẳng sống chung nhau thì đành giáp chiến.
Thính Đồng gật đầu.
Người trong cuộc thì tối.
– Tôi không tin vậy!
Tình thế đến nước này đã rõ, chẳng khác nào tay đã giương cung, không bắn ra không được.
– Thính Đồng, đã đến lúc kẻ chết người sống rồi đấy.
– Tôi biết.-Thính Đồng nhắp từng ngụm trà như thể nhắp từng hớp rượu giải sầu.- Tôi định gặp bà Thi, mọi người ngồi lại nói rõ một lần cho xong.
– Cô không đi được!
– Tại sao?
– Nếu việc thất bại ắt hết cứu vãn,không sao nói với Gia Ký được.
Vừa nói đến đó thì nghe bên ngoài cổng có tiếng động.
Một lúc lại yên tĩnh.
Hai cha con Cẩm Xương đi ăn tối trở về. Cẩm Xương vào phòng ngủ, thấy không có tôi ắt biết tôi ở phòng mẹ, chắc đã lên giường ngủ.
Tôi nhè nhẹ thở dài.
– Uất Văn, tôi phải làm gì đây? Theo anh ấy được không? Tôi...-Nước mắt Thính Đồng chảy dài.
– Để tôi gặp bà Thi xem sao!- Tôi nói.
Thính Đồng nhìn tôi.
– Cô yên tâm, cứ để tôi đi. Thành bại chưa ắt đã do người, trời đã định trước rồi, bất quá chỉ xem vận mệnh nghiêng về ai thôi! Thính Đồng, tôi muốn trước khi ra nước ngoài sẽ giúp cô việc này để sau này ở xa khỏi trông đợi!
Thính Đồng nắm chặt tay tôi:
– Chừng nào chị lên đường?
– Để xem ý Cẩm Xương ra sao!
– Cả nhà bắt đầu cuộc sống mới bên ấy, chị thấy dễ chịu không?
Tôi cười cười chẳng nói gì. Sắp tới, ở bên ngoài thế giới, tôi sẽ hòa nhập vào cuộc sống mới, một mình đương đầu với mọi việc, đâu biết được nó sẽ sáng sủa, đen tối, khổ não hay vui vẻ? Nhưng tôi quyết sẽ làm được, sống được, tôi không muốn bạn mình gánh thêm nỗi lo.
Tôi để yên cho Thính Đồng ngủ, cầm lấy quyển tiểu thuyết mới mua.
– Cô ngủ cho khỏe, ngày mai tôi sẽ hẹn gặp họ!
– Còn chị? Sao không ngủ? Đọc sách à!
– Chỉ xem một lúc thôi, tôi sẽ ngồi đây.
Thính Đồng nhắm mắt lại.
Tôi mở quyển tiểu thuyết Nửa đời trước của tôi của tác giả Diệc Thư, tập sách đang bán rất chạy.
Nửa đời trước của tôi? Vậy lúc nào thì kiểm nghiệm lại mình?
Trong khoảnh khắc, con người biết mình đã trưởng thành!
Còn tôi, nếu như giờ phút này mới trưởng thành thì e đã trễ nải không hay, cứ mê muội chưa tỉnh ngộ.
Sáng sớm, tôi chuẩn bị bữa ăn sáng như mọi ngày, mùi thơm thức ăn bốc lên bay khắp phòng ăn.
Bái Bái thấy tôi, nó ngượng nghịu nói:
– Mẹ, ăn sáng!
– Con ăn nhanh lên, sắp đến lúc đi rồi!
– Tôi làm như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Hai cha con cắm cúi ăn, mỗi người ăn hết bát cháo lớn.
Tôi đến phòng thăm Thính Đồng hai lần, cô ấy vẫn chưa tỉnh dậy. Tôi thấy yên tâm, nói với Cẩm Xương:
– Thính Đồng còn lại đây, em không đưa anh với con đi được! Tốt hơn cả, anh nên gọi điện kêu taxi.
Cẩm Xương nhún vai, vẫn chẳng thốt một lời, anh gọi điện thoại.
– Cẩm Xương!-Lúc anh ra đến cửa tôi gọi lại. - Anh bảo người bí thư lấy vé đi Canada cho sớm mới kịp, nghe nói mùa hè đông khách lắm.
Cẩm Xương quay nhìn tôi, gương mặt có vẻ thư giãn đôi chút.
– Được rồi! Anh sẽ đưa hai mẹ con đi, ở yên xong anh mới trở về!
Tôi gật đầu, đóng cửa lại.
Không có kẻ nào tình nguyện chịu khốn khổ cho người khác, trừ phi là yêu thương người đó quá.
Nếu như vậy thì e là quá đỗi.
Tâm linh vĩ đại, nói chung là rất hiếm hoi, không dễ gì được!
Tôi đương nhiên là yêu Cẩm Xương. Nhưng một thời gian dài trôi qua, phải chịu dựng thái độ của anh thì tình cảm tôi cũng đã giảm đi. Đôi vợ chồng chung nhà hợp tình đã thành ra trái ý, chi bằng đi khỏi cho xong để thời gian ngăn cách sẽ bồi dưỡng tình cảm!
Tôi bị buộc phải chọn lựa một cách thông minh.
Thính Đồng ngủ đến trưa mới trở dậy.
Lại một ngày.
Cô nhắc điện thoại gọi đến chỗ làm dặn dò công việc.
Người đàn bà làm việc ngoài xã hội, có đau thương khổ sở gì cũng không dám hé lộ! Phải làm lợi cho công ty mới có tiền chi trả các khoản chứ không phải đến để trang trí màu mè.
– Tôi phải về xưởng đây, hàng đống công việc đang chờ tôi giải quyết!
– Được. Có cần tôi lái xe đưa cô về không? – Tôi nhìn đồng hồ. – Còn thì giờ, tôi hẹn với họ vào buổi chiều.
Thính Đồng có vẻ run sợ, cô nhìn tôi muốn nói nhưng lại thôi.
– Yên tâm! Bà ta không nuốt được tôi đâu, khó tiêu hóa lắm.
Thính Đồng và tôi cùng cười.
– Nhờ chị!
Không ngờ hôm nay Thính Đồng lại giao phó cho tôi chuyện lớn lao như vậy.
Hiếm có cơ hội tận sức giúp bạn, tôi chỉ lo là không được việc.
Nhưng phải cố gắng hết sức mới biết được mệnh trời!
Tôi và bà Thi hẹn nhau tại một quán ăn Tây cạnh sân golf Phấn Lĩnh.
Chính bà Thi đề nghị địa điểm. Tôi ngạc nhiên vì chỗ đó quá xa, còn bà thì nói ở đó ngoại trừ ngày nghỉ, còn thì chẳng gặp ai quen biết.
Tôi cẩn thận và đành nghe theo bà.
Bước vào tiệm, tôi nhận ngay bà Thi Gia Ký, bà không đến một mình...
Ngồi bên bà Thi là một phụ nữ quen quen.
Tôi bước đến, chào họ và ngồi xuống.
Bà Thi giới thiệu:
– Quý vị gặp qua rồi, hôm đám cưới Truyền Ngọc Thư đấy!
Tôi chợt nhớ ra, đấy là người đi bên cạnh bà Thi và cô dâu.
– Đây là bà Phương Tín Sinh, Tín Sinh là trợ thủ đắc lực của giám đốc ngân hàng Thi Gia Ký!
Ông theo hầu ông, bà theo hầu bà. Trong xã hội mỗi người đều có địa vị, lập thành bè phái để tăng gia thế lực.
– Không ngờ bà Vương lại đến đây một mình. – bà Phương cười nói.
– Quý vị còn muốn có ai nữa? Mạnh Thính Đồng à?
– Cô ta không dám đến đây sao? – Bà Thi cười hỏi. - Hội chơi golf của tư nhân ở đây rất có tiếng, chỉ có hội viên chính thức và thân thuộc mới được đứng ra mời khách:
Mạnh Thính Đồng biết nguyên tắc này nên không dám làm khách của tôi.
– Làm khách của bà Thi, chắc chắn là mạo hiểm lắm; nhưng nếu đi với ông Thi đến đây thì lại việc khác.
Bà Thi liền ra vẻ đề phòng, nhìn lướt qua bốn bên:
– Họ đến đây sao?
– Không phải hôm nay! Bà Thi yên tâm, tôi chẳng qua là nói theo bà vậy thôi. Thực ra, chủ quyền ở đây chỉ ở trong tay một người, và bên bàn này, ba chúng ta chỉ là khách!
Hai người đàn bà ngồi trước tôi yên lặng.
Bà Phương Tín Sinh có vẻ thong thả, hỏi:
– Bà Vương làm gì?
– Chỉ là nội trợ của Vương Cẩm Xương!
– Bà Vương không giống một nội trợ trong gia đình.
– Nội trợ trong gia đình phải như thế nào, xin được nghe?
– Đàn bà đứng đắn ít ra phải chính danh và có ích lợi thiết thực mới được tôn trọng.
– Thưa bà Phương! Theo ý của bà thì tôi phải nói là:
Thính Đồng tuy là bạn, nhưng làm người cần có những nguyên tắc:
phải vì nghĩa lớn mà diệt trừ thân nhân mình, cô ta xâm phạm đến chồng người ta tất phải bị loại trừ đi chứ gì?
– Bà Vương không nghĩ vậy sao?
Bà Thi đưa mắt nhìn tôi, đôi mắt hàm ý đối địch đột nhiên chuyển biến thành hòa hoãn, mơ hồ, khó hiểu!
– Tôi không cho là vậy! Nếu như trong đời, người thân mình phạm phải tội phóng hỏa giết người, làm các điều ác hại thì tất phải vì nghĩa mà diệt đi cho rồi! Nhưng chuyện phải trái thị phi, chẳng qua là vấn đề quan điểm ở các khía cạnh khác nhau mà thôi! Cần gì phải lôi những nguyên tắc xử sự làm bùa hộ mệnh cho mình, tô điểm cho ngôn hạnh thật tốt đẹp để lẩn tránh đi trách nhiệm.
– Bà Vương! - Vợ Thi Gia Ký chậm rãi nói – Thính Đồng có được người bạn can đảm như bà, tôi rất hâm mộ!
Tôi tin bà nói thật vì khóe mắt bà đã rươm rướm lệ:
– Trên đời khó được người thật lòng yêu mến mình mà không điều kiện gì, trong dầu sôi lửa bỏng lại dang tay cứu giúp người.
– Bà quá khen! Tôi hẹn gặp bà chỉ là kẻ trung gian, chỉ mong được nói lời chân thực và có chút ý kiến! Việc có thể cứu vãn, song cũng phải do mọi người.
– Bà Vương thấy thế nào? Đối với ý của tôi, của Thính Đồng thì sao?
– Có trải qua mới nhận biết. Nếu như bà Thi không tha thiết mong tìm ra sinh lộ thì chắc đã không muốn gặp tôi!
– Đúng vậy, xin bà cứ nói, tôi lắng nghe đây!
– Điều muốn nói, tôi đã nói rồi! Tôi xin nhắc lại là ba người chúng ta đây đều là khách. Chủ nhân chỉ có một, người đó là Thi Gia Ký. Ông Thi là hội viên chính thức của hội chơi golf, ai lại không muốn dựa vào uy danh của ông để thành hội viên phụ thuộc, hoặc làm khách mời! Hôm nay có người cần đến ông ta ở đây thì ông ta không đến, hoặc ông ta đã cùng bạn bè đến Thâm Thủy Loan...
Nói đến đây, có vài hội viên người Nhật Bản đi vào dùng trà.
– Lại còn điều này, hội chơi golf ở đây liên kết với các hội golf khác trên thế giới, hôm nay họ ở Hương Cảng, ngày mai ở Nhật, mốt ở Hawaii, bữa kia ở San Francisco, nơi nào lại chẳng vui vẻ, có đề phòng cũng chẳng xong!
Gương mặt bà Thi đâm ra trắng bệch. Bà Phương ngồi bên nhìn chăm chú.
– Hội viên phụ thuộc cũng là danh chánh ngôn thuận, rồi họ cũng khoe khoang uy thế, tuy nhiên họ cũng chỉ có quyền ra vào mà thôi, họ làm sao ngăn hội viên chính quy mời khách quý. Nói khác đi, chủ nhân dù sao cũng phải giữ lấy thể diện, chẳng làm gì thái quá thì đó cũng là cách nhượng bộ rồi!
Bà Thi nhìn tôi ngơ ngẩn, đoạn chậm rãi nói:
– Bà Vương thông minh quá!
Đoàn Uất Văn này sống đến nửa đời người mới có người đầu tiên khen ngợi là thông minh - thật là lạ lùng làm sao!
Nhưng tôi rất cảnh giác, tôi không vui mừng, sự phải phân tán tinh thần. Kẻ địch đang ở trước mắt, không để sơ hở được.
– Bà Vương rất sáng! Chủ nhân phải giữ lấy thể diện, tôi cũng nghĩ vậy. Con người có nhiều việc rất đáng tiếc, tôi xin chịu một phần!
Lời nói quả lợi hại, tôi chẳng nói gì.
– Bà Vương thấy thế nào?
– Nếu bà Thi bình tâm tự xét ắt sẽ thấy lối thoát, cứ mặc cho sự tình có thay đổi lớn lao thế nào, bà cứ một mực yên lòng, chẳng nghe chẳng hỏi là được!
Thính Đồng bạn tôi cũng đã tính rồi, cô ấy sẽ chẳng làm khó cho ông Thi, giờ đây danh phận đâu có quan trọng! Hãy xem những người Nhật ở bàn kia, chúng ta làm sao phân biệt ai là hội viên, ai là phụ thuộc, ai là khách mời? Cho nên bà cứ yên tâm nghỉ ngơi là tốt nhất!
Thấy bà Thi yên lặng, tôi tiếp:
– Thưa bà Thi, hãy bình tĩnh nghe tôi nói. Sự việc liên hệ đến bà và Mạnh Thính Đồng! Nếu cả hai cùng tồn tại thì hẳn nhiên, cả hai đều chán nản, buồn rầu! Còn bà buộc Thính Đồng rút lui, ông Thi sẽ tức giận và đâm ra oán hận cả đời. Và rồi sẽ có Thính Đồng thứ hai, thứ ba xuất hiện! Số đó sẽ nhiều hơn đấy!
Chi bằng bà nhường một bước, tôi thấy ông Thi sẽ nghĩ đến bà mà chẳng làm giặc, cứ buông ông ấy, chắc chắn ông ấy sẽ nhớ bà cả đời!
– Bà đến thuyết phục tôi ly hôn sao?
– Tôi đến thuyết phục bà đừng buộc Thi Gia Ký vất bỏ Mạnh Thính Đồng, còn ly hôn hay không, không phải là đề tài chính!
– Bà biết tôi định làm gì sao?
– Một cách ngu chẳng ai bằng! Tôi không tin là bà sẽ ra tay như vậy!
– Tại sao?
– Nếu Thi Gia Ký nắm tay Mạnh Thính Đồng đến ngay lúc này, tất bà sẽ làm ầm lên cho mọi người trên đời này biết là ông chồng mình lòng dạ như thế đấy.
Vậy là mất cả mặt! Bà Thi, bà không thấy như vậy là trái lẽ lắm sao?
– Thi Gia Ký sợ tôi làm như thế sẽ hỏng hết!
– Rất đúng. Bởi vì ông ấy là chủ, dù có yêu thương bà và Thính Đồng thể nào thì sự nghiệp vẫn là trên hết!
Tôi thật ác độc, đã từng bước từng bước bức bách bà đến nỗi sắc mặt trắng bệch ra, trông thật thảm não, chẳng kém gì Thính Đồng đêm qua buồn khóc.
Ôi! Đòi người!
– Bà Thi, bà đã biết rồi đó, đối với đàn ông, họ trọng sự nghiệp hơn cả phụ nữ, vậy thì còn đau khổ vì cô gái khác làm gì? Chẳng cần phải đeo đuổi bức bách họ, nếu không, hậu quả sẽ không hay đâu!
– Cứ để họ như vậy, mỗi người nhường một bước. Họ Thi chẳng ly hôn, họ Mạnh vẫn còn đó! Kẻ trước người sau, mỗi người một nơi. Bà cứ lờ đi, chồng bà vĩnh viễn là chồng bà! Thính Đồng thì đắm chìm trong ái tình lãng mạn của cô ta, bà cứ mặc như không thấy!
Tôi đã chân thành nói hết!
Lái xe trở về, tôi vào phòng lăn ra ngủ.
Tôi hết sức mệt mỏi, như thể đã dốc hết tinh lực ra chiến đấu.
Tôi ngủ đến hơn 10 giờ, mẹ tôi mới đánh thức dậy.
– Mấy giờ rồi? – Tôi hỏi.
– Mười giờ rưỡi.
– Ôi! – Tôi ngồi dậy. – Còn Cẩm Xương, chưa về sao?
– Đã mười giờ rưỡi sáng rồi!
– Cái gì?
– Con mệt mỏi lắm. Đêm qua chẳng ăn tối. Cẩm Xương dặn đừng đánh thức con. Thính Đồng gọi điện đến hai lần, lại không muốn gọi con dậy. Sáng nay Cẩm Xương gọi taxi, đưa Bái Bái đi học rồi đi làm luôn. Con thiệt, không đau không bệnh mà lại ngủ dữ như vậy.
Tôi chợt cười lên.
Bỏ công sức mất hai ngày, theo tôi, chỉ cần dùng trí tuệ ứng đối là được việc.
Nghĩ lại, tôi có hơi run.
Mẹ nhìn tôi lạ lùng, muốn hỏi nhưng lại thôi.
– Mẹ, con không có gì đâu, mẹ yên tâm!
– Mẹ đâu có lo gì. Uất Văn, mẹ có chuyện muốn bàn với con.
Mẹ tôi hơi khách sáo. Đối với bà tất là có chuyện mong muốn gì đây - chẳng biết có gì khó khăn phải nói với tôi.
– Có chuyện gì, mẹ cứ nói.