P1 - Chương 6

Ông tổng Lỡi (dân làng vẫn quen mồm gọi thế) về thăm tổng Cuội đã là đột ngột, qua mồm làng Cuội nó càng trở nên li kì, bí hiểm rất vô căn cứ. Chẳng hạn: ông ta mới là tỉnh trưởng, người làng bảo: ông ấy là Thủ hiến Bắc Việt. “Chồng chị Đất, ông Kiêm ý, bây giờ chỉ huy đại đoàn quân Việt Minh, ông tổng Lỡi muốn dụ về quy phục quốc gia nên về dụ vợ con trước”. Lại đồn: ông tổng Lỡi về kì này truy tìm xem ai là người chủ mưu phá kho thóc nhà ông ấy. “Kì này không khéo ông ta móc họng cả làng, cả tổng chứ chả chơi”.
Thống Bứt vẫn dở say, dở tỉnh, dở khôn, dở dại, nửa thật nửa giả thế mà khôn ra phết. Lão biết sự đồn ấy láo toét. Lão kệ. Càng đồn việc lão làm càng oai. Lão biết thằng Bạt thì thọt với đồn Tây, cho lão nghỉ, nó kiêm chức xã uỷ xã Cuội rồi đưa bác ruột nó, lão móm ăn tham ra làm. Nhẽ ra nó thay rồi. Đột cái, trên sức về, tất cả mọi việc phải xếp lại, sửa soạn đón quan trên. Rồi ông được đồn Tây gọi lên, đích thân tên quan hai bảo: Xã uỷ và các bô lão xã Cuội phải đứng ra đón rước. Hương dũng, lính các đồn quanh vùng phải càn quét lại dăm bảy lần rồi phải canh gác, tuần tiễu ngặt nghèo và nghiêm trị kẻ nào có hành động chống phá. Tống giam bất cứ kẻ nào có hành động gì khả nghi.
Quan trên là ai? Chưa biết. Mà ông cũng chẳng cần biết. Quan trên nào chả thế. Ông thiết quái gì họ. Anh em bác cháu nhà Bạt nó định “chơi” ông, ông cũng đếch cần. Để cho chúng nó biết ngay việc tày đình ấy ông cũng chẳng coi là quái gì. Nó cũng phù phép như cái nghề thầy cúng của ông. Lạ gì. Thế là ngày nào lão cũng mặc quần trắng, áo the, đội mũ cát trắng rộng vành, cắp guốc ở nách, chống gậy ba toong. Một người lốc thốc, nghiêng ngả, tuệch toạc như lão, mà ăn mặc nghiêm chỉnh thì buồn cười. Càng sang trọng, sạch sẽ càng buồn cười. Lão chạy lên đầu làng, lao xuống cuối xã hò hét, réo gọi, hô hoán như một thằng mõ bắt các xóm, làng phải quét tước, dọn dẹp đường ngang, ngõ tắt, lau chùi đánh rửa đồ thờ, đồ tự, cờ quạt ở đình, ở miếu, nam phụ lão ấu, đều phải vá víu, giặt giũ, mỗi người phải có một bộ quần áo. Tất cả đều phải sẵn ra, sắp làm một việc hệ trọng như là mở hội, như là rước. Lão càng làm ra nghiêm ngặt, oai vệ, dân làng càng buồn cười. Nhưng lại nghe lão răm rắp. Nào, mọi việc xem có đâu ra đấy không? Lão cũng kinh chứ lị. Sợ gì! Quan trên hoá ra là tổng Lỡi, nay là quan tỉnh trưởng, oai phong, lẫm liệt. Hàng chục xe cam-nhông đỗ lại trên mặt đê. Quan tỉnh trưởng đi bộ giữa hai hàng cờ quạt, kèn trống linh đình. Từ nửa đêm, dân các làng đã được thúc ra miếu ông Cuội điểm mục xem đã đủ đầu người được phân bổ chưa? Điểm mục xong, phải xếp hàng thử. Đứng thử, ngồi thử, hoan hô thử, vẫy cờ thử, cả nhỡ khi bí quá không chịu được, cũng phải thử cách đi đái, đi ỉa trước mặt quan như thế nào mà không lộn xộn, không được để quan thấy. Tập dượt xong, lốc nhốc đi như chạy vào chầu chực ở chân đê. Chưa sáng hẳn, người từ đâu đến nghìn nghịt. Cả lính, cả dân, cả cha cố lẫn sư sãi cũng xếp hàng thử, vẫy cờ và vỗ tay thử. Đứng đầu là đội kèn bu dích của nhà xứ Gáo. Vừa xếp hàng vừa tập thử tò loe tí loét ỏm tỏi. Rồi đến lính bảo chính đoàn, lính dõng (ba-ti-dăng) hương dũng, bảo an tua tủa súng, búp đa, giáo mác cũng tập nâng lên hạ xuống băm bắp tiếng tay đỡ và tiếng thình thịch nện xuống đất. Rồi đến trưởng trùm và con chiên, sư sãi và các vãi. Rồi đến hội đồng hương chính và dân chúng các làng. Ông tổng dành cho xã Cuội cái vinh dự lớn lao là xã uỷ, hội đồng hương chính và các cụ bô lão xã này không phải đứng ở trong hàng mà lên đứng trên mặt đê, chờ quan đến. Nhưng các cụ cũng phải đi với dân làng vào đê. Từ nửa đêm các cụ đã đội khăn xếp, mặc quần cộc, còn quần trắng, áo the khoác lên cổ, guốc cắp ở nách, khòng khòng vừa chạy vừa thở lên đê, dứt nắm cỏ khô chùi chân rồi đi guốc, mặc áo, mặc quần, khoanh hai tay trước ngực chờ đón ông quan làng mình. Đứng tê cả chân, sụn cả xương sống mãi chín giờ rưỡi (ấy là nghe lính họ nói) xe tỉnh trưởng và quan hai Pháp ở đồn Thiệt đi giữa những xe cam-nhông lính hộ vệ đến nơi. Các cụ già tưởng chỉ giống trẻ con hay dỗi, hoá ra cả cái bệnh đi đái cũng giống nhau. Các cụ đứng khoanh tay, trẻ con thì cầm cờ vàng ba sọc đỏ quay đi, “tương” ngay xuống bờ cỏ rồi vội vàng nhét nó vào chỗ cũ, quay lại thản nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra. Cả các cụ và các cháu đều làm việc đó bốn năm lần mà vẫn chưa thấy quan lớn. Giờ tây của người ta tính toán đâu vào đấy, ai lại tam toạng như dân quê hò hét nhau đi từ nửa đêm. Sau quan chức cao cấp và bô lão làng Cuội là chức sắc các tổng. Rồi lính tráng và dân chúng đứng thành hai hàng từ mặt đê xuống dốc như hai cái tay vịn cầu thang chạy dài mãi đến tận miếu ông Cuội. Tỉnh trưởng và quan hai đi giữa những cái mặt cứng như mo khô vênh ngửa lên của lính đứng bồng súng và những cái đầu hơi cúi chỉ chực thưa, bẩm của các hội đồng hương chính. Trẻ con nhảy lên hoan hô và ngoáy tít thò lò những miếng cờ giấy vàng ệch. Các bà già và đám con gái mới dậy thì, thì mím chặt đôi môi, hai mắt hơi nhìn xuống tước cái sức lực còn mạnh mẽ và nước da đỏ như gà trọi của quan lớn. Đi theo sau quan, lốc nhốc tuỳ tùng gia nhân hầu hạ và bô lão làng Cuội. Xã uỷ Bứt đi sau cùng. Vì “cái đuôi” quá dài nên chẳng ai để ý đến lão. Lão cũng chả cần để ý đến bất cứ một ai. Lão chỉ lướt mắt nhìn đám người đứng hai bên là lão đã thấy rệu rão cả người. Vẫn những đàn ông, đàn bà, trẻ con người lớn của làng Nhập, làng Nhằng, làng Đại, làng Phù và của các làng Cuội cứ nhang nhác quen quen như là lão đã gặp ở hôm ăn tết độc lập, hôm đi nhận thóc trên đê hoan hô Việt Minh, đả đảo tổng Lỡi. Có cả những người cũng là Việt Minh, là du kích cùng với ông Kiêm, ông Cu Từ. Bây giờ hàng trăm người chết, người tù đày, những người đồng chí của họ còn lại đi bồng súng, ngửa mặt chào. Rồi xun xoe, hô hào khản cổ, chạy theo mong được quan lớn nhớ mặt, nhận họ hàng, dòng dõi, tổ tông, nhận là cháu, là em, là ở “chi” này, “chi” kia. Cái đám trông mặt cứ tơn tớn lên kia có nhẽ nó mong ngày mong đêm Việt Minh về đánh đuổi Nhật - Pháp cho nó thoát ách trâu bò, cho nó có thóc ăn để nó lại đi chỉ điểm giết Việt Minh. Mai kia không khéo Việt Minh kéo về nó lại ùa ùa theo tung hô tâng bốc “bảo vệ” Việt Minh hơn cả những nhà có chồng con bị bắn chết, bị chặt đầu bêu ở cọc. Cái bọn thời nào chạy cũng nhanh ấy, ông cứ gí dái vào mặt bố nó, để lên cả giường thờ nhà nó, đừng hòng nhờ ông cúng vái.
Dân chúng vẫn phải lẽo đẽo đi theo. Đám nịnh bợ bắng nhắng theo quan lớn như rác rưởi, dây dợ cứ cuốn dưới chân. Xã uỷ Bứt như cái đốt cuối cùng của cái “đuôi” đã đứt hẳn ra, rơi lại. Gần đến miếu ông Cuội, nói đúng ra gần đến chỗ cái rạp bắc trên nền miếu tưng bừng cờ quạt, tự nhiên quan tỉnh đứng lại hỏi thằng Bạt. Vì nó đi ngay cạnh quan, quan hỏi chứ không hề biết nó làm gì. Quan nhìn vào hắn mà như nói trống không: “Thống Bứt làm xã uỷ xã Cuội hả? Hay thật. Cái lão say ấy được cái tốt bụng. Nãy nhìn thấy, đâu rồi?”. Mọi người hốt hoảng nhìn quanh chưa biết nên nói thế nào, quan chỉ vào mặt Bạt: “Tìm đi”. Nói rồi quan gọi người đưa quan đi thăm lại cánh đồng và đầm Cuội.
Thằng Bạt vừa sung sướng vừa hốt hoảng xách súng chạy đi. Hôm nay nó mặc đồ Tây, thắt cà vạt, đội mũ ca lô, đi giày ống, trông như lính đồn, oai nhất vùng này. Được quan lớn sai là diễm phúc lớn cho nhà nó. Nhưng giá lão thống gàn ấy ở đâu đây, chứ không phải còn cách đến nửa cây số thế kia. Ăn mặc đại lễ mà phải chạy đi, quần áo xốc xếch, mồ hôi đầm đìa còn ra làm sao. Chạy đến nơi, hắn thở hổn hển quát:
- Ông có biết cụ lớn đến nơi rồi không?
- Sao lại không?
- Mà ông còn đứng đây? Coi trời bằng vung thật! Có nhanh nhanh lên không?
Thống Bứt định nhân dịp đón rước linh đình, “chơi” lại cánh nhà thằng Bạt cho nó biết tay ông không phải là đụt. Nhưng nhìn cái cảnh nó đã làm ông rã rời, ông cũng đếch thiết nữa. Ông vẫn đủng đỉnh nói gióng một:
- Về đi. Đằng này mỏi chân. Nghỉ đã.
- Lại say rồi phải không?
- Say cái mả thằng bố mày. Từ sáng đến giờ đái ra mà uống à?
Thằng Bạt gạt súng ra khỏi vai, chĩa vào mặt lão. Lão vẫn không thèm nhìn nó. Nó biết khó mà doạ được cái lão điên điên khùng khùng này. Nó cũng không thể hiểu tại sao quan lớn không hỏi ai, chỉ nhớ đến lão, bắt nó phải đi tìm. Nó cắn răng lại nén nhục, khoác súng vào vai, ngồi xuống gần như quỳ cạnh lão:
- Cháu lạy chú. Quan lớn bảo cháu phải mời bằng được chú về.
- Bảo quan, lão ấy bị cảm, đang đánh gió.
- Nhưng còn tiếp quan? Hôm nay là quan về thăm quê hương, quan muốn gặp lại bà con làng xóm, thì xã Cuội phải đứng ra nghênh tiếp.
- Xã Cuội còn ối. Anh không là người xã Cuội à?
- Nhưng chú là xã uỷ đại diện cho dân.
- Cái “xã rách” làm quái gì.
Biết khó lay được lão gàn, hắn xẵng giọng hỏi câu cuối cùng.
- Chú nhất định không về chứ?
- Không là không.
Hắn tím mặt, xách súng quay đi. Muốn bắn vào mặt lão mà phải nín lặng xách súng chạy quay lại. Dù thống Bứt đã mách nước cho hắn nói là lão bị cảm nhưng thế nào thì hắn vẫn không làm tròn phận sự với quan. Một việc quan sai lúc này bằng cả năm, cả đời luồn lọt vất vả. Người hắn cứ run lên, vì tức, vì tiếc rẻ. Nhỡ ra quan lại quở mắng nữa thì... tiên sư cái lão thống Bứt. Mày làm hại ông. Rồi ông sẽ không tha mày. Nhưng cái việc nó lo thót... lên đến cổ, quan lại không còn nhớ, nếu không muốn nói là quên. Quan nhớ đến thống Bứt chẳng qua quan biết thống Bứt chơi với anh em Từ, Mỡ. Từ, Mỡ lại là anh ruột của một cô bé mà cả đời, lúc nào quan cũng thấy thèm thèm, khao khát. Lấy thì con mụ ba giết quan. Quan đành phải yêu thầm, nhớ vụng. Vậy mà thằng con cả của quan ở bốt Thiệt lại... Cho đáng đời nhà nó. Hôm nay quan về đây không phải để cho lũ quân lính hí hửng kiếm chác, cũng không phải để hiểu dụ cho dân tổng Cuội. Quan cũng không thiết gì họ đón rước linh đình. Đã làm quan, phải biết ra oai, biết đánh lừa dân chúng để lúc nào họ cũng phải nghĩ rằng quan làm việc gì cũng là việc nước, việc dân, vất vả đêm ngày lo cho dân, cho nước, có lúc nào quan nghĩ đến việc riêng, lo toan gia thất. Bởi thế quan phải sức cho các nơi. Cũng như ngày xưa quan sức cho các làng phải lo toan việc rước nước, lo hội thi nói khoác ở miếu ông Cuội là vì một con bé mà quan đã nhìn thấy. Bây giờ vẫn là con bé ấy quan phải sức đi các nơi việc quan về quê phủ dụ dân hướng về quốc gia mà phụng sự! Quan phải mục kích xem dân chúng đã thực sự yên ổn làm ăn! Quan phải kiểm tra bọn Việt Minh đã thực sự “mất đất” chưa? Và... Bao nhiêu việc cấp bách nữa quan phải làm. Nhưng... những cái “phải” ấy đã làm quan mất thì giờ, vô tích sự... Chuyện kinh lí của quan nếu không có cái đoạn “phải dò xét âm mưu xảo trá của con vợ thằng trùm Việt Minh nguy hiểm” thì coi như vứt mẹ nó đi. Đấy là lúc quá trưa, tên quan hai đã phải trở về bốt, quan lớn hàng tỉnh đột ngột hỏi thằng đồn Bạt:
- Bọn Việt Minh chống phá ra sao?
- Bẩm quan, trừ tên Kiêm thoát li trước ngày Quốc gia về cai trị tổng ta, còn lại tên nào, chúng con đã lần lượt “cất vó” hết. Hiện chúng đang bị giam trên các đồn Tây.
- Còn cha mẹ, vợ con nó ở nhà?
- Dạ không một đứa nào dám ho he chống lại.
- Thôi được. Dẫn quan đi thị sát xem sao.
- Dạ... dạ... - Thằng Bạt nói gần như líu lưỡi lại, rồi theo lệnh nó phải đích thân dẫn quan đi. Sau khi đưa quan vào nhà hai tên Việt Minh đang bị giam trên đồn Tây, quan bắt dẫn quan đến nhà vợ tên Kiêm trùm Việt Minh. Nhìn túp lều gọi là “nhà” thấy vắng lạnh, quan quát:
- Nó đâu? Tại sao hôm nay không đi đón quan?
- Bẩm quan lớn. Dạ... Bọn nguy hiểm phải tập trung ở đồn không được đi.
- Đồn nào?
- Dạ... dạ... thưa... Bẩm quan ở địa hạt tổng này.
- Mày định để tao đến tra hỏi cái xác nhà không này à? Ngu. Ngu hơn con lợn.
Thằng Bạt run lẩy bẩy vội sai bọn hương dũng đi đưa mẹ con Đất về. Quan ném cái bực bội nhìn ra phía trước cửa hỏi:
- Nhà ai?
- Dạ, bẩm quan nhà tên Từ Việt Minh. Còn đằng sau đấy là tên Mỡ, em nó, cũng là Việt Minh.
- Đã cho rà soát kĩ chưa?
- Dạ bẩm kĩ rồi ạ.
- Chắc không?
- Thưa... Con xin lấy đầu ra bảo lãnh. Đây là khu tối trọng điểm nhất. Chúng con phải theo dõi suốt cả ngày cả đêm không hề có lúc nào chúng con...
- Thôi! Cho cút tất! - Quan thẫn thờ đi đi lại lại từ sân nhà Đất sang đầu nhà Từ rồi thẫn thờ quay trở lại. Đây không giống chỗ quan đã nhìn thấy ngày xưa. Cảnh tan hoang ắng lặng như một bãi tha ma! Cái túp lều mẹ con Đất ở trông như một đụm rác đổ nghiêng. Ruột gan quan cứ nẫu ra. Nước mắt dâng lên ở hai vòm mắt và sống mũi hăng hăng cay, quan phải lấy khăn mùi soa ấp chặt vào mặt để nó hút lấy những giọt nước mắt có thể chảy ra. Hơn mười bốn năm giời rồi! Giá như nó cứ nanh nọc, độc ác, cắn xé và tham lam như hàng chục con đàn bà khác thì quan chỉ cần vứt lại ít tiền, cùng lắm cho bọn hầu hạ ban phát cho nó một chút ân huệ gì đấy rồi ráo tay là xong. Hết nợ. Đằng này! Nó cứ lặng lẽ cắn răng nuôi con giữa rừng rú, không đòi gì, không than thở trách móc một lời. Một con bé ngơ ngác thật thà lúc nào cũng là người lớn, còn quan lớn như một thằng trẻ ranh. Hèn. Một thằng kẻ cắp đã cuỗm mất cả thời con gái của nó. Thực ra, quan không bao giờ muốn rời bỏ nó. Nhưng quan lại không có cách gì vượt ra khỏi vòng kiềm toả của các mụ vợ quan, để có thêm một bạn đời thứ tư. Ba con quỷ cái như ba cái chân kiềng kìm chặt lấy quan bằng những cách khác nhau, cách nào cũng độc địa khó lường. Giữa dạ mà nói, hai mụ trước của quan cũng đần độn, đâu đến nỗi. Nhưng con mụ ba mưu mẹo xảo trá khi nó biết “hai chị” “không xơ múi” gì nữa nó liền tỏ ra “nhường” hết cho các chị rồi lập liên minh tay ba có tất cả con cái cộng sự “lo cho ông nhà chúng mình”.
Bọn hương dũng không dám đi theo. Ba mẹ con Đất lếch thếch đem nhau về. Khi nhìn thấy thằng con mình suýt nữa quan “ớ” lên một tiếng và nhao lại ôm nó. Cái miệng rộng, sang. Hàm răng hơi nhô vừa đủ để là người có duyên, xởi lởi, không vổ. Cả cái miệng, hàm răng và mái tóc rễ tre là của quan, không trộn vào đâu được. Chỉ có điều hai má và cằm của quan núng nính làm cái miệng quan hơi thụt lại, hàm răng cũng như lui vào, còn lớp da mặt nó sát tận xương như đẩy cái miệng nhô cao hơn. Nhưng đích thực là cái mặt của quan những năm lên chín, lên mười.
Quan cười cười đi gần lại hỏi thằng bé trước:
- Họ bắt mẹ con cháu lên đồn hả?
Thằng bé gườm gườm quay mặt đi.
Trời ơi, cái mắt gườm gườm, cái mặt sưng sỉa kia là của bố con hồi nhỏ chứ ai. Quan đi gần lại phía mẹ nó nói nhỏ:
- Cô bảo, con chơi với tôi một tí.
Nét mặt Đất không hề thay đổi, chị nhìn theo bảo con:
- Xem mồi còn lửa, cạo khoai nấu cho em bát cháo, con.
Có một cái gì làm ruột gan quan như thắt lại. Quan đi theo con chui vào cái lều quây bằng cây ngô và lá chuối. Thằng bé thổi lửa chưa lên. Quan cúi xuống giúp nó. Nó rụt cái mồi rơm lại. Quan cười cười hỏi:
- Nấu nhiều nhiều cho bác ăn với nhá!
Im lặng.
- Cháu đi học chưa?
- Bạn hương dũng nó có hành hạ mẹ con cháu nhiều không?
Vẫn lặng thinh.
- Hàng ngày mẹ con làm gì để kiếm ăn?
Bỗng thằng bé oà khóc đứng dậy:
- Ông có định giết mẹ con tôi cứ giết đi, không việc gì phải dò la.
Hai mắt quan cay cay. Quan giữ lấy tay thằng bé, lấy khăn mùi soa chấm chấm nước mắt rồi rút tiền đặt vào tay nó.
- Bác người làng này. Bác cho con.
- Ông có nhiều tiền cứ nuôi lính ông đi bắn giết đồng bào, không mua chuộc dụ dỗ được tôi đâu.
Thằng bé giật tay khỏi tay quan, lao ra đứng ở ngoài cửa. Ông quan đần mặt như kẻ thất trận.
- Thôi cháu cứ vào mà nấu cháo. Không cho bác nói chuyện thì thôi.
Quan nặng nề chui ra khỏi túp lều đứng nhìn nó có vẻ thèm thuồng như muốn được làm thân với nó. Nhưng nó lại đi ngay vào bên trong không cho quan nhìn.
Ở chỗ đầu nhà cũ, nay là luống rau cải mới trồng, Đất ngồi ôm con bú, chị vội vàng đưa tay áo quệt nước mắt cứ lặng lẽ giàn xuống miệng. Quan đến bên, đứng ở phía sau chị, nói:
- Tôi có lỗi với cô quá.
-...
- Vì cái thế tôi không thể chăm lo mẹ con được. Nhưng tôi không phải là thằng đểu cáng đến nỗi thế đâu. Tôi biết, khi có con đáng ra phải cho cả bàn dân thiên hạ biết mình đã có con, mình sung sướng như thế nào. Nhưng cô có con thì như một cái hoạ phải trốn lủi, phải giấu kín mọi chuyện, không được hé răng nói với ai nửa lời. Con có bố mà cũng không biết mặt bố, cả đời không được gọi một tiếng “bố”. Nhưng tôi thì cũng thèm gọi nó một tiếng “con” mà nó không cho gọi. Tôi không dám trách gì mẹ con. Tôi chỉ mong mẹ con đừng coi tôi là kẻ lừa lọc, tráo trở quá đáng như thế.
-...
- Cả chuyến này tôi chỉ cốt để gặp mẹ con xem mẹ con ăn ở ra sao. Chúng nó đồn bao nhiêu chuyện nguy hiểm, bậy bạ sau vụ ở bốt Thiệt. Ngày ấy tôi đã bắt chúng nó phải thả về nhưng không biết về nhà nó còn hành hạ mẹ con như thế nào?
Im lặng.
- Nếu thấy gì khó, cần ở tôi...
-...
- Chả nhẽ cô lại không thể nói với tôi một lời. Nói gì cũng được. Cô thấy có những gì cần ở tôi, cứ nói đi.
- Tôi chỉ cần ông đừng bao giờ nói gì về đứa con tôi.
- Thôi được. Cứ biết thế đã. Tôi nghe cô. Còn gì nữa nào?
- Đừng bao giờ làm hại đời những người con gái nữa.
Hai hàm răng ông quan phải cắn vào môi như muốn bật máu. Một lời kết án, lại là sự răn dạy làm quan đứng lặng như chết một lúc rồi bảo:
- Thôi, cầm hộ cho tôi ít tiền tôi cho con.
- Đền ơn ông. Mẹ con tôi sống thế này mười mấy năm nay nó quen rồi.
Chị nhất định không cầm. Ông nói như van lạy chị cũng không nhận. Ông đành quay đi.
- Nói với con hộ tôi. Tôi đi.
Nước mắt người đàn bà tự nhiên lại giàn xuống hai má. Chị phải ôm ghì lấy con, chạy vào gục đầu xuống ổ khóc tức tưởi. Thằng Hiếu đứng lặng nhìn mẹ nó. Hai mắt nó vằn lên như lửa cháy. Nó hiểu chính tên quan tỉnh trưởng giả bộ thương xót dân chúng nghèo đói kia đã nói những gì để mẹ nó phải đau đớn đến nỗi này.
Ra đến ngõ, quan cho gọi thằng đồn trưởng lại:
- Từ nay không được bắt con vợ thằng Việt Minh ấy đi trình diện nữa.
- Bẩm quan vâng ạ.
- Cho hương dũng bảo an đập tường nhà tao mang gạch đến xây cho nó. Mà nhà không bị đốt, ngói, gỗ đâu?
- Dạ... Bẩm thưa quan... Bọn du kích Việt Minh sợ trên đồn lấy nhà quan làm chuẩn căn đại bác nên nó dỡ vứt gỗ xuống ao, ngói xếp lại và phủ... Đến khi xây đồn con đã cho mang về đồn để chờ thỉnh quan.
- Đưa hết đến làm đúng như nhà cũ cho nó.
- Dạ bẩm... Sợ con mẹ nó không ở.
- Không phải cho nó. Ngày con mẹ nó chết tao đến, anh em nó bảo cái nhà đó coi như của chung để thờ tổ tiên, sau này gọi là nhà thờ họ. Mẹ con con Đất về ở đấy là trông coi quét dọn chứ quyền gì. Đây là quốc gia bảo vệ những nơi tôn nghiêm thờ cúng. Như tao đã cho lệnh xây dựng tu sửa lại miếu ông Cuội nghe chưa?
- Dạ bẩm quan...
Rồi như sợ đám hương dũng ngu không hiểu hết mưu sâu của quan đối sách với bọn Việt Minh, quan phải giảng giải:
- Con Đất là vợ thằng Việt Minh đầu sỏ ở vùng này. Muốn thu phục nó quy hàng hoặc ít ra cũng không để nó tuyên truyền nói xấu Quốc gia, thì Quốc gia lại phải tỏ là Quốc gia đại lượng. Như tao không thèm đếm xỉa gì đến tất cả đám dân chúng ngoại bối đã cướp hàng vạn tấn thóc của nhà tao. Nghe không?
- Dạ, bẩm quan. Chúng con xin vâng lời quan trên anh minh quảng đại ạ.
- Sức cho các làng nội nhật từ nay đến tết phải tu bổ xong miếu ông Cuội và làm lại nhà thờ họ cho tên Việt Minh đầu sỏ. Phải làm cho dân chúng hiểu Quốc gia bao giờ cũng tôn thờ trời phật tổ tiên chứ không như bọn cộng sản khố rách áo ôm vô thần.
- Dạ thưa... Bẩm quan lớn các đình chùa khác thuộc tổng này...
- Cái gì?
- Dạ bẩm, con định trình quan những đình chùa khác thuộc tổng ta bị đồn Tây và quan quận cho phá xây đồn thì chúng con sẽ phải...
- Ngu. Quan lệnh đến đâu hãy làm đến đấy. Sức nào một lúc làm lại được tất cả. Hiểu chưa?
- Dạ dạ... dạ dạ...